1001 Truyện Ma Kinh Dị

Chương 2: Ngày 2: Trùng Tang Bên Hồ Âm Phủ ( Truyện Dài )

Ảo Ma Công Tử

17/07/2022

Phần 1 : Trọng án nhà họ Chu

-------

Tuy chỉ mới đầu giờ Sửu, trên con đường quanh co chốn làng Thanh Điền, thấp thoáng đã thấy 3 bóng người lù lụ. Họ bước đi từng nhịp gấp rút, mặc cho tiết tháng này mưa sa lạnh buốt.

Đấy là ông Mai – Nho gia có tiếng tăm nơi đất ngoại thành, tỏ tường chuyện vạn vật, đặc biệt tài xem các quẻ. Theo sau là hai cậu học trò, thân với ông Mai như ruột thịt.

“- Thưa thầy, thầy có thể định lại cho chúng con tỏ sự tình?”

Đôi mắt ông Mai vẫn đăm đăm về phía trước. Im lặng một chập, ông vừa đáp, hai hàm răng vừa va nhẹ vào nhau:

“- Kể từ khi hay tin thuyền của ngự sử gặp nạn trên sông Thị, đêm nào, thầy cũng mộng mị chuyện về thủy tộc. Chúng như chùm hạt châu nhỏ, sau tựa đồn lũy, sức có thể đuổi kịp gió chớp, trời cũng khó lòng cản phá!”

“- Ý thầy là…Họa đã sắp giáng xuống vùng ta?” - Một cậu học trò lên tiếng.

Ông Mai gật đầu, đôi mắt trông về phía bầu trời tối đen.

“- Đêm lòng bất an, trằn trọc không thể nhắm mắt. Hòng chứng sự, thầy gieo quẻ, khấn trước Sư tổ. Luận được rằng : Trước có đại thủy, sau là non cao. Tiến không được, lui không xong. Gông xiềng sắp tròng vào vì chẳng may đắc tội với quan quân. Nếu còn ở lại đây, chúng ta ắt liên lụy. Cậy sao Bắc Đẩu dẫn lối, lánh nạn một thời gian. Khi chuyện yên ấm, chúng ta sẽ trở lại.”

Nghe vậy, hai cậu học trò đều hớt hải. Một người kéo chiếc tay nải nặng trĩu trên vai cho ngay lại. Bỗng nhiên, cảm giác có vật gì vừa vô tình rơi ra, cậu khựng lại ngó chung quanh nơi đám cỏ ven đường. Tuy nhiên, mãi cũng chẳng thấy gì cả.

Ông Mai nhìn về sau, đưa tay thúc giục.

“- Khẩn trương lên! Chắc đã sắp qua giờ. Thầy không muốn có ai trông thấy chúng ta!”

Bóng của ông Mai và hai cậu học trò dần khuất sau con đê. Dòng nước đen ngòm bên dưới khẽ sục sạo



Làng Thanh Điền thuộc huyện Loan Kỳ, phía bờ bắc sông Thị, một vùng đất ruộng đồng trù phú, có nhiều kênh rạch, cách kinh thành không quá nửa ngày đường. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông, đánh bắt cá và giao thương với các vùng lân cận.

Hôm nay có họp chợ, do vậy không khí cũng nhộn nhịp hơn thường ngày.

Trong tiếng cười cười nói nói, vài âm thanh gắt gỏng khó chịu đâu đó vang lên :

“- Trời ơi! Nó tới kìa! Đuổi nó đi mau! Cút! Cút!”

“- Ơ…Sao thế?”

“- Ông phương xa tới nơi không biết! Thằng ấy mang theo vong rủi, nó xuất hiện là chẳng bán buôn được gì!”



Những cánh tay hất lên xua xua, đuổi đuổi, có người nhặt cả đá vứt về phía “thằng họa”. Ở làng này, ai cũng gọi chàng thanh niên khoảng độ hai mươi ấy với cái danh như vậy. Mà quả thực, sau một biến cố, anh ta chẳng còn nhớ nổi tên mình là gì, nên ai gọi sao thì nghe vậy.

Họa suốt ngày rong ruổi trong bộ dạng người chẳng ra người, ma chẳng ra ma. Tóc tai bờm xờm, quần áo tả tơi, da mặt thì đen đúa. Khi đói nhặt được gì ăn nấy, khi no thì chơi đùa, trêu chó, chọc trâu. Thây thì lớn, nhưng đầu óc ngây ngô đến lạ, tuyệt nhiên, chẳng bao giờ phản kháng hay làm hại đến ai.

Lẽ ra sẽ chẳng có kẻ nào bị gọi là “thằng họa”, ý chỉ sự xui xẻo, tai ương. Nhưng âu cũng tại cái số nghiệt ngã, chuyện xảy ra cách đây độ tám năm trước…



(Tác giả xin tạm thời không đề cập đến tên thật của “thằng hoạ”, nhưng vẫn viết hoa tên của người này và xem đó là đích danh nhân vật).



Sau những nỗ lực chạy chữa thuốc thang, nhờ thầy chốn xuôi, chốn ngược, mẹ của thằng Hoạ trút hơi thở cuối cùng, để lại hai cha con nó giữa căn nhà lụp xụp trống vắng. Khi dùng hết phần của ít ỏi còn lại để chi việc mai táng, dần dần trong nỗi đau buồn, người cha lâm bệnh, nằm liệt giường.

Lúc ấy, Họa vẫn còn “tỉnh táo”. Vì muốn kiếm kế chăm cho cha, thằng bé đi khắp nơi xin làm thuê nhưng chẳng đâu nhận cả, âu cũng tại trông nó ốm yếu gầy gò.

Bà con quanh đấy thấy vậy thương tình, nên thường mang cho đồ ăn thức uống và hỏi han, săn sóc giúp người cha khi thằng bé ra ngoài.

Nhiều ngày liền, không thấy Họa về, ai cũng lấy làm lạ. Cho đến khi có vài người trông thấy nó đi theo thuyền nhà họ Chu. Đây là gia đình bề thế nhất nhì trong huyện Loan Kỳ thuở ấy. Do vậy, việc tuyển chọn người ăn kẻ ở cũng xem xét kỹ lưỡng. Việc thằng Họa được nhà ấy nhận, có thể coi là rất kỳ lạ và đôi chút hoang đường…

Không dừng lại ở đó, cha thằng Họa vài ngày sau cũng dần bình phục, được theo vào ở cùng con trai. Những chuyện về cuộc sống của phụ tử kia tại nhà họ Chu, đến nay vẫn chẳng ai biết rõ.



Trong một đêm trời không trăng không sao, có ông bán dầu vác gánh về ngang nhà họ Chu. Ông chợt nghe có tiếng lộc cộc phía trên đỉnh đầu. Trong lòng chợt dấy sự âu lo, ông này nấp tạm vào lùm cây gần đó. Trông lên thì thấy những người mặc áo đen đang di chuyển lả lướt trên mái nhà họ Chu.

Tay kẻ nào cũng nắm thanh gươm chói lóa. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, những âm thanh "sừng sực" bắt đầu vọng ra giữa đêm vắng. Mọi thứ dường như diễn ra rất gọn ghẽ, đến nỗi con chó vừa cất tiếng sủa, đã tắt ngay chỉ chưa đầy cái chớp mắt.

Ông bán dầu phần nào đoán được điều gì đang xảy ra trong ngôi nhà rộng lớn kia. Tay chân ông co rúm, chẳng dám rời bụi cây nửa bước. Chỉ biết ngồi đó khấn Trời Phật, cầu mong họ Chu bình an vô sự. Bởi vợ chồng chủ nhà đó trước đến nay thường làm việc thiện, nên bà con quanh vùng, ai ai cũng cảm kích vô cùng.

Tờ mờ sáng, ông bán dầu giật mình tỉnh giấc, chẳng hay mình đã ngủ quên tựa khi nào. Thấy vài ba người đi ngang qua lộ, ông bán dầu vội chạy ra kể chuyện hồi tối.

Tới gần cửa lớn nhà họ Chu, mọi người phát hiện ngay có vệt m.á.u loang ra ở khe đã khô lại. Rõ sự không lành xảy đến thật, họ lập tức đi trình báo tổng.

Lát sau, đến đám sai nha ở huyện cũng có mặt, phá cửa xông vào. Vừa bước vô đã thấy thi thể hai kẻ coi gian trước dựa thân vào vách, đầu lìa khỏi cổ. Quanh đây còn có một mùi thơm thoang thoảng rất lạ, tới nay vẫn chưa xác định được.

Trong làn khói sương là đà chốn khuôn viên, x.ác kẻ hầu nằm ngổn ngang. Vào bên các phòng kiểm tra, người nhà họ kia đều đã bị s.á.t h.ạ.i.

Điều khiến ai nấy đều bàng hoàng, đó là con trai ông Chu nằm sấp ngay trước thư phòng, chân đứt lìa, thân bị b.ổ ra làm đôi. Phía trên mái có một lỗ to, chắc hẳn bọn sát nhân đã vào bằng đường ấy, quyết đoạt mạng người này khi anh ta tìm cách thoát ra ngoài

Sau khi xem xét toàn bộ những ngỏ ngách trong nhà, tổng lẫn quan huyện xác định chẳng ai còn sống sót. Nhưng, khi đám sai nha vòng ra phía sau lần nữa thì nghe thấy có tiếng khóc văng vẳng. Nó phát ra từ một cái giếng bị cỏ cây phủ lấp.

Ông quan huyện bèn cho người buộc dây leo xuống. Bên dưới hoàn toàn cạn nước. Kẻ khóc lóc nơi đáy giếng, không ai khác, đấy chính là thằng Hoạ.

Lúc lên trên, vừa trông thấy ánh sáng Mặt Trời, nó thôi khóc, thay vào đó bắt đầu nói lảm nhảm.

Suốt nhiều ngày liền tại huyện đường, mọi người tìm cách tra hỏi, nhưng thằng Hoạ vẫn chẳng cung cấp được thêm tình tiết gì về đại án. Vì mức độ nghiêm trọng, phức tạp, cũng như bề thế nhà họ Chu, tuần phủ đích thân tới huyện Loan Kỳ để thị sát.

Có người giả định rằng: Thằng Hoạ chỉ đang giả cuồng, vì nó câu kết với bọn sát thủ, nên chỉ duy nhất nó còn sống. Thông qua việc thằng bé ấy bên dưới giếng sâu, rõ ràng phải có sự hỗ trợ từ ai đó mới xuống được mà vẫn lành lặn. Chẳng những thế, cây cỏ phủ lên miệng giếng một cách không tự nhiên cũng là minh chứng cho việc này.

Nhưng tuần phủ bác bỏ lập luận ấy. Các thầy lang được mời cũng khẳng định thằng Hoạ đang gặp phải chứng uất (có rối loạn về tâm thần).

Bên cạnh đó, bà con chung quanh cũng góp lời : Thằng bé này hiếu thảo vô cùng, chẳng ngại khó khăn, tìm mọi cách lo bệnh cho cha. Nên chẳng lý nào nó vì bản thân mà để bậc sinh thành ch.ết tức tưởi dưới tay kẻ lạ.

Tuần phủ nghĩ rằng bọn sát nhân mang ý tận diệt. Do vậy nếu chúng biết ai đấy ở nhà họ Chu còn sống, chúng sẽ quay lại, đây cũng là cơ hội để vây bắt.



Nhiều ngày liền, luôn có người âm thầm theo dõi thằng Họa. Nhưng, cả tháng trôi qua, điều tuần phủ mong mỏi đã chẳng xảy đến.

Suốt một thời gian dài, không có thêm manh mối gì, tất cả như bị vùi sâu vào bóng tối, cuối cùng trọng án nhà họ Chu cũng đành đóng lại. Nhưng điều này đã gây nên nỗi sợ hãi và bất an trong lòng bá tánh huyện Loan Kỳ. Một vùng đất được xem là thanh bình bậc nhất chốn ngoại thành, nay, lại có những kẻ gi.ết người hành tung rất chi là bí hiểm.

Nhà họ Chu chốc chốc trở thành nơi hoang phế. Ban ngày ai đi ngang đều cảm thấy ớn lạnh. Có mấy người rỉ tai nhau, nhìn vào trong thi thoảng vẫn thấy ông Chu chăm sóc hoa cỏ. Nhưng, làm gì có ai đâu, chỉ chiều chiều nghe tiếng quạ kêu, khuya trời mèo gào não nề.

Về phần thằng Họa, nó quên luôn cả đường về nhà. Người ta thường thấy nó ngủ bờ ngủ bụi. Có mấy người không khỏi giật mình, khi thi thoảng sáng sớm thấy thằng ấy leo ra từ vách nhà họ Chu.

Ai hỏi gì, nó không đáp mà cứ chỉ trỏ lung tung, mồm cười cười. Nhưng dường như nó vẫn nhận thức được khi có ai bắt chuyện.

Nhiều người cho rằng: Việc thằng Họa “tình cờ” được nhận vào nhà họ Chu như ma xui quỷ khiến. Tai bay vạ gió ắt là do nó đại khắc với gia chủ.

Chưa dừng lại ở đấy, chẳng hiểu hà cớ gì, thời gian sau, cứ mỗi lần thằng này tới gần ai, y như rằng người ấy gặp ngay sự rủi.

Có lần ông Hào đang chặt cây, suýt bị gỗ đè mất mạng chỉ tại hỏi chuyện nó. Bà Phan còn thê thảm hơn, trèo cau hái quả thì bị ngã gãy cả chân, cũng tại nhờ thằng Hoạ trông giúp đồ đạc.

Dân làng lời ra tiếng vào: Thằng này vẫn lui tới nhà họ Chu, đêm đêm chuyện trò cùng kẻ âm. Nên vong ma quấn lấy nó như hình với bóng. Nó hóa rồ, chắc vì có nhiều “người” họ Chu đi theo.

Âm dương tương khắc, cho nên, đụng phải thằng ấy, dĩ nhiên gặp chuyện chẳng lành. Tốt nhất tránh nó càng xa càng tốt, để không nhận lấy kết cục như gia đình kia...

Kể từ đấy, chẳng còn ai gọi thằng bé “xui xẻo” bằng tên thật của nó. Chỉ đơn thuần là “thằng Hoạ”.

Nhà họ Chu trở thành chốn hoang địa, dẫu việc công cũng không dám dụng tới – Đến nay, rêu phong phủ kín tường, bìm leo tím cả ngõ, nhưng ẩn khuất chưa một lần được tỏ tường.





Hoạ rời khỏi phiên chợ, anh ta từng bước cà rề, vô thức về phía đoạn đê. Chỗ này thanh vắng, ít ai qua lại, nên những kẻ ham mê trò đỏ đen thường lập chiếu bạc tại đây. Âu cũng vì thời này, triều đình gắt gao trong việc cải cách quốc gia, nếu thói hư đây mà bị phát hiện, kẻ phạm khó tránh việc tịch thu tài sản và dụng hình, đáng sợ nhất là ch.ặt cả ngón tay.

“- M.ẹ tổ nhà nó! Mới sáng ra đã thua gần 2 lạng!” – Giọng cậu Tính oan oản đầy tức tối.

Nếu xét về một trong những người thuộc lớp giàu có tại huyện Loan Kỳ thời điểm này, thì phải kể đến bá hộ Dương, họ T.

Em trai của ông là Vĩnh Sự - nắm chức huyện thừa (quan lo việc sổ sách trong cấp hành chính sở tại). Và cậu Tính chính là con cả của bá hộ Dương. Do vậy, người này cậy thế, tiêu tiền như nước, ăn chơi phóng túng, không lo làm mà chỉ hưởng thụ tài sản.

Cậu Tính đang thua bạc, trong lòng bứt rứt khó chịu. Đảo mắt chung quanh, hắn vô tình bắt gặp Hoạ đang nghịch vài bông hoa gần đấy, mồm liền réo lên:

“- M.ẹ tổ nhà mày! Ra là thằng xui rủi lởn vởn quanh đây, thảo nào càng đánh càng thua!”

Vài kẻ chêm vào:

“- Phải đấy cậu, tôi mất gần năm trăm đồng rồi! Cũng do thằng khốn đấy đấy!”

“- Ừ! Ừ! Ra tẩn cho nó một trận giải xui đi cậu!”

Tên Tính hớp chung rượu, hắn với chiếc đùi gà rồi cắn một miếng. Rời khỏi chiếu bạc, Tính và vài ba kẻ rách việc tiến lại gần Hoạ...

( Tobe continued )...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
Linh Vũ Thiên Hạ
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện 1001 Truyện Ma Kinh Dị

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook