Ấn Tượng Sai Lầm

Chương 6

Jeffrey Archer

18/05/2015

Jack Delaney vẫn chưa biết chắc Anna Petrescu có phải là một kẻ tội phạm hay không.

Đặc vụ Jack Delaney của FBI nhìn theo Anna khi cô biến vào đám đông trên đường quay trở lại Thornton House, rồi anh chạy chầm chậm qua Sheep Meadow về phía hồ. Anh nghĩ về người phụ nữ mà anh đang điều tra trong sáu tuần qua. Cô ta không biết rằng một cuộc điều tra nữa cũng đang nhằm vào sếp của cô, một kẻ mà Jack tin chắc rằng đích thực là một tên tội phạm.

Đã gần một năm trôi qua kể từ khi viên sỹ quan phụ trách của Jack gọi anh tới văn phòng của ông ta và giao cho anh một đội điều tra gồm 8 nhân viên với một nhiệm vụ mới. Jack phải điều tra ba vụ án mạng khủng khiếp tại ba châu lục và cả ba vụ này đều có cùng một điểm chung: nạn nhân bị giết chết sau khi vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng Fenston Finance. Jack nhanh chóng đi đến kết luận rằng các vụ giết người này đều được lên kế hoạch từ trước và được thực hiện bởi cùng một kẻ sát thủ chuyên nghiệp.

Jack chạy ngang qua Shakespeare Garden trên đường quay trở lại căn hộ nhỏ của anh tại West Side. Anh vừa hoàn chỉnh hồ sơ về một người mà Fenston mới tuyển dụng gần đây, dù anh chưa biết chắc cô ta là tòng phạm hay chỉ là một người ngây thơ vô tội.

Jack bắt đầu bằng lý lịch gia đình của Anna Petrescu và phát hiện ra rằng bác của cô ta, George Petrescu, đã rời bỏ Romania và di cư tới Mỹ vào năm 1968, và định cư tại Danville, bang Illinois. Chỉ vài tuần sau khi Ceausescu tự phong mình làm tổng thống, George đã viết thư cho em trai và khuyên em mình sang Mỹ. Khi Ceausescu tuyên bố biến Romania thành một nước xã hội chủ nghĩa và phong vợ mình làm Phó Tổng thống, George lại viết thư cho em và giục giã ông này mang cả cô con gái Anna di cư sang Mỹ.

Cho dù cha mẹ của Anna không chịu rời bỏ quê hương, họ đã thu xếp để đưa cô con gái mười bảy tuổi của mình vượt biên trái phép sang Mỹ vào năm 1987. Tại đây, cô sống với bác và được hứa hẹn là sẽ trở về Romania ngay sau khi Ceausescu bị lật đổ. Anna đã không chịu trở về nước nữa. Cô thường xuyên viết thư về nhà, nài nỉ cha mẹ sang Mỹ với mình, nhưng chẳng mấy khi cô nhận được hồi âm. Hai năm sau, cô được biết là cha mình đã bị bắn chết trong một cuộc giao tranh ở biên giới, khi ông ta tham gia vào một cuộc binh biến nhằm lật đổ kẻ độc tài. Mẹ cô ta nhắc đi nhắc lại rằng bà ta sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương, với lý do là, “Ai sẽ chăm sóc phần mộ của cha con?”

Tất cả những thông tin này đã được đội điều tra của Jack phát hiện thấy trong một bài luận của Anna được đăng trên tạp chí của trường trung học nơi cô ta theo học ngày trước. Một bạn học của cô ta cũng đã viết về cô bạn gái dịu dàng có mái tóc vàng và đôi mắt xanh, một cô gái đến từ một xứ sở nào đó gọi là Bucharest và gần như chẳng nói được một từ tiếng Anh nào. Đến cuối năm thứ hai ở trường, Anna đã trở thành một biên tập viên của tạp chí nội bộ của nhà trường. Và tờ tạp chí ấy đã cung cấp cho đội điều tra của Jack những thông tin quý giá đó.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Anna đã giành được một suất học bổng để tới trường đại học Williams ở bang Massachusetts nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật. Tiếp đến, cô ta tới trường đại học Pennsynvania để tiếp tục nghiên cứu và làm luận án tiến sỹ. Đề tài mà cô ta lựa chọn là Phong trào Fauve. Jack đã tra từ điển Webster để tìm hiểu về ý nghĩa của cụm từ này. Cuốn từ điển cho anh biết cụm từ ấy có liên quan tới một nhóm hoạ sỹ do Matisse, Derain và Vlaminck đứng đầu. Các hoạ sỹ thuộc phong trào này muốn xoá bỏ những ảnh hưởng của trường phái Ấn tượng và hướng tới việc sử dụng những màu sắc tươi sáng và đối lập nhau. Qua việc tìm hiểu này, anh cũng được biết thêm khi còn trẻ, Picasso đã rời Tây Ban Nha để gia nhập nhóm này tại Paris ra sao. Những bức tranh của hoạ sỹ trẻ Picasso đã khiến công chúng bị sốc và được tờParis Matchmô tả là “Sự tỉnh táo đã trở lại”. Điều đó càng khiến Jack muốn tìm đọc thêm về Vuillard, Luce và Camoin – những hoạ sỹ mà anh chưa từng nghe nói đến. Nhưng phải chờ đến lúc rảnh rỗi đã, trừ phi điều đó có thể giúp anh lần ra bằng chứng để tóm cổ Fenston.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại đại học Penn, tiến sỹ Petrescu vào làm cho nhà đấu giá Sotheby. Bắt đầu từ đây, những thông tin mà Jack thu thập được chỉ còn mang tính phác hoạ bởi vì anh chỉ có thể cho phép các đội viên trong nhóm điều tra tiếp xúc một cách hạn chế với các đồng nghiệp cũ của cô ta. Tuy nhiên anh cũng đã được biết về trí nhớ đồ hoạ của Anna, sự làm việc nghiêm túc của cô ta, cũng như việc cô ta được tất cả mọi người yêu mến, từ người khuân vác tới chủ tịch công ty. Nhưng không ai biết rõ tại sao cô ta lại bị sa thải, cho dù anh đã phát hiện ra rằng ban giám đốc mới của Sotheby cũng không sẵn lòng đón cô ta trở lại làm việc. Và Jack cũng không hiểu tại sao cô ta lại quyết định đầu quân cho công ty Fenston Finance. Về mảng này trong cuộc điều tra của mình, anh phải dựa vào tài suy đoán, bởi vì anh không dám mạo hiểm tiếp cận bất kỳ ai đang làm việc cùng cô ta tại ngân hàng này, mặc dù rõ ràng Tina Forster, thư ký của chủ tịch công ty, đã trở thành người bạn thân nhất của cô ta.

Trong một khoảng thời gian ngắn làm việc tại công ty Fenston Finance, Anna đã tới thăm nhiều khách hàng mới, những người vừa vay những khoản tiền lớn từ ngân hàng này. Tất cả những khách hàng đó đều sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật lớn. Jack e ngại rằng việc một trong những khách hàng đó phải chịu chung số phận với ba nạn nhân trước đó của Fenston chỉ còn là vấn đề thời gian.

Jack chạy vào phố West 86. Vẫn còn ba câu hỏi cần được trả lời. Thứ nhất, Fenston đã biết Petrescu bao lâu trước khi cô ta về làm việc cho ngân hàng này? Thứ hai, gia đình hai người này có biết nhau tại Romania không? Thứ ba là cô ta có phải là kẻ ám sát đã được Fenston thuê hay không?

Fenston ngoáy chữ ký của mình trên tờ hoá đơn thanh toán tiền ăn sáng, đứng lên và không chờ cho Leapman uống hết ly cà phê, bước nhanh ra khỏi tiệm ăn. Ông ta bước vào một thang máy đang mở sẵn, nhưng chờ để Leapman ấn nốt để xuống tầng 83. Một nhóm người Nhật Bản mặc complê đen và đeo caravát lụa bước vào cùng với họ. Những người này cũng vừa ăn sáng tại nhà hàngWindows on the World. Fenston không bao giờ đề cập đến chuyện làm ăn khi đang ở trong thang máy, vì ông ta hiểu rõ rất nhiều đối thủ của mình đang chiếm cứ những tầng trên lẫn những tầng dưới trụ sở công ty của ông ta.

Khi cửa thang máy mở ra tại tầng 83, Leapman bước theo ông chủ ra ngoài, nhưng rồi rẽ theo lối khác và đi thẳng tới phòng Petrescu. Ông ta mở cửa phòng cô mà không thèm gõ để tìm Rebecca, trợ lý của Anna và yêu cầu cô ta chuẩn bị những hồ sơ mà Anna sẽ phải cần cho cuộc gặp với vị chủ tịch. Leapman tuôn ra một tràng những câu mệnh lệnh bằng một giọng không cho phép hỏi lại. Rebecca ngay lập tức đặt những hồ sơ đó lên bàn làm việc của Anna và tiếp tục lục lọi trong một chiếc thùng các tông lớn.

Leapman bước dọc hành lang rồi đi vào văn phòng của chủ tịch công ty. Họ bắt đầu bàn bạc chi tiết về chiến thuật để rũ bỏ Petrescu. Cho dù họ đã làm những chuyện này ba lần trong 8 năm qua. Leapman cảnh báo vị chủ tịch rằng lần này có thể sẽ khác.

“Ý ông là gì?” Fenston hỏi.

“Tôi không nghĩ Petrescu lại đầu hàng một cách dễ dàng”, ông ta nói. “Suy cho cùng thì cô ta sẽ không dễ dàng gì để kiếm được một công việc mới”.

“Tất nhiên là cô ta sẽ không chịu đi nếu tôi không muốn cô ta phải ra đi”, Fenston vừa nói vừa xoa hai tay vào nhau.

“Nhưng có lẽ trong trường hợp này, thưa chủ tịch, sẽ tốt hơn nếu tôi”.

Một tiếng gõ cửa làm ngắt quãng cuộc trao đổi của họ. Fenston ngẩng lên và trông thấy Barry Steadman, trưởng ban an ninh của công ty đang đứng giữa cửa.

“Xin lỗi vì đã làm phiền ngài, thưa ngài chủ tịch, nhưng có một nhân viên của hãng chuyển phát nhanh FedEx ở đây, nói rằng anh ta có một gói hàng trong này và không ai được ký nhận thay”.

Fenston vẫy người chuyển hàng vào và không thèm nói một lời, ký vào biên lai giao nhận. Không ai nói một lời nào cho đến khi người chuyển hàng đã ra khỏi phòng và Barry đã đóng cửa lại sau lưng anh ta.

“Có phải là bức thư chúng ta đang đợi không?” Leapman hỏi khẽ.

“Chúng ta sẽ biết ngay thôi”, Fenston vừa nói vừa mở gói hàng và đổ những gì chứa trong gói hàng đó lên mặt bàn.

Cả hai đều nhìn chằm chằm xuống chiếc tai trái của Victoria Wentworth trên mặt bàn.

“Ông hãy lo việc trả nốt cho Krantz nửa triệu đôla còn lại”, Fenston nói. Leapman gật đầu. “Và cô ta thậm chí còn gửi cho chúng ta một phần thưởng”, Fenston vừa nói vừa nhìn chiếc nhẫn kim cương cổ đính trên chiếc tai.

Anna gói ghém xong đồ đạc lúc vừa sau 7 giờ. Cô để chiếc va li lại trong đại sảnh với ý định là sẽ quay trở lại lấy nó trên đường tới sân bay ngay sau giờ làm việc. Chuyến bay của cô tới London theo lịch trình sẽ cất cánh vào lúc 5 giờ 40 phút chiều hôm đó, và sẽ hạ cánh xuống sân bay Heathrow ngay trước lúc bình minh vào ngày hôm sau. Anna thích bay đêm bởi vì cô có thể ngủ mà vẫn có đủ thời gian để chuẩn bị trước khi cùng ăn trưa với Victoria tại Lâu đài Wentworth. Cô chỉ hy vọng rằng Victoria đã đọc bản báo cáo của cô và đồng ý bán bức tranh của Van Gogh một cách bí mật để giải quyết tất cả những vấn đề của bà ta.



Anna rời toà nhà chung cư của mình vào lúc 7:30, lần này là lần thứ hai. Cô vẫy một chiếc tắc xi – một sự vung tay quá trán, nhưng cô muốn trông mình thật phong độ trong cuộc gặp sắp tới với vị chủ tịch. Cô ngồi ở hàng ghế sau trong chiếc tắc xi và ngắm nghía mình trong một chiếc gương nhỏ. Bộ complê hiệu Anand Jon và chiếc áo cánh lụa mà cô vừa mua gần đây chắc chắn đủ để khiến nhiều người phải ngoái nhìn, cho dù chắc cũng có người ngạc nhiên vì đôi giày đế mềm màu đen của cô.

Chiếc tắc xi rẽ phải vào đường FDR Drive và tăng tốc trong khi Anna kiểm tra lại điện thoại cầm tay của cô. Có ba tin nhắn, tất cả đều sẽ được cô giải quyết sau cuộc gặp này: một tin nhắn của cô thứ ký Rebecca muốn gặp cô ngay và đây là một chuyện khá lạ bởi vì họ sẽ gặp nhau trong vài phút nữa; một tin nhắn khẳng định chuyến bay của cô từ BA, Hãng hàng không Anh quốc, và một tin nhắn mời cô tới ăn tối cùng Robert Brooks, chủ tịch mới của hãng Bonhams.

Chiếc tắc xi đỗ lại bên ngoài lối vào toà Tháp Bắc hai mươi phút sau đó. Cô trả tiền cho tài xế rồi rời khỏi tắc xi và hoà vào dòng người đang đổ vào toà nhà. Cô đi thang máy cao tốc, và chỉ không đầy một phút sau cô đã đặt chân lên tấm thảm màu xanh đậm của tầng quản trị. Có lần trong thang máy Anna đã nghe lỏm thấy người ta nói rằng mỗi một tầng có diện tích là một mẫu Anh, và có khoảng năm mươi nghìn người làm việc trong toà nhà không bao giờ đóng cửa này, tức là gần gấp đôi dân số của thị trấn Danville, bang Illinois, quê hương thứ hai của cô.

Anna đi thẳng vào phòng làm việc của mình và ngạc nhiên khi thấy Rebecca không chờ cô, đặc biệt là khi cô ta đã biết rằng cuộc gặp vào lúc 8 giờ của cô rất quan trọng. Nhưng cô cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy tất cả các hồ sơ liên quan đều đã được xếp gọn gàng trên bàn làm việc của mình. Cô kiểm tra lại một lần nữa xem những hồ sơ ấy đã được sắp xếp theo đúng thứ tự mà cô yêu cầu hay chưa. Anna vẫn còn vài phút nữa, vì vậy cô mở tập hồ sơ mang tên Wentworth ra rồi đọc lại bản báo cáo của mình. “Bộ sưu tập của Lâu đài Wentworth có thể chia thành nhiều chủng mục. Mối quan tâm duy nhất của chúng ta là …”

Mãi tới hơn 7 giờ Tina Forster mới thức dậy. Cuộc hẹn của chị với bác sỹ nha khoa phải đến 8:30, và Fenston đã nói rõ rằng chị không cần phải đi làm đúng giờ vào sáng hôm đó. Điều này bao giờ cũng có nghĩa là ông ta có một cuộc hẹn bên ngoài thành phố, hoặc là ông ta sắp đuổi việc một ai đó. Nếu đấy là chuyện đuổi việc, ông ta không muốn thấy Tina lảng vảng quanh văn phòng và tỏ ý thông cảm với người vừa bị sa thải. Chị biết rằng người bị đuổi không thể là Leapman, bởi vì Fenston sẽ không thể sống sót nếu thiếu con người đó, và dù chị rất muốn thấy Barry Steadman bị tống khứ khỏi nơi này, chị không dám mơ đến điều đó, bởi vì anh ta chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào để nịnh hót vị chủ tịch, một con người thích những lời nịnh hót chẳng khác gì một miếng bọt biển nằm trên bãi biển chờ đợi những con sóng triều.

Tina nằm trong bồn tắm – một sự xa xỉ mà chị thường chỉ dám ban tặng cho mình vào những kỳ nghỉ cuối tuần – và băn khoăn tự hỏi khi nào thì sẽ đến lượt mình bị đuổi việc. Chị đã làm trợ lý riêng cho Fenston được hơn một năm, và cho dù chị khinh bỉ con người này cũng như tất cả những gì mà ông ta theo đuổi, chị vẫn cố để ông ta không thể thiếu được mình. Tina biết chị không thể tính đến chuyện bỏ công ty này trước khi…

Chuông điện thoại đổ trong phòng ngủ của chị, nhưng chị chẳng vội trả lời. Chị đoán chắc là Fenston gọi để hỏi xem một hồ sơ nào đó được cất ở đâu hoặc cũng có thể là hỏi số điện thoại của ai đó. Thường thì câu trả lời sẽ là “trên bàn làm việc trước mặt ngài”. Chị băn khoăn không hiểu đó có thể là điện thoại của Anna không. Đó là người bạn duy nhất của chị kể từ khi chị chuyển từ West Coast đến đây. Không thể nào, chị kết luận, bởi vì Anna sẽ phải trình bày báo cáo của mình trước vị chủ tịch vào lúc 8 giờ và có thể là ngay lúc này đây đang giải thích rõ từng chi tiết đến lần thứ hai mươi.

Tina mỉm cười khi chị bước ra khỏi buồng tắm và choàng quanh mình một tấm khăn tắm. Chị đi qua hành lang rồi vào phòng ngủ của mình. Mỗi khi có một vị khách nào đó ngủ lại qua đêm trong căn hộ chật chội của Tina, họ phải ngủ chung giường với chị hoặc ngủ trên ghế sô pha. Không còn lựa chọn nào khác, bởi căn hộ của chị chỉ có một phòng ngủ. Gần đây chẳng có mấy ai ở lại, không phải vì thiếu lời mời. Nhưng sau những gì mà chị đã trải qua trong quá trình làm việc với Fenston, Tina cảm thấy mình không còn có thể tin cậy được ai nữa. Gần đây chị đã muốn tâm sự chuyện này với Anna, nhưng rồi nó vẫn là một bí mật mà chị không dám chia sẻ cùng ai.

Tina vén rèm lên cho dù đang vào tháng Chín, một buổi sáng trong lành với những tia sáng rực rỡ khiến chị nghĩ rằng mình có thể mặc một bộ váy mùa hè. Nó thậm chí có thể sẽ giúp chị cảm thấy thoải mái hơn khi phải nhìn vào chiếc khoan của vị nha sỹ.

Sau khi mặc xong quần áo và ngắm nhìn lại mình trong gương, Tina vào bếp và pha cho mình một ly cà phê. Chị không được phép ăn sáng, dù chỉ là một mẩu bánh mỳ - đó là mệnh lệnh của người trợ lý phòng khám nha khoa - rồi chị bật ti vi lên để xem tin tức buổi sáng. Chẳng có gì đặc biệt. Một vụ đánh bom liều chết ở khu Bờ Tây, tiếp đến là chuyện một phụ nữ nặng ba trăm hai mươi pao đang kiện hãng McDonald vì đã huỷ hoại cuộc sống tình dục của bà ta. Khi chị vừa định tắt ti vi thì một cầu thủ bóng đá nổi tiếng xuất hiện trên màn hình.

Hình ảnh ấy khiến chị nghĩ đến người cha của mình.

Chương 7

Jack Delaney tới văn phòng của mình tại 26 Federal Plaza vào lúc 7 giờ sáng hôm đó. Anh cảm thấy đau đầu khi nhìn thấy từng chồng hồ sơ dầy chất đầy trên bàn làm việc của mình. Tất cả các hồ sơ đó đều có liên quan tới cuộc điều tra của anh nhằm vào Bryce Fenston, và sau hơn một năm điều tra, anh vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để sếp mình có thể yêu cầu toà án cho lệnh bắt giam nhân vật này.

Jack mở tập hồ sơ về Fenston với một hy vọng mong manh rằng biết đâu anh sẽ tình cờ bắt gặp một đầu mối nhỏ nhoi nào đó, một dấu vết mơ hồ nào đó hoặc là một nhầm lẫn nào đó giúp anh truy tìm ra mối quan hệ trực tiếp của Fenston với ba án mạng khủng khiếp xảy ra ở Marseille, Los Angeles và Rio de Janeiro.

Vào năm 1984, Nicu Munteanu, ba mươi hai tuổi, đã tới đại sứ quán Mỹ ở Bucharest và khẳng định mình có thể vạch mặt hai điệp viên đang làm việc ở trung tâm đầu não của Washington, và muốn đổi những thông tin này để lấy một tấm hộ chiếu sang Mỹ. Hàng tuần, đại sứ quán Mỹ nhận được hàng chục lời tuyên bố như vậy và gần như tất cả những lời tuyên bố đó đều được chứng minh là vô căn cứ, nhưng với trường hợp của Munteanu, thông tin cung cấp lại đặc biệt chính xác. Chỉ trong vòng một tháng, hai quan chức ngoại giao cao cấp của Liên xô tại Mỹ đã bị buộc phải lên máy bay để trở về Moscow, và Munteanu nhận được một tấm hộ chiếu sang Mỹ.

Nicu Munteanu hạ cánh xuống New York vào ngày 17 tháng Hai năm 1985. Jack hầu như không tìm được mấy thông tin về những hoạt động của Munteanu trong năm tiếp theo, nhưng con người này bỗng chốc có đủ tiền để tiếp quản công ty Fenston Finance, một ngân hàng nhỏ đang trên bờ vực phá sản ở Manhattan. Nicu Munteanu đổi tên thành Bryce Fenston – đây không phải là một tội – nhưng không ai biết người đứng đằng sau ông ta là kẻ nào, chỉ biết rằng trong mấy năm tiếp theo đó, ngân hàng này bắt đầu nhận những khoản tiền gửi lớn từ những công ty dấu tên ở Đông Âu gửi sang. Rồi vào năm 1989, dòng tiền mặt bỗng nhiên cạn kiệt, cũng là năm mà Ceausescu và vợ của ông ta là Elena chạy khỏi Bucharest sau cuộc nổi dậy của dân chúng. Chỉ vài ngày sau vợ chồng nhà độc tài này đã bị bắt, bị đưa ra xét xử và lãnh án tử hình.

Jack nhìn qua cửa sổ ngắm nhìn cảnh Manhattan ở bên dưới và nhớ lại câu châm ngôn của FBI: đừng bao giờ tin vào những sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng đừng bao giờ bỏ qua những chuyện đó.

Sau cái chết của Ceausescu, ngân hàng này dường như phải trải qua một vài năm khó khăn cho đến khi Fenston gặp được Karl Leapman, một luật sư bị đuổi khỏi nghiệp đoàn, một kẻ vừa được ra khỏi tù sau khi phải ngồi bóc lịch mấy năm vì tội lừa đảo. Chẳng bao lâu sau, ngân hàng này đã lấy lại phong độ và bắt đầu kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Jack nhìn xuống mấy bức ảnh của Bryce Fenston, người thường xuất hiện trong các cuộc đàm tiếu trên mặt báo với một trong những phụ nữ sành điệu nhất của New York trong vòng tay mình. Ông ta khi thì được mô tả là một chủ nhà băng sáng giá, lúc thì là một nhà tài chính hàng đầu, cũng có khi lại là một nhà từ thiện hào phóng, và mỗi khi tên của ông ta được nhắc tới thì bộ sưu tập khổng lồ của ông ta cũng không bị bỏ qua. Jack gạt những bức ảnh ấy sang một bên. Anh vẫn chưa thể quen với việc một người đàn ông lại đeo khuyên tai, và anh thậm chí còn cảm thấy ngạc nhiên hơn trước việc một người khi đặt chân tới Mỹ có một mái tóc dầy đầy đặn lại quyết định cạo trọc đầu mình. Ông ta đang lẩn trốn ai?

Jack đóng tập hồ sơ mang tên Munteanu/Fenston lại và mở tập hồ sơ về Pierre de Rochelle, nạn nhân đầu tiên ra.

Rochelle cần vay 70 triệu phờ răng để lấy tiền trả cho phần đóng góp của mình tại một vườn nho. Kinh nghiệm duy nhất của ông ta về ngành rượu vang là công việc rửa sạch các chai đựng rượu. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy rằng kế hoạch đầu tư của ông này không phù hợp với phương châm của ngân hàng là mọi dự án phải “khả thi”. Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của Fenston khi ông ta nhìn thấy hồ sơ vay tiền của Rochelle là người đàn ông này vừa được thừa kế một Lâu đài tại Dordogne, mà trong đó mọi bức tường đều được treo kín những bức tranh của các hoạ sỹ theo trường phái Ấn tượng, trong đó có một bức của Degas, hai bức của Pissarros và một bức của Monet.

Vườn nho đó đã không cho thu hoạch trong suốt bốn năm và trong thời gian ấy, toà lâu đài bắt đầu bị móc ruột đến khi chỉ còn lại những vết treo tranh trên các bức tường. Đến lúc Fenston đưa bức tranh cuối cùng tới New York và cho vào bộ sưu tập cá nhân của ông ta thì khoản tiền vay ban đầu của Pierre đã tăng lên gấp đôi. Khi toà lâu đài của ông này cuối cùng bị đưa ra đấu giá, Pierre đến sống ở một căn hộ nhỏ tại Marseille, nơi tối nào ông ta cũng uống đến say khướt. Mọi chuyện cứ thế diễn ra cho đến khi một phụ nữ trẻ đẹp vừa tốt nghiệp trường luật nói với Pierre, trong một giây phút tỉnh táo hiếm hoi của ông ta, rằng nếu Fenston Finance bán các bức tranh của Degas, Monet và Pissarros, ông ta không những có thể trả hết nợ nần mà còn có thể chuộc lại toà lâu đài và thu hồi về toàn bộ phần còn lại của bộ sưu tập. Lời gợi ý đó không ăn nhập với các kế hoạch dài hạn của Fenston.

Một tuần sau đó, người ta phát hiện thấy cái xác say xỉn của Pierre de Rochelle bị vứt tại một thung lũng ở Marseille với cổ họng bị cắt đứt.

Bốn năm sau, cảnh sát Marseille phải khép vụ này lại với dòng chữ “KHÔNG DẤU VẾT” đóng trên bìa hồ sơ.

Khi vụ vay mượn được đưa ra toà, Fenston đã bán tất cả các tác phẩm trừ các bức của Degas, Monet và Pissarros; và sau khi tính hết các món lãi kép, phí ngân hàng và tiền thuê luật sư, em trai của Pierre là Simon de Rochelle được thừa kế căn hộ ở Marseille của anh mình.

Jack đứng dậy khỏi bàn làm việc, vươn vai và ngáp một cách mệt mỏi, trước khi anh xem lại hồ sơ về Chris Adams Jr, dù anh gần như đã thuộc lòng những gì được viết trong đó.



Chris Adams Senior từng quản lý một phòng tranh rất thành công ở Los Angeles. Ông ta tập trung vào dòng tranh Trường phái Mỹ, vốn rất được các ngôi sao ở Hollywood ưa chuộng. Cái chết của ông ta trong một vụ tai nạn giao thông đã để lại cho con trai ông ta là Chris Adams Junior một bộ sưu tập lớn gồm tranh của Rothkos, Pollocks, Jasper Johnses, Rauschenbergs và Warhol, trong đó có bứcBlack Marilyn.

Một bạn học cũ của Chris khuyên ông ta rằng cách tốt nhất để nhân đôi số tiền mà ông ta có là đầu tư vào cuộc cách mạng chấm com (Internet). Chris Jr nói rằng mình không có sẵn tiền mặt mà chỉ có phòng trưng bày tranh, bộ sưu tập tranh và chiếc du thuyền cũ Christinado cha mình để lại, và một nửa những thứ đó là phần của cô em gái. Fenston Finance đã ra tay giúp đỡ bằng cách cho anh ta vay 12 triệu đôla, theo các điều khoản thông thường. Cũng giống như trong nhiều cuộc cách mạng khác, nhiều kẻ phải bỏ mạng trên chiến trường và trong số đó có Chris Jr.

Fenston Finance để mặc cho khoản tiền kia đẻ mãi mà không hề có ý định làm khó khổ chủ của mình. Chuyện này cứ thế diễn ra cho đến khi Chris Jr đọc thấy trên tờLos Angeles Timesrằng bứcShot Red Marilyncủa Warhol gần đây đã bán được hơn 4 triệu đôla. Anh ta ngay lập tức liên lạc với nhà đấu giá Christie ở LA, và được đảm bảo rằng những bức tranh của Rothkos, Pollocks, và Jasper Johnses có thể đem lại cho anh ta những khoản tiền không kém. Ba tháng sau đó, Leapman lao vào văn phòng của vị chủ tịch với một cuốn catalog mới nhất của nhà đấu giá Christie. Ông ta đã đánh dấu vào bẩy lô khác nhau sắp được đưa ra đấu giá. Fenston gọi một cú điện thoại, rồi đặt chỗ trên chuyến bay tiếp theo tới Rome.

Ba ngày sau, người ta phát hiện thấy Chris Jr trong toa lét của một quán bar dành cho người đồng tính với cổ họng bị cắt đứt.

Lúc bấy giờ Fenston đang đi nghỉ ở Italy và Jack đã có được bản sao hoá đơn thanh toán khách sạn, vé máy bay và thậm chí cả những hoá đơn thanh toán bằng thẻ tín dụng cho các khoản chi tiêu của ông ta ở một số cửa hiệu và nhà hàng.

Những bức tranh ngay lập tức bị đưa ra khỏi danh mục đấu giá của Christie trong khi cảnh sát Los Angeles tiến hành những cuộc điều tra của họ. Sau mười tám tháng không tìm ra bằng chứng mới và đi vào ngõ cụt, hồ sơ về vụ này được ném vào tầng trệt cùng với những vụ việc bế tắc khác ở sở cảnh sát Los Angeles. Tất cả những gì mà em gái của Chris được thừa hưởng sau cái chết của người anh là mô hình chiếc tàuChristina,chiếc du thuyền yêu dấu của người cha.

Jack gạt tập hồ sơ về Chris Jr sang một bên, và nhìn chằm chằm xuống cái tên Maria Vasconcellos, một quả phụ người Brazil, vốn là chủ nhân của một toà nhà với một bãi cỏ đầy những bức tượng. Moore, Giacometti, Remington, Botero và Calder là một vài tác giả trong số tác giả của những tác phẩm điêu khắc mà chồng của Senora Vasconcellos để lại. Thật không may, bà ta phải lòng một kẻ chuyên lừa gạt những người phụ nữ giàu có và khi hắn gợi ý... – Chuông điện thoại trên bàn làm việc của Jack đổ chuông.

“Đại sứ quán của chúng ta ở London gọi điện tới”, thư ký của anh thông báo.

“Cảm ơn Sally”, Jack nói. Anh biết rằng đó chỉ có thể là Tom Crasanti, bạn của anh, người đã gia nhập FBI cùng ngày với anh.

“Thế nào, Tom, cậu khoẻ chứ?” anh hỏi trước cả khi nghe thấy giọng nói trong điện thoại.

“Cũng tạm”, Tom đáp. “Ngày nào cũng chạy, cho dù tớ không được khoẻ như cậu”.

“Thế thằng con nuôi của tớ thì sao?”

“Nó đang học chơi môn crikê”.

“Tên phản bội. Có tintốt lànhgì không?”

“Không”, Tom nói. “Đó là lý do tại sao tớ gọi cho cậu. Cậu sẽ phải mở một hồ sơ nữa”.

Jack cảm thấy toàn thân mình nổi gai ốc. “Lần này là ai vậy?” anh hỏi khẽ.

“Một phụ nữ, một Phu nhân, tên là Victoria Wentworth”.

“Bà ta chết như thế nào?”

“Giống hệt như ba trường hợp trước, bị cắt đứt họng, chắc chắn là bằng một con dao làm bếp”.

“Điều gì khiến cậu nghĩ rằng Fenston có liên quan đến vụ này?”

“Bà ta nợ ngân hàng này 30 triệu đôla”.

“Và lần này hắn muốn gì?”

“Một bức chân dung của Van Gogh”.

“Giá trị?”

“Có thể là 70 triệu đôla”.

“Tớ sẽ đi chuyến máy bay tiếp theo tới London”.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ấn Tượng Sai Lầm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook