Anh Hùng Bắc Cương

Chương 13: Trên Vịnh Hạ-long

Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

15/07/2014

Trên vịnh Hạ-long - -

Mỹ-Linh gõ cửa phòng thứ ba, một giọng nói quen thuộc vọng ra:

- Ai đó?

Rõ ràng tiếng Lê Thiếu-Mai, con gái Hồng-Sơn đại phu. Mỹ-Linh hỏi nhỏ:

- Có phải cô nương Thiếu-Mai không?

Thiếu-Mai giật bắn người lên:

- Cô là ai?

Biết rằng mình ngậm thuốc của Đỗ Lệ-Thanh, tiếng đổi đi, thành ra Thiếu-Mai không nhận được. Mỹ-Linh nói lảng:

- Chúng tôi đã được cô nương trị bệnh cho ở Vạn-thảo sơn trang.

Thiếu-Mai trị cho hàng ngàn, hàng vạn người, làm sao nhớ hết. Nàng hỏi lại:

- Tiểu cô nương tên gì?

- Tôi già rồi, tôi họ Đỗ tên Linh-Mỹ.

- Đỗ phu nhân, đây là đâu vậy?

Mỹ-Linh nói nhỏ:

- Chúng ta bị giam ở trong một chiến hạm của Đại-Việt bị bọn Tống cướp mất. Chiến hạm đang đậu ở Ngọc-sơn. Tại sao cô nương bị giam ở đây?

- Tôi không biết tại sao nữa. Tôi đang từ Thăng-long đáp thuyền ra biển. Đêm ngủ, khi tỉnh dậy, thấy mình bị giam trong phòng này.

- Cô nương bị giam mấy ngày rồi?

- Tám ngày tất cả.

- Họ có thẩm vấn cô nương không?

- Không! Họ đưa mực, bút bảo tôi viết thư về cho bố tôi. Họ dặn muốn viết gì thì viết. Tôi viết thư trao cho họ. Hôm qua, họ đưa ra ba trang sách bằng chữ Khoa-đẩu, bắt tôi dịch sang Hán văn. Tôi dịch rồi.

- Cô nương có nhớ nội dung mấy trang sách đó không?

- Nhớ! Theo tôi biết, ba trang này rời rạc, không liên tiếp nhau. Tuy vậy tôi cũng biết trong đó dạy hành binh bố trận.

- Cô nương chỉ bị giam thôi, hay còn bị cùm nữa?

- Tôi bị cùm hai chân, khó cử động lắm. Phu nhân giải cứu cho tôi. Nguyện không quên ơn.

- Giải cứu thì được rồi, có điều võ công chúng tôi thấp lắm, không biết mình cô nương địch lại bọn họ không?

Thiệu-Thái nghe có tiếng bước chân lại gần cửa phòng. Chàng suỵt một tiếng, rồi cùng Mỹ-Linh nằm dài ra ván. Cánh cửa mở, mấy thủy thủ mang cơm vào cho tù nhân ăn. Họ không quan tâm đến bọn Mỹ-Linh. Thì ra dưới hầm chỉ có ba tù nhân với bọn Mỹ-Linh nữa thành sáu.

Mỹ-Linh vờ hỏi đội Đam:

- Này ông đội trưởng! Bao giờ chúng tôi được tha ra?

Đội Đam lắc đầu:

- Tôi không biết nữa. Tôi phụ trách hỏa đầu quân, cùng trông coi tù.

Nàng vờ hỏi:

- Đây là đâu? Bao giờ thuyền về Thăng-long?

- Tôi không được quyền nói. Đêm nay thuyền nhổ neo hướng lên Bắc. Có lẽ tiến về biên giới. Mỗi chuyến tuần biển như thế này ít ra hơn tháng.

Chiều hôm đó, thuyền nhổ neo ra khơi. Vào khoảng giờ Thân, cánh cửa hầm lại mở. Triệu Huy cùng với viên thuyền trưởng tên Trịnh Sơn xuất hiện. Chúng đem người đàn ông, đàn bà đi. Lát sau trở lại, chúng mở cửa phòng Thiếu-Mai, nói vọng vào:

- Công chúa! Mời công chúa rời khỏi nơi đây. Chủ nhân của tôi muốn thưa truyện với công chúa.

Thiếu-Mai nhận ra Triệu Huy, nàng kinh ngạc:

- Triệu an phủ sứ! Tại sao người cũng có mặt ở đây? Đây là đâu?

Triệu Huy tỏ vẻ kính cẩn:

- Ty chức biết công chúa bị nạn, nên đến đây giải cứu.

Đội Đam tiến đến mở gông chân cho nàng. Tuy bị giam mấy ngày, mà nhan sắc Thiếu-Mai vẫn đẹp. Cái đẹp tươi hồng của người khoẻ mạnh.

Thiếu-Mai nói với Triệu Huy:

- Này Triệu an phủ sứ. Tôi chỉ là con gái một thầy thuốc, chứ không phải công chúa, quận chúa gì cả.

Nàng chỉ bọn Mỹ-Linh:

- Ba người này từng tới sơn trang trị bệnh. Họ vốn thuộc lương dân. Tôi yêu cầu an phủ sứ thả họ ra ngay.

Triệu Huy lắc đầu:

- Ty chức nhận lệnh giải cứu công chúa, chứ không được can thiệp vào việc của Giao-chỉ. Hiện công chúa đang ở trên chiến hạm Giao-chỉ. Chiến hạm này tuân lệnh của Khu-mật viện bắt giam công chúa. Bình-Nam vương được tin, gửi thư thống mạ tên Lý Công-Uẩn. Vì vậy Uẩn cho người theo ty chức đến đây bắt phóng thích.

Mỹ-Linh nghe Triệu Huy nói láo quá, nàng không chịu được, định vung chưởng tát y. Nhưng Thiệu-Thái đoán được ý nàng. Chàng đưa mắt ngỏ ý can ngăn.

Thiếu-Mai không tin:

- An-phủ sứ nói sai rồi! Tôi không tin Khai-Quốc vương làm truyện đó. Phụ thân tôi đang trợ giúp Vương đắc lực, Vương ngu gì mà giam tôi? Chẳng hóa ra mình tự hại mình sao? Mà dù phụ thân tôi có chống Vương, bản chất anh hùng Vương cũng không làm truyện đó. Lại nữa, Vương làm bất cứ việc gì cũng hỏi ý kiến chị Thanh-Mai. Mà chị Thanh-Mai vừa là cháu, vừa là đệ tử yêu nhất của bố tôi, đời nào chị ấy nỡ hại tôi?

Nghe Thiếu-Mai biện hộ cho chú mình, Mỹ-Linh muốn chạy lại ôm lấy nàng, để tỏ lòng biết ơn, nhưng nàng kiềm chế lại được.

Nàng khẳng định:

- An-phủ sứ ạ! Người có thể nói mặt trời mọc phương Tây, quạ bạc đầu, ngựa mọc sừng... tôi còn thể tin, chứ nói Khai-Quốc vương bắt giam tôi, tôi không tin.

Triệu Huy không ngờ Thiếu-Mai lại lý luận giỏi đến thế. Y nói lảng:

- Mời công chúa lên gặp chủ nhân của tôi.

- Là ai?

- Phụ-quốc thái-úy tổng đốc quân mã, quản Khu-mật viện, Bình-Nam vương nhà đại Tống.

Thiếu-Mai hỏi lại:

- Ông Triệu Thành cầu kiến với Lê Thiếu-Mai, tôi gặp ông ta. Còn như Bình-Nam vương tuyên triệu Lê Thiếu-Mai thì không được đâu! Tôi không đi.

Triệu Huy biết cô thiếu nữ Việt này không vừa, y nói lại:

- Dù thế nào chăng nữa, chủ nhân tôi cũng đã giải cứu công chúa. Chủ nhân tôi muốn gặp công chúa.

Đỗ Lệ-Thanh bước đến trước mặt Thiếu-Mai, bà đưa cho Thiếu-Mai cái khăn ướt:

- Tiểu thư hãy lau tay, lau mặt cho sạch sẽ đã.

Thiếu-Mai cầm khăn lau mặt. Khi đưa khăn lên mũi, nàng thoáng thấy mùi thơm kỳ lạ, không phải mùi nước hoa, cũng không phải mùi son phấn. Thừa hưởng kiến thức y khoa từ phụ thân. Nàng từng ngửi hàng ngàn thứ hoa, cùng cây cỏ. Nhưng sau khi bị xông thuốc mê, bị giam tám ngày liền, bực tức, mệt mỏi, làm đầu óc kém sáng suốt, nàng không nhận ra mùi gì.

Lau tay xong, Thiếu-Mai không coi Triệu Huy vào đâu, nàng bước đi trước. Triệu Huy cùng đội Đam đi sau.

Mỹ-Linh bàn:

- Dù chú hai dặn không được xử dụng võ công. Nhưng trường hợp này không thể nín nhịn nổi. Chúng ta thử dò thám xem, bọn chúng định làm trò gì?

Thiệu-Thái dùng con dao đưa vào kẽ cửa khẽ nậy. Then cửa từ từ mở ra. Ba người rời hầm, cài then cửa, rồi vọt lên nóc thuyền. Mỹ-Linh nhìn ra xa, đội hình của hạm đội vẫn không đổi. Gió lùa vào cánh buồm căng no. Sóng biển rì rào vỗ vào mạn thuyền. Nàng đưa mắt nhìn sang trái, xa xa, trong lục địa, một vài ánh sáng leo loét, chứng tỏ thuyền không xa bờ làm bao.

Như đã phân chia, Đỗ Lệ-Thanh núp vào đống dây canh gác phía sau. Thiệu-Thái vọt mình lên cột buồm quan sát phía trước. Còn Mỹ-Linh lần theo mạn thuyền lại chỗ có ánh sáng chiếu ra. Nàng móc chân lên mạn thuyền, lộn ngược đầu xuống, ghé mắt nhìn qua khe hở của sổ dòm vào.

Bên trong, bọn Triệu Thành, không thiếu một người nào, đang ngồi trước bàn tiệc. Ngoài ra còn Dực-Thánh vương. Cạnh vương, một người to béo, mặc quần áo theo kiểu nông dân. Nàng kinh hãi tự nghĩ:

- Không biết Dực-Thánh vương tuân chỉ triều đình, hộ tống bọn Triệu Thành hay tự ý? Nếu ông ấy tuân chỉ, thì chỉ mượn cớ thi hành mệnh lệnh, rồi trợ giúp bọn Tống. Còn trường hợp tự ý thì vương công khai phản triều đình rồi?

Có tiếng nói vọng vào:

- Khải tấu vương gia, có công chúa Thiếu-Mai chờ chỉ dụ.

Cánh cửa mở, Thiếu-Mai bước vào. Tuy bị giam cầm, đầu bù tóc rối, nhưng nàng vẫn đẹp. Từ dáng đi, cho tới nét mặt, đều tỏa ra vẻ khoan thai, nhẹ nhàng. Triệu Thành đứng dậy chắp tay hành lễ:

- Tiểu vương xin tham kiến công chúa điện hạ.

Y kéo ghế mời Thiếu-Mai ngồi. Thiếu-Mai nghĩ thầm:

- Trong khi ta chưa biết sự thực ra sao, mà bọn này dùng lễ tiếp ta. Ta cũng phải tỏ ra ôn nhu với chúng. Nàng thản nhiên ngồi xuống:

- Tiểu nữ đa tạ vương gia.

Nàng quay sang hỏi Dực-Thánh vương:

- Vương gia, chiến hạm này phải chăng của Đại-Việt ta? Vương gia hiện lĩnh chức đại đô đốc thống lĩnh thủy quân, vậy chiến hạm này có thống thuộc quyền của Vương gia không?

Dực-Thánh vương không ngờ Thiếu-Mai nhận được mặt mình. Vương hơi thoáng vẻ bối rối:

- Đúng như lời cô nương nói.

Thiếu-Mai giận dữ:

- Tiểu nữ trên thuyền từ Thăng-long vượt sông Hồng ra biển. Đang đêm bị xông thuốc mê, giam ở hầm tối trong chiến hạm này đã tám ngày. Xin Vương gia cho tiểu nữ biết, tiểu nữ phạm tội gì?

Dực-Thánh vương chưa biết trả lời sao, Triệu Thành đáp thay:

- Người ra lệnh bắt giam cô nương chính Lý Long-Bồ, tước phong Khai-Quốc vương. Chân tay của y xông thuốc mê bắt cóc cô nương. Viên thủy sư đề đốc hạm đội Âu-Cơ nhận lệnh làm vụ đó. Tiểu vương biết được, viết thư thống mạ Lý Công-Uẩn. Vì dưới mắt tiểu vương, chỉ lệnh tôn mới xứng đáng thừa kế nghiệp nhà Lê, làm hoàng đế Đại-Việt, nên coi cô nương như công chúa. Cớ sao y để con y lộng quyền như vậy? Công-Uẩn kinh hãi, vội sai Dực-Thánh vương tạ lỗi với tại hạ, rồi đi cùng tại hạ, đến đây đòi cô nương.

Thiếu-Mai đã có vẻ hơi tin Triệu Thành. Nàng nghĩ thầm:

- Không chừng Lý Long-Bồ làm thực cũng nên. Để ta thử cật vấn lại xem sao.

Nàng đưa mắt nhìn, thấy viên võ quan thủy quân ngồi cạnh Dực-Thánh vương. Nàng hỏi:

- Phải chăng đại nhân họ Đoàn tên Thông, lĩnh chức thủy sư đề đốc hạm đội Động-đình này?

Đoàn Thông gật đầu:

- Quả đúng như cô nương nói.

Thiếu-Mai nhìn thẳng vào mặt y:

- Xin đề đốc cho biết, chính đề đốc nhận lệnh từ Khai-Quốc vương hay nhận lệnh từ ai, để bắt tiểu nữ?

Dáng người Đoàn Thông gầy, mũi hơi hếch lên, mày rậm, môi cong, mặt dài. Nghe Thiếu-Mai hỏi, y đáp:

- Bản chức không bắt cóc cô nương. Bản chức tuy làm đề đốc, coi hạm đội Động-đình, nhưng dưới quyền Vương gia đây. Bản chức được thượng cấp gửi cô nương, giam dưới hầm chiến hạm mà thôi. Người bắt cô nương là ai, bản chức không biết. Xin cô nương thỉnh Vương gia thì hơn.

Thiếu-Mai hiểu ngay. Nàng chửi thầm:

- Như vậy ta hiểu rồi. Dực-Thánh nhận lệnh triều đình hộ tống bọn Triệu Thành về nước. Y xử dụng hạm đội Động-đình. Y cùng bọn Triệu Thành bắt cóc ta, mưu sự gì đây. Y nói dối Đoàn rằng ta là tù nhân, gửi Đoàn giam ta.

Thiếu-Mai cười nhạt:



- Đa tạ đề đốc.

Nàng nhìn Triệu Thành cùng Dực-Thánh vương cười nhạt, tỏ vẻ khinh bỉ:

- Này Triệu vương gia, Dực-Thánh vương! Về tuổi tác, tôi thua các vị xa. Về võ công, tôi lại càng không phải đối thủ của các vị. Các vị tước tới vương, danh vang Hoa-Việt. Song các vị chủ quan, khinh thường tôi quá. Các vị xông thuốc mê, bắt tôi để dịch sách cho các vị thì cứ nói thẳng ra có được không? Tại sao lại đổ cho Khai-Quốc vương?

Địch Thanh đứng dậy nói:

- Dù gì chăng nữa, cô nương cũng đang ở trong tay chúng tôi. Cô nương nên tự hiểu. Nếu bây giờ, tôi cho cô nương một đao, ném xác xuống biển, dù Hồng-Sơn đại phu có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất cũng không cứu được cô nương đâu.

Thiếu-Mai vẫn giữ vẻ bình tĩnh:

- Địch trạng nguyên, bất cứ ai cũng có thể nói được câu đó, trừ người. Dù gì người cũng đoạt võ trạng Đại-Tống, ắt võ đạo phải cao lắm. Võ đạo Hoa-Sơn có cho phép người đe dọa ta không?

Thình lình nàng chụp chung nước trà trước mặt ném vào Địch Thanh. Địch-Thanh vung tay bắt. Khi cái chung sắp tới trước mặt y, Thiếu-Mai chĩa ngón tay chỏ một cái, chỉ lực phát ra, tiếng bốp vang lên, cái chung vỡ tan tành. Địch Thanh bắt hụt. Y vội cúi đầu xuống, cho mấy mảnh sành bay qua, rơi xuống phía sau:

- Dù võ công người cao đến đâu, võ đạo Lĩnh-Nam không cho bản cô nương khuất phục người.

Nàng quay lại hỏi Đoàn Thông:

- Đoàn đề đốc. Đề đốc được cử chỉ huy hạm đội Động-đình, tuần phòng lãnh hải, bảo vệ lương dân. Thế mà ngay trên chiến hạm của hoàng gia, bọn Tống cướp nước công khai đe dọa, nhục mạ lương gia phụ nữ. Đề đốc nghĩ sao?

Đoàn Thông làm đề đốc, dưới quyền Dực-Thánh vương. Từ mấy hôm nay, y được lệnh Vương đem hạm đội tuần hành từ Thiên-trường tới ranh giới Hoa-Việt. Việc tuần hành như vậy, thường mỗi tháng một lần. Nhưng lần này sớm hơn dự liệu mười ngày. Vương giải thích rằng trong chuyến đi, hạm đội phải hộ tống sứ đoàn Tống về nước. Chính Vương tháp tùng sứ đoàn. Lệnh còn nói rõ, phải thù thiếp sứ đoàn cực kỳ chu đáo.

Hạm đội khởi hành từ bến Tiềm-long. Dực-Thánh vương cùng mấy gia tướng được đón vào soái hạm, không thấy sứ đoàn đâu. Đoàn thắc mắc, vương trả lời rằng sứ đoàn sẽ xuống hạm dọc đường. Khi hạm đội đi nửa đường, Dực-Thánh vương chỉ vào một thuyền buôn khách trú, truyền lệnh cho Đoàn kè chiến hạm vào đón sứ đoàn.

Sau khi sứ đoàn xuống thuyền, Triệu Thành truyền gửi y giam ba người bị đánh thuốc mê. Trong đó có Thiếu-Mai. Dọc đường Thành luôn ra lệnh cho Dực-Thánh vương đón đường khám xét thuyền buôn Đại-Việt. Thông kinh ngạc không ít. Y đã từng tống tiễn sứ đoàn nhiều lần. Dọc đường sứ đoàn không có bất cứ quyền hành gì trên đất Việt. Thế mà Triệu Thành ra lệnh bắt giam người, khám xét thuyền buôn, làm y nảy ra mối bất mãn.

Bây giờ tới vụ, người bị bắt cóc, chính là con gái Hồng-Sơn đại phu, một người y đã từng thọ ơn cứu mệnh. Rồi bọn sứ đoàn còn đe dọa nàng nữa, nàng dùng đại nghĩa trách cứ Thông, khiến y không nhịn được. Y liếc nhìn Dực-Thánh vương. Vương lắc đầu tỏ ý im lặng.

Dư-Tĩnh cười nhạt:

- Võ đạo hay không võ đạo, Dư mỗ bất cần. Dư mỗ chỉ yêu cầu cô nương dịch cho bộ sách này từ văn tự Khoa-đẩu sang Hoa-văn. Sau đó, mỗ sẽ trả cô nương về với phụ thân. Bằng không mỗ sẽ rạch mặt cô nương ra, bôi thuốc vào, trên mặt cô nương sẽ có mấy vết dài, cực kỳ xấu xa.

Đoàn Thông phất tay:

- Dư an phủ sứ! Bản chức được lệnh hộ tống, thù tiếp sứ đoàn. Hai nhiệm vụ đó bản chức đã chu toàn. Trên chiến hạm này thuộc lãnh địa Đại-Việt, bản chức quyết không để An-phủ sứ đe dọa lương gia thiếu nữ đâu.

Triệu Thành đưa mắt nhìn Dực-Thánh vương. Vương nói với Thông:

- Đoàn đề đốc. Cô gia trách nhiệm tất cả những việc tại đây. Đề đốc có thể rời khỏi khoang thuyền này.

Đoàn Thông đành cúi đầu hành lễ với Dực-Thánh vương, rồi ra khỏi phòng.

Dư Tĩnh cười đắc thắng:

- Lê tiểu thư! Đây là cuốn sách viết bằng chữ Khoa-đẩu, xin Lê tiểu thư dịch sang Hán văn cho. Anh em tại hạ nguyện báo đáp.

Nói rồi y đem đến trước Thiếu-Mai tập sách. Thiếu-Mai liếc nhìn qua, thấy trên bìa đề chữ Lĩnh-Nam vũ kinh, bảo quốc trấn Bắc, bình Nam. Nàng nghĩ thầm:

- Suốt bao năm nay, võ lâm Hoa-Việt nổi lên những cơn phong ba vì bộ võ kinh này đây. Ai cũng ước ao tìm thấy nó. Tìm thấy nó, sẽ trở thành anh hùng vô địch. Chỉ có Đại-Việt Ngũ-long tự trọng, tự tin, nên không dự, vào tranh chấp. Vừa rồi nghe nói công chúa Bình-Dương cùng Bảo-Hòa, Thanh-Mai và bọn Triệu Huy tìm ra trong hầm đá. Bọn Huy sai Quách Quỳ chép lại. Bình-Dương học thuộc làu, rồi đọc yếu quyết cho Bảo-Hòa luyện Phục-ngưu thơần chưởng. Còn Bình-Dương luyện Long-biên kiếm pháp, mà thành vô địch. Bây giờ bọn này muốn ta dịch sang Hoa-văn cho chúng đây. Đã vậy ta dịch sai cho bõ ghét. Hay thình lình hủy bộ sách đi, bằng không bọn chúng luyện thành, đem quân sang đánh Đại-Việt e nguy tai!

Vương Duy-Chính như đọc được ý nghĩ của Thiếu-Mai. Y móc trong bọc ra một bộ sách, y hệt bộ trong tay Thiếu-Mai:

- Lê cô nương. Dù cho cô nương hủy bộ sách trong tay cô nương, chúng tôi cũng còn nhiều bộ khác.

Thiếu-Mai đưa mắt nhìn Quách Quỳ:

- Quách công tử còn nhỏ tuổi, mà đã thâm trầm hiếm có. Quả thực xứng đáng con giòng cháu giống, đệ tử danh gia.

Câu nói của Thiếu-Mai chỉ mình Quách Quỳ hiểu mà thôi.

Nguyên ông nội Quách Quỳ tên Quách Quân-Biện, làm đại tướng quân dưới thời Tống Thái-tông. Thái-tông sai đem quân sang đánh vua Lê Đại-Hành. Quân-Biện bị bắt làm tù binh. Trong thời gian bị giam, y nghe nói đến bộ Lĩnh-Nam vũ kinh. Trong lòng y nảy ra niềm hy vọng: Nếu một mai tìm ra, luyện thành bản lĩnh vô địch, ắt trả được mối nhục bị cầm tù. Vì vậy y học tiếng Việt cùng chữ Khoa-đẩu. Khi được tha về, y dạy lại cho con cháu, di chúc rằng cố sao sang Đại-Việt tìm bộ kinh thư cổ.

Duyên may, Quách Quỳ được thu làm đệ tử chùa Thiếu-lâm. Chưởng môn nhân giao Quỳ cho Triệu Anh dạy. Triệu Anh nghe Quách Quỳ thuật truyện tổ tiên. Y ghi trong lòng. Khi y được cử làm quan võ, phục vụ trong Khu-mật viện, y hiến phương lược đánh Đại-Việt cho Triệu Thành. Trong đó có việc tìm bộ Lĩnh-Nam vũ kinh. Vì vậy Triệu Thành sai nhiều toán tế tác sang Đại-Việt dò la.

Giữa lúc đó Đinh Toàn đến xin Tống đem binh về dành lại ngôi vua. Triệu Thành hỏi về bộ Lĩnh-Nam vũ kinh. Đinh Toàn đem chiếc áo của vua Đinh Tiên-Hoàng ra cho Thành. Thành hứa giúp Toàn đòi lại ngôi vua. Thành đem một lực lượng cao thủ mượn đường đi sứ Chiêm, qua Đại-Việt, mưu đồ chiếm kinh thư. Thành truyền Triệu Anh mang Quách Quỳ theo, vì Quỳ biết chữ Khoa-đẩu, cùng tiếng Việt.

Bọn Triệu Huy tìm thấy kinh thư trong hầm đá. Quách Quỳ nảy ra ý muốn độc chiếm. Đợi sau khi luyện thành bản lĩnh nghiêng trời lệch đất rồi, y không cần sư phụ nữa. Nên y dối sư phụ, nói chỉ biết rất ít chữ Khoa-đẩu, chép thì được, chứ không đủ khả năng địch.

Triệu Anh sai nó chép lại. Tuy không biết chữ, nhưng Triệu Anh vốn cẩn thận. Cứ mỗi khi Quỳ chép xong một trang. Y trông hình dạng chữ, so lại một lượt với các bia đá. Vì vậy Quách Quỳ không dám chép sai.

Tuy qua mặt được sư phụ, nhưng Quỳ vẫn lo lắng. Vì chữ Khoa-đẩu vốn tượng thanh. Chỉ cần học ba tháng thôi cũng đủ đọc được. Khi đọc lên, người nào biết tiếng Việt cũng hiểu hết. Nay gặp Thiếu-Mai, bọn chúng muốn ép nàng dịch. Vốn thông minh, nàng hiểu ngay ý Quàch Quỳ. Vì vậy nàng nói một câu, ngụ ý khen nó. Nó kinh hoàng, sợ nàng nói toẹt ra âm mưu, e tính mệnh nó khó toàn.

Nó nói một câu lấy lòng nàng, ý nhắn nhủ "Xin cô nương thương tình":

- Tiểu nhân kiến thức hủ lậu, lại xa song thân từ lâu, rất mong tiểu thư đoái tưởng, coi như bậc con cháu che chở cho.

Thiếu-Mai gật đầu:

- Quách công tử sao khách sáo quá.

Quách Quỳ vẫn còn run sợ, y đến trước Thiếu-Mai lạy phục xuống đất:

- Xin tiểu thư nhận ba lễ này, coi như tiểu thư ban cho cháu một kiếp mới.

Triệu Thành, Triệu Anh đều kinh ngạc không ít. Vì từ hôm sang Đại-Việt, lúc nào Quỳ cũng hống hách, coi người Việt như thứ man mọi. Không hiểu sao nay nó lại xử sự cực kỳ lễ độ với Thiếu-Mai. Thành, Anh lại tưởng Quỳ muốn Thiếu-Mai dạy thêm về chữ Khoa-đẩu, nên không cấm cản y.

Thiếu-Mai để cho Quỳ hành đại lễ xong. Nàng mỉm cười:

- Quách công tử thực đa lễ.

Nàng nghĩ thầm:

- Dụng tâm của thằng nhỏ này không tầm thường. Trong khi bọn Triệu Thành lại tưởng rằng cài Quỳ bên cạnh ta hầu dò xét. Được! Lê cô nương cho bọn bay biết tay.

Nàng nói với Triệu Thành:

- Xin Triệu vương gia để cho Quách công tử giúp đỡ tôi trong việc dịch sách này nên chăng?

Triệu Thành không ngờ Thiếu-Mai lại nhận lời dễ dàng như vậy. Nàng còn muốn có Quách Quỳ ở cạnh giúp đỡ, là điều Thành cầu mà không được. Y nói:

- Cô gia dành cho cô nương một khoang thuyền thoáng khí, ở trên cao nhất. Khoang cạnh đó, dành cho Quỳ. Y được phái để phục thị cô nương.

Từ đầu đến cuối, Minh-Thiên ngồi bất động, bây giờ ông mới lên tiếng:

- Lê cô nương. Cô nương thử lược dịch một đoạn sách này, cho mọi người được kiến thức võ công thời Lĩnh-Nam.

Văn tự Khoa-đẩu vốn tượng thanh. Nàng chỉ cần đọc lên, lập tức Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính hiểu ngay vì bọn chúng đều biết tiếng Việt. Nhưng làm như vậy, chẳng khác gì giết Quách-Quỳ.

Nàng lật trang đầu, nói:

- Tôi xin lược dịch bài tựa.

Nàng ngẫm nghĩ:

- Kiến thức võ công bọn ngày không tầm thường. Mình muốn đọc sai đi, e chúng biết liền. Chi bằng mình cứ đọc nguyên văn.

Nàng ngắm nghía, suy nghĩ rồi đọc:

Lĩnh-Nam vũ kinh,

bảo quốc, trấn Bắc bình Nam.

Chủ biên:

Đại tư đồ, tước phong công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa.

Đại tư mã, tước phong Bắc-bình vương Đào Kỳ.

Tể-tướng Nguyễn Phương-Dung.

Bản số 9, dành cho phái Cửu-chân.

Bọn Triệu Thành đưa mắt nhìn nhau gật đầu. Thiếu-Mai mở qua mấy trang, đến chỗ chép Phục-ngưu thần chưởng. Nàng đọc:

"... Phục-ngưu thần chưởng, thủy do tổ sư phái Tản-viên phò mã Sơn-Tinh chế ra, gồm có ba mươi sáu chiêu dương. Khi vua An-Dương khởi binh đánh vua Hùng, phò mã Sơn-Tinh đấu với Vạn-tín hầu Lý Thân trên ba trăm chiêu bên bờ sông Hắc-long-giang bất phân thắng bại. Cuối cùng Vạn-tín hầu dùng Long-biên kiếm pháp đánh bại phò mã Sơn-Tinh. Tuy thắng đối thủ, nhưng ngài vẫn phục pho chưởng pháp huyền diệu. Nhân đó chế ra ba mươi sáu chiêu Phục-ngưu âm nhu".

Nàng bỏ qua một đoạn, đọc tiếp:

"...Phương pháp luyện chiêu Ác-ngưu nan độ"

Nàng đọc đến đâu, bọn Triệu Thành vận khí luyện đến đó.

Bên ngoài Mỹ-Linh chú ý thấy duy Đông-Sơn lão nhân thủy chung nhắm mắt luyện công, không xen vào những gì trước mắt. Chợt một âm thanh nhẹ nhàng dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai nàng:

"Công chúa Bình-Dương. Phải cẩn thận lắm. Qui tức như vậy, nhờ sóng biển, qua mặt mọi người. Coi chừng lát nữa hết gió, Minh-Thiên khám phá ra ngay."

Nàng giật mình. Vì với nội công qui tức của mình, may ra Thiệu-Thái khám phá nổi mà thôi. Không biết ai mà có nội công cao đến trình độ phát giác được. Hơn nữa trong đêm tối còn nhận ra nàng.

Trong khoang thuyền bọn Triệu Thành luyện Phục-ngưu thần chưởng, hơi thở dồn dập. Triệu Thành ngừng trước tiên. Y nói với Thiếu-Mai:

- Mong Lê cô nương dịch sang Hán văn cho.

Thiếu-Mai nói:

- Tôi bị giam lâu ngày, hình hài dơ bẩn không được tắm rửa, nên trong người mệt mỏi. Xin cho nghỉ ngơi đã.

Triệu Thành cầm cuốn sách trao cho Địch Thanh:

- Địch trạng nguyên giữ lấy. Mai đem đến để Lê tiểu thư dịch.

Địch Thanh tiếp cuốn sách.

Triệu Thành lệnh cho Quách Quỳ đưa nàng lên trên khoang thuyền phía trên. Minh-Thiên ra hiệu cho mọi người đều phát chiêu thực nhẹ hướng vào ông. Ông vung tay đỡ. Sau đó kiểm lại, tất cả đều luyện được chiêu Ác-ngưu nan độ. Nhưng khi phát ra, lại không giống nhau. Ông hỏi Đông-Sơn lão nhân:

- Lão tiền bối! Lão tiền bối đi nhiều, kiến văn rộng, xin lão tiền bối cho biết ý kiến.

Đông-Sơn lão nhân mở choàng mắt ra:

- Theo ý tại hạ, Phục-ngưu thần chưởng là thứ chưởng tối cổ. Nội lực ban sơ đơn thuần. Vì vậy ở đây chúng ta thuộc nhiều phái, nhiều trình độ, đều luyện đều thành. Thế nhưng uy lực không hoàn toàn như Đặng Đại-Khê, Đào Cam-Mộc, Bảo-Hoà vì chúng ta chưa luyện phần nội công tổng quát.

Minh-Thiên gật đầu:

- Lão nhân thực cao kiến. Hãy đợi Lê tiểu thư dịch xong rồi cùng luyện một lúc. Bây giờ các vị tiếp tục luyện đi.

Mọi người lại luyện.

Thình lình Triệu Thành kêu lên tiếng ối lớn. Y ôm lấy tay rên siết, mặt nhăn nhó. Tiếp theo tới Địch Thanh. Cả khoang thuyền náo loạn. Minh-Thiên cầm tay Triệu Thành. Ông nhìn tay đệ tử, rồi nhăn mặt:

- Rõ ràng tay vương gia trúng độc.

Nhìn tay Địch Thanh, cũng tương tự, ông hỏi Dực-Thánh vương:

- Vương gia. Xin vương gia dạy cho một lời.

Dực-Thánh vương biết Minh-Thiên nghi ngờ mình phóng độc. Vương lắc đầu:

- Tiểu vương hoàn toàn không hay biết về vụ này. Ở đây toàn người của sứ đoàn. Phía Đại-Việt chỉ có Đoàn đề đốc với tiểu vương. Nếu tiểu vương đầu độc bằng nước uống, bằng thực phẩm, e tất cả mọi người đều bị, có đâu mình Bình-Nam vương với Địch trạng nguyên?

Vương Duy-Chính chỉ vào cuốn sách nói với Dực-Thánh vương:

- Vương gia. Từ nãy đến giờ chỉ có Triệu vương, Địch trạng nguyên sờ vào cuốn sách kia. Cả hai cùng bị trúng độc. Không chừng độc chất ở cuốn sách.

Minh-Thiên lấy khăn lót tay, ông móc túi Địch Thanh lấy cuốn sách ra đưa lên mũi ngửi. Nhưng ông không thấy có mùi vị gì khác lạ. Ông bỏ cuốn sách xuống, lắc đầu:

- Không có gì lạ cả.



Dư-Tĩnh chạy lại quan sát cuốn sách, rồi bàn:

- Không chừng Lê Thiếu-Mai đã phóng độc vào cuốn sách, để hại chúng ta. Nàng là con Hồng-Sơn đại phu, y học cực giỏi. Thì việc phóng độc đâu có xa lạ gì?

Minh-Thiên chau mày suy nghĩ:

- Chúng ta đang nhờ Lê tiểu thư dịch sách. Bây giờ cật vấn nàng. Đúng, không sao. Trật nàng nổi giận e không ổn.

Vương Duy-Chính đề nghị:

- Lát nữa chúng ta nhờ Lê tiểu thư trị bệnh cho Vương gia xem nàng trả lời sao?

Đoàn-Thông truyền thủy thủ dọn cơm. Dư Tĩnh bảo đội Đam:

- Phiền đội trưởng cho người mời Lê tiểu thư với Quách Quỳ xuống ăn cơm.

Một lát Thiếu-Mai xuống trước, Quách Quỳ theo sau. Nàng thấy tay Triệu Thành với Địch Thanh sưng đỏ, vội lạng người tới xem. Cả khoang thuyền có gần hai chục người, mà đều im lặng, không một tiếng động. Bên ngoài tiếng sóng vỗ ào ào vọng vào.

Thiếu-Mai nhăn mặt:

- Trong thuyền này có người của Hồng-thiết giáo, thuộc bang Nhật-hồ Trung-Quốc. Hai vị bị trúng độc của họ rồi.

Dư Tĩnh nhảy phắt dậy:

- Cô nương nói sao? Vương gia với Địch trạng nguyên bị trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng ư?

Thiếu-Mai thản nhiên:

- Dư an phủ sứ nghe lầm rồi. Tôi nói hai vị bị trúng độc của Hồng-thiết giáo, thuộc bang Nhật-hồ Trung-quốc, chứ không phải trúng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.

Minh-Thiên vẫy tay bắt Dư Tĩnh im lặng. Ông khoan thai hỏi:

- Lê cô nương. Xin cô nương giảng thêm cho bần tăng được rõ hơn.

Thiếu-Mai nói:

- Hồng-thiết giáo do Nhật-Hồ lão nhân mang từ Tây-vực vào Trung-thổ. Do Hồng-thiết công, lão chế ra Chu-sa độc chưởng. Chưởng này truyền rất sâu rộng trong bang Nhật-hồ Trung-quốc. Sau lão về Đại-Việt, thay đổi đi một chút, chế ra Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng. Cả hai chưởng này, phải người học Hồng-thiết mật công mới giải được.

Dư Tĩnh gật đầu:

- Thì quả đúng như vậy.

- Trong khi Nhật-Hồ lão nhân còn tại thế ở Đại-Việt, thì Hồng-thiết mật công Trung-quốc bị thất truyền. Họ chế ra phấn độc Chu-sa. Bang Nhật-hồ Trung-quốc cử chú cháu Chu An-Bình sang Đại-Việt tìm truyền nhân Nhật-Hồ lão nhân, hầu học lại Hồng-thiết Trung-quốc. Hôm các vị trên thuyền từ Thiên-trường về Thăng-long đã giao chiến với người Đại-lý. Người Đại-Lý được chú cháu Chu An-Bình trợ giúp. Các vị bị trúng phấn độc của họ. Các vị đã được bang Nhật-hồ Đại-Việt cho thuốc giải. Nhưng không khỏi hẳn, mà mỗi năm phải uống một lần. Có đúng không ?

Minh-Thiên đáp:

- Đúng thế.

- Hôm trước các vị trúng độc do phấn tung lên, truyền vào người. Hôm nay hai vị trúng loại phấn độc trên pha lẫn với độc tố Thất-trùng ngũ-hoa, vì vậy thuốc giải của bang Nhật-hồ Đại-Việt e cũng vô hiệu.

Hôm ở Thăng-long, Dư Tĩnh từng nghe Thanh-Mai bị trúng Thất-trùng ngũ hoa độc, đến nỗi Huệ-Sinh, Thiên-trường ngũ kiệt đều bó tay. Sau chính Hồng-Sơn đại phu thân hành điều trị mới cứu được. Y hỏi:

- Lê cô nương, phải chăng Thất-trùng ngũ hoa do quý phái chế ra?

Lê Thiếu-Mai cười khẩy:

- Dư an phủ sứ, liệu mà giữ lời. Bố tôi nổi tiếng cứu người, chưa từng hại ai. Bố tôi chỉ giết kẻ ác. Ngoài ra giết một con mèo, con chó, người còn không cho, huống hồ chế thuốc độc. Bố tôi mà nghe thấy An-phủ sứ nói câu đó, tôi e An-phủ sứ khó sống qua được ngày mai.

Dư Tĩnh nghe Thiếu-Mai nói, y ớn da gà. Hình ảnh Hồng-Sơn đại phu trong ngày đại hội Lộc-hà chỉ đánh hai chưởng, khiến Nhật-Hồ lão nhân phải thối lui, làm y hoảng sợ:

- Không! Tại hạ không biết mới hỏi thế.

Thiếu-Mai cười nhạt:

- Thất-trùng ngũ hoa do phái Côn-luân Trung-quốc chế ra. Nay hợp với Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, phải có thuốc của hai phái mới cứu được.

Dực-Thánh vương nói với Đoàn Thông:

- Đoàn đề đốc! Trong thuyền này chỉ có sứ đoàn, cô gia, đề đốc, đội Đam cùng một vài người hầu. Sứ đoàn nhất định không hại Bình-Nam vương rồi. Ngoài ra chỉ còn đề đốc với tùy tùng. Cô gia yêu cầu đề đốc tìm cho ra thủ phạm, bắt trao thuốc giải.

Lê Thiếu-Mai lắc đầu:

- Vương gia không nên lạm dụng uy quyền quá đáng. Đoàn đề đốc xuất thân danh gia đệ tử, có đâu xử dụng độc chất hại người?

Vương Duy-Chính ngạc nhiên:

- Đoàn đề đốc xuất thân phái nào? Xin cô nương cho biết?

Thiếu-Mai mỉm cười:

- Người Đoàn đề đốc hơi cúi về trước, mặt nhìn thẳng, khi nói hai cùi chỏ khép vào hông, nhất định thuộc phái Đông-a. Võ đạo phái Đông-a cấm ngặt xử dụng độc chất. Đoàn đề đốc đâu dám phạm võ đạo phái này.

Dực-Thánh vương hỏi Đoàn Thông:

- Đề đốc! Lê cô nương nói có đúng không?

- Quả đúng như Lê cô nương nói. Tiểu nhân là đệ tử của phái Đông-a. Sư phụ của tiểu nhân họ Trần huý Tự-An.

Cả khoang thuyền đều kêu lên tiếng úi chà. Vì từ lâu, người ta đồn rằng chưởng môn phái Đông-a có bẩy đệ tử. Người nào cũng vào hàng quái kiệt, võ công, kiến thức vô song. Nhưng hành tung bẩy người rất bí mật, không ai biết tên họ, cùng hành trạng thế nào. Mới đây, người ta chỉ biết đệ tử thứ sáu tên Ngô An-Ngữ, thống lĩnh đạo binh Ngự-long thuộc mười đạo Thiên-tử binh. An-Ngữ nổi tiếng sau vụ Thuận-Thiên hoàng đế cùng Khai-Thiên vương đang đêm, đem đạo binh tinh nhuệ nhất đánh úp Trường-yên. An-Ngữ chỉ huy đạo cận vệ Khai-Quốc vương chống trả, đánh thắng đạo quân tập kích, cùng bắt sống tướng chỉ huy, mà không một người bị thương hay chết.

Hiện Ngô An-Ngữ thay mặt Khai-Quốc vương tổng trấn Trường-yên trong khi Vương về kinh làm Phu-quốc thái úy. Bây giờ nảy ra đề đốc Đoàn Thông là đệ tứ đệ tử của Tự-An, thực không tầm thường.

Đoàn Thông nói với Địch Thanh:

- Trạng nguyên cho tôi coi cuốn sách một chút. Tôi nghi nguồn gốc từ đây mà ra.

Địch Thanh trao cuốn sách cho Đoàn Thông. Đoàn Thông cầm lên ngửi, rồi lắc đầu. Vừa lúc đó Quách Quỳ cũng kêu lên tiếng ai chà, vẫy vẫy tay tỏ ra đau đớn vô hạn. Tiếp theo đến đội Đam, rồi hai thủy thủ hầu trong khoang.

Đoàn Thông kinh hãi nhìn mọi người. Giữa lúc đó, chàng cũng cảm thấy tay ngứa ngáy khó chịu. Đưa tay lên coi: bàn tay chàng cũng từ từ sưng lớn. Bất giác chàng kêu lên tiếng ái chà.

Minh-Thiên kêu lên:

- Độc chất ở cuốn sách.

Nhưng ông ngừng lại ngay, vì Quách Quỳ, đội Đam cùng hai thủy thủ, không hề đụng vào sách, mà cũng bị trúng độc. Minh-Thiên ra lệnh:

- Kẻ địch đang rình rập quanh chúng ta. Dư an-phủ sứ trấn cửa trước. Vương chuyển-vận sứ trấn cửa sau. Triệu Anh, Huy, trấn hai cửa sổ. Xin Đông-Sơn lão nhân bảo vệ Vương gia.

Ông nói vọng ra:

- Cao nhân nào xin xuất hiện. Bọn bần tăng với các vị vốn không thù không oán, hà cớ các vị đánh thuốc độc hại bọn bần tăng?

Không có tiếng trả lời. Lê Thiếu-Mai cũng kinh hoàng không ít. Nàng xoa hai chưởng vào nhau, vận khí thử, thấy kinh mạch lưu thông như thường. Nàng yên tâm. Nàng chợt thấy hai chưởng của mình khô khác thường, vội đưa lên nhìn: hai chưởng của nàng thường ngày mầu hồng, bây giờ hoá ra hơi vàng. Bất giác nàng đưa lên mũi ngửi. Nàng đã tìm ra nguyên đo.

Nàng chửi thầm:

- Mình đáng chết thực. Thì ra mình bị người ta lợi dụng, để đánh thuốc độc bọn này, mà mình không biết.

Vốn thông minh, lại học đến trình độ tối cao về thuốc. Nàng tìm ra nguyên do một cách dễ dàng. Khi ở trong hầm thuyền, một thiếu phụ trao cho nàng chiếc khăn ướt lau mặt. Nàng thấy chiếc khăn có mùi thơm hơi kỳ lạ, thì ra đó là mùi ngũ hoa hợp lại. Người này dùng một dung dịch lỏng, khả dĩ chống được với phấn Chu-sa độc chất cùng Thất-trùng ngũ-hoa, rồi tẩm vào khăn cho nàng lau tay, lau mặt. Sau đó mụ phóng bột độc vào tay nàng. Khi nàng ra khỏi khoang, tay vịn vào cửa, độc chất trên tay nàng dính vào lan can. Đội Đam cùng hai thủy thủ mó vào cửa, thành ra trúng độc nhẹ, nên phát sau. Lúc nàng tới đây, tay mó vào sách, rồi Triệu Thành, Địch Thanh, Đoàn Thông sờ lên sách mà bị trúng độc. Vừa rồi Quách Quỳ lạy tạ, nàng cầm tay nâng y dậy, thành ra y cũng bị trúng độc luôn.

Nàng nghĩ thầm:

- Người này là ai, mà có bản lĩnh không thua gì bố mình làm bao. Mưu trí lại tuyệt vời như thế? Mình phải tìm bà ta, để hỏi cho ra nguyên ủy mới được. Bà ta đi với với cặp nam, nữ tuổi trung niên. Rõ ràng ba người muốn giải cứu ta, như vậy họ không có ác ý với ta.

Nàng nói với Minh-Thiên:

- Đại sư! Tiểu nữ tìm ra người phóng độc rồi. Xin đại sư yên tâm, khi thuyền tới Quảng-Đông, tiểu nữ cam đoan sẽ kiếm ra thuốc trị cho các vị. Cái đau đớn của quý vị có thể trị bằng châm cứu, trong khi chờ thuốc giải. Tiếc rằng các vị bắt cóc tiểu nữ, thành ra tiểu nữ không có kim châm cứu cho các vị.

Nàng hỏi Đoàn-Thông:

- Đề đốc, trên thuyền có tre không? Tôi vót tre làm kim cũng được. Hoặc giả có tăm, tôi dùng đỡ vậy.

Đoàn Thông gọi thủy thủ mang đến một bó tăm. Thiếu-Mai ra ngoài rửa tay, rửa mặt thực kỹ, cho sạch thuốc bị khăn ướt thấm vào. Rồi nàng vót tăm thực nhỏ, thành những cái kim.

Vốn cảm tình với Đoàn Thông, nàng vẫy y:

- Đề đốc, lại đây, tôi trị cho người trước.

Nàng mỉm cười:

- Trị bằng châm cứu, kết quả tốt, song có điều hơi đau. Đề-đốc cố chịu một lát, cái đau giảm liền. Khi tôi châm kim, Đề-đốc đừng vận khí chống lại. Vì làm như thế chân khí Đề-đốc đề kháng lại kim, khiến cái đau tăng lên.

Nàng cầm kim châm vào hai huyệt Túc-tam-lý, rồi dùng tay quay kim. Nàng quay thực mau. Đoàn Thông cảm thấy một luồng chân khí chạy rần rật từ dưới gối lên đùi, bụng, qua tỳ, vị, tâm, phế rồi tới miệng, mũi, mắt. Thoáng một cái, mặt y đang tái mét, trở thành hồng hào. Cơn đau đang cực kỳ khó chịu, giảm từ từ. Y kinh ngạc hỏi:

- Lê cô nương! Ty chức bị trúng độc ở tay, tại sao cô nương châm ở chân, mà giảm đau? Kỳ diệu thực!

Thiếu-Mai giảng:

- Đề đốc bị trúng độc ngoài da, Chất độc cực kỳ bá đạo. Trước hết tôi phải làm thế nào cho chân khí Đề-đốc từ trong, đẩy ra ngoài. Trong sáu kinh, thì Thái-âm chủ biểu tức ngoài da, lông, tóc. Kinh Dương-minh chủ nửa trong, nửa ngoài y học gọi là bán biểu bán lý. Tôi dùng kinh này, đẩy chất độc từ trong ra. Tôi đã châm huyệt Túc-tam-lý thuộc túc Dương-minh vị kinh. Bây giờ tôi dùng huyệt Hiệp-cốc thuộc thủ Dương-minh đại trường kinh nữa, độc chất mới thoát ra ngoài được.

Nàng cầm kim châm vào huyệt Hiệp-cốc rồi quay kim. Quay xong, nàng nói:

- Đề đốc ngồi vận công, khí trần đơn điền, rồi chuyển ra Dương-minh kinh, hầu hợp với châm cứu.

Trong khi đó Thiếu-Mai châm thêm huyệt Liệt-khuyết, Chiếu-hải, giảng:

- Phối hợp cặp Liệt-khuyết, Chiếu-hải gọi là chủ và khách. Liệt-khuyết thuộc thủ Thái-âm phế kinh. Phế chủ ngoài da. Liệt khuyết vai chủ. Chiếu-hải thuộc túc Thiếu-âm thận kinh vai khách. Cặp huyệt này dùng để giúp hai cặp huyệt trên, mở rộng biểu, hầu chất độc thoát ra ngoài.

Đến đó, trên người Đoàn Thông toát ra mùi thơm kỳ lạ. Triệu Thành hỏi:

- Lê cô nương! Cô gia nghe độc chất bang Nhật-hồ tiết ra mùi hôi thối. Sao người Đoàn đề-đốc tiết ra hương thơm?

- Vương gia quên mất lời tôi nói rồi. Tôi đã bảo, các vị trúng phấn Nhật-hồ độc hợp với Thất-trùng ngũ-hoa. Ngũ hoa ắt phải có mùi thơm chứ?

Rồi nàng dùng kim châm cho Triệu Thành, Địch Thanh, Quách Quỳ, đội Đam với hai thủy thủ. Nàng giảng:

- Tôi tạm dùng châm cứu ngăn chặn không cho chất độc chạy vào tâm các vị, cùng giảm đau. Đợi tới Quảng-Đông rồi tôi sẽ cắt thuốc trị tuyệt bệnh cho các vị.

Bên ngoài Mỹ-Linh hoàn toàn không biết gì về vụ Đỗ Lệ-Thanh phóng độc bọn Triệu Thành. Nàng đang định lui về hầm, có tiếng ai dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai:

- Công chúa! Mau lui đi thôi.

Mỹ-Linh kinh hoảng nhảy lên khoang, cùng Thiệu-Thái, Lệ-Thanh trở về hầm giam.

Sau khi đóng cửa lại. Mỹ-Linh hỏi sẽ vào tai Lệ-Thanh:

- Đỗ phu nhân! Phải chăng phu nhân phóng độc bọn Triệu Thành?

- Đúng như thế. Không gì qua mắt được công chúa.

- Không biết ngoài bọn mình ra, trong thuyền còn cao nhân nào, biết rõ hành tung bọn mình, dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai tôi.

Rồi nàng thuật lại chi tiết lời nói của người lạ.

Thiệu-Thái kinh ngạc:

- Không lẽ Bố-Đại bồ tát hay đại sư Huệ-Sinh?

Mỹ-Linh lắc đầu:

- Tiếng Bồ-Tát, với sư phụ em quen rồi. Tiếng người này khác hẳn. Dường như em đã nghe nhiều lần, mà lần này đoán không ra. Em nghi họ là một trong những người của sứ đoàn, âm thầm giúp ta.

- Đông-Sơn lão nhân bị sư muội đả bại, ắt y không tử tế với sư muội. Ngoài ra, nội công cao chỉ có Minh-Thiên. Không lẽ là ông?

- Em chú ý kỹ, không phải tiếng Minh-Thiên. Biết đâu không phải cao nhân nào, ẩn dưới thuyền này, giả làm thủy thủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Anh Hùng Bắc Cương

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook