Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Chương 9: Anh Sơn Lâm bị thất tình

Genny

29/07/2015

Một tuần sau trận đòn của mẹ, những vệt bầm tím trên chân tôi bắt đầu chuyển sang màu xanh lá, tuy đã bớt đau, nhưng tôi vẫn tỏ ra còn mệt mỏi ghê lắm, mỗi lần có cơ hội, tôi đều ngồi ôm chân nhăn nhó.

- Có phải rạn xương đâu mà nhức thế này hả trời?

Lần nào nghe được, ông anh khờ cũng bày tỏ lòng quan tâm sâu sắc.

- Không sao đâu, chỉ cần em đừng vận động mạnh là được.

- Nhưng mà cứ làm phiền người khác phải chở đi học, ngại chết.

- Ôi… – Ông anh nhấp nháy con mắt. – Em đừng có nghĩ vậy. Thằng đệ anh không thấy phiền gì đâu. Mà không chừng, nó còn khoái nữa…

Tôi chỉ chờ mỗi câu nói đó.

Ông anh khờ là dân nghiệp dư, nói sao nghe vậy, chỉ có thầy ổ tệ nạn là cao thủ, bày trò thế nào cũng không qua nổi mắt thầy.

- Chân em vẫn bị đau, không đạp xe được. – Tôi vừa nói, vừa xuýt xoa như thể có hàng vạn mũi gai đang nằm trong thịt. – Không phải em lười nhác hay trốn tránh trách nhiệm, chỉ là, em xin phép thầy hoãn án phạt của em sang tháng sau… khi mà… em tự đạp xe đi được ấy.

Thầy ổ tệ nạn liếc nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thông cảm.

- Chân đau, không đạp xe được hả?

Tôi gật.

- Thôi được. – Thầy thở dài, ra chiều bất đắc dĩ lắm. – Vậy thì để thầy sắp xếp lại lịch trực sân thể dục tháng này, xem nào, Kim Dung lớp mười Anh với Trần Lê Hùng lớp mười Tin…

Tim tôi đập thịch một cái như thể vừa bị nhận một cú đấm hạ nốc ao trên võ đài quyền anh, tôi há miệng ngáp ngáp không khí.

- Tên đó… ờ… tên đó cũng bị phạt ạ, thưa thầy?

Ông thầy ngẩng đầu lên khỏi cuốn sổ dày cui, khóe mắt rõ ràng có thứ gì đó rất lạ.

- Tội mất tập trung trong giờ học, trực sân thể dục hai tuần. Sao, có chuyện gì à?

Tôi chắp hai tay lại với nhau, vặn vẹo.

Chuyện này thực là khó giải thích cho minh bạch. Tôi biết Kim Dung, con nhỏ học lớp chuyên Anh ngữ, vừa xấu vừa mập vừa lùn, đã thế lại mắc bệnh hoang tưởng, cứ ngỡ mình đẹp nhất thiên hạ, lúc nào cũng kiếm chuyện gây sự với mỹ nhân, nhìn thấy con trai thì cứ như mèo thấy mỡ, đàn bà con gái gì mà ngang nhiên bẹo má con trai nhà người ta, đi đứng thì ưỡn ngực ra mà lả lướt, mắt mũi thì lúc nào cũng liếc dọc liếc ngang, lúng la lúng liếng… thật không chấp nhận nổi. Dù sao thì tên trời đánh cũng đang có công chở tôi đi học, tôi nỡ lòng để hắn phải chịu phạt cùng với con nhỏ vô duyên đó, há chẳng phải bắt hắn phải chịu phạt gấp đôi sao?

Suy nghĩ chán chê, tôi đành hy sinh thân mình.

- Thưa thầy, em nghĩ là… ờ, có lẽ, em có thể nhờ người chở tới trường được.

Thầy ổ tệ nạn nở nụ cười đẹp nhất của thầy từ trước tới nay tôi từng thấy.

- Tốt. – Sau cùng, thầy nói. – Đối với thầy, việc chấp hành hình phạt là một cách trung thực nhất thể hiện sự ăn năn hối cải của một tâm hồn biết hướng thiện. Em đã cho thầy thấy được sự tình nguyện của mình, thầy nghĩ em sẽ trở thành một công dân tốt cho đất nước trong tương lai.

Tôi chẳng bao giờ nghĩ sâu xa được tới thế. Tôi chấp nhận chịu phạt, đơn giản là vì… các anh hùng hảo hán, ai cũng phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Trực sân thể dục suy cho cùng, tuy là việc chán nhất của mọi việc chán nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra, nhưng cuối cùng lại là một trong những khoảng thời gian hay ho nhất mà tôi từng có.

Sân thể dục khá rộng, được phân chia rất rõ ràng, ở chính giữa, có đường chạy điền kinh bao xung quanh, được quây lưới bốn bên là sân bóng rổ, thi thoảng được trưng dụng làm sân bóng chuyền và thậm chí là sân bóng đá. Một góc phía kế căng – tin là hai hố cát để học nhảy xa kèm nhảy cao, góc còn lại là nền đất nện, trồng vài ba cây nhãn, là nơi tập trung học sinh để điểm danh và học lý thuyết.

Trực sân thể dục, đơn giản chỉ là đi loanh quanh, một tay cầm cái túi nilon, tay kia cầm cái gậy, thấy rác thì nhặt bỏ vào túi, thấy người vứt rác thì phải nhắc nhở, phát hiện học sinh vi phạm kỷ luật thì chạy tới bắt quả tang và báo cáo thầy giám thị. Công việc bắt đầu từ một giờ chiều và chỉ kết thúc khi học sinh tan học về hết.

Tôi được thầy ổ tệ nạn ưu ái phát cho một cái nón lá để đội vào khi trời nắng. Tôi tuy mù thời trang thật, nhưng thà để đầu trần giữa trưa nắng chang chang còn hơn đội cái nón có dòng chữ giữ gìn vệ sinh chung ấy.

Tên trời đánh còn đáng thương hơn, khi cái nón của hắn còn in nguyên hàng chữ hãy bỏ rác vào thùng.

Công việc được thầy phân chia rất rành mạch, mỗi đứa một nửa sân. Ngày đầu tiên, tôi bốc trúng phần sân kế căng-tin. Thùng rác để một dãy dài ba cái, không hiểu sao lũ học sinh lại cứ cố tình bỏ rác ra ngoài, làm tôi nhặt tới phát ốm. Nhắc nhở hoài không ăn thua, tôi chán, tôi ngồi bịch xuống gốc cây nhãn, nhăn nhó nhìn tên trời đánh đang thung dung thong thả lượn lờ trong bóng mát của nhà để xe. Sao hắn lại có thể biểu hiện ra ngoài cái thái độ thanh thản như thế cơ chứ? Trời đất, lại còn cười… chẳng thà hắn cười một mình tôi còn thấy thương hại cho cái sự ngộ chữ của hắn, đằng này hắn lại còn cười với một đám nữ sinh… đồ vô duyên… ai cười với hắn mà hắn cười lại chứ? Tôi ghét. Tôi ghét. Tôi ghét.

Trong bụng đang khó chịu, tôi liền tóm lấy một thằng nhóc tay cầm bịch vỏ kẹo đang nhớn nhác kiếm nơi xả. Tính xả bậy vào đầu tôi chắc?

- Nhóc! – Tôi gằn giọng. – Mắt cận bao nhiêu độ?

Thằng nhóc bị bản mặt nghiêm trọng của tôi dọa cho hết hồn, lập cập đáp ngay:

- Em không bị cận, mắt em mười trên mười.

- Có đúng không? – Tôi quát.

- Dạ đúng. – Thằng nhóc trả lời, miệng méo xẹo qua một bên.

Tôi buông tay nó ra, chỉ về phía ba cái thùng rác.

- Mắt mười trên mười, sao không vứt rác vào thùng mà cứ kiếm nơi xả lung tung?

Thằng nhóc giấu bịch rác ra đằng sau lưng, run run đáp:

- Tại… nó xa quá, em ném không tới.

Bấy giờ tôi mới ngộ ra, cái cảm giác khó chịu ban đầu của tôi thật không sai. Hóa ra là vì một lý do thẩm mỹ kỳ quặc nào đó, ba cái thùng rác được xếp hàng nằm chỏng chơ lẻ loi một mình một cõi, muốn đi tới đó, phải băng qua cả một khoảng sân trống rộng, lẽ dĩ nhiên, lũ học sinh lười biếng chẳng đứa nào có đủ ý thức và sự dở hơi để mà giữa trời nắng cháy da lại lặn lội cả một quãng đường dài chỉ để vứt rác vào thùng.

Tìm được nguyên nhân, tôi vỗ đầu thằng nhóc.

- Lần sau thì nhớ nhé, muốn làm việc gì, nhất là việc sai, thì phải làm cho mau, đừng chần chừ. Giờ thì vào lớp đi.

Thằng nhóc chưa thể giác ngộ ngay ra được huyền ý sâu xa có trong lời khuyên của tôi, nhưng vẫn nhe răng cười.

- Cảm ơn chị.

Nói xong, chạy biến.

Tôi nhìn ba cái thùng rác, ước lượng sức mình không thể di chuyển được liền lúc ba cái, bèn tới bên phần sân của tên trời đánh, lấy hết sức mà gào.

- Này… – Tôi gọi. – Phụ việc này chút đi.

Tên trời đánh đang tí tớn nói chuyện với một đám nữ sinh lớp Lý – chả là chiều nay lớp Lý có tiết thể dục – nghe tiếng tôi gọi thì vội quay lại.

- Lại phụ một tay.

Tôi ngoắc. Hắn có lẽ đã được ông anh khờ truyền giáo đôi chút về bản tính dữ dằn và nắm đấm không có đối thủ của tôi nên không chờ tôi gọi thêm tiếng nữa, sợ tôi nổi điên, lập tức ba chân bốn cẳng chạy về phía tôi, gương mặt còn cố gắng nở ra nụ cười rạng rỡ.

Tôi đi đằng trước, hắn lon ton đi theo đằng sau. Tôi chỉ mấy cái thùng rác, nói như đại tướng đang cầm quân đánh giặc.

- Đẩy cái đống đó lại phía này.

Phía này là ngay phía trước cửa căng–tin.

- Thầy giám thị nói làm hả? – Hắn ngơ ngác hỏi.

- Không, Nhi nói.

Tôi đáp tỉnh queo. Hắn tự biết thân biết phận, không hó hé gì, lui cui đi đẩy thùng rác.

Tôi lấy cớ đau chân, không làm gì hết, chỉ đi đằng sau bô lô mấy chuyện tào lao, động viên hắn. Dù sao thì cũng là tôi có ý tốt, muốn hắn được thoải mái khi làm việc nặng nhọc.

Sắp xếp lại vị trí mấy cái thùng rác cho hợp lý xong xuôi, tôi xoa tay, tự khen ngợi mình.

- Trí tuệ siêu phàm! Đã vậy tấm lòng còn bao la nhân hậu, hết lòng nghĩ vì người khác.

Hắn nghe tôi ba hoa, cũng không dám phản đối, chỉ hỏi lại.

- Khát nước không?

Tôi gật, ngồi xuống ghế đá nơi gốc cây nhãn, thở phì phò ra chiều vừa làm việc mệt dữ dằn lắm. Hắn chạy đi một hồi, mang về cho tôi một bình nước giữ nhiệt.

- Trà gừng má tự làm đó. – Hắn nói, giọng chợt mất tự nhiên. – Má kêu trời nóng uống đỡ mất nước với lại không bị cảm nắng.

Tôi chẳng một lời cảm ơn, cầm lấy tu nửa bình.

Lúc này các lớp đã vào học hết, sân trường vắng hoe. Hắn ngồi xuống cạnh tôi, hai chân khép lại, hai bàn tay đặt ngay ngắn trên đùi, thân người thẳng đơ. Tôi muốn nói gì đó, nhưng rồi chẳng nghĩ ra được điều gì hay ho, đành im lặng. Hai đứa không nói một lời, chỉ nheo mắt nhìn ra một khoảng nắng vàng ươm trước mặt.

Hóa ra cảm giác bình yên là như thế.

Chẳng cần phải nói gì cả. Chỉ cần ngồi bên cạnh một người mình có thể tin tưởng. Dù cho sắp tới có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, chỉ cần bây giờ được ngồi cạnh nhau, thì tất cả sẽ chẳng có gì đáng sợ.

Tôi lim dim đôi mắt. Thật là muốn ngủ gật quá đi mất.

Kết thúc một ngày mệt lử, vẫn trong tâm trạng cao hứng, tôi vừa nghêu ngao hát vừa đánh răng trong nhà vệ sinh thì bất chợt trong gương, cái mặt của ông anh khờ hiện lên. Tôi hết hồn, quăng luôn cái ly cầm trong tay về phía sau lưng. Cái ly bằng thủy tinh đập vào tường, vỡ tan tành. Ông anh khờ bị bất ngờ, né không kịp, ngã lăn ra, tay vẫn còn giữ khư khư cục giấy vệ sinh. Tôi chưa kịp súc miệng, bọt vẫn còn dính trên mép, đã nhào ra, túm lấy cổ áo ông anh, xách lên như xách con gà.

- Anh đang giở cái trò biến thái gì thế hả?

Nghe tiếng thủy tinh vỡ, tiếp đó là tiếng tôi la hét, bác gái bỏ dở luôn nửa cái đầu đang quấn lô, hộc tốc chạy ra.

Ông anh khờ bị tôi dọa cho mất vía, mắt trợn ngược lên, ấp úng mãi mới thành câu.

- Anh tưởng em gọi… nên…

Bác gái tuy chưa hiểu chuyện, nhưng cũng không đành nhìn thấy cái cảnh tượng không hay ho gì trước mắt, nên phá lệ lên tiếng.

- Hạ Nhi, cháu buông thằng Ngỗng ra.

Tôi nghe lời, thả tay. Ông anh có vẻ giận, vùng vằng đi lên nhà, không quên ngoái lại hờn dỗi một câu.

- Lần sau em có gọi rát họng, anh cũng sẽ không thèm nghe đâu.



Tôi đang định há mỏ ra cãi lại, thì đã nghe tiếng bác gái trách:

- Hai anh em… nghịch gì tới nỗi… đập phá hết cả đồ đạc.

Giọng nói rõ ràng ra vẻ không hài lòng. Tôi chưa kịp xin lỗi, bác gái đã nói tiếp, lần này là một câu khá dài:

- Hạ Nhi, lần sau chú ý một chút, con gái lớn rồi, đâu thể cứ vô nhà vệ sinh rồi kêu người mang cái này cái kia tới cho mình được.

Nhà này có quỷ, hay tôi bị rối loạn tâm thần đa nhân cách? Tôi kêu người mang cái này cái kia cho tôi lúc nào?

Tôi đánh răng (lại một lần nữa) và rửa mặt qua quít, lòng vẫn không khỏi cảm thấy thắc mắc và mặc cảm tội lỗi. Thấy bác gái lui cui kiếm chổi quét mảnh thủy tinh, tôi láu táu tới giúp nhưng bác nhanh chóng gạt ra.

- Cháu đi ngủ đi, để mặc bác.

Biết tính bác, tôi đứng quẩn chân một lát, rồi chạy lên nhà trên.

Phòng ông anh vẫn còn sáng đèn. Tôi ló đầu vào. Ông anh khờ đang nằm sấp, ngực đè lên một cái gối, mông chổng lên trời, đầu gục vào một cái gối khác, hai tay để sau gáy.

- Anh Sơn Lâm. – Tôi gọi. – Anh ngủ rồi à?

Ông anh hứ một tiếng, vẫn đang còn dỗi, không thèm trả lời.

- Em xin lỗi…

Tôi dài giọng nói, ông anh vẫn nằm im thin thít. Tôi đứng dựa lưng vào cửa, khoanh tay lại, bắt đầu tìm cách để được hưởng khoan hồng.

- Em không cố ý ném cái ly đó vào anh. – Giọng tôi chân thành. – Tại anh làm em giật mình… tưởng anh nhìn trộm em.

Đụng chạm đúng lòng tự trọng, ông anh bật dậy, vẫn ngồi trên giường, quay ngoắt lại, giãy nảy như đỉa phải vôi.

- Nhìn trộm em? Em hoang tưởng đấy à? Không phải tại em trong nhà vệ sinh gọi ầm ĩ lên thì anh mất công mang giấy ra cho em làm gì? Cái gì mà nhìn trộm em? Em nghĩ anh là cái hạng người…

Tôi giơ tay ra hiệu ngừng lại.

- Em gọi anh?

- Không. – Ông anh trả lời ngay. – Mẹ anh kêu anh ra xem em có việc gì mà la hét trong nhà vệ sinh nửa tiếng đồng hồ. Anh đoán là em cần giấy vệ sinh nên mang ra cho em.

Tôi gãi cằm. Giờ tôi mới hiểu vì sao, đã từ rất lâu rồi, hai ông anh của tôi nghiêm cấm tôi hát hò dưới mọi hình thức.

Tôi xin lỗi ông anh một lần nữa, nhưng rồi vẫn thấy chưa ổn thỏa, tôi vớt vát cú danh dự chót.

- Nhưng cũng tại anh, ai bảo tiếng tăm của anh cũng chẳng tốt đẹp gì.

Ông anh ngơ ngác.

- Tiếng tăm anh làm sao?

- Chẳng phải anh cũng đã từng có quá khứ huy hoàng giả vờ đi nhầm nhà vệ sinh để nhòm trộm mấy chị…

Tôi nói chưa hết câu, ông anh ngã bật ra giường, vật vã.

- Không… không…

Điệu bộ vô cùng thê thảm. Vật vờ chán chê, ông anh ngước gương mặt khốn khổ nhất trần đời lên nhìn tôi.

- Ai kể em nghe vậy?

Tôi nhún vai.

- Phương Thảo.

Ông anh thét lên một tiếng, đau đớn hệt như vừa bị đâm một mũi dao vào giữa tim. Bác gái lại lật đật chạy lên, hoảng hồn.

- Ngỗng… con sao thế kia? – Quay sang tôi, ánh nhìn giận dữ. – Hai anh em có thôi ngay đi không, khuya rồi… quậy quá thì ai mà chịu cho nổi?

Có lẽ phải phá lệ nói hơi nhiều nên bác gái tỏ ra vô cùng mệt mỏi, đứng thở hồng hộc, vừa thấy ông con trai cưng lóp ngóp mò dậy thì không thèm quan tâm nữa, bỏ đi luôn một nước.

Ông anh vừa chết đi sống lại, mặt mũi tèm lem nước, không rõ là nước mắt hay nước mũi.

- Phương Thảo nói với em? – Giọng nói ra chiều thống khổ. – Có đúng là Phương Thảo nói với em không?

Tôi bắt đầu cảm thấy hơi hối hận vì nhắc đến cái tên Phương Thảo, nên đành đánh trống lảng.

- Ai nói với em không quan trọng, quan trọng là… chuyện đó có đúng hay không?

Ông anh cúi mặt, bó gối, trông không khác gì đứa bé gái năm tuổi đang dỗi vì bị giành mất đồ chơi.

- Cái trò cá độ chết tiệt. – Mãi sau tôi mới nghe tiếng ông anh thút thít. – Lũ bạn bè chết tiệt.

Tôi ngồi xuống kế ông anh, vỗ vỗ vai an ủi. Ông anh cảm nhận được sự động viên khích lệ tinh thần to lớn của tôi, liền kể ra tuốt tuồn tuột.

- Có thằng đệ anh biết, là tại anh thua cá độ với tụi bạn cùng lớp nên phải vô nhà vệ sinh nữ ăn bánh mỳ. Anh đang trốn trong một góc để ăn thì bị… mấy đứa con gái phát hiện… tụi nó la hét um sùm… có mỗi một lần đó thôi… chỉ có điều… không ai thanh minh giúp anh hết… nên… anh bị hiểu nhầm… anh bị oan ức…

Ông anh cố gắng không khóc tới nỗi miệng méo xệch sang một bên, trông vô cùng đáng thương.

Tôi vỗ vai ông anh cái nữa.

- Em sẽ tìm cách lấy lại danh dự cho anh.

Ông anh vẫn chẳng vui hơn chút nào sau lời đảm bảo ấy của tôi, gương mặt thể hiện chính xác từng đường nét của một kẻ biết mình bị ung thư giai đoạn cuối.

- Phương Thảo chắc chắn sẽ nghĩ anh bị bệnh… anh thật không muốn sống nữa.

Nói rồi, ông anh lăn mình ra giường, hận không thể đập đầu vào gối mà chết quách đi.

- Em bảo là em sẽ lấy lại danh dự cho anh mà. – Tôi nhắc lại một cách nghiêm túc, quả thực, nhìn ông anh bị tôi đẩy vào hoàn cảnh này, tôi không còn đủ sự nhẫn tâm và lạnh lùng vốn có. – Từ giờ cho tới cuối tuần, em sẽ tìm cách tiếp cận Phương Thảo cho anh.

Như bà tiên vừa giơ đũa phép lên biến nàng Lọ Lem thành một công chúa lộng lẫy, lời nói của tôi cũng biến ông anh khờ đang ở đáy sâu tuyệt vọng bay lên tới đỉnh núi của sự hạnh phúc vô bờ.

- Em hứa rồi đấy nhé. Hứa rồi là phải làm đấy nhé!

Ông anh nhắc lại tới lần thứ một trăm mới buông tha cho tôi về phòng đi ngủ. Tôi mệt tới đờ đẫn đầu óc, chưa nghĩ ra được làm cách nào để thực hiện lời hứa thì đã lăn đùng ra ngủ khì. Thôi được rồi, chuyện của ngày mai, ngày mai tính… cứ chờ vào điều kỳ diệu rồi điều kỳ diệu sẽ tới.

Hóa ra điều kỳ diệu tới nhanh hơn tôi tưởng.

Có lẽ được sinh ra trong nhung lụa chưa biết khổ cực là gì nên có một hôm đại tiểu thư nổi hứng muốn nếm mùi đời nên cứ khăng khăng đòi theo tôi đi trực sân thể dục, mặc kệ cho tôi nói tới rát cả họng rằng, trực sân thể dục là công việc chán ngắt nhất của mọi công việc chán ngắt nhất.

- Nhưng Thảo thích… Thảo thích thật mà.

Không còn biết phải lấy lý do nào để từ chối cho hợp lý, tôi đành đồng ý.

- Một giờ chiều là phải có mặt ở trường đó. – Tôi đe, vẫn không quên thòng một câu nghi vấn. – Mà Thảo không bị phạt, mắc mớ gì tự làm khổ mình thế?

Phương Thảo vẫn chúm chím cười.

- Thảo thích.

Ừ, thì Thảo thích…

Chấp nhận với lời giải thích như thế, bộ não tôi lập tức đưa ra một câu suy diễn, nếu Phương Thảo thích, thì người khác cũng có thể thích.

Vừa hết tiết hai, nghe trống đánh ra chơi là tôi lập tức chạy huỳnh huỵch sang lớp mười một Tin, ông anh khờ đang ngồi gác chân lên ghế đánh ca rô với một tên chiến hữu, thấy tôi gọi mà cứ ngẩn người ra, làm tôi phải đứng ngoài vẫy mãi.

- Ờ… – Ông anh vừa đi ra vừa gãi đầu gãi tai. – Ờ… em gọi anh có việc gì?

- Chiều nay đi trực sân thể dục với em. – Tôi nói luôn, không chú ý tới những ánh mắt tò mò xung quanh đang nhìn tôi như ngắm nghía một sinh vật cảnh.

Ông anh trợn mắt.

- Anh có bị phạt đâu. Với lại chiều nay anh phải học nhóm.

- Tùy anh thôi. – Tôi nhún vai. – Em đã hẹn Phương Thảo giúp anh, là anh không chấp nhận đó nhé.

Nói xong, tôi kiêu hãnh quay người bỏ đi. Đám chiến hữu của ông anh khờ câu được câu chăng, chẳng biết tôi là ai, có mối quan hệ gì, sẵn đang rảnh chuyện, ồ lên một tiếng, ùa vào chọc ông anh một trận tơi tả.

Thấy tôi đi trực sân thể dục ngày một, ngày hai đã lôi kéo theo đằng sau cả một lô xích xông người đi cùng, thầy ổ tệ nạn giơ hai tay lên trời.

- Mười mấy năm làm giám thị, chưa bao giờ chứng kiến cảnh này.

Nói thì nói vậy, nhưng trên môi thầy lại nở một nụ cười có thể làm xấu hổ bất cứ loài hoa nào.

Giao ông anh khờ cho tên trời đánh xong, tôi dắt Phương Thảo đi vòng quanh khu vực đã được phân chia.

Phương Thảo tỏ vẻ không được thoải mái lắm, cũng đúng, chẳng ai đi trực sân thể dục mà lại mặc váy vàng rực rỡ và đi giày cao gót như đang tham gia dạ hội như vậy cả.

- Tại sao? – Ấm ức mãi Phương Thảo mới bật lên được một câu hỏi. – Tại sao anh đó cũng đi?

Vừa nói, cô nàng vừa hất hàm chỉ về phía ông anh khờ tội nghiệp của tôi.

- Vì chân Nhi bị đau. – Tôi trả lời hết sức thật thà. – Nhi đâu tự đạp xe được.

- Nhưng… nhưng từ hồi nào giờ… anh đó đâu có chở Nhi đâu…

- Ừ… – Tôi hơi bối rối một chút. – Vì Nhi không thích làm phiền người khác.

Phương Thảo nhăn nhó mặt mày, rõ ràng biết tôi trả lời trớt quớt nhưng có điều gì đó khó nói nên chẳng hề bắt bẻ lại.



Cả hai đứa im lặng đi loăng quăng một chút, rồi Phương Thảo lại thẽ thọt:

- Tại sao… lại không đi cùng nhau?

- Cái gì cơ? – Tôi hỏi lại.

Phương Thảo nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Tôi nhất thời chưa nghĩ ra thâm ý sâu xa, buột miệng trả lời.

- Vì sân thể dục rất rộng, chia người ra sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Nói xong, tôi quay lại nhìn Phương Thảo.

Phương Thảo chẳng cần hiểu những gì tôi nói, cô nàng chỉ mải mê đuổi theo ý nghĩ của riêng mình.

- Thảo tưởng sẽ được đi cùng nhau chứ.

Nói xong, cô nàng than mệt, liền kiếm chỗ ghế đá ngồi nghỉ.

Ở đầu bên kia, ông anh khờ cũng chẳng khá khẩm hơn gì, vừa mới thoáng thấy Phương Thảo ngồi nghỉ, ông anh cũng kiếm nơi bóng mát trú thân.

Ngồi đối diện, chỉ cách nhau một khoảng sân bóng rổ bé tí tẹo, vậy mà không dám bước tới nói chuyện làm quen, thiệt tình… khờ quá đi mất. Tôi vừa đi vừa rủa thầm ông anh, không lẽ giờ tôi phải dắt Phương Thảo tới tận mặt, nói, đây, người anh thích đây, nói chào đi?

Việc sắp xếp lại ba cái thùng rác của tôi phát huy hiệu quả rõ rệt, tôi chỉ cần đi vòng quanh một vòng là đã thấy mọi việc rất chi ổn thỏa. Chưa tới giờ ra chơi nên trên sân chỉ loe ngoe bốn người chúng tôi. Thấy tên trời đánh phải một mình lúi húi, tôi động lòng thương, bèn gọi Phương Thảo.

- Qua bên kia giúp một chút không?

Phương Thảo quên mất là trời đang nắng, xúng xính chạy lại ngay, miệng cười toe, trả lời không cần suy nghĩ.

- Ừ.

Thấy tôi tốt bụng đột xuất, mang theo cả đồng minh tới trợ giúp thì tên trời đánh lấy làm kinh dị lắm, nhưng cũng không nói gì. Chờ cho tới khi dọn dẹp xong xuôi, cả bốn người cùng ngồi nghỉ nơi nhà để xe, hắn mới khẽ khàng bảo:

- Thực ra thì… một mình… một mình làm cũng được mà. Trời nắng như vậy…

Tôi không chờ nghe nói hết câu, đạp cho hắn một cái.

- Sao bây giờ mới nói?

Ông anh khờ bình thường hót như khướu, giờ ngồi trước mặt Phương Thảo, im re như bị hết pin. Mãi một lát sau, bị tôi huých trúng một khuỷu tay mới giật mình, lắp bắp:

- Có ai khát nước không? Uống nước nhé?

Rồi cũng chẳng cần chờ ai trả lời, le te chạy đi luôn.

Ông anh khờ chạy đi rồi, Phương Thảo – nãy giờ chỉ ngồi giương mắt ngó tôi hành hạ tên trời đánh – mới bắt đầu có đủ can đảm để mở miệng.

- Trời nóng ghê!

- Ừ. – Tôi đáp ngay. – Nóng thật

- Không lâu nữa sẽ mưa thôi. – Tên trời đánh thấy tôi chuyển chủ đề sang thời tiết mà tạm quên đi cái tội của hắn thì cũng hí hửng góp vui. – Năm nào cũng vậy mà

Tôi liếc hắn một cái dài ba cây số. Phương Thảo thấy tôi chuẩn bị bắt đầu một trận chiến mới, nhanh chóng đưa ra một câu hỏi tuyệt hay.

- Ủa, mà Hùng sao bị phạt vậy?

Hệt như một kẻ phạm tội bị bắt quả tang, tên trời đánh mặt đỏ nhừ như quả cà chua, lúng búng mãi mới khai ra được thành câu:

- Vì… mất tập trung trong giờ học.

Phương Thảo tỏ vẻ không tin.

- Xạo. Một trong những học sinh giỏi nhất trường mà mất tập trung trong giờ học sao? Nghe như chuyện lạ bốn phương vậy.

Cái đầu của tên trời đánh cúi thấp tới mức tôi tin rằng hắn đang cố gắng tìm trên mặt đất một lỗ nẻ nào đó để chui.

- Học sinh giỏi nhất trường thì sao chứ? – Tôi dài giọng. – Cũng là học sinh như tụi mình thôi mà. Đứa nào đi học mà chả có lúc lãng đãng.

Cảm thấy lời nói của mình chưa đủ sức thuyết phục, tôi dặm thêm vào một câu chuyện có thật.

- Từ hồi lên lớp mười Nhi mới ngoan như thế này đấy. Chứ hồi Nhi học cấp một, cô giáo Nhi còn phải lấy dây cột chân Nhi vô chân bàn giáo viên để Nhi khỏi chạy lung tung ra ngoài chơi.

Phương Thảo tròn mắt nhìn tôi.

- Giờ là Nhi ngoan rồi đó hả?

Tôi gật đầu. Chợt nhớ ra trách nhiệm tự lãnh giúp ông anh lấy lại thanh danh trước mặt Phương Thảo, liền kể thêm một câu chuyện nữa.

- Cấp một thì Nhi khoái chạy ra ngoài chơi, ăn rồi bị lạc miết mà vẫn không chừa, đến hồi cấp hai thì Nhi thích chơi trò cá độ. Có lần có thằng nhỏ kia cá độ thua Nhi, Nhi bắt nó vào toa-lét nữ, ngồi một mình trong đấy hát hết một bài hát, xong mới cho ra. Thằng nhỏ hát xong đi ra, khóc quá trời quá đất.

Phương Thảo cười:

- Nhi quậy dữ.

Tôi quay sang tên trời đánh:

- Đã bao giờ thua cá độ mà phải vào nhà vệ sinh nữ chưa?

Nghe tôi hỏi một câu vô duyên hết sức, tên trời đánh ngớ mặt ra, đưa tay quệt mồ hôi trán, không biết phải trả lời thế nào. Tôi tới luôn.

- Nghe nói anh Sơn Lâm hồi nào bị thua cá độ phải vào nhà vệ sinh nữ phải không?

Tên trời đánh tuy không hiểu thâm ý của tôi, nhưng gật đầu, trả lời rành rọt:

- Ai biểu ảnh ngốc. – Hắn nói, giọng sang sảng như một luật sư đang bào chữa cho thân chủ chống lại tội giết người. – Cá độ Chealsea vô địch Seagame.

Phần sau của câu chuyện tương tự như những gì ông anh khờ đã kể tôi nghe. Tôi chỉ chờ có thế, liền đạp hắn một cái nữa.

- Biết chuyện rõ như vậy mà không chịu nói đỡ cho ông anh của tôi, khổ thân ổng mang danh biến thái từ hồi nào tới giờ…

Tôi chưa kịp kết thúc bài cảm thán của mình thì ông anh khờ đã đi mua nước về tới nơi, chẳng biết Phương Thảo thích uống cái gì, mỗi loại, ông anh mua một chai, làm nguyên một bọc to tướng. Nhìn ông anh mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi cảm thấy thương cảm, liền đứng dậy, nhường chỗ.

- Anh ngồi đi.

Chẳng dè ông anh vừa ngồi xuống, thì Phương Thảo cũng bật đứng lên.

- Vậy Nhi ngồi chỗ Thảo đi.

- Không. – Tôi dỗ dành. – Thảo ngồi đi, Nhi đứng có sao đâu

- Không. – Phương Thảo nằng nặc, và sau đó phun ra một câu, mà tôi tin, đã làm tan nát trái tim ông anh tôi mãi mãi. – Anh - đó - hôi - lắm.

Nước cam từ trong miệng ông anh tôi phun thẳng vào cái mặt đang ngơ ngác không biết nên thể hiện thái độ gì của tên trời đánh.

Tôi choáng. Tôi choáng. Tôi choáng.

Ông anh khờ vừa về tới nhà, đã đóng chặt cửa phòng, mặc cho tôi ở bên ngoài khuyên giải hết lời hết lẽ. Tôi chỉ sợ ông anh chán đời, trong giây phút nghĩ dại, treo cổ tự tử nên chốc chốc lại phải cúi xuống ghé mắt qua khe cửa xem có thấy cái chân nào đang đung đưa không.

Tên trời đánh sau khi về đến nhà, có lẽ tắm xong thì cảm thấy có điều gì đó bứt rứt không yên, bèn gọi điện sang hỏi tôi về tình hình ông anh. Tôi đang cần đồng minh, liền thêm mắm thêm muối, nói như thể ông anh đã quyết chí đóng cửa đi tu, cả đời không nhìn mặt ai nữa. Nghe vậy, hắn hoảng hốt, không kịp cúp máy, đã vội vã chạy qua, mặc kệ con Bon vẫy đuôi rối rít dụ chơi vật nhau, hắn lao ào vào nhà như một cơn bão.

Tôi đặt ống nghe điện thoại xuống, chỉ vào cánh cửa đang đóng im ỉm.

- Đang khóc lóc trong đó, nghe thương tâm lắm.

Cái này là tôi nói láo, bởi từ lúc về tới giờ, ông anh vẫn im thin thít. Nhưng tên trời đánh đang trong lúc tâm thần bối rối, chẳng cần biết tôi nói đúng hay sai, lập tức gõ cửa phòng, gọi.

- Anh Sơn Lâm… anh Sơn Lâm…

Gõ một hồi, gọi một hồi mới nghe từ trong phòng, một giọng nói yếu ớt vọng ra, kèm theo đó là những tiếng sụt sịt nức nở.

- Đi về đi. Mặc kệ anh.

Hắn đưa mắt nhìn tôi, tôi nhún vai. Hắn đành cố gắng thêm lần nữa, giọng hạ thấp, năn nỉ.

- Nghe em nói này…

- Chú mày biết cái gì mà nói? – Ông anh nói bằng thứ giọng có thể làm cho mọi thể loại nhựa đường trên thế giới này ghen tỵ. – Chú mày đã bao giờ bị tổn thương sâu sắc đâu… chú mày sao mà hiểu được cảm giác của anh bây giờ. Đi về đi, mặc kệ anh.

Một lần nữa, hắn lại nhìn tôi, ngơ ngác. Tôi cũng một lần nữa nhún vai, đi tới phía cánh cửa. Lướt qua hắn, tôi chợt ngửi thấy một mùi thơm nhạt, tựa như mùi gỗ thông.

- Chuyện nhỏ thôi mà. – Tôi nói và ngồi xuống, ghé mắt nhìn qua khe cửa. – Bị chê hôi thì cũng giống như bị chọc là khùng thôi, còn đỡ hơn bị gọi là biến thái.

- Không phải! – Ông anh nghe tiếng tôi, gào lên. – Mấy đứa không biết gì hết, lòng tự trọng của anh đã bị xúc phạm ghê gớm, anh đang bị tổn thương… thật mất mặt quá đi mất, thật mất mặt quá đi mất. Anh không còn danh dự để bước chân ra ngoài đường gặp mọi người nữa…

Phía trong, tôi thấy ông anh lại trùm chăn nằm thu lu một đống, hai tay liên tục đập xuống giường bình bình.

Tên trời đánh cũng ngồi xuống với tôi, chẳng biết phải nói sao, hai đứa cùng tựa lưng vào cửa, quay sang nhìn nhau.

- Con trai thật rắc rối. – Tôi nói.

- Con gái mới rắc rối chứ. – Hắn phản biện. – Không dưng… đi nói người khác hôi. Con trai chẳng bao giờ nói chuyện sỗ sàng như vậy.

Bên trong phòng, ông anh lại rú lên thảm thiết.

Tôi với hắn nhìn nhau, cười khổ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook