Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Chương 11: Cái thứ tình cảm này là cái thứ quỷ quái gì?

Genny

29/07/2015

Biết tin mỹ nhân bị voi đụng phải nằm bệnh viện, ông anh khờ la ầm lên, nghiến răng nghiến lợi như thể chính ổng mới là người bị khâu ba mũi nơi thái dương.

- Anh làm cái gì mà hét to ghê thế?

Tôi bị tiếng hét của ông anh làm cho giật mình, phải lên tiếng càm ràm. Ông anh không hề quan tâm tới sự khó chịu của tôi, trái lại, còn mắng ngược lại tôi mấy câu.

- Em thật là người lòng băng dạ đá. Với sự vô tâm đó thì em sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu nổi nỗi đau khi người mình thích bị đau cả.

Tôi nhăn mũi, hếch mặt lên.

- Anh mới là người không biết gì cả, em thích bạn ấy, và em cũng cảm thấy đau khi bạn ấy đau.

Như bị phang thẳng một gậy bóng chày vào đầu, ông anh nhìn tôi như thể tôi vừa tiết lộ cho ổng biết rằng, tôi chính là Napoleon tái thế.

- Em thích bạn ấy?

Tôi gật. Mắt ông anh mở to hơn nữa.

- Em bị đồng tính à?



- Nhi không bị đồng tính!

Phương Thảo trả lời tôi như thế khi hai đứa ngồi cạnh nhau trong giờ thể dục. Tôi đập đập mấy cái lá khô trên nền sân hơi ướt vì vài hạt mưa ẩm ương bất chợt.

- Vì Nhi thích Trần Lê Hùng.

Viên gạch nhỏ đập trượt vào tay tôi, đau điếng.

Ở trong cái lồng bằng lưới, tên trời đánh vừa thảy được một trái bóng vào rổ, khoái chí quay về phía khán giả, cười bâng quơ. Tim tôi nhảy lên một cái.

- Không. – Tôi lắp bắp phản đối. – Làm gì có. Thảo đừng nói tào lao.

Phương Thảo cười nhẹ.

Tôi cúi xuống nhìn mấy cái lá còng queo, hết hứng chơi, liền ném viên gạch sang một bên.

- Thích một người thì sao chứ? – Phương Thảo nói một mình. – Thảo cũng thích Trần Lê Hùng vậy.

Tôi nuốt nước bọt, cảm giác miệng khô khốc, đầu óc trống rỗng, nghĩ mãi không ra được điều gì để nói.

- Nhưng Thảo không đủ cá tính để gây ấn tượng được như Nhi.

- Ấn tượng gì chứ? – Tôi nói, nhẹ hều.

- Lê Hùng hình như cũng có thích Nhi một chút.

Tôi đang ngồi co một chân, duỗi một chân. Vừa nghe Phương Thảo nói xong thì ngã rầm sang một bên. Chưa kịp lồm cồm bò dậy thì thầy thể dục đã đi tới trước mặt.

- Cả lớp… – Thầy thể dục hô to. – Chạy một vòng khởi động cho ngày mới thêm dài, cho tinh thần luôn vui vẻ trẻ khỏe nào.

Thầy nói ra vẻ hài hước nhưng chẳng đứa nào cười nổi. Tôi đứng lên, chưa kịp chỉnh đốn hàng ngũ, đã nghe tiếng thầy gọi.

- Nguyễn Hạ Nhi, lại đây.

Tôi ngó quanh, rồi ngó lại mình. Đồng phục đúng chuẩn, tác phong cũng không có gì bàn cãi, hôm nay cũng chưa gây ra chuyện, không biết thầy gọi đích danh là có chuyện gì.

Phương Thảo vỗ nhẹ vai tôi một cái rồi chạy theo lớp. Để tránh những cái tai ưa nhiều chuyện, thầy thể dục đợi cả lớp chạy ra xa rồi mới hỏi.

- Em học võ bao nhiêu năm rồi?

Tôi nghĩ nghĩ một lát.

- Thưa… mười ba… có lẽ là mười bốn.

Ông thầy cao lớn đô con nhìn tôi không chớp mắt.

- Em mười sáu tuổi?

- Vâng. – Tôi gật.

- Và học võ mười bốn năm?

- Vâng. – Tôi gật lần nữa.

Ông thầy tỏ vẻ không tin.

- Sao có thể?

Nhìn cái mặt ngô ngố của ông thầy, tôi cắn môi để không bật cười, và trả lời tự nhiên như sự thực vốn dĩ mười sáu trừ mười bốn thì bằng hai.

- Thưa thầy, vì em được bố mẹ em dạy võ từ khi hai tuổi.

Ông thầy đập hai tay vào nhau, sung sướng không thể diễn tả hết bằng lời.

- Thầy nghe Hương Loan nói, trình độ của em có thể ngang ngửa với Huỳnh Công Linh.

- Ngang ngửa? – Tôi lặp lại, vẻ mặt kinh dị.

Ông thầy gật đầu tỏ vẻ đồng ý với tôi (mặc dù chẳng biết tôi có ý gì).

- Thầy cũng nghĩ Hương Loan nói hơi quá.

Thế này thì thật không ổn chút nào, chân lý là ánh sáng mặt trời, sự thật là núi Thái Sơn, không thể để thiên hạ một tay che trời, hai ngón tay che núi thế này được, tôi chun mũi, tự mình lấy lại thanh danh cho mình:

- Thưa thầy, không phải là ngang ngửa, em đánh thắng Huỳnh Công Linh.

Có lẽ trái tim vốn yếu đuối của thầy không quen với những chân lý chói lòa, nên vừa nghe tôi nói hết câu, thầy đã hai tay ôm lấy ngực.

- Thầy rất dễ xúc động. – Thầy thều thào. – Tuy sức khỏe hơn người nhưng niềm hạnh phúc bất ngờ lúc nào cũng làm thầy không thở nổi.

Sau cùng thì tôi cũng được biết, Đại hội Thể thao toàn tỉnh các trường Trung học phổ thông chuẩn bị diễn ra đúng vào khoảng thời gian khối mười hai thi chọn học sinh giỏi bồi dưỡng thi Quốc gia. Tuy mới học lớp mười một, nhưng Hương Loan vẫn được đặc cách thi vượt cấp. Do đó, thầy thể dục lo sốt vó vì môn thi thì đã đăng ký rồi, mà danh sách đoàn tham gia thi đấu võ thuật lại không có ai. Vì xuất hiện trong hoàn cảnh như thế, nên bỗng dưng tôi trở thành món quà trời ban.

- Em chính là vinh quang của trường chúng ta!

Thầy vừa nói, vừa cười híp mắt lại. Thầy tự tin như vậy cũng phải, ở lứa tuổi tôi, đánh thắng Huỳnh Công Linh, ngoài tên vô địch võ thuật toàn tỉnh trời đánh nào đó ra, chỉ còn một mình tôi.

Hết tiết thể dục, tôi chưa về ngay cùng với lớp mà tới sân bóng rổ coi ông anh khờ chơi bóng. Ông anh được chọn vào đội tuyển bóng rổ của trường ở vị trí dự bị, nhưng cũng háo hức và chăm chỉ tập luyện không kém cầu thủ chính thức, nếu không muốn là còn có tinh thần nhiệt tình gấp đôi.

Tôi đang bám hàng rào để ghé mắt dòm vào trong, thì cũng là lúc tên trời đánh nhận được bóng chuyền từ đồng đội, hắn xoay người, nhảy cao ném bóng. Quả bóng rơi xuống, đường bay cong cong như sao băng, trúng phóc.

Một quả ném bóng ba điểm tuyệt đẹp.

Tôi nghe ông anh khờ la to một cách đầy hứng khởi tới nỗi khản cả giọng:



- Tuyệt vời!

Tên trời đánh được nghe khen, hí hửng quay về phía ông anh, thấy tôi đứng ngoài hàng rào đang trố mắt ra, nhân tiện trong cơn cao hứng, liền giơ tay vẫy tôi. Cú vẫy tay đấy làm một số người đang đứng quanh sân tò mò nhìn về phía tôi. Nhìn cái gì chứ, tôi nhăn mặt. Hắn thấy tôi lạnh lùng không đáp lại lời chào của hắn, thì có lẽ hiểu rằng tôi mù bóng rổ, không biết thưởng thức tài nghệ của hắn, nên hắn dỗi, suốt cả trận, chỉ chăm chăm đánh bóng mà không ngó tôi lần nào nữa.

Đúng là tôi mù bóng rổ thật, nhưng khả năng đánh bóng của hắn, cũng xứng đáng để tôi nán thời gian ở lại xem một chút. Đang đánh đu ở hàng rào, thì vai tôi bị đập nhẹ một cái. Tôi hết hồn, suýt chút nữa thì buông tay, vì tưởng đâu thầy “ổ tệ nạn” tới hỏi thăm sức khỏe. Hóa ra là Phan Anh.

Phan Anh nhìn tôi cười xòa, nụ cười hiền lành và khá đẹp.

- Sao Nhi không vào trong sân mà xem?

- Ôi. – Tôi le lưỡi. – Đang tính về, chỉ ghé mắt qua xem thế nào thôi.

- Giờ Nhi về luôn không?

Tôi nhìn vào trong sân, tên trời đánh vẫn mải mê lừa bóng qua một cầu thủ đội bạn, còn ông anh khờ thì nhấp nha nhấp nhổm ngoài sân, la hét chỉ đạo.

- Ừ, thì về.

Tôi buông tay nhảy xuống, cùng với Phan Anh đi tới nhà để xe. Cảm thấy hơi có lỗi, vì đã lấy cớ học hai tiết thể dục để trốn tránh trách nhiệm, tôi bèn hỏi, ra chiều ân cần.

- Hôm nay phải trực sân thể dục một mình, có mệt không?

- Không mệt lắm. – Phan Anh trả lời tự nhiên. – Vì hôm nay trời mưa nên học sinh ở trong lớp, ít ra ngoài. Mình cũng chỉ phải đi loanh quanh một chút, cũng không có gì. Mình còn tranh thủ học được bài của ngày mai nữa.

Tôi nhìn Phan Anh như nhìn loài khủng long vừa đội mồ sống dậy. Được rồi, có lẽ tôi nghe nhầm, chuyện kinh dị như vậy, chắc chắn không bao giờ có thể xảy ra, ít nhất là trong thời đại mà tôi đang sống đây. Thấy ánh nhìn của tôi thì Phan Anh lúng lúng cúi mặt xuống.

- Này, có đúng là bạn bị phạt vì tội ngủ gật trong lớp không?

Tôi vừa nghe Liên Châu với Trịnh Giang kể lại như vậy, nên thuận miệng hỏi bừa. Phan Anh gật đầu, mặt mũi chẳng có gì xấu hổ.

- Ừ, ngủ gật.

- Ha ha… – Tôi cười, và quên luôn câu chuyện kinh dị lúc nãy. – Bạn nên mang gạo tới nhà Nhi ở vài tháng, Nhi có hai ông anh chuyên ngủ gật trong lớp mà chưa bao giờ bị phát hiện, hình như hai ông ấy đang có ý tìm đệ tử đấy.

Phan Anh không hiểu câu nói đùa của tôi, tưởng tôi có ý rủ rê thật, liền hăng hái đồng ý liền.

- Vậy… chừng nào Nhi về nhà, Nhi nhớ kêu nha?

- Ờ. – Đang có hứng nói đùa, tôi chấp nhận luôn. – Bạn sẽ thích nhà Nhi lắm cho xem.

Tôi đang ba hoa về vô số những điều hay ho ở nhà mình, thì chợt nghe một tiếng rú thất thanh, vọng ra từ phía sân bóng, mà tiếng rú này, dù có cách xa hàng ba chục cây số, tôi cũng nhận ra là ai.

- Cái ông anh khờ này…

Tôi nói, vội vã quay trở lại. Và ngạc nhiên khi thấy ông anh vẫn còn sức nhảy loi choi giữa một rừng người đang tụ lại. Không phải ông anh bị gãy tay gãy chân hay thứ gì đại loại thế, mà chính là tên trời đánh – hắn đang nằm thẳng đơ ngay giữa sân.

- Chuyền bóng thì phải chú ý một chút chứ…

Ông anh lớn cổ la lối với một cầu thủ trên sân. Người này để chứng tỏ mình oan ức, cũng ra sức gào lên để thanh minh:

- Tại nó không chú ý chớ tại gì tôi. Chơi trên sân mà mắt cứ ngóc lên trời thì bảo tôi phải chuyền thế nào?

Cuộc cãi vã ồn ào tới mức, thầy ổ tệ nạn và thầy thể dục phải song kiếm hợp bích mới giải tán được.

Tên trời đánh cũng không bị nặng lắm, chỉ bị u một cục to sau gáy (vì bị bóng đập vào) và chảy máu mũi (khi đập mặt xuống nền xi măng), cùng trầy xước sơ sơ không đáng kể.

Thấy tình hình kể ra cũng chẳng có gì, lại thấy tên trời đánh khi bị chấn thương, được mang ra ngoài ngồi nghỉ có hẳn một đội mấy nữ sinh trong đội cổ động chăm sóc, tôi quay trở lại với Phan Anh, từ lúc nào tới giờ cứ chạy theo tôi như cái bóng.

Tôi và Phan Anh đi chưa được bao xa, đã nghe tiếng ông anh gọi rối rít:

- Hạ Nhi… Hạ Nhi… ê… ê này này, Hạ Nhi…

Tôi quay lại, chuẩn bị một bộ mặt khó chịu nhất quả đất. Ông anh không thèm chú ý tới thái độ của tôi, ngoác mỏ gào tướng lên:

- Em chở thằng đệ anh về nhà với.

Tôi mở tròn xoe đôi mắt, trong lòng tự hỏi, chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế này? Chẳng lẽ ông anh trong lúc tâm trí còn hỗn độn quên mất rằng, dù tôi có kinh khủng thế nào đi chăng nữa thì cũng đường đường là một đứa con gái, hay sao? Tôi cũng gào to không kém, trả lời lại:

- Sao anh không chở?

- Anh còn ở lại chơi thế chỗ nó.

Nói xong, tin chắc là tôi đã đồng ý, ông anh lon ton chạy vào sân, xăng xái tới lui. Tên trời đánh cầm một cái túi thể thao lớn, chuếnh choáng đi lại chỗ tôi, mặt mũi trông thảm hại hết sức.

- Làm phiền Nhi… tại hôm nay mình đi nhờ xe anh Sơn Lâm… nếu không… thì tự về được rồi.

Tôi thầm đánh giá tình hình trong đầu. Từ chối chắc chắn là không được. Thêm nữa, tôi đang nợ hắn gần một tháng đưa đi đón về, vả lại, trông hắn tỏ ra đau đớn thế kia, tôi cũng có chút động lòng. Chẳng biết nghĩ thế nào, tôi đưa tay sờ vết xước trên má hắn

- Có đau không?

Tôi hỏi, với một giọng nói vô cùng ấu yếm – Celine Dion với giọng ca ngọt ngào nổi tiếng mà vô tình nghe được hẳn sẽ phải cảm thấy xấu hổ. Hắn đỏ bừng mặt, lúng túng nhìn sang Phan Anh, lúc này đã tế nhị quay mặt đi chỗ khác.

- À. – Tôi chợt nhận ra bản chất hiếu sắc của mình, liền dày mặt nói bâng quơ. – Không ảnh hưởng tới não là tốt rồi

- Mình có ý này… – Phan Anh chợt nói. – Để mình chở Nhi, còn Hùng đi xe Nhi… được không?

- Không cần đâu. – Tôi và tên trời đánh đồng thanh nói, xong hai đứa quay lại nhìn nhau. Tôi nhăn mặt, ai khiến hắn nói leo?

- Ý mình là, – Bỏ qua thái độ của tôi, hắn nói tiếp. – Dù sao thì bọn này ở cũng gần nhau, nếu theo ý bạn, thì làm phiền bạn đi xa quá.

Tôi gật đầu đồng tình.

- Mà mình thì đang chóng mặt, khó mà đạp xe được. – Hắn nói xong, lấy tay ôm đầu, như kiểu cú ngã vừa rồi đã làm não hắn bay ra ngoài mất một nửa. – Với lại, Nhi đủ sức chở mình mà, đúng không?

Tôi gật đầu lần nữa, tuy không đồng tình lắm. Phan Anh nhìn tôi một lát, rồi nhún vai.

- Chỉ là… mà thôi, không có gì.

Có lẽ vì chưa thấy sự đồng ý nào cụ thể từ tôi, nên để cho chắc ăn, vừa dắt xe ra khỏi cổng trường, tên trời đánh đã nhanh nhảu leo tót lên sau xe tôi và chào tạm biệt Phan Anh một cách đầy thân ái.

- Về cẩn thận nhé.

- Ờ. – Phan Anh đáp, mắt vẫn không rời chiếc xe đạp khốn khổ của tôi. – Hai bạn cũng về cẩn thận.

- Mai gặp. – Tôi nói và leo lên xe, không quên đe cái kẻ đang ngồi chiễm chệ phía sau một câu. – Cẩn thận đó, rớt giữa đường là Nhi không dừng lại để nhặt lên đâu.

Hắn nở một nụ cười dễ thương và đầy sung sướng. Thế này mà mới hồi đầu năm, để được chở hắn, tôi phải nói tới gãy cả lưỡi.

Ông anh Đông Nhi của tôi nói đúng, con người là loài sinh vật có khả năng thay đổi nhanh nhất hành tinh.

Trên đường, hẳn là có kẻ thầm hổ thẹn với lương tâm nên ngồi im re, chốc chốc lại hít một hơi dài, tựa như muốn nói gì đó, mà cuối cùng vẫn không dám nói. Được rồi, tôi vốn có lòng tốt, giúp người không cần người báo đáp, câu cảm ơn đó, cứ giữ trong bụng đi.

Gần về tới nhà, bỗng nhiên hắn hỏi tôi.



- Dùng sữa tắm gì vậy?

Tôi chột dạ, hắn hỏi như vậy là có ý gì? Chẳng lẽ… hắn đang có ý… chê tôi? Máu trong người tôi sôi lên, tôi đã è cổ ra chở hắn, hắn chỉ việc ngồi im mà hưởng, giờ lại còn dám chê tôi? Vừa lúc đó, con Bon đang được bác gái dắt đi dạo, nhác thấy bóng hắn thì nhảy cẫng lên mà sủa ầm ĩ, rồi phóng như bay về phía tôi. Tôi bèn dừng xe lại, nói với hắn.

- Chơi với bạn đi kìa.

Tôi vừa nói dứt câu thì con Bon cũng vừa phóng tới nơi, nhảy chồm lên nựng hắn rối rít. Bác gái chạy theo sau, thở không ra hơi.

- Đến khổ với nó.

Nghe vậy, hắn liền đề nghị.

- Bác để cháu dắt nó đi dạo cho.

Bác gái mừng như nhặt được vàng, liền giao con Bon cho hắn, còn mình lững thững đi về. Hắn gặp bạn chí cốt thì quên luôn tôi, thậm chí, túi của hắn, hắn cũng phó mặc cho tôi nốt. Tôi hậm hực đạp xe về rồi cầm cái túi sang nhà hắn. Trông thấy vật là nhớ đến người, tức không chịu được.

Nhà hắn đối diện bên kia đường với nhà ông anh khờ, tôi đi ngang qua suốt nhưng hôm nay mới chính thức viếng thăm lần đầu tiên, khuôn viên nhà không rộng lắm, phía trước có một gian nhà nhỏ bằng gỗ cho thuê làm đại lý bán gạo, kế bên là cánh cổng nhỏ, dẫn vào một khoảng sân, đủ để trồng vài bồn hoa và đặt một chiếc xích đu. Căn nhà nhỏ xíu, thoạt nhìn qua cũng biết đã xây từ lâu, tường chỉ trét xi-măng, chân tường đóng rêu, mái lợp tôn, cánh cửa bằng gỗ sơn xanh đã phai màu. Tôi đứng ngoài ngẩn ngơ nhìn vào, chưa biết phải gọi ai thì trong nhà, một thằng nhóc thò đầu ra.

- Ô, sư phụ…

Vừa nhìn thấy tôi, nó đã kêu tướng lên, rồi nhanh nhẹn chạy băng qua khoảng sân, mở cổng cho tôi.

- À, hóa ra là nhóc à?

Tôi nói, và vỗ đầu nó. Thằng nhóc chu cái mỏ nhọn lên phụng phịu:

- Sư phụ không dạy nữa, con tưởng sư phụ giận nên quên con rồi?

- À… – Tôi chẳng biết phải nói thế nào, đúng là tôi đã quên tụi học trò thật. – Con làm gì ở đây?

- Con trông nhà cho mẹ đi làm. – Thằng nhóc trả lời hết sức ngây thơ. – Sư phụ vô nhà chơi đi ạ.

Bộ óc của tôi chạy một lúc, tôi mới nhận ra một điều hết sức hiển nhiên, thằng nhóc cục cưng nhanh nhẹn nhất lớp do chính tay tôi đào tạo này chính là em của tên trời đánh. Thảo nào mà khi nhìn thằng nhóc, tôi cứ thấy nó quen quen.

Căn nhà nhỏ xíu nên phòng khách cũng nhỏ xíu, chỉ đủ đặt một bộ bàn ghế gỗ, bốn bức tường xung quanh treo kín giấy khen và huy chương. Tôi đặt cái túi lên bàn, đi ngó nghiêng từng cái một. Thằng nhóc trèo tót lên cái ghế cao đặt trong góc phòng, ngồi đung đưa hai cái chân, hí hửng thuyết minh.

- Cái đó là giấy khen của anh Cò, cái đó là huy chương vàng của anh Cò, cái đó là bằng khen của anh Cò, cái đó là cúp của anh Cò…

Tôi ngó hết một lượt, trong lòng hơi có chút ghen tỵ, năm học nào hắn cũng được giấy khen học sinh giỏi, lại còn có một lô lốc những giấy khen, bằng khen và huy chương cho bao nhiêu thành tích mà tôi mới chỉ nghe thấy lần đầu.

Tôi coi xong, tặc lưỡi:

- Giỏi quá nhỉ?

Thằng nhóc nghe khen thì khoái chí, bi bô khoe tiếp:

- Anh con còn có mấy cái huy chương vô địch võ thuật toàn tỉnh nữa cơ, nhưng mà sư phụ ở võ đường Hải Thanh lấy trưng ở võ đường rồi.

Cái tên võ đường Hải Thanh rõ ràng là rất quen thuộc đối với tôi, nhưng bỗng dưng tôi quên tuột mất là đã nghe thấy ở đâu.

- Sao anh con học ở võ đường Hải Thanh, mà con lại học ở võ đường Sơn Lâm?

Nghe tôi thắc mắc, thằng nhóc không đung đưa chân nữa, nó vỗ vỗ hai tay vào đùi, ra dáng một ông cụ non.

- Tại ngày xưa nhà con ở gần võ đường Hải Thanh, nên anh con học ở võ đường Hải Thanh, xong ba con chết, mẹ con bán nhà to ở đấy đi, chuyển về cái nhà nhỏ này nên con học ở võ đường Sơn Lâm.

Lúc ấy, tôi đang ngó cái huy chương vàng Tin học trẻ không chuyên Toàn quốc lần thứ IV, tôi quay lại nhìn thằng nhóc, ánh mặt trời của buổi chiều tà chiếu xiên xiên lên mái tóc nó và soi sáng cho tôi nhìn thấy di ảnh của một người đàn ông rất trẻ… chới với và trống rỗng, như thể trái tim tôi vừa bị rơi vào một khoảng không sâu thăm thẳm. Mãi một lúc lâu sau, tôi mới tìm được lời để nói:

- Vậy à!

Tôi muốn ôm thằng nhóc vào lòng, nhưng rồi, tôi chỉ vỗ nhẹ đầu nó.

- Ráng học chăm chỉ nhé, mai mốt sư phụ lại dạy thêm cho vài chiêu mới.

Thằng nhóc gật đầu, háo hức.

- Sư phụ hứa nha?

Tôi mỉm cười, vỗ đầu nó cái nữa. Thằng nhóc được tôi hứa dạy cho thêm vài chiêu võ mới thì hào hứng vô cùng, luyên thuyên kể chuyện mãi không thôi.

- Anh Cò hứa dạy võ cho con hoài mà không chịu dạy. Sư phụ, mai mốt sư phụ lại tới võ đường dạy con nữa nha? Sau này con lớn, con cũng giỏi như sư phụ vậy. Sư phụ là nhất. Sư phụ là số một!

Tôi không thể nhớ rõ thằng nhóc đã nói thêm những chuyện gì và ca ngợi tôi tới đâu. Như một kẻ mất hồn, tôi lơ ngơ trở về nhà. Ngồi trong phòng tắm, xả nước từ đâu tới chân, mà trong lòng vẫn có cảm giác hụt hẫng như vừa đánh mất một thứ gì đó quý giá. Thật là… rất khó chịu!

Ông anh khờ được chơi chính thức một trận mà tưởng như đã ôm chiếc cúp vô địch trong tay, luôn miệng kể lể mình đã chơi hay như thế nào trong suốt bữa ăn. Tôi ăn uể oải, chẳng hiểu sao cảm thấy trong người bứt rứt và không thoải mái. Ông anh chẳng chú ý gì tới thái độ của tôi, vẫn bô lô ba la đến phun cả cơm ra ngoài.

Tôi học bài cũ mà câu được câu chăng, đọc tới câu cuối thì quên câu đầu, ngó qua ngó lại, tôi gục đầu xuống bàn, suy nghĩ vẩn vơ, bỗng nhiên nhớ tới gương mặt của tên trời đánh, nhất là nụ cười của hắn. Điên quá đi mất… Tôi vò đầu bứt tai, chẳng hiểu sao, lại nhớ tới mấy lần đối xử không tốt với hắn, rồi lại có cảm giác ân hận, xong, lại muốn nói chuyện với hắn... Đúng là tôi điên thật rồi.

Ông anh khờ vẫn đang còn hăng hái chuyện hồi chiều được chơi chính thức, chẳng cần biết tôi có thích nghe hay không, lại mang mấy cuốn truyện cũ rích sang phòng tôi.

- Hạ Nhi, hôm nay em không ở lại mà coi, anh chơi cực kỳ hay, một mình anh đã ghi tới ba mươi điểm đó.

- Anh giỏi thật.

Tôi nói thế, vì chẳng biết phải nói gì hơn.

Ông anh cười nhăn răng.

- Anh đã ném được ba cú ăn ba điểm đẹp như mơ, thiệt là thần sầu. Có anh, anh tin là năm nay trường mình sẽ vô địch.

- Thế thì tốt quá!

Ông anh tiếp tục miêu tả trận đấu hấp dẫn và kịch liệt ra sao, tôi thi thoảng đệm vào mấy tiếng hay nhỉ, ghê nha cho ổng có hứng thú. Mãi một lúc sau, ông anh mới phát hiện ra điều gì đó không ổn ở tôi.

- Em bị đau bụng à? – Ông anh hỏi, đưa tay sờ trán tôi. – Sao mặt mày nhăn nhúm khó coi vậy?

Tôi lắc đầu, tự dưng buột miệng hỏi.

- Ba Lê Hùng mất rồi hả anh?

- À, ờ… – Ông anh ngạc nhiên. – Mất lâu rồi, sao em hỏi vậy?

Tôi nhún vai, không đáp, mắt nhìn vào trang sách, nhưng thực chất thì chẳng đọc được chữ nào.

- Hình như là bị bệnh gì đó nặng lắm … anh quên mất tiêu. – Ông anh gãi đầu nói tiếp. – Cũng được mấy năm rồi, hồi đó thằng nhỏ tội ghê lắm, suốt ngày thẫn thờ như bị mất hồn, rồi chỉ biết cắm đầu vô cái máy tính.

Ông anh ngừng lại, nhìn tôi dò hỏi. Tôi cố gắng để không tỏ ra bất cứ thái độ gì, ông anh kể thêm.

- Kể cũng tội nghiệp thằng nhỏ, ba nó trước làm Xây dựng, cũng được, tới chừng mất đi, mẹ nó phải bán cả nhà, giờ đi làm lặt vặt gì đấy, sống qua ngày. Nó thương mẹ nó ghê lắm, có hồi nó nói với anh, sau này nó không cần lấy vợ, nó cứ ở vậy nuôi mẹ với em nó. Thật là tội nghiệp …

Ông anh thở dài làm tôi cũng bất giác thở dài theo, tránh để tư tưởng của ông anh làm cho ảnh hưởng, tôi cầm cuốn sách lên.

- Em học bài đây.

- Ừ, em học bài đi. – Ông anh nói và đứng lên, ra tới cửa còn quay lại nhắc nhở tôi. – Cầm ngược sách rồi kìa.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook