Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Chương 7: Gây chuyện

Genny

29/07/2015

Ở lò võ, chỉ trong vòng một tháng, khi bản lĩnh chiến trường của tôi được thể hiện, cộng thêm sự hậu thuẫn vững chắc của ông bác, mọi chuyện trở nên dễ chịu đối với tôi hơn bao giờ hết, thì trong trường học, các rắc rối lại thi nhau nhằm đầu tôi đổ vào. Nguyên nhân, có quá trời nguyên nhân, nhưng đầu mối quan trọng nhất, tôi chính là cái gai trong mắt của thầy "ổ tệ nạn".

Gọi là thầy "ổ tệ nạn" đơn giản vì trong mắt thầy, nơi đâu cũng là ổ tệ nạn. Một nhóm nam sinh đứng tụm lại ở góc hành lang là mầm mống của nạn tụ tập chè chén, sau đó, sẽ rủ nhau hút chích, nghiện ngập, dính vô ma túy rồi từ đó sẽ sinh ra trộm cắp, cướp giật, trong tương lai, sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, của Tổ quốc. Một vài nữ sinh mặc áo dài điệu một chút, thoa chút son, dặm chút phấn sẽ là một đám óc ngắn, chỉ nghĩ tới vẻ bề ngoài, chủ trương chạy theo những thứ hư ảo, xa hoa, sẽ dễ dàng đánh mất giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông ta truyền lại từ ngàn xưa, và điều đó, sẽ dẫn tới sự sụp đổ của một nền văn hóa. Túm lại, trong mắt thầy, mọi thứ đều là tệ nạn hoặc là mầm mống của tệ nạn ảnh hưởng tới sự tồn vong của cả một dân tộc nhiều ngàn năm lịch sử, cần phải được quyết liệt loại trừ.

- Mọi thứ trên thế giới này đều có sự logic với nhau. – Mỗi sáng thứ hai chào cờ, lý luận nổi tiếng này của thầy lại được thầy mang ra tra tấn lũ học sinh – Có nhân, ắt có quả. Luật nhân quả chính là quy luật bất biến của Vũ trụ. Chỉ cần nhìn vào những hành động của các em ngày hôm nay, tôi có thể biết, trong tương lai các em sẽ trở thành người như thế nào. Các em tới trường, là để được giáo dục, đào tạo, để có thể trở thành một công dân tốt của đất nước. Nếu các em có tư tưởng đi lầm đường lạc lối, thì trường học chính là nơi dẫn dắt các em trở lại con đường đúng. Các em cần có một ngọn hải đăng dẫn đường. Và sự giáo dục của chúng tôi chính là ngọn hải đăng ấy. Tôi đang làm tất cả những gì tôi có thể vì tương lai tươi sáng của các em, mà không cần các em phải thấu hiểu hay cảm ơn. Tôi tự hào về điều ấy…

Kết thúc bài phát biểu, luôn là những tràng pháo tay giòn giã của đám học sinh, có đứa vừa vỗ tay vừa chảy nước mắt, tôi thì tôi tin rằng, chúng vui vì hiểu thì ít, mà mừng vì cuối cùng 45 phút đứng ngoài trời nắng cũng đã xong thì nhiều.

Lớp chuyên Văn của tôi có hai mươi tư học sinh, hai mươi hai là nữ, loi nhoi được hai mống con trai. Nhưng đại khái thì trông cũng chẳng khác nào con gái, tướng mạo èo uột, dáng đi ẻo lả, chỉ có điều tóc ngắn và đường nét trên gương mặt rất thô. Tóm lại là xấu. Hai nhân vật, thậm chí đến tên, tôi cũng chả còn nhớ.

Mấy tuần đầu, vì chưa quen biết nhiều, lạ nơi thổ địa lạ đường quan san nên tôi đóng rất tròn vai một đứa con gái hiền lành, nai tơ mắt biếc. Ngoài chuyện đấm tên Tuân khùng hôm khai giảng, tôi chưa kịp gây thêm chuyện gì, thi thoảng tự ngó mình, tôi cũng phải thầm tự hào vì trông tôi cũng giống một nữ sinh, không khác mấy đứa con gái trong lớp là bao. Điều này cũng nhờ một phần lớn công lao của mẹ tôi khi sinh tôi ra đã không nặn cho tôi một vẻ đẹp khác thường. Bởi, cứ nhìn thì mỹ nhân thì đủ hiểu. Người đẹp cũng có cái khổ của người đẹp.

Mỹ nhân đẹp, điều này không ai có thể phủ nhận. Chính vì không thể phủ nhận nên chỉ còn lại hai sự lựa chọn, hoặc là ngưỡng mộ, hoặc là ghen tỵ. Mà thói thường, chỉ những con người vĩ đại mới có thể ngưỡng mộ người khác, mà người vĩ đại, trên đời này rõ ràng là rất hiếm có. Khốn khổ thay cho mỹ nhân, mới vào học hôm trước, hôm sau đã bị một tin đồn khủng khiếp: “người đẹp mà bị bệnh ĐAO” tất cả chỉ vì nàng lỡ run quá nên nói lắp bắp khi trả lời một câu hỏi của thầy lịch sử. Mà câu hỏi ấy, cả lớp, chỉ có một mình nàng trả lời được, còn những người khác, khi thầy hỏi tới, đều ngồi im như phỗng.

Đáng thương cho nàng! Tôi thấy nàng khóc tấm tức trong nhà vệ sinh khi bị dán một mảnh giấy đằng sau lưng “tui mắc bịnh ngu”. Cái mảnh giấy này, tôi biết ai dán, vì chính mắt tôi trông thấy nhưng lại giả lơ đi, đơn giản chỉ nghĩ, đó không phải việc của mình. Nhìn thấy mỹ nhân khóc, tôi tự giận bản thân mình vô cùng, và thầm tự nhủ, sẽ không bao giờ tôi để bất kỳ ai bắt nạt nàng nữa. Vì dù sao, tôi đã từng nhập vai anh hùng để cứu nàng cơ mà.

Vừa mới thầm tự nhủ như vậy xong, tôi đã có cơ hội ra tay nghĩa hiệp liền.

Nhà vệ sinh nằm ở tuốt đầu bên kia hành lang, từ lớp tôi, muốn tới đó, phải đi ngang năm lớp học, trong đó, ngoại trừ lớp chuyên Anh có tỷ lệ nam nữ ngang nhau ra, các lớp chuyên khác, số lượng nam sinh áp đảo. Cứ tới giờ ra chơi, cả đám con trai lại tụ tập trên hành lang bày trò nghịch ngợm, nói cười khí thế trông không khác gì lũ khỉ trong vườn bách thú.

Mỹ nhân sau khi khóc xong, mắt đỏ hoe sưng vù, không biết phải giấu vào đâu, đành cúi gằm mặt, lầm lũi đi về lớp. Tôi đi theo đằng sau, tính lại gần an ủi vài câu, nhưng nghĩ tới nghĩ lui vẫn không biết phải nói gì cho hợp, vì từ trước tới giờ, gặp chuyện không vừa ý là tôi động tay động chân chớ ít khi nào động não.

Đang nghĩ vẩn vơ, tôi chợt thấy mỹ nhân va nhẹ vào một thằng con trai. Tên này lập tức ôm ngực, mặt mũi nhăn nhó ra chiều đau đớn ghê lắm. Lũ con trai chớp ngay cơ hội, lập tức nhao nhao lên:

- Coi kìa coi kìa, đụng phải người ta rồi. Trời ơi, coi gãy cái xương nào chưa???

- Lạy Cha Con và Thánh thần, thời thế tới lúc đảo điên rồi, con gái gì mà… thấy con trai nhà người ta đẹp đẽ sạch sẽ là lao tới muốn ôm liền như thế…

- Phen này bở nha…

- Mau ôm đền một cái nữa đi, thằng nhỏ chịu hết nổi rồi kìa…

Cả đám tranh nhau cười cười nói nói, loạn xạ hết cả lên. Tôi thì tôi còn lạ gì cái trò ghẹo gái này nữa, liền tiến lên hai bước cầm lấy tay mỹ nhân. Bàn tay nhỏ bé yếu ớt run rẩy xiết thật chặt tay tôi như đang cố gắng níu giữ lấy một tia hy vọng.

- Đi.

Tôi nói.

Nhưng bọn con trai thấy người đẹp thì đời nào chịu bỏ qua. Tên bị đụng cứ chình ình đứng chắn giữa đường, mỹ nhân sang phải thì hắn tiến theo sang phải, mỹ nhân sang trái thì hắn lùi theo sang trái, quyết bám dính không rời.

- Đụng người rồi không xin lỗi, tính vô tình bỏ đi luôn sao?

Đám con trai lại hùa theo la lối. Mỹ nhân vẫn cúi gằm mặt, khóe miệng run run, bước một bước, lại xin lỗi một tiếng. Nhưng bọn con trai đang thời cao hứng, lại muốn thừa nước đục thả câu đụng chạm người đẹp một chút nên đâu thèm chú ý.

Mỹ nhân nói xin lỗi tới lần thứ ba, tôi túm lấy ngay cổ áo tên vừa bị đụng.

- Tránh ra.

Tôi nghiến răng nói, mắt long lên.

Hẳn khi bình thường, nhìn thấy điệu bộ tôi như vậy, tên này sẽ phải chạy xa tới mười bước, nhưng giờ lại là lúc đang được đứng trong vòng vây của đồng minh chiến hữu nên lá gan cũng trở nên to hơn một chút, liền cười hô hô:



- Không tránh. Muốn đụng chết tôi thì cứ đụng đi.

Tôi nheo mắt lại. Cái kiểu thái độ này chính là cái kiểu tôi ghét nhất. Không thèm nói nhiều nữa, tôi kéo tên này về phía mình, vừa đúng tầm, lên gối một phát. Chỉ là đánh cảnh cáo, nên tôi không ra tay mạnh, nhưng cũng đủ để tên con trai ngã lăn ra, ôm bụng dưới, cắn răng chịu đau, hận một nỗi mang thân phận nam nhi nên không thể khóc to thành tiếng.

Thấy tôi mới nói hai câu ngắn gọn mà đã ra tay đánh người, cả đám con trai đang đứng ồn ào trên hành lang lập tức nín bặt, trợn trừng mắt ngó tôi như thể tôi là một sinh vật lạ từ hành tinh nào đó mới rơi xuống. Tên trời đánh không dưng ở đâu mọc ra, cúi xuống xốc nách tên đang nằm dưới đất lên.

- Đau lắm không?

Tên con trai vừa bị tôi đánh xám ngắt mặt, muốn gật đầu cũng chẳng có sức mà gật. Lần này thì không phải giả vờ, đúng là đau thật.

Thấy bạn nhăn nhó, tên trời đánh liền nhìn sang tôi, đôi mắt dường như có ý trách móc. Tôi không thèm liếc mắt qua, tay vẫn nắm chặt tay mỹ nhân kéo đi. Một tên to béo trong bọn – có lẽ buổi sáng được gan ăn hổ – nên bỗng đứng ra cản tôi, gương mặt đỏ tưng bừng, giọng nói ra chiều giận dữ:

- Chỉ là bọn này đang giỡn, có nhất thiết phải ra tay đánh người vậy không? Đánh xong rồi bỏ đi vậy, có quá đáng không? Con gái gì mà như bà chằn vậy?

Lũ con trai được nước, hùa theo.

- Giỡn thôi mà, làm gì quá đáng vậy?

- Học lớp nào, tên gì vậy, kêu má nó tới bắt đền.

- Coi không chừng nó mất giống luôn thì lấy cái gì mà đền?

- Con gái gì mà thiệt tình… thấy gớm.

Mỹ nhân sợ nhũn người ra, chỉ biết luôn miệng xin lỗi. Lỗ tai tôi bùng nhùng, đầu kêu u u, từ thuở cha sinh mẹ đẻ ra, ngoại trừ lần bị đập mặt vào gốc cây hè năm lớp năm chuẩn bị lên lớp sáu, chưa bao giờ tôi cảm thấy bị sỉ nhục tới thế. Cơn giận bốc lên, chẳng buồn nghĩ ngợi nhiều, tôi buông tay mỹ nhân, túm luôn lấy tên béo, gạt chân, đẩy thẳng ra ngoài ban công. Ý định của tôi là chỉ dọa cho nó sợ mà ngậm miệng lại, chẳng dè nó nặng hơn tôi tưởng, tôi chưa kịp giữ thì nó đã tuột luôn người xuống. Cái cảnh người rơi từ trên lầu hai xuống dưới sân bê tông – nếu chẳng may xảy ra – hẳn không đẹp đẽ gì, nên cả đám con trai giật mình ré lên, còn lũ con gái đang tò mò đứng coi cũng hết hồn mà kêu la ầm ĩ.

Tôi chuồi người với theo nhưng chỉ kịp túm lấy lưng áo, thầm nghĩ thôi hỏng rồi, thì một bóng người, nhanh như cắt, vươn người theo tôi, túm lấy lưng quần của tên béo kéo lại.

Vừa cách Quỷ môn quan vài bước nên tên béo mềm nhũn người, mặt cắt không còn hột máu, được kéo lên một lúc rồi mà trong họng vẫn còn giật cục, nói không ra tiếng, cũng chẳng có đủ sự sáng suốt mà chú ý tới cái quần đã tuột xuống gần tới đầu gối.

Tôi cũng run tới nỗi suýt nữa thì đứng không vững. May mắn sao lúc đó chẳng ai còn tâm trí mà ngó tới tôi nữa, tất cả đang vây quanh tên trời đánh, tôn vinh hắn như một anh hùng.

Tôi hít một hơi dài, lấy lại tinh thần, nắm tay mỹ nhân – lúc này đang chuẩn bị ngất xỉu tới nơi – kéo đi. Mới đi được hai bước, thầy ổ tệ nạn đã lù lù xuất hiện, tay lăm lăm cây thước dài một mét như cây kiếm Ỷ Thiên, khóe miệng nhếch lên:

- Bắt được rồi! Vừa thấy láo nháo đã im bặt, biết ngay là có chuyện. Trần Lê Hùng, mang cậu Vũ Thái Bình tới phòng y tế, còn các cô cậu, đặc biệt là cô, Nguyễn Hạ Nhi, về văn phòng tôi. Ngay – bây – giờ!

Đó là lần đầu tiên tôi bước chân vào phòng giám thị – căn phòng gắn bó với tôi trong suốt ba năm học cấp III – thậm chí, tới khi tôi về thăm lại trường xưa, thầy giám thị mới cũng tiếp tôi uống trà trong căn phòng nhỏ bé sực mùi ẩm mốc đó.

Bên tay phải tôi, mỹ nhân ngồi đối diện với thầy giám thị qua cái bàn dài bằng gỗ có đường diềm, trông chắc là đồ cổ còn sót lại từ thuở mới thành lập trường. Mỹ nhân vẫn đang còn tấm tức khóc. Thầy giám thị có vẻ đang xiêu lòng trước nước mắt của người đẹp nên ra sức an ủi, vỗ về.

Bên tay trái tôi, cách tôi hai cái ghế, tên trời đánh đang cặm cụi viết bản tường trình. Cái mặt chăm chú của hắn, trông thực là đáng ghét! Chỉ là viết bản tường trình thôi mà, có nhất thiết phải thể hiện phong thái đẹp trai xuất chúng ngời ngời như thế không? Làm tôi mải ngắm… quên mất tiêu đang tính làm cái gì.

Nhìn xung quanh chán, tôi quay lại nhìn xuống tờ giấy đang còn trống tới hơn một nửa. Thú thực, tôi chưa bao giờ giỏi trong việc sáng tác bản kiểm điểm. Vì đối với tôi, cho dù tôi có làm gì đi chăng nữa, chẳng bao giờ tôi sai.

Tôi liếc mắt qua tên trời đánh, cái đầu hắn được lập trình để trở thành nhà văn chắc? Chuyện đâu có gì mà hắn kéo ra được hẳn hai trang A4. Nhìn lại tờ giấy của mình, tôi thở dài não nề. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi vẫn không rõ mình phải viết bản kiểm điểm vì cái lỗi cụ thể thì nên gọi tên là gì.

Tôi viết thêm được một dòng, lại xóa đi mất ba chữ, không biết làm thế nào, đành nhìn qua tên trời đánh, nuốt nước bọt, tới nước này thì có lẽ gác tính sĩ diện sang một bên, hạ mình một chút chắc cũng không tới nỗi mất mặt. Tôi khều khều hắn, nhỏ giọng

- Này, thực ra thì… lỗi của Nhi là gì nhỉ?

Hắn ngước mắt nhìn tôi ra chiều ngạc nhiên lắm. Tôi đành nhắc lại câu hỏi một cách rõ ràng hơn (nói chuyện với những kẻ đầu óc không bình thường mệt thế đấy!).



- Nhi chỉ là… muốn dọa một chút, rồi lỡ tay… nên … chẳng biết viết thế nào cho hợp lý…

Tên này hẳn có họ với Tào Tháo, hắn vẫn nhìn tôi đầy nghi ngờ, tay thậm chí còn khum khum che tờ giấy kín đặc chữ lại.

Tôi đang phân vân giữa hai phương án, đe dọa hoặc năn nỉ tiếp, thì thầy ổ tệ nạn đã chuyển tầm ngắm sang tôi

- Nguyễn Hạ Nhi. – Thầy giật giọng. – Viết xong chưa?

Tôi ngẩng lên nhìn thầy, cố tỏ ra vẻ mặt đáng thương nhất:

- Thưa chưa.

- Tại sao chưa? – Mặt ông thầy đỏ bừng lên, tỏ vẻ giận ghê lắm. – Gần hết một tiết học rồi mà vẫn chưa viết xong bản kiểm điểm, tại sao chưa? Có phải là vẫn ngoan cố không nhận ra khuyết điểm để sửa chữa hay không? Có phải là cô đang muốn thử thách lòng kiên nhẫn và tính đằm thắm của tôi hay không?

Trong một giây, tôi đã tưởng tượng tới cảnh, tôi đứng bật dậy, vỗ ngực mà kêu ầm lên:

- Vì em vô tội, em không có lỗi gì hết. Lỗi là ở bố mẹ tên béo, cho con ăn lắm vào để nó nặng như heo, nặng thế thì ai mà giữ cho nổi!

Nhưng rõ ràng, đây không phải là phim, và tôi đương nhiên, không phải diễn viên, nên bất đắc dĩ, lại phải cúi mặt xuống, nhỏ giọng thương lượng:

- Cho em viết một ngàn từ xin lỗi được không thầy?

Nhưng ông thầy rõ ràng là muốn chơi khó tôi, đã không chú ý tới tôi thì chớ, lại còn quay sang tên trời đánh, hỏi một cách đầy dịu dàng:

- Em viết xong chưa?

Cái tên này, cũng dày mặt không kém, ngọt ngào đáp lại:

- Thưa, xong rồi ạ.

Tôi ghét. Tôi ghét. Tôi ghét. Suýt nữa thì cào nát mặt giấy.

Tôi vừa viết thêm được mấy dòng thì mỹ nhân quay sang tôi, nước mắt vẫn còn chảy dài trên mặt.

- Hạ Nhi, mình xin lỗi.

Tôi phẩy tay, rất ra dáng anh hùng nghĩa hiệp.

- Lỗi gì mà xin. Bạn không có lỗi gì hết.

Mỹ nhân nghe tôi nói thế thì xúc động tới nỗi khóc òa lên.

- Là tại mình không tốt. Mình lại làm liên lụy tới bạn rồi.

Tôi cực kỳ ghét con gái khóc. Cứ thấy nước mắt là đầu tôi lại trở nên rỗng tuếch. Đã không viết được gì rồi thì chớ… bực mình, tôi đập tay xuống bàn, gằn giọng:

- Bạn–không–có–lỗi–gì–hết. Bạn cũng chẳng làm liên lụy tới ai. Bạn là một cô gái tốt, rất rất tốt. Bạn phải nhớ rằng, bạn là người con gái xinh đẹp nhất, là người con gái tốt nhất. Nếu ai dám nói bạn thế này thế nọ, thì chỉ là những người đó đang rất ghen tỵ với bạn. Đừng chú ý tới mấy người đó làm gì. Bạn phải biết là, Nguyễn Hạ Nhi tôi thích bạn, cực kỳ thích bạn, nên bạn đừng có mà cứ mở miệng ra là không tốt thế này không tốt thế nọ. Vì người Nhi thích, phải là người tốt nhất. Giờ thì đừng có mà làm phiền Nhi.

Nói xong, tôi quay lại với bản kiểm điểm. Mỹ nhân bị tôi nói cho một chặp, hết khóc, cũng không biết phải nói gì, đành im lặng. Chỉ có thầy giám thị là còn bản lĩnh, gõ thước một cái cốp lên bàn.

- Tốt!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook