Bí Thư Tiên Kiếm

Chương 1: Bí thư tiên kiếm - Mở Đầu

Trần Thanh Vân

16/07/2014

Đã hơn tuần qua, khi ánh tà dương khuất hướng tây, người ta thấy một cảnh nhộn nhịp khác thường. Đó là sự xuất hiện cô ca kỹ Tố Hoa ở quán Hoàng Hoa trên bờ sông Hoài Dương.

Không biết vị chủ quán Hoàng Hoa tìm đâu được một nàng sắc nước hương trời như thế. Nàng đẹp như tiên nga, tài ca múa của nàng trên đời khó người sánh kịp.

Mới đến quán Hoàng Hoa có vài tuần mà tiếng đồn về nàng lan ra khắp chốn. Đêm nào các vương tôn công tử cũng kéo đến chật cả lầu để xem nàng múa hát.

Bao nhiêu chàng đều thầm mơ trộm ước sắc đẹp của nàng, có kẻ quên ăn mất ngủ vì nàng, nhưng không một ai được hầu chuyện với nàng nói chi đến việc gần gũi cùng hương phấn.

Các cậu đồn đãi về Tố Hoa, họ kể cho nhau nghe rất nhiều việc về nàng, nhưng không một ai biết sự thật.

Quán Hương Hoa hôm nay treo kết tuội đèn màu đủ sắc trông rất rực rỡ. Khách ngồi trên tầng lầu thượng có thể nhìn xuống bờ sông Hoài Dương gần bên quán.

Ai là kẻ có mắt mỹ thuật cũng phải khen nơi đây là phong cảnh thiên nhiên kỳ thú. Quán Hoàng Hoa nằm cạnh bên ven sông Hoài Dương, một con sông rộng lớn nước trong xanh. Bên kia bờ sông là dãy núi Tam Xà cao, nằm lượn mình như ba con rắn lớn.

Khách ngồi trên quán Hoàng Hoa vừa uống rượu vừa ngắm trăng trên sông núi, vừa nghe hát còn thú nào hơn nữa.

Ánh trăng vừa vượt lên chiếu sáng trên dòng Hoài Dương là khách ăn chơi đã đến chật cả gian lầu thượng của quán Hoàng Hoa.

Vừa lúc đó một tráng sĩ từ bên ngoài vào quán. Chàng đi thẳng lên lầu thượng và chọn một bàn ngoài mé hành lang để ngắm cảnh.

Chàng tráng sĩ ấy ăn mặc toàn một màu xanh lam da trời đầu chít khăn võ sinh cùng màu lam và lưng đeo bảo kiếm cũng màu lam nốt.

Nhìn bụi bậm bám đầy đôi giày chàng, ta đủ rõ chàng ta từ ngàn dặm đến đây và có lẽ còn đi xa hơn nữa.

Người tráng sĩ mặc áo xanh gọi rượu và đồ nhắm rồi ngả mình sau lưng ghế, ngửa mặt nhìn trời. Ánh trăng chiếu vào gương mặt trắng hồng của chàng khiến vài người ngồi cạnh đấy khen thầm chàng đẹp trai.

Mà chàng quả đẹp thật. Gương mặt chàng đều đặn trắng hồng, môi chàng đỏ thắm tươi như hoa, mắt chàng sáng, trán chàng cao, xem có vẻ thông minh tuyệt vời.

Thoạt nhìn chàng người ta có cảm tưởng là một cô gái xinh đẹp. Nếu chàng đừng bịt khăn võ sinh, mang trường kiếm thì thiên hạ lầm chàng là gái ngay.

Khách trong quán bỗng xì xào to nhỏ vì ca nữ Tố Hoa đã bước ra chào mọi người, nàng vừa đàn vừa cất tiếng hát hòa theo.

Tất cả mọi người trong quán đều quay lại nhìn, chàng chép miệng :

- Trên đời còn có người đẹp như thế ư? Chao ôi! Con người tài sắc mà sống trong cảnh này thật đáng thương biết bao. Từ ngày rời non hạ sơn ta chưa tùng thấy ai dung nhan kiều diễm hơn nàng này. Tài ca múa của nàng thế gian hiếm thấy.

Tuy lăn lộn khắp nước non, từng phen chạm trán với gần khắp anh hùng trong thiên hạ, nhưng hôm nay tráng sĩ phải hồi hộp vì sắc đẹp của ca nữ Tố Hoa. Chàng nghĩ thầm: “Nàng này tài ba diện mạo như thế đáng là một bậc hiếu phụ, cớ sao nàng phải ở nơi này, chắc nàng có điều gì bí ẩn. Ta phải khám phá ra đời tư của nàng để giúp nàng trở lại đường ngay sáng sủa mới hợp với lẽ đạo người”.

Ca nữ hát xong liền lui vào trong, tiếng vỗ tay tán thưởng của khách ồn ào lên, nhưng mọi người bỗng im bặt vì có một bọn người bước lên lầu.

Thấy họ bọn tửu bảo chạy ra vái chào và tiếp đón rất cung kính.

Người to béo đi đầu ý chừng là chủ nhân bọn đi sau thét bảo chủ quán :

- Các người dọn cho ta mười chiếc bàn lớn để ta và bạn hữu uống rượu. Đem toàn thức nhắm hảo hạng ra đây.

Nghe người ấy bảo dọn mười bàn chủ quán sợ sệt. Khúm núm nói :

- Bẩm đại nhân. Đại nhân đến trễ quá và không báo trước nên chúng con không kịp sắp đặt. Xin đại nhân cho vài phút để chúng con thu xếp

- Mau lên không thì chết đó.

Chủ quán thét bọn hầu sáng tức thì bọn chúng đến xin lỗi với những người có mặt trên thượng lầu để bảo họ đi xuống tầng dưới.

Nhiều kẻ giận tức lắm, nhưng họ riu ríu đi xuống lầu vì sợ tai vạ đến thân.

Chỉ trong nháy mắt mười bàn đã kết lại xong, bọn hầu sáng mang thực phẩm và rượu quý ra bày la liệt cà.

Chủ quán mời ông đại nhân kia vào.

Người to béo bước lại ngồi đầu trên hết và bảo chủ quán :

- Ta còn mười bạn sắp đến bây giờ. Mang ba hũ lớn Huỳnh Kim tửu cho ta.

Chủ quán nghe bảo lấy nhiều như vậy thì lo ngại khôn cùng vì thứ rượu đó rất quý và đắt, mà ông đại nhân xưa nay không được rộng rãi tiền nong.

Đại nhân thấy chủ quán ngần ngừ liền thét :

- Ta đã bảo mang ra đây sao còn lôi thôi.

Chủ quán run sợ nói :

- Bẩm đại nhân. Hàng con không còn đủ ngần ấy rượu, xin đại nhân tha tội.

- Thằng này dám dối ta. Ta đập quán ngươi tan như tro bây giờ. Mau mang ra đây, chớ để ta giận mà khốn.

Chủ quán ôm đầu lủi vào trong. Bọn hầu sáng khệ nệ khiêng ra mấy hũ rượu lớn. Ai nấy vừa làm vừa len lét nhìn đại nhân và các vị ngồi xung quanh ngài.

Đến đây tưởng chúng ta cần biết vị đại nhân ấy là ai mà hống hách oai quyền như vậy.

Thưa các bạn vị đại nhân là Dương Bưu, anh ruột của quan Tổng đốc Dương Xích. Anh em hắn là tay cường đạo xuất thân, ỷ có võ công và thế lực mà hiếp đáp người.

Dương Xích xưa kia nhờ dẹp tan một bọn cướp và nhờ hối lộ quan Thượng thư Sầm Oai mà làm được Tổng đốc tỉnh Hồ Nam. Từ ngày hắn lên làm Tổng đốc thì dân tình vùng Hồ Nam khổ sở vì hắn vơ vét bốc lột. Hắn không coi triều đình ra gì nữa, cứ nuôi bọn cường sơn cướp đảng để sai chúng làm điều càn bậy, dân làng than oán đủ đều. Các tay nghĩa hiệp nóng lòng đến trừ khử hắn đều bị hại vì hắn là một tay võ nghệ tuyệt luân, đồ đệ của Hồng Long sư tổ, nhưng Hồng Long từ hắn vì những hành vi càn bậy của hắn.

Dương Bưu này là anh hắn, và võ nghệ có phần xuất sắc hơn em nữa. Thần công vận khí, quyền thuật, kiếm thuật của hắn gầm trời hiếm tay đối thủ. Hắn vùng vẫy dọc ngang, bọn đàn em khiếp sợ nên đặt cho hắn cái danh hiệu là Thần Hổ Đại Vương.

Thần Hổ Đại Vương vốn là môn đệ của một cao tăng bên Mông Cổ nên võ thuật của hắn lạ hơn người. Hắn lại am hiểu tất cả các nền võ thuật của các môn phái nên khắp giang hồ điều kiêng nể hắn.

Dương Bưu thiện nghệ cây Quỷ Đầu côn, khi lâm trận hắn múa lên quỷ khóc thần sầu, tát nước vào mình hắn cũng không lọt. Thật ra là một tay ghê gớm, khắp gầm trời khó có kẻ tài ba như vậy.

Dương Bưu vào quán Hoàng Hoa là để chờ Thiết Đầu Tử và Đại Ác hòa thượng, hai tên này cũng là bọn tà đạo, tài nghệ có phần ghê gớm hơn Dương Bưu, thần công vận khí, phi đằng độn kiếm đều thông cả. Chúng làm chúa cả một vùng mấy tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, cầm đầu tất cả bọn cường sơn cướp đảng.

Tráng sĩ mặc áo xanh nãy giờ thấy bộ hống hách của Dương Bưu thì ngứa mắt, chàng muốn tống cho hắn mấy quả đám cho bõ ghét, nhưng không lý lại gây sự với mấy kẻ vô can nên đành ngồi im.

Đến khi thấy khách ăn trong quán đều bị đuổi ra và không một ai kháng cự, chàng độ chừng tên này là một tay ghê gớm lắm nên thiên hạn gờm hắn.

Tráng sĩ áo xanh thầm nghĩ: “Từ lâu ta có nghe thiên hạ thường đồn đãi vùng này có tên Dương Xích và Dương Bưu hay dùng thế lực oai quyền hiếp đáp dân chúng. Ta đã có lòng trừ khử bọn nó. Thằng này có lẽ là một trong hai thằng đó. Ấy vậy ta phải nán lại xem nó giở thủ đoạn gì”.

Chàng vờ nhìn ra bờ sông Hoài Dương như không để ý gì cả.

Bỗng chàng quay lại vì có tiếng rầm rộ kéo lên trên lầu. Dương Bưu đứng phắt lên và nói to :

- Chào nhị vị sư huynh. Đệ chờ nhị vị hèn lâu sốt cả ruột. Nào mời nhị vị sư huynh dùng với đệ chén rượu nhạt rồi chúng ta sẽ đàm đạo sau.

Hai tên mới đến quay lại bảo bọn đồ đệ theo sau :

- Chúng bay xuống lầu ăn uống chờ ta nhé!

Bọn kia sung sướng vội đi xuống.

Bây giờ thượng tầng của quán Hoàng Hoa chỉ còn bọn Dương Bưu và chàng áo xanh. Tửu bảo đến mời chàng xuống mấy lần mà chàng nhất định không đi.

Dương Bưu nhìn quanh lầu hắn thấy không còn ai ngoài chàng thanh niên y liền cau mày bảo chủ quán :

- Chúng ta đến ăn uống nói chuyện riêng sao bọn ngươi còn để thằng chó nào ngồi đó.

Chủ quán run sợ thất thần nói :

- Thưa quý đại nhân. Người ấy là khách xa lạ mới đến đây nên không biết đại nhân. Hắn xin ngồi ngoài ấy xem trăng.

Dương Bửu quát to :

- Bảo nó xuống lầu mau. Nếu không ta ném cổ nó xuống sông cho rồi.

Thế là bọn tửu bảo đến van lạy chàng Thanh Y xin chàng xuống lầu.

Thanh Y nổi giận đứng dậy toan trừng trị kẻ làm nhục mình, nhưng chàng ríu ríu xuống lầu như sợ sệt.

Chẳng còn kẻ nào làm vướng mắt mình nữa Dương Bưu quay qua nói với Thiết Đầu Tử và Đại Ác hòa thượng :

- Nhị vị sư huynh có biết vì lẽ gì mà Bưu này mời nhị vị đến đây chăng?

Đại Ác hòa thượng đáp :

- Nghe hiền đệ cho mời chúng ta lập tức đi ngay. Chắc có chuyện gì cần kíp lắm.

- Có một chuyện đáng lo ngại cho bọn ta lắm sư huynh ạ! Không biết vì sao thằng già Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ lại đến gây sự với đệ. Nó trao thư cho đệ bảo sẽ lại tận đay để so tài cùng đệ. Nó còn bảo sẽ trừ cả lũ chúng ta để cho dân đỡ hại. Đệ xét thấy mình không thù oán gì với chúng nó, sao nó lại gây sự với bọn mình. Nhị vị sư huynh cũng từng biết thằng già ấy là học trò yêu của Không Không sư tổ tài nghệ quỷ khốc thần kinh. Một mình nó dám phá tan Vạn Hoa trang của bọn Vạn Hoa thất quái thì chúng ta chống sao nổi. Đệ mời các sư huynh đến để bọn ta bàn mưu đối chọi lại với bọn nó.

Thiết Đầu Tử và Đại Ác hòa thượng toát mồ hôi. Cả hai là tay từng trải khắp tam sơn ngũ nhạc, từng chạm trám khắp anh hùng trong thiên hạ mà chỉ gờm một mình Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ.

Bọn Vạn Hoa thất quái tài nghệ nào phải hèn, bản lĩnh của chúng thần sầu quỷ khốc, bảy người khuynh đảo khắp cả anh hùng trong thiên hạ mà chỉ một mình Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ đánh bọn họ chạy tơi bời. Vạn Hoa trang đành phải tan tành, Thất quái không còn nơi trú ẩn phải tản mỗi người một nơi.

Thiết Đầu Tử hỏi Dường Bưu :

- Sư đệ có làm gì chọc đến thằng già ấy mà nó gây sự với bọn ta?

Dương Bưu chưa kịp đáp thì Đại Ác hòa thượng vỗ bàn đánh sầm một tiểng rồi nói :

- Thôi tôi biết cả rồi. Cách đây ít lâu có một thằng ở đâu lạc đến Hoàng Hoa này. Hắn đau liệt giường nên tạm trú trong hắc điếm của tiểu đệ, bọn tửu bảo đem hắn làm thịt bị hắn đánh cho một trận thất điên bát đảo. Hôm ấy có ta đi qua đó, ta xông vào hạ nó để cứu bọn kia. Chao ôi! Hắn đau liệt giườg mà ta phải dùng hết sức lực đánh đến gần trăm hiệp mới giết hắn nổi. Khám trong mình hắn có cái giấy tên là Vạn Thế Minh. Xưa nay một tay nó làm thiệt hại biết bao nhiêu công việc của bọn ta. Bọn thủ hạ của ta chết vì nó cả trăm thằng, Ta rất mừng mà giết được nó. Nhưng ta cũng kinh sợ vì phe đảng của nó rất đông. Vả lại nó là con lão Vạn Thế Long nên ta giấu tin ấy đi vì sợ báo thù. Không biết sao hắn lại biết mà gởi thư đến khiêu chiến với hiền đệ.

Thiết Đầu Tử rởn tóc gáy nói :

- Cha chả, chuyện này ghê gớm lắm. Chúng ta phải liều một mất một còn với lão mới được. Bọn ta đông lẽ nào đánh không lại lão mà sợ. Chúng ta quy tụ đồng bọn hạ quách lão cho rồi. Lão chết rồi là anh hùng trong thiên hạ chẳng còn ai làm ta sợ nữa. Ta sẽ tung hoành như không có người.

Cả bọn sung sướng cười vang như pháo nổ. Chúng tin tưởng ở sức mạnh của mình.

Dương Bưu bỗng quay đầu vào trong và gọi to :

- Chủ quán đâu! Cho nàng Tố Hoa ra ca múa cho chúng ta xem chơi.

Chủ quán sợ hãi nên phải bảo Tố Hoa ra ca múa. Tố Hoa bất đắc dĩ phải bước ra, nàng đàn và hát cho bọn họ nghe.

Vừa trông thấy Tố Hoa, Dương Bửu và Thiết Đầu Tử như bay mất hồn vía. Hai người này như say như dại.

Dương Bửu nghĩ thầm:

“Ta từ lâu nghe thiên hạ nói đến nàng Tố Hoa ngờ đâu nhan sắc nàng như tiên nga thế này. Ta phải đem nàng về làm hầu thiếp”.

Tố Hoa hát rồi múa cho bọn nó xem làm Dương Bưu và Thiết Đầu Tử mê mẩm tâm thần, chỉ có Đại Ác hòa thượng ngồi im vì hắn không ưa nữ sắc.

Bỗng Dương Bưu gọi nàng Tố Hoa đến gần và bảo :

- Tố Hoa nàng hãy ngồi lại đây với ta, ta muốn nói chuyện với nàng.

Tố Hoa run sợ, nàng khép nép thưa :

- Phận tôi hèn hạ nào dám ngồi chung bàn với đại nhân. Xin đại nhân cho phép tiện tỳ vào trong.

Dương Bưu khi nào chịu như thế. Hắn bước đến kéo tay Tố Hoa lại đặt nàng ngồi bên cạnh rồi cười nói :

- Mỹ nhân đẹp như tiên, đáng làm tiểu thiếp ta lắm. Nàng về với ta sung sướng tấm thân, khỏi phải ở đây sớm khuya ca múa.

Tố Hoa kinh hồn, nàng van lạy :

- Xin đại nhân tha cho phận hèn. Cha me tôi đã hứa gả tôi cho một người rồi.

Dương Bưu gạt đi :

- Chớ nói như thế. Một khi mà ta đã muốn thì có trời xuống mới cản ta được. Nàng làm vợ ai cũng không sung sướng bằng làm vợ ta. Nàng ngồi đây rồi về với ta.

Tố Hoa đứng dậy chạy vào trong, nhưng Dương Bưu nắm nàng lại bảo ngồi xống chỗ cũ. Hắn trợn mắt nói :

- Nàng cãi lời, ta sẽ ném quách nàng xuống lầu thì tan xương.

Tố Hoa run lên cầm cập, nàng không biết làm sao thoát khỏi tay hung thần đó.

Sau tiệc rượu Dương Bưu nói với Đại Ác hòa thượng và Thiết Đầu Tử :

- Nhị vị sư huynh về nhà đệ nghỉ vài hôm rồi sẽ hay. Ngắm cảnh thế này cũng đủ.

Hắn ném đĩnh bạc cho chủ quán rồi cùng nhau đứng dậy.

Dương Bưu bảo nàng Tố Hoa theo mình nhưng nàng kháng cự, hắn nổi giận bảo thủ hạ bắt nàng đem đi và cùng với hai sư huynh về gia trang.

Tố Hoa bị bắt đi nàng kêu khóc thảm thương, chủ quán vò tóc kêu trời vì mất nàng thì quán Hương Hoa quán không còn sung túc như bây giờ nữa.

Nhưng nào ai dám hé môi. Khi nào nói ra thì tai vạ vào thân ngay. Thế là chủ quán chỉ kêu trời và rủa thầm kẻ bất nhân ác đức.

Dương Bưu và hai sư huynh là tay phi hành thật giỏi, hắn ra khỏi quán liền về nhà trước, chỉ còn bọn thủ hạ kéo nàng Tố Hoa về sau.

Hai tên Xích Long và Xích Hổ kéo nàng Tố Hoa ra khỏi quán Hoàng Hoa một đỗi thì nàng vùng vẫy kháng cự kịch liệt, nhưng thân yếu đuối mảnh mai của nàng thì làm sao chống cự lại hai tên hung thần ấy.

Nhưng vừa lúc đó từ đâu trên nóc quán Hoàng Hoa một bóng xanh bay vụt xuống chỗ bọn chúng và một tiếng thét nổi lên :

- Chúng bay cả gan dám bắt người vô tội. Khôn hồn thì buông nàng ấy ra không thì chớ trách ta sao hạ độc thủ.

Xích Long giật mình nhìn lên thì thấy một chàng mặc áo xanh đứng chắn ngang đường, hắn nổi giận quát lớn :

- Thằng mọi rừng này ở đâu mà dám đến đây vuốt râu hùm. Mày muốn nát xương phải không?

Xích Hổ nóng như lửa đốt, hắn thấy có người cản trở như vậy thì vác cặp đồng chùy nhảy xô đến dùng thế Thần Hổ Nhập Sơn thẳng cánh giáng xuống đầu chàng áo xanh.

Chàng ấy chính là chàng áo xanh ngồi trên quán Hoàng Hoa khi nãy. Thấy đà chùy vụt xuống thế mạnh như hai tảng đá, chàng thản nhiên giơ tay gạt mạnh một cái.

Ghê thay cho thần lực của chàng. Hai quả chùy chạm vào tay chàng liền lộn bật trở lại giáng vào đầu Xích Hổ làm hắn té xuống, óc vỡ tung giãy đành đạch như cá tươi bị đập đầu.

Xích Long thất kinh vội thét bọn đồng đảng rồi tuốt kiếm xông vào chém chàng áo xanh.

Chàng áo xanh không muốn dằng dai liền chuyển thần công đỡ lưỡi kiếm của Xích Long và quả đấm như trời giáng của chàng đã trúng vào ngực hắn.

Xích Long ngã quay ra, hắn thổ huyết nằm chết ngất. Bọn kia thấy hai người cầm đầu đã chết cả, hoảng hốt bỏ chạy như bay về trang trại.

Chàng áo xanh không trễ một chút liền cắp Tố Hoa vào mình dùng thuật phi hành rút về phía rừng.

Thuật phi hành của chàng cũng có thể liệt vào hàng khá. Cắp bên nách một người mà chàng chạy như bay biến, chỉ thấy một bóng đen bay vụt qua là mất dạng.

Chàng cắm cổ chạy một mạch đến giữa khu rừng liền rẽ vào một tòa cổ miếu hoang và để Tố Hoa xuống.

Từ nãy giờ Tố Hoa kinh sợ vô cùng, nàng nhắm mắt lại nghe bên tai gió thổi ù ù và đến giờ như mới tỉnh dậy.

Tố Hoa cúi lạy chàng áo xanh và nói :

- Phận hèn mọn rủi sa vào tay bọn cường bạo nhờ ân công cứu thoát. Tiện nữ thề suốt đời không dám quên ơn. Chẳng hay hiệp sĩ cao danh quý tánh là chi.

Thanh Y cười và đáp :

- Chút việc làm như thế có gì mà nàng bảo là ân huệ. Tôi là kẻ vô danh trong trời đất, người đời gọi tôi là Thanh Y hiệp sĩ. Cô nên gọi tôi như họ là đủ rồi. Bây giờ cô nghĩ sao về hoàn cảnh hiện tại.

Tố Hoa run sợ khi nhớ đến hiện tại, nàng lo lắng nói :

- Thưa hiệp sĩ tôi là kẻ không cha mẹ họ hàng quen thuộc. Tôi lưu lạc đến đây với bà mẹ già. Mẹ tôi và tôi tạm trú trong quán Hoàng Hoa và mẹ tôi chẳng may bị trọng bệnh mà qua đời. Tôi vì nợ nần và chịu ân của chủ quán nên mới ra thân hát múa để đền ơn cho người và kiếm hột cơm thừa thãi.

Thanh Y nói :



- Bây giờ xảy ra việc này chắc nàng không thể trở lại chốn cũ nữa. Vả lại người tài sắc không nên ở lại chốn ấy làm gì cho nhơ danh tiết. Tôi khuyên nàng nên tìm chốn khác để nương náu còn hơn ở quán Hoàng Hoa.

Ánh trăng đẹp rọi xuống những lỗ trống qua miếu hoang, soi mờ mờ cảnh vật hoang tàn lạnh lẽo. Tố Hoa là gái chưa từng đến những chỗ ghê rợn như vầy lúc đêm khuya nên nàng có vẻ sợ sệt. Nàng nép lại gần bên Thanh Y hiệp sĩ cất giọng dịu dàng :

- Thưa hiệp sĩ, thân hèn mọn này từ nay không còn biết đâu là nơi nương tựa, trở về quán cũ thì sao khỏi tay Dương Bưu. Thà tôi lưu lạc xứ người còn hơn là vào tay quân cường đạo.

Thanh Y nhìn Tố Hoa lòng chàng rung động. Cái sắc đẹp mê hồn thiên kiều bá mị của nàng làm ai thoạt nhìn cũng phải mê say.

Thanh Y nghĩ thầm: “Con người ngọc mà phải chịu khổ như nàng thật đáng thương. Ta phải cứu vớt nàng mới được”.

Thanh Y còn đang nghĩ bỗng chàng giật mình vì thoáng thấy một bóng trắng bay vụt vào sân như đạo bạch quang. Chàng vội kéo Tố Hoa núp vào sau bệ Phật và cho tay vào đốc kiếm...

* * * * *

Thanh Y hồi hộp chàng lo ngại bọn Dương Bưu đuổi theo thì khó lòng tránh khỏi cơn ác chiến xảy ra. Một mình chàng cũng không sợ gì, nhưng còn Tố Hoa chàng khó lòng mà bảo toàn nàng cho được.

Nhưng bóng trắng kia vụt biến mất và cảnh vật vẫn im lìm như cũ.

Thanh Y rón rén ra ngoài xem, nhưng bốn bề hoàn toàn yên lặng trừ ra tiếng gió rừng xào xạt lá, tiếng côn trùng rả rích thì không còn tiếng gì nữa.

Chàng trở vào cởi áo ngoài lót xuống nền gạch loang lổ cho Tố Hoa nằm nghỉ rồi ra gác nơi cửa miếu.

Chàng xếp bằng nhắm mắt laik làm phép tham thiền nhập định. Thoạt nhìn kẻ bàng quang tưởng là chàng ngủ rồi nhưng người am hiểu vũ thuật điều biết chàng sáng suốt lắm. Một tiếng động nhỏ bên cạnh cũng không thoát tai chàng.

Tố Hoa nằm trên áo của Thanh Y mà hơi lạnh của nền gạch rêu phong cũng làm xao xuyến lòng nàng. Nàng không biết ngày mai trở đi đời nàng sẽ ra sao? Tương lai đợi nàng thật mịt mù vô định.

Phần Thanh Y chàng cũng không khỏi lo nghĩ. Từ lúc gặp Dương Bưu chàng đã toan thí cho hắn một gươm, nhưng rồi đến Đại Ác hòa thượng và Thiết Đầu Tử thình lình kéo đến làm chàng hơi sờn lòng. Chàng thừa biết bản lĩnh của chúng ngang trời lệch đất, so với chàng có phần hơn. Khách giang hồ mã thượng đều gờm chúng.

Chàng chắc gì hơn được một tên. Như thế mà đối đầu với ba tên là dại dột. Vì vậy Thanh Y hiệp sĩ đành nén giận bước xuống lầu rồi chàng nhảy lên nóc lầu thám thính và nghe rõ cả những lời bàn bạc của chúng.

Thanh Y là bậc anh hùng cái thế trên chốn giang hồ, bọn cường sơn cướp đảng nghe đến tên chàng thì vỡ mật bay hồn, nhưng chàng biết người biết ta lắm. Chàng muốn tìm cách gặp lão anh hùng Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ và cùng lão anh hùng ra tay trừ khử bọn chúng.

Bằng không dù chàng có tài tình đến bực nào cũng không đương cự nổi với bọn chúng toàn là những tay siêu đẳng cả.

Thanh Y ngồi tham thiền nhập định cho đến mờ mờ sáng, chàng mới vươn vai đứng dậy. Tố Hoa cũng vừa thức giấc, nàng đứng lên giũ áo đưa trả lại cho Thanh Y và nói :

- Cám ơn anh hùng giúp đỡ cho tiện nữ đêm nay. Nếu không thì thân giá sạch tuyết trong đã nhơ uế vì tay cường đạo. Tiện nữ xin kết cỏ ngậm vành.

Thanh Y mỉm cười nói :

- Nơi đây cách Hoàng Hoa thôn xa đến hàng mấy trăm dặm. Hôm nay tôi đưa cô nương ra sông Hoài Dương đón thuyền buồn gởi về Thiểm Tây. Tôi còn một người cô bên ấy. Cô nương có thể náu nương với bà cho qua ngày tháng.

Tố Hoa chỉ xiết ngậm ngùi nàng nói :

- Đa tạ lòng nghĩa hiệp của anh hùng. Thiếp nguyện có ngày ra thân trâu ngựa để đền đáp nợ nghĩa ân.

Thanh Y hiệp sĩ gạt đi :

- Cô chớ nói thế làm gì. Tôi làm bổn phận của con người nào mong báo đáp. Bây giờ cô hãy theo tôi để lên đường.

Hai người ra khỏi tòa cổ miếu và đi theo con đường khúc khuỷu quanh co. Đi được một đoạn đường Tố Hoa không làm sao đi nổi nữa, chân nàng đã rướm máu, nàng đi chậm lại.

Thấy nàng đi như thế thì mất thì giờ Thanh Y liền bảo nàng :

- Nếu cô đi như thế thì nguy lắm. Nhỡ bọn kia đuổi theo tìm kiếm thì nguy. Ngộ biến phải tùng quyền. Xin cô để tôi cõng cô mà đi mới tiện.

Tố Hoa thẹn đỏ mặt. Từ xưa nay nàng không bao giờ đụng đến một người trai. Mà đêm rồi nàng nằm trong tay Thanh Y là bực chính sắc anh hùng, chàng chỉ có biết làm nghĩa mà không tị hiềm giữa trai gái như kẻ thường tình, chàng bảo :

- Cô nương chớ nên e thẹn mà hỏng việc. Bọn nó theo kịp ta thì công tôi cứu cô đêm hôm là công dã tràng. Lòng ta sáng không một điều khuất lấp, ta còn ngại gì.

Nói xong chàng bước lại cõng phắt Tố Hoa lên vai và trổ thuật phi hành đi nhanh như gió.

Tố Hoa nhắm mắt lại ôm chặt lấy cổ chàng. Nàng không biết làm sao mà chàng đi nhanh như bão vậy. Xưa nàng nghe thiên hạ đồn đãi ca tụng tài ba những bậc anh hùng nghĩa hiệp. Họ bảo người nào cũng mình đồng da sắt đao kiếm không phạm được. Ngồi một chỗ giết người trăm dặm, tài bay nhảy nhanh nhẹn hơn chim.

Nàng nghe như thế nhưng hãy còn ngờ vực, đến bây giờ nàng mới nhận là đúng.

Trong giây lát nàng nghe hết tiếng gió liền mở mắt ra thì thấy mình và Thanh Y đang ở trên một chỏm đá thật cao sát bờ sông.

Vừa lúc ấy Thanh Y chao mình nhảy xuống đất nhẹ như chiếc lá rụng.

Tố Hoa hoảng hốt rú lên, nhưng vừa lúc ấy Thanh Y đặt nàng xuống đất và nói :

- Bây giờ cô nương không còn lo ngại gì nữa. Ta đợi thuyền buôn đi về phía này là gọi lại.

Chàng mở gói giấy lấy ra một đĩnh bạc và hai đĩnh vàng trao cho Tố Hoa và nói :

- Cô nương cầm lấy vật này để tiêu xài trong lúc đi đường. Nếu còn dư cô nương đưa cho cô tôi làm vốn mà sinh sống. Đi đường rủi có bị cướp bóc chặn đường cô xưng là em gái Thanh Y hiệp sĩ thì không ai dám chạm đến cô đâu.

Tố Hoa ngùi ngùi, nàng nhìn chàng hiệp sĩ ứa nước mắt nói :

- Ơn hiệp sĩ ngàn ngày tôi xin đa tạ. Biết chừng nào tôi còn gặp lại hiệp sĩ nữa.

Nói xong nàng úp mặt vào tay nghẹn ngào khóc nức nở. Trước cảnh ấy anh hùng cũng khó cầm lòng.

Thanh Y an ủi nàng :

- Cô nương nên bảo trọng lấy thân. Nước non còn là ta còn ngày tái ngộ.

Tố Hoa gạt lệ hỏi chàng :

- Bây giờ hiệp sĩ về đâu?

Thanh Y cười và đáp :

- Tôi còn biết về đâu mà nói. Tôi là người mang kiếm phải làm việc cho lẽ phải. Bốn bể là nhà, nơi nào có cường sơn cướp đảng, thổ hào ác bá, tham quan ô lại là có tôi đến. Bây giờ tôi trở lại Hoàng Hoa thôn để lo xong vụ thằng Dương Bưu rồi sẽ đi nơi khác.

Tố Hoa sợ nói :

- Xin hiệp sĩ đừng về nơi ấy làm gì. Bọn chúng là lũ sói lang, giết người không gớm tay. Xưa nay biết bao vị anh hùng hiệp sĩ đều bị tay nó hãm hại. Bọn nó rất đông người và nghe đâu nhà nó toàn là những cơ quan máy móc kỳ diệu lắm.

Thanh Y mỉm cười bảo Tố Hoa :

- Đã là kẻ mang kiếm không có quyền làm ngơ trước sự bất bình. Thanh Y này dù có chết về tay bọn chúng, thì sẽ có bao người khác thay tôi mà trừ bỏ bọn chúng. Cô nương cứ yên lòng mà về Thiểm Tây. May ra mùa xuân này tôi về đấy thăm cô tôi và chúng ta lại gặp nhau.

Vừa lúc ấy có một con thuyền bườm thả xuôi theo gió. Thanh Y vội vàng dặn Tố Hoa nhà bà cô mình ở đâu và lên tiếng gọi.

Thuyền ghé lại, một ông lão đầu râu bạc trắng bước ra hỏi chàng :

- Chẳng hay tráng sĩ gọi thuyền lão có điều chi dạy bảo?

Thanh Y bước đến thi lễ rồi nói :

- Kính thưa lão trượng, kẻ tiểu sinh này muốn mạo muội thưa với lão trượng một điều, xin lão trượng tha cho tội quấy nhiễu.

Ông lão nghe lời nói biết chàng là người có học liền cười và đáp :

- Nào có phiền nhiễu lão đâu mà tráng sĩ bảo thế. Xin tráng sĩ bảo cho tôi biết ý người muốn gì. Mời tráng sĩ và cô nương xuống thuyền cho tiện bề đàm đạo.

Thanh Y và Tố Hoa rón rén bước xuống thuyền. Ông lão mời cả hai vào khoang thuyền và rót trà mời đón ân cần.

Thanh Y nhìn quanh chàng biết ông lão là người phong nhã liền thưa :

- Kính thưa lão trượng, tiểu sinh vốn là người ở Thiểm Tây, có việc đi qua Hoàng Hoa thôn thăm xá muội ở với người bà con. Nay tiểu sinh muốn xá muội về nhà, mong nhờ lão trượng nếu có thuận đường sang Thiểm Tây xin cho xá muội quá giang về đấy.

Ông lão vuốt chòm râu trắng xóa và nói :

- Tưởng gì chứ điều ấy lão xin nhận. Thuyền lão cũng rộng rãi nào tiếc gì chút việc nhỏ mọn ấy.

Thanh Y thấy ông lão nhận lời, chàng vui mừng khôn xiết liền nói vài lời cảm tạ :

- Xá muội đang trong lúc này mà gặp được lão trượng thật là may lắm. Tiểu sinh rất đội ơn lão trượng.

Ông lão nhìn Tố Hoa và nói :

- Cô em đây hiền lành đáng tuổi con lão thôi. Lão đi đường một mình nay có cô em đây thì cũng có bạn.

Ông bảo thủy thủ dọn cho nàng một gian phòng nhỏ ở trong khoang và nói :

- Tráng sĩ yên lòng, lão phu xin đưa cô em về Thiểm Tây.

Thanh Y nói :

- Xá muội của tiểu sinh hãy còn khờ dại lắm. Dọc đường có điều chi xin lão trượng thương tình dạy bảo cho.

Chàng quay lại bảo Tố Hoa :

- Em về ở với mẹ. Sang mùa xuân có lẽ anh về thăm em.

Tố Hoa ngộ ý nói :

- Em xin vâng lời anh dạy.

Thanh Y chào ông lão và bước lên bờ. Thuyền nhổ sào trương buồm lướt gió đi nhanh vun vút.

Thanh Y nhìn theo ngùi ngùi cảm động, chàng lẩm bẩm :

- Con người tài hoa tuyệt sắc như thế mà phải khổ thật đáng thương thay.

Chàng sực nhớ đến bổn phận mình liền dùng thuật phi hành trở lại Hoàng Hoa thôn.

* * * * *

Đêm hôm ấy bầu trời đen nghịt. Mây đen che khuất cả trăng sao làm u oán vạn vật.

Hoàng Hoa thôn đang im lìm say ngủ thì bỗng một bóng đen từ đầu xóm vụt bay vút vào giữa xóm. Bóng đen ấy bay nhanh như tên bắn chỉ trong một chốc là đến một ngôi nhà to lớn như dinh thự của vua quan. Bóng đen đứng lại và lấy một vật ở trong người ra ném vào trong. Không thấy động tĩnh gì bóng đen ấy lại ném vào trong một lần nữa.

Sau khi ném đá thăm đường cẩn thận, bóng đen móc dây tử luyện ném móc trên đầu tường và nắm dây nhúng thử rồi leo vào.

Leo gần đến đầu tường bóng đen tuốt kiếm khoa một vòng trên cầu và quăng mình ngồi trên đầu bức tường và đưa mắt nhìn quanh. Không thấy gì khả nghi bóng đen cuốn dây và nhún chân nhảy xuống sân. Chỉ thấy đánh vút một cái hình ảnh của bóng đen đã biến mất trong màn đêm u tối.

Bóng đen ấy chính là chàng Thanh Y hiệp sĩ leo vào do thám nhà của tên Dương Bưu. Chàng muốn xem cách hành động của chúng ra sao để tiện bề đối phó.

Bây giờ trong gian nhà giữa của Dương Bưu đèn thắp sáng choang, bọn họ vây quanh một bàn tiệc linh đình.

Dương Bửu cất chén rượu lên và nói :

- Nhị vị sư huynh cứ vui say đêm nay cho phỉ chí. Thằng Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ dù có tài trời cũng không lọt vào trong trang trại này được.

Đại Ác hòa thượng im lặng, chỉ có Thiết Đầu Tử oang oang nói :

- Hiền đệ chớ có lo ngại, thằng Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ cũng là người như bọn ta, nó có gì đáng cho ta lo ngại.

Đại Ác hòa thượng nói :

- Không biết thằng nào đêm hôm qua giết hai bộ hạ hiền đệ, nó không biết làm như vậy là nguy lắm sao? Chúng ta phải xem chừng nó mới được. Tài nghệ của Xích Long và Xích Hổ tuy không vào hàng gì chứ cũng là tạm dùng. Thế mà nó hạ cả hai như trò chơi thì nó cũng là tay đáo để lắm.

Dương Bửu nổi nóng nói :

- Đại huynh cần gì phải nói đến bọn nhãi ranh đó. Đệ mà gặp nó là nó đến tuần mạt kiếp. Thế nào nội hôm nay thì bọn thủ hạ cũng tóm được nó chứ chẳng không.

Đại Ác hòa thượng im lặng lắng nghe một lúc, bỗng ông ta nhảy ra ngoài rút phắt chiéc thiền trượng và thét lớn :

- Quân khốn kiếp nào dám đến đây nghe trộm, bản sư cho một trượng để ngươi biết thân.

Thanh Y núp trên mái từ nãy giờ nghe tiếng thét của hòa thượng chàng biết khó trốn khỏi nên rút kiếm nhảy xuống chém xả vào mặt Đại Ác.

Buông một chuỗi cười ghê rợn, Đại Ác vung chiếc thiền trượng nặng trên tám trăm cân lên đỡ. Một tiếng choang rên lên làm choáng óc mọi người, hai món binh khí chạm vào nhau lóe lửa lên.

Thanh Y tê buốt tay gần toát cả hổ khẩu mà lưỡi kiếm của chàng cong như một vành cung, chàng kinh hồn không ngờ sức khỏe của Đại Ác ghê gớm đến thế.

Đại Ác hòa thượng cất tiếng cười ghê rợn, hắn cười gằn và nói :

- Khá lắm hãy ráng mà đỡ thiền trượng này nữa.

Nói xong hắn vung thiền trượng lên như quỷ khốc thần sầu loang loáng ánh hào quang nhắm đầu Thanh Y bổ xuống.

Thanh Y nhanh nhẹn nhảy ra ngoài vuốt ngay lưỡi kiếm lại và xông vào hỗn đấu với hòa thượng. Chàng dùng tài nhanh nhẹn của mình để luồn tránh ngọn trượng chứ không dám đỡ một trượng nào nữa.

Hòa thượng Đại Ác cười vang lên, hắn điều khiển cây trượng như gió táp mưa sa, áp đảo chàng khiến chàng kinh hoàng nghĩ thầm: “Ta không phải là địch thủ của tên Đại Ác này, nếu đánh lâu thì nguy lắm”.

Chàng vội vận động hết công phu đem bài Phong Sa kiếm chống chọi với Đại Ác. Nhưng Đại Ác xem thường. Trong rừng ác kiếm hắn vẫn thản nhiên vung trượng như vào chỗ không người.

Thanh Y tháo mồ hôi như tắm, chàng thấy mình dùng tuyệt điểm công phu mà không thắng được mà cơ nguy sắp đến bèn tìm đường tháo chạy.

Nhân lúc hòa thượng để hở một ngọn trượng. Thanh Y vung kiếm dùng thế Đoạt Mệnh, kiếm chém một nhát cực mạnh vào hông Đại Ác. Đại Ác tràn người né tránh thì lưỡi kiếm của chàng biến sang thế Yến Tử Xuyên Vân đâm thốc vào yết hầu Đại Ác.

Đại Ác giật mình cúi đầu né tránh thì chàng như con chim vũ cánh về ngàn vụt nhảy qua đầu hòa thượng toan trốn chạy.

Nhưng Thiết Đầu Tử vội phi thân đến chắn ngang mặt chàng và thét lớn :

- Tiểu tử định chạy đi đâu. Mau cúi đầu chịu chết cho rồi. Đến đây dù mày có mọc cánh cũng không thoát.

Thanh Y rít lên một tiếng căm hờn, chàng vung lưỡi kiếm lên như khói tỏa mưa tuôn chém vút xuống đầu Thiếu Đầu Tử.

Quả không hổ danh Thiết Đầu Tử, lưỡi kiếm của Thanh Y trúng vào trán Thiết Đầu Tử bị lộn trở lại mà tay chàng tê chồn. Vừa lúc ấy Đại Ác hòa thượng đến phía sau vỗ nhẹ vào vai chàng một cái.

Thanh Y hiệp sĩ bị cái vỗ vai ấy chàng đau đớn vô cùng té oằn oại xuống đất.

Dương Bưu thét lũ bộ hạ trói chặt chàng lại và thét hỏi :

- Thằng khốn khiếp kia mi là ai và lẻn vào đây định làm gì?

Thanh Y tức tối vô cùng, chàng dương mắt căm hờn nhìn bọn chúng và thét mắng :

- Lũ khốn kia. Ta chẳng may bị bọn ngươi bắt thì chỉ chết là cùng. Hỏi han làm gì vô ích. Ta thay mặt cho công lý nhân loại đến đây giết bọn ngươi.

Dương Bưu cười ghê rợn, hắn rút con dao ở cạnh sườn bước sấn lại phía Thanh Y, nhưng Đại Ác hòa thượng vẫn kéo hắn lại và nói :

- Hiền đệ để yên mặc ta xử trí.

Nói xong Đại Ác quay lại hỏi Thanh Y :

- Kẻ mang kiếm bao giờ cũng làm việc quang minh chính đại. Ta muốn biết ngươi thù oán gì với bọn ta mà đến đây.

Thanh Y mặt không đổi sắc, chàng thét lớn :

- Ta cùng bọn người không thù oán thật, nhưng bọn ngươi ỷ thế làm càn, hãm hại bao nhiêu người lương thiện. Ta đến đây giết bọn người để trừ hại cho dân, chẳng may bị bắt thì chỉ còn một con đường chết mà thôi. Bây chớ nói nhiều lời làm bẩn tai ta.

Đại Ác hòa thượng hỏi :

- Ngươi là ai? Ở môn phái nào, hãy thông tên họ cho ta biết?

Thanh Y cười vang chàng nói :



- Ta là Thanh Y hiệp sĩ, học trò của Công Tôn đại sư, bọn ngươi liệu hồn, thầy ta hay được thì người sẽ đến làm cỏ lũ bây.

Đại Ác hòa thượng chưa kịp nói thì Dương Bưu đã hét vang như sấm :

- Thằng khốn khiếp! Chết đã kề bên cổ mà còn nói phách. Tao giết mày thử xem thằng chó chết Công Tôn dám làm gì tao.

Hắn xách dao xông lại toan hạ thủ Thanh Y, nhưng Đại Ác cản lại và nói :

- Hiền đệ giết giống ruồi ấy làm gì cho dơ dao. Hãy giam nó dưới hầm cho hổ nó ăn là hay hơn.

Dương Bưu thét bọn thủ hạ mang Thanh Y đem giam vào hầm.

Bấy giờ Đại Ác mới lên tiếng :

- Lâu nay trên chốn giang hồ ta thường nghe nói đến thằng này, nhưng ta không ngờ bản lĩnh nó còn non quá. Giết nó thì không cần gì, nhưng ta ngại thầy nó đến gây sự cùng ta. Công Tôn đại sư đâu phải tay vừa, bọn ta chắc gì hơn hắn.

Dương Bưu nổi nóng nói :

- Đại huynh cứ tôn người làm nhụt nhuệ khí của mình. Đệ thiết tưởng dù Công Tôn đại sư có xuống núi vì tất hắn làm gì ta nổi, đại huynh danh vang thiên hạ mà sợ thằng Công Tôn sao?

- Không phải ta sợ nó. Nhưng gây thù oán với một kẻ lợi hại ta cũng khó yên thân. Hiền đệ chưa rõ chứ ta biết thằng Công Tôn đại sư bản lãnh cao kỳ lắm, có lúc nó cùng đại sư huynh của ta giao chiến trên ba ngày ba đêm không phân thắng bại. Sau nhờ có Hùng Sơn Ngọc đến giải hòa mới thôi.

Thiết Đầu Tử ngắt lời Đại Ác hòa thượng :

- Sư huynh nghĩ thế sao được. Chẳng lý ta tha cho học trò nó sao? Nếu vậy lũ môn đồ của các chi phái muốn làm gì ta cũng nể thầy nó mà tha nó thì còn gì danh dự sơn môn ta nữa. Đệ quyết giết nó rồi tìm đến tỉ thí với Công Tôn cho rõ thấp cao.

Đại Ác thấy mấy người đang trong cơn giận dữ, không biết làm sao khuyên giải bèn nói :

- Hai hiền đệ nóng tính làm ngang thì sau xảy ra việc gì chớ có hối hận. Ta tuy vậy cũng trọng chữ hòa làm quý.

Dương Bưu toan nói thì bỗng Đại Ác hòa thượng bỗng ngửa mặt lên trần nhà nói lớn :

- Vị nào đó đã quá bộ đến đây xin mời xuống uống nước với lũ tôi. Ẩn nấp làm gì trong bóng tối.

Hắn vừa dứt lời thì một đạo bạch quang từ trên nóc nhà vụt hiện ra, một lão nhân quắc thước hiên ngang, mắt sáng trán cao, ba chòm râu bạc. Lão vuốt râu chắp tay và vái ba người.

Lạ thay lão nhân vừa cúi xuống thì một trận lãnh phong bay ào đến tuy không cuốn cả chén đũa trên bàn, nhưng hơi lạnh thấu xương làm bọn thủ hạ của Dương Bưu đứng hầu quanh bàn tiệc đều run lên cầm cập.

Đại Ác hòa thượng là tay thần công tuyệt giỏi mà lúc vô tình ấy cũng thấy rùng mình khiếp hãi. Hòa thượng thu ngưng thần vận khí và cũng vái trả lại cho lão nhân nọ.

Luồng lãnh khí từ trong tay áo lão hòa thượng phát ra lạnh không kém chi luồng lãnh khí của lão nhân nọ. Hòa thượng nói :

- Kính mời lão anh hùng ngồi xuống đây dùng chén rượu lạt với chúng tôi.

Lão nhân rây bạc cười hể hả nói :

- Khá lắm quả không hổ danh là Đại Ác hòa thượng. Lão phu xin phép các ngài.

- Lão kia đã dám vào đây phải thông báo họ tên rồi hãy giao chiến cũng chưa muộn. Ta không muốn hạ kẻ vô danh tiểu tốt.

Lão nhân cười gằn và nói :

- Ta không sợ hang hùm mà vào đây thì có lý nào ta lại giấu tên. Ta là Vạn Thế Long mà thiên hạ thường gọi là Trấn Sơn Hổ. Bọn người hoành hành quá quắc lắm nên ta buộc lòng phải đến đây trừ khử mối hại cho dân lành. Các ngươi ngửa cổ mà chịu chết cho rồi.

Dương Bưu không phân biệt lợi hại gì nữa, hắn quát to :

- Lão thất phu chớ khoe khoang. Lão có mọc cánh cũng đừng hòng bay ra khỏi đây được.

Lưỡi cương đao của hắn như khói tỏa mây sầu vung lên loang loáng biến hóa thiên hình vạn trạng như muôn vạn ánh hào quanh lấp lánh, sa xuống người lão anh hùng Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ.

Trấn Sơn Hổ vẫn thản nhiên, thanh kiếm trong tay vù vù như khói tỏa nước tuông, bao chặt lấy quanh người như vách sắt thành đồng không sao xâm phạm được.

Dương Bưu đánh luôn hai chục hiệp mà không hạ được Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ liền nổi giận, hắn biết được trận này nếu không trổ tài ra thì không những khó bảo toàn được danh tiếng mà sanh mạng cũng khó giữ.

Lập tức hắn hồi bộ về và múa tung đao rộng ra đem bài Mê Hồn đao ra biểu diễn.

Bỗng nhiên lão anh hùng Vạn Thế Long thấy choáng mắt nên người vội nhận xét kỹ bên địch, lão gật gù bảo thầm: “À! Thằng này khá lắm. Đem Mê Hồn đao ra áp đảo ta. Nhà ngươi đã xuống tay độc, ta cũng cho nhà ngươi chết về thế độc luôn thể”.

Nghĩ vậy, lão anh hùng vung kiếm gạt mạnh lưỡi đao của Dương Bưu rồi đem bài Tuyệt Mệnh kiếm ra đối phó.

Dương Bưu bỗng thét lên một tiếng lớn, dùng thế Song Long Nhập Hải đâm nhanh lưỡi đao vào hạ bộ lão anh hùng.

Mắt sáng như sao, lão anh hùng dùng thế Quan Âm Tróc Quái gạt phắt lưỡi đao của Dương Bưu và biến sang thế Trảm Xà Đoạt Ngọc chém vút lưỡi kiếm vào cổ họng hắn.

Dương Bưu toát mồ hôi, hắn vội cúi rạp mình xuống để tránh lưỡi kiếm và khoa đao chém ngang ống chân kẻ địch.

Lão anh hùng Trấn Sơn Hổ cất chân nhảy vụt lên tránh khỏi và đâm thốc trở xuống một nhát cực nhanh, đấy là thế Huỳnh Xà Nhập Địa.

Lúc lâm nguy mới biết tài nghệ hay hèn. Dương Bưu bị bí vào thế độc ấy hắn toát mồ hôi ra như tắm, vội lăn mình qua một bên rồi dùng thế Phượng Hoàng Vũ Cánh nhảy vút lên lia bảo đao chém ngang người lão anh hùng.

Lão anh hùng Vạn Thế Long thấy kẻ địch chuyển bại thành thắng lão bừng giận nghĩ thầm: “Cứ dằng dai mãi thế này đến mai cũng không thắng nổi hắn. Huống chi bọn chúng vẫn còn hai tên kiệt liệt bên ngoài ta phải trổ thủ đoạn ra mới được”.

Nghĩ vậy lão anh hùng Vạn Thế Long gạt lưỡi đao của Dương Bưu ra và trổ bài Ngũ Hoa thần kiếm ra.

Thật tuyệt diệu thay bài Ngũ Hoa thần kiếm, lão anh hùng vừa đem bài ấy ra áp dụng là Dương Bưu đã thấy mình sắp nguy cơ đến nơi. Hắn giở hết tài năng sở trường ra nhưng cũng không thủ thắng được.

Bên ngoài Thiết Đầu Tử không còn chịu đựng được nữa, hắn quát to lên một tiếng và vung ngọc thước nhảy vào gạt băng lưỡi kiếm của lão anh hùng lộn trở lại.

Chỉ cái gạt ấy cả hai biết sức nhau. Thiết Đầu Tử tê chồn cả cánh tay còn lão anh hùng cũng ê ẩm cả hổ khẩu.

Thiết Đầu Tử thét to :

- Dương Bưu hiền đệ lui ra để ta trị thằng già này, kẻo nó coi dưới mắt không người.

Lão anh hùng thét mắng :

-Thiết Đầu Tử, bọn ngươi gặp ta là đã đến ngày tận số. Vạn Hoa thất quái là bọn kiệt liệt trong đời danh lừng thiên hạ mà ta còn đánh cho nó không còn manh giáp. Bọn ngươi nào có ra gì chẳng qua ta muốn múa men cùng chúng ngươi vài chập xem bản lãnh bọn người được đến đâu.

Thiết Đầu Tử giận căm gan, hắn gầm như sấm và vung ngọc thước dùng tận lực bình sanh giáng xuống đầu lão anh hùng.

Vạn Thế Long không dám khinh thường liền chuyển thần công lên cánh tay vung kiếm lân đỡ. Một tiếng choang nhoáng lữa làm long óc mọi người.

Lũ bộ hạ của Dương Bưu đứng ngoài rùng mình khiếp hãi ôm đầu sợ sệt.

Cây kiếm của lão anh hùng là cây bảo kiếm của Không Không sư tổ đúc ra, tinh luyện bao tháng năm trong lò bát quái, chém sắt như chém bùn thế mà lúc ấy hơi cong lại, còn cây ngọc thước của Thiết Đầu Tử làm toàn bằng ngọc châu báu đúc luyện nên, mà cũng phải sờn mẻ mất một miếng nhỏ.

Sau cái chạm nảy lữa ấy cả hai đều giữ gìn từng cự ly từng tý, không dám dùng tận lực cho hai thứ binh khí chạm vào nhau nữa.

Thiết Đầu Tử vung cây ngọc thước như mưa sa gió táp quyết áp đảo lão anh hùng, nhưng lão anh hùng cũng quay lưỡi kiếm như trời sầu đất thảm cản hắn lại.

Thật là một trận hỗn đấu ghê hồn. Cả hai đều đem những thế chí mạng toan hạ nhau.

Qua một trăm hiệp mà vẫn không phân thắng bại, cả hai cùng nóng tiết.

Thiết Đầu Tử đang đánh bỗng quát lên một tiếng thật to và thối bộ nhảy ra ngoài thét lớn :

- Thằng già chớ đánh nữa, ta có lời nói với mày.

Vạn Thế Long Trấn Hổ Sơn điềm nhiên vuốt râu bạc và hỏi :

- Lũ ngươi muốn gì?

Thiết Đầu Tử nói :

- Lũ ta không ra gì nhưng cũng là những tay kiệt liệt trong đời. Đánh bằng gươm đao thế này đến bao lâu cũng không phân cao thấp được. Ta thách lão cùng ta hãy lập một Mê Hồn Bạch Mai đài để cùng lên đấu thủ trên ấy. Kẻ nào kém thì phải tán mạng. Như thế mới xứng đáng là kẻ anh hùng.

Mê Hồn Bạch Mai đài nghe đến mấy chữ ấy lão anh hùng Vạn Thế Long phát rùng mình. Từ cổ chí kim kẻ nào dám đấu thủ với nhau trên ấy đều phải tán mạng.

Mê Hồn Bạch Mai đài còn ghê gớm gấp trăm ngàn lần Vạn Hoa Thung, Vạn Đạo Trang nữa. Mê Hồn Bạch Mai đài làm trên một mảnh đất rất hẹp, dưới là muôn vạn lưỡi đao dựng mũi lên, đầu những mũi đao ấy có tẩm thuốc độc, trên là những sợi dây nhỏ giăng qua rừng đao, trên sợi dây ấy có cột những đóa mai trắng nhỏ, người lên giao chiến phải dùng thuật đề khí cho thân mình nhẹ như gió để nhảy múa được trên nhữ đóa hoa mai đó, bằng kẻ nào vô ý dẫm mạnh chân gãy nát đóa hoa là dù cho có nội công cao thuần thục, mình đồng da sắt cũng không toàn thân, vì trong những đóa hoa mai ấy làm bằng những thứ thuốc độc ghê gớm, thứ thuốc độc không thuốc giải.

Những người dù là bậc kiếm tiên nghe đến Mê Hồn Bạch Mai đài cũng đều bay hồn mất vía. Nay Vạn Thế Long nghe Thiết Đầu Tử thách mình như thế, lão anh hùng không sao khỏi giật mình.

Thiết Đầu Tử lại nói :

- Nếu lão không dám cùng ta tranh đấu thì nên bỏ kiếm hàng ra. Ta sẽ lấy lượng hiếu sinh của kiếm sĩ mà tha thứ cho.

Lão anh hùng Vạn Thế Long Trấn Sơn Hổ nghe Thiết Đầu Tử nói thế liền hét to :

- Cẩu tặc chớ có lộng ngôn. Ta há sợ Mê Hồn Bạch Mai đài hay sao? Bọn ngươi muốn chừng nào giao đấu?

Thiết Đầu Tử nói :

- Trong mười lăm hôm nữa ta lập xong đài rồi mi sẽ đến. Ta sẽ đưa giấy mời nhà ngươi ở Bàn Sơn động.

- Được lắm ta sẵn sàng chờ bọn ngươi.

Dứt lời lão anh hùng vung mạnh tay một cái tức thì một trận cuồng phong nổi lên làm đèn đuốc trong đại sảnh tắt cả, đến khi lũ bộ hạ Dương Bưu thắp đèn sáng lên là lão anh hùn biến đâu mất.. Cả bọn đều tức giận và lo sợ.

Bây giờ Đại Ác hòa thượng mới nói :

- Hiền đệ rủ lão già ấy tỉ thí trên Mê Hồn Bạch Mai đài là có cớ gì. Ta thiết tưởng tài ba của hiền đệ không thể tỉ thí trên đài ấy lâu được.

Thiết Đầu Tử cười và đáp :

- Đệ thấy thằng già ấy lợi hại quá. Nó đến đây giao chiến cầm chừng với bọn ta để xem tài lực bọn ta đến đâu. Nó không giở hết tài ra tranh đấu. Đệ nghĩ khó lòng thắng nổi nó liền lập kế hoãn binh để chúng ta bàn mưu hại nó cho rồi.

Dương Bưu lắc đầu nói :

- Khó mà có mưu gì. Chỉ có một cách là ba chúng ta cùng dò xem nó ở đâu rồi kéo cả đến nhân lúc nó ngủ mà hành thích đi thì tiện lắm. Không lý ba người như bọn ta mà không hạ nổi nó khi nó ngủ sao?

Đại Ác đầu đà gật đầu nói :

- Hiền đệ bàn tính như thế là phải lắm. Chỉ có cách ấy là tiện lợi nhất. Ngoài cách ấy ra cả ba chúng ta đường đường đối chọi với lão cũng không hơn lão được.

Cả bọn bầy mưu lập kế xong rồi liền chia tay đi nghỉ.

* * * * *

Huyền Phong sơn vào một đêm trăng sáng đẹp. Cây cỏ lá hoa ngủ dưới trời sương, côn trùng rã rích hòa với tiếng suối đổ nghe âm u huyền bí.

Huyền Phong sơn là một ngọn núi hùng vĩ đẹp đẽ mà hiểm trở vô cùng. Từ xưa nay người thường không ai lên đến đỉnh núi được vì đường đá cheo leo và những vách đá chắn cả lối đi.

Thế mà trên đỉnh núi có một động đá và có bóng người. Người ấy là Công Tôn đại sư, sư phụ của Thanh Y hiệp sĩ.

Công Tôn đại sư vân du qua thấy ngọn núi Huyền Phong có một thần động tốt đẹp như rành tiên liền chiếm lấy và dùng làm nơi tu thân luyện đạo pháp.

Sau mấy mươi năm tu luyện, đạo pháp của Công Tôn đạo sư đã đến hàng cao có thể sánh ngang hàng với các tay sư tổ sáng lập các phái võ trong Trung Quốc.

Ngài là một bậc chí tôn, đạo pháp cao diệu, nhưng ít khi giáng trần trừ khi nào cần thu một vài đồ đệ hãy tiễu trừ vài tên ác hào thổ bá trừ hại cho dân lành.

Dãy núi Huyền Phong đêm hôm ấy bỗng có một bóng đen từ chân núi, bay vút lên đỉnh núi như chim bay.

Đá núi lổm chổm, vách đá đựng chồng lên cũng không làm trở ngại bóng đen đó. Toàn thân bóng đèn nhẹ nhàng bay nhảy như một chiếc bóng mờ, thoáng qua vài phút bóng đen ấy đã đến đỉnh núi.

Bỗng một tiếng gầm dữ dội, một con mãnh sư trong hốc đá nhảy ra chụp lấy bóng đen, nhưng bóng ấy nhanh mắt nhảy tránh và toan chạy đến cửa động.

Con mãnh sư vồ trợt tức giận vô cùng, nó gầm lên một tiếng và đập đuôi nhảy đến chụp xuống đầu bóng đen.

Nhanh như cắt bóng đen bước tránh qua một bên và đưa tay xô nhẹ ngang lưng con thú.

Ghê thay cho thần lục của bóng ấy, cái xô nhẹ kia cũng đủ làm cho con mãnh sư to lớn phải ngã lăn ra. Nó chồm dậy và hầm hè tiến lại.

Vừa lúc đó cánh cửa động bật mở, một cậu đồng tử tuổi độ mười mấy, trên đầu cậu còn chừa ba vá, cậu bước ra thét mãnh sư và lên tiếng :

- Vị nào đó đến đây có việc gì trong đêm tối thế này?

Bóng đen bước đến nói :

- Chào đồng tử. Ta là Vạn Thế Long ở Bàn Sơn động, đến đây báo tin cho Công Tôn đại sư biết học trò của người là Thanh Y hiệp sĩ đã bị bắt trói tại Hoàng Hoa thôn.

Đồng tử giận lắm rít lên :

- Ai dám bắt sư huynh tôi?

- Người ấy là Dương Bưu. Vây đồng tử báo tin này cho đại sư. Lão có việc cần phải đi gấp.

Nói xong lão anh hùng dùng thuật phi hành bay biến xuống chân núi.

Đồng tử vỗ đầu con mãnh sư như khen tặng rồi trở vào khép cửa lại ra phía sau động.

Công Tôn đại sư đang ngồi nhập định trên bồ đoàn. Trước mặt người là một lò lửa cháy rực trong bốc ánh hào quang rực rỡ ra ngoài.

Cả một khu thần động sáng rực màu hồng trông có vẻ oai nghiêm huyền bí.

Đồng tử vào quỳ trước mặt đại sư nói :

- Thưa sư phụ có Vạn Thế Long ở Bàn Sơn động đến thông báo cho sư phụ hay sư huynh, con là Thanh Y hiệp sĩ đã bị tên Dương Bưu ở Hoàng Hoa thôn bắt.

Công Tôn đạị sư mở mắt ra ngài phán hỏi đồng tử :

- Lão anh hùng còn ở lại phải không con?

- Thưa sư phụ người đã về rồi.

Công Tôn đại sư bấm đốt ngón tay và bảo đồng tử :

- Này Hạc nhi con, thầy phải hạ sơn cứu sư huynh con cho trọn tình vẹn nghĩa, nhưng thầy đang luyện dở dang thanh Ngũ Lôi thần kiếm nếu bỏ đi e có điều trở ngại. Vậy thì con phải thay thầy ở giữ lò kiếm này, chớ cho lửa tắt mà sánh linh vùng này phải bị tàn hại.

Đồng tử hỏi Công Tôn :

- Thưa sư phụ con phải làm sao cho lửa không tắt?

- Con cứ ngồi tĩnh tọa như thầy và đem hết ngươn thần chăm chú vào lò kiếm là lửa không tắt. Còn ba hôm nửa là kiếm thành. Con nên cẩn thận, nếu lửa tắt thì con không đủ sức thu hồi được nó, là nó sẽ hại con và thiên hạ trong vùng này. Thầy đi lâu lắm là trong vòng ba hôm thôi. Đến giờ Dần ngày Dần mà thầy không về là con dùng huyết vượn tưới tắt lửa trong lò chc kiếm thần tan đi. Con chớ cãi lời thầy mà mang họa và gieo tai ách cho nhân dân. Thầy cho con cuốn Bí Thư Tiên Kiếm để con xem mà áp dụng cách luyện thanh Ngũ Lôi thần kiếm.

Công Tôn đại sư nói xong, đồng tử xin vâng mạng thầy.

Bây giờ Công Tôn đại sư đứng dậy nhìn chăm chú vào lò kiếm một lúc, tức thì hào quang trong lò tung tóe lên như muôn ngàn tia chớp và dần dần dịu xuống.

Đồng tử Hạc nhi bước lại ngồi thay thầy, chú hết ý chí tinh thần vô lò lửa.

Công Tôn đại sư thấy lửa trong lò sáng thêm lên ngài nghĩ thầm: “Hạc nhi đồng tử còn trẻ tuổi quá ngươn khí trong người hắn yếu nên không đủ sức nung thanh kiếm ra sắc đỏ. Không khéo thanh kiếm Ngũ Lôi sẽ yếu đi”.

Ông dặn thêm đồng tử :

- Hạc nhi con. Con cứ lo luyện kiếm. Ta sẽ đóng chặt cửa động để không tiếp một ai cả. Con chớ xao lãng tinh thần mà mang khốn vì thần kiếm đã thành và sắp bay ra.

Nói xong người trở vào động đem ra ba viên linh đan bỏ vào mồn đồng tử Hạc nhi và bảo :

- Con hãy nuốt mấy hạt linh đan này để tăng thêm sinh lực. Thầy phải đi, công việc chỉ trông cạy một mình con mà thôi.

Nói xong Công Tôn đại sư nhảy lên nóc động trổ tài phi đằng độn kiếm bay xuống Hoàng Hoa thôn.

Than ôi! Vì việc cứu học trò mà Công Tôn đại sư phải tan tành thần động, phải mang tội với thầy và anh hùng trong thiên hạ, người phải lặn lội suốt mấy mươi năm trời để cứu độ người mới chuộc lại tội vô tình gây ra. Thật có ai ngờ...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
cô vợ thay thế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Thư Tiên Kiếm

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook