Bước Kế Tiếp Hạnh Phúc Là Bao Xa

Chương 10

Mai Thảo Nguyên

23/07/2014

Mười hai giờ đúng, cuối cùng chúng tôi cũng ì ạch, dắt díu nhau đi qua hết hai cái cầu treo xiêu vẹo, đã hư hỏng đến mức không thể nào chữa được nữa. Cảm giác thế nào nhỉ? Giống như vừa đi vừa đánh trống bổi, tim cứ lộn ngược hết cả lên đầu, vừa run vừa sợ, người trước đến giữa cầu thì người sau đã thấy cầu rung lên bần bật như sắp gãy. Sau đó, lại đi bộ dưới trời nắng cả một đoạn đường dài để đến nhà trưởng thôn Aram 2. Vì vừa đi vừa phải mang vác những vật dụng và đồ đạc lỉnh kỉnh, nên cả quãng đường ấy, chẳng ai còn hơi sức để mà than thở hay trách móc lẫn nhau nữa. Vả lại, bên trên là cái nắng gay gắt, bên dưới lại là cát sỏi đầy bụi bặm, dẫu ai nấy đều đói bụng đến lả người đi cũng chỉ hớp vội ngụm nước cho qua, chẳng còn tâm trí dừng lại ăn uống.

Phía xa xa, giữa một màu xanh bạt ngàn của núi rừng, hình ảnh những mái nhà lợp tôn dần dần hiện ra. Chúng tôi không ai hẹn ai, đồng loạt thở phào một hơi nhẹ nhõm.

“Thiện tai, thiện tai! Kiếp nạn nửa đời người rốt cuộc cũng trôi qua!” – Chàng sinh viên đội mũ bộ đội màu xanh lá đột nhiên đứng sựng lại, sau đó ngước mặt lên trời, cảm thán một câu khiến cả lũ không khỏi phì cười.

“Thí chủ à, đường đến Tây Trúc còn xa, yêu quái còn nhiều, đặc biệt là đặc sản muỗi đêm nay đang chờ thí chủ! Chớ vội vui mừng quá sớm. Thiện tai, thiện tai!” – Vũ Quân vỗ nhẹ lên vai cậu ta, lắc đầu tỏ vẻ tiếc nuối. Ánh mắt anh cong cong, khi cười khóe miệng khẽ nhếch lên một chút. Lúc bắt gặp tôi nhìn sang, chỉ khẽ nhún vai một cái rồi quay đi.

Đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên, khoảng chừng bốn mươi tuổi. Dường như cái nắng, cái gió, cái khốn khó của nơi đây đã hằn sâu trên từng cái nếp nhăn, trên từng đầu mày đuôi mắt, trên mái tóc đã ngả sang màu nắng cháy, và cả trên nụ cười mừng rỡ khi chào đón chúng tôi của ông. Thân thiện và chất phác, đó chính là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp người dân nơi này.

“Ôi mẹ ơi, mệt chết đi được!” – Tố Phương nhoài người nằm trên thành của cái lu nước phía sau vườn, vốc từng ngụm nước lạnh mát rượi trong tay hất vào mặt cho tỉnh táo.

“Sao thế? Muốn về rồi sao?” – Tôi múc lấy một ca nước, từ tốn rửa đám bụi bặm đang như đỉa đói bám hết cả vào hai ống quần và trên hai ống tay áo màu xanh tình nguyện, sau đó cúi xuống rửa mặt cho sạch sẽ.

“Ủa, con Na đâu?” – Tố Phương không thèm chấp, hất mớ nước trong tay vào mặt tôi, sau đó vuốt mặt mấy cái, mắt láo liên nhìn ra phía sau.

“Biết chết liền!” – Nó đi đâu làm sao tôi biết. Từ lúc bắt đầu cuộc hành trình đã thấy nó chen lên phía đầu đoàn ngồi, chẳng ngó ngàng gì đến bạn bè gì ráo. Chỉ là, tôi không ngờ được, đại tiểu thư như nó cũng có lòng tham gia mấy chương trình ‘hành xác’ này.

“Ê, ăn cơm đi mấy cô nương!”

Có tiếng gọi bên trong truyền ra, tôi và nhỏ Phương đưa mắt nhìn nhau, sau đó ném cái ca trong tay xuống, vội vã xô nhau chạy vào nhà. Ăn là chính, không thực sao vực được đạo đây?

oOo

Chúng tôi nghỉ ngơi tại nhà trưởng thôn đến tầm hai giờ ba mươi chiều, sau đó lại lục đục giục nhau dậy, chuẩn bị quà cáp trong mớ đồ lỉnh kỉnh tay xách nách mang khi trưa ra, lại ngồi nghe Trưởng đoàn là anh phổ biến một loạt chương trình phải làm từ chiều đến tối xong mới bắt tay vào thực hiện công việc tình nguyện đầu tiên trong chương trình – trao ba mươi xuất quà tình thương cho ba mươi hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất của thôn.

Màn đêm dần dần buông xuống, hòa lẫn trong tiếng lào xào của đám cây rừng sau lưng là tiếng chim rừng, tiếng chó sủa, tiếng râm ran của ếch nhái ngoài đồng sát bên nhà. Âm thanh khác hẳn với sự ồn ào, xô bồ của xe cộ, phố xá, của âm nhạc uỳnh uỳnh đinh tai nhức óc mỗi bận ánh đèn cam vàng trải dài tít tắp trên những con đường nhựa trơn nhẵn của cuộc sống hiện đại. Chín giờ tối, cả thôn làng chìm trong màu đen yên tĩnh của đất trời, chỉ có ánh trăng ngày hè trong vắt treo lơ lửng trên ngọn tre ngoài kia, chốc chốc lại đung đưa theo cơn gió mát lạnh. Tôi và các bạn nữ khác không quen ngủ sớm, mà nơi này sóng yếu, online facebook tám chuyện với bạn bè cũng không được, gửi tin nhắn giữa chừng thì bị đứt đoạn, thế là phần đứa nào đứa nấy nằm treo mắt nhìn lên trần, thi nhau đếm cừu loạn xạ.

“Ế, có trò vui rồi!” – Một cô nàng bỗng dưng ngồi bật dậy, móc từ trong ba lô ra một bộ bài tây, cười ha hả huơ huơ trước mặt lũ chúng tôi.



“Quá được, chơi chút đi cho đỡ chán! Sát phạt đi chúng mày!” – Tố Phương như bị giật điện, kích thích đến nỗi không thèm cột tóc lại cho chỉnh tề đã vội leo qua người tôi, mắt sáng như sao nhìn bộ bài kia.

“Ơ, thế chơi bài gì nào? Ở đây những mười hai mạng, sao chơi cho đủ?” – Cô nàng kia miệng lẩm nhẩm đếm đếm, chu môi rồi lại gãi gãi đầu.

“Xùy, có sao đâu, chơi xì lát đi. Vui là chính, tiền bạc nhằm nhò gì!” – Một nhỏ khác lên tiếng, xốc cái chăn đang đắp hờ trên người xuống ôm trong tay, cong môi ngồi xổm xuống bên cạnh Tố Phương.

“Chơi, sợ cái gì!” – Mấy nhỏ khác lập tức bị thu hút, nháo nhào một lúc như tổ ong vò vẽ.

Tôi không biết chơi, bèn ngồi một bên cổ vũ. Nhìn những con bài lần lượt được chia ra, rồi vẻ mặt nghiêm trọng của từng người, có vui vẻ, có chán ngán, có tiu nghỉu như mất sổ gạo, có hưng phấn đến mức vỗ đùi hò hét, có mếu xệch mà móc hào bao hết ván này tới ván khác. Phút chốc, không khí như bị nóng lên, tất cả dường như quên mất cả ngày dài mệt mỏi, chỉ còn niềm say mê với những quân bài trên tay.

“Hò hét cái gì thế, các cô không định ngủ à?”

Một tiếng quát tự dưng vang lên, tôi giật mình quay lại theo bản năng, liền thấy Vũ Quân mặt đen thùi lùi như nhọ nồi đang đứng ngoài cửa. Ánh mắt anh sắc như dao cạo liếc qua một vòng trong phòng, sau đó liền dừng lại trên mặt tôi một lúc lâu, khiến tôi chột dạ lúng túng. Liếc nhìn đồng hồ trên tay, ôi mẹ ơi, mười giờ ba mươi phút! Đáng tiếc, cả lũ đang đánh bài hưng phấn, dường như coi tiếng quát từ ngoài cửa là gió thoảng bên tai. Tôi méo xệch miệng, vội huých mấy cái vào hông Tố Phương ra hiệu.

“Gì mày? Đang căng thẳng, cấm có đánh vào vai, xui thấy bà luôn hà!” – con nhỏ tỉnh bơ càn nhằn một câu, cũng không có dấu hiệu quay đầu lại.

“Gã Trưởng đoàn đến kìa mày!” – Tôi nói với nhỏ xong, liền khều thêm mấy cô bạn ngồi gần đó.

“Kệ đi, liên quan gì đến tao mà nói? Bây giờ có là Chủ tịch nước đến tao còn không sợ nữa là Trưởng đoàn!” – Con nhỏ hưng phấn đến nỗi câu cuối còn hét to tướng lên, hùng hùng hổ hổ nhoài người về phía trước, chỉ là mới nhoài được một nửa, nó tự dưung bị đứng hình, từ từ quay đầu lại nhìn tôi, rồi lại liếc ra người đang đứng một đống ngoài cửa kia. – “Mèn ơi, sao mày không nói sớm! Chết tao rồi!”

Kết quả là đêm đó, cả lũ con gái tụi tôi bị anh mắng cho một trận nên thân, mắng té tát không kịp vuốt mặt vuốt mũi. Cả lũ biết sai, không dám hó hé nửa lời, chỉ len lén nhìn nhau rồi nín cười. Vũ Quân mắng một hơi cũng thấy mệt, lại nhìn vẻ mặt giả vờ hối lỗi của chúng tôi, chắc cũng vượt quá mức chịu đựng nên đứng dậy, không khách khí mà phủi mông bỏ đi thẳng một hơi. Trước khi khuất bóng ở cửa, còn không quên ném lại một quả lựu đạn:

“Các cô sung sức như thế, chi bằng ngày mai chia nhau mà cuốc cỏ và dọn vệ sinh hai bên trường tiểu học Zà Há nhé! Không có anh nam nào trội đèo lội suối cả ngày mà còn khỏe hơn voi như các cô đâu!”

Chúng tôi quay đầu nhìn nhau, đứa nào đứa nấy nhún vai rồi tự giác tản ra mà đi ngủ.

Có lẽ, mọi chuyện vẫn sẽ diễn ra êm đẹp như thế cho đến ngày chúng tôi hoàn thành chiến dịch và lên đường trở về thành phố. Chỉ tiếc là, không ai đoán trước được chuyện tương lai.

Vào đêm ngày thứ chín trước khi rời khỏi nơi này, chúng tôi tổ chức một buổi liên hoan chia tay trưởng thôn và người dân Cơ Tu mến khách tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Vì lúc trưa, trong lúc mải sơn lại tấm phên cửa sổ của trường tiểu học, tôi vấp phải gò đất phía sau rồi bị trặc chân, cho nên bây giờ không thể nào cùng nhảy múa với lũ trẻ con như mọi khi được. Ngồi một lúc không hoạt động, lại uống một ít rượu Tà Vạt do trưởng thôn mang đến nên tôi có chút chóng mặt, lại có chút ‘buồn buồn’ muốn đi vệ sinh. Nhìn ai nấy đều đang vui vẻ, lại liếc sang thấy anh cùng trưởng thôn đang nói chuyện hăng say, tôi bèn nói nhỏ một tiếng với Tố Phương rồi vội lẩn sau đám sinh viên đang hò hét rầm rộ phía trước mà đi về.



Đoạn đường từ nhà sinh hoạt cộng đồng về lại nhà trưởng thôn không xa lắm, chỉ là có một đoạn đường bùn lầy người dân mới phá để dẫn nước vào ruộng trưa hôm qua vẫn chưa được đắp lại, hơn nữa, đoạn đường đó lại tối om, dễ bị vấp. Nhìn đoạn đường đó, tôi cũng có chút sợ. Nhưng dưới bụng trướng lên rất khó chịu, chân lại âm ỉ đau, rốt cuộc, sự quyết tâm cũng vượt qua được nỗi sợ hãi bong tối. Tôi nắm chiếc đèn pin nhỏ tí trong tay, mò mẫm dưới ánh trăng khuyết như lưỡi liềm mà trở về, mơ hồ có chút gió phả vào phía sau, chiếc áo sơ mi cũng bị gió thốc lên bay lượn lờ. Cảm giác sau gáy chợt có chút lành lạnh, nỗi sợ hãi càng lúc càng dâng lên trong lòng. Chân không kìm được bước càng lúc càng nhanh, mặc kệ cái đau buốt đến chảy nước mắt từ phía dưới truyền đến. Rõ ràng, tiếng bước chân đạp lên đám bùn cỏ nghe xột xoạt, âm thanh càng lúc càng rõ ràng. Ý thức được nguy hiểm, tôi liền hít sâu vào một hơi rồi chuẩn bị co giò chạy thật nhanh. Chỉ là, mới co lên được nửa cái giò, cái còn lại chưa kịp bước tới thì đã bị một bàn tay túm chặt lại, kéo mạnh về phía sau.

“Áaaaaaa! Mẹ ơi!” – Tôi hét lên một tiếng, có cảm giác tim như sắp rơi ra ngoài, đang cuồng loạn mà đập loạn xạ, không theo bất cứ một nhịp điệu nào cả.

“Hét cái gì mà hét, điếc cả lỗ tai đây này!” – một giọng nam trầm thấp, dễ nghe vang lên.

Cái giọng này nghe quen quen. Tôi giật thót mình, dần lấy lại bình tĩnh, xoay đầu nhìn ra sau. Quả nhiên, Vũ Quân đứng chình ình phía sau lưng tôi, một tay còn nắm lấy tay tôi, một tay còn lại đang xoa xoa cái tai của mình.

“Anh bị điên à? Anh có bị cái gì nhập không vậy hả?” – Nỗi sợ hãi, cộng thêm cái đau nhức từ dưới chân truyền đến khiến tôi mất bình tĩnh, điên cuồng hét vào mặt anh. – “Anh có biết tôi bị yếu tim không hả? Anh có biết suýt chút nữa là có án mạng xảy ra không hả? Hức… Anh có biết… hức!”

Giận quá mất khôn, tôi chẳng còn màng đến hình tượng gì mà ngồi bệt luôn xuống đất bùn phía dưới, ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ.

“Ơ… Tôi…” – anh hoảng loạn, chân tay luống cuống mà nhìn tôi khóc như mưa.

“Hu hu, ‘tôi tôi’ cái gì hả? Anh là đồ thần kinh, đồ bệnh hoạn, đồ bảo thủ, đồ lạnh lùng, đồ cứng nhắc, đồ độc tài…” – Tôi phải lợi dụng cơ hội này mà chửi anh ta té tát mới được. Suốt chín ngày qua, lúc nào cũng thấy cái bản mặt cau cau có có của anh, thỉnh thoảng mới cười với lũ con trai một cái mà tôi phiền chết đi được. Vốn dĩ, gương mặt ấy không hợp với cái kiểu lạnh lùng này. Tôi nhớ, anh ấy có một nụ cười ấm áp lắm, nụ cười mà từ lâu tôi đã vô thức quên lãng đi…

“Ừ, ừ, được rồi. Em đừng khóc nữa, lỗi của tôi tất. Nhưng mắng xong thì đứng dậy đi chứ, em ngồi thế kia thì bẩn hết cả áo quần đẹp rồi.” – anh kéo kéo cánh tay tôi, nét mặt có chút dịu dàng hiếm hoi. Tôi có chút ngây người nhìn anh, nhìn nụ cười mờ nhạt dưới ánh trăng mà tưởng bản thân đang mơ ngủ. – “Người hôi chết đi được!”

Quả nhiên, tôi bị hứng nguyên một gáo nước lạnh, lập tức tỉnh táo lạ thường. Hừ, anh ta mà dịu dàng à? Tôi đi chết còn hơn! Tôi đứng bật dậy, cũng quên mất cả việc mình vừa khóc bù lu bù loa trước mặt người ta.

“Á…” – vì đứng dậy quá mạnh, chân tôi lại vấp phải đống bùn bên dưới. Nỗi đau đớn từ gót chân tông thẳng lên đại não, khiến tôi suýt chút nữa là ngã quỵ xuống bờ ruộng.

“Em mạnh ghê ha? Quên mất cái chân đang bị đau à?” – nói xong, anh ngồi xổm xuống dưới, bàn tay lạnh lẽo chợt nắm lấy cái chân đau của tôi.

“Anh làm gì thế?” – Tôi trợn mắt nhìn anh, nhìn bàn tay đang lật ngang lật dọc cái chân tôi. Trong một thoáng, đại não cũng bị tê liệt một phần tư.

“Bị sưng to thế này rồi á? Chẳng phải lúc chiều nghe Tố Phương nói em đã xoa thuốc rồi sao?” – Khi nói những lời này, anh cũng chỉ chăm chú nhìn chân tôi như đang tìm tòi nghiên cứu, ngay cả ngẩng mặt lên cũng không thèm. Tôi còn chưa hết ngỡ ngàng thì anh đã bước ngang qua tôi, sau đó xoay lưng vỗ nhẹ. – “Lên đi, anh cõng em về!”

Trong đầu tôi bỗng nổ một tiếng “uỳnh”, tai như ù cả đi. Có phải tôi đang ngủ mà gặp ác mộng hay không?

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bước Kế Tiếp Hạnh Phúc Là Bao Xa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook