Búp Bê Bắc Kinh

Chương 14: THAY ĐỐI NHƯ MÂY TRỜI

Xuân Thụ

07/07/2014

Triệu Bình gọi cho tôi từ nhà của một ai đó. Giữa những tiếng ồn ào, tôi có thể nghe loáng thoáng tiếng của anh bạn Trì Lỗi, bạn tôi. “Anh đang gọi từ nhà Trì Lỗi à?” Anh không trả lời. “Gọi anh ta đi, em muốn nói chuyện với anh ấy.”

“Chào, Xuân Thụ đấy à?”Trì Lỗi có một giọng nói rất tuyệt, và chúng tôi nói chuyện rất lâu. Chuyện đại loại như, anh kể cho tôi nơi mà anh học tiểu học, rồi tôi kể cho anh rằng có rất nhiều cửa hàng thẩm mỹ ở xung quanh nhà tôi. Chúng tôi đều nói không hiểu có dịp nào đó để gặp nhau lần nữa. Sau đó tôi gác máy, nhưng điện thọai mấy giây sau lại reo.

“Tại sao em lại cúp máy?” Triệu Bình gần như gào lên. Anh rủa xả tôi, nói tôi không biết cư xử, rằng tất cả những gì tôi muốn làm chỉ là buôn chuyện với người khác. Nghe như là anh đã chạm nọc một lần nữa, và đúng vậy, lần sau khi tôi đến, anh nói, “Tất cả những thằng đó chỉ muốn làm hại em. Chỉ có anh là ở bên em mà thôi. Đừng bao giờ tin một ai, trừ anh ra.” Tôi nhắm mắt lại và chờ để nghe xem anh còn nói những gì nữa.

“Em đối xử với ai cũng tuyệt lắm, nhưng em có biết họ nghĩ gì về em không?”

“Ai thèm quan tâm việc người khác nghĩ gì về tôi?”

“Em không im mồm đi được à? Nói chuyện cũng chẳng sao nếu em có chuyện để nói, nhưng em và Trì Lỗi đã nói những gì trên điện thọai vào lúc đó? Toàn chuyện khỉ gió! Và hắn ta sẽ nghĩ, từ cái cách em ưỡn ẹo, rằng hôm sau em sẽ chạy bổ tới hắn.”

“Anh ta chẳng nghĩ…”

“Hắn ta đã nghĩ rằng hắn ta sẽ có em vào ngày hôm sau, và sẽ thải em vào hôm sau nữa. Em cho rằng hắn muốn gì ở em?” anh nói chăm chú, điệu bộ, cứ như là anh đang ở tầm kiểm soát mọi thứ.

“Nhưng thế thì can hệ gì đến anh?” tôi tưởng tượng mình sẽ nói xấc xược vậy, rồi ngắm mặt anh ta tái nhợt đi. Ý nghĩ thóang qua làm tôi kích động.

Nhưng tất cả những gì tôi làm thật ra là bật khóc. Tôi thu mình vào một góc giường và lắng nghe anh nói, “Em chẳng có cá tính. Những người như em một chút cá tính cũng chẳng có.”

“Em có ý tưởng riêng của em,” tôi nói. “Cái đó có gì sai?”

Triệu Bình phá lên cười. “Bố khỉ đồ nhóc ngốc nghếch.”

Tôi nhắm mắt lại.

“Vậy tại sao anh muốn ở cùng với tôi?”

“Bởi vì…bởi vì em rất hay.”

“Nếu ai đó đã hay thì cô ta chẳng ngốc được.”

“Hay và ngốc, như nhau thôi.”

Như mùa thu, cái mùa vô nghĩa, hoặc mùa đông với cái lạnh băng giá, bất cứ tình cảm nào mà chúng tôi từng có với nhau đều đã biến mất.

***

“Triệu Bình chẳng có gì đặc biệt, và chẳng có lý do gì để cố phải hiểu cậu ta. Cậu ta ti tiện và chẳng thực sự quan tâm đến điều gì.” Trì Lỗi đã gọi điện cho tôi vào buổi chiều. Anh có giọng nói dịu dàng, nhưng điều anh nói ra thì khá nặng nề.

Tôi nhận lời Trì Lỗi mời đi chơi. Anh đón tôi trong một chiếc taxi, và chúng tôi đi mua bán linh tinh trong cửa hàng tạp hóa, nơi anh mua cho tôi rất nhiều đồ ăn tôi khóai khẩu, trong đó có hai cốc kem. Tôi tiếp tục nghĩ đến một trong những bài thơ của Triệu Bình:

Tôi bỏ khỏi vai cái túi đầy lời người than van

Nó ních đầy những buồn đau, sầu khổ

Những lời nguyền rủa ầm vang trên đường rầy xe lửa

Lời phẫn nộ của ai như tiếng búa nện trên đe.

Với tôi, bài thơ đó phản ánh cuộc đời của Triệu Bình. Buồn đau và sầu muộn. Nguyền rủa và giận dữ. Một người hùng bi thảm. Nhưng trong thực tế, có phải người viết ra bài thơ này chỉ là một kẻ nông cạn.

Trì Lỗi đưa tôi về chỗ anh ở. Anh có hai con chó và ba con mèo, và khi chúng tôi vừa bước vào phòng, con chó săn trông như sói đã sủa ầm ầm. Điều đó khiến tôi sợ. Tôi sợ lũ chó kể từ khi tôi còn bé tí, nhưng Trì Lỗi đã đưa con chó đi khi tôi vào trong. Căn phòng trải thảm, và trên tường có một bức tranh sơn dầu lớn với hình một cô gái trẻ tóc đen dài, bận áo dài đỏ.

“Bạn gái anh?”

Anh gật đầu.

“Cô ấy rất giàu?”

“Ừ.”

“Anh lại vừa mới tăng cân,” anh ta nói. “Cuộc sống thoải mái, tất cả chỉ là ăn, ngủ và vui vẻ - anh cần phải giảm ít cân. Em ngồi đây và xem tivi chờ anh ra ngoài rửa rau.” Trì Lỗi mở tivi, cười với tôi, và bước ra. Tôi lấy một cốc kem to, xơi nó, và để cốc còn lại vào trong tủ lạnh. Trì Lỗi ra ra vào vào, bận rộn chuẩn bị bữa ăn, việc mà anh nói anh rất thợ. “Này,em,” cuối cùng anh ta gọi to, “ra ăn cơm thôi.” Anh nấu một bữa cơm đúng kiểu, ba đĩa thức ăn và một bát canh. Tôi nếm tất cả để xem xem anh có thợ như anh nói hay không. Chẳng có gì phân biệt, bởi lẽ riêng việc anh nấu nướng cho tôi ăn đã đủ khiến tôi sung sướng, bất kể là mùi vị thế nào. Sau đó, chúng tôi ngồi trên ghế sofa và nói chuyện, và anh nắm tay tôi…

“Em đang tuyệt vọng. Em chẳng cảm thấy an toàn nếu không được ở trong vòng tay người khác.”

“Anh không tin đâu,” anh nói với một nụ cười.

“Em nói thật đấy.” Tôi nhanh chóng quên đi chút cảm giác về đạo đức tôi đã gắng giữ lại trong quan hệ với Triệu Bình. Chẳng có gì nghiêm trọng, trở bàn tay là mây, lật bàn tay là mưa. Đắm chìm trong tuổi dậy thì, phiền muộn và mẫn cảm. Cứ làm điều gì đó tồi tệ với tôi xem, tôi đảm bảo rằng cái anh sẽ nhận lại được còn tồi tệ gấp hai lần.

Triệu Bình gọi điện và bảo tôi cùng anh đi gặp một nhà sản xuất âm nhạc, bởi vì ban nhạc của bọn họ chuẩn bi ra album. Anh nói anh sẽ đợi tôi tại Trường Đại học Nhân dân. Sau khi tôi đến đó, chúng tôi cùng ngồi loanh quanh một lúc. Đám đông người đi qua, và rất nhiều trong số họ liếc nhìn chúng tôi. Chúng tôi nom giống một đôi dị hợm, đó là cái chắc. Tôi trông giống như một sinh viên, còn anh trông giống như một lão già héo hon, xúi quẩy, và có thể là hơi tâm thần. Chắc bọn họ phải tự hỏi tại sao tôi lại cặp với một kẻ như anh ta, và tôi phải thú thật, rằng chính tôi cũng không biết hòan toàn. Và bởi vì dường như chẳng có lý do nào khả dĩ cả, nên tôi coi đó như một bằng chứng cho tính cách yếu đuối của mình.

Chúng tôi lên một chiếc xe buýt, nhưng tôi không có đồng nào cả, còn tất cả những gì anh có là hai nghìn tệ cho nhà sản xuất. Cho nên chúng tôi đứng cách xa nhau ra, và người soát vé chẳng hề chú ý đến chúng tôi. Đến lúc xuống xe, mẹ kiếp, đột nhiên tôi nhận ra mình không muốn đi cùng anh, rằng sở dĩ tôi ở đây là vì tôi là một con yếu đuối chết tiệt. Hoặc là tôi có vấn đề trong việc thể hiện bản thân. Thế nào đi nữa, đó là lỗi của tôi. Và dù có ý thức hay không, anh cũng đang tấn công và lợi dụng thói vô lối của tôi.

Vậy là chúng tôi tiếp tục đi tìm nhà sản xuất kia. Sau cùng chúng tôi đến một ngôi làng nằm đâu đó ở phía Đông Bắc của Bắc Kinh. Một cơn mưa mấy hôm trước đã khiến những con đường nơi đây nhớp nháp và lầy lội, suýt làm tiêu đi đôi giày của chúng tôi. Trời nóng và ẩm, ve sầu kêu ra rả giữa những tán cây, còn tôi tưởng đến chết mất vì khát. Chúng tôi phải mất đến ba giờ để đến cái làng này và bây giờ thì tôi chỉ đứng bên ngoài mà chờ đợi. Sau chừng mười lăm phút, Triệu đi ra và nói với tôi rằng nhà sản xuất không có ở đó. Anh đã hớp một cốc trà khi vào trong đó. “ Tôi cũng khát đấy,” tôi nói với anh.

Trên đường về, tôi nhắc Triệu Bình rằng anh không thể tiêu thêm chút nào vào số tiền mang theo, nhưng anh nói anh đang đói sắp chết và rằng chúng tôi nên ăn gì đó. Vậy là chúng tôi dừng lại ở một quán ăn bình dân để ăn chút mì, thứ rẻ tiền nhất trong thực đơn. Anh rút ra một tờ một trăm tệ để trả tiền ăn. Trên chuyến trở về, anh từ chối không mua cho tôi một cái vé xe buýt, và khi người soát vé đến chỗ chúng tôi, anh chàng ti tiện nói với ông ấy rằng anh không có đủ tiền. Anh lôi ra một tờ năm mươi tệ nhàu nhĩ mà anh lấy được khi quán ăn đó thối lại rồi đưa cho người soát vé, người miễn cưỡng đưa cho anh một cặp vé. Tôi ngồi ngắm toàn bộ cảnh tượng một cách bình thản, nhưng sau khi chúng tôi xuống xe buýt, tôi hỏi tại sao anh không mua vé, bởi vì anh có tiền.

“Em không hiểu. Với anh, trả tiền để đi xe buýt là một sự lãng phí.”

“Em biết…. Em biết….” Tôi sửng sốt. Tôi chỉ nhìn anh ta, không biết nói thế nào. Làm sao bạn có thể nổi điên với một đồ lợn chỉ vì hắn là lợn?

Trở về Trường Đại học Nhân dân, tôi lấy lại chiếc xe đạp. “Cứt! Cứt! Cứt!” đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ trong đầu khi đạp đi khỏi.

“Xuân Thụ!” anh gọi ta.



Tôi dừng xe và nhìn lại. “Cái gì?”

“Không gì cả, chỉ là em hãy cẩn thận trên đường về. Và cảm ơn vì đã đi cùng anh hôm nay.”

“Ồ…không có gì,” tôi nói, mặc dù tôi đã nghĩ khác hẳn. Tôi cười, nụ cười nhạt khôn tả. Tôi quay đi và đạp dấn lên, tự thấy mình thật ghê tởm. Cái gì đã ngăn tôi không nói với anh điều làm tôi khó chịu? Tại sao tôi luôn luôn để thái độ của một ai đó quyết định thái độ của tôi? Có phải Triệu Bình đúng khi nói rằng tôi không có cá tính?

***

Một tối chúng tôi cùng đi đến công viên Ngọc Uyên Đàm. Chúng tôi ngồi cạnh hồ, nơi những gợn sóng lung linh như lớp vảy bạc trong cơn gió nhẹ ban đêm. Đầu tiên chúng tôi không ai nói. Nhưng sau một lúc, anh xán lại bên tôi và nói về mẹ anh. Tôi ngồi và lắng nghe. Tôi biết những suy nghĩ của anh bị đưa đẩy bởi hoàn cảnh, và mỗi khi cùng quẫn anh lại nghĩ tới bà mẹ, nguồn an ủi duy nhất của anh. Những lúc như thế, khuôn mặt anh có cái vẻ thanh thản, hạnh phúc. Anh là một khối mâu thuẫn. Anh vẽ, hát, làm thơ, nhưng không thứ gì khiến anh trở nên một người bình thường.

“Rút cục thì anh muốn tìm người yêu như thế nào?” tôi hỏi.

“Anh muốn tìm một phụ nữ ngoại quốc, để có thể cùng cô ta rời khỏi đây.”

“Một phụ nữ ngoại quốc? Anh lại còn muốn tìm bạn gái ngoại quốc ư? Chắc anh đang đùa!” Tôi cười chế nhạo. Vậy là lúc nào anh ta cũng lo tìm một người nước ngoài. Thế còn tôi là gì? Chơi bời suốt ngày với anh ta bây giờ chẳng khác nào tự tra tấn mình. Tôi ghét anh ta. Anh ta cũng ghê tởm tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là không đau đớn. Nước mắt tôi trào ra.

Đột nhiên, hai luồng sáng chói mắt chiếu vào chúng tôi. “Này, cái gì vậy?”

Một đôi cảnh sát đi tới và kiểm tra. “Vào giờ này các người phải ở nhà rồi mới phải. Các người làm gì ở đây?”

“Nói chuyện.” tôi đứng dậy.

“Có giấy tờ gì không?”

Tôi liếc Triệu Bình. “Tôi có thẻ sinh viên.”

“Cho xem.” Họ vẫn chiếu đèn vào tôi.

Tôi lục tìm cái thẻ trong ba lô và đưa cho họ. Họ xem xong trả lại.

“Cha cô ở trong quân đội à?” một trong hai người hỏi.

“Vâng.”

“Cô sống ở nơi tôi quản lý,” anh ta nói. “Cha cô tên gì?”

“Xin đừng hỏi,” tôi nài xin. “Ông ấy sẽ cho tôi một trận nếu biết.” Anh ta chỉ nhìn tôi.

“Em không phải đứng. Ngồi xuống đi.” Triệu Bình cố kéo tôi xuống.

“Em cũng muốn,” tôi nói, liếc mắt nhìn viên cảnh sát. “Nhưng nếu họ đứng thì em cũng đứng.”

“Lúc này cô đang có thái độ đúng. Phải đứng và chú ý khi được hỏi.” Viên cảnh sát quay sang Triệu Bình. “Thẻ của cậu đâu? Cậu sống ở đâu?”

“Tôi có thẻ tạm trú,” Triệu Bình đáp khi rút thẻ khỏi túi quần sau và đưa ra.

“Thế còn thẻ lao động?”

“Tôi không có…Tôi là người lập trình phần mềm máy tính, ở Thôn Quan Trung.”

Tôi suýt cười phá lên. Thôn Quan Trung? Anh ta? Người lập trình phần mềm?

“Quan hệ của anh?”

“Cô ấy là em tôi,” Triệu Bình đáp.

“Thế hai người làm gì ở đây vào giờ này?” Viên cảnh sát lặp lại.

“Chỉ chuyện trò thôi.”

“Giờ hãy vè nhà đi. Đã quá muộn để chơi bời ở chỗ này.” Họ trả lại thẻ tạm trú của Triệu Bình rồi bỏ đi.

“Đi thôi,” tôi nói. Tôi có thể thấy anh không được vui vì chuyện gì đó.

“Vì sao em không ngồi khi anh bảo?” anh hỏi. “Em phải để ý cho anh khi quanh đây có cớm đấy.”

Tôi không nói gì, chỉ nhìn anh. Một kẻ nổi loạn như anh lại cần một cô gái canh chừng cho sao?

Càng ngày tôi càng không ưa anh. Anh luôn suy sụp, áo quần tơi tả và bẩn thỉu, như một vài kẻ hạ cấp. Chỉ nhìn anh tôi cũng thấy đau đầu. Nhất là khi anh chẳng chút màng đến cảm giác của tôi. Tôi đã có tất cả những gì có thể lấy của anh. Và tôi vẫn đau lòng về chuyện này một hồi trước khi đi đến quyết định.

Cuối cùng một dịp cuối tuần, anh cho “triệu” tôi, nhưng tôi không tới. Anh bắt đầu gọi điện, lần này đến lần khác, và tôi luôn tìm lý do để không nhấc máy. Sau một hồi, anh liền chửi rủa và hét lên mỗi lần gọi điện, nhưng tôi đối xử với anh như kẻ xa lạ và dập máy xuống. Thế là anh như biến mất. Tất cả những gì sau đó tôi còn nghe được là một mớ chuyện cười về anh hay tên anh trong một chương trình nhạc rock nào đó.

Chúng tôi đã ở cạnh nhau sáu tháng, từ đầu mùa hè đến cuối mùa thu. Khi trời trở lạnh cũng là lúc chúng tôi chấm dứt. Và cũng như trước đây, tôi cảm thấy như trút đi được gánh nặng. Tuy nhiên, có một điều mà tôi hiểu ra, là cuộc đời của các nhạc sĩ này mới khắc nghiệt làm sao, không có ai giúp họ và không có ai lo lắng cho họ. Và ngay từ lúc đó, tôi đã biết sự thể rồi sẽ ra sao.

MI ĐÃ MẤT NGƯỜI EM GÁI NHỎ

Triệu Bình lại gọi cho tôi và bảo tôi tới gặp anh. “Chúng mình cực hợp nhau, phải không?” anh rên rỉ trên điện thọai. “Hãy đến vào thứ Bảy này đi. Anh nhớ em.” Tôi chẳng động lòng. Khuôn mặt xám đen của anh, những nét nhăn nhúm ti tiện, vẻ nhìn xúi xó của anh ta, với cái tâm trạng thất thường – thoắt buồn, thoắt vui – của anh khiến tôi phát ngấy. Có thể là, tôi nghĩ, tôi phải làm cho anh quy hàng, một lần và vĩnh viễn.

Chúng tôi hẹn gặp nhau chỗ ngã ba ở làng Rock’n’Roll vào lúc ba giờ chiều thứ Bảy tới. Tôi muốn kết thúc tất cả những chuyện này, kể cả những cuộc điện thọai liên tục của anh. Tôi thề là tôi sẽ không bao giờ rơi vào bẫy của một mối quan hệ tồi tệ nữa.

Tôi nhận ra anh đang đợi tôi ở ngay cổng vào làng. Anh cười toét khi nhìn thấy tôi đạp xe tới. Tôi phanh xe lại ngay cạnh anh. “Hãy đến chỗ của anh đi.” Anh chộp lấy tay lái xe đạp tôi và bắt đầu đẩy xe.

“Không,” tôi nói. “Tôi đến đây vì một lý do. Tôi chỉ nói một thứ thôi, rồi tôi đi ngay. Đừng cố cản tôi. Triệu Bình, giữa tôi và anh đã hết rồi.”



“Thôi nào, về chỗ của anh đi.”

“Tôi nói không. Đừng kéo tôi! Anh nghĩ anh đang làm cái gì vậy? Bỏ ra!” Tôi đập vào tay anh. Tôi nổi điên thật sự.

“Về chỗ anh.”

“Tôi nói không là không. Tôi về đây. Tránh ra!”

“Về chỗ anh.”

Một vài người đã dừng xe lại và nhìn hai chúng tôi, Tôi tức điên và cũng thấy lo ngại. Tay vẫn bám chặt vào tay lái của tôi, Triệu Bình kéo tôi và cái xe đạp qua đường đến sát bờ sông. Tôi chống cự lại hết sức có thể, nhưng dường như chẳng thể làm được gì. Mọi thứ bắt đầu như một cuộc đấu vật. Bỗng nhiên tất cả những chuyện này làm tôi thấy khổ tâm vô cùng.

“Đến chỗ anh nhé, được chứ?” Triệu Bình nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn.

“Không. Chỉ nói chuyện ở đây thôi.”

Chúng tôi ngồi xuống một phiến đá cạnh dòng sông hôi thối mà nước đã gần đóng băng hết trên bề mặt.

“Thế rồi lại về chỗ anh sau khi nói chuyện nhé, được chứ? Chúng mình sẽ đi ăn trưa.”

“Không, Triệu Bình.”

Anh ta để tay ôm ngang quanh người tôi. Tôi gạt ra. Anh ta lại để. Tôi lại gạt ra một lần nữa.

“Đến một tí thôi. Anh sẽ không chạm đến em. Anh chỉ muốn cho em xem mấy bức tranh anh mới vẽ xong mấy hôm trước. Anh nghĩ chúng là một trong những bức tốt nhất anh đã từng vẽ. Đến xem một tí đi.”

“Tôi không đi đâu.”

“Trời ơi, em hệt như cô bạ gái đầu tiên của anh. Về sau thế nào cô ấy cũng không đến chỗ anh nữa.” Anh gục cằm vào ngực và nói lẩm bẩm, và xen lẫn với những tiếng như là thổn thức.

Tôi ngồi lặng lẽ nhìn dòng sông, cảm thấy rằng anh, trong chuyện này, và tôi nữa, làm thành một cặp nực cười.

“Dẫu sao anh cũng có thích tôi đâu,” tôi nói.

“Ai nói vậy? Cuộc đời anh giờ thật thảm hại, anh ốm, và có thể cả phổi của anh cũng có vấn đề gì đó…”

“Vậy hãy ngủ nhiều thêm…”

“Anh không thể…” Anh nhìn tôi chằm chằm. “Có phải em đang cố làm đời anh thành khốn nạn? Anh không ngủ được, anh không thể…

“Tôi xin lỗi.”

Anh quay sang nhìn tôi. “Có phải em không sợ bây giờ anh có thể đẩy em xuống sông không?”

“Tôi luôn luôn nghĩ anh có khả năng làm điều gì đó tương tự như vậy.”

“A ha!” Anh cười.

“Tôi về nhà đây, được chứ? Có thể chúng ta sẽ gặp nhau vào ngày nào đó.”

“Em có còn yêu anh không?” Triệu Bình hỏi hoàn toàn đột ngột. Tôi không thể ngờ điều đó. Toàn bộ thời gian này chúng tôi chưa hề nói về chuyện yêu hay là không yêu.

“Tại sao anh lại hỏi?”

“Em không yêu anh.”

“Ai nói thế?”

“Không, em chẳng thèm để tâm đến anh.”

Đúng như thế.

“Tôi đi đây.”

Tôi vừa mới về tới nhà thì chuông điện thọai reo, và tôi biết chắc chắn phải là Triệu Bình. Trước khi mẹ tôi kịp nhấc máy, tôi gào lên, “Nếu gọi cho con, bảo là con không có nhà!” Đúng như tôi nghĩ, mấy giây sau, tôi nghe mẹ nói, “Ô, nó không có ở nhà…” Cũng chẳng lâu sau đó, điện thọai lại reo. Triệu Bình chắc chắn là lúc ấy thì tôi phải đến nhà rồi. Bây giờ thì anh ta muốn nói gì? Anh ta đang chơi cái trò chó chết gì đây? Đến khi anh ta đang gọi một làn nữa, tôi hết cả kiên nhẫn. “Mẹ, lần sau để con nghe,” tôi hét lên.

“Alô, anh đấy à, Triệu Bình? Tôi về nhà chẳng sao cả. Có chuyện gì vậy?”

“Không gì cả. Anh chỉ muốn nghe giọng em.”

“Thật à? Và bây giờ anh thỏa mãn rồi chứ,” tôi nói với giọng cố dịu dàng.

“Liệu anh có cơ hội coi em như một cô em gái được không? Bằng cách đó chúng mình có thể gặp nhau thường xuyên.”

“À ha, tôi thấy cũng chẳng sao.”

“Như thế thật tốt.”

“Vâng…Thế thôi nhé.”

Tôi gác máy, hy vọng rằng hết phim thì cũng sẽ hết thật nhanh.

Triệu Bình bắt đầu gọi tôi bất cứ khi nào anh ta muốn. Nếu tôi không nhấc máy, anh sẽ tiếp tục gọi cho đến khi tôi nghe mới thôi. Tôi rút cục còn căm ghét anh hơn là tôi có thể tưởng, và cùng lúc đó cũng ghét luôn cả bản thân mình tại sao lại không chấm dứt với anh cho sớm hơn. Tôi lẽ ra có thể nhận ra anh là thế nào ngay từ lúc ban đầu, và chấm dứt luôn ngay từ đấy cho nhanh. Cuối cùng, khi anh gọi, khi anh chưa kịp mở mồm, tôi liền gào lên, “Đ. mẹ anh, cút mẹ anh ra khỏi đời tôi!” Đấy là lần cuối cùng tôi nghe thấy tiếng của anh.

Tờ tạp chí Tôi yêu Rock’n’Roll có một dòng viết, “Tôi sẽ đến lột da rock’n’roll,” và đó là điều tôi muốn thực hiện với Triệu Bình, lột cái vỏ ngoài rock’n’roll của anh và chứng tỏ cho anh thấy thực chất anh là kẻ thế nào. Anh có thể lừa gạt người khác, nhưng tôi biết tất cả chân tướng anh. Anh sinh năm 1974 tại Hàm Dương, Thiểm Tây; năm 1988 anh viết mấy câu đại loại như “Ôi, những thần tượng của ta đã xa rồi, như ta sẽ theo sau chân họ” rồi được đăng trên tờ Báo Văn học Học sinh Phổ thông; năm 1994 anh đến Bắc Kinh, sau khi đã ở Tân Cương, Vân Nam và Nam Kinh. Tháng Mười hai năm 1998 anh lập ra ban nhạc W. Một cái tên ban nhạc kỳ quái. Ban nhạc punk Trung Hoa mà anh thích nhất là Bàn Cổ; anh hỉ mũi vào các ban nhạc punk khác ở Bắc Kinh. Anh sống tại một căn phòng thuê được ở vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh, trả tiền 140 tệ một tháng. Buổi sáng anh vươn mình khỏi giường, đun ít nước nóng, và bắt đầu làm thơ. Anh luôn luôn túng kiết, anh nợ bốn tháng tiền nhà, anh đến ghi âm tại studio với cái dạ dày kêu òng ọc, xoáy được cái gì hay cái đó, anh nợ tiền gọi điện thọai và tiền bánh bao tại quán Đông Bắc Vượng, anh ẻo lả và luôn luôn bị ốm vì một cái gì đó, luôn cố moi tiền của những người bạn tốt nhất để mua thuốc chữa bệnh. Tôi biết ẩn đằng sau cái vòng hào quang giàu sang và danh giá thực chất chỉ là đứa con của một ông nông dân.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Búp Bê Bắc Kinh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook