Cà Phê Cùng Tony

Chương 26: Sữa và nước mắt

Tony Buổi Sáng

03/08/2015

Chiều nay Tony đi mua cây cảnh, lúc chờ người ta giao cây lên xe ba gác chở về, tản bộ vô sau khu bán cây cảnh, có dãy nhà trọ lụp xụp, tình cờ thấy một gia đình kia đang ăn cơm chiều. Trước sân có cây trà đẹp quá nên mới đứng lại coi, hai vợ chồng thấy có khách ở trước nên mời vô ăn cơm.

Người chồng tên Tuấn, người vợ tên Liên, dân Thái Bình, vào Sài Gòn làm công nhân ở một xí nghiệp dệt may. Tony thấy bữa cơm chỉ có hai miếng đậu hũ nhỏ, một cái trứng chiên, và một dĩa rau muống luộc, lấy nước làm canh. Anh chồng giục vợ lấy thêm trứng ra chiên, nhà có khách. Tony nói thôi, anh không ăn, chỉ ngồi chơi chút chờ mấy anh bên ngoài cột mấy cái cây lên xe rồi chở về.

Cái ngồi nói chuyện, hỏi thăm, hai vợ chồng nói tụi em vô nam làm công nhân cả chục năm, là đồng hương, rồi quen nhau cưới nhau, có một cháu gái hai tuổi. Lương tháng của anh chồng được 5 triệu còn chị vợ được 4 triệu, thu nhập 9 triệu mỗi tháng. Tiền nhà và tiền sữa, tiền học cho con, tiền ăn uống sinh hoạt... cũng vừa đủ, nên mấy năm nay chả dám về quê. Cái mình hỏi hàng ngày ăn uống là như vậy đó hả, cô vợ nói bữa nay là sang đó anh, vì cuối tuần, cải thiện chút. Chứ bình thường là chỉ có một nồi canh rau cải, hay rau gì đó để dễ húp, chan vô cơm húp cho xong bữa anh à. May là chỉ có một buổi trưa ăn chung với xí nghiệp cũng có thịt cá.

Anh chồng than nói tiền sữa cho đứa con một tháng hết hai triệu, giờ lên đến 3 triệu nên hai vợ chồng phải bóp mồm bóp miệng lại. Giá sữa tăng chóng mặt anh à, cứ ra mua hộp mới là người bán sữa nói tăng 10%. Từ sữa ngoại đến sữa nội. Anh chồng nói con bé nó mê uống sữa quá, mà hai vợ chồng không dám cho uống no, vì tốn tiền. Cô vợ nói cứ nhìn con uống xong ly sữa, còn thòm thèm vì còn đói mà đứt ruột. Mà bọn em còn đỡ vì cả hai vợ chồng đều có việc, và con bé cũng đã ăn dặm được. Chứ nhà bên cạnh, hai vợ chồng cũng công nhân, cô vợ vừa thất nghiệp vì xí nghiệp đóng cửa, đứa con mới mấy tháng, suốt ngày khóc vì đói. Cô vợ không có sữa, nên phải mua sữa bột ở ngoài, tháng nào cũng hết 1/2 lương. Cứ nghe tăng ca ban đêm là bọn nó mừng, vì có thêm vài trăm ngàn nữa. Nói bọn em ngồi đạp máy may cả chục tiếng đồng hồ, ban đêm về nhà nhức mỏi kinh khủng, nghe tiếng con nhà bên khóc lại chạnh lòng, không ngủ được. Anh qua đó mà xem, hai vợ chồng nó mấy tháng nay chỉ ăn cơm với nước tương nước mắm, dồn tiền mua sữa. Nói gì thì nó, đẻ con ra không lẽ không nuôi được. Đêm nào anh chồng cũng xin đi tăng ca hay ra phụ khiêng cây cảnh, còn cô vợ thì ép đứa con ngủ, với tất cả nỗ lực của một người mẹ. Nhưng đứa bé cứ ngủ chút thì dậy khóc vì không đủ no.

Về ngồi đọc báo mới thấy 4 hãng sữa bột chính trên thị trường, cả mấy năm nay đều tăng giá bán vùn vụt, bất chấp mọi nỗ lực của cơ quan quản lý. Mới thấy buồn, sao người ta có thể ác với những đứa trẻ như vậy nhỉ. Mình biết những công ty sữa này với những con số lợi nhuận báo cáo thật đẹp. Mình cũng biết những ông sếp bà sếp những công ty này, quần là áo lượt lên xe xuống ngựa, ăn uống trong những khách sạn 5 sao thừa mứa... đang phân vân không biết chọn trường quốc tế nào cho con của họ. Có những đứa trẻ vừa ăn cá hồi tôm hùm vừa nhả nói con ớn quá, và những đứa trẻ mặc những bộ đồ hiệu cả mấy trăm đô la, lỗi mốt là vứt. Những ngôi biệt thự xa hoa và hồ bơi, những con chó cảnh phải ăn một kg thịt bò/ngày để sủa cho vang.

Thì cách đó không xa, cũng có những ông cha bà mẹ đang mất ngủ cả đêm vì căng thẳng chuyện tiền nong. Cũng có những ổ chuột có mấy mét vuông như của anh Tuấn chị Liên, cũng có những đứa trẻ biết nói tiếng người nhưng không bao giờ có được một giấc ngủ sâu vì đói. Và cũng không khó bắt gặp hình ảnh những bà mẹ bất lực, nước mắt ngắn dài ở cửa hàng sữa vì không đủ tiền mua.

Đêm đêm, tiếng khóc của những đứa trẻ con nhà lao động phổ thông và tiếng sủa quý phái của những con bẹc giê khu biệt thự. Cùng vang lên. Cùng khuấy động màn đêm.

Trong lịch sử nhân loại, ngay cả trong chiến tranh, với ngay cả kẻ thù, người ta cũng chưa bao giờ đối xử ác ôn với trẻ em, như lúc này.

Hỡi những người kinh doanh ngành sữa, hãy dừng lòng tham của mình lại!

Ngày 14/3/2014

Bệnh Alzheimer

Hầu xửa hầu xưa, Tony có đi thi Đít Na Mai – hay Đai na Mít gì đó, nhớ đó là sân chơi trí tuệ lớn nhất của sinh viên kinh tế lúc ấy. Ngoài giải thưởng cao ngất cả chục triệu và một suất đi tham quan nước ngoài, ai đi thi lọt vào chung kết còn được cho một miếng giấy lận lưng để đi xin việc cho dễ. Sau khi lươn lẹo qua hết các vòng test IQ, EQ, tiếng Anh, thuyết trình, dự án kinh doanh..., Tony cũng được chọn vào vòng lên sân khấu cùng với các thí sinh khác để bẻo dèn. Hình như vậy. Tổng cộng 12 hay 14 thí sinh gì đó.

Đêm ấy. Sân khấu A116 trang hoàng rực rỡ, có cả truyền hình trực tiếp ra ngoài sảnh. Người có vé, người không có vé lấn nhau cãi vả đôi co để giành giật vào trong ngồi tận mắt chứng kiến chứ hẻm chịu coi qua màn ảnh. Bên trong cánh gà, con bé MC chắc sinh viên năm 1, bận cái áo dài vàng thiệt đẹp, tay cầm miếng giấy, miệng lẩm nhẩm, đang đứng nôn nóng chờ. Tony lỡ giẫm lên chân nàng, nàng liếc mắt nói đồ quỷ rồi lại tiếp tục lầm bầm bài giới thiệu cho thuộc. Xong. Hồi hộp kinh khủng. Đèn tắt cái phụp, ánh sáng bật lên trên nền bài hát “mãi không quên, mãi không quên, cùng nâng những đóa hồng, và cùng nhau chung niềm vui...”. Khói tỏa rào rạt. Con bé MC lao vút ra sân khấu gập đầu lia lịa kính thưa kính chào và tuyên bố khai mạc, rồi giới thiệu thí sinh và ban giám khảo.

Giám khảo gồm có 3 hội đồng. Hồi đồng luống tuổi gồm các vị có học hàm, uyên bác và uyên thâm, chuẩn bị đấu trí với các thí sinh về các vấn đề có tính hàn lâm sau bao năm... đọc sách và tưởng tượng. Hội đồng trung niên gồm các CEO, chủ các doanh nghiệp thành đạt có bỏ ít tiền ra tài trợ, chất vấn các thí sinh các vấn đề gai góc hóc búa mà họ giải quyết chưa xong trên công ty, mang ra đây cho các thí sinh IQ cao này có tư tưởng gì mới lạ không. Hội đồng trẻ trung là các nhà báo, ban tổ chức mời để coi trí tuệ sắc sảo của các nhà báo có vặn vẹo gì được các thí sinh này không thì mới cho đăng quang. Giám khảo ngồi mấy dãy, còn đông hơn cả thí sinh dự thi. Chỉ nhớ là rất đông.

Các thí sinh sẽ thứ tự lên trình bày các vấn đề họ quan tâm, rùi bốc thăm giải quyết các tình huống kinh doanh (thường là xung đột giữa đạo đức và lợi nhuận). Rùi nghe các hội đồng chất vấn và bị các thí sinh khác chất vấn ngược, lý luận tranh luận rất kinh. Năm ấy, cuộc thi bỏ qua phần thi áo tắm và thời trang dạ hội mà đi thẳng vào vòng ứng xử (Có khi nào lộn qua cuộc thi hoa hậu báo Tiền Phong hem ta, chứ mắc mớ gì thi trí tuệ mà có thi áo tắm và thời trang dạ hội nhỉ?).

Tới lượt của Tony, thí sinh già nhất cuộc thi (năm cuối hẻm ai rảnh đi thi vì bận đi làm hết rồi). Các thí sinh khác hãi quá không dám chất vấn (nhớ là toàn bọn năm nhất năm nhì), vì đã bị cảnh cáo từ trong cánh gà, Tony đã dằn mặt kiểu giang hồ “anh sẽ không hỏi khó chúng mày, biết điều lại nhé”. Tony, với cái đầu đinh và khuôn mặt đầy sẹo, vừa nói bâng quơ vừa dũa móng tay, nhẹ nhàng cứ như không có chuyện gì. Vậy mà chúng nó không biết sao lại rất hãi...

Tới lượt, Tony quần đen áo sơ mi trắng thắt cà vạt tím, lao ra đứng vung tay múa chân diễn thuyết về đề tài “sống đẹp là thế nào hỡi bạn”. Cả hội trường say mê. Tony diễn thuyết lên giọng xuống giọng, trầm bổng du dương. Đâu đó, một vài bạn nữ vội lau nước mắt ân hận vì lâu nay đã sống không đẹp với... má nó. Ban giám khảo giật mình, những đua chen danh lợi bỗng biến mất, vật chất trở nên phù du, mọi người không ai bảo ai, quay lại nhìn nhau, mắt long lanh vì cảm thấy yêu nhau quá. Một số giáo sư tiến sĩ lục giỏ, móc một số bằng cấp ra và xé vụn, vì nghĩ mình không nên mua các thể loại bằng cấp ấy nữa, thằng Tony nó nói phải sống đẹp cơ mà. Các CEO thì lật lật gọi điện trả nợ hết lương nhân viên và khách hàng, không chiếm dụng vốn nữa, vì Tony nói phải sống đẹp, phải vì người khác. Các nhà báo vội vã rút các tin giật gân kiếm tiền xuống các trang mạng để bảo vệ danh dự và nhân phẩm nhà báo, cũng chỉ vì chữ sống đẹp của Tony (chắc lộn qua những năm gần đây, chứ hồi đó toàn tiến sĩ thật, CEO có đạo đức rạng ngời và những nhà báo cao cả - dạo này trí nhớ kém thật, cứ lẫn lẫn lộn lộn là thế nào).



Đang kể tự nhiên quên. À, gần cuối bài diễn thuyết, Tony bồi thêm vài câu thơ “nếu là con chim chiếc lá, thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. Nếu có vay mà không có trả, sống là cho-đâu chỉ nhận riêng mình”. Cả hội trường thảng thốt. Đám đông nhốn nháo. Nhiều người vội móc tiền ra cho người khác. Không lấy cũng ép lấy, nhét vào túi quần người bên cạnh, nói bạn lấy đi, tôi yêu bạn. Không lấy là trừng mắt, bắt lấy cho được. Ngưng trong giây lát trong chiêu bài đầy kỹ thuật, Tony tung ra đòn quyết định. Anh ấy bèn cất tiếng hát trong trẻo và cao vút, với một sáng tác quen thuộc của Lê Quốc Thắng “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng,... nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”... Khán giả đổ gục xuống ghế, khóc nấc lên từng hồi. Hoa tới tấp được ném lên sân khấu. Mọi người ôm chầm lấy nhau, hand in hand, face in face, mouth in mouth.

Tony nói hay đến nỗi khi dừng diễn thuyết, không ai hay biết. Quang cảnh trở nên hỗn loạn và bảo vệ rầm rập lao vào khiêng người ra. Một giám khảo nữ ngất xỉu vì xúc động khi được nhận được quá nhiều tiền. Các thí sinh khác òa khóc vì muốn nhường hết giải thưởng cho nhau, đồng loạt bỏ thi, xé nát tấm bảng số thí sinh đeo trước ngực. Cả hội trường rú lên ' Việt Nam vô địch, Việt Nam vô địch” (không biết có lộn qua đi coi bóng đá Seagames hông nữa, dạo này hay lẫn vì bệnh Alzheimer).

Sau khi tranh cãi quyết liệt, hội đồng giám khảo chấm cho Tony giải thí sinh ăn mặc đẹp nhất. Ủa mà hem phải, giải thí sinh có gương mặt khả ái nhất chớ. Hay gì đó tương tự.

Chỉ nhớ chính xác là anh ấy đã đăng quang về nhan sắc trong một cuộc thi về trí tuệ.

20/4/2014

Óc tinh tế

(Hôm nay mình hạc bài “rèn luyện óc tinh tế” nha các bạn trong câu lạc bộ CD)

Chơi với người tinh tế rất thích, vì nó đồng nghĩa chơi với người thông minh và nhạy cảm. Người tinh tế luôn thấy được các điều li ti nhỏ xíu trong người khác, trong mọi sự việc. Nên xử sự cũng từ đó mà khéo léo hơn, được việc hơn.

Óc tinh tế, phần lớn là do bẩm sinh, cứ sinh ra tự nhiên nó thôngminh tinh tế. Một đứa trẻ mầm non có gương mặt sáng bừng, biết quan sát đám đông để phản ứng sao cho phù hợp, ví dụ nó biết nhịn, không ta ben (ta ben tiếng Trung Quốc là ỉa) lúc cha mẹ đang ăn cơm là một đứa trẻ tinh tế. Khi lớn lên, nếu được giáo dục tốt về nhân cách, chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ thành công.

Tinh tế, nôm na là đi guốc trong bụng. Mày nghĩ gì, tao đều biết hết. Và tìm cách làm cho họ vui lòng. Xoay chuyển mọi tình thế. Rút lui khi thấy dấu hiệu cần phải rút. Tiến tới, quẹo trái quẹo phải lúc được bật đèn xanh, bật xi-nhan... nên người tinh tế nhanh chóng đạt được mục đích trong giao tiếp.

Nhưng vấn đề quan trọng là, óc tinh tế có đào tạo được không. Câu trả lời là được. Học tập từ cha mẹ, thầy cô, sếp, đồng nghiệp tinh tế cũng giúp mình có óc tinh tế. Kiểu ăn coi ngồi, nồi coi hướng (dượng bị alzheimer nên hay lẫn lộn, bạn nào sắp xếp lại giùm dượng).

Vì sao phải đào tạo sự tinh tế cho mỗi đứa trẻ? Bởi vì vì tương lai của nó. Làm gì thì làm, dù là kỹ sư hay bác sĩ, giáo viên hay công nhân, giao tiếp vẫn là chìa khóa để thành đạt, trở thành lãnh đạo hay thăng tiến. Ví dụ như là công nhân, nếu có sự quan sát, nhanh chóng hướng dẫn người khác làm theo, đọc được ý nghĩ của lãnh đạo... thì khả năng làm nhóm trưởng, phân đội trưởng hay quản đốc nhà máy là rất cao. Không ai đề bạt cái đứa lù đù, ăn trên ngồi trước, không dòm không ngó, mắt mũi để đâu đâu... sao làm lãnh đạo được. Tầm nhìn chỉ thấy có mỗi dĩa thịt heo trước mặt thì thua.

Người làm kinh tế thì càng phải được chú trọng rèn luyện kỹ năng này. Giao tiếp trong kinh doanh rất nhiều, óc tinh tế sẽ giúp họ luôn đạt được điều họ muốn. Và ai cũng ngưỡng mộ, nể phục, muốn làm ăn với họ.

Và muốn tinh tế, người ta tổng kết phải có hai điều: yêu người và tập trung khi nói chuyện.

1. Yêu người, tức lòng nhân ái.

Nhân ái, nhân là người, ái là yêu. Lòng nhân ái chính là lòng thương người, thế thôi. Nếu mình hẻm có lòng yêu người thì không thể nào có thể tinh tế được. Nếu nhìn người đối diện với ánh mắt thờ ơ, vô hồn, cúi gầm xuống, lảng đi chỗ khác, nhìn Tony thanh tú như vậy mà cứ như đang nhìn cái vỉa hè, thì thôi, không đào tạo được. Chỉ khi ta có lòng yêu người một cách thật lòng và tự nhiên, nhìn ai ta cũng nhìn kỹ càng chăm chú, tìm cái hay cái đẹp của người đó, thì mới tinh tế được.

Người kém tinh tế chơi rất chán, vì phải nói huỵch toẹt ra thì họ mới hiểu. Yêu cầu mới làm. Là dạng người vô tâm và kém cỏi trong giao tiếp. Sống cùng hay làm việc cùng với họ, mình rất mệt vì cảm giác họ hơi ngu ngu. Đặc trưng của nhóm này là không có óc quan sát, cứ làm theo ý mình, không nghĩ về người khác, ích kỷ vô cùng, kém giáo dục do gia đình cũng chẳng tinh tế gì. Người ta nói khéo, nhắc khéo, có một số cử chỉ ám chỉ này nọ... họ nhìn trơ trơ như mắt cua, thường hay nói “phải nói tui mới biết chớ...”, hay “nói ngứa đi, tui gãi cho”. Trời ơi, dân châu Á mà, ngượng thấy mồ, ít ai dám nói mình ngựa quá... nhưng rất mong được gãi. Nhìn phải biết chứ, khóc...

Ví dụ: một người đến thăm mình, trời thì nắng nóng, môi miệng cháy khát. Mình nhào vô nói chuyện 3 tiếng đồng hồ liền, quên rót ly nước cho họ là thiếu tinh tế.



Một ví dụ khác, đi chung với một nhóm người, mình mải nói chuyện riêng với 1-2 người, số còn lại không tham gia được vì không biết đề tài đó, có vẻ không hào hứng câu chuyện đó, mình vẫn cứ thao thao nói là người kém tinh tế.

Một đứa trẻ muốn ăn món gì đó nhưng không dám, mình nhìn ánh mắt của nó và nhận ra ngay. Mình thương nó và nhường cho nó ăn. Chứ hẻm phải ngồi ăn ngon lành, nhai kêu cót két, nước bọt phun ra hai khóe miệng, nhả xương đầy bàn, kệ ai thèm thì mặc. Nhìn cái miệng nó nhai mà muốn vả một cái cho gãy răng.

Trong một bàn tiệc, mình nhìn thấy khách có vẻ ăn ít, thì có thể món ăn mình gọi không phù hợp, nên gọi thêm món khác. Hay họ chưa có chén đũa muỗng, mình gọi phục vụ mang ra, hay thấy họ chưa có chỗ ngồi, mình đứng lên nhường cho họ. Chứ hẻm phải nhào vô là ăn lấy ăn để, lấy đũa bơi móc trong dĩa thịt, lựa miếng ngon ăn, miếng dở chừa lại. Ăn xong lấy móng tay xỉa miếng thịt chó dính trong kẽ răng ra, thấy ngon bỏ lại vào mồm. Vừa ngậm tăm vừa nói chuyện. Có phụ nữ trẻ con ngồi đấy mà hút thuốc phà phà. Hay lấy ngón út móc ráy tai (cứt ráy) ra, rùi đưa lên mũi ngửi. Rùi nhăn mặt... nói sao hẻm thơm.

Người kém tinh tế còn thể hiện việc hay khoe ở chỗ không phù hợp. Lạc lõng và kệch cỡm. Giữa khu nhà lụp xụp tồi tàn, quất lên một cái biệt thự 12 tỷ, diêm dúa. Giữa khu công nhân ở trọ, quất luôn một con chó ngao 20.000 đô, ngày ăn một ký thịt bò Úc. Giữa lúc bà con nông dân miền Tây đang thu hoạch đồng áng, đang cắt lúa gánh lúa nắng nóng mệt thấy bà, nàng ở Sài Gòn về chơi, mặc váy hồng cánh sen-áo hai dây màu xanh đọt chuối, mang guốc cao gót, qua cầu dừa vừa đi vừa nhún, tay cầm theo cái dù màu tím hoa cà. Thì coi sao được. Nhìn muốn xô xuống ao cá dồ...

Nhiều người vào quán cà phê hay nơi công cộng mà nói to như chốn không người. Hôm bữa dượng ngồi cà phê làm việc, ba cô bên cạnh kể chuyện tình yêu, gào thét như đấm vào tai mọi người. Mọi người nhìn khó chịu, một số chuyển bàn, một số tính tiền rồi lật đật đi... nhưng ba cô vẫn thao thao bất tuyệt. Dượng mới qua nói ba bạn ơi, vui lòng điều chỉnh âm lượng cho vừa đủ nghe thôi, nãy giờ chuyện tình tay ba giữa cô Tuyết và thằng Bình thằng Hân tôi nghe mồn một hết. Rồi chuyện quần dây áo nhợ của mấy cô size nào, khách ở đây cũng rành hết. Dượng góp ý dễ thương vậy mà ba cô đó nói gọi điện cho xã hội đen chạy tới quánh dượng... Là sao? Why?

Mình càng thương người, yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp,... thì sự tinh tế càng cao. Sự tinh tế không có trong loại người thực dụng, vô cảm, yêu tiền bạc hơn mọi thứ, tức loại phàm phu tục tử. Thể loại phàm phu tục tử không bao giờ đọc sách, vì họ thấy chữ nhiều là ớn, nên cũng dễ nhận ra. Coi kịch buồn hẻm bao giờ buồn, vì không có đồng cảm. Nên tâm hồn khô héo, dẫn đến cốt cách thô lỗ, ăn nói bạt mạng, không biết nên nói gì vào lúc nào với ai.

2. Tập trung khi nói chuyện:

Thứ 2, muốn có sự tinh tế, phải tập trung khi nói chuyện. Nói chuyện với ai thì chú tâm vào NGƯỜI nói chuyện và CÂU CHUYỆN đang nói. Đừng vừa nói chuyện vừa nhìn đồng hồ, vừa nói chuyện vừa tính toán ngày mai đi chợ mua gì…

Chú tâm vào nghe. Nghe là 80% của sự giao tiếp. Nghe với trái tim, nghe với ước muốn được chia sẻ và đồng cảm, nghe với tư cách của một người hỗ trợ. Đặt mình vào hoàn cảnh của người nói, thấu hiểu hoàn toàn họ. Nghe mà như nuốt từng lời.

Nhìn người đối diện. Nhìn là 10% của giao tiếp. Nhìn thẳng vào, ánh mắt dịu dàng ấm áp, không phải nhìn trừng trừng như ăn tươi nuốt sống người ta. Cũng đừng nhìn lên trần nhà, nhìn xuống gầm bàn... Đừng nói chuyện mà mắt cứ nhìn ra đường, hay liếc lên màn ảnh tivi. Nhìn người đang nói sẽ giúp nghe rõ hơn và đúng hơn. Nhìn chính là nghe ngôn ngữ thân thể, đọc các cử chỉ tế nhị của cơ thể người ta, rồi phân tích và xử lý.

Và nói chính là 10% còn lại của giao tiếp. Lúc nói, làm ơn nói cho rõ ràng. Mình chưa nói hay được thì tập nói đúng. Nói rõ, gãy gọn, diễn dạt dễ hiểu một vấn đề, vì mục đích của nói là cho người ta biết ý trong đầu mình, đừng để cho người ta thấy trong đầu mình là một mớ các ý kiến bùng nhùng, nên nói năng ra nó mới lộn xộn thế. Nói chưa hay thì chỉ nên nói rõ ràng theo các ý, ý một là, ý hai là, túm lại là..., đừng bắt chước vòng vo kiểu MC trên tivi nghe bắt mệt. Mình nên lựa những lời tích cực, đồng cảm, chia sẻ, cám ơn, khen ngợi... Dùng chức năng nói giảm nói tránh với các vấn đề tế nhị, chẳng hạn như hôi nách, giữa chốn công cộng đông người mà móc cứt mũi, vân vê nặn mụn, ngậm tăm xỉa răng, rút chân ra khỏi giày, hút thuốc miệng mồm thúi quắc mà không ăn kẹo chewingum trước khi nói chuyện thân mật với mình..., đừng nói thẳng kiểu dượng nói lúc nãy, họ nổi điên lên là họ quánh mình chết.

Tuy nhiên là ngoại trừ thể loại kém tinh tế quá, phải quát thẳng mới hiểu. Kiểu như ở Trung Quốc, ngay cả những khách sạn lớn hay sân bay, đi vệ sinh công cộng là một cực hình cho những người văn minh như người mình. Đàn ông con trai Trung Quốc không được hướng dẫn xèo ben (xèo ben là đái) phải ngay vào bồn cầu, nên cứ bắn tòe loe ra ngoài, vàng cả thành bồn cầu, ướt cả sàn, mùi hôi thối nồng nặc. Nên người Trung Quốc thấy xấu hổ với bạn bè quốc tế sau Olympic Bắc Kinh, mới dán trên toilet những câu đại loại như “một bước gần tới bồn cầu-một bước tới văn minh” hay “bạn hãy đứng sát vào, cái đó của bạn không dài như bạn nghĩ..” nhưng hẻm có hiệu quả. Dơ dáy vẫn hoàn dơ dáy vì thể loại này không được gia đình giáo dục từ nhỏ, nên chẳng để ý để tứ gì. Thế là bây giờ người ta sửa lại, ghi rõ luôn “hãy tiểu thẳng vào bồn, đừng làm ướt sàn, đừng vứt thuốc lá vào, không được khạc nhổ nơi đây, không được rút chân ra khỏi giày trên xe buýt, máy bay, hay chốn công cộng, yêu cầu nói khẽ cười duyên..” vì tinh tế không nổi nữa. Và ghi rõ hình phạt luôn.

Muốn nói hay, phải đọc nhiều. Từ vựng và logic ngôn ngữ nó vô đầu mình một cách tiềm thức lúc nào chẳng hay, đến lúc hữu sự tự nhiên nó tuôn ra vun vút. Ngoại ngữ cũng vậy, đọc nhiều thì sẽ có vốn từ vựng để nói tốt, ai ai cũng say mê cả.

Túm lại, yêu người và tập trung khi nói chuyện, mình sẽ thành người tinh tế.

Và tinh tế là lợi thế số một trong giao tiếp và ngoại giao. Mình cứ tập đi, rồi sẽ có.

Nếu rèn luyện óc tinh tế không xong, thì rèn luyện óc tinh tướng cũng được.

Dượng

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Cà Phê Cùng Tony

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook