Chân Ngắn Sao Phải Xoắn

Chương 12: Tình cảm con người thật là phức tạp

Huyền Lê

15/10/2013

Ngày Lãng Tử lên máy bay, tôi ngồi yên trong phòng làm việc, thi thoảng nhìn đồng hồ và tự đoán xem giờ này anh đã lên máy bay chưa, giờ này anh đang đến đâu? Dù vậy, tôi không hề có ý định ra tiễn Lãng Tử, tôi ghét các cuộc chia tay, tôi nhạy cảm với những thứ mùi mẫn, sợ sẽ rơi nước mắt, sợ sẽ làm vướng chân ai đó. Tôi nhắn tin cho Lãng Tử “Anh đi mạnh giỏi!” rồi ngay lập tức tắt máy. Tôi nghĩ, đó là tin nhắn cuối cùng tôi gửi anh và không hề mong nhận lại một tin nhắn hồi đáp nào nữa. Hãy xem tình cảm đó là hạt bụi, chỉ vương vào mắt ta một cách vô tình, làm cay mắt ta một tí ti thôi rồi mọi thứ sẽ lại trong veo như chưa từng có nó tồn tại.

Cũng ngày hôm đó, trong lúc đầu óc tôi đang viển vông cùng với bóng hình người cũ thì mấy chị mái già ở công ty đang túm tụm bên màn hình máy tính, một vài người thi thoảng đưa mắt nhìn tôi. Ô! Lại trò nói xấu nhau chứ gì? Vô ích thôi, một bầu trời tư cách như tôi làm gì có khuyết điểm mà các chị mái túm năm tụm ba để phán xét nhỉ? Hay là tại mặt tôi lúc này buồn quá, khó coi quá nên khiến mọi người đoán già đoán non? Nhưng dù lý do gì đi nữa, tôi cũng không quan tâm, nếu bạn sống mà chỉ chăm chăm sợ người này phán xét, người kia soi mói thì bạn không phải là bạn nữa, chẳng ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, vì vậy, bạn chỉ cần tự làm hài lòng chính mình là đủ rồi. Nói thế thôi, chứ tôi thi thoảng vẫn liếc sang xem “tình hình chiến sự” ở bên kia chiến tuyến đến đâu rồi. Bắt gặp ánh mắt của tôi, chị mái già làm kế toán mỉm cười rồi vẫy tay gọi tôi. “Phương! Lại đây xem clip này, hình như người quen của em!”

Trời đất, hoá ra là các chị mái nhà ta xem clip trên mạng. Ôi, chết! Clip gì mà liên quan đến người quen của tôi? Không lẽ clip … đen…? Ối mẹ ơi, mà ai mới được chứ, ai trong số những người tôi quen mà táo bạo được đến thế. Bi Ve, Cây Sậy? Hay Hoành Tá Tràng? Hay Lãng Tử? Không! Thật sự tôi không dám tin vào điều đó, dù chủ nhân của nó là ai đi chăng nữa. Mà kể cũng lạ, mấy bà mái già này bình thường nói chuyện giả vờ e thẹn là thế mà giờ mở clip “mát” ra xem giữa công ty là sao? Tôi vẫn đang há mõm chưa thể ngậm lại được thì mái già đã lôi xềnh xệch tôi sang. Tôi định nhắm mắt để giữ vẻ đoan chính của mình, nhưng trộm nghĩ, đến tuổi này rồi thì đoan chính còn có ý nghĩa gì nữa. Vì thế, tôi căng đôi mắt sợi chỉ của mình lên nhìn màn hình, một thoáng thất vọng, một chút mừng rỡ khi kịp nhận ra không phải clip mát miếc gì sất (Thật ngại cho cái tội thích tưởng tượng của tôi quá).

Tôi chúi đầu vào màn hình, tôi nhìn thấy một chiếc taxi đang chạy, trên đầu xe là một đồng chí cảnh sát áo vàng treo lủng lẳng, tôi gí sát mặt vào màn hình, cái quái gì thế này, cái đồng chí ấy nhìn loang loáng như Hoành Tá Tràng, mà là Hoành Tá Tràng chứ loang loáng cái khỉ gì nữa. Máu tôi sôi lên, tổ sư cái thằng taxi, manh động đến thế là cùng, tôi đang định giơ tay đập bốp vào màn hình thì chị mái già đứng cạnh nhanh tay giữ lại. Tôi cố kìm nén để xem tiếp, thấy Hoàng Tá Tràng bị hất tung xuống đường nằm lăn quay, tôi hoảng hồn cứng cả lưỡi. Tôi chỉ vào màn hình lắp bắp “Nó… nó…”. Nghe loáng thoáng mấy chị mái già nói, cái này xảy ra cách đây bốn tiếng rồi, thằng taxi bị bắt rồi. Bố khỉ, ai thèm quan tâm đến thằng lái taxi bị bắt hay chưa, người tôi cần quan tâm là cái tên áo vàng vừa bị hất lăn cu chiêng xuống đường ấy kia, anh ta thế nào rồi nhỉ? Tôi cố gắng giữ khuôn mặt bình thản nhất có thể, nhưng kỳ thực, lòng như lửa đốt. Tôi nhấc điện thoại gọi cho Hoành Tá Tràng, vừa nghe thấy tiếng anh ta, tôi vội tuôn một tràng.

“Đang ở đâu?”

“Đang ở bệnh viện Việt Đức.”

“Tầng nào? Khoa nào?”

Vừa kịp nghe thấy số phòng và tên khoa, tôi cúp máy phóng vụt đi.

Tôi phi đến bệnh viện một cách nhanh nhất có thể, lao vào phòng Hoành Tá Tràng với vận tốc của một mũi tên vừa bắn khỏi cung. Hoành Tá Tràng ngồi trên giường, cánh tay bị băng trắng toát. Hoành Tá Tràng chưa kịp phản ứng gì khi thì tôi đã vứt toẹt cái chìa khoá xe máy xuống giường và chống nạnh xỉa xói… thằng lái taxi. “Thằng đấy đúng là thằng ba trợn, thằng coi trời bàng vung, anh phải cho nó đi tù mọt gông thì nó mới sáng mắt ra được, mà nó đâu rồi? Anh chỉ chỗ giam nó đi, tôi sẽ tẩn cho nó một trận nhớ đời, để lần sau nó có làm gì thì cũng chừa mặt anh ra.”

Tôi vừa chửi vừa thở, thở xong lại chửi, chửi xong lại thở, tóm lại tôi múa may quay cuồng trước con mắt kinh ngạc của Hoành Tá Tràng. Tôi dừng lại, nhìn anh ta đang há mồm như bị cấm khẩu. Thế là máu trong người tôi lại bốc lên, tôi chỉ vào mặt Hoành Tá Tràng và bắt đầu bài ca nhiếc móc.

“Cả anh nữa, nhìn gì mà nhìn! Tôi đã bảo anh rồi, làm việc gì cũng cần phải linh động một tí, lúc nào tha được cho người ta thì cứ tha, lại không chịu cơ, lại cứ khăng khăng bắt phạt người ta cơ, giờ thì đến nông nỗi này đã thấy thấm thía chưa? Lần sau thì đừng có tỏ vẻ ta đây anh hùng, ta đây nghiêm túc nữa nhé, anh hùng mà bị băng bốp thế kia thì làm được gì cho đời nữa.”

Tôi xổ một tràng mà không thèm lấy hơi một lần mặc Hoành Tá Tràng cứ nhìn tôi ho hắng loạn xạ.

“Ho à! Giờ anh chỉ biết ho thôi à? Bình thường anh ghê gớm lắm cơ mà…”

Hoành Tá Tràng vừa ho vừa dùng một tay còn lại kéo kéo tay tôi, tôi giật tay anh ta ra định nói tiếp, một khi đã máu thì đừng hòng có ai ngăn tôi lại được …

Ô, Hoành Tá Tràng không ngăn được tôi, nhưng một giọng nói có hơi e dè của một người đàn ông đã ngăn tôi lại.

“Có khi bọn tôi về đây.”

Bọn tôi nào? Bọn tôi ở đâu? Giờ tôi mới nhìn quanh phòng, ối trời đất ơi! Ở đâu ra lắm áo vàng thế? Phải đến gần chục người đang đứng quanh phòng ấy chứ. Chẳng có nhẽ… họ đã nghe hết những gì tôi nói rồi? Chẳng có nhẽ… ôi, thế là hình ảnh duyên dáng của tôi, sĩ diện của tôi, sự kiêu hãnh của tôi… tất cả đã đi tong chỉ vì cái thói hấp tấp chưa kịp nhìn đã kịp chửi của tôi. Mấy anh áo vàng mỉm cười nhìn tôi, còn tôi thì mặt đỏ như tiết gà, người đứng ngây như tượng. Anh áo vàng cao nhất trong đó hỏi.

“Bạn gái cậu đây à? Thế mà chẳng giới thiệu với anh em gì cả nhỉ?”

Tôi liếc sang Hoành Tá Tràng, chỉ mong anh ta nói cho tôi một câu gì đó cứu vãn tình thế gay cấn này. Anh ta cười tủm tỉm nhìn tôi rồi lắc đầu.

“Đâu, bà ngoại tôi đấy!”

Hả? Hoành Tá Tràng, tôi phải giết anh, dù tôi có già đi nữa cũng không thể đến mức ấy được. Mặt tôi từ chỗ đỏ gay gắt đã chuyển sang tím bầm lại, Hoành Tá Tràng vẫn cười vui vẻ. Tôi đứng ngây ra nhìn các anh chàng đẹp trai lần lượt chào chúng tôi ra về. Ôi, tại sao giữa một rừng trai đẹp mà tôi lại tự đánh mất sự duyên dáng của mình như thế này chứ! Thật là buồn, thật là sầu.

Mọi người vừa bước ra khỏi phòng, tôi còn chưa kịp nguôi giận kinh người khi bị Hoành Tá Tràng gọi là bà ngoại thì Cục Kẹo từ ngoài lao vào khóc thút thít. Cục Kẹo sà xuống giường vừa mếu máo vừa sờ cái tay đeo băng trắng lóa của Hoàng Tá Tràng và nói. “Anh, anh có đau lắm không? Sao lại đến nông nỗi này chứ?”

Hoành Tá Tràng ngượng nghịu nhìn tôi rồi nắm lấy tay Cục Kẹo.

“Anh không sao, chỉ như kiến cắn ấy mà.”

Cục Kẹo vẫn nước mắt lưng tròng, còn tôi khi nghe câu đó của Hoành Tá Tràng chợt nhiên người như có một nguồn điện giật. Anh ta chưa từng nói câu nào dịu dàng như thế với Cục Kẹo và đương nhiên với cả tôi. Cục Kẹo lại nức nở khi nhìn thấy mấy vết xước trên mặt Hoành Tá Tràng, Hoành Tá Tràng liên tục xoa dịu Cục Kẹo.

“Anh không sao thật mà, ti tí thôi mà.”

Trong phút chốc, sự tức giận của tôi tan biến. Tôi cảm thấy mình trở thành người thừa và thật vô duyên nếu cứ đứng đơ như vậy. Tôi lặng lẽ rút lui. Trên đường về, không hiểu sao lòng tôi nặng như đeo đá. Ôi, tình cảm con người thật phức tạp, giá như tôi là một con cá có phải hơn không???

Từ hôm đó, tôi không còn đến thăm Hoành Tá Tràng nữa, cũng không gọi điện hay nhắn tin gì. Tôi nghĩ, họ đã có nhau thì tôi chẳng còn lý do gì để vun xới cho họ. Hơn nữa, sự xuất hiện của tôi chỉ làm cho hai người mất tự nhiên mà thôi. Dù vậy, thi thoảng tôi vẫn băn khoăn không biết anh ta xuất viện chưa, tình trạng thế nào?... Những lúc đó, tôi chỉ gọi điện hỏi qua Cục Kẹo, mỗi lần Cục Kẹo nói “Tốt chị ạ, sao chị không đến thăm anh ấy”. Tôi lại giả vờ kiếm cớ, “À, chị bận quá mà”. Tôi nói thế mà trong lòng vẫn có gì đó ngậm ngùi đến lạ. Tôi nhớ đến những lời nói dịu dàng an ủi mà Hoành Tá Tràng dành cho Cục Kẹo rồi chợt nghĩ, sao anh ta không bao giờ nói với mình những câu như thế nhỉ? Ơ, mà tôi với anh ta thì liên quan quái gì đến nhau chứ, giữa oan gia với oan gia thì làm gì có sự dịu dàng?

Một buổi tối rất muộn, khi tôi đang co ro trong mớ chăn ấm thì có tiếng gõ cửa rất nhẹ. Kỳ lạ, chẳng nhẽ có ai khác trong nhà này sao? Mẹ tôi không bao giờ gõ cửa một cách rụt rè như thế, bà chỉ đập cửa thôi. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa thận trọng trùm kín chăn ra mở cửa.

Mẹ đứng trước mặt tôi, dường như mắt mẹ có những quầng thâm mà trước giờ tôi chưa từng nhìn thấy. Mẹ ngồi xuống giường và tự nhiên ít nói hơn thường lệ. Những cử chỉ đó của mẹ khiến tôi lo sợ, phải chăng có chuyện gì đã xảy ra với mẹ ? Tôi đánh bạo hỏi.

“Mẹ và chú ấy có chuyện gì à?”

Mẹ lắc đầu, tôi sà xuống bên mẹ, mẹ nắm tay hỏi nhỏ.

“Thế đã hết buồn chưa?”

“Con hết buồn lâu rồi mẹ ạ.”

Mẹ lại gật đầu, mẹ nhìn đi đâu đó, rồi chợt nhiên nói.

“Phương này, nếu mẹ nói dối con chuyện gì đó, con có ghét mẹ không?”

Tôi kinh ngạc nhìn mẹ, đến lúc này thì tôi mới hiểu đã có chuyện gì đó xảy ra thật rồi. Ôi, mẹ của tôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ trăn trở nhiều như thế. Tôi đáp lại một cách vui vẻ nhất có thể để mẹ an lòng.

“Mẹ làm sao đấy, chẳng có ai lại ghét mẹ mình cả, ai trên đời này chẳng nói dối một lần, mẹ không biết chứ con nói dối mẹ cả trăm lần rồi ấy chứ.”

Mẹ tôi bật cười.

Tôi sà vào lòng mẹ, mẹ vuốt tóc tôi, lâu lắm rồi tôi không có được cảm giác được mẹ âu yếm như thế. Tôi nằm im để từng ngón tay dịu dàng, thon thon của mẹ vuốt từng sợi tóc của mình, lòng ấm áp hẳn. Tôi đã chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Sáng tỉnh dậy, tôi tự trách mình sao đêm qua lại ngủ nhanh quá, không kịp hỏi mẹ cho rõ ngọn ngành câu chuyện.

Những ngày sau đó, mẹ không nhắc lại chuyện từ hôm trước nữa, tôi cũng sợ mẹ buồn nên không hỏi, mặc dù trong lòng không thôi băn khoăn. Tôi để ý đến mẹ nhiều hơn, mẹ thường nhìn trộm tôi rồi thở dài. Tôi không hiểu những gì mẹ đang trải qua, nhưng bằng trực giác của một đứa con, tôi cảm thấy như mẹ đang cất giấu một bí mật nào đó thật khủng khiếp. Đôi khi, nhìn thấy mẹ băn khoăn, tôi chỉ muốn hét lên rằng, mẹ ơi, có gì mẹ cứ trút hết lên con đây này, dù mẹ có làm gì xấu xa, dù mẹ có gây lên tội lỗi với bất kỳ ai thì con vẫn bên mẹ, vẫn yêu mẹ, vẫn tôn thờ mẹ như bất kỳ một đứa trẻ nào. Những lúc đó, mẹ thường nhìn tôi thảng thốt rồi cười một cách gượng gạo. Nhìn mẹ buồn phiền tôi thấy xót lòng quá. Ký ức của ngày xưa ùa về, năm đó, tôi – cô bé mười tám tuổi, vô tình nhìn thấy mẹ ngồi khóc một mình trong đêm tối, tiếng khóc kìm nén trong lồng ngực đã theo tôi đi suốt tuổi thơ thiếu vắng người bố của mình. Tôi chưa bao giờ gặp bố, mẹ nói ông ấy đã bỏ mẹ con tôi ra nước ngoài với người đàn bà khác khi tôi mới tượng hình trong bụng mẹ. Cả tuổi thơ, tôi sống trong sự trêu chọc vì không có bố, nhưng tôi không giống những đứa trẻ khác, tôi không buồn vì điều đó. Tôi cảm thấy cuộc sống rất vui vẻ vì có sự chở che của mẹ. Mặc dù, đôi lúc trong giấc mơ tôi mường tượng ra khuôn mặt của bố và cười một mình. Tôi tự nhủ, sau này nếu có thêm một tên đàn ông nào làm mẹ tôi rơi nước mắt nữa, tôi sẽ không tha cho hắn. Vì thế, tôi quyết định tìm đến sếp Tam Mao để hỏi cho ra nhẽ.

Tôi hùng hổ đi vào phòng sếp Tam Mao, nhưng nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu của ông ấy, khí thế trong tôi xẹp lép xuống. Tôi vội vàng nhỏ giọng.

“Giữa hai người đang có chuyện gì à?”



Sếp lắc đầu. Khổ, sếp tôi bình thường đã xấu, nay mặt buồn buồn trông càng thảm hại hơn, nhìn ông ấy mà tôi không khỏi xót lòng.

“Thế tại sao cả hai người nhìn cứ như người chết trôi thế?”

Sếp Tam Mao phì cười, sếp cốc đầu tôi.

“Thực ra thì có một vài chuyện cần phải làm rõ ràng thôi.”

“Ý sếp là mẹ cháu vẫn loằng ngoằng với người khác à?”

Sếp Tam Mao lại cười to hơn, trời ạ, sao lúc nào người đàn ông này cười tôi cũng nghĩ đến cá trê thế nhỉ? Sếp vừa lấy tay vuốt vuốt khuôn mặt mất ngủ của mình vừa nói.

“Không, không hề, mẹ cháu không có ai và chú cũng thế, chỉ có điều chuyện chưa đến mức ấy mà thôi.”

Là sao? Chuyện chưa đến mức ấy thì việc gì mặt cả hai người lại sưng vù như bị ong đốt thế chứ, yêu thì nói là yêu, không yêu thì thôi, cứ làm tình làm tội nhau mãi. Sếp Tam Mao nhìn tôi trìu mến.

“Mọi việc không có gì nghiêm trọng đâu, nếu đó là sự thật thì rất vui.”

Vui à? Vui mà mẹ tôi cứ như người mất hồn thế thì tôi chả cần. Tôi nhã nhặn nhắc nhở sếp Tam Mao rằng không được làm mẹ tôi buồn, nếu ông nhỡ làm mẹ tôi rơi nước mắt thì tôi sẽ san phẳng cái văn phòng này. Sếp Tam Mao nghe xong câu đó thì cười khoái trá. Trần đời, tôi chưa thấy ai như ông ấy, người ta đang đe dọa như thế mà ông còn cười được, thật là giàu quá nên hóa rồ rồi.

Tóm lại, việc xảy ra giữa mẹ và sếp Tam Mao vẫn là bí ẩn đối với tôi. Trái với sự lo lắng nhưng có phần thong dong của sếp Tam Mao, mẹ tôi lại hết sức căng thẳng bà phiền não. Trời ạ, sao người già yêu cũng phức tạp thế cơ chứ. Mẹ tôi vốn xinh đẹp, giỏi giang với lòng kiêu hãnh ngất trời thế này mà nay cứ như kẻ ăn trộm dáo dác sợ người khác bắt gặp ấy. Kỳ thực, tôi có cảm giác giữa hai người không phải có chuyện yêu đương thường tình, nhưng nó là chuyện gì thì tôi thật sự không thể nào đoán ra nổi. Lần đầu tiên trong đời, trí tưởng tượng của tôi chịu đầu hàng trước sự phức tạp này.

Sau rất nhiều trăn trở, tôi quyết định mở hội nghị “Tam gia” để bàn bạc và cùng nhau tìm hiểu. Đương nhiên, thành phần tham gia hội nghị gồm có tôi, Bi Ve, Cây Sậy và …có thêm một khách mời mà đến nữa là thằng bé “ông giời con” của Cây Sậy. Chúng tôi bàn bạc rôm rả trong tiếng oe oe không ngừng của “ông giời con”. Thằng Cây Sậy vừa bế con, vừa dỗ, vừa chõ mồm vào câu chuyện của tôi. Nhìn bộ dạng quần xắn, áo nhão, khăn lau mũi vắt ngang vai của nó, tôi và Bi Ve cảm thấy tiếc nuối cho một đời trai “tài hoa” quá. Bi Ve cười hỉ hả vì dù nó có thất tình hàng vạn lần vẫn còn thấy hạnh phúc chán so với hình ảnh lúc này của Cây Sậy. Cây Sậy thì vẫn vui như thường, nó luôn miệng khoe thằng “ông giời con” của nó biết lẫy rồi, biết hét rồi… Câu chuyện của tôi cứ bị gián đoạn thường xuyên vì “ông giời con” khi thì tè, khi thì khóc, khi thì … ị… Thằng Cây Sậy vừa chùi đít cho con vừa lớn giọng.

“Tóm lại, sếp mày và mẹ mày có tí tình cảm với nhau, nhưng các cụ già rồi, thích làm mình làm mẩy nhau tí thôi, không có gì nghiệm trọng.”

Bi Ve vừa bịt mũi vừa phản bác.

“Vớ vẩn, chuyện như thế mà mày bảo không có gì nghiêm trọng, theo tao thì nó rất nghiêm trọng…”

Tôi ngơ ngác nhìn hai thằng bạn nối khố, thằng Bi Ve chém tiếp.

“Thế này đi, mày nên có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với mẹ mày, hãy nói cho bà biết là mày rất vui vẻ khi bà có người khác, không thì bà lại e dè với mày, sợ mày buồn.”

Tôi gật gù, nó nói cũng đúng, lần đầu tiên thấy thằng Bi Ve chốt được câu thấu tình đạt lý đến thế, đến nỗi chính thằng Cây Sậy còn gật gù.

“Ờ, được đấy, mày phải tỏ thái độ hân hoan chờ đón hạnh phúc của mẹ mày, đừng có mà cay cú, khó chịu làm bà khó xử.”

Duyệt! Lâu không gặp, thấy hai thằng bạn mình một đứa thì nhếch nhác hơn, đứa kia thì chín chắn hơn, tôi cũng thấy vui. Dù sao, khi khó khăn, khi mệt mỏi tôi vẫn có hai đứa đó mà ăn vạ và hành hạ, ngẫm lại, cuộc đời quả không lấy đi của ai mọi thứ. Dù tôi thiếu hơi ấm của bố từ bé, nhưng bên cạnh tôi không bao giờ thiếu “những người đàn ông” sẵn sàng chìa vai cho tôi dựa khi cần đến, mặc dù, chả bao giờ nhận lại được gì từ tôi. Hội nghị đang rôm rả đành kết thúc khi thằng “ông giời con” buồn ngủ và khóc to tướng, cả ba xúm lại dỗ không được đành tính đến phương án mang trả về cho mẹ Chuối Hột của nó. Haizzz… Nhìn cảnh tượng đó, tôi mới thấy mình thật sáng suốt vì chưa lấy chồng.

Buổi tối hôm đó, khi vừa ăn cơm xong, tôi định nói chuyện với mẹ thì Hoành Tá Tràng gọi điện, chả biết lại có chuyện gì oan gia nữa đây. Tôi nhấc máy, Hoành Tá Tràng hét toáng lên trong điện thoại.

“Cô đến đón tôi đi, tôi vừa được ra viện.”

Cái khỉ gì thế này? Từ bao giờ tôi trở thành người có trách nhiệm với anh ta thế nhỉ? Đã thế lại còn mất lịch sự nữa chứ, tôi mới há có một nửa chu vi mồm đã bị anh ta chặn lại và cúp máy rồi. Điên đến thế là cùng, đã thế nhá, bà chẳng tội gì mà vác xác đến đón cả, bà ở nhà chơi điện tử cho sướng.

Nói là làm, tôi phi lên phòng, mở máy tính ra chơi bán gà chíu chíu. Sau cú điện thoại của Hoành Tá Tràng, tôi ức lên tận cổ nên không thể nói chuyện với mẹ được. Tôi nghĩ, nếu nói chuyện với khuôn mặt cau có như bây giờ, rất có thể mẹ tôi sẽ hiểu lầm, như thế mọi việc lại tanh bành ra hết. Nhưng, bắn gà chíu chíu được một lúc, tôi chợt chột dạ, chết, nhỡ anh ta đứng chờ mình ở cổng bệnh viện, tay bị băng, còn chân đi cà nhắc thế mà ngã thêm phát nữa thì sao? Nhỡ anh ta không còn ai để nhờ nên mới phải gọi điện cầu cứu mình, mà mình lại bỏ anh ta giữa lúc nguy nan thế này thì thật là thất đức. Chưa kể, anh đã từng phải phục vụ mình khi mình bị đau chân mà. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình quá bất nhân khi ngồi rung đùi chơi điện tử thế này, tôi đành đứng dậy, cầm chìa khóa xe ra khỏi nhà.

Đúng như tôi dự đoán, Hoành Tá Tràng đang đứng ngơ ngác trước cổng bệnh viện, một tay vẫn treo lủng lẳng bằng sợi dây tròng qua cổ, anh ta vẫn vậy, chẳng gầy đi một lạng nào. Thấy tôi lượn xe đến gần, anh ta cười cười vẫy cái tay còn lại, vẻ mặt đẹp trai và nụ cười sát gái hàng loạt của anh ta khiến cơn bực tức trong tôi tan biến, chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào mà tôi lại cười lại với anh ta mới chết chứ. Anh ta chẳng nói chẳng rằng thả ngay cái túi đồ xuống chỗ để chân, rồi kéo cái mũ bảo hiểm tôi đang treo phía trước đội lên đầu. Hoành Tá Tràng chìa mặt về phía tôi, hai cái quai mũ đung đưa trước mặt, vẻ mặt anh ta như chờ đợi.

“Cài vào cho tôi!”

Ơ hơ, ở đâu ra cái ngữ bắt người khác phải phục vụ như mình là ông chủ ấy nhỉ? Tôi định đập bốp lên đầu anh ta một cái, nhưng sực nhớ đến cái tay băng bó nên đành miễn cưỡng cài lại quai cho anh ta. Hoành Tá Tràng mỉm cười nhìn tôi đang luống cuống cài quai mũ. Trong thoáng chốc, người tôi như bị điện giật khi tay vô tình chạm vào má anh ta, cảm giác tê tê ở đầu ngón tay khiến tôi bối rối. Hoành Tá Tràng cứ nhìn thẳng vào mặt tôi, cái nhìn đầy mưu mô. Tôi rụt tay lại, nói một câu cụt ngủn.

“Được rồi, lên xe đi.”

Hoành Tá Tràng lại khuyến mại cho tôi thêm một nụ cười nữa, nụ cười mê hồn nhất mà tôi từng thấy. Thật khổ cho cái tính háo sắc của tôi quá.

Khi Hoành Tá Tràng ngồi yên vị trên xe, tôi mới phóng vút đi. Hoành Tá Tràng hét toáng lên.

“Đi từ từ, cô làm gì mà chạy như ma đuổi thế!”

Đáng đời, sao mấy lần trước tôi ngồi sau xe anh, cũng hét khản cổ câu tương tự thế mà anh có thèm ngó ngàng đâu, giờ anh mới biết cảm giác của tôi lúc đó nhé. Tôi chẳng nói gì, vẫn phóng tiếp, Hoành Tá Tràng ghế vào tai tôi.

“Cô mà chạy nhanh nữa là tôi sẽ ôm cô đấy!”

Cái gì? Ôm á? Thật là trơ trẽn, còn một tay mà vẫn đòi ôm tôi á? Tôi đi chậm lại, miệng thở ra một câu đầy sát khí.

“Cứ ôm đi, rồi anh treo nốt cái tay còn lại.”

Hoành Tá Tràng cười ha ha, còn tôi mặt có tí đo đỏ.

Đi được một đoạn, tôi mới nhớ là mình đang bon bọn chạy xe về … phía nhà mình, trong khi nhà Hoành Tá Tràng ở đâu tôi nào có biết. Tôi ngoái lại hỏi.

“Này, nhà anh ở hướng nào thế?”

“Cùng hướng với nhà cô!”

“Thế á? Ngạc nhiên nhỉ? Nhưng mà ở đường nào?”

“Cùng đường với nhà cô!”

Tôi bắt đầu bực mình với cách trả lời tưng tửng của anh ta.

“Anh điên à, chẳng nhẽ anh là hàng xóm của tôi chắc?”

“Ờ, thì đúng thế mà, giờ cô mới biết à?”



What? Tôi lập tức phanh kít xe lại, nhìn chòng chọc vào mặt anh ta. Không thể nào, tôi làm gì có lão hàng xóm nào như thế này. Tôi cố lục lại trí nhớ của mình, rõ ràng, bên phải nhà tôi là đôi vợ chồng trẻ, còn đối diện là một đôi vợ chồng trung niên làm ngân hàng. Thế làm gì có chuyện anh ta là hàng xóm của tôi được. Tôi lắc đầu.

“Đồ bốc phét! Tôi làm gì có hàng xóm nào khó chịu như anh!”

Hoành Tá Tràng cười tủm tỉm.

“Tôi mới là người phải nói câu đó chứ, chẳng phải cô từng lấy sào chọc khế nhà tôi và ném đá vào đầu tôi à?”

“Hả???”

Tôi choáng váng, nhìn lại Hoành Tá Tràng! Trời ơi, không lẽ … không lẽ… là anh ta? Đúng là oan gia ngõ hẹp … Hoành Tá Tràng thấy tôi sửng sốt thì cười khoái trá.

“Thế nào? Nhớ ra chưa?”

Khỏi phải hỏi, giờ thì tôi nhớ ra rồi, nhưng tôi vẫn không thể tin được, người hay nói là duyên kỳ ngộ, nhưng giữa tôi và Hoành Tá Tràng thì phải gọi là oan gia kỳ ngộ mới đúng…

Số là, hồi bé, khi nhà tôi mới chuyển đến khu này sống, tôi phát hiện ra nhà hàng xóm sau lưng nhà mình có một cây khế rất sai quả. Nhà đó cách nhà tôi một hàng rào thấp, nhưng vì hai nhà xây kiểu quay lưng vào nhau nên chẳng bao giờ giao lưu với nhau… Từ khi phát hiện ra cây khế, ngày nào tôi cũng thò sào qua cửa sổ phòng mẹ tôi để chọc khế. Tôi chẳng ăn mấy, chỉ chọc cho vui thôi. Hồi đó, tôi bị thằng bé nhà đó (Gọi là thằng bé chứ thực ra nó cũng hơn tôi vài tuổi) mắng mấy lần nhưng tôi chả sợ. Đã thế, tôi còn chọc tức nó nhiều hơn, tôi dùng gậy đập đập cho khế rụng xuống, có hôm khua gậy thế nào sém tí là vào đầu nó. Nó cũng chẳng vừa, lấy đá ném lại tôi. Thế là chiến tranh nổ ra, nó ném đá thì tôi cũng ném đá. Tôi nhặt cục đá to đùng lên và nhắm mắt ném một phát. Tôi nghe thằng bé hét lên một tiếng “Á”, nó giơ tay ôm đầu, tôi thấy mấy giọt máu tứa ra….

Tôi hoảng hồn bỏ chạy, còn thằng bé thì gào lên khóc. Tối hôm đó, mẹ nó trèo qua hàng rào với cái áo đầy máu của nó đưa cho mẹ tôi, mẹ tôi đánh tôi một trận trối chết rồi xin lỗi và hứa sẽ lo tiền thuốc thang. Từ đó, tôi chả thèm ngó ngàng đến cây khế nữa và nhà hàng xóm kia cũng xây tường cao phải đến hơn ba mét để “bảo toàn tính mạng” cho con trai họ. Bức tường được dựng lên, cây khế bị chặt đi và hàng xóm lại quay lưng vào nhau như chính hai ngôi nhà đã xây từ trước như vậy.

Trời, không lẽ … Hoành Tá Tràng… là nó… là cái thằng bé đành hanh dám ném đá tôi đó? Tôi nhìn anh ta ngỡ ngàng, thảng thốt. Hoành Tá Tràng cười híp mắt, chìa đầu ra hỏi.

“Này, có phải kiểm tra không? Cô ném tôi chảy máu đầu mà!”

Ôi trời, đúng rồi! Thế là khỏi phải bàn cãi gì nữa, Hoành Tá Tràng và tôi có mối thù không đội trời chung từ thời … bọ xít!!! Hoành Tá Tràng như kiểu hớn hở lắm khi thấy tôi bối rối.

“Giờ nhớ chưa? Thực ra tôi cũng mới nhận ra điều đó khi đưa cô về nhà hôm bị đau chân.”

“Oan gia! Đúng là oan gia!”

Hoành Tá Tràng cãi lại.

“Phải là duyên số mới đúng chứ!”

Duyên số cái con khỉ! Nếu bố mẹ anh mà biết tôi là cái đứa ném chảy máu đầu thằng con trai quý tử của ông bà thì chắc ông bà ấy sẽ đá văng tôi ra ngoài cửa mất. Vì thế, tôi khẽ khàng nói với Hoàng Tá Tràng.

“Thế tôi chở anh về đầu ngõ thôi nhé, nhà anh đi hướng ngõ khác nhà tôi mà.”

Hoành Tá Tràng nhất định không chịu, anh ta nói, lần trước anh ta đã chở tôi về tận nhà, còn dìu vào nhà nữa thì lần này tôi phải như thế với anh ta. Trời ơi! Biết thế này thì lần trước tôi đừng ăn vạ làm gì. Anh ta nhất định bám trụ trên xe, tôi đành chở anh ta về, với điều kiện không được hở ra chuyện là tôi ở cạnh nhà anh ta. Hoành Tá Tràng gật đầu, mặt rất gian xảo.

Tôi chở Hoành Tá Tràng về nhà, trái với dự đoán của tôi, bố mẹ Hoành Tá Tràng tiếp đón tôi rất niềm nở. Vốn định thả anh ta trước cửa rồi chuồn về, nhưng hai ông bà quá nhiệt tình mời vào uống nước nên không còn cách nào khác tôi phải ngồi nán lại. Trời ạ, mà đã ngồi uống nước thì lại phải ở lại ăn cơm, tôi chưa kịp há mồm ra phản đối thì một mâm cơm đã được đặt bộp lên bàn, thế là phải ăn. Mà khổ, tính tôi thì háu ăn, tia ngay vào mâm, thấy toàn món ngon nên không nỡ từ chối. Với lại, bố mẹ anh ta có biết tôi là đứa nào đâu mà phải ngại. Trong lúc ăn cơm, bố anh ta hỏi.

“Nhà cháu ở xa đây không?”

Tôi luống cuống đặt đũa xuống định trả lời, thì Hoành Tá Tràng đã cướp lời.

“Dạ! Gần ạ!”

Tôi lừ mắt về phái Hoành Tá Tràng, anh ta tủm tỉm ăn cơm tiếp, tôi vội giải thích.

“Dạ! Nhà cháu cách đây mấy phố, cũng gần ạ!”

Hoành Tá Tràng vẫn tủm tỉm cười, đồ đáng ghét, tôi chỉ muốn đập cái bát vào mặt anh ta thôi. Bữa cơm rôm rả hơn với đủ thể loại hỏi thăm. “Cháu làm nghề gì? Bố mẹ cháu có khỏe không?” Ô, hỏi gì mà kỹ thật đấy, nhưng tôi vẫn thành thật trả lời mọi thứ, ngoại trừ việc nhà tôi ở ngay sát lưng nhà anh ta ra. Có một điều khiến tôi cảm giác ấm cúng và cảm động là lúc tôi nói tôi không có bố, cả hai bác ấy dừng đũa lại nhìn tôi cảm thông. Bác gái còn chép miệng “Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng mình biết vượt qua hoàn cảnh là tốt lắm rồi.”. Bác trai gật gù theo, tôi im lặng, cố kìm giọt nước mắt đang chực rơi trên má. Nếu bố mẹ Lãng Tử cũng nói được những điều như thế này, thì biết đâu, giờ này tôi và Lãng Tử đang cùng nhau chuẩn bị cho đám cưới rồi.

Hoành Tá Tràng tiễn tôi sau bữa cơm, tôi nói, thực ra bố mẹ anh không đáng sợ như tôi nghĩ. Anh ta chỉ cười, tôi hỏi anh ta về Cục Kẹo, Hoành Tá Tràng thoáng ngần ngừ. Tôi nói Cục Kẹo rất dễ thương và hai người rất đẹp đôi. Hoành Tá Tràng cười, anh ta nói.

“Ừm, tôi cũng thấy thế!”

Tôi lặng đi, có cảm giác gì đó gần như sự thất vọng vừa rơi vào lòng. Ơ hay nhỉ? Tại sao lại thất vọng khi hai người mình cố gắng mai mối đã đến được với nhau? Hoành Tá Tràng nhìn tôi.

“Này, cô sao thế?”

Tôi vội vàng lấy lại sự tự tin vốn có.

“À, tại tôi no quá.”

“Đến nhà người ta mà ăn hùng hục như trâu thế thì no là phải.”

Ôi! Hoành Tá Tràng, anh vừa mới khiến tôi lặng đi một tý thì đã vội khơi sự tức giận trong tôi lên đến đỉnh cao. Tôi đập thẳng vào tay anh ta.

“Ai là trâu hả? Đồ thô thiển!”

Anh ta ôm lấy tay kêu đau, lúc đó tôi mới nhớ ra mình vừa phang cho anh ta một phát vào cánh tay quấn băng. Tôi tái mặt, rối rít xin lỗi, tôi bảo anh ta đừng kêu nữa, nhỡ bố mẹ anh mà nghe thấy thì tôi còn mặt mũi nào nữa. Vừa mới đánh chén no nê ở nhà người ta xong, chưa ra đến cửa đã đánh con người ta rồi, dù hồi bé tôi có hơi “giang hồ” một tẹo nhưng đâu đến nỗi ăn cháo đá bát như thế này. Hoành Tá Tràng cười ngất, anh ta xua xua tay bảo tôi về đi, muộn rồi. Được lời như cởi tấm lòng, tôi lập tức lên xe phóng vút về nhà...

Tôi vừa dắt xe vào sân đã nghe thấy tiếng mẹ tôi và sếp Tam Mao nói chuyện với nhau. Cơ hội ngàn năm có một đây rồi, tôi vội nấp vào một góc nghe trộm. Khổ, tôi không tò mò đâu, chẳng qua là tôi muốn biết nguyên do của đợt chiến tranh lạnh vừa qua là gì thôi. Mẹ tôi nói, “Không phải vậy đâu, anh đừng nghĩ linh tinh, anh không có căn cứ gì để khẳng định vào điều đó cả.”. Ô! Chắc sếp lại nổi máu ghen tuông, rồi nghi ngờ mẹ tôi đây. Tôi thấy sếp Tam Mao vẻ mặt vừa hân hoan, vừa đau khổ, “Anh nghĩ là thế, nếu em cứ cố chấy, anh sẽ đi xét nghiệm …”. Mẹ tôi đứng bật dậy. “Không là không! Tôi nói rồi, không hề có chuyện đó!” Trời! Chuyện gì đây hả trời? Tại sao sếp Tam Mao lại nói là sẽ đi xét nghiệm? Sếp Tam Mao bị bệnh gì chăng? Bệnh nan y chăng? Mà nếu có bị như thế thật thì tại sao mẹ tôi lại phản ứng giận dữ như thế chứ. Sếp Tam Mao có vẻ vẫn không bỏ cuộc, ông đứng dậy tiếp tục nói với mẹ tôi bằng giọng rất nhỏ nhẹ, “Nếu nó đúng là sự thật, anh mong em hãy cho anh cơ hội… Anh thật sự…”. Mẹ tôi vội vàng ngắt lời, “Không có sự thật nào cả, anh nhầm rồi, có lẽ anh bị hoang tưởng rồi.” Sếp Tam Mao mặt chùng xuống, mẹ ơi là mẹ, sao mẹ lại có thể sắt đá đến thế chứ, dù sếp Tam Mao có xấu xí đi chăng nữa, ông ấy vẫn là người có trái tim cao cả mà. Tôi định lao vào giúp đỡ sếp Tam Mao nhưng không may chân bị vướng vào cái chổi quét sân, gây ra tiếng động. Hai người giật mình nhìn ra ngoài, mẹ tôi nói khẽ, “Con Phương về, anh về đi, em mệt nên nghỉ sớm đây”. Sếp Tam Mao tần ngần nhìn mẹ, mẹ tôi bỏ thẳng vào phòng đóng cửa lại. Tôi vờ như vô tình đi vào nhà, tôi chào sếp Tam Mao, sếp nhìn tôi trân trối một lúc rồi gật đầu. Ông nói rất nhỏ, “Chú về nhé!”. Tôi gật đầu chào sếp.

Sếp Tam Mao vừa ra khỏi nhà, tôi vội vã chạy theo gọi. Tôi hỏi sếp, thực ra giữa mẹ tôi và sếp có chuyện gì, sếp mỉm cười, ông nói: ”Rồi đến lúc cháu sẽ biết thôi, nhưng chắc không phải bây giờ”. Thật là mệt, thanh niên yêu đương đã phức tạp rồi, không ngờ người già yêu nhau còn phức tạp hơn nữa. Cái gì cũng có vẻ bí mật và bí hiểm lắm, khiến đầu óc một đứa ưa khám phá như tôi thấy đau đầu quá. Mặc cho tôi cố gắng năn nỉ, sếp Tam Mao vẫn không chịu hé môi. Thế là thôi, tôi đành quay về nhà với niềm băn khoăn khó tả. Không hiểu sao, thấy sếp Tam Mao buồn, tôi cũng thấy chạnh lòng ghê gớm.

Tôi mở cửa vào nhà, cửa phòng mẹ vẫn đóng kín. Tôi nhẹ nhàng gõ cửa. “Mẹ ơi! Mẹ!” Mẹ không mở cửa, chỉ có tiếng mẹ vọng ra, “Mẹ đang mệt”. Tôi “Vâng” một tiếng rồi ngoan ngoãn đi lên phòng. Tôi thật sự muốn chia sẻ với mẹ mọi thứ, nhưng tôi sợ lại khơi dậy những tổn thương giấu kín bao năm qua của mẹ. Tôi chưa một lần hỏi về bố từ khi tôi ý thức được rằng vì ông mà mẹ tôi phải buồn, phải chịu nhiều đàm tiếu đến thế. Tôi sợ mỗi lần nhắc đến người đó, mẹ lại cáu. Thực ra, tôi biết, mẹ cáu là để che giấu cảm xúc của chính mình, vì thế, tôi không bao giờ lặp lại điều đó một lần nào nữa. Cũng như giờ đây, tôi sợ phải hỏi thăm mẹ và sếp Tam Mao, sợ rằng tôi lại vô tình chạm vào một vết thương nào đó mà mẹ đang cố gắng giấu kín. Tôi lên phòng, hình ảnh của mẹ, của sếp Tam Mao cứ lởn vởn quanh đầu. Tôi ước gì, mình có thể làm gì đó cho họ, hai con người đã vượt qua phân nửa đời người mà chưa tìm thấy hạnh phúc thật sự. Tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến bản thân, tôi cũng thế, vẫn lay hoay tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc, nhưng tôi chưa từng tuyệt vọng. Tôi nhớ đến Lãng Tử, giờ này chắc anh ta bắt nhịp được với cuộc sống mới rồi, tôi sẽ trở thành quá khứ, giống như bố tôi là quá khứ của mẹ tôi vậy. Tôi cũng nhớ đến Hoành Tá Tràng, cuối cùng, anh ta cũng đã có nơi có chốn, chỉ có điều, lòng tôi vẫn trào lên cảm giác bâng khuâng khó tả. Có lẽ, vì tôi quá nhạy cảm mà thôi. Tình cảm con người vốn khó lòng cân đo, đong, đếm, càng khó hơn khi phải “chỉ mặt đặt tên” một cảm xúc nào đó trong lòng. Vì đôi khi, chính bản thân ta còn không cắt nghĩa được thứ cảm xúc đang bủa vây lấy mình thì làm sao có thể gọi thành tên nó được. Tóm đi, tóm lại, vẫn là sự phức tạp không thể lường trước được của cái gọi là tình cảm, tôi đã từng tự làm hai câu thơ con… chuột như thế này:

Thôi thì mặc kệ cuộc đời

Đắng cay, dịu ngọt vẫn cười, thế thôi!

Tôi nghĩ, dù thế nào đi nữa tôi vẫn vui vẻ cười giữa cuộc đời này và tôi mong mẹ tôi cũng vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Chân Ngắn Sao Phải Xoắn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook