Có Khi Nào Rời Xa

Chương 10: Có khi nào ...​

Pin đồng hồ

06/02/2015

- Không có đám cưới nào ư ? – Hoài bàng hoàng hỏi lại, dường như không tin vào kết thúc bất ngờ đến hụt hẫng mà tôi vừa nói ra.

Tôi mỉm cười, gật đầu với ánh mắt điềm tĩnh của một người từng trải :

- Có nhiều việc không thể nào lường trước được diễn biến. Ai mà ngờ được trước lễ cưới đúng năm ngày, Khắc mất tích, biệt tăm không dấu vết.

Tôi thậm chí còn chẳng biết đám cưới đã bị hủy, đến ngày ước định buổi lễ, tôi vẫn trốn trong phòng trọ ẩm thấp và tối tăm, rèm kéo kín bưng, cửa đóng kín, hiếm khí đến ngạt thở. Điện thoại reo liên tục mà tôi không buồn nghe.

- Rồi sau đó thì sao ạ ? – Hoài hỏi. Cặp mắt man mác của cô bé trở nên sinh động với những luồng sắc hiếu kì đến háo hức.

Tôi không hiểu tại sao lại vui lòng đáp ứng mọi đòi hỏi từ đôi mắt ấy, như một sự hấp dẫn không cất thành lời, câm lặng mà rất tự nguyện, sai khiến tôi nghe theo.

- Hơn hai mươi năm nay … – Tôi nói – … bác chưa từng gặp lại Phương. Cô ấy đã đi tìm Khắc là không quay lại nữa.

Hoài không giấu nổi vẻ thất vọng, đầy miễn cưỡng, cô bé gật đầu cứng nhắc :

- Còn bác thì sao ? Bác lấy Đan, một người bác không hề có tí tình cảm nào ư ? Sao bác không đi tìm Phương ? Bác không yêu cô ấy nữa ư ?

- Thành thật mà nói, lúc bấy giờ, bác ko có quyền lựa chọn.

Dẫu tôi mới hai mươi tư tuổi đầu, cả thanh xuân vẫn đang dang tay đón đợi. Nhưng thế thì sao cơ chứ ? Tuổi trẻ, nghĩa là tôi phải lao đầu đi kiếm Phương – một người đã chủ động bỏ đi theo tình yêu đích thực của cô ấy ư ? Phương không yêu tôi, chưa bao giờ yêu tôi. Đứa con trong bụng cô ấy cũng chẳng phải của tôi. Còn về việc Khắc bỏ đi, tôi đã cố tìm hiểu nguyên do mà vẫn bất lực. Trong một hoàn cảnh như thế, dẫu có muốn, tôi cũng không thể tìm được Phương, tôi có biết gì về nơi cô ấy đến đâu ? Huống hồ, tôi phải ở bên Đan, và, sinh linh vài tuần tuổi đang nhen nhóm trong bụng cô nàng.

- Thật là tồi ! – Hoài buột miệng thốt lên rồi như biết không phải phép với một người đáng tuổi bố mình, cô bé vội lảng đi – Cháu xin lỗi. Nhưng …. vậy là bác cưới Đan vì đứa con trong bụng ?

Tôi cười, một cuộc hôn nhân không đến nỗi tệ khi vừa làm lễ kỉ niệm đám cưới bạc tháng trước. Tôi đã gặp Hoài trong chính ngày kỉ niệm ấy, cô bé là … tôi sẽ vui lòng hơn nếu được dùng từ “người yêu” cho con trai mình. Thằng bé có vẻ rất thích Hoài, nó có những cử chỉ săn đón niềm nở đích thị từ một kẻ bám đuôi. Chính tôi cũng đã kì vọng hơn thực tế. Đáng tiếc là khi tiếp xúc nhiều hơn, phản ứng lãnh đạm của Hoài dành cho con trai tôi, tương phản hoàn toàn với những bập bùng sắc thái biến ảo, lúc vui vẻ ồn ảo, lúc lại ưu tư buồn bã - nơi Hoài khi bình nhật, đã dập tắt hoàn toàn mong mỏi có được một cô con dâu như thế của tôi. Hoài bằng tuổi con trai tôi, nhưng cô bé như thuộc về một trang lứa khác, có nét cô đơn đặc quánh trong từng tia nhìn, sự xa cách và tỉnh táo khi đánh giá, nhận xét sự vât. Đó là ấn tượng ban đầu về Hoài, đến khi bước qua màng bọc vô hình kia, tôi lại thấy Hoài tỏa ra một niềm khao khát đến tuyệt vọng, dẫu mơ hồ không thấy được, song rất quen thuộc, tảng lờ mà vẫn đắm đuối, khó gói gọn trong bất cứ định nghĩa nào.

- Sao bác lại nhìn cháu như thế ? – Hoài hỏi, ánh nhìn so lại, bị choáng ngợp trước ánh mắt đăm đăm không rời nãy giờ của tôi.

Tôi giật mình nhận ra bản thân đang nhìn chằm chằm cô bé một cách lộ liễu.

- Đôi mắt của cháu ! – Tôi nói – Bác cứ thấy rất quen mà không nhớ ra được đã gặp ở đâu.

Câu nói của tôi chẳng ăn nhập gì với chủ đề cuộc nói chuyện, nhưng Hoài vẫn đáp lại :

- Mẹ cháu nói, cháu thừa hưởng đôi mắt từ bố.

Tôi im lặng, tạo cơ hội cho Hoài nói tiếp :

- Lạ thật đấy ! Vừa rồi, cử chỉ của bác, ánh mắt của bác, cứ làm cho cháu nhớ tới mẹ. Mẹ cháu khi đang trò chuyện, mẹ cũng hay tự nhiên im bặt, lặng người đi mà úp chụp vào người cháu những hoài niệm, nhớ tiếc về một người.

- Bố cháu ?

- Thực ra thì … - Hoài ngập ngừng trong giây lát - … cháu nghĩ là bố cháu đã mất sớm. Cháu cũng không dám chắc, vì từ bé tới giờ, chưa một lần cháu gặp mặt bố mình.

Hoài không có bố, mẹ cô bé một mình nuôi con, người mẹ đơn thân đấy cũng mới mất hồi giữa năm. Tôi đã nghe con trai mình kể qua, chỉ là giờ mới nghe Hoài nhắc lại, vẻ gắng gỏi tỏ ra bình thản trong âm vực của Hoài gieo vào lòng tôi những tiếc xót bâng khuâng.

- Hẳn là mẹ cháu rất yêu bố cháu ? – Tôi cố gợi một cảm giác tươi sáng hơn – Cách mà bà ấy nhìn cháu, hẳn là một biểu hiện của tình cảm ?

Nhưng Hoài lại khước từ nhã ý của tôi khi đáp rất thành thật :

- Mẹ cháu chẳng bao giờ nhắc đến người đàn ông phụ bạc ấy. Hồi nhỏ, cháu cứ nghĩ ông ấy mất rồi. Lớn lên một chút mới hay, đó là một người đàn ông vô trách nhiệm. Tình cảm của mẹ cháu, chưa biết chừng, không phải yêu thương mà là oán hận.

Rồi Hoài đưa mắt nhìn tôi, nói một giọng không rõ là mỉa mai hay tủi hổ :

- Không phải người đàn ông nào cũng được như bác, có thể chịu trách nhiệm về việc mình làm. Đa phần họ đều làm ngược lại. Bố cháu cũng nằm trong số đông đó, ông ta bỏ mẹ con cháu từ khi cháu mới có vài tháng trong bụng mẹ. Mà biết đâu đấy, giờ này, ông ta vẫn đang ngụp lặn trong một hạnh phúc mê mẩn nào đó mà quên mất mình còn có một đứa con gái.

Ánh nhìn của Hoài cứ tựa như những khối lưu ly trong suốt chỉ chực vỡ òa.

- Bác xin lỗi. – Tôi hoàn toàn không cố ý nhắc đến chuyện buồn gia đình Hoài.

- Không … cháu không sao ! – Hoài cố chấp phủ nhận việc mình sắp rớt nước mắt – Cháu chẳng sao cả. Hoàn toàn bình thường khi nhắc đến ông ta. Mẹ cháu có viết một bức thư, bảo rằng nếu tò mò về bố mình, hãy mở ra đọc. Nhưng cháu đâu có động tới. Ông ta chẳng là gì cả !

Lá thư của mẹ Hoài, tôi đoán là thứ cô bé vẫn để ở ngăn trên cùng của kệ sách.

- Cháu đã đi quá xa chủ đề rồi. – Hoài vội kết luận và lái cuộc đối thoại trở lại lối chính – Vậy là, suốt từ ngày Phương bỏ đi, bác không hay tin gì của cô ấy, tính đến nay, phải hơn hai chục năm. Vậy tại sao hôm nay bác lại kể câu chuyện này ? Cháu tưởng bác định giấu kín trọn đời ?

Sao tôi phải giấu kín ? Vì tôi có thể coi đó như một lầm lạc tuổi trẻ ? Vì giờ, tôi đã giữ một vị trí quan trọng trong công ty và có một mái ấm được nhiều người ngưỡng mộ ? Hay vì tôi cũng đã âm thầm cất giữ suốt một thời gian dài đến như vậy ? Không một ai hay biết tôi đã từng si mê Phương, đã từng ti tiện ép buộc cô ấy, đã từng quằn quại đớn nhát không dám ngang nhiên cướp cô ấy khỏi tay Khắc. Tôi đã che giấu hoàn hảo hầu hết cuộc đời mình và chưa biết chừng, bí mật này có thể theo tôi xuống mồ một cách an lành. Tôi không cần thiết phải nói ra mọi việc, chỉ có điều Đan – vợ tôi, sẽ không bao giờ hiểu được tại sao cứ vào cuối tuần, tôi lại giam mình trong phòng sách để gấp máy bay giấy. Đan cũng không khỏi thắc mắc tại sao mỗi khi hỏi tôi yêu ai nhất, tôi luôn trả lời là Phương – tên đứa con trai duy nhất của tôi, chứ không phải bất kì ai khác, kể cả chính cô nàng. Giữa bao nhiêu danh xưng có thể lựa chọn, tôi lại khăng khăng đặt cho con trai tên Phương, dẫu cho họ hàng có người trùng tên, nhưng tôi mặc kệ. Ít nhất, tôi cũng phải giữ được cho mình một cái tên, để mà ghi khắc, tưởng niệm cho mối tình đầu tôi chưa bao giờ thổ lộ.

Hoài là người đầu tiên tôi san sẻ bí mật này, vì một lí do khá đặc biệt :

- Trận đột quỵ giữa năm vừa rồi, - Tôi nói – nó làm sức khỏe bác suy giảm trông thấy,

Tôi mới gần năm mươi, quanh năm khỏe mạnh, ăn uống điều độ, trước nay cũng chưa từng ốm nặng, ấy thế mà bỗng nhiên tôi lại bị đột quỵ. Ngay khi ra bãi đỗ xe, vừa mở cửa ô tô, một luồng rát lạnh xuyên thấu lồng ngực, nhói, buốt, bóp, xiết, tim tôi trở nên rúm ró chỉ trong có một phần nghìn giây. Và rồi trước mặt tối đen, tôi ngã nhào xuống mặt đất.

Tôi hôn mê tròn bốn ngày, vợ tôi bảo thế, cô ấy túc trực bên cạnh tôi cả ngày lẫn đêm, nói rằng tôi không một lần tỉnh lại, làm cô ấy lo phát sốt phát rét. Các bác sĩ cũng không mấy lạc quan. Nhưng tôi, lại chẳng thể thẩm thấu nỗi sợ vò võ thường trực của mọi người. Tôi chỉ cảm thấy như bản thân đang ngủ một giấc dài, cơ thể nạp lại năng lượng sau những mệt mỏi triền miên thời gian qua. Phải chăng vì thế mà tâm tưởng tôi lại được tự do du ngoạn nơi miền cấm mà hơn hai mươi năm nay, tôi chưa một lần đặt chân lại bước ? Tôi lại thấy Phương. Vẫn vóc hình tươi trẻ, căng tràn xuân sắc, Phương tới, ngã nhào vào vòng tay tôi, êm ái đến tan chảy cõi lòng.

Đó là cái ngày Phương đáng lẽ phải tổ chức đám cưới. Thế mà cô ấy lại đứng trước cửa phòng trọ của tôi. Tôi ra mở cửa, đứng chết trân không tin nổi vào mắt mình. Rồi vẫn trên ngưỡng cửa ấy, Phương ôm chầm lấy cổ tôi. Hai tay cô ấy quấn riết mái tóc tôi, rồi đôi môi không ngừng va vấp, khiến những nụ hôn rớt vội vã lên khắp trán, tai, mắt, má và cả môi tôi.

Trong khi tôi vẫn còn bàng hoàng không nhận rõ được tình huống hiện tại thì giọng Phương lại vang lên, vừa xa xăm ảo não lại rất mực da diết, ngóng mong :

- Mình bỏ trốn đi ! Như anh đã nói đấy ! Đi đến một nơi thật xa, không cần gì cả. – Phương nghẹn ngào - Anh đưa em theo với ! Cầm tay em … và đưa lối ! Đến nơi đâu, em có thể … bên anh trọn đời …

Tôi còn tưởng mình nghe nhầm, đẩy vội Phương ra. Ánh mắt sôi trào những luồng bạo liệt nơi cô ấy, chạm vào ánh mắt ái ngại băn khoăn của tôi. Và chỉ thế thôi, trong một phần mười tích tắc, tôi thấy rõ có cái gì đó đã tắt ngấm trong mắt Phương, ngay khi tôi còn đang cố định nghĩa nó.

- Sao thế ? – Tôi hỏi, nhìn quanh – Khắc đâu ? Sao Phương lại ở đây ? Giờ này, Phương phải ở đám cưới chứ ?

Thay vì giải đáp cho tôi, gương mặt Phương biến sắc. Khi trước, nó đang đỏ ửng và nóng hổi, những giọt mồ hồi đang lã chã rơi, vì rõ ràng, Phương chạy bộ tới đây đầy vội vã. Còn bây giờ, nó chuyển màu tái nhợt một cách lạnh nhạt. Và Phương, bất chợt nhoẻn cười :



- Lời bài hát đấy ! Hiếu thấy hay không ? – Phương đáp một cách hờ hững – Biết đâu bất ngờ … đôi ta chợt rời xa nhau …

“Xa nhau” – tôi hiểu là Phương nhắc tới đám cưới. Nếu tôi biết, lời chào tạm biệt ấy là dành cho suốt phần đời còn lại, chắc chắn tôi đã không bình tĩnh vẫy tay chào Phương sau đó. Tôi đóng sầm cửa lại ngay khi cô ấy quay đi. Nước mắt cứ chực trào ra khi nghĩ đến việc, chỉ chút nữa thôi, Phương sẽ thuộc về Khắc.

Làn tóc mai rủ xuống bầu má nóng hổi, truyền tới một cảm giác ấm nóng diệu kì. Cảm giác mịn nhẹ nơi làn dà trắng như sứ ấy, tôi vẫn tưởng như mình vừa được chạm vào. Cả vành môi kề sát vào tai tôi mà nài nỉ : “Anh đưa em theo với ! Cầm tay em và đưa lối !”. Một thời gian dài như thế, bao biến thiên đời người đi qua, mà tôi, vẫn cứ rợn ngợp toàn thân, sống lưng run rẩy, tim co thắt đột ngột mỗi lần nghĩ đến lời Phương nói lúc ấy. Nếu như tôi biết Khắc đã bỏ đi, nếu tôi biết Phương sớm đã chuẩn bị hành lí cho một cuộc trốn chạy nào đó, chắc chắn tôi sẽ bỏ lại tất cả để đi theo cô ấy. Mặc kệ đứa con trong bụng cô ấy là của ai. Mặc kệ Đan, kệ cả gia đình tôi và những ràng buộc hệ lụy hời hợt mà người ta đồn đãi ngăn cách tình yêu.

Cả người tôi gồng lên, tâm trí cuộn trào đau đớn, lồng ngực vỡ nát, cuống họng khô rát. Vì ân hận ! Vì giận trách ! Sao Phương không nói cho tôi biết ? Cô ấy chỉ cần mở lời, nói một câu thôi, rằng cô ấy yêu tôi. Được thế, thì kể cả có Khắc, kể cả anh lừng lững ngay cạnh, tôi cũng sẽ có đủ dũng khí để giữ cô ấy lại. Thế mà Phương, quay đi, không một lần chú ý đến những gì bản thân bỏ lại. Cô ấy đi đâu được cơ chứ ?

Lúc trước, tôi tưởng Phương đi tìm Khắc, để đoàn tụ, để sum vầy cùng đứa con sắp chào đời. Nhưng sau, tôi biết là mình nhầm.

- Cách đây khoảng bảy, tám năm, Khắc đã trở về. – Tôi tiếp tục kể phần ngoại truyện – Nhưng không phải một mình mà đem theo cả vợ con.

- Phương ư ? – Hoài ngờ vực với chính đáp án mình đưa ra.

Chính tôi cũng ao ước người về cùng Khắc là Phương, nhưng không phải.

- Đó là một người phụ nữ xa lạ, Khắc gặp và yêu sau khi bỏ đi.

- Vậy còn Phương ?

- Cô ấy không tìm được Khắc. À không, cô ấy rõ ràng không đi tìm Khắc, không như bác tưởng. – Tôi nói. Cũng đến gần đây, tôi mới có thể khẳng định như thế.

Sau khi Khắc trở về, chúng tôi có gặp nhau vài lần nhưng không nói chuyện về Phương bao giờ. Với tôi, việc của bố anh và mẹ tôi, làm cho tôi không thể cư xử bình thường với anh như trước. Với anh, sau một khoảng thời gian biền biệt mất tích, không thể trở lại và hô biến mọi việc như xưa. Những gì thuộc về quá khứ đều được tránh nhắc lại, mà nổi lên trong số đó, Phương là điều cấm kị nghiệm trọng nhất. Cho đến gần đây, nếu không phải tôi đột quỵ, gần lọt vào thực đơn cho tử thần, thì Khắc cũng chẳng bao giờ nhắc đến.

Anh đến thăm tôi sau khi tôi tỉnh lại vài ngày. Tôi nằm trong bệnh viện tĩnh dưỡng, người chằng chịt ống hút kim châm. Ánh mắt Khắc nhìn tôi, lại đượm vẻ mùi mẫn huynh đệ như trước. Sau khi thăm hỏi vài ba câu, chúng tôi nhìn nhau, chẳng biết nói gì thêm. Hai ông già chưa tới mà trẻ quá thì, lưỡng lự trong việc phát ngôn, rồi như nén quá lâu, cả hai cùng bật lên một lúc :

- Thực ra có một chuyện…

Cả hai ngưng bặt, nhìn nhau. Khắc nhường tôi nói trước.

- Em muốn biết một chuyện. – Tôi nói khó nhọc vì lồng ngực đang đè nặng máy móc – Đã lâu rồi, nhưng em vẫn không hiểu được … Tại sao ngày ấy, đám cưới với Phương …

Tôi nhắc đến tên người con gái ấy, lập tức, sóng gió lại nổi lên. Cũng chẳng cần dài dòng, Khắc đã nói luôn :

- Thực ra anh cũng muốn nhắc tới chuyện này. – Khắc cau có, nếu không phải mái tóc muối tiêu của anh nhắc nhở tôi về tuổi tác, chắc tôi vẫn nghĩ anh là một gã trẻ tuổi đang lâm vào cơn giận bộc phát.

- Cô ta ! – Cách Khắc thốt lên về Phương làm tôi ngạc nhiên – Ngày trước, anh thực sự mê mẩn cô ta, đến phát điên lên được. Chắc chú cũng biết, anh tôn trọng cô ta, yêu chiều cô ta. Thế mà con đàn bà ấy ! Mẹ kiếp ! Anh cầu hôn bao nhiêu lần cô ta đều từ chối. Khi thì nói còn trẻ quá, khi thì bảo gia đình thế này thế kia, rồi đủ thứ này nọ, cứ chù chừ mãi. Thế rồi một hôm cô ta lại chủ động đề nghị chuyện cưới xin. Anh mừng rơi nước mắt, giờ nghĩ lại mới thấy mình dại, sao không mảy may nghi ngờ gì cả. Cho đến một tuần trước đám cưới, cô ta gọi điện báo cho anh cái kết quả khám thai, cô ta có thai hai tháng rồi !

Tôi nhìn vẻ mặt giận dữ của Khắc, không hiểu :

- Em tưởng thế là tốt chứ ? Phương mang thai, làm đám cưới nữa, song hỉ lâm môn còn gì ?

- Trời ạ ! Sao chú ngu thế ? – Khắc gắt lên cả với tôi, rõ ràng đang mất bình tĩnh – Đã hơn hai mươi năm rồi anh vẫn còn thấy tức. Cô ta muốn cưới anh cũng chỉ để kiếm cho cái thứ trong bụng một người để gọi bằng bố ! Tí nữa thôi, anh đã phải đổ vỏ cho thằng khác. Chú biết lúc ấy cô ta nói gì không ? Rất trơ trẽn thú nhận mình đã chửa với thằng khác. Còn nói rằng không muốn lừa dối anh, lợi dụng anh, cho anh lựa chọn. Nếu yêu cô ta thật lòng thì phải chấp nhận cả đứa con hoang kia. Mẹ kiếp, yêu đương gì cái ngữ ấy ? Đồ mất dạy !

Tôi xen giữa tràng chửi bới của Khắc một câu hỏi thừa thãi :

- Thế đứa bé … không phải của anh ?

- Đương nhiên không ! – Khắc gào lên căm tức – Anh chưa bao giờ động vào cô ta cả. Yêu nhau bao nhiêu năm trời, ôm hôn còn đếm trên đầu ngón tay nữa là. Hễ anh có ý định là bị cô ta gạt phăng, nói là phải đợi tới đám cưới. Cái gì mà tôn trọng nhau với chả truyền thống giữ gìn ? Anh còn nghĩ cô ta là loại con gái biết tự trọng và đức hạnh lắm. Bố mẹ đều làm giáo viên có khác, quả là gia giáo. Những khi cô ta cự tuyệt anh cũng không cố ép buộc, chỉ giục mau mau cưới. Thế mà …

Khắc lại tiếp tục chửi rủa, từ lịch sự cho đến tục tĩu, từ nguyền rủa cho đến tiếc rẻ. Sau hai mươi năm, Phương vẫn làm Khắc nhức nhối đến thế. Còn tôi, sau hai mươi năm, choáng váng bởi một sự thật, cũng bởi Phương thôi.

“Không thể nào…”, Tôi lẩm bẩm, “Đứa trẻ trong bụng Phương … phải là … con Khắc”.

- Ơ hay ! Đã bảo anh chưa động vào cô ta một lần nào cơ mà. Hồi học đại học, cô ta luôn luôn nói là phải đi đường nào, về đường nấy, giờ giấc nền nếp không thì bố mẹ mắng. Ra ở riêng thi hễ anh lại gần là cô ta kêu khóc thảm thiết, nước mắt ngắn nước mắt dài như thể sắp bị anh cưỡng hiếp không bằng. Mà rõ ràng, anh là người yêu của cô ta chứ có phải thằng ất ơ nào đâu !

- Nhưng … nhưng … - Tôi cố nhớ lại – … những đêm ngủ lại nhà Phương ?

- Cô ta chui tọt vào phòng và khóa trái cửa, lần nào cũng thế ! Khốn kiếp ! Đạo đức giả thật ! Hoài công anh giữ gìn, chờ mong đến ngày cưới, biết thế …

Tai tôi ù đi. Lần đầu tiên của tôi và Phương là khi cô ấy tốt nghiệp đại học. Trước lúc ấy, cô ấy vẫn còn trong trắng và sau đó, nếu cô ấy và Khắc chưa từng …

- Vậy… thế thì… đứa con trong bụng Phương… - Tôi hỏi trong vô thức - … là của ai ?

- Anh cũng đang định hỏi chú đây ! Chú cũng thân với cô ta mà. Thử nhớ lại xem, trong những lúc anh đi công tác, cô ta đã léng phéng với thằng nào ?

- Phương đã nói gì sao ? – Tôi hỏi, vừa hồi hộp vừa lo sợ.

- Nói thì anh hỏi chú làm gì ? Anh lồng lộn truy tên cái thằng đốn mạt đó mà cô ta kiên quyết không nói. Cứ lắc đầu quầy quậy bảo là “Anh không biết đâu, không biết đâu !”. Cô ta nhất quyết bao che cho cái thằng đó, bị nó bỏ rơi mà vẫn không tỉnh ra. Anh có đe dọa cỡ nào cũng vẫn câm tịt như hến, nước ấy rồi mà còn ra vẻ, nhất quyết không hé răng nửa lời. Cô ta làm anh phát điên, không chịu nổi mà bỏ đi. Ngày cưới sắp đến, cô dâu lại chửa ễnh với thằng chó chết nào. Sao anh lại đâm đầu vào loại đàn bà như thế nhỉ ? Anh không nói nổi với người thứ ba, chỉ biết bỏ chạy. Mãi về sau, khi đã nguôi ngoai phần nào, anh nghĩ đi nghĩ lại vẫn không tìm ra được tên cái thằng khốn kia. Chú nói xem, rốt cuộc thằng đó là ai ?

Hơn hai mươi năm qua, Khắc rõ ràng đã bị dằn vặt ghê gớm lắm. Còn tôi, nhất thời không biết trả lời ra sao, lúng túng như gà mắc tóc :

- Em … em … không biết.

Thái độ ấp úng của tôi bị Khắc quy cho là đang che giấu nghi phạm.

- Rõ ràng chú biết gì đó, đúng không ? Có cái tên nào lóe lên trong đầu, phải không ?

Tôi có nên tự nói tên mình ra không ? Để Khắc giật hết mấy đống dây dợ này ra khỏi người tôi cho tôi đi đời luôn ? Ngoài tôi ra, phải còn ai khác chứ, không thể nào là tôi được, nếu là tôi, Phương đã phải nói cho tôi biết rồi.

- Thực ra … - Tôi như đang cố biện minh thoát tội cho bản thân - … thực ra có một lần, em thấy, Phương, cô ấy đang … ở cùng một … gã.

Đó là lần tôi bắt quả tang Phương đang ôm ấp một gã trai, tôi đứng trong nhà, tận mắt thấy gã đó gục mặt vào vai Phương. Hai người thân mật nhường ấy, chắc chắn có gì đó mờ ám. Nếu không phải con của Khắc, Phương không đi tìm Khắc, thì cô ấy chỉ có thể đi tìm gã đó. Nhưng khi tôi tả lại ngoại hình gã đó, với đôi mắt một mí hiếm gặp và cái cằm nhọn tinh ranh thì Khắc dội vào giả định của tôi một gáo nước lạnh :

- Là Thuận, em họ Phương. Chú không biết là đúng rồi, cậu ta đi du học Pháp, dạo ấy mới về. Anh gặp rồi, còn nhuộm tóc nửa đen nửa trắng đúng không ?

Lời Khắc nói làm tim tôi thót lại. Cái quả tim vừa chống đỡ cơn đột quỵ, nay lại càng suy sụp trước những dòng kích động đột ngột.

Một người thường xuyên qua lại với Phương, một người khiến cô ấy phải che giấu Khắc, một người khiến Phương dù luôn cự tuyệt anh nhưng lại ngoan ngoãn nương theo mọi đòi hỏi.



- Chú có nghĩ ra là ai không ? – Khắc hỏi.

Tôi đâu còn nghe được gì, chỉ cảm tưởng toàn thân rớt sâu xuống một cái vực không đáy, mịt mù, giá lạnh và đen kịt một màu.

Tôi ngất đi. Đến lúc tỉnh lại, xung quanh bác sĩ bu đầy, cả vợ tôi và Khắc đều đứng ngoài phòng bệnh. Khắc hối hận vô cùng vì đã khiến tôi bị kích động ngay trong thể trạng yếu ớt. Nhưng tôi mới là người phải hối hận.

“Vậy nếu Phương có bầu, Hiếu cũng sẽ cưới Phương chứ ?”

Phương đã từng hỏi tôi như thế. Nhưng tôi đã không thể cho cô ấy một lời hứa hẹn. Có thể không ? Liệu chăng đứa trẻ ấy, cha của nó là tôi ? Tôi lịm người vì ý tưởng quá mới mẻ và đường đột, thậm chí đến mức không tưởng. Nếu đó thực sự là con tôi thì sao ? Hơn hai mươi năm qua, bỗng nhiên tôi phát hiện bản thân có một đứa con, với một người, không chắc đã yêu tôi nhưng tôi yêu tha thiết.

- Vậy là Phương đã có con với bác ? – Hoài hỏi, không giấu nổi vẻ xúc động – Dẫu cho hai người chưa từng gặp lại nhau trong một khoảng thời gian dài đến thế ? Dẫu cho …

Đôi mắt cô bé đẫm nước, những giọt nước long lanh tựa pha lê gieo vào lòng tôi một nỗi niềm, không rõ là ngậm ngùi hay hân hoan.

- Cũng có thể không phải con của bác. – Tôi nói – Bởi vì bác và Phương, một mối quan hệ kéo dài hơn hai năm, có lí nào, cô ấy lại bỗng muốn có con với bác ? Không phải sớm hơn hay muộn hơn mà lại là lúc đó. Hơn nữa, nếu bác là cha đứa bé, tại sao Phương không nói cho bác biết ? Cô ấy có thể đòi hỏi trách nhiệm nơi bác mà. Sao cô ấy phải bỏ đi ? Mà đi đâu cơ chứ ? Cô ấy không nhất thiết phải bặt vô âm tín như thế. Chưa biết chừng … - Tôi ngập ngừng điềm gở - … Phương bỏ đứa bé rồi.

Tôi nói vậy thôi, còn trong thâm tâm, tôi vẫn hay mường tượng, mình còn có một đứa con. Thời gian trôi qua, nó đã lớn khôn dần, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm lại cao lên một chút. Nếu nó là con trai, nó sẽ giống tôi ; là con gái, nó sẽ giống Phương. Chẳng hiểu sao, theo một mối linh cảm lớn lao, hoặc do hi vọng quá mức, tôi tin tưởng đó là một đứa bé gái. Đến một ngày kia, một ngày đẹp trời không báo trước, sẽ không giống tất cả những ngày buồn tẻ khác, sẽ có một cô bé đến gõ cửa nhà tôi. Cô bé cầm theo chiếc máy bay giấy, ghi mấy dòng chữ non nớt vụng dại, hệt như tôi đã từng ghi khi lên sáu : “Con muốn có bố”. Tôi sẽ là người ra mở cửa, sẽ sững sờ. Nhưng không giống câu chuyện đeo đẳng tôi suốt thời niên thiếu về người cha thiếu trách nhiệm kia, tôi sẽ ôm chầm lấy con gái tôi, hôn miết và ôm chặt, miệt mài đắm chìm trong niềm vui đoàn tụ. Nước mắt trào ra như suối, tôi ngắm nghía đứa con gái bé bỏng, mang vóc hình xinh xắn, hệt như mẹ nó – một hiện thân của Phương, rõ ràng biết mấy, gần kề biết mấy.

Và trong cơn mê man hạnh phúc, tôi thoáng thấy lại Phương, ảnh hình tuyệt diệu ám ảnh tôi hơn hai mươi năm trời mà mãi đến khi già nua yếu đuối, tôi mới được thấy lại.

Tôi cứ chờ, ngày nào cũng chờ. Nhưng cái ngày ấy cứ ngày một xa, xa dần, khắc khoải để thành viển vông.

Hoài ngẩn ra, nín khóc. Trong khi tôi, nước mắt lại lã chã lăn dài. Lần đầu tiên trong suốt câu chuyện, tôi bật khóc. Tôi đã chờ đợi, mòn mỏi mong Phương quay về. Tôi đã tìm kiếm, ráo riết mong tái ngộ. Thế mà tất cả đều vô vọng.

Phương biến mất, như nàng tiên cá trong câu chuyện cổ An-déc-xen, kết truyện hóa thành bọt biển. Thế tôi là chàng hoàng tử ngu ngốc ấy ư ? Tôi đã phạm tội lỗi gì thế ? Sai phạm gì đã khiến Phương của tôi ra đi ? Cô ấy đang ở đâu ? Làm gì ? Có bình an không ? Đứa con kia, liệu có phải con tôi ? Tôi chẳng bao giờ hay biết.

- Bác … bác … - Hoài bối rối tìm lời an ủi tôi.

Lạ lùng là một ông già lại nhận được sự an ủi từ một cô gái trẻ. Tôi thấy cay đắng hơn là mỉa mai. Đến khi trấn tĩnh lại, để khiến Hoài bớt khó xử, tôi chủ động đi vào vấn đề chính :

- Thực ra hôm nay bác gặp cháu, kể cho cháu tất cả những chuyện này, không phải chỉ vì cháu là bạn của thằng Phương nhà bác, mà còn vì cháu là một luật sư.

- Dạ ? – Hoài rõ ràng vừa bất ngờ vừa bối rối.

Tôi giải thích :

- Bác muốn lập di chúc.

Hoài càng ngạc nhiên hơn.

- Sao bác phải làm thế ? Ý cháu là, giờ còn quá sớm.

Tôi lắc đầu, đưa cho Hoài vài thứ giấy tờ, tôi đã sắp xếp hết trong đó. Mọi thứ cũng chẳng có gì phức tạp. Tôi chỉ có một thằng con trai, nó cũng là đứa ngoan hiền, không phải bận tâm lo nghĩ nhiều. Chỉ là tôi còn có một di nguyện.

- Bác muốn sau khi bác mất, cháu có thể kể lại câu chuyện ngày hôm nay chúng ta nói cho thằng Phương. Bác biết thế thật là phiền nhưng mong cháu giúp cho.

- Dạ ?

- Bác không còn nhiều thời gian. Sau trận đột quỵ, sức khỏe bác đã suy giảm trông thấy. – Chẳng hiểu sao, tôi tự biết quỹ thời gian của mình sắp tận, dù tôi, đáng lí còn hơn hai thập kỉ để chạy trốn nó. Cũng chẳng hiểu sao, tôi cảm giác mình đã mất đi động lực để chờ đợi một kết thúc.

Càng về gần đây, tôi càng nghĩ về Phương nhiều hơn, lắm khi, tưởng như cô ấy ở ngay bên cạnh mình, chỉ cần quay người lại là thấy Phương đang tì gò má vào lưng tôi. Tôi còn nghe rõ mồn một tiếng cô ấy thở dài ảo não như luyến tiếc điều gì. Không hiểu sao trong tim tôi cứ thường trực một mũi kim chích, ri rỉ ứa máu và ám ảnh triền miên, cả thực tại lẫn ảo giác. Đến độ, nhiều đêm tôi choàng tỉnh vì mơ thấy Phương, cô ấy đang ở ngay trước mặt tôi thôi. Thời gian trôi qua vẫn nguyên hình vẹn sắc, đôi mắt long lanh những khối thủy tinh li ti, hướng đến tôi với một nỗi mong ngóng mãnh liệt. Biết là ảo giác nhưng tôi vẫn chồm dậy, gắng túm lấy Phương, miệng thét gọi, rít gào não nùng trong đau đớn.

Đan nằm cạnh tôi, giật mình tỉnh giấc. Sáng hôm sau, Đan hỏi tôi mơ thấy gì, sao lại gọi tên Phương.

- Anh mơ con trai mình bị sao thế ? – Đan hỏi, hiểu lầm do cái tên nhưng tôi không cải chính.

Đan suốt hai mươi mấy năm làm một người hiểu sai vấn đề, giờ thêm một nhầm lẫn cũng chẳng to tát gì. Chỉ có điều, tôi không thể dìm hồi ức về Phương vào đáy sâu thêm nữa. Vì cuộc nói chuyện với Khắc, vì tôi càng ngày càng thấy sinh lực đang bị hút cạn, nên người con gái ấy bỗng trở lại hay sao ? Sau hơn hai mươi năm biền biệt, tưởng đã vùi lấp mãi sâu, nay lại trỗi dậy, bạo liệt quá, cuồng nhiệt quá !

- Bác vẫn tìm kiếm Phương và đứa con, có thể là con của bác. Nhưng bác e là đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không thể tìm ra họ. Phương luôn biết cách làm khó bác. – Tôi cười khổ - Nên bác muốn con trai mình tiếp tục tìm kiếm, bác muốn nó, nhất định nó phải tìm ra người có thể là chị hay anh ruột của nó. Bác không dám chắc một điều gì. Nhưng nhất định, thằng Phương phải giúp bác hoàn thành tâm nguyện này. Nó sẽ tìm ra và chăm sóc thật tốt cho hai người họ, thay cho bác.

- Bác đừng nói thế ! – Hoài có vẻ như lại sắp khóc – Bác có thể tự mình, ý cháu là, tự bác có thể tìm ra họ mà.

- Không nên quá lạc quan ! – Tôi cười buồn bã. Đã suốt một thời gian dài như thế hai người họ bặt vô âm tín, giờ không nên trông mong quá vào một điều siêu thực.

Đúng lúc đó, đồng hồ điểm một tiếng, nhích đến vạch số tám. Chúng tôi mải nói chuyện, quên cả thời gian. Trời đã tối từ bao giờ.

Tôi nhanh chóng cung cấp thêm vài thông tin, trả lời đầy đủ yêu cầu và được chỉ dẫn tỉ mỉ về trình tự làm một bức chúc thư. Cũng phải hơn chín giờ tối tôi mới ra về. Trước khi đi ra khỏi cửa, Hoài đột nhiên hỏi tôi :

- Bác nói tên người em họ của Phương là gì nhỉ ? Cái người mắt một mí và cằm hơi nhọn ấy ạ ?

- Thuận. – Tôi đáp, liếc nhanh đến bao thư trên nóc tủ - Cháu không định suy nghĩ lại về nó à ?

- Dạ ? – Hoài hơi giật mình vì cô bé đang chú tâm vào một vấn đề khác.

- Về lá thư của mẹ cháu. Cháu không định đọc thử xem nó viết những gì à ? Bác không nói là cháu có thể đang hiểu lầm về bố mình. Chỉ là, cháu nên cho ông ấy một cơ hội. Dẫu có sai lầm thì ông ấy cũng xứng đáng có một cơ hội, đúng không ?

Tôi nhìn Hoài, nói đùa :

- Mà biết đâu, ông ấy cũng đang khổ sở tìm kiếm cháu như bác bây giờ thì sao ?

Người Hoài hơi chùn lại vì lời tôi. Nhưng tôi không mấy để tâm vì sau đó, cô bé cũng đi tới chỗ lá thư ngay tức khắc. Có lẽ tôi đã thuyết phục thành công ?

Tôi trở về nhà khá muộn, làm Đan lo lắng vô cùng, lại sợ tôi có chuyện gì. Lạ thật đấy, tôi còn chưa già lẫn cẫn mà Đan đã nghĩ vẩn vơ thế rồi. Còn thằng con tôi, từ ngày chuyển ra ở riêng, chỉ cuối tuần mới về nhà, không thì mất mặt. Lắm khi nó đi chơi, hai ngày cuối tuần cũng “lặn” luôn.

Được cái tuần này, nó chịu mò về cho tôi thấy mặt. Thằng bé giống mẹ y đúc, mặt mũi xinh xẻo như con gái, tính tình cũng thiếu kiên nhẫn và hay tưởng bở. Vừa về nhà nó đã xịu mặt buồn xo vì không liên lạc được với Hoài. Cô bé tắt máy, tìm đến nhà thì cửa khóa không có ai. Tôi nghĩ thằng con tôi đã kì vọng hơi quá chớn ở Hoài, nghĩ rằng mình là một cái gì đó quan trọng, để bây giờ, Hoài khước từ không một lời thông báo, nó mới hụt hẫng thế.

Đến tối, có một gói bưu kiện được chuyển cho tôi. Là cuối tuần nên tôi lại giam mình trong phòng sách. Tôi bóc lá thư đính ngoài bưu kiện ra đọc. Đó là một lá thư dài, thi thoảng có chữ bị nhòe đi vì những chấm nước tròn, như thể có ai đó đã vừa đọc vừa khóc. Trên đó là một dòng chữ quen thuộc, những nét móc đưa lên đưa xuống nhịp nhàng, gợi một ấn tượng thân thương xa vời. Để đến khi nhận ra, tim tôi thót lên một nỗi hồi hộp khôn tả.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Có Khi Nào Rời Xa

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook