Độc

Chương 7

Độc

20/08/2015

"Nếu những con tinh trùng được biết tương lai ngày sau của chúng, ắt hẳn không ít con sẽ chọn lựa đâm đầu vào thành tử cung tự sát thay vì cố sống cố chết bơi đi tìm trứng. Mà có khi chính trứng cũng tự ung thối trước khi tinh trùng đến."

Hai người đàn bà vội vã rời khỏi nhà, tất tả đội nắng đến trụ sở công an phường - nơi đang câu lưu Hào. Cô phóng xe như bay trên đường, quên cả đoạn đường một chiều vừa mới phân chia lại cách đây không lâu nên liền bị cảnh sát Giao thông thổi phạt. Biết mình sai, cả hai trình bày và đưa thẻ công tác ra chứng minh. May mắn, họ gặp nhân viên công quyền hiểu chuyện, anh ta thông cảm, cũng như không quên dặn cô tập trung khi điều khiển phương tiện giao thông nhằm tránh gây tai nạn cho người khác và bản thân. Đến trụ sở Công an phường, hai chị em lập tức nhận ra Hào ngồi thu lu trong góc phòng, mặt bầm tím, hơi thở khò khè khó nhọc. Bà ngoại Hào và một thành viên trong nhóm Đồng đẳng đứng bên ngoài.

Thấy bọn cô, Hào khóc tu tu như đứa trẻ lên ba, vừa bổ nhào vừa bò lê về phía cửa sổ, kêu lên thống thiết: "Chị... chị... em thề đó, em không có làm. Tin em nha chị..."

"Mày định trốn hả thằng Sida?" Âm giọng quát lớn vang lên sau tiếng đập bàn của anh điều tra viên làm thằng bé co rúm lại.

Sau khi trình bày và được giải thích, bọn cô hiểu ra, Hào bị bắt do sáng nay có cô gái đến báo án là đêm qua bị cướp xe máy ngay đoạn hẻm vắng gần nhà thằng bé. Run rủi thế nào, cô gái kia mô tả nhân dạng lại khá giống Hào và thêm chi tiết cô gái bị nghi can chích vật nhọn vào tay, còn hăm dọa là máu nhiễm HIV, chẳng trách bên điều tra nghĩ ngay đến Hào. Khi đối chất, cô gái kia cho rằng nghi can có nhiều nét giống Hào nhưng do đêm tối nên chưa dám khẳng định. Hào lại một mực không nhận tội...

Hào thề sống chết với bọn cô là đêm qua chỉ ở nhà xem tivi một mình, chương trình Olympia. Tự bản thân, bọn cô cũng hiểu Hào dẫu có gan cũng chẳng đủ sức, một người đến ăn uống còn khó khăn thì nói gì đến cướp bóc. Bọn cô vận dụng mọi lý lẽ, quyền, trách nhiệm, hiến pháp,... tựu chung là tất cả lý tình đều được đưa ra nhằm thuyết phục nhưng bên điều tra vẫn quả quyết xóm đó chỉ có mình Hào nhiễm HIV, mặt khác cũng chẳng ai có thể làm chứng Hào ở nhà khi vụ án xảy ra. Họ còn cho rằng chẳng cần Hào khỏe mạnh như những kẻ cướp khác bởi ba chữ "HIV" còn đáng sợ hơn gươm đao.

Cáo và cô nhẫn nhục nghe mắng, thậm chí là xuống giọng van xin nhưng các vị công quyền vẫn nhất định tạm giam Hào, chờ điều tra. Nếu đợi công văn can thiệp từ những nơi có thẩm quyền ban xuống thì liệu Hào có còn đủ thời gian? Nhỡ chẳng may... thì oan khiên này sẽ chìm vào lãng quên ư?

Lúc sau, bố Hào cũng đến. Người đàn ông gần năm mươi ăn mặc sang trọng, tóc chải bóng mượt. Ông ta hối hả bước vào, bất chấp nơi đây là cơ quan công quyền, bỏ mặc ánh mắt trông chờ sự chở che của con trai, cao giọng quát: "Thằng mất dạy! Mày làm nhục tao chưa đủ hay sao? Dòng họ nhà này không có thứ con cháu như mày..."

Nếu không có sự can thiệp từ các công an viên, cô sẽ chẳng loại trừ khả năng ông bố đạo đức cao ngời này vì quá hổ thẹn mà lao vào cho Hào dăm bạt tai; thậm chí nếu có thể hô biến Hào chưa hề tồn tại giữa cõi đời này lại càng hay.

Trong lúc sự vụ rơi vào bế tắc, Cáo vẫn tỏ ra bình thản, dúi vào tay anh nhân viên trực ban ít tiền; cậy nhờ anh ta để mắt đến Hào rồi kéo cô ra quán nước ngay trước cửa cơ quan công quyền. Vừa ngồi xuống, Cáo lập tức buông lời: "Chị vờ xin đi vệ sinh, đã biết mặt cô gái báo án kia. Đến nước này thì phải liều, có sai luật cũng làm. Khi nào cô gái đó ra, chị em ta tìm cách tiếp cận. Chị tin Hào!"

Mươi phút sau, cô gái kia bước ra. Đó là một cô gái trẻ, tuổi không quá hai mươi, trông khá xinh xắn. Cáo nháy mắt ra hiệu với cô, hai chị em ôn tồn tiến đến gần đối phương. Bằng động tác vừa đủ chậm vừa đủ nhanh, cô lướt tấm thẻ công tác có in hình ngang qua tầm mắt cô gái, tự xưng mình là nhân viên của một tổ chức hỗ trợ, can thiệp quyền Phụ Nữ mỹ miều nào đó và nói với âm giọng chuyên nghiệp có chứa đựng sự cảm thông sâu sắc dành cho người bị hại. Đối đáp qua lại dăm câu, cô gái kia có vẻ tin khi đồng ý vào quán nước. Những hoàn cảnh thế này, Cáo thường nhượng quyền phát ngôn cho cô bởi câu lời của Cáo đôi khi chẳng hề dễ nghe. Cô cười nói đến đau cả cạnh hàm, ngọt nhạt đủ điều mà cô gái kia vẫn khăng khăng là: "Thằng cướp xe em giống cái thằng sida trong đó." rồi "Cái loại đó chết đi sống chi chật đất."...

Gần bốn mươi năm sống với đủ nhục vinh trên đường đời nhưng hiếm lần Cáo cảm thấy uất nghẹn và bất lực như lúc này. Nghĩ về Hào, đứa trẻ chết non ngay từ khi vẫn còn thở; nghĩ về những đứa con của mình, Cáo xẵng giọng: "Em nói em đã bị nghi can đâm vật nhọn có dính máu?"

"Đúng rồi! Còn vết nè chị." Cô gái kia cao giọng, vạch cổ tay áo, trưng ra đốm đỏ như mụn.

Đối diện cô gái xa lạ kia bằng nét mặt xót thương hiếm thấy, Cáo thở dài: "Tội nghiệp em quá! Xinh đẹp, trẻ trung như vầy mà nhiễm HIV thì... Còn bị cả phường cả xã lời ra tiếng vào."



Phàm là con người có sai sẽ tự lạnh gáy khi nghe đến công luận xã hội. Cô gái kia quýnh quáng níu tay cô, hỏi dồn: "Là.. là sao hả chị?"

Lòng cô bất giác mỉm cười chua chát, môi mép bắt đầu vẽ vời nửa thật nửa ảo rằng, nếu bị đâm vật nhọn có chứa máu nhiễm HIV thì khả năng bội nhiễm lên đến 99% nên phường này sẽ mặc định thông báo về địa phương nơi cô ta đang cư trú để tiện bề theo dõi; rằng theo dự thảo mới, cô ta sẽ cách ly với cuộc sống cộng đồng cho đến khi xác định được tình trạng lây nhiễm, kéo dài từ sáu tháng đến một năm; rằng bản thân cô ta và gia đình phải đối mặt với không ít điều tiếng, khó khăn. Nói chung là không được xã hội nhìn nhận như một con người. Cô đang nói dối dựa trên sự thật tàn nhẫn thu được từ những ngày tháng sống đời nhân viên thiện nguyện này.

Khuôn mặt cô gái bắt đầu tái nhợt. Sau đó cô ta thú nhận là mình đã báo án giả. Xuất phát điểm của cả sự việc bắt đầu từ mối quan hệ yêu đương trên mạng ảo. Cô ta hẹn hò cùng người tình ảo và không ngờ bị lừa mất xe nhưng thiếu cam đảm nói thật với gia đình. Để lẩn trốn sự trách phạt lẫn nhục nhã, cô ta dựa theo những vụ án đâm vật nhọn có dính máu nhiễm HIV nhằm cướp của gần đây. Vô tình cô ta lại có người bạn từng thuê trọ gần nhà Hào, biết Hào nhiễm HIV nên thuận tình dựng nên câu chuyện có vẻ hợp lý này. Thật lòng cô ta không nghĩ mọi chuyện phát triển theo chiều hướng phức tạp như hiện tại nhưng trót đâm lao đành phải theo lao.

Đứng giữa hai con người non trẻ dại dột, cô chẳng biết phải khóc cười thế nào cho vẹn toàn. Đành làm người dối trá thêm lần nữa, bày cho cô gái cách để vừa không bị gia đình phát hiện vừa giảm thiểu mức độ tình nghi của Hào đến tối đa. Cô dặn cô gái quay lại Công an phường xin bổ sung lời khai với chi tiết nghi can đầu trọc, nói giọng miền ngoài; nếu các điều tra viên có hỏi thêm thì lấy lý do vì còn hoảng loạn nên không thể nhớ tường tận. Cô gái lập tức đồng ý và cô cũng thú nhận là mình đã nói dối kèm theo lời giải thích, không quên đính chính lại những thông tin sai lệch.

Tuy nhiên, Cáo không đủ ôn hòa như cô. Thấy cô gái kia trợn trừng mắt nhìn cả hai, Cáo vẫy vẫy chiếc điện thoại trong tay: "Những gì cô nói, tôi đã ghi âm lại nên đừng nghĩ đến chuyện lẩn tránh. Vì sĩ diện hảo của bản thân, cô lại tự cho bản thân quyền được đẩy một người khác vào cảnh oan ức. Liệu cô có thể lấy về tôn nghiêm đã mất không? Tôi nói cho cô biết, thằng bé bị đổ oan kia chỉ trạc tuổi cô nhưng cô còn có cả tuổi trẻ để sống, để sai để rút kinh nghiệm nhưng nó thì không. Nó đã sai - một sai lầm chỉ có thể trả giá và chờ phán quyết. Nên tôi rất sẵn lòng khiến cô phải trả giá với sai lầm của mình, nếu cần!"

"Em... em biết mình phải làm gì rồi." Cô gái lí nhí nói, không dám nhìn thẳng vào nét mặt cay nghiệt của Cáo.

Cáo nhếch môi: "Cô bé này! Tuổi trẻ thật ra không quyền năng vô tận như người ta vẫn ca tụng đâu. Tôi chỉ muốn nói với cô rằng, đừng dễ dãi đặt niềm tin và tùy tiện phán xét người khác dẫu cho đối phương có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ hoặc chỉ là bà cụ ăn xin trên vỉa hè ngập ngụa rác bẩn. Nhớ!"

Sau khi nạn nhân là cô gái cung cấp thêm manh mối mới, bên điều tra đã cho Hào được bảo lãnh tạm thời. Mọi chuyện cũng đã phần nào được giải quyết ổn thỏa bởi chẳng ai muốn đào sâu vào vụ án lướt mắt nhìn qua cũng đã thấy lỗ hổng đầy rẫy này. Đến đàn bà dốt nát như hai chị em cô mà chỉ cần vài câu đã có thể vạch ra vấn đề, huống chi các nhà công quyền được đào tạo chuyên sâu. Đơn giản chỉ vì Hào nhiễm HIV nên đúng và sai vốn dĩ mong manh càng thêm mong manh.

Chị em cô lười biếng không muốn đối mặt thêm với bà ngoại và bố Hào nên chỉ lặng lẽ đứng chờ bên ngoài, đợi Hào ra để dặn dò dăm lời rồi ngược nắng tà dương quay đi.

Đây không là trường hợp đầu tiên cũng chẳng là cuối cùng trong công tác của bọn cô. Đắng chát và giận dữ mãi rồi thành quen! Nhiều năm về trước, cô từng đối mặt với một sự việc tương tự, khi ấy cô vẫn chưa đủ bình thản nên gầm thét đòi kiện tụng cho ra nhẽ. Cáo đã cười nhạt bằng nửa vành môi xám khói thuốc, hỏi lại rằng kiện ai và ai sẽ xử? Với một thành phần không nhỏ những con người tự cho rằng mình cao cao tại thượng trong xã hội này thì ai đó nhiễm HIV đồng nghĩa đánh mất quyền được làm con người. Cũng đúng thôi, bởi phần đông những đối tượng nhiễm HIV có xuất thân bất hảo, không được giáo dục tốt, thường gây bất an cho nền trật tự xã hội. Người ta chỉ cần nghe đến ba chữ "HIV" đã che mặt quay đi, thì mưu cầu sự cảm thông hay hòa đồng vẻ chừng quá xa xỉ. Nhưng cái cách mà chúng ta (những người còn mang tâm lý kì thị) ghẻ lạnh họ (người nhiễm HIV) chỉ khiến căn bệnh này sinh sôi nảy nở nhiều hơn, nhanh hơn, đẩy họ vào con đường tuyệt vọng sâu hơn. Nếu dư luận xã hội độ lượng thêm đôi phần, biết đâu biểu ngữ "cứ mười lăm phút trôi qua có thêm hai người nhiễm HIV mới trên toàn quốc" đã đổi khác.

Hơn mười hai giờ đêm, cô và Cáo vẫn đang vùi đầu vào hai chiếc máy tính, chung quanh là những chồng hồ sơ cao ngất. Giữa ánh đèn vàng, cả căn phòng nhỏ chìm sâu vào tiếng gõ phím lách cách không ngừng nghỉ. Đột nhiên, nhạc điệu quân hành lại vang lên. Cáo thở hắt ra, đưa tay gỡ cặp kính cận ra khỏi đôi mắt hằn những tia máu đỏ rồi với lấy chiếc điện thoại nằm lẫn vào đống giấy tờ.

Nét mặt Cáo tái dần theo từng câu lời đến từ bên kia đầu dây, cuộc gọi diễn ra chưa tròn phút. Cáo nắm chặt điện thoại trong lòng bàn tay ướt đẫm, cất lên âm giọng chưa hết bàng hoàng: "Hào đi rồi!"

Mười ngón tay cô bỗng tê cứng trên bàn phím. Trong khoảnh khắc ấy, cô cố vờ như chưa từng nghe qua nhưng thân hình vụt đứng lên.

Dưới cơn mưa lâm thâm đủ ướt áo người, hai chị em câm lặng ngược mưa đến thăm Hào lần cuối cùng. Cáo ngồi sau cô, hóp má rít thuốc tựa đang trêu ngươi gió mưa. Đốm thuốc lập lòe soi nét mặt người. Cô mím môi điều khiển xe bằng tốc độ thật chậm như muốn chờ đợi phép màu hư huyễn nào đó. Liệu đời bọn họ sẽ còn phải đưa tiễn thêm bao nhiêu lần nữa? Có người thân, có người quen, có người chưa kịp quen!



Hào nằm trên giường phủ khăn trải trắng toát. Gương mặt cậu bé chưa tròn tuổi hai mươi chẳng thanh thản dẫu linh hồn đã lìa khỏi thể xác. Chiếc cổ gầy trơ xương hằn sâu một quầng tím đen. Bà ngoại, mẹ và vài thành viên trong nhóm Đồng đẳng đứng cạnh Hào. Hai người đàn bà khóc thê lương, những người còn lại cũng chẳng ngăn được cơn lệ lòng. Cô không khóc mà nghe môi mình mặn đắng. Cáo càng không nhưng hai bàn tay vo tròn thành nắm đấm bất lực. Duy chỉ bố Hào vẫn chưa đến kịp.

Hai mươi năm - cuộc đời một con người, ngắn hay dài chẳng ai dám phân định. Hào muốn chứng minh sự trong sạch bằng cách treo cổ. Một hành động ấu trĩ nhưng sáng suốt trong nhìn nhận của cậu bé chưa kịp trưởng thành. Di thư để lại, Hào viết bằng tất cả nỗi đau: "Kính gửi Công An phường, chị L, chị P, anh D, nhóm 'Hy Vọng Xanh'. Xin hãy tin em, em không cướp xe của ai hết. Ba mẹ không tin em. Ba chửi em là đồ mất dạy hư hỏng còn đổ oan cho nhóm dụ dỗ em làm bậy lấy tiền nộp cho nhóm. Mẹ không la em nhưng la bà ngoại. Em sai, em hư, em chịu nhưng em không muốn mọi người đổ oan cho nhóm. Dù sao em cũng sắp chết rồi nên chỉ mong sau khi em chết đi, ba mẹ đừng nghĩ sai cho nhóm. Cảm ơn mấy anh chị và các bạn đã không ghét đứa không ra gì như em. À, nếu mọi người có rảnh thì nhớ ghé qua chơi với bà ngoại em, nhìn bà vậy thôi chứ cô đơn lắm. Trần Anh Hào!" Dăm dòng ngắn ngủi trong nét chữ nguệch ngoạc là chứng nhân duy nhất của một sinh mệnh tồn tại hai mươi năm. Xin nhấn mạnh là tồn tại!

Hai chị em rời khỏi bệnh viện khi hừng đông bắt đầu ửng. Đêm đang bàn giao cõi nhân sinh nhộn nhạo cho ngày cũng như bên trong nhà xác lạnh lẽo, người ta đang chuẩn bị đưa xác Hào về nhà, đặt vào một chiếc hộp gỗ, phong kín và vùi sâu vào lòng đất. Dăm năm sau, liệu còn mấy người còn nhắc nhở đến nắm xương trắng kia? Vì thế, bọn cô chỉ cố gắng đưa người còn sống đến chặng ga cuối; chẳng mong tiễn kẻ đã chết đi vào phai phôi.

Về đến nhà là khi mặt trời hồng phớt giữa màn mưa lất phất bay, Cáo cho phát bài "Die Young" với giọng nam khản đặc tựa như đang rên xiết giữa những nấm mồ hoang. Cô vừa pha cà-phê vừa lẩm nhẩm "... so live for today. Tomorrow never comes..." theo lời bài hát. Nơi ban-công hẹp, hai chị em ngồi bó gối, đốt thuốc. Mưa hắt vào mặt, chẳng đủ ướt tóc nhưng thừa lạnh cõi lòng.

Nhìn sững vào đốm lửa đỏ kẹp giữa hai ngón tay khá lâu, cô rời rạc nói: "Nếu bây giờ có ai đó nói với em rằng, tuổi trẻ được quyền làm sai, được phép nông nổi - em sẽ không ngại ngần cào nát mặt kẻ đó ra."

Cáo ngả người, tựa lưng vào cửa, một chân duỗi một chân cong. Làn khói trắng đục vờn quanh khóe mắt có thêm vài nếp nhăn: "Biết đâu... Hào đi như bây giờ là hóa hay," Cáo dừng lời, rít thêm hơi thuốc sâu và tiếp: "Dăm tháng nữa, nó sẽ ra đi với tư cách một kẻ nhiễm HIV thời kỳ cuối nhưng hiện tại, thằng bé lẫm liệt từ bỏ sinh mệnh như một người lính tuẫn tiết trên chiến trường cuộc đời. Ít ra là trong tầm mắt của chị!"

Phải! Hào đã hèn nhát chối bỏ sự sống của cá nhân vì can trường bảo vệ tôn nghiêm cho nhóm chung. Nơi có vòng tay cùng mệnh đời luôn dang rộng, ôm hết thảy vào lòng, ủi an nhau sống một lần cho vẹn tháng ngày nhục nhằn còn lại. Vòng tay ấy đã giúp Hào từ một cậu bé chỉ biết đến trò chơi điện tử ngày qua ngày để chờ chết thành cậu thanh niên có tin yêu, không ngại dư luận khi đứng trước bao người, đem chính cuộc đời mình ra làm bài học cảnh tỉnh. Hào cùng nhóm chẳng ngại gian khó, lặn lội đến tận hang cùng ngõ hẹp, chấp nhận hiểm nguy nhằm thuyết phục, vận động những con nghiện dùng kim tiêm sạch. Khi bố mẹ Hào bận sống cho cuộc đời viên mãn riêng mình, cũng chỉ có những người bạn nhóm cần mẫn chăm nom từng miếng ăn nhọc, từng viên thuốc đắng, từng vết lở loét cho một cậu bé Hào trong thời kỳ cuối. Người ta được quyền sống và chết cho lý tưởng của mình - một quyền bất khả xâm phạm!

Cô nhấp ngụm cà-phê nhỏ, lắng đọng cảm nhận vị ngọt trong vị đắng và nghe lòng thôi lạnh: "Có lẽ vậy! Hào đã đủ tuổi tự quyết nên cũng chẳng thể nói vì ai hay lỗi do đâu. Chỉ mong những ông bố bà mẹ trước khi cởi quần áo hãy suy xét đến trách nhiệm với con trẻ dẫu khi ấy, chúng còn chưa tượng hình."

Vẫn với nụ cười nhàn nhạt cố hữu, Cáo hài hước nói: "Nếu những con tinh trùng được biết tương lai ngày sau của chúng, ắt hẳn không ít con sẽ chọn lựa đâm đầu vào thành tử cung tự sát thay vì cố sống cố chết bơi đi tìm trứng. Mà có khi chính trứng cũng tự ung thối trước khi tinh trùng đến." Dứt lời, dăm tiếng cười lạnh ngắn, vỡ tan vừa khéo vang lên.

Trong những tiếng cười ấy có cả giọng cười của cô khi nhớ đến nét mặt của bố Hào. Cô rít thuốc, ngửa cổ nhả khói lên trời: "Ít ra bà mẹ dẫu có vô trách nhiệm đến nhường nào cũng biết rơi lệ. Còn ông bố..." Nói đến đây, cô chẳng biết phải dùng từ ngữ thế nào cho chính xác nên dừng hẫng. Ông ta là người đến sau cuối nhưng không phải đến để nhìn mặt hay đưa tiễn đứa trẻ tạo thành từ con tinh trùng lạc lối của mình mà đến để phân chia rành rẽ trách nhiệm tổ chức ma chay.

"Túm cái váy lại, là lỗi của đàn bà! Sai khi không tròn trách nhiệm người mẹ, sai vì chọn nhầm bố cho con. Đàn bà có bỏ chồng mười lần cũng chả là vấn đề nhưng bỏ con khi vẫn còn sống, còn thở là tội tử. Đàn ông có mấy người không đi bằng ba chân, trách thì được gì?" Cáo lãnh đạm buông lời rồi nhẹ bẫng thả rơi chiếc tàn thuốc còn cháy dở vào chai nước thay thế gạt tàn, đóng nắp. Đưa mắt nhìn đốm lửa tàn đang dần kiệt sức trong không gian nhỏ hẹp thiếu khí như Hào trong giờ phút cuối cùng khi thân thể ốm yếu đung đưa trên sợi dây vải đang từ từ thít chặt vào cổ, Cáo đứng lên: "Tranh thủ chợp mắt một lát đi! Phần báo cáo phải hoàn thành trong hôm nay." Nói xong, Cáo quay lưng thật nhanh với đôi môi mím chặt ngăn cơn đớn đau đang lan rộng.

Cô còn ngồi lại, mông lung nhìn mưa rồi vô thức lấy điện thoại ra, vào Youtube, gõ hàng chữ "Those were the days" vào ô Tìm kiếm. Chọn phiên bản tiếng Nga nhưng giọng nam quá cao, quá vang nên lòng cô chỉ hoài chênh vênh. Vì chưa từng có tuổi trẻ nên cô chẳng biết bản thân sẽ có gì tốt đẹp nếu phải đối mặt với những lựa chọn như của Hào, của cô gái trẻ báo án sai kia. Có lẽ sẽ cũng giống họ, bỡ ngỡ và non dại đi vào đời, sai lầm để trưởng thành hoặc giả chết non.

Sáng thứ hai, cô một mình ra bến xe, bắt đầu chặng đường xuyên biên giới dài. Mỗi tháng sáu hàng năm, nhóm bọn cô thường đón những tình nguyện viên ngắn hạn đến từ nhiều vùng lãnh thổ với trăm vạn xuất thân khác nhau. Họ sẽ sống và làm việc cùng bọn cô trong một tháng. Năm nay, cô là người dẫn đoàn. Hành trang mang theo vẫn như mọi khi, khác chăng lần này có thêm những câu chữ bi thống van xin niềm tin từ một sinh mệnh từng trót sai.

Có những con đường mà người đi trên đó sẽ vĩnh viễn không thể quay ngược lại!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Độc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook