Duyên - Bạch Lạc Mai

Chương 12: Quyển 2 - Chương 5: Hoa cỏ nhân gian, đừng vấy vào mảnh ruộng tình ta

Bạch Lạc Mai

31/10/2017

Dụ ngâm

Thường mê mải những gì,

Ngâm mệt thì thiền định.

Đời này còn đáng vui,

Chuyện nhảm đâu buồn tính.

Tóc sương không ý tà,

Hồn vẫn xưa thanh tĩnh.

Cỏ hoa chớ lan vào,

Ruộng tình ta một mảnh.

Tề Kỷ

Lúc này đây, nghe một khúc Phạn âm, bỏ hết bụi bặm ngoài cánh cửa. Chỉ có một vầng trăng vằng vặc treo bên cửa, rất gần mà cũng rất xa. Từ xưa đến nay, mọi chuyện trên đời, trải qua gió mây biến ảo, bể biếc nương dâu, biết bao sự vật vốn tinh thuần đẹp đẽ, cũng phủ đầy bụi trần. Dù chúng ta lau chùi thế nào, cũng chẳng khôi phục được màu sắc ban đầu nữa. Cả núi xanh vạn dặm, sông dài nghìn đời, cũng chuyển biến theo dòng chảy thời gian, để lại vết tích của vận mệnh. Riêng có vầng trăng trong ấy, tròn rồi lại khuyết, khuyết mãi lại tròn, trước sau như một, chẳng vì ai mà biến cải dung nhan.



Một người bạn nói với tôi rằng, mỗi sáng thức dậy, cô ấy đều phải tĩnh tọa một giờ. Tôi tự vấn mình cũng là người an tĩnh, nhưng bảo tôi mỗi ngày tĩnh tọa lâu như vậy thì không cách nào làm được. Đừng nói hằng ngày, dù chỉ tĩnh tọa một ngày với thời gian rất ngắn, e rằng cũng khó. Tôi hỏi lúc tĩnh tọa cô ấy nghĩ gì, thì được đáp rằng, nghĩ tới vạn vật trong vũ trụ, nghĩ tới trăng sao cùng chúng sinh trên đời. Cô ấy còn nói, trước kia có thể nghĩ tới rất nhiều thứ liên quan tới mình, nhưng hiện giờ lúc tĩnh tọa, nghĩ đến nhiều nhất chỉ là sự yên lành của chúng sinh. Tôi nghe nói mà xúc động khôn nguôi, bởi đã thấy được một tấm lòng từ bi thanh tịnh đến thế. Cô ấy không tin Phật, cũng không tu hành, tĩnh tọa không phải là thiền tọa, nhưng lại có một tấm lòng thiền ưu thời mẫn thế. Tôi tin rằng, khuôn diện của một người tĩnh tọa chắc chắn trong sáng thấu triệt, đôi mắt người ấy ắt hẳn có sự thuần khiết mà kẻ thế tục không dám nhìn gần.

Năm tháng là lưỡi dao nên thế gian này chẳng cuộc đời ai không bị cắt xẻo. Mà những kẻ tham luyến phồn hoa sẽ mất mát nhiều hơn, người thanh tịnh vô vi sẽ mất ít hơn vậy. Chỉ là có hay không, một lang trung lưng đeo thùng thuốc hành tẩu giang hồ, dọc đường chữa thuốc cứu người, giúp đỡ những kẻ bị thương. Mà Phật ngồi trên tòa sen sẽ nói với chúng ta rằng, lang trung ấy có pháp lực vô biên, có thể siêu độ chúng sinh đang chìm đắm. Đời người đến cuối cùng đều phải quay về với cái đơn sơ thuần phác, những phức tạp kinh qua dọc đường, chỉ nhằm viết một nét bút thâm trầm cho kết cục bình đạm ấy thôi.

Tình cờ đọc được thơ của Tề Kỷ, một cao tăng đời Đường, khiến tôi nảy sinh cảm giác, cuộc đời bình đạm đơn sơ của ngài thực thanh tĩnh tự tại biết bao. "Thường mê mải những gì, ngâm mệt thì thiền định." Hằng ngày, ngài chỉ thích ngâm thơ, ngâm mệt thì ngồi thiền, ngoài ra chẳng còn gì khác. Mấy dòng thơ mộc mạc như vẽ ra trên giấy hình ảnh một lão tăng, sinh động mà chân thực. Chí hướng cao nhã, lòng thiền bình đạm, đời sống vô sở cầu ấy đối với ngài hết sức bình thường tự nhiên. Nhưng đối với những kẻ thế tục như chúng ta, đó dường như là một ước vọng xa vời. Trần thế rối ren, bao bận bịu bôn ba, khiến chúng ta gần như quên bẵng trên đời vẫn còn một góc nhỏ thanh tĩnh như thế, có thể gác mảnh hồn mệt mỏi nghỉ ngơi tạm thời.

Đều nói rằng một khắc thời gian một tấc vàng, như thể muốn đem tất cả thời gian, từng li từng tí đều dùng vào đúng chỗ, mới không coi là uổng phí. Nhưng khi bạn tĩnh tâm lại, nhìn một phiến lá lặng lẽ rụng xuống, xem một chú ong đậu trên nhụy hoa, trông một cây nhang dần dần cháy rụi; hoặc uống một chén trà trong, tán gẫu câu được câu chăng với một người qua đường không biết tên; thời gian thoắt chốc đã trôi qua, bấy giờ bạn sẽ cảm thấy, thời gian là để lãng phí, hơn nữa cũng không đáng tiếc chút nào. Bởi chúng ta đã được thưởng thức hương vị chân thực của cuộc sống, những tiểu tiết vụn vặt tầm thường ấy, mới là rung động của cuộc đời. Còn những sóng gió và tình huống mà cuộc sống tạo ra, lại như một nhà tù khổng lồ, giam cầm suy nghĩ mộc mạc thanh tỉnh của chúng ta.

Đây là một thời đại dồi dào đủ đầy, quá nhiều dụ hoặc bày ra trước mắt, khiến kẻ say sưa càng chìm đắm, người tỉnh táo càng thấu tỏ. Một người giàu sang, tuy có biết bao hoa lệ thế gian, nhưng thường thấy trống rỗng cô đơn. Một kẻ nghèo hèn, chỉ có được vài thứ ít ỏi vụn vặt, song lại thấy vui sướng thỏa mãn. Mỗi vật mỗi phong lưu, mỗi người một tính cách, mỗi con người rơi vào cõi thế này, đều có một khát vọng tự thân, bắt đầu từ những khởi điểm khác nhau, đi đến những kết thúc bất đồng, quá trình không giống, nên đạo lý ngộ được cũng khác nhau. Chỉ là không gian tưởng tượng càng lúc càng thu hẹp, khoảng cách để bay lượn quá ngắn, ngay cả mơ mộng, cũng cần có dũng khí.

Đó gọi là được nhàn tản chính là chủ nhân, có lẽ chúng ta nên niêm phong chí lớn lại, nuôi dưỡng giữa nước non thư nhàn, đặt trong chén thả sức ngắm nghía. Xem một trận mưa từ rơi đến tạnh; quan sát một cánh bướm từ lúc là nhộng tằm đến khi phá kén; dõi theo một nụ hoa từ khi bừng nở đến hồi rơi rụng. Không vì ý thơ, chẳng bởi phong nhã, cũng chẳng nhằm thiền định, chỉ muốn biến tháng ngày thành cái bình đạm của một chén nước sôi, cái mộc mạc của một tô cháo trắng. Có lẽ chỉ như vậy, cuộc sống mới bớt phần mất mát, thêm phần như ý.

Đọc thêm thơ thiền của Tề Kỷ, tựa như lại được thưởng thức thêm một thứ hương vị thanh thuần. Ngày tháng thanh đạm như nước, những con người lại qua hối hả, ai nấy đều bất đắc dĩ phải bôn ba vì kết cục của bản thân. Vị cao tăng thời Đường ấy, cũng từng nếm khói lửa tục thế, chỉ vì một mối duyên sâu với Phật mà xuống tóc xuất gia, sống cuộc đời thiền tịnh siêu thoát tại ngôi chùa trong núi. Quy y cửa Phật nhưng vẫn chung tình với thơ ca, từ trong cái cổ kính ưu nhã của thơ mà hưởng thụ lạc thú thi thiền kết hợp. Cả đời áo vá giày rơm, tiêu dao giữa núi rừng. Sáng tác của ngài có "Bạch Liên tập", bạch liên, có liên quan với Bạch Liên thi xã của Tuệ Viễn đại sư ở chùa Đông Lâm Lư sơn thời Đông Tấn, cũng gợi nhớ tới hình tượng hoa sen trong kinh Pháp Hoa. Hoa sen và Phật có quan hệ nhân quả không sao tách rời, như sách không thể không có số trang, tranh không thể không có đậm nhạt, thơ không thể không có vần chân.

Tề Kỷ thiền sư cả đời chìm trong cảnh thơ và cảnh thiền, suy tư, tĩnh tọa, giác ngộ, chứng tâm. Dù trải hết bể dâu, lòng vẫn thuần chân như cũ, linh hồn trong sáng, coi vạn vật đều là một. Ngài rất mực tiêu sái, không cần thề nguyện vì một đoạn tình ái, chỉ để tâm hồn trong sáng nghỉ lại trong một quãng thời gian bồ đề. "Cỏ hoa chớ lan vào, ruộng tình ta một mảnh." Mặc thế gian muôn tía nghìn hồng, Tề Kỷ cũng không muốn một hạt hoa hạt cỏ như thế vãi vào mảnh ruộng ái tình của ngài. Bởi người thanh đạm như ngài, đã định sẵn sẽ không nảy mầm, không đơm hoa, không kết quả. Ngài chỉ giữ lấy tháng năm thiền tĩnh, ngồi xếp bằng trên bồ đoàn, lấy thơ làm bạn, lấy trà làm thân, đến khi tám mươi tuổi, viên tịch ở Giang Lăng.

Tám mươi năm, biết bao tháng năm đằng đẵng, nếu đổi là một người bình thường, hẳn trên những nếp nhăn đã khắc đầy thế sự phong sương. Nhưng những nếp nhăn trên gương mặt Tề Kỷ, lại như một bức họa đơn sơ, đường nét rõ ràng, đếm được trên đầu ngón tay. Có lẽ đời này quả thực không dài, nhưng cũng chẳng cần vội nếm hết tư vị của cuộc sống. Chi bằng giữ lại một phần ung dung giữa hồng trần phức tạp, trả nhan sắc lại cho năm tháng, trao đơn thuần cho mình.

Cuộc đời này, chính là bỏ bớt cái rườm rà để thành cái đơn giản, bỏ giả giữ thật, bỏ hận giữ yêu. Nếu có thể trao đổi, xin để kẻ si mê tỉnh lại, để người tỉnh táo mê đi. Có lẽ như vậy mới có thể dung hòa được đôi đàng, như đem một vò rượu còn niêm phong đổi lấy nửa chén sương hoa, nhấp một ngụm nhỏ, đậm nhạt hài hòa, thanh thuần thơm ngát.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Duyên - Bạch Lạc Mai

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook