Duyên - Bạch Lạc Mai

Chương 13: Quyển 2 - Chương 6: Biển đời mênh mang, gieo đầy những đóa sen tinh khiết

Bạch Lạc Mai

31/10/2017

Lòng như biển lớn không bờ bến,

Trồng rợp hoa sen dưỡng thân tâm.

Tự có một đôi tay không việc,

Từ bi làm thiện giữa hồng trần.

Hoàng Bá Hi Vận

Hoàng hôn ngày thu luôn có một ý vị tiêu điều, xuyên qua khe cửa, thong thả đi đến, khuấy động cõi lòng, khiến người ta thương cảm. Dù khép rèm cửa lại thì ngọn gió lành lạnh ấy, cũng chẳng chỗ nào không len vào được. Hết thảy cứng rắn đều trở nên mềm yếu, tất cả hững hờ đều thốt nhiên xao xuyến. Lại nhớ Lưu Nhược Anh mải miết giữa Ô Trấn trong phim "Tháng năm như nước", trước cảnh hoàng hôn vùng sông nước, tâm trạng cô ấy cũng mong manh như thế. Mỗi độ hoàng hôn, cô đều buông rèm xuống, ngỡ rằng như vậy sẽ ngăn được hơi lạnh của thế gian. Song người trong phòng vẫn nghe tiếng gió vô duyên cớ mà tan nát lòng. Chỉ tiếc rằng, rốt cuộc cô cũng không thể ở lại Ô Trấn, những ngói đen tường xám bên bờ nước cùng cầu đôi Phùng Nguyên cổ kính, vì cô, đã vĩnh viễn đóng khung trong buổi hoàng hôn trên thị trấn nhỏ.

Sen mùa này cũng dần dà tàn úa theo gió thu. Dăm lá úa cành khô vẫn còn quyến luyến nước hồ, cứ gắng gượng như vậy, vì e không giữ nổi thanh xuân sắp qua đi. Một mảnh thuyền gỗ đậu lại bên bờ liễu, chẳng qua chỉ điểm tô thêm cho ý cảnh hồ sen cùng giấc mộng hoài cổ của khách vãng lai. Bỗng dưng nhớ tới một vị cao tăng thời Đường từng có thơ rằng:

"Lòng như biển lớn không bờ bến,

Trồng rợp hoa sen dưỡng thân tâm."

Tấm lòng ấy bao la biết mấy, phải là người tu hành đến mức thanh tịnh thấu triệt, mới có được cái tâm như thế. Người như vậy, không cứ phải là cao tăng cửa Thiền, có khi chỉ là một kẻ bình phàm trên thế tục, chỉ cần có lòng thiền, đều có thể trồng rợp hoa sen, gột rửa tâm linh.



Đúng vậy, tấm lòng một người phải rộng lớn đến chừng nào mới chứa được khói mây muôn vẻ. Mặt trời và trăng sao, núi cao và nước biếc, đều ẩn sâu trong lòng người, mỗi người đều có thể dùng tấm lòng thấu hiểu thế thái và tạo hóa bể dâu. Sen đương độ rộ cũng chẳng tránh nổi lúc tàn lụi theo thời gian, có lẽ chỉ đóa sen trong lòng mới có thể không phân bốn mùa, vĩnh viễn tươi đẹp như thuở ban đầu. Đây không phải cảnh mộng, mà là cảnh thiền vô lượng vô biên. Tấm lòng thanh khiết có thể thu dưỡng vạn vật, dung nạp tất thảy. Những khi bối rối, cứ hái lấy một đóa sen, sự thanh khiết của nó có thể phổ độ chúng sinh, bởi thế chúng ta chẳng cần lo lắng, nhất định sẽ chìm đắm trong hồ sen bát ngát.

"Tự có một đôi tay không việc,

Từ bi làm thiện giữa hồng trần."

Khi lòng một người trồng ngợp hoa sen, thì những vật tục bụi trần sao còn vấy nổi. Nếu tâm vô trụ[1], hẳn đã xa rời nhơ bẩn từ lâu, một số người đã đạt đến Niết Bàn nơi cảnh Phật, cũng không thể hưởng thụ sự thanh nhàn siêu thoát ấy một mình. Khi biết trên đời vẫn còn vô vàn chúng sinh đang phải luân hồi trong bể khổ sinh tử, người tu Phật, bởi nảy dạ bồ đề, sẽ từ bi tế thế, cứu vớt những kẻ còn mê mẩn cùng những người tham luyến danh lợi phàm trần. Có lẽ chỉ như vậy đóa sen nở rộ trong trái tim kia mới chống nổi tháng năm dời đổi, mãi mãi không tàn tạ. Lần đầu đọc bài thơ này, tôi đã xúc động trước tấm lòng từ bi của đại sư. Bởi tôi cũng là một trong vô vàn chúng sinh ấy, khi hoang mang, cũng cần một đóa sen gột rửa linh hồn, độ cho tôi thoát ly bể khổ. Cái gọi là bể khổ ở đây, không phải bể khổ trần gian, mà là bể khổ trong lòng người. Dù trần thế có biết bao dơ bẩn, biết bao dụ hoặc, rốt cuộc vẫn có những con người thanh tịnh, sáng suốt thấu triệt thoát ly được bùn nhơ. Còn những kẻ cứ đắm chìm trong nỗi ưu tư tự tạo mà không buông ra được, thì cứ trôi nổi giữa bể đời. Thực ra một người phải biết thương yêu chính mình, mới có thể thương yêu người khác; một kẻ tự cứu được mình, mới có thể cứu vớt người khác. Bởi thế, những cao tăng đắc đạo đó, đều phải tự mình tu luyện thoát được bể đời trước hết, rồi sau đó mới độ hóa chúng sinh.

[1] Vô trụ là một khái niệm trong Phật giáo, Tâm vô trụ là tâm vô niệm, là tâm nhất tướng, là tâm vô nhiễm, thanh khiết trong sạch

Vị cao tăng sáng tác ra bài thơ này tên Hoàng Bá Hi Vận, là người Phúc Kiến đời Đường. Thuở nhỏ xuất gia ở núi Hoàng Bá Bản Châu, thông tuệ linh mẫn, tinh thông thiền lý, một lòng muốn hoằng dương Phật pháp nên người tới núi Hoàng Bá nghe ông thuyết giảng đông nghịt. Thiền sư Hoằng Bá từng xin yết kiến và gặp mặt thiền sư Bách Trượng Hoài Hải mà được giác ngộ, thiền sư Bách Trượng rất mến ông, sau một hồi trò chuyện, còn dặn rằng: "Ngươi về sau đừng phụ lòng ta." Có thể thấy cửa Không chỉ độ kẻ có duyên, mưa đổ chỉ thấm nhuần bụi cỏ có linh tính. Lòng tối tăm không có linh tính thì có điểm hóa thế nào, lau chùi ra sao, cũng không thể quảng đại thấu triệt.

Thiền sư Hoàng Bá ra sức đề xướng tư tưởng "Tâm tức là Phật", duy trì học thuyết nhất tâm. Ngàn tiếng vạn lời chỉ muốn khuyên người ta chớ dùng lầm. "Nhất tâm", phân biệt là ma, vong cơ là Phật[1]. Bởi vậy lòng ngài mới có thể mênh mông như biển lớn, không bờ không bến. Trong lòng ngài trồng ngập hoa sen, không chỉ để tĩnh dưỡng thân tâm, mà còn muốn dựa vào thiền cảnh vô trần, Phật pháp từ bi phổ độ vô vàn chúng sinh. Để chúng sinh có thể ngồi thuyền băng qua biển sen, tránh được bao dây dưa vô vị cùng hoang mang lạc lối. Phật pháp vốn có một sức mạnh vô biên vô cùng như thế, chẳng cần làm mưa vẫn tưới mát được tâm hồn khô cằn, chẳng nhóm lửa cũng sưởi ấm được người rét cóng. Mà chúng ta cũng không dám mạo muội khinh nhờn miền tịnh thổ ấy, như thể vừa bước vào chùa, lòng đã được nước mây chốn ấy tưới nhuần, có thể như hoa sen, thanh tịnh xòe cánh vậy. Dựng Phật điện giữa chốn ngói đổ tường nghiêng, trồng hoa sen giữa miền hoang vu sỏi đá, viết đầy kinh lên lá úa cành khô, có lẽ tội ác cũng có thể thành từ bi, xấu xí thành ra tốt đẹp. Đó chính là Phật pháp, chỉ cần cõi lòng một người chưa khô kiệt, thì đó chính là đại dương mênh mông, đất đai màu mỡ, có thể chứa đựng vạn vật, cứu vớt chúng sinh. Nhưng trên đời này chỉ có một số rất ít người tham ngộ được Phật pháp, tách mình ra khỏi hồng trần. Còn đại đa số vẫn đắm chìm trong sóng gió cuộc đời, phân ly ở chỗ nước sâu mà vẫn chấp mê không hối. Mỗi con người vừa sinh ra đã được định đoạt tất cả, vận mệnh đã vẽ hết vân vi vào lòng bàn tay, bạn là đóa sen trước Phật hay là cọng cỏ cõi trần, đều rõ ràng minh bạch.

[1] Vong cơ: một thuật ngữ trong Đạo gia, chỉ tâm tư không xảo trá, chẳng tranh với đời.

Chúng ta đều là những phàm nhân, làm một kẻ bình thường giữa tháng năm bình đạm. Vì hoang mang, vì mệt mỏi, vì bi ai, nên trong những ngày lơ đãng, mới thắp một nén nhang, nghe một đoạn tâm kinh, trồng mấy gốc sen. Chỉ nhằm gột rửa bớt bụi trần, gặp được một cơ duyên, thấm nhuần chút Phật tính. Còn Phật vẫn ngồi trên đài sen, tại thắng cảnh Linh sơn, đợi chúng sinh tới thắp hương cầu phúc. Bất kể lúc nào cũng không bao giờ là muộn, bởi cánh cửa ấy vĩnh viễn rộng mở đón chúng ta. Cho đến một ngày, mùa xuân của cuộc sống qua đi, có phải vẫn còn mùa thu khác nối tiếp?

Năm tháng giục người già, những mảnh vụn quá khứ, giống như từng tấm từng tấm ảnh đen trắng đã ngả vàng. Trên đời lúc nào cũng không ngừng có người già đi, có người sinh ra, có người trưởng thành. Khi bạn già đến mức chỉ còn lại hồi ức, thì trên tay một người khác vẫn đương nắm giữ bát ngát thanh xuân, có thể mặc ý vung phí. Nhưng con đường đời, bất luận mưa gió ra sao, cũng chỉ có thể một mình chầm chậm đi qua, chẳng ai thay thế được, không ai cướp đoạt được. Số mệnh vắn dài đều đã định trước, nhân kiếp trước dẫn tới quả kiếp này, nhân kiếp này lại dẫn đến quả ở kiếp sau. Đã vậy chi bằng bình đạm một chút, tan hợp tùy duyên, đến đi thong thả. Nếu bằng lòng thì dọc đường cứ ngâm Phật tụng kinh, để từ bi nở đầy hoa sen thanh khiết trong lòng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Duyên - Bạch Lạc Mai

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook