From Hanoi

Chương 26: Chương 6.3

Lê Phùng Thi Uyên

09/12/2019

Lan về nước đúng theo lịch trình đã báo trước, nhưng không may là nàng lại vướng chút việc gia đình nên chương trình đi chơi của chúng tôi phải lùi đến gần ngày Rằm tháng Giêng âm lịch mới thực hiện được.

Sau hơn một tuần phải sống trong tâm trạng phấp phỏng ngóng trông, cuối cùng tôi cũng được gặp lại nàng ở bến xe Mỹ Đình, ngày hôm ấy trời se se lạnh và có mưa nhẹ.

Tôi và nàng đến bến xe gần như cùng lúc, trả tiền taxi xong nàng chủ động bắt chuyện khi thấy điệu bộ ngượng ngùng của tôi, chẳng là trong thư hôm trước nàng gọi tôi là anh khiến tôi hơi ngại.

“Bọn mình đến trùng giờ như có thần giao cách cảm ấy cậu nhỉ?” Nàng nói.

“Là bọn mình đúng hẹn thôi. Trang nhắn tớ là nó đang qua đón bạn nên đến muộn một chút.” Tôi nói. “Sao, chuyến du lịch vừa rồi của cậu thế nào?”

“Ôi, cứ không phải lo nấu nướng dọn dẹp phục vụ như mọi năm là tớ vui lắm rồi.” Nàng nói và kể cho tôi nghe vài mẩu chuyện xung quanh chuyến xuất ngoại vừa rồi.

Chúng tôi nói chuyện được khoảng mười phút thì Trang và nhóm bạn của cô đến nơi. Mọi người làm quen nhanh chóng rồi vào trong bến đón xe đi Hải Dương.

Lúc đầu cả bọn định tự túc chuyện ăn ở nhưng không ngờ về nhà Trang lại gặp được hai vị phụ huynh cực kỳ nhiệt tình, bố mẹ cô hồ hởi đón chúng tôi và kiên quyết giữ chúng tôi nghỉ lại nhà họ. Buổi trưa họ đãi cả nhóm một bữa cơm thịnh soạn, đầu giờ chiều bố cô đi mượn một chiếc ô tô bảy chỗ chở cả bọn đi thăm khu di tích nổi tiếng Côn Sơn - Kiếp Bạc, đến tối thì lại đưa chúng tôi đi một vòng ngắm phố phường và vào quán hát hò một chút trước khi về ngủ.

Khi chứng kiến sự hiếu khách của bố mẹ Trang, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về gia đình mình, nếu như bố mẹ tôi còn sống thì nhất định ngày mai họ sẽ đón tiếp các bạn tôi một cách nồng hậu không kém thế này.

Đến giờ đi ngủ tôi được xếp chung phòng với cậu người yêu Trang. Chúng tôi gặp nhau vài lần trước đó nhưng mới ở mức độ xã giao, khi tiếp xúc sâu hơn tôi nhanh chóng có thiện cảm với anh chàng, cậu ta là người thật thà dễ mến, tuy còn trẻ nhưng đã có những suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của hai đứa. Hai anh em hợp cạ nên nói chuyện rôm rả đến hơn một giờ sáng mới đi ngủ.

* * *

Sang ngày thứ hai thì tôi và Lan mới có nhiều thời gian riêng tư hơn. Được vậy là nhờ Trang biết ý, lúc lên xe cô chủ động bố trí cho nhóm bạn của cô ngồi cách biệt hẳn với tôi và Lan để chúng tôi nói chuyện thoải mái hơn, và khi về đến huyện Vũ Thư quê tôi, lúc cả bọn vào thăm chùa Keo cô đã nháy mắt lia lịa với tôi và khởi xướng thế này: “Ơ, chùa này rộng ra phết nhỉ! Em có ý kiến thế này, bây giờ bọn mình chia nhóm ra đi cho tiện, ai thích đi đâu làm gì thì tùy, tí gặp lại ở cổng rồi cùng về nhà anh Kiên được không?”

Chúng tôi đều nhất trí với ý kiến của cô, tất nhiên cách chia nhóm tiện nhất là Trang sẽ đi với người yêu, tôi đi với Lan và hai cô gái còn lại đi với nhau.

“Kể ra hai bạn kia mà là một nam một nữ thì đội hình cân đối hơn nhỉ?” Tôi nói với Lan khi chỉ còn hai đứa.

“Cậu không biết à, họ là một cặp đồng tính đấy.” Lan nói. “Tối qua ngủ cùng phòng Trang nói tớ mới biết, nhìn bên ngoài khó nhận ra nhỉ!”

“Thật à?!” Tôi không để ý lắm, đến giờ vẫn chưa nhớ rõ tên họ. “Trang cũng hay nhắc đến mấy người bạn đồng tính của nó. Mà cũng chẳng có gì quan trọng, Phật dạy rằng chúng sinh bình đẳng mà.”

“Ừm. Tình yêu nào cũng là tình yêu. Kệ họ đi, mình cứ coi như không biết để họ đỡ ngại.” Lan nói. “Mà cậu còn nhớ mình đã từng hứa như thế nào không? Khi về Thái Bình sẽ đến lượt cậu làm hướng dẫn viên du lịch cho tớ đấy?!”

“À ừm, tớ nhớ chứ.” Tôi nói, chẳng có điều gì liên quan đến nàng mà tôi quên được cả.

Trước đây mẹ tôi bán hàng ở đây nên tôi cũng biết tương đối thông tin về nơi này. Tôi kể cho nàng về lịch sử của ngôi chùa, chùa này được xây dựng từ thế kỷ 17 theo phong cách kiến trúc thời Lê. Trước đây nó là chùa Nghiêm Quang xây ở làng Keo, sau này bị nước sông Hồng cuốn trôi hết, đến khi người ta xây lại thì không hiểu xác định thế nào mà lại xây lên hai chùa đều gọi là chùa Keo, một là chùa này và một chùa Keo nữa ở bên tỉnh Nam Định.

Lan rất ấn tượng khi nghe tôi nói trong các ngôi chùa cổ của nước ta hiện nay, chùa Keo là một trong những ngôi chùa còn đầy đủ tượng pháp nhất, đặc biệt tại đây có một pho tượng đã ngót nghìn năm tuổi, đó là pho tượng thiền sư có công tạo dựng ngôi chùa được làm bằng gỗ trầm hương và đặt trong cung cấm, khách nào muốn một lần được trực tiếp chiêm bái thì phải ăn chay trong một thời gian nhất định mới được phép vào.

Sau đó tôi dẫn nàng ra phía sau chùa và giới thiệu về gác chuông chùa Keo, đối với những người con xa quê thì đây được coi là một biểu tượng của quê lúa Thái Bình.

Ngắm nghía và chụp ảnh một hồi xong chúng tôi thong thả đi bộ ngược ra cổng, nàng chọn một hàng ghế đá cạnh ao nước để hai đứa ngồi nghỉ ngơi và đàm luận.

Nàng nói với tôi, sau vài phút im lặng: “Tớ thích nhất chùa này ở chỗ có nhiều ao nước, nhìn thật mát mẻ và thư thái!”

“Ừ. Ai đến đây cũng khen chùa này sử dụng không gian mặt nước một cách rất hợp lý và độc đáo.”

“À, mà… ban nãy cậu kể là mẹ cậu từng bán hàng ở đây đúng không, cô bán ở đâu vậy cậu?”

“Chuyện ấy từ lâu rồi, hồi ấy bác tớ có quen biết nên xin cho mẹ tớ một góc để bán hàng nước ở đây kiếm hai bữa qua ngày.” Tôi chỉ ra khu quán xá bên ngoài gần cổng. “Ở gần chỗ mấy ông bà thầy bói kia kìa!”

Lan nhìn theo hướng tôi chỉ và hỏi: “Ở đây có cả xem bói à? Cậu đã xem bao giờ chưa?”

“Tớ có xem một lần, lo đám tang cho mẹ xong tớ đã ra đây xem bói trước khi quay lại Hà Nội.”

“Họ nói tương lai cậu thế nào? Có tốt không?”

“Họ bảo tớ thiệt thòi về đường gia đình nhưng có lộc về đường bạn hữu, đời tớ may mắn được gặp nhiều bạn bè tốt và được họ giúp đỡ.”



“Cậu thấy đúng không?”

“Chẳng biết nữa. Mẹ tớ từng bán hàng ở đây nên có thể họ biết chuyện của tớ và động viên thôi. Bói toán là thứ tớ còn ngờ vực lắm.” Tôi nói. “Cậu có muốn ra xem thử không?”

“Tớ mới xem trước Tết rồi. Mẹ tớ dẫn đi xem ở bên Đông Anh.” Nàng nói. “Cậu biết bà thầy bói nói thế nào về tớ không? Trời ạ, bà ấy bảo tớ đang đau đầu vì tình! Còn nói trong giai đoạn này tớ phải cẩn trọng khi chọn yêu ai lấy ai, lỡ mà chọn lựa không đúng thì nhiều khả năng cuộc hôn nhân đầu tiên của tớ sẽ đổ vỡ, bà ấy bảo đã nhìn thấy tương lai ấy rồi đấy.”

“Cô gái nào chả phải nghĩ kỹ về việc yêu ai lấy ai.” Tôi nói. “Còn vụ nhìn thấy tương lai thì tớ hơi nghi ngờ đấy.”

“Chẳng biết thế nào nữa. Lúc đầu tớ chỉ định đi xem cho vui thôi, xem xong thì ân hận, rõ khổ, biết thế không xem còn hơn. Hôm ấy về nhà tớ phát mệt mỏi với mẹ, bà cứ thắc mắc làm sao mà tớ phải đau đầu vì tình, chẳng là bà cũng nghe phong phanh về cậu và không hề hài lòng chút nào. Nếu biết đợt này tớ về quê cậu thì mẹ tớ sẽ nhảy dựng lên cho xem.”

Tôi im lặng, chạm đến đề tài này với chúng tôi như là đâm đầu vào một bức tường dày vậy, càng nói càng luẩn quẩn và bế tắc.

“Quay lại chuyện mẹ cậu đi.” Nàng nói. “Trước đây cô…”

“Đói quá! đói quá!” Giọng nói lanh lảnh của Trang ở đâu xen ngang vào câu chuyện của chúng tôi. Tôi ngoái lại thì thấy cô vừa đi từ chính điện ra vừa kêu gào: “Không có tình yêu thì không biết thế nào chứ không có đồ ăn thì chắc chắn không sống được. Đi về ăn trưa thôi các anh các chị ơi!”

“Ừ, thì đi ăn. Sáng nay em ăn miếng bánh trưng to nhất mà giờ đã đói rồi à?” Tôi trêu cô rồi quay sang nói với Lan. “Thôi, mình về ăn trưa đã, chiều nói chuyện tiếp nhé.”

Tôi gọi taxi cho cả nhóm cùng đi từ chùa Keo về nhà tôi. Về đến nơi lại mất công đứng loay hoay gần mười phút mới mở được cổng, là do ổ khóa lâu ngày không ai sử dụng, lại bị nước mưa hắt vào nhiều nên kẹt cứng, phải cắm chìa vào rồi lựa lựa mãi mới xoay được.

Vào được nhà thì cũng đã gần hai giờ chiều rồi, cũng may trước khi đi bố mẹ Trang đã gói cho chúng tôi rất nhiều bánh trái đồ ăn nên chỉ sửa soạn một chút là có được một bữa ăn ngon.

Sau bữa trưa tôi chạy đi mượn nhà họ hàng ba chiếc xe máy để đưa mọi người đi thăm quan làng vườn Bách Thuận, nhưng Lan xin phép cả nhóm được ở nhà nghỉ ngơi vì thấy hơi đau đầu, nàng không quen với kiểu di chuyển liên tục như thế này.

“Để xem nào. Vậy thì chị Lan sẽ ở nhà phụ trách bữa ăn tối nay, còn anh Kiên ở nhà giúp chị một tay, bọn em tự đi chơi được, đến khoảng sáu giờ bọn em về ăn tối là vừa.” Trang nói và nháy mắt với tôi.

“Nhưng em có biết đường đi không đấy?” Tôi hỏi.

“Ôi dào, đường ở mồm chứ ở đâu mà sợ không biết.” Trang nói.

“Ok. Vậy cũng được.” Tôi nói.

* * *

Sau khi Trang và đám bạn lên đường đi chơi thì Lan vào gian phòng bên trong nghỉ ngơi còn tôi đi lo vấn đề ăn ngủ cho cả nhóm. Tôi xuống bếp kiểm tra lại bếp gas, rửa qua đống nồi niêu xong chảo để tối còn sử dụng, sau đó đi mượn thêm ít chăn chiếu cho buổi tối, căn nhà này sẽ ưu tiên cho bốn người nữ, còn tôi và người yêu Trang có thể sang nhà bác tôi ngay cạnh đó ngủ nhờ.

Lan là một cô gái xinh đẹp, lúc nàng ngủ vẻ đẹp ấy cũng không hề suy giảm đi một chút nào cả, tôi phát hiện ra điều ấy khi bê đống chăn chiếu từ nhà bác về và nhìn thấy nàng ở trong phòng, nàng đang ngủ rất ngon, người nghiêng về phía ngoài cửa, đầu gối lên tay phải.

Tôi cất đống đồ vào trong tủ rồi lại gần và ngồi xuống thành giường ngắm nhìn nàng, có lẽ nàng công chúa nằm ngủ trong truyện Người đẹp ngủ trong rừng cũng chỉ đẹp đến thế này là cùng.

Thấy nàng hơi co ro tôi bèn kéo chiếc chăn ở cuối giường lên đắp cho nàng, động tác ấy làm cho nàng giật mình tỉnh giấc, hơn nữa, chắc do lạ nhà nên nàng chỉ ngủ chập chờn chứ không thật sự sâu giấc.

“Ôi! Xin lỗi, xin lỗi cậu...” Tôi cuống quít thanh minh. “Tớ chỉ định đắp chăn cho cậu thôi.”

“À.. à… ừ.” Nàng mệt mỏi nhìn tôi. “Không phải tại cậu đâu, do tớ tỉnh ngủ thôi. Bình thường ở nhà tớ đang ngủ mà có ai bước vào phòng là tớ biết ngay.”

“Vậy… vậy cậu ngủ tiếp đi nhé. Tớ không làm phiền nữa.”

“Tớ chỉ định nghỉ tí cho đỡ mỏi lưng thôi.” Nàng nói và nhìn chiếc đồng hồ đeo tay. “Ba giờ chiều rồi cơ à? Thế dậy thôi, cậu dẫn tớ đi chợ mua đồ để chuẩn bị cho bữa tối nhé.”

Trong lúc Lan rửa mặt chải tóc tôi đi đóng các cửa sổ và khóa cửa chính dưới bếp lại, khi xong việc quay lại tôi thấy nàng đang chăm chú nhìn lên bức ảnh của bố mẹ tôi trên bàn thờ.

Tôi bèn lại gần vỗ nhẹ vai Lan: “Này, lúc ở chùa cậu định hỏi gì về mẹ tớ ấy nhỉ?”

“À.” Lan quay sang nhìn tôi. “Tớ chỉ định hỏi là trước đây mẹ cậu bán hàng gì, có đông khách không thôi.”

“Đủ hai bữa một ngày thôi cậu ạ.” Tôi nói. “Đi buôn cần phải nhanh nhẹn hoạt ngôn, mẹ tớ lại thật thà và hơi chậm chạp. Tớ kể cậu nghe, có lần mẹ tớ nằm viện, người lạ sang mượn mẹ tớ cái phích nước, chẳng biết người ta là ai mà mẹ tớ cũng tin và cho mượn, rồi cuối cùng mất cái phích ấy luôn. Mà thời bao cấp cái phích nước cũng có giá trị chứ không như bây giờ.”



“Mẹ cậu dễ tin người thế sao!?” Lan lại nhìn lên di ảnh mẹ tôi và nhận xét. “Mà cũng đúng thôi, mắt mẹ cậu nhìn vừa hiền vừa buồn thế kia thì chắc con người cũng thật thà mẫn cảm…”

“Ừ. Đôi mắt mẹ tớ lúc nào cũng long lanh như chực khóc ấy. Con người bà yếu đuối, dễ xúc động, khác hẳn với chị tớ.” Tôi tặc lưỡi. “Nhưng nói thật… đôi khi tớ cảm thấy con người thô ráp như chị tớ lại hợp với cái thế giới đầy gian dối và bất trắc này hơn.”

“Tớ hiểu ý cậu.” Lan nói. “Mà tớ xin phép thắp hương cho hai bác được không?”

“Được chứ.” Tôi nói và đi đốt giúp nàng ba que hương.

Nàng cắm hương vào bát rồi chắp tay thì thầm khấn vái điều gì đó.

Sau khi xong việc nàng quay sang hỏi tôi: “Hình như lâu rồi cậu không lau dọn bàn thờ à? Tớ thấy mặt bàn thờ phủ một lớp bụi dầy. Bát hương cũng đầy ắp rồi kìa. Phải giữ cho nhà cửa của ông bà cha mẹ sạch sẽ chứ cậu.”

“Cậu cũng tin rằng gia tiên chúng ta sau khi chết sẽ cư ngụ ở đây à?” Tôi nheo mắt nhìn nàng. “Và khi thắp hương, họ sẽ từ thế giới vô hình nào đó về thăm con cháu?”

“Tất nhiên… tất nhiên là… tớ không chắc về chuyện ấy, nhưng người Việt Nam mình ai chẳng có niềm tin mơ hồ như thế.” Nàng ấp úng. “Tớ… Tớ hiểu ý cậu, tớ cũng như cậu thôi, tớ lớn lên trong thời đại khoa học nên bảo tin hoàn toàn thì không phải, nhưng bảo phủ định nó thì không dám. Mình ở lưng chừng giữa tin và không tin vậy thôi.”

“Thế hệ bố mẹ mình thì khác.” Nàng nói tiếp. “Như bố tớ chẳng hạn, ông đầu tư rất nhiều vào mồ mả bàn thờ, ông hay nói với tớ gia đình phát đạt được là nhờ tổ tiên phù hộ đấy. Thôi thì… chuyện âm dương không rõ thế nào, nhưng sạch sẽ lúc nào cũng tốt mà.”

“Nếu thật sự thắp hương mà bố mẹ có thể về với tớ.” Tôi nói. “Thì tớ sẽ dành cả đời chỉ để loanh quanh bên cạnh cái bàn thờ này. Ngay từ bé tớ đã biết bàn thờ có một vai trò rất quan trọng, cậu nghĩ xem, không phải ngẫu nhiên mà bàn thờ luôn đặt ở chính giữa căn nhà, chỉ cần mở cửa chính ra là đập trực diện vào mắt ngay. Nhưng sự thật thì sao, ít nhất lý trí và tư duy khoa học của mình đã giải thích rằng chuyện linh hồn ấy không thể xảy ra. Trước đây đã có lần tớ chất vấn chiếc bàn thờ này với tư cách là người làm khoa học rồi đấy.”

“Cậu kể tớ nghe được không?”

“Nhưng cậu nhìn xem mấy giờ rồi, nếu muộn thì mình vừa đi chợ vừa nói.”

“Giờ là ba giờ hơn rồi cậu ạ!”

“Thế mình đi chợ đi, vừa đi tớ vừa kể cho cậu nghe.”

Trên đường ra chợ tôi kể cho Lan nghe câu chuyện giữa hai bố con tôi xảy ra cách đây rất lâu rồi, tôi không nhớ chính xác là năm nào, chỉ nhớ mang máng lúc ấy tôi được mười ba hay mười bốn tuổi gì đấy.

Trong tuổi thơ của mình tôi chỉ nhớ có hai lần duy nhất mà tôi bị bố mắng, một lần là hôm tôi ốm, sáng đi đến trường, đi được một đoạn thì mệt quá nên quay về nhà ngủ chẳng xin phép ai. Cô giáo báo về nhà, bố tôi biết, trong bữa cơm tối ông để cả nhà ăn cho ngon miệng và không nói gì, đến khi ăn xong mới lôi chuyện ấy ra xử, ông đã mắng tôi rất gay gắt, là một người lính ông không thể chấp nhận được một đứa con vô kỷ luật như thế.

Lần thứ hai là vào một hôm nhà tôi nấu đồ cúng thắp hương, không rõ là rằm hay là đầu tháng, lúc ấy bé cứ thấy có đồ ăn ngon là thích rồi chứ đâu để ý nó là dịp gì và mang ý nghĩa gì đâu. Chiều hôm ấy mẹ tôi đi chợ mua gạo nếp về nấu xôi, mua cả tiền vàng, hoa cúc và trái cây để cúng.

Mẹ và chị tôi phụ trách nấu ăn, bố dọn dẹp bàn thờ, còn tôi thì làm chân sai vặt. Bố phân công cho tôi đem túi táo ra sân rửa sạch giúp ông. Trời lạnh nên tôi ngại đụng vào nước lã, tôi nhúng qua mấy trái táo vào chậu nước rồi nhấc lên đặt vào đĩa đem lên trên nhà.

Bố nhận đĩa trái cây từ tay tôi và với tay định đặt nó lên bàn thờ, bất chợt ông phát hiện ra điều gì đó không ổn nên vội vàng rụt tay lại. Ông cầm quả táo trên tay, ngắm nghía một hồi rồi quay sang hỏi tôi: “Con rửa táo kiểu gì thế này? Phải rửa sạch chỗ đất trong cuống đi chứ?”

“Đằng nào mình chả gọt vỏ trước khi ăn hả bố.” Tôi ngây thơ đáp.

“Nhưng quả này phải cúng cho ông bà tổ tiên ăn trước. Con để ông bà ăn bẩn như thế được sao?”

“Bố thật sự tin là mình thắp hương thì ông bà sẽ về ăn đồ cúng của mình được sao?” Tôi cãi ngang, lúc ấy còn bé nên thấy cái gì không hiểu thì vô tư nói mà không biết rằng mình đang động chạm đến niềm tin thiêng liêng của người khác.

“Mày không được láo!!” Bố tôi quát to vì bị kích động mạnh, rồi ông trừng mắt nhìn tôi, có lẽ lúc ấy ông phải kiềm chế lắm mới không cho tôi mấy cái bạt tay. Tôi sợ hãi lùi về sau hai bước và nhìn bố mình hoang mang như một người xa lạ, chưa bao giờ tôi thấy ông trong tình trạng mất kiểm soát như thế, trong sinh hoạt bình thường ông luôn thể hiện là một người rất từ tốn và điềm đạm.

Sau khoảnh khắc bộc phát như núi lửa ấy, bố tôi dần dần lấy lại được sự bình tĩnh, hình như đôi mắt trẻ thơ ngơ ngác của tôi khiến bố nhận ra rằng thế hệ tôi rất khác với thế hệ ông, tôi là một đứa trẻ lớn lên trong thời đại của khoa học kỹ thuật, tôi lớn lên cùng với những lý thuyết khoa học như ba định luật Newton, thuyết tiến hóa Darwin chứ không phải với niềm tin khó kiểm chứng vào thế giới vô hình. Nếu như tỉ lệ giữa tin và không tin vào thế giới tâm linh của bố tôi là 50/50 thì với tôi chỉ còn khoảng 10/90.

“Con… con nói thế là không được đâu.” Bố tôi run run nói.

“Chuyện đấy… chuyện đấy là…” Ông cũng không biết phải giải thích thế nào về một việc mà chính bản thân ông cũng chưa rõ ràng.

“Có chuyện gì mà hai bố con to tiếng thế?” Mẹ tôi hỏi với từ bếp lên.

“Không, không có gì đâu.” Bố tôi trả lời. Ông thở dài bất lực và lầm lũi cầm đĩa trái cây ra ngoài sân xả nước rửa lại.

Sau đó ông không bao giờ nhắc lại chuyện ấy với tôi nữa, cuộc đời ông chưa bao giờ đọc sách của Khổng Tử, chưa từng nghe tên những triết gia như Socrates, không biết thật sự Phật Thích ca hay Chúa Jesus đã giảng những gì, vừa lớn lên là ông đã ra chiến trường chiến đấu, giải ngũ về thì bận bịu kiếm tiền nuôi sống gia đình, ông không có đủ kiến thức hay lý luận để giải thích chuyện ấy đến nơi đến chốn với tôi.

Sau đấy một thời gian thì bố tôi mất vì căn bệnh ung thư, ông qua đời khi câu giải thích: “Chuyện đấy…. chuyện đấy là…” vẫn còn đang bỏ lửng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện From Hanoi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook