From Hanoi

Chương 29: Chương 7.2

Lê Phùng Thi Uyên

14/12/2019

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc một giờ chiều, ở đây tôi đã gặp một chút rắc rối vì sự quê mùa của mình.

Nghĩ khổ cái thân tôi, năm 2010 ấy tôi chỉ là một anh chàng nhà quê lần đầu được đi máy bay, kinh sách thánh hiền thì đầy đầu nhưng đã bao giờ tôi bước chân ra thế giới hiện đại đâu. Tôi không biết là cái băng chuyền sân bay nó chạy theo một vòng tròn, khi nhìn từng chiếc túi xách chạy ngang qua trước mặt, anh hai lúa ra phố lại tưởng nó chỉ chạy một lần thôi, nếu chạy qua mà không lấy xuống thì đồ đạc sẽ chui lại vào kho, lúc đấy phải tìm kiếm sự trợ giúp từ nhân viên sân bay rất là phiền phức.

Mà chiếc vali kéo của tôi là hàng phổ thông bán đầy ngoài chợ, Trang mới mua nó giúp tôi hôm qua xong, không có dấu hiệu gì đặc biệt để nhìn một cái là nhận ra nó ngay cả.

Vậy nên, khi nhìn thấy một chiếc vali vuông màu xanh da trời rất giống đồ của mình đang chạy lại gần, tôi vội vàng giơ tay ra đón và nhấc nó khỏi băng chuyền.

Tôi đặt vali đứng thẳng trên mặt đất và săm soi xem đây có chính xác là đồ của mình không, đang lần mò xem ký hiệu trên vali thì tôi giật bắn mình vì tiếng quát to ở sau lưng: “Mày làm trò gì đấy thằng kia!?”

Tôi hoảng hồn quay lại thì thấy một người đàn ông bệ vệ mặc đồ vest màu xanh da trời đang chống nạnh trừng mắt nhìn mình.

“Vali của tao!! Mày định trộm đồ à?” Ông ta quát to. “Tao gọi bảo vệ bây giờ.”

“Không, không.” Tôi rụt vội hai tay khỏi vali và giơ lên trời thanh minh. “Cháu nhìn nhầm, là hiểu nhầm thôi, cháu xin lỗi bác.”

“Nhầm cái gì? Tao không phát hiện ra là mày xách đi rồi.” Ông ta lao đến hất tôi sang một bên và chộp lấy cái vali.

Thấy chưa có vấn đề gì ông ta quay sang lừ mắt nhìn tôi và lẩm bẩm: “Tao bỏ qua lần này đấy. Còn trẻ khỏe không tìm việc lương thiện mà làm.”

Một trí thức trẻ mà bị nhìn nhầm thành phường trộm cắp, đúng là một nỗi oan tày đình không biết phải bào chữa thế nào, kể cả tôi nói lý do nhà quê của mình ra chắc ông ta cũng chẳng tin, không khéo còn chửi tôi là xảo ngôn.

“Xin lỗi, cháu thật sự xin lỗi.” Tôi rối rít. “Vì đồ giống nhau quá nên cháu nhìn nhầm thôi. Cháu là sinh viên, không phải dân trộm cắp đâu.”

“Mày tưởng nói thế mà tao tin à? Đồ to thế này mà bảo là nhầm được hả? Sinh viên gì, toàn bọn thủ đoạn.” Ông ta làu bàu rồi quay lưng hậm hực bỏ đi.

Sơn rất ngạc nhiên khi phát hiện ra tôi với gương mặt thất thểu đang đứng lơ ngơ ở cổng sân bay. Sự cố dở hơi vừa qua đã làm cho niềm vui của tôi khi gặp lại chiến hữu cũ giảm đi mất một nửa, thay vì tay bắt mặt mừng với Sơn thì tôi lại rầu rĩ thuật lại câu chuyện vừa rồi với hắn, kể xong tôi than thở là không ngờ chuyến đi xa đầu tiên trong đời mình lại dữ dội đến vậy.

“Ha ha ha.” Sơn cười, tiếng cười giòn tan. “Đúng là chuyện dở khóc dở cười. Nhưng mà thôi, mày đừng nghĩ ngợi nhiều quá, ai lên khôn chả mắc dại đôi lần, như tao hồi mới ra thành phố chả vậy, vào mấy cái siêu thị lớn suốt ngày đi lạc, vào mấy tòa nhà lớn thì loay hoay không biết sử dụng thang máy thế nào. Chuyện nhỏ thôi, mày phấn chấn lên, người ta nghĩ gì kệ họ, mình tự biết mình không làm gì sai là được.”

“Ừm.” Tôi gật gù đồng ý với hắn, có bạn bè bên cạnh tôi thấy tự tin lên hẳn.

“Bỏ qua chuyện lãng xẹt ấy đi, mày vào đến đây là tốt rồi.” Hắn nói và vỗ vai tôi. “Nhìn mày vẫn gầy gầy thư sinh như ngày xưa. Mày thấy tao có thay đổi nhiều không?”

Nãy giờ mải nghĩ ngợi lung tung nên tôi chưa nhìn kỹ hắn. Nghe hắn hỏi thế tôi bèn lùi lại một chút và ngắm nghía hắn từ đầu đến chân, rồi tôi rụt rè nhận xét: “Ừm… Mày béo lên nhiều đấy, da thì hơi đen đi một chút.”

“Ừ, bia rượu nhiều nên to bụng đấy, còn da dẻ thì…” Hắn nói. “Trong này khí hậu nắng nóng quanh năm mà, lại bạc mặt kiếm sống nên tao cũng phong trần đi không ít.”

“Ngoài ra…” Tôi nói thêm. “Mày ăn mặc lịch sự hơn xưa rất nhiều!”

Nhớ hồi ấy hai thằng nhà quê bọn tôi toàn mặc quần vải bạc màu với áo trắng đã ngả vàng và đeo dép tổ ong đi học, hôm nay tôi vẫn lếch thếch như thế còn Sơn đã lột xác thành một quý ông rồi. Hắn mặc áo sơ mi trắng, quần âu đen, đeo giầy da, trong túi áo ngực còn thập thò đôi kính râm màu vàng nâu kiểu chuồn chuồn.



“Ơ kìa, đón bạn nối khố phải đàng hoàng chứ lại!” Sơn cười hềnh hệch. “Mà mặc thế này cũng bình thường chứ có gì đâu trời. Khi nào đi làm mày cũng sẽ quen với đồ công sở thôi.”

“À… ừm” Tôi nói.

“Bây giờ thế này đi.” Sơn hồ hởi nói. “Hai thằng mình ra ngoài bãi lấy xe, rồi tao dẫn mày đi ăn lẩu cá kèo ở quận 3, tiện thể giới thiệu mày với mấy người đồng nghiệp của tao.”

“Tao với mày không đi ăn riêng được à?” Tôi nói, đã lâu rồi chúng tôi không gặp lại nhau, tôi tin là hai thằng có rất nhiều chuyện để tâm sự.

“Tại bọn nó hẹn tao trước rồi.” Sơn đăm chiêu. “Hơn nữa, mày còn ở đây lâu mà đúng không, anh em mình thiếu gì thời gian nói chuyện.”

“Ừ, đúng là tao chưa đặt vé về.”

“Thế thì còn vướng gì nữa. Đi thôi nào!” Sơn nói và quay bước dẫn đường, hắn vẫn vừa đi vừa huýt sáo như trước kia, Sơn lúc nào cũng nhanh nhẹn hoạt bát như vậy, ai gặp lần đầu cũng nhận xét hắn là một con người đầy sức sống.

Tôi lững thững đi theo hắn được dăm ba bước thì đứng sững lại. Có mùi gì như mùi nước hoa Bvlgari Aqua từ người hắn, tôi nhận ra loại nước hoa này ngay vì trước kia có khoảng thời gian Dũng rất hay dùng. Trong thoáng chốc tôi thấy thằng bạn chí cốt năm xưa trở nên vô cùng xa lạ, tôi cảm thấy mình chẳng hiểu gì về hắn cả.

Sơn quay lại nhìn tôi khi ấy đang đứng tần ngần cách hắn đến sáu bảy bước chân: “Mày làm sao thế? Sao lại đứng đấy? Sao hôm nay ngơ ngơ như người mất hồn vậy Kiên?”

“À, à… không.” Tôi ú ớ. “Tại… mày dùng nước hoa làm tao thấy lạ.”

“Thằng khùng này.” Hắn nói. “Sao hôm nay để ý chuyện hình thức dữ vậy?”

“Tại vì…” Tôi ấp úng. “Tao thấy mày khác trước quá nên chưa quen. Cả cách mày nói chuyện nữa, trời ơi, nghe lơ lớ giọng miền Nam rồi.”

“Trời ơi trời!” Hắn than vãn. “Chỉ là một tí bề ngoài thôi, tao vẫn là thằng bạn mò cua bắt ếch ngày xưa với mày thôi mà.”

Thấy tôi vẫn ngẩn tò te, hắn lẩm bẩm: “Thôi được rồi, thằng khùng này…”

Hắn bước lại gần tôi và lấy ví từ túi quần ra, sau đó, từ trong ngăn có khóa kéo của chiếc ví hắn rút ra một tờ tiền cũ, đó là một tờ tiền mười nghìn đồng màu đỏ cam, loại tiền giấy Cotton ngày xưa, khi tiền bằng Polymer chưa được phát hành.

Hắn nhấc tay phải của tôi lên và dúi đồng tiền ấy vào tay tôi. “Mày không nhận ra tao thì có nhận ra đồng tiền này không?” Hắn nói.

Tôi ngắm nghía đồng tiền và lật xem cả hai mặt của nó, mặt trước đồng tiền ghi năm phát hành từ tận 1993, mặt sau có in hình vịnh Hạ Long, nhưng tôi không có bất cứ ký ức nào về nó cả.

“Đây là tiền giấy ngày xưa thôi mà.” Tôi nói. “Ý mày là gì? Tao không hiểu.”

“Mày quên rồi à??”

“Thật sự là tao không hiểu gì cả.”

“Mày không nhớ à, để tao nhắc cho mày nhớ nhé.” Hắn nói. “Cái động tác cầm tay dúi tiền vừa rồi mày có thấy quen không?”



“Động tác vừa rồi?” Tôi run rẩy nói. “Hình như… hình như là…”

“Bắt đầu nhớ ra rồi hả? Đúng rồi đấy.” Hắn gật đầu. “Tao vừa thử dúi tiền vào tay mày như mày hay làm trước kia với tao, mày đã giúp tao nhiều lần nên chắc mày không nhớ được nghĩa cử ấy, không nhớ được đồng tiền này, nhưng tao thì không bao giờ quên cả. Cái Tết cuối cùng tao còn ở quê, mày đã để lại đồng tiền này cho tao, nhưng nghĩ đến chuyện sắp đi xa nên tao không bỏ ra tiêu mà quyết định sẽ giữ lại làm kỷ vật. Tao đã luôn tự nói với bản thân là mình sẽ mang theo đồng tiền này suốt cuộc đời, nó tượng trưng cho tình nghĩa, cho vận may mà cuộc đời ban cho tao.”

Tôi lặng người đi vì xúc động, đúng, đúng là tôi đã từng giúp đỡ hắn nhiều lần, nhưng tôi coi việc ấy rất đỗi bình thường nên không bao giờ để ý ghi nhớ cả.

“Hồi sinh viên đi làm thêm…” Hắn nói tiếp. “Tao cũng kết thân với một thằng bạn chạy bàn cùng quán, rồi nó hỏi vay tao hai triệu, tao tin tưởng cho vay, hóa ra nó lừa tiền tao trước khi nghỉ việc. Đấy là lần đầu tiên một thằng khôn ngoan như tao bị lừa, tao trách mình quá nặng tình và quá tin tưởng vào nó. Khi phát hiện ra bị lừa, tao chán nản nguyên một tuần, buồn vì mất tiền ít, buồn vì mất lòng tin thì nhiều, thời gian ấy tao thấy nhớ mày và nhớ quê mình ghê lắm. Tao tự nhủ sớm muộn gì tao cũng phải tìm mày.”

“Cám ơn mày.” Tôi rơm rớm nước mắt. “Thật sự, nếu chỉ được sống một lần duy nhất trên đời mà được chứng kiến những việc làm như của mày thì cuộc đời này tao sống không uổng phí rồi.”

“Tao đã muốn tìm mày từ rất lâu rồi.” Hắn nói. “Nhưng đi làm công việc bận rộn quá, tao đi tập huấn ở nước ngoài suốt. Hồi kết bạn Facebook với mày là tao đang ở Đức đấy chứ.”

“Anh em mới gặp lại nên tao định nói chuyện này sau.” Hắn nói tiếp. “Nhưng thôi giờ nói luôn, tao xin lỗi, rất xin lỗi, ngày mẹ mày mất mà tao không được biết, giá như Facebook có sớm hơn…”

“Không, đừng nói vậy, mày mới đi làm cần thời gian hòa nhập thích nghi với công việc, tao hiểu mà, đừng suy nghĩ chuyện ấy.” Tôi phấn chấn nói. “Hơn nữa, đến bây giờ thì tao đã thấy lại thằng Sơn của ngày xưa rồi.”

Tôi và hắn cùng nhìn nhau rưng rưng nước mắt, tuy chúng tôi không có quan hệ máu mủ gì với nhau nhưng hoàn cảnh sống tương đồng đã kéo chúng tôi lại gần nhau còn hơn cả anh em cùng một mẹ đẻ ra. Tôi và Sơn giống như những tấm gương phản chiếu cuộc đời của nhau vậy, khi tôi nhìn vào hắn hay là hắn nhìn vào tôi, chúng tôi có thể dễ dàng thấy lại những gian nan khốn khó của chính mình, và khi thương cảm với cuộc đời người kia cũng đồng thời là lúc bùi ngùi cho số phận của chính mình.

“Dù sao, tao cũng vẫn rất áy náy về chuyện mẹ mày mất mà tao không biết.” Hắn nói.

“Không, không. Mày đừng nói nữa” Tôi nói, rưng rức nước mắt. “Tao với mày không phải nói nhiều, mình đủ hiểu về nhau mà.”

Tôi bước đến ôm chặt lấy hắn và cố gắng kiềm chế để không khóc òa lên như một đứa trẻ.

“Ơ, cái thằng này.” Hắn vỗ lưng tôi và cười. “Làm gì đấy, bỏ ra đi, người ta lại tưởng tao với mày có vấn đề về giới tính bây giờ.”

Thả hai tay khỏi người hắn, tôi nói: “Ừm… Xin lỗi, tại tao xúc động quá. Giờ mình đi lấy xe rồi đi ăn nhé.”

“Ừ. Anh em mình còn nhiều thời gian hàn huyên mà. Giờ đi ngay không muộn giờ hẹn rồi.”

“Mà khoan đã.”

“Còn chuyện gì à?”

“Không có gì.” Tôi tủm tỉm cười. “Chỉ là… trong thời khắc hội ngộ xúc động này, tự dưng tao nhớ ra hai câu thơ này rất hay về tình bạn, mày có muốn nghe thử không?”

“Không không, thôi nha!” Hắn giẩy nãy lên khi nghe tôi nói. “Không thơ thẩn gì đâu nha! Tao chỉ chiều mày một lần duy nhất trong đời thế thôi.”

“Ha ha ha.” Tôi nhìn khuôn mặt nhăn nhó của hắn và cười to một cách sảng khoái. “Tao trêu mày thôi thằng bạn cứt ạ!”

Hắn hiểu ra và cũng cười ha hả theo tôi. Sau tràng cười ấy hai thằng sung sướng khoác vai nhau đi ra ngoài lấy xe.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện From Hanoi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook