From Hanoi

Chương 30: Chương 7.3

Lê Phùng Thi Uyên

14/12/2019

Cả tuần liền Sơn bận rộn đến tối mắt tối mũi, hắn thường về nhà vào lúc mười một giờ đêm trong tình trạng đã say mèm. Mở cửa phòng ra thấy tôi hắn hỏi thăm tình hình được đôi ba câu rồi ngã vật xuống giường luôn. Đừng nói là có thời gian để anh em hàn huyên tâm sự, có hôm hắn còn lăn ra giường ngáy khò khò mà chưa kịp cởi giầy nữa kia.

Chơi với Sơn bao nhiêu năm nay, tôi hiểu rõ hắn là loại người rất coi trọng sức khỏe. So sánh ra thì Sơn còn không ham rượu chè bằng tôi, tôi là kiểu người có thể uống rượu vào bất cứ thời điểm nào miễn là có cảm xúc, còn Sơn uống rượu không phải vì cảm xúc, không phải để giải tỏa cảm xúc hay tìm sự thăng hoa. Hắn uống rượu luôn phải để đạt một kết quả gì đó, đợt này đây là một ví dụ, hắn say sưa triền miên thế này là do phải chiều đám bạn làm ăn của ông bác hắn, nghe đâu hai bác cháu họ đang đầu tư vào một dự án bất động sản nào đó ở ngoại thành nên rất tích cực mở rộng quan hệ.

Chứng kiến cảnh bận rộn ấy của Sơn tôi vừa thấy buồn lại vừa thấy vui, buồn vì chưa ngồi tỉ tê với hắn được buổi nào, vui vì nghĩ rằng nhiều việc thì nhiều tiền, hoặc ít ra là con thuyền sự nghiệp của hắn có vẻ đang xuôi chèo mát mái.

Phải đến ngày thứ sáu, tức là sau năm ngày kể từ khi tôi đặt chân đến đất Sài Gòn, Sơn mới sắp xếp được công việc để dành thời gian tiếp đón thằng bạn thân đang gần hết kiên nhẫn của hắn.

Tối hôm ấy tôi ngồi ở nhà trọ lướt mạng chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng hắn đâu, đến mười hai giờ đêm, thấy sốt ruột quá nên tôi đóng cửa phòng đi xuống dưới nhà, định bụng ra ngoài phố mua bao thuốc lá rồi đứng hóng gió ở cửa nhà chờ hắn luôn, nhưng vừa lò dò xuống đến tầng hai thì tôi sửng sốt phát hiện ra Sơn đang nằm ngủ gục ở chiếu nghỉ cầu thang, ngay trước cửa phòng trọ của hai em sinh viên mà tôi mới chạm mặt vài lần, chẳng là Sơn đã thuê nguyên cả căn nhà bốn tầng này và cho các em sinh viên thuê lại các phòng trong nhà để kiếm lời.

Hắn đúng là có năng khiếu làm kinh tế, tôi chẳng bao giờ nghĩ ra được cách ấy.

Tôi phải lay đến năm phút thì Sơn mới mở mắt. Vừa lờ mờ thấy tôi hắn ú ớ: “Kiên à. Sáng mai… sáng mai đi Vũng Tàu nhé!”

“Trời, Vũng Tàu Vũng Thuyền gì!?” Tôi ghìm giọng để không ảnh hưởng đến những người khác trong nhà. “Mày về lâu chưa? Uống cái gì mà say ghớm thế này?”

“Tao về lâu rồi, mệt quá nên leo được đến đây rồi ngủ quên bố nó mất.” Hắn loạng choạng đứng lên, sợ hắn ngã nên tôi ôm hờ vào người hắn.

“Không cần đâu. Tao tự đi được… đặt chỗ hết rồi đấy.” Hắn bám tay phải vào tường và lết từng bước lên cầu thang.

“Thật hay đùa đấy?!” Tôi nói với theo. “Mày bận việc thì cứ làm, đừng vì tao mà nghỉ.”

“Kệ mẹ nó đi. Anh em mới quan trọng.” Hắn quay lại lè nhè. “Việc thì làm đến bao giờ mới hết!”

Năm giờ sáng hôm sau, khi Sơn đập lưng gọi dậy tôi vẫn tưởng là hắn đang trêu mình. Hai mí mắt nặng trĩu không mở ra nổi nên tôi quờ quạng theo phản xạ để gạt tay hắn ra.

“Gọi gì sớm thế, tao đang ngủ ngon mà…” Tôi làu bàu mắng hắn rồi kéo chăn chùm kín đầu ngủ tiếp.

Tôi vừa lim dim thêm được vài phút thì Sơn kéo tung chăn lên khỏi người tôi và ném xuống trước mặt tôi vé tàu khứ hồi tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu.

“Cái thằng này, tối qua tao say hay mày say vậy? Không nhớ tao dặn gì à?” Hắn quát.

Tôi cầm vé ngồi bật dậy nhìn hắn: “Tao tưởng mày say xỉn nói nhảm? Đi chơi thật đấy à?”



“Mày lại quên tao là người thế nào rồi. Tao chỉ mệt vì rượu chứ không bao giờ say vì rượu cả!” Hắn nói. “Thôi, đừng lề mề nữa, đánh răng rửa mặt nhanh lên rồi đi ăn sáng.”

Sau mười phút chuẩn bị, tôi và Sơn xuống đường ăn qua loa hai bát mì rồi gọi taxi đi ra bến Bạch Đằng. Xếp hàng đến khoảng chín rưỡi thì được lên tàu, cùng chuyến đi với chúng tôi lúc ấy có vài người khách đi lẻ và một đoàn mười lăm người mặc áo phông đỏ in khẩu hiệu giống hệt nhau, nhìn dòng slogan và nghe cách nói chuyện tôi đoán họ là đồng nghiệp cùng làm trong một công ty.

Đây là lần đầu tiên tôi được đi tàu cánh ngầm, tàu chạy nhanh và khá êm, lúc đầu cảm giác hơi chòng chành một chút nhưng khi quen rồi thì thấy rất thích thú.

“Sao? Cảm giác thế nào?” Sơn hỏi, khi ấy tôi đang ngẩn ngơ nhìn những ngọn núi ở tít mờ xa. “Đi nhanh và sướng hơn con đò nát hồi ấy chứ hả?”

“Như bay ấy.” Tôi cười ngất. “Thảo nào người ta gọi nó là xuồng bay.”

“Liệu đi chuyến này về mày có làm được bài thơ nào không?”

“Hừm.” Tôi tự ái. “Lúc nào mày cũng châm chọc các nhà thơ, chẳng lẽ trong mắt mày chỉ có tiền là có giá trị thôi sao?”

“Nghệ thuật cũng rất có giá trị đấy chứ!” Hắn nói. “Từ khi ra thành phố tao đã thay đổi cách nhìn nhận về nghệ thuật rồi, khi biết có những bộ phim ra rạp mang về doanh thu đến hàng tỉ đồng cho nhà sản xuất, tao đã ngộ ra rằng hóa ra nghệ thuật rất có giá trị, vấn đề là chúng ta có biết cách kiếm tiền từ nó hay không thôi.”

“Nhận xét ấy sẽ làm buồn lòng những nghệ sĩ chân chính.” Tôi nói, mặt sa sầm. “Người ta sáng tạo nghệ thuật vì đời sống tinh thần của mình và của khán giả, vật chất chỉ là phụ phẩm thôi.”

“Đời sống tinh thần gì? Toàn là sản phẩm hư cấu, có cái gì thật đâu chứ.” Hắn nhận xét, nghe rất mất hứng.

“Tao còn nhiều lý lẽ để tranh luận.” Tôi ngao ngán. “Nhưng bàn luận chủ đề này với mày chán chết đi được ấy!”

“Không bàn thì thôi...” Sơn nói. “Nhưng dù mày thấy chướng tai, tao vẫn phải nói thật là mấy câu thơ câu thẩn của mày không thể nào ra tiền được đâu!”

“Được rồi, được rồi. Không ra tiền. Ok.” Tôi giơ hai tay lên trời đầu hàng. “Làm ơn nói chuyện khác được không, sao mày dẫn tao đi chơi xa thế này, Sài Gòn tao còn chưa đi được hết một vòng mà.”

“Thỉnh thoảng muốn rời xa chốn thành thị xô bồ một chút thôi. Sài Gòn để khi về tao dẫn mày đi sau, còn vô số thời gian mà, đúng không?”

“Tao sao cũng được. Chỉ là tự dưng mày đòi xuống thành phố biển nghỉ mát làm tao hơi thắc mắc thôi, liệu có khi nào sáng sớm ngày mai mày sẽ gọi tao dậy ra bờ biển ngắm mặt trời mọc với mày không vậy?”

“Mày khùng quá đi mất!” Sơn sướng chí cười khanh khách. “Nghe như chuyện của hai thằng pê đê ấy. Thế mà mày cũng nghĩ ra được.”

“Trêu mày thôi! Sài Gòn hay Vũng Tàu gì cũng được, cứ có thời gian để anh em mình nói chuyện với nhau là tốt rồi. Tao chỉ sợ phải ra về khi mà chưa được uống với mày ly nào thôi.”

“Nghe mày nói rõ tội ấy.” Hắn nói. “Thế mấy hôm ở nhà một mình buồn lắm hả? Tao muốn dứt ra để về sớm với mày lắm nhưng không được.”



“Công việc phải ưu tiên là đúng rồi.” Tôi nói. “Mà cũng chẳng buồn lắm. Tao tự đi loanh quanh tìm hiểu phố phường suốt.”

“Thế nhà báo tìm hiểu được những gì về Sài Gòn rồi?”

“Mới có vài ấn tượng ban đầu thôi.”

“Nói thử xem nào?”

“Ấn tượng đầu tiên là thời tiết ở đây cực kỳ thất thường, mưa ào một trận năm phút rồi lại nắng được ngay. Hay thật đấy!”

“Ừm.” Sơn khoanh hai tay trước ngực gật gù. “Sài Gòn giống một tiểu thư yêu kiều đỏng đảnh, chóng giận mà cũng chóng quên.”

“Ấn tượng thứ hai là món cơm tấm.” Tôi nói. “Hôm thứ ba đi bộ ngang qua quán cơm sườn gần chỗ mình trọ, thấy người ta đang nướng sườn trên lửa than hồng, miếng sườn vàng óng tỏa mùi thơm phức làm tao thèm quá chịu không nổi phải tấp ngay vào ăn xem thế nào. Ăn một lần rồi nghiện luôn.”

“Ừ. Người Sài Gòn ăn cơm tấm cũng nhiều như người Hà Nội ăn phở ấy.” Hắn nói. “Cơm tấm có mặt ở mọi nẻo đường Sài Gòn, từ nơi vỉa hè bình dân đến những hàng quán sang trọng. Ngày xưa nó chỉ là món ăn cho người nghèo, người ta không có điều kiện ăn gạo lành nên phải tận dụng những hạt tấm và gạo gãy trong quá trình xay xát để nấu thành cơm. Còn ngày nay ư, mày biết nực cười thế nào không, người ta phải tốn công làm nát hạt gạo thường để tạo ra gạo tấm phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của hàng triệu người dân.”

“Ngon thế thì tốn công cũng đáng mà. Cả tuần nay tao ăn độc món đấy mà vẫn chưa chán.” Tôi tấm tắc. “Gần đây tao được thưởng thức khá nhiều món ăn ngon, tao đang tự hỏi không biết mình có nên trở thành một nhà báo chuyên viết về ẩm thực không đây.”

“Cũng hay, ẩm thực là một đề tài rất phong phú đấy. Mày làm tao nhớ đến bà ngoại tao, ngày xưa bà nấu ăn cũng ngon lắm. Tao chưa kể mày nghe chuyện hồi trẻ bà tao làm đầu bếp chuyên đi nấu nướng phục vụ ma chay cưới hỏi nhỉ.”

“Ừ. Tao vẫn nhớ mấy món bà mày làm.” Tôi nói. “À, tao còn nhớ cả cái lần xe bị thủng xăm, hai thằng mình phải đi bộ dắt xe về giữa trưa nắng chang chang, mệt và đói gần chết, về đến nhà thấy nồi thịt kho của bà ngon quá hai thằng lao vào chén lấy chén để, ăn hết rồi còn nắm cơm lại vét đến hết sạch nước kho mới thôi. Mày còn nhớ không?”

“Nhớ chứ, quên làm sao được! Còn mấy món nữa bà tao làm ngon cực kỳ luôn.” Đang nói Sơn bỗng hạ giọng rầu rĩ. “…Ngon đến độ bây giờ tao không dám ăn lại những món ấy, sợ ăn vào sẽ rơi nước mắt vì nhớ bà…”

“Tiếc thật, giá như bà mày còn sống để chứng kiến mày nên người như hôm nay…”

“Bà tao mất thảm quá… Thôi, mình đừng nhắc nữa, nhắc sẽ đau lòng thêm…” Hắn nói.

“Ừ, ừm, thôi, thôi… Tao ra ngoài hút thuốc tí nhé.” Tôi nói và đứng dậy, khóe mắt cay cay, nghĩ về những người thân thiết đã rời xa mãi mãi luôn khiến ta thấy xót xa trong lòng biết bao nhiêu.

Hút thuốc xong quay vào thì tôi thấy Sơn vẫn đang trầm ngâm nhìn sông. Tôi vừa thả người một cách mệt mỏi xuống ghế thì hắn quay sang đề xuất một việc mà trong mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến: “Này, nói chuyện văn thơ đi. Tự dưng tao rất hứng thú, hôm trước mày bảo có câu thơ hay ho gì về tình bạn định đọc cho tao nghe ấy nhỉ?”

Biết là hắn pha trò cho vui nhưng tâm trạng đang nặng nề nên tôi chẳng nhếch mép cười nổi. Tôi thuộc kiểu người đa sầu đa cảm, hễ đã suy tư hay hoài niệm một chuyện gì thì khó mà dứt ngay ra được.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện From Hanoi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook