Gặp Nhau Là Duyên Phận

Chương 42: Cảm giác chết lặng là như thế nào?

Dã Thảo Hoang Sơn

31/12/2020

Câu chuyện đời anh còn ly kỳ hơn thiên truyện gần tám trăm ngàn chữ mà tôi từng viết. Nó như một cuốn phim, vĩnh viễn có góc khuất. Tôi bất chợt có xúc động muốn viết lại tất cả, cho dù mối tình của tôi và anh có kết thúc tốt đẹp hay không. Khi đó tôi nghĩ, câu chuyện về anh nếu được đưa lên mạng nhất định sẽ có nhiều comment phản hồi lại cho tôi. Ơ, tôi đang nghĩ gì thế này? Thôi, bỏ qua bỏ qua.

Nhưng chính vì ý nghĩ nhất thời ngày hôm đó của tôi, các bạn mới có câu chuyện để đọc ngày hôm nay đấy. Nên đừng phàn nàn hay thắc mắc vì sao tôi nghĩ vậy và làm vậy, tâm hồn nghệ sĩ trong tôi nó tự động vận hành như thế, tôi không quản được.

"Vũ, một ngày nào đó anh vô tình đọc được những dòng này của em, xin anh hãy bình tĩnh đừng biến mọi thứ xung quanh thành đạn pháo và nã vào em nhé!"

Có lẽ tôi mãi nghĩ bâng quơ nên đã ngẩn người, khiến Thy phải vồn vã gọi tôi.

- Chị Nga, chị Nga...

Tôi giật mình bừng tỉnh.

- Em nói tiếp đi.

- Những gì cần nói em điều nói hết rồi, chắc chị ngạc nhiên lắm phải không? Chị có thể suy nghĩ lại, nếu cảm thấy khó chấp nhận thì có thể dừng lại trước khi quá muộn.

- Chị không ngạc nhiên. Những chuyện em kể, anh ấy đã nói hết cho chị nghe từ trước rồi. Chị và anh ấy cũng suy nghĩ kỹ rồi.

Thực chất tôi đã nói dối, anh vẫn chưa nói tất cả mọi thứ cho tôi. Nhưng qua một vài điều anh đã tâm sự trước đó, tôi đoán ra được nên khi nghe Thy kể tôi hoàn toàn không cảm thấy ngạc nhiên.

- Thì ra anh hai tin tưởng chị hơn em nghĩ. Có lẽ em không cần nói gì thêm. Nhưng chắc chị cũng biết, anh hai em có lúc rất cực đoan, những lúc như vậy chị đừng kích thích ảnh. Cứ bỏ mặc ảnh vài hôm mọi thứ tự động về vị trí cũ ngay thôi.

Cực đoan ư? Hóa ra đứa em này vẫn chưa đủ hiểu anh như một người xa lạ là tôi. Có lẽ tôi là người từng trải qua những cảm xúc đó nên thấu hiểu nhiều hơn một chút. Đó không phải là cực đoan, nó là biểu hiện của rối loạn tâm lý, triệu chứng của trầm cảm. Những lúc như vậy tôi thường cần một người giúp tôi đấm một phát cho những cảm xúc tiêu cực bay đi. Nhưng trước giờ tôi đều phải tự mình giải quyết tâm trạng chính mình.

Đợi một chút, lẽ nào tương lai tôi phải đối mặt với một người y hệt bản thân mình hả. Ôi bầu trời của tôi, hình như mây đen vần vũ nữa rồi. Tôi đang định thay anh giải thích một chút nhưng tầng trên đã phát ra những tiếng lộc cộc.

Tôi và Thy cùng lúc im bặt, Vũ đã thức dậy! Câu chuyện của tôi và Thy lập tức chuyển một trăm tám mươi độ sang game. Những điều tôi muốn nói hình như nói hay không cũng không quan trọng. Sau này anh là của riêng tôi, ý nghĩ tiêu cực, hành động cực đoan gì gì đó tôi sẽ là người quản. Để anh ở mãi trong cảm xúc hỗn độn đó hay kéo người ra là quyền của riêng tôi. Tôi không cần báo cáo cho ai biết cả.

Khoảng mười lăm phút sau, Vũ xuất hiện trước mặt tôi và Thy. Anh tươm tất gọn gàng hơn hẳn hôm qua. Tôi vẫy tay cười:

- Hi, chào buổi trưa.

Anh cười cãi lại:

- Mới mười giờ rưỡi, vẫn còn buổi sáng.

Tôi ngậm miệng không buồn nói nữa.

Thy cười cười hỏi:



- Mọi người đói bụng chưa, để em gọi đồ ăn.

Tôi và anh không ngần ngại gật đầu cái rụp. Thy lập tức lấy điện thoại ra gọi bốn phần ăn. Gọi xong cô nàng đi đến trước cửa căn phòng duy nhất ở tầng trệt, đá vào cửa đùng đùng, hét ầm lên:

- Ôn thần, thức dậy ăn trưa.

Không đầy một phút sau cửa phòng bật mở, "Phong đầu bù tóc rối" thò mặt nhìn ra.

- Tiểu đệ biết rồi, đừng đạp cửa nữa đại ca.

Hình tượng Phong trong tôi từng cao lớn, lịch lãm ngày nào hôm nay chính thức sụp đổ hoàn toàn. Thy, Vũ và tôi nhìn nhau bật cười thành tiếng.

***

Sau Tết dương lịch chính là Tết âm lịch. Hai mươi hai Tết, tôi tìm đến chỗ ba tôi đang ở và tu hành. Ông đang bệnh và gầy hơn trước. Tôi kêu ông trở về nhà để tiện cho mẹ con tôi chăm sóc. Ban đầu ông không muốn về nhưng tôi nói mãi, cuối cùng ông cũng chịu thỏa hiệp. Tết đó cả nhà tôi lần nữa được quây quần ba người. Tuy không nói hay trách móc chuyện ba bỏ nhà đi, nhưng tôi thấy mẹ vui hẳn ra, không như trước kia suốt ngày buồn man mác.

Tết, mồng một, mồng hai tôi ôm máy lên game. Mồng ba thăm thầy cô và mồng bốn trở lại chỗ làm. Tôi tiện tay mang mớ quà Tết mẹ tôi làm cho Vũ. Anh nói với tôi có thể cuối tháng giêng hoặc giữa tháng hai cậu anh sẽ lên nhà tôi để bàn tính chuyện chung thân đại sự của tôi và anh.

Cuối tháng giêng, ba tôi bệnh phải nhập viện một tuần, chỉ đơn giản là ói mửa và tiêu chảy. Tôi phải bỏ làm một tuần để vào viện chăm sóc cho ba.

Khi đi làm trở lại tôi nghe mọi người bàn tán. Bắt đầu từ năm 2019 này bộ máy hành chính sẽ tiến hành tinh giản biên chế. Và những người là cán bộ không chuyên trách như tôi có cơ hội "được" luân chuyển chức vụ công tác hoặc tiễn thẳng về nhà cày ruộng rất cao.

Giữa tháng hai, theo dự tính, cậu của Vũ định lên nhà tôi thì ba tôi lại bệnh. Lần này là ói, tiêu chảy và ho ra máu. Tôi lại nghỉ việc để chăm sóc cho ba. Bác sĩ nói ông bị lao phổi. Điều trị một tuần, sức khỏe tạm thời ổn định, bác sĩ cho ông xuất viện về nhà tịnh dưỡng và uống thuốc thêm.

Tháng tư, cậu của Vũ, Vũ, Phong và Thy chính thức lên thăm nhà của tôi. Ba tôi sau hai lần bệnh thần trí không ổn định và hay mệt hơn lúc trước nên không tiếp khách. Ông cũng không ý kiến gì về việc tôi chọn Vũ làm chồng, nếu là trước kia có lẽ ông không như vậy.

Kết quả, mẹ tôi và cậu anh cùng nhau trò chuyện. Hỏi ra mới biết cả hai từng ở cùng một quê, chung một huyện ở Vĩnh Long, mãi về sau cậu anh mới lên Cần Thơ lập nghiệp. Hai vị trưởng bối hồi ức lại một thời quá khứ đầy rẫy đạn bom. Cuối cùng cũng quyết định cho tôi và anh tiến hành hôn sự. Dự định là cuối năm sẽ tiến hành, đám hỏi sẽ tổ chức trước đám cưới tầm hai tháng.

Sau khi về nhà và nhờ thầy coi tuổi cậu anh thông báo cho gia đình tôi: Nhà trai sẽ đưa lễ hỏi đến giữa tháng tám âm lịch, lễ cưới vào cuối tháng chín âm lịch.

Câu chuyện của tôi đến đây có vẻ như sắp chạm vào một kết thúc viên mãn đúng không? Nhưng đó chỉ là khởi đầu của những ngày tháng tồi tệ của tôi. Tháng tám, ba tôi lại bệnh nhập viện. Ông sốt cao, ói và tiêu chảy. Bệnh viện sơ chuẩn ông viêm đường ruột tác nhân vi khuẩn chưa xác định và thiếu máu. Cần chuyển về tuyến trên để truyền máu và điều trị. Tôi lại nghỉ làm để chăm sóc cho ba.

Sau một tuần, ba tôi được cho ra viện, sức khỏe ông sút hẳn đi. Nằm cả ngày và chẳng buồn nói gì.

Tôi trở lại cơ quan để làm, lần nữa nghe mọi người xôn xao bàn tán về danh sách công chức có khả năng bị đuổi việc, trong đó có tôi. Tôi chủ động đưa đơn xin nghỉ việc để chính thức được về nhà chăm sóc cho ba.

Nửa tháng sau ba tôi lại bệnh, lần này ông ngủ say, tôi gọi mà ông không tỉnh. Khi kiểm tra kỹ lại tôi phát hiện ra ông sốt cao, khi đưa đi viện thì ông bắt đầu co giật. Ông được bác sĩ chuẩn đoán là bị tai biến mạch máu não. Bác sĩ nói thời gian còn lại của ông không dài, gia đình hãy chuẩn bị tinh thần.

Khoảnh khắc đó, tôi cảm giác cổ mình như nghẹn lại. Không có giọt nước mắt nào trào ra nhưng tôi biết, tôi sắp phải tiễn đưa một người về thế giới bên kia. Người đó từng là người tôi thương yêu nhất, mãi đến khi sự kiện "gả bán" diễn ra nhưng lại bất thành. Tôi chợt nhận ra, hình như tôi không hận ông nhiều như mình từng nghĩ.

Sau lần ba hấp tấp gả tôi cho một đứa con trai có thể tạm gọi bằng cụm từ "chẳng ra gì", tôi từng rất hận ông. Rời trường đại học, tôi đã không về xin việc ở gần nhà như ông mong muốn. Ông tiếp tục không về với mẹ. Tôi cũng từng bỏ mặc chẳng quan tâm ông đi đâu và đi để làm gì.



Nhưng chưa bao giờ lòng tôi tự hỏi nhiều như lúc này đây, tôi tự hỏi, liệu có phải ngày ấy ông cảm giác được sức khỏe không còn như trước, thời gian không còn dài nên mới vội vã tìm chỗ cho tôi. Chỉ khi nào tôi yên bề gia thất ông mới yên lòng nhắm mắt ra đi? Tôi nói tự hỏi vì tôi biết hiện tại ông còn thở đó nhưng cơ hội để tôi nghe giọng của ông lần nữa đã trở thành điều xa xỉ nhất.

Sau một tuần hôn mê, ba tôi tỉnh lại. Nhưng ông không còn nói được nữa, chỉ có đôi mắt đượm buồn dõi theo mẹ và tôi. Ông nhìn mẹ tôi lâu thật lâu, đôi mắt già nua ứa lệ, rồi sau đó ông lại hôn mê đi. Mẹ tôi lau mặt cho ông mà nước mắt bà chảy dài hai bên má. Tôi cũng cảm thấy mình nghẹn đắng trong tim.

Những ngày sau đó ba tôi tỉnh táo hơn, ông thường xuyên mở mắt theo tiếng gọi của tôi hơn trước. Tôi rất muốn tranh thủ cơ hội hiếm hoi tôi được phép nói mà ông không la mắng, không giận dỗi đòi tự tử hay bỏ nhà đi để giải bày về chuyện năm xưa.

Tôi muốn nói cho ông biết, lần ông gả vội gả vàng tôi đi đó đã khiến cho đứa con gái chưa trải sự đời duy nhất của ông là tôi chịu tổn thương sâu sắc. Tôi đánh mất niềm tin vào những kẻ mang trên mình hai tiếng "người thân", tôi mất niềm tin vào người khác giới, càng không thể yêu ai. Chạm mặt với người khác giới, lòng thấy thích người ta thật đó tôi vẫn lưỡng lự giữa tiến và lùi, tôi sợ lịch sử lặp lại. Tôi sợ cuộc đời tôi chỉ có thể làm cái máy đẻ cho bọn đàn ông.

Tôi muốn nói cho ba tôi biết, sau sự kiện đó tôi rơi vào trầm cảm, trong đầu luôn luôn lởn vởn suy nghĩ tự kết thúc chính mình. Nghĩ là nghĩ như vậy nhưng tôi lại không có can đảm để làm. Rồi tôi nghĩ đến việc tự tay kết liễu cái kẻ gây cho tôi mớ cảm xúc hỗn loạn và sợ hãi. Nhưng rốt lại, tôi vẫn không đủ điên loạn để làm điều đó. Cuối cùng, điều duy nhất tôi có thể làm là trốn chạy hiện thực, trầm mê trong thế giới ảo, bỏ bê thực tại. Tôi tuy vẫn còn sống và làm việc, nhưng tinh thần lúc nào cũng như kẻ ở trên mây.

Tôi muốn nói nhiều, nhiều điều lắm nhưng rốt cuộc không thể thành lời. Vì tôi nhận ra, dày vò dằn vặt một người sắp từ giả thế giới để ra đi chẳng có tác dụng gì. Ông không thể quay về quá khứ để sửa đổi quyết định đó. Tôi im lặng, tôi quyết định để cho ông mãi đinh ninh ngày đó ông đã đúng, người chủ động từ hôn nhà trai là tôi mới là kẻ lựa chọn sai lầm. Có lẽ ông sẽ ra đi thanh thản hơn nếu không nghe được nỗi lòng rối rắm của tôi.

Sau vài ba ngày tỉnh táo, ba tôi hôn mê sâu trở lại. Tay chân bắt đầu sưng phồng lên, đôi mày không còn chau lại đau đớn mỗi khi tôi vỗ lưng thông đàm trong phổi. Tôi biết thời gian còn lại của ông ở thế giới này không còn nhiều nữa, chỉ tính bằng ngày thậm chí bằng giờ.

Những ngày trước đó Vũ thường nhắn tin hỏi tôi có ổn không, ba tôi thế nào. Tôi trả lời tôi vẫn ổn, ba tôi vẫn đang điều trị.

Ngày hôm đó, bác sĩ lần lượt gọi tôi và mẹ tôi vào thông báo. Ba tôi ngoài bị tai biến mạch máu não, viên phổi, suy tim ra còn suy thận thời kỳ cuối. Chúng tôi có thể lựa chọn chuyển lên tuyến trên để điều trị. Nhưng suy thận nặng chỉ có chạy thận, mà bệnh tình hiện tại của ông chạy thận là chuyện hoàn toàn bất khả thi. Mẹ tôi chỉ còn biết lắc đầu chấp nhận số phận.

Tôi còn nhớ đêm hôm đó tôi nhắn tin cho Vũ nói ba tôi nhanh thôi sẽ rời đi, anh có thể đến cạnh tôi một lúc hay không. Anh nói được.

Sáng hôm sau, anh có mặt tại bệnh viện. Điều duy nhất tôi có thể làm là vùi đầu vào lòng anh và bật khóc để cho anh nhè nhẹ vỗ về tôi.

Anh ở lại bệnh viện cùng tôi một ngày rồi trở về với guồng quay công việc. Ngày mười một tháng chín, ba tôi giã từ thế giới này để về thế giới bên kia. Tôi gửi cho Vũ một tin nhắn cập nhật tình hình của ba tôi. Sau đó tôi tất bật lo hậu sự.

Có lẽ anh biết mình đến cũng không giúp được gì nên không đến bên tôi. Hằng đêm chỉ có một tin nhắn nhắc tôi ăn uống đầy đủ đừng để mình bị bệnh. Anh không hề biết hiện tại là lúc tôi cần anh nhất, chỉ cần anh bên cạnh làm bờ vai cho tôi dựa vào để gục khóc mà thôi.

Nhưng anh không đến, tôi cũng chẳng dám yêu cầu. Đám tang, họ hàng nội ngoại người đến kẻ đi. Để bọn họ gặp anh tôi không chắc họ không buông lời dị nghị. Bởi tới thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa cho họ hàng mình biết rằng tôi đã có bạn trai và tôi sắp làm đám cưới cùng anh.

Sau khi ba ra đi mẹ tôi đã trở nên chết lặng, tay chân bà cứ luống cuống chẳng biết phải làm gì. Ai kêu làm gì thì bà làm nấy hoặc chỉ ngồi một chỗ ngẩn người. Nhà chỉ còn tôi là hữu dụng nên tôi đành phải cố gắng trưng bộ mặt bơ phờ vì thức trắng đêm gần cả tháng trời ra để tiếp đãi họ hàng, làng xóm.

Ba ngày sau, tôi tiễn người tôi từng gọi tiếng "cha" thiêng liêng về nơi an nghĩ cuối cùng. Thật ngạc nhiên, tôi không cảm thấy buồn như mình từng nghĩ về thứ gọi là "tử biệt sinh ly". Tôi vui mừng vì ba tôi đã thoát khỏi cõi trần ai tạm bợ để đi về thế giới bên kia. Tôi vô thức oán trách ông trời vì sao người được ra đi không phải là mình, cuộc sống này tôi đang mệt mỏi quá.

Đến tận khoảnh khắc chiếc quan tài màu đỏ chìm sâu dưới tầng đất lạnh, tôi đã không hề khóc, dù chỉ là một giọt nước mắt. Tôi không buồn khóc ngoại trừ một cảm giác chết lặng lan tỏa từ tim ra từng thớ chân lông. Họ hàng thì khác, ai cũng khóc nấc nghẹn ngào thành tiếng.

Còn tôi chỉ muốn gào thét lên, các người ồn ào quá, có thể yên lặng một chút cho ba tôi yên nghỉ được không? Khóc có làm người chết sống lại được không hay càng khiến linh hồn người đi phải quyến luyến không buông được cõi tạm này.

Tôi không biết cảm xúc cuối cùng mình dành cho người vừa nằm vào lòng đất ấy là gì, là yêu thương tột cùng hay oán hận thâm sâu. Nhưng đó là chuỗi ngày cảm xúc trong tôi tồi tệ nhất, cứ lên rồi xuống tuần hoàn như vòng đu quay, quay đều đến bất tận. Hồ sơ khai tử, hồ sơ mai táng phí, giám sát thợ xây mã mồ, một mình tôi chạy khắp đông tây nam bắc. Những ngày đó, ai nói với tôi bất cứ điều gì quá hai câu tôi liền quên câu trước đó. Tôi đi chợ mua đồ mẹ phải viết hẳn tờ giấy đưa tôi.

Hôn sự của tôi cũng vì cái đám tang mà dời lại vô hạn định. Những ngày tháng đó tôi vứt hết game, vứt luôn diễn đàn mạng, rời xa hoàn toàn những buổi chuyện trò linh tinh trên cách forum. Ban đêm anh thường gọi cho tôi để hỏi xem tôi có ổn không. Tôi nói mình vẫn ổn, chỉ là chạy lo việc này một chút, chuyện kia một chút nên hơi mệt. Nói cho anh đỡ lo chứ tôi biết mình đang vô cùng bất ổn, bất cứ lúc nào bản thân mình cũng có thể sụp đổ hoàn toàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Gặp Nhau Là Duyên Phận

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook