Gió Lạnh Đêm Hè

Chương 33

Quỳnh Dao

26/12/2013

Chỉ còn ba hôm nữa là hết hạn một tháng. Mỗi lúc nghĩ đến câu trả lời cần có cho bà Viễn, ruột Kiều Lê Vân lại nóng sôi nóng cháy, và đầu óc càng thêm hoang mang.

Như trước đây, tuy bị bà mẹ chồng ngược đãi hành hạ, nhưng vẫn còn có bữa cơm nàng ăn được ngon miệng vì quá đói, vẫn có những đêm nàng ngủ được yên giấc, vì quá mệt mỏi tinh thần. Nàng lại còn có một niềm hy vọng để sống, là... chờ đợi ngày hồi hương của chồng.

Nhưng đến nay, thì tình cảnh nàng bi đát quá lắm rồi: Chờ chồng, thì có thể chờ lâu, có thể kiên nhẫn chịu đựng nỗi khổ, nỗi nhớ. Chứ còn chờ con, ắt nàng không thể chờ đợi lâu hơn nữa: Đứa hài nhi sơ sinh, khúc ruột thiết tha của nàng còn bị bà Viễn giấu kín ở một nơi nào đó, thì nàng không thể nuốt nổi miếng cơm, không thể dỗ nổi giấc ngủ! Có gì bảo đảm tính mạng cho đứa con nàng? Rủi nó lâm bệnh nặng thì sao? Rủi nó có mệnh hệ nào, thì nàng sống làm sao nổi?

Do đó, có nhiều bữa cơm, chị Lưu cố nài ép, mà nàng vẫn không nuốt được một miếng. Chị tự bỏ tiền ra, mua cho nàng hộp sữa, nàng uống vào lại muốn nôn ra ngay.

Ban đêm, chị bất thần lần mò vào buồng, thấy nàng không ngủ, chị muốn quạt cho nàng được mát, để dễ ngủ hơn, vì tháng 7 (dương lịch) là thời tiết nóng nhất trong một năm, mồ hôi chị thường tuôn đầm đìa nhễ nhại. Nhưng chị mới phe phẩy cây quạt vài cái thì Kiều Lê Vân đã kêu lên:

- Ối, lạnh quá! Lạnh quá!

Chị Lưu đưa tay sờ trán nàng thì thấy nóng ran, thì biết ngay rằng nàng sắp lâm bệnh nặng, vì sức khỏe đã sa sút quá nhiều. Chị Lưu không quạt nữa, Kiều Lê Vân lại khẽ bảo với giọng run run:

- Ôi chao! Chị Ơi! Những cơn gió giữa mùa hè sao mà lạnh quá hả chị?!

Những cơn gió lạnh đêm hè!

Chị Lưu càng thương xót Kiều Lê Vân. Chị nghĩ rằng: Nàng quá đau khổ về tinh thần, lại bỏ ăn bỏ ngủ nữa, thì e rằng có thể... chết! Mặc dù đang ở tuổi con gái, nhưng nàng mới sanh con, cơ thể cần phải tẩm bổ mới khỏi lo đau bệnh. Vậy mà, đã chẳng được tẩm bổ, lại còn bỏ ngủ bỏ ăn, thì nàng sống làm sao?

Chị Lưu lo thật sự. Thấy thân thể nàng càng ngày càng gầy rõ, mặt mũi càng bơ thờ hốc hác như người mất hồn, chị phải ứa nước mắt khuyên lơn dỗ dành Kiều Lê Vân, để nàng chịu hớp mỗi giờ vài thìa cháo loãng cầm hơi. Rồi hôm ấy, bỗng chị sực nhớ ra một câu mà nàng đã tâm sự với chị: Nàng cho chị hay, chồng nàng viết thư về dặn nàng "chừng nào giàn nho sau nhà có trái chín, thì hái mà ăn, trước là để cho đứa con khỏe mạnh, sau là để nhớ lại những giờ phút vợ chồng âu yếm nhau dưới giàn nho"...

Thế là chị ra sau nhà, hái những quả nho chín mọng đẹp tuyệt, đem vào khuyên Kiều Lê Vân cố mà ăn. Quả nhiên, nàng chịu ăn những quả nho ấy một cách hài lòng, ngày này qua bữa khác.

Tuy nhiên, nước cốt trái nho dù bổ dưỡng, cũng không thể nào duy trì sức khỏe cho một cơ thể đã quá suy yếu vì ảnh hưởng tinh thần; và nhất là sức tươi mát của nước trái nho không thể nào tưới dịu được ngọn lửa bỏng trong tim óc nàng, mỗi khi nàng nghĩ đến đứa con mất tích!

Và việc phải đến đã đến: Tới ngày chót của thời hạn một tháng, Kiều Lê Vân ngã bệnh nặng, nằm liệt giường!

Trước tình cảnh ấy, bà Viễn đã không mảy may xúc động, bà còn thầm mong cho Kiều Lê Vân chết quách đi cho rồi. Đứa con dâu tàn tật ấy chết đi, ấy là mà rảnh nợ. Nhưng có lẽ số mạng Kiều Lê Vân còn chưa đến ngày tận, nên nàng còn có một cứu tinh, dù chỉ là "cứu tinh bất đắc dĩ": ông Viễn vốn đã không có bụng dạ ác độc như vợ, và thầm thương hại con dâu bị vợ hành hạ quá tay, bấy giờ lại lo ngại Kiều Lê Vân chết trong nhà mình, nên ông "đánh liều" đưa nàng đi bệnh viện trong một lúc bà Viễn vắng mặt. "Mạo hiểm" như thế, dù có bị vợ trở về mắng nhiếc ray rứt, ông cũng cam chịu.



Chị Lưu được ông chủ gọi tới, bảo phụ với ông, vực Kiều Lê Vân ra xe chở đi... Chị thầm phục ông chủ nhân từ, và khi nghĩ đến bệnh viện, chị lại xin nhờ cái máy điện thoại, để quay số gọi tới ông bà Văn, báo tin Kiều Lê Vân đã được đưa vào đây...

o0o

Nhờ sự tận tâm điều trị của bác sĩ và các điều dưỡng viên, lại thêm sự chăm sóc của ông bà Văn và chị Lưu, bệnh tình của Kiều Lê Vân được thuyên giảm lần lần. Nhưng cứ sau một ngày êm êm, lại đến một ngày sôi nổi: Tỉnh táo được đôi chút, Kiều Lê Vân lại khóc đòi con!

ông bà Văn thật khó nghĩ: Không hứa chắc với con rằng sẽ đòi cho được đứa cháu ngoại về, thì sợ con lên cơn bệnh nặng; mà quyết liệt can thiệp với ông bà Viễn, thì sợ xung đột với thân gia. Thêm nữa, bà Viễn tuy không tìm đến bệnh viện, nhưng có ông Viễn đến thăm con dâu. Ông trấn tĩnh Kiều Lê Vân và ông bà Văn rằng: Đứa bé đang được người vú chuyên nghiệp nuôi nấng chăm sóc, chỉ chờ Kiều Lê Vân khoẻ mạnh như cũ, là nó được đưa về trả cho nàng. Ông Viễn cũng bào chữa gián tiếp khéo léo cho vợ; đại ý ông nói để ông bà Văn hiểu rằng: Bà Viễn phải ở nhà trông nom mọi việc, trong khi chị Lưu mắc bận chăm sóc Kiều Lê Vân ở đây, cho nên bà chưa thể đến thăm con dâu được.

Do đó, ông bà Văn chẳng những không tiện thúc giục thân gia đưa cháu ngoại của mình về, mà còn không dám viết thư qua Mỹ, kể rõ tình cảnh con gái cho con rể hay nữa; bởi lẽ ông bà Văn sợ mang tiếng sau này...

Trong tình thế giằng co ấy, Kiều Lê Vân chỉ còn biết khóc lóc than thở với cha mẹ ruột và chị Lưu. Than thân trách phận cho đến khi quá mệt mỏi tinh thần, nàng mới ngủ thiếp đi được một giấc.

Và có những lúc thức giấc, Kiều Lê Vân lại cảm thấy lạnh lùng tê tái cả về thể xác lẫn tâm hồn, vì những cơn gió thoảng giữa đêm hè vắng lặng.

ông bà Văn và chị Lưu thì buồn phiền thương cảm vô hạn, mỗi khi nghe tiếng Kiều Lê Vân lào thào kêu gọi trong giấc mơ:

- Con tôi đâu? Con tôi đâu rồi? Ai bế con tôi đi đâu? Trả con cho tôi đi! Trời ơi! Má ơi! Trả con cho con đi!...

Trong mấy ngày Kiều Lê Vân nằm bệnh viện, chỉ có một hôm bầu không khí được đổi khác đôi phần, từ âm thầm lạnh lẽo bỗng trở nên rộn rã vui vẻ. Đó là hôm nàng được ba cô bạn tới thăm.

Gần trưa hôm ấy, Kiều Lê Vân đang chuyện trò bàn bạc với mẹ nàng, thì cô y tá đem liều thuốc mới của bác sĩ vào phòng. Bà Văn lập tức đón lấy, rồi đi rót nước cho con uống thuốc. Kiều Lê Vân uống xong, vừa nằm xuống nghỉ, bỗng nghe tiếng cười nói ríu rít từ ngoài vọng vào, rồi những tiếng kêu gọi liên tiếp vang lên, khi cánh cửa mở rộng.

- Vân ơi!

- Vân thức hay ngủ?

- Vân ơi! Bọn tớ tới thăm nè!

Một cuộc thăm viếng hoàn toàn bất ngờ đối với Kiều Lê Vân; nhưng bà Văn thì dường như không lấy làm lạ.

Hoa Lệ, Vương Nhụy và Khâu Anh Đài xinh đẹp, nhí nhảnh như ba đóa hoa tươi được đưa tới tặng người bệnh vậy. ba cô gái chỉ chào bà Văn một tiếng lấy lệ, rồi xúm quanh bên cạnh Kiều Lê Vân. Bà Văn bảo chị Lưu kéo hai cái ghế đến.



Hai cô ngồi ghế, còn một cô ngồi ngay cạnh giường của Kiều Lê Vân. Kiều Lê Vân thò một bàn tay run run từ trong lớp chăn mỏng ra, để các bạn cầm nắm, đồng thời miệng mệt mỏi hỏi:

- Các... các "cậu" do đâu mà biết?

Hoa Lệ nói:

- Sáng sớm hôm nay, mình gọi điện thoại đến, định hỏi chuyện bác gái, thì thấy bác trai trả lời. Bác cho biết Vân đã vào nằm đây. Mình tò mò hỏi thêm nữa, bác mới cho biết lý do Vân phải vào bệnh viện, cùng tình cảnh gia đình nhà chồng và những nỗi cực nhọc mà Vân phải chịu đựng.

- Tại sao ba mình lại quá thật thà như vậy!? Đáng lý cụ không nên nói sự thật ấy ra làm chi.

Vương Nhụy nói giọng tức tối:

- Bọn mình cần phải biết sự thật, sao lại không nên? Bắt đầu từ nay, bọn mình sẵn sàng giúp Vân mọi chuyện.

Khâu Anh Đài vỗ đùi, hăm hở nói:

- Vân thật thà hiền lành quá! Nếu là "tớ"... hừm! Bà ấy đâu dám thế!

Hoa Lệ nói thêm:

- Thời nay đâu có như thời cổ lổ hủ lậu xưa kiả Nàng dâu không xử ức mẹ chồng, ấy là khá rồi. Sao lại còn có chuyện mẹ chồng ngược đãi hành hạ nàng dâu!

- Cách tốt hơn hết: trong khi Thu Thủy còn chưa về nhà, Vân cứ "thèm vào", đừng có trở về nhìn mặt cái mụ mẹ chồng độc ác ấy làm chi!

- Phải đấy!

- Nếu bà ấy không chịu trả con Vân, Vân tố cáo bà ấy trước pháp luật và dư luận. Một mặt viết thư ra ngoại quốc báo tin, và gọi Thu Thủy về giải quyết vụ này.

Ba cô bạn luận bàn sôi nổi, khiến Kiều Lê Vân chẳng biết nói gì nữa. Bà Văn ngồi gần đó, cũng không nói xen vào được lời nào...

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Gió Lạnh Đêm Hè

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook