Hà Thần

Quyển 1 - Chương 17: Hành Thủy Đan cướp đoạt bảo vật

Thiên Hạ Bá Xướng

08/10/2015

Một

Trước khi nói đến "phần mộ số hai trăm linh chín", phải nhắc đến câu chuyện "Hành Thủy Đan cướp đoạt bảo vật", bởi vì câu chuyện này cũng có quan hệ đến ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương, hơn nữa còn xảy ra trước câu chuyện "phần mộ số hai trăm lẻ chín". Lại nói tiếp đến trận hạn hán khủng khiếp năm 1958, kỳ lạ nhất là cả mùa hè không mưa, công việc nạo vét bùn đã lấy đi tính mạng của hai người. Cùng ngày hôm đó, Quách sư phụ tất bật làm xong công việc thì trời đã chạng vạng tối. Ông ta cùng với Đinh Mão đạp xe đi về nhà. Trên đường về, hai người nhắc đến chuyện buổi chiều gặp Trương Bán Tiên, nghe anh ta nói bên trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương có bảo vật do tổ tiên nhà họ Bạch chôn dấu. Nhưng hai gian phòng lụp xụp đó chỉ có bốn vách tường trống trơn, mấy năm trước, lúc đuổi bắt Bạch Tứ Hổ họ đã từng đào sâu ba thước đất, lục soát khắp mọi xó xỉnh, cũng không thấy có đồ vật thần kỳ nào, xem ra câu chuyện này không đáng tin.

Nói người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Trong lúc vừa đạp xe vừa thảo luận về căn nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương, Quách sư phụ và Đinh Mão bỗng nhiên phát hiện ra có người bám theo sau. Hai người quay đầu lại, thấy người kia cũng đang đạp một chiếc xe đạp, là một người bán bánh hấp Dương Thôn.

Người bán rong bánh hấp Dương Thôn đó tà tà theo sát phía sau hai người họ. Thấy họ quay đầu lại, người này vội vàng lớn tiếng rao to: "Ai mua bánh hấp nóng hổi đây, bánh hấp Dương Thôn vừa mới ra lò đây. Hai vị có mua bánh hấp không?"

Đinh Mão đã bận việc cả ngày, đói ngấu chưa có hột cơm nào vào bụng. Nghe thấy người bán hàng rong đó mời chào, gã lập tức dừng lại định mua mấy cái bánh hấp.

Quách sư phụ bảo: "Trời nóng thế này, lại không có nước uống, ăn bánh hấp làm gì. Chị dâu cậu đã làm mì sợi ở nhà, chúng ta về ăn cơm thôi."

Đinh Mão nói: "Em đã đói đến mức da bụng đã dính vào lưng rồi, tốt nhất là cứ nhồi tạm hai cái bánh hấp đã."

Thấy hai người họ dừng lại, người bán hàng rong vội vàng lấy bánh hấp ra, gói kỹ bằng lá sen rồi mới đưa cho họ.

Quách sư phụ vừa cầm vào tay đã cảm thấy không đúng, bèn hỏi người bán hàng rong: "Chẳng phải anh nói bánh hấp vừa mới ra lò sao, tại sao lại nguội lạnh thế này?"

Người bán hàng rong nói: "Bánh hấp nguội ăn cũng ngon mà, vào ngày nóng như đổ lửa thế này, làm gì có ai muốn ăn bánh hấp nóng chứ?"

Bánh hấp Dương Thôn là loại bánh đặc trưng của riêng Dương Thôn Thiên Tân. Trước kia, toàn bộ những người vào thành bán bánh hấp đều là dân Dương Thôn, phần lớn là nông dân trai tráng, ăn ngay nói thật, tác phong nhanh nhẹn, khiến cho người mua cảm thấy tin tưởng. Bánh hấp thường là loại nóng hổi vừa mới ra lò, bên trong có nhân đậu, rắc thêm mấy sợi tơ màu xanh đỏ. Mặc dù còn có cả loại bánh hấp nguội không nhân, nhưng tuyệt không có ai nhầm lẫn bánh nguội thành bánh nóng được. Giữa đường tình cờ gặp cái tên bán rong này, nghe giọng nói đã thấy không phải là người Dương Thôn, cách nói chuyện cũng thiếu trung thực.

Quách sư phụ và Đinh Mão là người ăn cơm công môn, mắt sắc tai thính, vừa nghe câu trả lời của hắn đã phát hiện ra kẻ này không phải người tốt, chí ít ra là không nói thật.

Người bán hàng rong nói: "Hai vị đừng quá đa nghi, tôi có thói quen rao lớn tiếng, hôm nay bán loại bánh hấp nguội, quen mồm cứ rao thành bánh hấp nóng."

Quách sư phụ quan sát kỹ người bán rong bánh hấp Dương Thôn đó một lượt, rồi mới hỏi hắn: "Anh là ngươi Dương Thôn?"

Người bán hàng rong đáp: "Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Dương Thôn, nhà tôi bao nhiêu đời nay đều bán bánh hấp. Các vị cứ nếm thử sẽ biết tài nghệ của tôi, ăn một miếng có lẽ cả đời sẽ không quên ấy chứ."

Quách sư phụ lại hỏi: "Anh họ Đỗ hả?"

Người bán hàng rong nói: "Rốt cục là các vị có mua bánh hấp hay không, tại sao lại cứ hỏi giống như là điều tra hộ khẩu thế?"

Quách sư phụ nói: "Anh cũng đừng quá đa nghi, nhà làm bánh hấp gia truyền chính tông ở Dương Thôn là nhà họ Đỗ, bánh của những nhà khác kém ngon hơn một chút, cho nên tôi mới hỏi anh họ gì. Hai anh em chúng tôi rất kén ăn, chỉ ăn mỗi bánh hấp Dương Thôn nhà họ Đỗ thôi."

Nghe nói vậy, người bán hàng rong bình tĩnh lại, bảo: "Tôi họ Đỗ, là con cháu dòng chính của nhà họ Đỗ làm bánh hấp, hai người các vị mua mấy cái bánh hấp mang về chứ?"

Quách sư phụ đã nhận ra, kẻ bán bánh hấp này miệng lưỡi trơn tru, cứ mở miệng ra là nói dối như cháo chảy. Kẻ này tuyên bố mình là dòng chính của nhà họ Đỗ làm bánh hấp Dương Thôn, nói như vậy có lẽ sẽ lừa gạt được người khác, chứ không thể qua mặt được Quách sư phụ. Nói đến đây tôi lại phải nhắc tới đôi câu ngoài lề, nói thêm một chút thông tin về loại bánh hấp Dương Thôn này. Nghe nói, vào thời kỳ đầu nhà Minh, có một người tên Đỗ Thiệu Hưng đến phương bắc an cư lạc nghiệp, định cư tại Dương Thôn bán bánh hấp. Dương Thôn nằm ở ngay cạnh sông đào. Khi ấy, lương thực được vận chuyển từ phía nam lên phía bắc, số lượng dân phu làm công việc vận chuyển theo đường thủy lên đến mấy vạn người, lần vận chuyển nào cũng phải dừng chân nghỉ trọ tại Dương Thôn, bởi vậy quán cơm bình dân nhà hàng nhỏ ở nơi này mọc lên san sát. Hầu hết dân phu làm công việc vận chuyển đường thủy là người phương nam, thích ăn gạo. Để chiều theo khẩu vị của dân phu, Đỗ gia đã dùng gạo xay nhuyễn trộn với đường trắng hấp lên thành bánh hấp, dần dần gây dựng nên thương hiệu bánh hấp Dương Thôn. Vào năm kênh đào Panama thông tàu thuyền, người ta đã tổ chức hội chợ ẩm thực quốc tế, giới thiệu các món ăn đặc trưng từng vùng miền của các quốc gia. Khi ấy, bánh hấp Dương Thôn được cử đi dự thi và đã giành được huy chương. Từ đó về sau, món ăn này đã vang danh bốn biển. Sau khi quân Nhật chiếm lĩnh Bình Tân, gạo trở thành quân lương, dân chúng chỉ được trồng mà không được ăn. Ai dám ăn gạo, không may bị bọn lính Nhật phát hiện ra, không cần nhiều lời, tặng cho một nhát lưỡi lê. Nguyên liệu chính của Bánh hấp Dương Thôn là gạo xay nhuyễn, quân Nhật không cho dùng gạo, người ta không còn cách nào khác đành phải thay thế bằng bột ngô, coi như xứng với bốn chữ 'hữu danh vô thực'. Sau giải phóng, người ta lại khôi phục phương pháp làm bánh truyền thống, chuyên dùng loại gạo Tiểu Trạm thượng đẳng, ngâm nước cho nở rồi hong khô, nghiền thành bột mịn, sàng lọc kỹ lưỡng, cho thêm đường vào nhào kỹ, dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, cho vào xửng hấp chín, vậy là ra thành phẩm bánh hấp. Bánh hấp mềm dẻo mịn, trong suốt ngon miệng. Sau này, không chỉ có bánh hấp nhà họ Đỗ, mà còn có cả bánh hấp Chi Lan Trai. Nhà họ Đỗ chuyên làm bánh hấp nóng nhân đậu, Chi Lan Trai thì chủ yếu làm bánh hấp nguội. Ở Thiên Tân vệ, bánh hấp Dương Thôn là món ăn vặt phổ biến, Quách sư phụ và Đinh Mão đã từng nếm thử, sao lại không phân biệt được hai loại bánh này. Tên bán hàng rong rõ ràng là bán bánh hấp Chi Lan Trai, nhưng lại bảo là bánh hấp nhà họ Đỗ, nhân dịp trời tối đen không nhìn rõ đánh lừa người khác, kẻ này làm vậy chẳng phải là muốn lừa đảo hay sao?

Hai



Tên bán bánh hấp Dương Thôn rong thực ra mang họ Ô, có một biệt hiệu là "Đại Ô Đậu". Ô đậu không có nghĩa là đậu đen, mà là loại đặc sản đậu tằm của riêng Thiên Tân đã luộc chín. Sau khi đậu tằm được đun sôi, người ta không vội vớt ra khỏi nồi, mà dùng một cái nắp gỗ đã chuẩn bị sẵn úp kín một thời gian ngắn, ủ cho đậu tằm nhừ tướp ngon miệng, xưa gọi là đậu ủ, người dân gốc Thiên Tân chuyên nói nhịu, bởi vậy phát âm thành đậu đen, nhưng thực tế là đậu tằm. Kẻ này có biệt danh là ô đậu, qua đó có thể thấy hắn không phải là hạng đứng đắn lắm, tướng mạo trước gáo sau thìa*, trán dô hẳn ra đằng trước, gáy lõm sâu vào bên trong, mặt dài cằm vểnh, đầu có hình dạng y như hạt đậu đen, còn có một biệt hiệu khác là "Hành Thủy Đan".

*Cách miêu tả tướng mạo của Thiên Tân, dùng để chỉ những người trán dô gáy hõm

Vào thời xã hội cũ, bến tàu thuỷ bộ Thiên Tân vệ hoạt động nhộn nhịp, phường hội mọc lên san sát như cây rừng, người bốn phương tám hướng đổ về, nuôi sống rất nhiều kẻ biếng nhác không chịu làm việc đàng hoàng, Đại Ô Đậu chính là một người trong số đó. Hắn vừa tham ăn vừa lười nhác, phương châm sống của hắn là: "Tham ăn do mệnh, lười nhác tại số, không tham ăn không lười nhác là không tốt số", bởi vậy không chịu làm việc nặng nhọc, chỉ dựa vào miệng lưỡi trơn tru kiếm cơm. Gáy hắn lõm hẳn vào trong, nhưng không phải là dị tật bẩm sinh, mà nguyên nhân thực sự là do bị người khác đánh, bởi vì hắn bán "Hành Thủy Đan". Thiên Tân vệ có không ít người bán Hành Thuỷ Đan, đó là những kẻ bịp bợm chuyên lừa đảo người khác. Nghe nói, trước kia có một đạo sĩ bán rong một loại thuốc nam, tự đặt cho nó một cái tên rất kêu là tiên dược Hành Thủy Đan. Tại sao lại gọi là Hành Thủy Đan? Chỉ cần ăn viên thuốc này của y là có thể đi lại trên mặt nước, vượt sông giống như đi trên đất bằng. Ban đầu không ai tin, đừng thấy mọi người hay nhắc đến thần ma đạo sĩ mà lầm, sờ sờ bày ra trước mặt cũng chưa chắc đã tin hẳn, ai cũng cho rằng đạo sĩ này khoác lác. Lấy đâu ra tiên đan thần dược có thể giúp cho con người ta qua sông như đi trên đất bằng? Đạo sĩ khẳng định như đinh đóng cột, lại còn dám viết giấy biên nhận, ăn xong Hành Thủy Đan của y, nếu trăm ngày sau không thể đi trên mặt sông như đi trên đất bằng, y chấp nhận bồi thường tiền gấp mười lần. Có kẻ hay chuyện vừa nghe thấy vậy, cảm thấy có chỗ tốt dại gì mà không chiếm, lập tức đồng ý bỏ tiền ra mua Hành Thủy Đan của y, nhưng vừa nghe thấy giá đã biết không móc đâu ra đủ tiền mà trả. Đạo sĩ bảo, tiên đan há có thể là vật tầm thường, một viên Hành Thủy Đan ra giá một trăm lượng bạc ròng, không phải ông chủ lớn thì không thể mua nổi. Câu chuyện này lan ra, có người thực sự có tiền tìm đến mua, mua được tiên đan là ăn vào luôn. Qua một trăm ngày, ông này vừa mới đến bờ sông thì đã vỡ lẽ ra mình bị lừa. Bởi vì sau một trăm ngày, trời chuyển rét đậm, mặt sông đã hoàn toàn đóng băng, thế này chẳng phải là như đi trên đất bằng sao? Tuy có giấy tờ làm chứng nhưng không thể cãi lý lại được, đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trước đây, những kẻ sử dụng mánh lới lừa tiền khiến cho người khác phải ngậm bồ hòn làm ngọt được gọi là Hành Thủy Đan. Đại Ô Đậu dùng mánh khóe này để kiếm cơm, hãm hại lừa gạt không có chuyện xấu gì là không làm. Trong vòng mấy năm đó, hắn đã bị người ta đánh không ít lần. Một trong những lần đó, gáy hắn bị người ta đập cho một cú như trời giáng lõm hẳn vào trong, thiếu chút nữa là đi đời nhà ma, đến nay vẫn không lần ra được là đòn đánh dã man của kẻ nào. Mụ vợ Đại Ô Đậu cũng chẳng phải kẻ tốt lành gì, há mồm ra là hót còn hay hơn cả hắn, trước kia chuyên môn đi mai mối hôn sự cho người ta, nhưng không chịu làm mai cho tử tế, mà lại gây ra không ít vụ lừa đảo thất đức. Ví dụ như nghe nói nhà phú hộ nào đó có một cô con gái đã sắp ba mươi rồi mà vẫn chưa gả được cho ai, Đại Ô Đậu nảy sinh ý định mờ ám, bảo vợ mình tới đó mai mối hôn nhân cho nhà đó kiếm mấy đồng tiêu xài. Ngài nên nhớ, vào thời ấy, phụ nữ ba mươi tuổi mà vẫn chưa xuất giá thì đã là gái lỡ thì rồi. Nhà mẹ đẻ cô nàng đó lại có tiền, nếu như không có duyên cớ gì, sao lại không thể tìm được một tấm chồng, bên trong nhất định là có khúc mắc. Nhưng kể cả cô gái đó có xấu đến ma chê quỷ hờn, qua lời giới thiệu của bà mai, cũng có thể biến thành Lâm Đại Ngọc. Người ta có câu "Chỉ cần qua mồm bà mối, sóng lăn tăn cũng có thể biến thành sóng thần**", câu này không sai một chút nào. Mụ vợ Đại Ô Đậu rất giỏi lừa gạt. Trước tiên, ả tìm một anh chàng gánh nước thuê, vào nhà người ta ngồi đàng hoàng, khách sáo mấy câu rồi mớm lời: "Chú em đâu còn ít tuổi nữa, tại sao vẫn chưa lập gia đình, hay là để bà chị dâu này đi mai mối cho một cô vợ. Chú có yêu cầu gì không?"

**Một tấc lên đến giời.

Anh chàng gánh nước thuê đáp: "Chị dâu à, dù tôi chỉ là người bán sức kiếm cơm nhưng yêu cầu lại rất cao, muốn kết hôn với một cô gái tốt, thà rằng cả đời làm lưu manh, cũng không muốn kết hôn với quả phụ, không phải hoàng hoa khuê nữ tôi nhất định không cưới."

Mụ vợ Đại Ô Đậu lại bảo: "Chú thử ra ngoài hỏi thăm một chút, xem cách làm người của chị dâu chú ra sao, đã nói một là một, hai là hai, từ trước đến nay chưa từng có một câu điêu ngoa gian dối nào, trăm phần trăm sẽ là hoàng hoa khuê nữ."

Anh chàng gánh nước mừng rơn, vội hỏi: "Một cô nương cao sang hoàng hoa khuê nữ có thể nào để mắt đến một kẻ cu li nghèo kiết xác như tôi chứ? Không phải tệ đến mức chó chê mèo mửa đấy chứ? Tôi xin nhấn mạnh trước, không đứng đắn chính chuyên tôi cũng sẽ không cưới."

Mụ vợ Đại Ô Đậu nói: "Giờ bà chị dâu này xin cam đoan với chú, chú cứ yên một trăm hai mươi cái tâm đi. Thực sự là một hoàng hoa khuê nữ của một gia đình giàu có, tính tình đoan chính thế nào thì khỏi cần phải bàn, chỉ tiếc. . . chỉ tiếc là miệng không quá kín đáo. . ."

Nghe bảo cô gái đó không kín miệng, anh chàng gánh nước thuê không coi đó là khuyết điểm gì quá lớn. Phụ nữ ấy à, có mấy người không chua ngoa lắm lời cơ chứ. Bởi vậy anh chàng lập tức đồng ý, bỏ tiền nhờ mụ vợ Đại Ô Đậu đến nhà gái cầu hôn.

Mụ vợ Đại Ô Đậu là kẻ lừa gạt thành tinh. Bên phía anh chàng gánh nước thuê đã quyết định xong, mụ bèn đến nhà phú hộ bàn đến chuyện hôn nhân của con gái nhà người ta, bảo rằng có một chàng trai gánh nước thuê, tốt tính thế nào, tướng mạo đường đường ra sao, chỉ đáng tiếc là dưới mắt thiếu thốn một chút. Phú hộ đã xiêu lòng trước lời rào đón của mụ vợ Đại Ô Đậu. Tuy rằng hai nhà một giàu một nghèo, môn không đăng hộ không đối, nhưng con gái mình đã lớn tuổi, không gả đi được nói chung cũng không phải việc hay ho gì. Nghe nói anh chàng kia dưới mắt thiếu thốn một chút, đương nhiên là muốn ám chỉ thiếu tiền rồi, việc đó thì dễ giải quyết thôi. Lão phú hộ đồng ý bỏ ra một khoản tiền giúp đỡ con rể tương lai cục mịch, mau chóng đưa con gái về nhà chồng, coi như giải quyết được một mối tâm sự đè nặng trong lòng. Bởi vậy hai bên đã quyết định đính hôn, chọn ngày hoàng đạo bái đường. Khi chú rể tân nương vào động phòng, chú rể vạch khăn cô dâu của tân nương tử ra, hai vợ chồng vừa mới nhìn thấy mặt nhau, cả hai đã trợn tròn mắt chết sững. Tại sao lại như vậy? Tân nương tử là người bị sứt môi, theo cách nói bây giờ chính là hở hàm ếch, người ta thương tình thì bảo là "Miệng không kín", nhìn đến ngũ quan của chú rể cũng chẳng tốt hơn là bao, thiếu hẳn cái mũi, nhưng dù thế nào cũng không thể bảo rằng "Dưới mắt thiếu thốn một chút" được. Người hai nhà lôi bà mối là mụ vợ Đại Ô Đậu ra chửi ầm lên một chặp, mắng tám đời nhà thị không có đức. Nhưng mụ vợ Đại Ô Đầu đâu có quan tâm gì đến hai vợ chồng đó sau này sống với nhau như thế nào, đã lừa tiền vào tay chạy mất dạng từ bao giờ. Sau đó ả hết qua bên đông lại sang bên tây làm mai mối hôn nhân. Trước giải phóng, hai vợ chồng bọn chúng họ đã sử dụng mánh khóe lừa đảo này để kiếm ăn, cuộc sống có thể coi là không tệ, chỉ là bị người ta ghi hận.

Từ khi đất nước thành lập năm 1949 cho đến bấy giờ, nghề mai mối hôn nhân coi như hết đường làm ăn, Thiên Tân vệ cũng chẳng còn là bến tàu giang hồ như dưới thời xã hội cũ. Kỹ nữ hoàn lương, quán thuốc đóng cửa, rắn rít địa phương và lưu manh vô lại hoành hành một thời, nếu không phải bị tống giam thì cũng bị đưa đi cải tạo, trật tự trị an xã hội càng ngày càng ổn định. Dạo ấy không còn giống như lúc trước, không bỏ sức ra làm việc không được, ngay cả tên thầy bói Trương Bán Tiên cũng còn phải đi đạp xích lô nữa là. Đôi vợ chồng Đại Ô Đậu đâu có biết làm cái gì, hơn nữa lại còn vừa tham ăn vừa lười nhác, thường ngày buộc phải thực hiện vài phi vụ trộm vặt móc túi. Có một ngày, Đại Ô Đậu trông thấy một người bán bánh hấp Dương Thôn để xe ở ven đường để đi vào nhà vệ sinh. Nhân cơ hội đó, hắn đẩy xe bánh hấp bỏ chạy. Thế nhưng, bánh hấp không thể mang về nhà, thỉnh thoảng ăn vài ba miếng còn thấy ngon, ăn nhiều quá ngán đến tận cổ. Nam ngọt bắc mặn đông cay tây chua, người phương bắc không quen ăn đồ ngọt. Vừa khéo giữa đường gặp Quách sư phụ và Đinh Mão, Đại Ô Đậu định nhân cơ hội trời tối đen, lớn tiếng rao bán số bánh hấp đã trộm được, kiếm vài đồng rồi về nhà. Nhưng hắn đâu có ngờ, Quách sư phụ là công an đường thủy, chỉ hỏi khó mấy câu đã làm hắn lòi đuôi. Đại Ô Đậu là kẻ cắp chuyên nghiệp, nói chuyện đến giữa chừng thì phát hiện ra tình hình không hay, thẳng tay vứt lại xe bánh hấp, cũng chẳng thèm quan sát chui ngay vào một con hẻm gần đó. Kết quả, hắn ngã xuống một khe nước lớn, đổ máu rách toạc da đầu, cũng còn may là trời tối đen không bị người ta đuổi kịp. Hắn thầm rủa: "Ngày hôm nay đúng là bị vận đen ám vào người, vất vả lắm mới trộm được một xe bánh hấp, ngờ đâu lại chạm trán với hai tên Tang môn thần***, may mà nhanh chân không thì đã bị người ta bắt được. Nhưng tay không trở về biết nói với vợ như thế nào đây?" Hắn chợt nhớ lại, trong lúc bàn chuyện về ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương trong khi đi đường, hai người kia có nói bên trong nhà đó có chôn bảo vật, đã nhiều năm trôi qua mà vẫn không ai có thể tìm ra được. Nghe nói, lúc trước, khi truy bắt kẻ cướp nguy hiểm chuyên dùng búa thợ mộc, người ta đã phát hiện ra một cái xác phụ nữ trong căn nhà đó, rốt cuộc là ngôi nhà bị ma ám chôn dấu bảo vật, hay chỉ là câu chuyện hoang đường về ngôi nhà bị ma ám?

***Thần cai quản về tang sự

Ba

Thời xưa có quan niệm mê tín "Bảo vật nhận chủ", bởi vậy Đại Ô Đậu thầm nghĩ: "Không có lửa làm sao có khói, ai cũng bảo ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương chôn dấu bảo vật, vậy nhất định trong ngôi nhà đó có nhiều của cải. Người khác không tìm thấy, chưa hẳn là ta cũng không thể tìm thấy, sao không đi thử thời vận một phen?" Hắn lại sợ trong ngôi nhà bị ma ám đó có quỷ, dâng cái mạng mình cho chúng chẳng phải là lỗ vốn hay sao. Trong lúc nhất thời, hắn phân vân không quyết định được. Huống hồ, cú ngã xuống khe nước vừa rồi không nhẹ, dường như đã bị vẹo cả xương sống rồi, hắn quyết định tới nhà Tô lang trung dán thuốc trước đã.

Thiên Tân vệ có hai danh y họ Tô. Mặc dù cùng một họ Tô, nhưng một người có danh tiếng, còn người kia lại có tai tiếng. Vị Tô đại phu có danh tiếng là người kế thừa gia tộc hành nghề trung y nhiều đời, chuyên trị thương tật do té ngã, đặc biệt là thuốc viên đặc trị trật khớp. Vào cuối thời nhà Thanh, cha ông ông này đã từng theo học khoa chỉnh hình của người Pháp, kỹ thuật nối xương cao siêu đến mức thần kỳ. Trật khớp thì dùng thuốc viên đặc trị, còn gãy xương thì sẽ dùng đến kỹ thuật kia. Hai tuyệt chiêu đó của nhà họ Tô gia chỉ đời đời truyền riêng cho con cháu trong nhà. Vào cuối thời nhà Thanh, Thiên Tân vệ đầy rẫy lưu manh ngoài đường. Mỗi khi lưu manh nổi máu yêng hùng, phạm án bị bắt giải lên công đường. Nhưng bất kể quan phủ dùng hình như thế nào, đám lưu manh cũng dám không rên lấy một tiếng, bởi một khi nhận tội, sau này sẽ không đường lăn lộn nữa. Hình phạt nặng trên công đường há có phải trò đùa. Không cần nói đến hình phạt khác, chỉ riêng việc đánh bằng roi cũng đủ khả năng lấy mạng con người ta rồi. Năm mươi cây gậy gỗ nặng giáng xuống, tránh sao được da tróc thịt bong gãy xương đứt gân, toàn thân nhừ xương mềm oặt, đặt lên cáng vải mềm khênh đến nhà Tô đại phu, nhờ ông này nối lại từng đoạn xương đã bị gãy nát của toàn thân, đảm bảo xương cốt hình dạng của ngươi trước khi nhận hình phạt trên công đường như thế nào, một trăm ngày sau sẽ vẫn là như thế. Tô đại phu người ta dám lớn tiếng tuyên bố đến thế, bởi vì ông này thực sự có bản lãnh làm được điều đó. Bắt đầu từ thời Thanh mạt, nhà này bắt đầu gây dựng nên tên hiệu. Cho tới tận hôm nay, mỗi khi phải bó xương chỉnh hình, mọi người vẫn tranh nhau tới những bệnh xá treo biển hiệu Tô đại phu. Không cần biết đó có phải là đời sau của nhà họ Tô gia hay không, chỉ cần mang họ Tô, những người đó đã cảm thấy trình độ bệnh xá này nhất định sẽ tương xứng với cái tên đó. Về phần vị danh y tai tiếng kia, người này cũng nổi tiếng chả kém, nhắc đến tên y là ai cũng biết. Để cho dễ phân biệt, người ta gọi y là Tô lang trung. Tô lang trung là một người hành nghề y chuyên đi rong hoặc đến những hội chợ phiên bán thuốc nam. Trước giải phóng, y thường treo biển bày bàn bên lề đường, bán miếng dán thuốc cao. Từ bong gân trật xương phong thấp cảm lạnh, cho đến đau đầu sốt cao thổ tả, bất kể là bệnh gì, cứ đến chỗ Tô lang trung là đều được trị bằng cách dán thuốc cao. Nhìn, nghe, hỏi, sờ***, bắt mạch, xem lưỡi, toàn bộ những phương pháp chẩn bệnh đó y không thông một môn nào, cũng chẳng thèm ghi đơn thuốc, cứ dán thuốc cao là xong chuyện.

***Bốn phương pháp chẩn bệnh của đông y

Thời ấy có một câu nói thế này: "Dán thuốc của Tô lang trung -- tự chuốc lấy phiền phức". Bởi vì thuốc cao dán của Tô lang trung không được nấu đủ lửa, do y không được chân truyền, nói chung khả năng nắm bắt và điều chỉnh thực sự không được tốt. Mặc dù không hẳn là non tay, nhưng thuốc dán của y không có đủ độ dính cần thiết. Trước giải phóng, có người bị xơ cứng cổ, đến chỗ y mua một miếng thuốc dán, bóc ra dán lên chỗ đốt sống cổ. Về đến nhà, đêm đang ngủ thì chợt giật mình tỉnh giấc, người này vừa mới sờ ra sau cổ thì tay đã dính đầy thuốc dán, vừa đen lại vừa nhớp nhúa, vậy là nổi giận đùng đùng chạy đến nhà Tô lang trung chất vấn. Tô lang trung cả vú lấp miệng em bảo rằng nhà ngươi bệnh nặng, miếng thuốc dán hơi nhỏ không trị được hết bệnh, phải đổi thành miếng lớn hơn, khiến cho người nọ lại phải bỏ tiền mua một miếng khác, vẫn tiếp tục dán vào chỗ đốt sống cổ. Đến đêm người này lại giật mình tỉnh giấc, sờ vào chỗ thuốc dán thì đã không thấy đâu. Hóa ra miếng thuốc dán không đủ độ dính, đến đêm đã dịch chuyển, chạy từ cổ xuống mông, rửa mãi mà không sạch. Người nọ ôm đầy một bụng tức giận, lại tiếp tục tới nhà Tô lang trung, yêu cầu y trả lại tiền. Tô lang trung bảy lần không chịu, tám lần không cam lòng, một trăm hai mươi lần không muốn, bèn gân cổ lên bảo, vậy chẳng phải điều đó đã chứng tỏ nguồn gốc căn bệnh của ngươi không phải ờ cổ mà là ở mông hay sao? Thuốc dán nhà hộ Tô của y có linh tính, có khả năng tự tìm được nguồn gốc căn bệnh, cho nên nó tự đã chạy xuống mông, có lý nào lại phải trả lại tiền? Chuyện này vỡ lở ra rồi trở thành một câu chuyện tiếu lâm, bởi vậy mới có câu nói châm biếm "Dán thuốc của Tô lang trung -- tự chuốc lấy phiền phức" như ở trên. Sau này, cấu nói đó đã trở thành câu cửa miệng để ám chỉ đến việc tự chuốc khổ vào thân hoặc tự mình làm bản thân điên đầu.

Đại Ô Đậu leo lên bờ con mương, nhận thấy này cách nhà Tô lang trung không xa, bèn chạy đến đó gõ cửa mua thuốc dán. Tô lang trung là kẻ có tiếng không tốt lành gì, nhưng không hẳn đã là kẻ bất tài, bởi dẫu sao y cũng đã nấu cao dán cả nửa đời người. Cho dù không phải là linh đan diệu dược, nhưng ít nhiều cũng có một chút tác dụng. Y dán thuốc cao cho Đại Ô Đậu xong là ngửa tay đòi tiền. Đại Ô Đậu giở trò vô lại, phủi tay trợn mắt, không chịu trả một xu. Trước kia, Tô lang trung cũng đã từng lăn lộn ngoài giang hồ, hạng người lưu manh vô lại nào mà chưa từng gặp qua, không thể nào nuốt trôi cục tức này, không trả tiền đừng hòng mà đi được, một tay níu chặt Đại Ô Đậu không chịu buông tha, một tay cởi giày đánh loạn xạ lên mặt hắn. Đại Ô Đậu có tật giật mình, chỉ sợ ầm ĩ lên sẽ kéo người khác đến, cuống cuồng xô Tô lang trung ra, tông cửa xông ra ngoài. Nào ngờ Thái Dương của Tô lang trung đập thẳng vào góc mặt bàn, ô hô ai tai ngay tức thì. Vị lang trung nấu cao dán bán thuốc dạo ngoài đường có ngờ đâu mình sẽ lăn đùng ra chết oan chết uổng thế này.

Đại Ô Đậu không hề hay biết, cú đẩy đó đã lấy mạng Tô lang trung. Vừa mới thấy đối phương vỡ đầu chảy máu, y vội vội vàng vàng đẩy tung cửa vọt ra bên ngoài, tai vẫn còn kịp nghe thấy trong nhà họ Tô vang lên tiếng vợ kêu con khóc. Y lo sợ bị người khác đuổi theo đánh mình, guồng chân hết tốc lực mà chạy. Lúc bấy giờ, lưng đã được dán thuốc cao, y chạy được một đoạn thì cảm thấy không còn đau nữa. Hắn là kẻ tham tiền ăn vào máu, trong đầu chợt thay đổi ý định, thế là chạy thẳng đến ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương. Ngõ hẻm đó nằm ở gần khu vực nhà ga phía bắc, nhà ga phía bắc lại ở ngay cạnh công viên Bắc Ninh. Cuối thờ nhà Thanh, công viên này vẫn còn là một vùng nước thải, dân cư thưa thớt, Viên Thế Khải đã cho tiến hành đào hồ tạo công viên khởi công xây dựng nhà ga. Tới thập niên năm mươi, quanh đó đã có không ít cư dân. Nhà ga phía bắc là một cái ga tàu hỏa. Để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, đường cái trước mặt nhà ga đã được mở rộng thênh thang, trải nhựa đường. Trước năm 1949, những gia đình ở khu vực nhà ga phía bắc, phần lớn là người nghèo sống nhờ vào ngành đường sắt. Người có sức khỏe thì đi bốc vác hàng lên tàu, trẻ con và đám đàn bà con gái thì đi dọc theo đường sắt nhặt than xỉ rơi từ đầu xe lửa xuống, còn một cách kiếm cơm nữa là bốc dỡ kho hàng. Nếu như có thể làm công nhân đường sắt, cả nhà già trẻ quanh năm suốt tháng được ăn ngũ cốc, coi như có nghề nghiệp ổn định. Thời bấy giờ, khắp nơi kết bè kéo cánh, lập đảng tạo phái, người không nằm trong tổ chức đừng có mong mon men lại gần. Cho dù chỉ nhặt than rơi trên đường tàu, không quen biết ai thì đừng hòng mà chen chân vào được. Tình trạng tẩy chay người ngoài rất nghiêm trọng, phát sinh vô số lần tranh giành. Kể từ lúc thành lập đất nước năm 1949 cho tới bấy giờ, nhà ga phía bắc đồng thời đóng vai trò là nhà ga vận chuyển khách lẫn vận chuyển hàng hóa, không chỉ có những đoàn tàu chở khách ngược xuôi nam bắc, mà hàng ngày còn có những đoàn tàu vận chuyển hàng hóa ra vào. Trước cửa nhà ga đông nghịt người, giao thông nhộn nhịp. Câu chuyện của chúng ta đang nói đến mùa hè năm 1958. Vào giữa mùa hè, nắng nóng khô hạn. Ban ngày vừa oi bức vừa nóng, hầm hập như trong một cái nồi hơi. Cái hồ trong Ninh viên cũng cạn nước, chẳng còn mấy người chèo thuyền du ngoạn. Sau khi trời tối, cái nóng dịu đi một chút. Những người ở quanh đó ai mà chẳng muốn tìm chỗ mát mẻ, thế là người lớn lẫn trẻ con đổ xô ra vỉa hè hóng mát, vừa mát mẻ vừa tiết kiệm điện. Nhưng chẳng có ai dại gì đi tới ngõ hẻm kho lương cả, có chăng chỉ là những kẻ mù lòa.

Bốn

Ngôi nhà cổ nào mà chẳng từng có người chết, nhưng nguyên nhân chết của người đó phải là đột tử mới được gọi là nhà bị ma ám. Lúc mới giải phóng, cơ quan công an đã phá án và bắt giam hung thủ của vụ án ăn cướp bằng búa thợ mộc, trong nhà của kẻ cướp nguy hiểm Bạch Tứ Hổ đã tìm thấy một cái xác phụ nữ. Kể từ ngày hôm đó, câu chuyện về ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương đã lan truyền ra với tốc độ chóng mặt. Nhưng hộ gia đình quanh đó trước kia không biết thì không sao, nhưng sau khi phát hiện ra cái xác đó, họ càng nghĩ càng thấy sợ. Nhà nào có khả năng dọn đi được thì không chần chừ lấy một giây. Cộng thêm việc Ninh viên được mở rộng, người ta lại phá dỡ thêm một bộ phận nhà dân. Bởi vậy, đến năm 1958, trong ngõ hẻm này chẳng còn lại mấy hộ gia đình sinh sống. Ngôi nhà hai gian của Bạch Tứ Hổ là ngôi nhà mang số bảy mươi hai ngõ hẻm kho lương, nhìn về hướng tây, ngay sau lưng là cái hồ của công viên Bắc Ninh. Vào thập niên năm mươi sáu mươi, cái hồ trong Ninh viên không rộng lớn như hiện nay, trong công viên cũng chưa có ngọn tháp trắng. Cứ đến đêm là công viên tối om om, tương đối hoang vắng.



Đại Ô Đậu đã từng nghe người ta nói đến ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương từ lâu. Sau khi xử bắn Bạch Tứ Hổ, hai gian phòng đó bị dán giấy niêm phong, nhiều năm rồi mà vẫn không có người ở. Bởi dãi nắng dầm mưa, giấy niêm phong đã tróc ra từng mảng từ bao giờ. Tìm đến nơi là lẻn được vào trong nhà mà chẳng tốn mấy sức lực. Trong nhà, ngoài bốn bức vách thì chẳng còn cái gì, không có đèn chiếu sáng. Hắn đang ăn trộm, làm sao dám đốt đèn. Nhờ ánh trăng lọt qua cửa sổ mất cánh, hắn lờ mờ nhìn thấy mọi vật. Trong nhà, ngoại trừ tiếng tim đập thình thịch của chính hắn thì không có một tiếng động nào. Trước khi vào trong nhà, đầu óc hắn hoàn toàn bị ý nghĩ chiếm đoạt bảo vật phát tài chiếm cứ, nhưng đến khi đã vào trong đóng cửa phòng lại, chỉ có một mình trong bóng tối, lông tóc toàn thân bất chợt dựng đứng. Hắn bèn ư ử ngâm nga một đoạn dân ca để tăng thêm lòng dũng cảm để tiếp tục trộm cắp: "Uống no gió đông tây nam bắc, đói đến mức ăn sạch cả rễ cỏ; phiêu bạt ngang qua một ngôi mộ, gặp quả phụ vừa mắt hắn; lôi lôi kéo kéo về đến nhà, quả phụ đưa cho hắn hai cái bánh nướng, ăn xong bánh nướng đứng ngây cả người. . ."

Vụ án Bạch Tứ Hổ hung hãn dùng búa thợ mộc ăn cướp năm ấy được bàn tán khắp đầu đường cuối ngõ. Mọi người kể rành rẽ Bạch Tứ Hổ mang cái xác cô gái về nhà coi như vợ, hàng ngày trốn biệt trong phòng tâm sự với người chết ra sao; Sợ láng giềng láng giềng phát hiện ra mùi thối, hắn đã còng cõng từng túi muối về nhà để ướp xác như thế nào. Bởi thế cho nên ngõ hẻm kho lương đặc biệt có nhiều dơi. Khi ấy, người ta cho rằng chuột ăn nhiều muối ăn là có thể biến thành dơi, toàn bộ dơi trong ngõ hẻm đều là chuột nhà Bạch Tứ Hổ biến hình, bởi vì trong nhà hắn muối chất đầy đến nóc. Quả thực là nghe cứ như chuyện thật vậy! Người nào người nấy nói cứ như mình tận mắt nhìn thấy. Nhưng những câu truyện đồn thổi ngoài đường chỉ thoảng qua như một làn gió. Bản án đã bị phá năm 1945, đến năm 1958 thì đã chẳng còn mấy người nhắc đến nữa. Nghe Quách sư phụ và Đinh Mão nói chuyện trong ngôi nhà bị ma ám có chôn dấu bảo vật, Đại Ô Đậu nảy sinh lòng tham. Hắn ngâm nga vài câu để tăng thêm lòng dũng cảm, cắn răng kiên trì lục lọi khắp nơi trong nhà với tâm lý cầu may, hòng kiếm cho bằng được tiền của phi nghĩa.

Vào thời xã hội cũ, Thiên Tân vệ có một tác phong rất lệch lạc. Rất nhiều người ham ăn biếng làm, trong đầu lúc nào cũng chỉ quan tâm đến một từ 'quậy', bản thân không có lý tưởng gì đã đành, đã thế còn coi thường những người trung thực dốc sức làm việc, coi việc đầu cơ trục lợi như một loại bản lĩnh. Đại Ô Đậu cũng không nằm ngoại lệ. Sau giải phóng, hắn vẫn theo tác phong lệch lạc của thời trước, không chịu ép vào mình vào khuôn khổ, vẫn cố tình đến ngôi nhà bị ma ám cướp đoạt bảo vật. Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương này, ban đầu là do lão chưởng quầy của tiệm quan tài nhà họ Bạch nhặt gạch xây dựng lên vào cuối thời nhà Thanh. Nghe nói, trong nhà cất giấu một vật gì đó. Thời xưa, những gia đình giàu có thường làm thế này, có tiền không chịu gửi trong các ngân hiệu*, không lúc nào yên tâm, mà thường thường sẽ bí mật đào hố trong nhà để chôn dấu vàng bạc hoặc một vài đồ quý giá, phòng khi sau này có việc cần dùng gấp. Cuộc đời ngắn ngủi, thời gian thấm thoắt như thoi đưa, những ngôi nhà chôn dấu bảo vật đương nhiên đã qua vài lần đổi chủ. Kết quả, có một lần nào đó, người có phúc duyên đã vô tình đào được bảo tàng phát tài, hiện tượng giàu có chỉ sau một đêm như thế xảy ra không ít. Đại Ô Đậu lúc nào cũng mơ mộng hão huyền mình sẽ có lần được như vậy. Hy vọng của nửa phần đời còn lại của hắn hoàn toàn ký thác vào ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương. Giờ phút đó, chữ 'tham' đã choán hết tâm trí, chữ 'sợ' đã bị hắn ném lên tận chín tầng mây.

*Một loại hình thái sơ khai của ngân hàng

Hắn rón ra rón rén, sờ lần theo vách tường lục soát một lượt, còn cẩn thận tỉ mẩn hơn cả lúc bả hồ quét sơn lót. Hai gian phòng được xây hoàn toàn bằng gạch xây thành, mặt ngoài trát vữa. Có vài chỗ, vách tường đã tróc hẳn ra, vừa sờ tay vào đã cảm nhận được lớp gạch cổ lạnh như băng ở bên trong. Gõ tay vào là đã biết ngay bức tường không có khoảng trống bí mật ở bên giữa. Hắn hết sờ lần toàn bộ bốn vách tường, lại lần tìm trên mặt đất. Nền nhà được lát gạch theo kiểu Hải Mãn, có nhiều chỗ đã lung lay. Dưới lớp gạch là nền đất, chẳng có gì khác ngoài gạch vụn lẫn bùn đất. Mướt mồ hôi một phen, đến bát vỡ cũng không tìm thấy lấy một cái, hắn dựa lưng vào tường, mệt nhọc phù phù thở hổn hển. Vừa mới định há miệng chửi đổng để cho hả giận, hắn chợt nghe thấy trên đỉnh đầu vang lên tiếng "Lộp bộp".

Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương được xây cùng một kiểu với đại đa số những ngôi nhà cổ khác, bốn bức tường gạch, trên mái có rầm nóc, diện tích không lớn, có xà không trụ, nóc nhà lợp ngói, trên cùng là tấm lợp che mưa. Nhưng nếu đứng nhìn từ bên dưới lên, người ta sẽ không nhìn thấy xà nhà, bởi vì những căn nhà được xây vào thời kỳ trước bắt buộc phải dán trần, nếu không dán thì ở không yên lành. Bốn vách tường quét vôi trắng, theo quan niệm 'Tứ bạch lạc địa' của các cụ, còn bắt buộc phải dán trần nhà bằng loại giấy dày để phòng ngừa tro bụi rơi xuống. Chẳng tới nửa năm, lớp giấy dán trần nhà đã bị ẩm mốc ố vàng, đến lúc đó lại dán đè lên một lớp khác. Ngôi nhà của dân chúng bình thường nào cũng được trang trí theo cách này. Nhờ ánh trăng, Đại Ô Đậu ngẩng đầu lên quan sát, nghe tiếng động có vẻ giống như chuột chạy trên mái nhà. Khi ấy, chuột rất nhiều. Chúng thường chạy tới chạy lui trên xà nhà, thỉnh thoảng không may rơi xuống lớp giấy dán trần, mỗi lần như vậy phát ra tiếng động "Lộp bộp". Ngã không chết, chúng lại vật lộn trở mình chạy tiếp. Mỗi khi đêm khuya thanh vắng, trong những ngôi nhà cấp bốn thường xuyên nghe thấy tiếng động như thế này. Đôi khi còn có hai con chuột đánh nhau, ngã lăn lộn trên trần nhà như muốn trêu ngươi, quấy phá đến mức con người ta không sao ngủ yên được. Thậm chí có cả những con chuột to đùng, hành động chậm chạp nặng nề, ngã xuống làm thủ cả lớp giấy dán trần, rơi tọt vào nồi canh đang đun sôi trên bếp. Việc này xảy ra thường xuyên không ai còn thấy lạ. Người nấu ăn nhìn thấy còn tốt, cùng lắm thì đổ đi không ăn nữa. Nếu không trông thấy, vậy thì cả nhà sẽ được thưởng thức món canh chuột rồi. Trước kia, rất hiếm khi con người không bị đám chuột quấy phá. Nghe thấy tiếng chuột náo loạn trên nóc nhà, Đại Ô Đậu không thèm để tới. Nhưng đột nhiên hắn ngẩn người ra một lúc. Hắn chợt có ý nghĩ, chẳng lẽ đồ vật được giấu trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương lại ở trên nóc nhà?

Năm

Giữa đêm khuya, ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương bị chuột quậy phá, phát ra tiếng động giống như hai con chuột đang đánh nhau. Một trong con ngã xuống lớp giấy dán trần, phát ra âm thanh "Lộp bộp", đã đánh động suy nghĩ của Đại Ô Đậu. Hắn suy đoán, hai gian phòng này đã bị người ta xới tung lên rất nhiều lần rồi, kể cả đào sâu ba thước cũng không thể tìm thấy một cái gì, nhưng lại chẳng có mấy người hướng ánh mắt lên nóc nhà. Theo lệ thường, mỗi khi những gia đình giàu có chôn dấu tiền tài bảo vật, phần lớn là sẽ bí mật chôn dưới đất. Nhưng, thật ra dấu chúng trên xà nhà mới xác thực là thần không biết quỷ không hay. Hắn khấp khởi mừng thầm. Các cụ xưa đã có câu, cuộc đời mỗi con người, giàu sang có số. Giàu nghèo sang quý, như mây trôi vô định, có lẽ thời vận của Đại Ô Đậu hắn đã đến, nếu không thì tại sao lại trùng hợp có con chuột rơi xuống trần nhà như vậy? Xem ra, trong số mệnh hắn đã định là sẽ có được số tiền của vô chủ này. Hắn cứ nghĩ rằng mình sắp phát tài, đâu có biết rằng "Tương lai mù mịt, không ai đoán trước được", bởi vậy làm sao có thể nghĩ ra, trên nóc nhà có vật nào đó đang chờ mình sẵn.

Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương quay về hướng nam, hai gian phòng một khách một buồng, cửa chính nằm ở gian ngoài, trong góc là bếp lò, buồng trong có giường. Vào những năm năm mươi sáu mươi, những ngôi nhà cổ đã tồn tại nhiều năm mà ít khi được tu sửa lại. Sau khi Bạch Tứ Hổ bị xử bắn, nhà hắn vẫn luôn bị bỏ hoang. Giấy dán trần nhà đã xuất hiện vô số chỗ mủn nát, màu sắc ố vàng, thậm chí có nhiều chỗ nấm mốc đã mọc tốt um, trần nhà đã bị thủng nhiều nơi. Tinh thần trở nên hưng phấn, hắn trèo lên giường, kiễng chân với tay, nhưng chỉ có thể chạm đầu ngón tay tới lớp giấy dán trần. Không còn cách nào khác, hắn đành chạy ra ngoài tìm thứ gì đó để kê chân. Khi mở rộng Ninh viên, người ta đã phá hủy đi gần nửa con hẻm nhỏ, gạch đá la liệt ở khắp nơi. Hắn bê cả một chồng gạch vào trong nhà, xếp lên trên giường gạch. Đến lúc ấy, hắn đã có thể thò đầu lên trên lớp giấy dán trần rồi. Hắn chọc ngón tay vào lỗ thủng giật tung một mảnh giấy dán trần ra. Tro bụi phủ một lớp dầy bên trên cái trần nhà dán giấy, hắn vừa đụng đến đã ào ào đổ xuống, vậy là Đại Ô Đậu thành kẻ giơ đầu chịu báng. Tro bụi ở những ngôi nhà cổ đã được tích lại qua không biết bao nhiêu năm tháng, đen sì dinh dính, mùi vị bị đám tro bụi đó rơi vào miệng khó chịu thế nào thì khỏi cần phải bàn. Bụi bay mù mịt khiến mắt không sao mở ra được, lại còn cả chui vào lỗ mũi, khiến hắn sặc sụa hắt hơi liên tục. Bởi sợ người khác nghe thấy, hắn cố gắng hành động nhẹ nhàng không phát ra tiếng động lớn. Cuối cùng, sau khi tốn không ít công sức, hắn cũng xé thủng lớp giấy dán trần ra một lỗ hổng vừa phải. Đa phần phần đỉnh mái nhà truyền thống của dân chúng được dựng theo kết cấu hình chữ kim ( 金), khoan lỗ để bắt mộng rường nhà. Trước kia, mỗi khi làm mái nhà, người ta cần phải tuân thủ tục lệ không được dùng tới đinh sắt, toàn bộ những chỗ tiếp nối chỉ được gá bằng mộng. Người ta đồn rằng, nếu nhà dân và cung điện sử dụng đinh sắt để xây dựng sẽ có hại đến đường con cháu. Thời bấy giờ, quả thực có điều kiêng kị như vậy. Giữa nửa đêm, mặc dù trong phòng có ánh trăng, nhưng khi quan sát phần bên trên nóc nhà hắn không thể nhìn thấy cái gì, chỉ có mùi ẩm mốc mục nát xộc vào mũi rồi xông thẳng lên não. Đại Ô Đậu nghiện thuốc lá nặng, ngày nào cũng phải hút, đi đến đâu hút đến đó, bởi vậy trên người lúc nào cũng thủ sẵn diêm. Hắn đánh một cây diêm, hai tay khum lại để che ánh sáng. Vừa mới nhô đầu lên nóc nhà, một vật đã đập ngay vào mắt, hắn lợm giọng thiếu chút nữa là há miệng nôn mửa.

Vô số mạng nhện đen xì, rủ từ xà ngang xuống, bụi bẩn tích tụ lại dày cỡ một đốt ngón tay. Nhưng cho dù không bị mạng nhện bám đầy bụi bẩn che chắn, tầm nhìn của hắn cũng không thể vượt quá nửa thước. Trước mặt hắn là một con chuột chết đang bốc mùi phân hủy, các loại côn trùng, gián, tường xuyến sống trong bóng tối bị kinh động, cắm đầu cắm cổ chạy loạn xạ. Trên nóc những ngôi nhà cũ phần lớn là như vậy, bình thường không nhìn thấy không biết ghê tởm đến thế nào, một khi nhìn thấy, không một ai có thể chịu đựng được. Đại Ô Đậu bụm miệng nôn khan một chặp, nhưng trong đầu thì lại đang có ý nghĩ, trong đêm nhìn thấy tường xuyến là dấu hiệu may mắn, sắp phát tài. Tường xuyến chính là con du diên, hình thù giống hệt như con rết, thường sống trên nóc nhà và trong hốc tường, dân chúng thường gọi chúng là "Tường xuyến", còn một cách gọi khác là "Dây xâu tiền", bởi vì tiền đồng ngày xưa được xỏ dây buộc thành từng xâu. Chữ xuyến chủ tài, nếu nhìn thấy tường xuyến trong nhà là sẽ có tài vận, nhưng không phải lúc nào nhìn thấy cũng là tốt. Tục ngữ có nói "Sớm xuyến phúc, muộn xuyến tài, không sớm không muộn xuyến tai", ý muốn nói, buổi sáng trông thấy tường xuyến là có phúc vận, buổi tối trông thấy là tài vận, giữa trưa nhìn thấy chắc chắn là điềm xấu. Đến giờ không ai còn tin tưởng cách dùng tường xuyến định cát hung nữa, nhưng thời trước thực sự có người tin vào điều đó. Vào giữa nửa đêm, Đại Ô Đậu nhìn thấy tường xuyến trên nóc nhà, tự cho rằng hy vọng phát tài đã lớn hơn vài phần, chỉ cần có thể tìm được số tài bảo trong ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương này, một chút dơ bẩn đó có đáng là cái gì. Hắn cố kìm chế cảm giác buồn nôn, đánh một cây diêm khác, mở mắt trừng trừng cố nhìn sâu vào bên trong. Đúng lúc đó, hắn đột nhiên phát hiện ra trong bóng tối có một đôi mắt đầy thù địch đối chọi lại mình.

Đại Ô Đậu cứ đinh ninh là ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương chôn dấu bảo vật, có ngờ đâu nóc nhà lại có người đang lẩn trốn. Trần hai gian phòng này đã được dán từ vài chục năm trước, từ khi phá thành nhặt gạch năm Canh Tý cho đến năm 1958, nó chưa từng bị động chạm đến. Mặc dù lớp giấu dán trần đã thủng vài lỗ, nhưng phải xé rách ra một lỗ hổng vừa đủ mới có thể chui đầu lên bên trên được, làm gì có người nào có khả năng trốn ở trên xà nhà tích tụ đầy bụi đất không đi xuống cả vài chục năm, trừ phi là thần tiên không cần ăn uống, hoặc là những vong hồn không tiêu tán trong ngôi nhà bị ma ám. Trường hợp này tám chín phần mười rơi vào khả năng thứ hai. Lại nói tiếp, trên nóc nhà đen kịt không có ánh sáng, hắn chỉ có thể nhìn thấy ở phía đối diện hình như là hai con mắt, hai tròng mắt đen bóng to đến mức khó có người dám tin. Nếu gương mặt không to bằng cái khay trà, e rằng cũng không để đủ cân xứng với hai con mắt này. Nhưng vấn đề là làm gì có ai có gương mặt to như khay trà? Nếu như mặt người này to cỡ khay trà, vậy thân thể của y sẽ cao lớn đến mức nào? Đại Ô Đậu lập tức sợ gần chết, tay chân giống như đã không thuộc về mình nữa, miệng há hốc không khép lại được, lưỡi thè lè ra ngoài, cổ cứng đơ giống như đã hóa đá.

Sáu

Đại Ô Đậu vừa nhìn thấy vật trong ngôi nhà bị ma ám đã kinh sợ đến mức ba hồn bảy vía lìa khỏi xác, cứt đái tự động xổ đầy trong đũng quần. Đột nhiên có một trận gió nổi lên, quả thật là "Quét hết đất trước cửa địa ngục, thổi sạch bụi trên đỉnh Phong Đô"**, cây diêm đang cầm trên tay tắt ngấm, trước mặt tối sầm, hắn chợt rùng mình run rẩy từ đầu đến chân, thân thể không tự chủ lùi lại phía sau, quên bẵng mình đang đứng trên một chồng gạch. Hắn hẫng chân, thét lên một tiếng rồi ngã ngửa xuống cái giường gạch, bốn vó chổng lên trời, té cứt té đái tông cửa chạy ra bên ngoài. Lúc đến như cưỡi rồng giá hổ, khi về giống như chó nhà có tang. Hắn chạy trốn về đến nhà, còn chưa kịp chui đầu vào nhà thì đã bị người khác đè nghiến xuống. Thì ra vợ Tô lang trung đã báo án, tố cáo Đại Ô Đậu đến dán thuốc cao, không những không trả tiền, mà còn đánh người gây tai nạn chết người. Nghe nói có người chết, cục công an lập tức vào cuộc. Không xảy ra án mạng chỉ là chuyện nhỏ, nếu xảy ra thì là việc lớn rồi, họ không trì hoãn một giây phút nào, lập tức tìm tới tận cửa, vừa đúng lúc bắt được hắn.

**Phong Đô là vùng đất của linh hồn người chết. Câu này muốn nói trận gió đó âm u rùng rợn như thổi tới từ âm tào địa phủ

Đại Ô Đậu đã sợ đến bể mật, vừa đến cục công an đã thú nhận tất cả, từ lúc hắn bắt đầu ăn trộm, ngã xuống rãnh nước như thế nào, đi dán thuốc cao, nổi lên tranh chấp, không may đẩy Tô lang trung ngã gây ra án mạng ra sao, không dám giấu diếm một chút gì. Tiếp theo đó, hắn lại khai báo, bởi nghe nói ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương có bảo vật, bản thân đã nổi lòng tham, định mượn gió bẻ măng, nhân cơ hội trời tối đen lẻn vào trong nhà, xé rách lớp giấy dán trần, thò đầu lên nhìn xem có vớ được cái gì không, nào ngờ trên xà nhà đó lại có quỷ.

Đại Ô Đậu ăn trộm bánh hấp Dương Thôn rồi phạm tội ngộ sát, coi như là việc ván đã đóng thuyền. Về phần lẻn vào nhà người khác ăn trộm vật báu, công an không có cách nào định tội hắn được. Ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương đã bị đóng cửa từ năm 1945 cho đến bấy giờ, do mở rộng Ninh viên, ngôi nhà sẽ nhanh chóng bị phá hủy. Trong phòng có đầy chuột bọ côn trùng sinh sống, không có bất cứ đồ vật thần kỳ nào cả. Hắn lẻn vào căn nhà rách nát bị bỏ hoang một chuyến, hoàn toàn không thể nào khép vào tội gì được. Mọi người cho rằng con vật mà Đại Ô Đậu nhìn thấy trên nóc nhà chỉ là chuột, nhưng dù có thế nào thì đầu chuột cũng không thể to bằng cái khay trà được. Đến sáng ngày, cơ quan công an phái người đến kiểm tra căn nhà, nhìn thấy lớp giấy dán trần đã bị xé thủng ra một lỗ hổng lớn, trên giường gạch có mấy cục gạch, hoàn toàn ăn khớp với lời khai của Đại Ô Đậu. Nhưng khoảng không gian trên xà nhà ngoại trừ bụi đất phủ đầy, thì xác thực không còn gì khác nữa. Trong lúc tối lửa tắt đèn, rõ ràng là Đại Ô Đậu đã nhìn nhầm mất rồi, không ai tin tưởng vào những gì hắn nói. Nhưng kể từ đó về sau, Đại Ô Đậu sợ quá đâm ra ngớ ngẩn. Trong lúc bị giam chờ tái thẩm, hắn bắt đầu mê sảng nói huyên thuyên những lời vô nghĩa. Về phần sau này hắn bị phán xử như thế nào, tôi sẽ bỏ qua không nói đến nữa.

Quách sư phụ phát hiện ra Đại Ô Đậu đã trộm cắp bánh hấp Dương Thôn. Đêm hôm đó, ông ta và Đinh Mão đuổi theo sau hắn rất lâu, nhưng không thể bắt được, nào có biết đêm ngày hôm đó tên trộm này lại đến ngôi nhà bị ma ám ở ngõ hẻm kho lương, hơn nữa còn khẳng định như đinh đóng cột là trong phòng có quỷ. Mặc dù cảm thấy nghi vấn, nhưng Quách sư phụ là công an đường thủy, không thể xen tay vào một vụ án như thế. Bởi vậy, ông ta không thắc mắc bất cứ câu gì, mà chỉ âm thầm ghi nhớ ở trong lòng, ban ngày vẫn tiếp tục xuống sông nạo vét bùn, còng lưng ra gánh đất chuyển đá. Bởi vì nhân lực có hạn, tiến độ công việc nạo vét sông rất chậm chạp. Dù đã qua Tam phục, trời vẫn khô hạn không chịu mưa xuống. Khoảng thời gian giữa Đại thử và Tiểu thử của âm lịch được gọi là tam phục***. Chẳng mấy chốc đã đến trung tuần tháng bảy âm lịch năm 1958, lúc ấy đã đào sâu ngang thân ngọn Tháp trấn yêu của Hải Trương Ngũ, nửa phần trên của ngọn tháp trắng đã bị phá cụt, chỉ còn lại phần chân bằng đá nguyên khối. Trời vẫn không dịu nắng đi chút nào.

***Tiểu thử bắt đầu ngày 7 hoặc 8/7, đại thử kết thúc vào ngày 7 hoặc 8/8 dương lịch. Như vậy, Tam phục là khoảng thời gian 1 tháng từ 7 hoặc 8/7 đến 7 hoặc 8/8 dương lịch.

Tháng bảy âm lịch có hai cái tiết. Một là tiết "Khất Xảo" mùng bảy tháng bảy. Theo tương truyền, mỗi lần đến mùng bảy tháng bảy, Ngưu Lang Chức Nữ sẽ gặp nhau tại sông Ngân Hà. Theo tục lệ xưa, đêm ngày hôm đó, các cô gái sẽ xỏ bảy cây kim bằng bảy loại chỉ màu khác nhau, bày biện dưa leo đã bổ sẵn hướng lên trời tế bái, cầu khẩn được tài thêu thùa khéo léo như của Chức Nữ, có thể may được quần áo đẹp đẽ, ngay cả đám phi tần cung nữ trong hoàng cung đại nội cũng không nằm ngoại lệ. Lớp người già vẫn thường nói, vào giữa trưa ngày tết "Khất Xảo'', nếu thả một cây châm vào trong bát nước, nó sẽ nổi trên mặt nước không chìm. Đám thanh thiếu nữ xem bóng châm để bói xem là giỏi hay vụng, dân gian gọi là "Bổng chủy châm". Họ còn nhấn mạnh, tối ngày hôm đó, nếu ai đứng dưới giàn dưa là có thể nghe thấy tiếng Ngưu Lang Chức Nữ rủ rỉ nói chuyện ở trên trời. Mặc dù chỉ là truyền thuyết, nhưng đã đủ khiến cho người nghe phải kinh sợ, không có con cái nhà nào dám núp dưới bóng giàn dưa vào lúc nửa đêm nửa hôm. Qua tiết "Khất xảo" không được vài ngày là đã đến "Tiết vong linh" ngày mười lăm tháng bảy. Theo dân gian, vào ngày mười lăm âm lịch, Quỷ Môn quan mở rộng cửa, đó là thời gian thả đèn hoa đăng siêu độ vong linh.

Công việc nạo vét sông năm ấy đã kéo dài đến ngày tiết vong linh mười lăm tháng bảy âm lịch. Ngày hôm đó vẫn bình thường như mọi ngày, không có chuyện gì xảy ra, người đào bùn cứ đào, người chở đất cứ chở. Nhưng đến ngày mười sáu tháng bảy âm lịch, công việc nạo vét bắt buộc phải dừng lại, liên tiếp vài năm về sau vẫn không thể tiếp tục thực hiện được. Toàn bộ đám công nhân trị thuỷ đều lén lút bảo rằng: "Ông trời không cho làm việc này!"

Khi ấy, người ta bảo rằng công việc nạo vét sông cái không thể tiến hành được nữa, nguyên nhân chủ yếu là vì xảy ra sự việc "Phần mộ số hai trăm lẻ chín", sự việc này phát sinh đúng vào đêm ngày mười lăm tháng bảy đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hà Thần

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook