Hồi Ức Kẻ Sát Nhân

Chương 10

Amelie Nothomb

07/11/2016

- Thôi rồi, chưa chi cô đã tìm cách giải tội cho tòng phạm của tôi.

- Tôi không hiểu tại sao tôi lại phải giải tội cho cô ấy. Ngài đã nảy ra ý tưởng ấy, phải thế không?

- Đúng vậy, nhưng ý tưởng ấy không hề tội lỗi.

- Nhìn bề ngoài thì không, nhưng bản thân ý tưởng đó lại đúng là tội lỗi khi xét đến hậu quả của nó và nhất là khi xét đến tính bất khả thi của nó, tính chất sớm hay muộn rồi cũng sẽ bộc lộ.

- Trong trường hợp này là muộn.

- Cứ theo trình tự thời gian đã. Lúc bấy giờ ngài tròn mười bốn tuổi, Léopoldine tròn mười hai. Cô ấy nhất nhất nghe lời ngài và ngài có thể bảo cô ấy nuốt trôi bất cứ thứ gì.

- Đó không phải là bất cứ thứ gì.

- Không, sự thực nó còn tệ hơn thế. Ngài thuyết phục cô ấy tin rằng tuổi dậy thì là điều tệ hại nhất, xấu xa nhất trong số những điều xấu nhưng vẫn có cách tránh được nó.

- Bản chất của nó là vậy mà.

- Ngài vẫn còn tin như thế ư?

- Tôi chưa bao giờ hết tin vào điều đó.

- Vậy ra ngài vẫn cứ luôn điên rồ như thế.

- Trong cách nhìn nhận của tôi, tôi vẫn cứ là người duy nhất có suy nghĩ lành mạnh.

- Dĩ nhiên. Ở tuổi mười bốn, ngài đã suy nghĩ lành mạnh đến mức trịnh trọng quyết định rằng mình sẽ không bao giờ bước sang tuổi thiếu niên. Ngài có ảnh hưởng đến cô em họ tới nỗi ngài đã khiến được cô ấy tuyên thệ hệt như mình.

- Như thế không phải rất tuyệt hay sao?

- Cũng còn tùy. Bởi ngài đã là Prétextat Tach và ngài gán cho lời thề vĩ đại của mình những quyền trừng phạt không kém phần vĩ đại trong trường hợp bội ước. Nói cho rõ hơn, ngài đã thề và bắt Léopoldine phải thề rằng nếu một trong hai người bội ước và bước sang giai đoạn dậy thì, sẽ bị người kia giết chết, không hơn không kém.

- Mới mười bốn tuổi đã mang cốt cách của người khổng lồ!

- Tôi cho rằng có rất nhiều những đứa trẻ khác dự trù kế hoạch để không bao giờ rời bỏ tuổi ấu thơ, với những thành công nhỏ nhặt nhưng luôn chỉ là nửa vời. Thế mà hai người thì dường như đã đạt đến thành quả cuối cùng. Quả là hai người đã đặt vào đó một quyết tâm hiếm thấy. Và ngài, người khổng lồ của vụ việc phức tạp này, ngài đã phát minh ra đủ loại biện pháp mạo danh khoa học nhằm khiến cho cơ thể của hai người không đủ điều kiện với tuổi thiếu niên.

- Không mạo danh khoa học đến mức ấy đâu, bởi vì chúng công hiệu kia mà.

- Để rồi xem. Tôi tự hỏi làm sao ngài có thể sống sót qua những lối điều trị như vậy.

- Cả hai chúng tôi đều hạnh phúc.

- Với giá nào cơ chứ! Trí óc ngài đã lôi ở đâu ra những châm ngôn gàn dở đến vậy nhỉ? Rốt cuộc thì hai người có lý do để bước sang tuổi mười bốn kia mà.

- Nếu có cơ hội quay trở về quá khứ, tôi vẫn sẽ làm như vậy.

- Hôm nay thì ngài có lý do để suy sụp về thể chất.

- Nên tin rằng tôi luôn luôn ở lứa tuổi già cả hoặc lứa tuổi nhi đồng, bởi vì trạng thái tâm thần của tôi đã không bao giờ thay đổi.

- Chuyện đó không khiến tôi ngạc nhiên về ngài. Ngay từ thời điểm năm 1922 ngài đã cực kỳ gàn dở. Ngài đã tạo ra từ không gì hết cái mà ngài gọi là một “vệ sinh của đứa trẻ bất diệt” – vào thời đó, cái từ này bao quát tất cả những lĩnh vực sức khỏe tinh thần và thể chất: vệ sinh đã trở thành một hệ tư tưởng. Thứ ngài đã sáng tạo ra đáng gọi bằng cái tên phản vệ sinh thì đúng hơn, chính vì nó nguy hại đến mức ấy.

- Ngược lại, nó rất lành mạnh thì có.

- Bị thuyết phục rằng tuổi dậy thì sẽ diễn ra trong giấc ngủ, ngài quyết định không nên ngủ nữa, hay ít ra cũng không nhiều hơn hai tiếng một ngày. Theo quan niệm của ngài, một cuộc sống chủ yếu dưới nước có vẻ rất lý tưởng để níu giữ tuổi thơ: từ đó trở đi, Léopoldine và ngài sẽ trải qua hàng ngày hàng đêm trọn vẹn để bơi trong những cái hồ của vùng đất thuộc sở hữu gia đình, thậm chí đôi khi cả giữa mùa đông. Hai người ăn uống ở mức tối thiểu. Một vài thứ thực phẩm bị cấm chỉ và những thứ khác được khuyên dùng, căn cứ vào những nguyên tắc mà tôi thấy dường như bắt nguồn từ ý tưởng cuồng loạn nhất thì: ngài cấm những món ăn quá “trưởng thành”, như vịt nấu cam, canh tôm hùm và những thức ăn có màu đen. Thay vào đó, ngài cổ xúy việc dùng những loại nấm không những độc hại mà còn có tiếng là không đủ tiêu chuẩn cho tiêu hóa như nấm trứng, và cứ đến mùa là hai người lại ních cho đầy bụng. Để ngăn cơn buồn ngủ, ngài tự kiếm cho mình những hộp trà Kenya loại cực nặng, vì đã nghe thấy bà của mình nói đủ thứ không hay về loại trà đó: ngài điều chế cho nó có màu đen như mực rồi uống những liều rất lớn, hệt như những liều ngài đưa cô em họ của mình.

- Người hoàn toàn tán thành kế hoạch này.

- Cô ấy yêu ngài thì đúng hơn.

- Cả tôi nữa, tôi cũng yêu cô ấy.

- Theo cách của riêng ngài.

- Cách yêu của tôi không khiến cô hài lòng sao?

- Nói tránh đi thì là như vậy.

- Có lẽ cô đã tìm ra những người làm việc đó tốt hơn thế chăng? Tôi chưa từng biết đến cái gì hèn hạ hơn cái những người đó gọi là yêu. Cô có biết cái được họ gọi là yêu không? Biến thành nô lệ, làm cho có chửa và làm xấu đi một phụ nữ bất hạnh: đó là cái mà những sinh vật được xem như thuộc giới tính của tôi gọi là yêu.

- Bây giờ ngài lại chơi trò ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền ư? Chưa bao giờ tôi thấy ngài không đáng tin như lúc này.

- Trời ạ, cô ngốc đến đáng thương. Điều mà tôi vừa nói là hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa nữ quyền đấy chứ.

- Tại sao ngài không cố thử nói năng rõ ràng hơn một chút, dù chỉ một lần?

- Nhưng tôi diễn đạt rất rõ ràng cơ mà! Chính cô đã từ chối không công nhận cách yêu của tôi là đẹp nhất.

- Quan điểm của tôi về chuyện này chẳng để làm gì hết. Trái lại, tôi muốn biết Léopoldine nghĩ sao về cách yêu của ngài.

- Nhờ có tôi, Léopoldine đã trở thành người hạnh phúc nhất.

- Người hạnh phúc nhất xét trong tổng thể nào vậy? Trong số những người phụ nữ? Những kẻ điên? Những kẻ bệnh hoạn? Những nạn nhân?

- Cô đã hoàn toàn lạc đề mất rồi. Nhờ có tôi, cô ấy đã trở thành người hạnh phúc nhất trong số những đứa trẻ.

- Những đứa trẻ? Vào tuổi mười lăm ấy à?

- Đúng thế. Vào cái tuổi mà mấy đứa con gái trở nên xấu ma chê quỷ hờn, mụn nổi tứ tung, mông to bè ra, bốc mùi hôi thối, lông lá mọc đầy, ngực bắt đầu nhú lên, hông bành ra, tâm tính biến đổi, cáu bẳn, ngớ ngẩn – tóm lại một câu là trở thành đàn bà, vào cái tuổi tai hại này, thế nên Léopoldine là đứa trẻ xinh đẹp nhất, hạnh phúc nhất, mù chữ nhất thông thái nhất – cô ấy là đứa trẻ trẻ con nhất, và được như vậy là nhờ duy nhất có tôi. Nhờ có tôi, người mà tôi yêu đã tránh được nỗi đau khổ dai dẳng là trở thành một người đàn bà. Tôi thách cô tìm thấy một tình yêu nào đẹp hơn tình yêu đó.

- Ngài hoàn toàn chắc chắn là cô em họ của ngài không muốn trở thành đàn bà ư?

- Làm sao cô ấy có thể mong muốn một chuyện như vậy? Cô ấy quá thông minh để làm vậy.

- Tôi không yêu cầu ngài trả lời tôi bằng những sự phỏng đoán. Tôi hỏi ngài liệu cô ấy có tỏ ý đồng thuận với ngài hay là không, liệu cô ấy có nói với ngài, bằng lời lẽ rõ ràng: “Prétextat, em thà chết còn hơn là phải giã từ tuổi ấu thơ.”

- Cô ấy không cần phải nói rõ với tôi điều đó. Tất nhiên là thế rồi.

- Đúng như tôi vẫn nghĩ: cô ấy không bao giờ nói đồng ý với ngài.

- Tôi nhắc lại để cô hiểu rằng điều đó cũng chẳng ích gì. Tôi biết điều cô ấy mong muốn.

- Ngài biết rõ nhất điều mình muốn.

- Cô ấy và tôi mong muốn cùng một thứ.



- Tất nhiên.

- Cô đang cố ám chỉ điều gì vậy, cô nhóc? Có lẽ cô tin rằng cô hiểu rõ Léopoldine hơn tôi à?

- Càng trò chuyện với ngài tôi càng có lòng tin vào điều đó.

- Thà điếc còn hơn nghe thấy điều ấy. Tôi sẽ dạy cô điều này mà cô chắc chắn là chưa được biết, đồ đàn bà ạ: không một ai – cô hiểu chứ - không một ai biết rõ một người bằng chính kẻ đã giết người ấy.

- Được đấy. Ngài chuyển sang mục thú tội à?

- Sang mục thú tội ấy à? Đó không phải là lời thú tội bởi vì cô đã biết là tôi giết cô ấy rồi.

- Ngài hãy nghĩ rằng tôi vẫn còn một điều ngờ vực cuối cùng. Thật khó mà thuyết phục được bản thân tin rằng một nhân vật đoạt giải Nobel lại là một kẻ sát nhân.

- Sao kia? Cô không biết rằng những kẻ sát nhân là những người có nhiều cơ may nhận được giải Nobel nhất à? Hãy nhìn Kissinger, Gorbatchev...

- Đúng vậy, nhưng ngài, ngài đoạt giải Nobel văn chương kia mà.

- Chính là thế! Những người đoạt giải Nobel hòa bình thường là những kẻ sát nhân, nhưng những người đoạt giải Nobel văn chương lại luôn luôn là những kẻ sát nhân.

- Không có cách nào tranh luận nghiêm túc được với ngài.

- Tôi chưa bao giờ nghiêm túc hơn.

- Maeterlinck, Tagore, Pirandello, Mauriac, Hemingway, Pasternak, Kawabata, tất cả đều là sát nhân ư?

- Cô không biết điều ấy sao?

- Đúng thế.

- Tôi sẽ cho cô biết thêm một số chi tiết về chuyện đó.

- Xin được hỏi ngài lấy đâu ra nguồn thông tin này?

- Prétextat Tach không cần những nguồn thông tin. Những nguồn thông tin chỉ có ích đối với những kẻ khác thôi.

- Tôi hiểu rồi.

- Không, cô không hiểu gì cả. Cô lưu tâm đến quá khứ của tôi, cô đã sục sạo vào những tài liệu lưu trữ về tôi và cô ngạc nhiên khi gặp phải một vụ ám sát. Chính điều trái ngược mới là điều đáng ngạc nhiên. Giá như cô cũng chịu khó bỏ công sức lục lạo trong đám tài liệu lưu trữ về những kẻ đoạt giải Nobel này cũng với ngần ấy sự tỉ mỉ, chắc chắn cô đã khám phá được một lô một lốc những vụ ám sát. Nếu không, người ta đã chẳng bao giờ trao cho họ giải Nobel.

- Ngài lên án người phóng viên đến lần trước đã đảo ngược quan hệ nhân quả. Còn ngài, ngài không đảo ngược quan hệ nhân quả, ngài mở đầu khá nhưng rồi lại nhanh chóng kết thúc một cách đáng thất vọng.

- Tôi độ lượng báo để cô biết rằng nếu cô đang thử đương đầu với tôi trong lĩnh vực logic thì cô không có cơ hội chiến thắng nào đâu.

- Căn cứ vào cái mà ngài gọi là logic thì tôi tin chắc vậy. Nhưng tôi không đến đây để cãi lý.

- Vậy thì cô đến đây làm gì?

- Để chắc chắn được rằng ngài là kẻ sát nhân. Cảm ơn vì đã loại trừ chút do dự cuối cùng nơi tôi: ngài đã sa chân vào cái bẫy tôi giăng ra.

Lão già mắc chứng béo phì bật một tràng cười gớm ghiếc.

- Cái bẫy cô giăng ra ấy à! Tuyệt thật! Cô nghĩ là cô có thể bịp tôi ư?

- Tôi có đầy đủ lý do để tin mình có khả năng làm điều đó bởi vì chính tôi đã làm được rồi.

- Cô ả ngốc nghếch tự phụ đáng thương. Nên nhớ cho rằng lòe bịp, đó là cưỡng đoạt. Thế mà cô đã không cưỡng đoạt được gì từ tôi bởi vì tôi đã tiết lộ cho cô biết sự thật ngay từ lúc mở màn cuộc chơi. Tại sao tôi lại phải giấu giếm chuyện tôi là một kẻ sát nhân? Tôi không có gì phải e ngại công lý cả, chưa đầy hai tháng nữa tôi sẽ chêt.

- Thế còn danh tiếng sau khi ngài thành ra người thiên cổ?

- Nó chỉ nhờ đó mà trở nên vĩ đại hơn thôi. Tôi đã hình dung ra mặt tiền của các nhà sách: “Prétextat Tach, nhà văn đoạt giải Nobel-kẻ giết người.” Những cuốn sách tôi viết ra sẽ bán chạy như tôm tươi. Chính những nhà xuất bản của tôi sẽ xoa tay hài lòng. Tin tôi đi, tội sát nhân này là một vụ áp phe tuyệt vời cho tất cả mọi người.

- Thậm chí cả với Léopoldine sao?

- Nhất là đối với Léopoldine.

- Chúng ta hãy quay trở về năm 1922 nhé.

- Tại sao không phải là năm 1925?

- Ngài hơi nhanh nhảu quá đấy. Không nên giản lược ba năm này đi đâu, đó là ba năm vô cùng quan trọng cơ mà.

- Đúng thật. Những năm ấy vô cùng quan trọng, vậy nên không thể kể lại được.

- Thế mà ngài đã kể ra rồi đó thôi.

- Không, tôi viết nó ra đấy chứ.

- Làm ơn đừng chơi trò chữ nghĩa nữa được không?

- Cô nói năng với một nhà văn như thế mà nghe được à?

- Tôi không nói với nhà văn, tôi đang nói với kẻ sát nhân.

- Cùng là một người.

- Ngài chắc chứ?

- Nhà văn, kẻ sát nhân: hai phương diện của cùng một nghề nghiệp, hai cách chia của cùng một động từ.

- Động từ nào vậy?

- Động từ hiếm gặp nhất và khó nhất: động từ yêu. Sách giáo khoa ngữ pháp vỡ lòng của chúng ta đã chọn làm thí dụ mẫu đúng cái động từ có nghĩa thuộc vào loại khó hiểu nhất, như thế không phải rất buồn cười sao? Nếu là giáo viên tiểu học, tôi sẽ thay cái động từ bí hiểm này bằng một động từ gần gũi dễ hiểu hơn.

- Động từ giết ấy à?

- Giết cũng không phải là động từ dễ đến thế đâu. Không, một động từ tục tĩu và tầm thường như biểu quyết, đẻ, phỏng vấn, làm việc…

- Ơn trời, ngài không phải giáo viên tiểu học. Ngài có biết rằng để moi được từ ngài một câu trả lời cho câu hỏi đặt ra là vô cùng khó không? Ngài rất có tài lẩn tránh, đổi chủ đề, khiến người khác phải phân tâm. Phải liên tục nhắc ngài vào khuôn khổ.

- Tôi thấy mừng vì nhận được lời khen này.

- Lần này thì ngài sẽ không thoát nữa đâu: giai đoạn 1922-1925, tôi nhường lời cho ngài đấy.

Yên lặng nặng nề.



- Cô có muốn một viên kẹo caramel không?

- Ngài Tach, tại sao ngài luôn dè chừng tôi vậy?

- Tôi không dè chừng cô. Hết sức thành thực mà nói, tôi không hiểu mình có thể nói gì với cô đây. Chúng tôi hoàn toàn hạnh phúc và chúng tôi yêu thương nhau chính là tuân theo ý trời. Tôi còn có thể kể gì với cô được nữa ngoài những điều ngớ ngẩn kiểu này?

- Tôi sẽ giúp ngài.

- Tôi trông chờ vào điều tệ nhất.

- Cách đây hai mươi tư năm, tiếp theo sự kiện ngài ngừng sáng tác, ngài đã bỏ lại một cuốn tiểu thuyết dở dang. Tại sao vậy?

- Tôi đã giải thích nguyên nhân với một trong những đồng nghiệp của cô. Tất cả những nhà văn muốn xứng với danh hiệu của mình đều có nhiệm vụ phải để lại ít nhất một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành, nếu không làm thế, nhà văn đó không đáng tin.

- Ngài biết nhiều nhà văn từ lúc sinh thời đã cho xuất bản những cuốn tiểu thuyết dở dang sao?

- Tôi không biết ai như thế cả. Dĩ nhiên là tôi láu cá hơn những kẻ khác: ngay từ lúc sinh thời tôi đã nhận những danh vọng mà hạng nhà văn tầm thường chỉ sau khi chết đi mới có được. Xuất phát từ một nhà văn có triển vọng, một cuốn tiểu thuyết dở dang được xem như là sự vụng về, như tuổi trẻ còn nông nổi bồng bột; nhưng từ một nhà văn vĩ đại mà danh tiếng đã được thừa nhận, một cuốn tiểu thuyết bỏ dở giữa chừng lại là tột đỉnh của sự khéo léo. Nó trông rất có vẻ “thiên tài giữa đường đứt gánh”, “cơn bồn chồn của người khổng lồ”, “nỗi thán phục trước điều khó diễn đạt”, “cách nhìn nhận theo kiểu Mallarmé về cuốn sách kế tiếp” – vắn tắt lại là nó làm lợi.

- Ngài Tach ạ, tôi cho là ngài đã không hiểu đúng câu hỏi của tôi. Tôi không hỏi tại sao ngài lại để lại một cuốn tiểu thuyết dở dang, mà tại sao ngài lại bỏ dở chính cuốn tiểu thuyết ấy.

- Thế nào nhỉ, đang viết nửa chừng, tôi chợt nhận ra rằng tôi chưa bao giờ thai nghén cuốn tiểu thuyết dở dang cần thiết cho danh tiếng của mình, tôi nhìn xuống tập bản thảo và tôi đã nghĩ: “Tại sao không phải cuốn này nhỉ?” Thế là tôi buông bút và không viết thêm vào đó một dòng nào nữa.

- Đừng mong tôi tin lời ngài.

- Tại sao lại không nhỉ?

- Ngài nói: “Tôi buông bút và không viết thêm vào đó một dòng nào nữa.” Trong khi lẽ ra ngài nên nói: “Tôi buông bút và không bao giờ viết thêm một dòng nào nữa.” Không phải rất lạ lùng sao, tiếp sau cuốn tiểu thuyết dở dang trứ danh này, ngài không bao giờ muốn viết nữa, chính ngài, người đã từng ngày nào cũng viết liên tục trong suốt ba mươi sáu năm?

- Một ngày nào đó hẳn tôi cũng nên ngừng viết chứ.

- Vâng, nhưng tại sao lại là ngày hôm đó?

- Đừng cố tìm cách gán ý nghĩa ngầm ẩn cho một hiện tượng tầm thường như tuổi già. Lúc ấy tôi đã năm mươi chín tuổi rồi, tôi quyết định rút lui. Còn chuyện gì có thể bình thường hơn thế?

- Chỉ hôm trước hôm sau mà đã không viết thêm một dòng nào nữa: tuổi già đổ ập xuống ngài chỉ trong một ngày như vậy sao?

- Tại sao lại không nhỉ? Không phải ngày nào người ta cũng già đi. Người ta có thể sống qua mười năm, hai mươi năm mà không hề già đi, thế rồi không một lý do cụ thể, để lộ hậu quả của hai mươi năm này chỉ trong vòng có hai tiếng đồng hồ. Rồi cô sẽ thấy, chuyện đó cũng sẽ xảy đến với cô. Một buổi tối, cô nhìn mình trong gương và cô sẽ nghĩ: “Chúa ơi, mình đã già thêm mười tuổi kể từ sáng ngày hôm nay!”

- Thật là không lý do cụ thể chứ?

- Không lý do nào khác ngoài việc thời gian đưa tất cả tới chỗ diệt vong.

- Thời gian phải gánh hết tội lỗi thì oan uổng quá, ngài Tach ạ. Ngài cũng giúp nó không ít đây chứ - thậm chí tôi sẽ nói ngài giúp nó bằng cả hai tay nữa kia.

- Bàn tay, trung tâm lạc thú của nhà văn.

- Đôi bàn tay, trung tâm lạc thú của kẻ bóp cổ.

- Quả nhiên, bóp cổ là một việc hết sức thú vị.

- Với người bóp cổ hay kẻ bị bóp cổ?

- Ôi chao, tôi mới chỉ biết có một trong hai việc.

- Đừng tuyệt vọng thế chứ.

- Ý cô muốn nói gì?

- Tôi không biết nữa. Ngài làm tôi phân tâm với những trò đánh lạc hướng của ngài. Hãy nói tôi biết về cuốn sách đó đi, ngài Tach.

- Không có chuyện ấy đâu, thưa quý cô, đó là việc chính cô phải làm thì có.

- Xét trong tất cả những gì ngài đã viết, đó là cuốn tôi thích nhất.

- Tại sao thế? Bởi vì có một tòa lâu đài, những nhà quý tộc và một câu chuyện tình sao? Cô đúng là đồ đàn bà.

- Tôi thích những câu chuyện tình, quả đúng vậy. Tôi vẫn thường nghĩ rằng ngoài tình yêu ra chẳng còn gì là thú vị hết.

- Trời đất.

- Cứ việc mỉa mai nếu thích, ngài không thể chối rằng chính ngài đã viết cuốn sách đó và rằng đó là một câu chuyện tình.

- Cô nói vậy thì nó là như vậy.

- Vả lại đó là câu chuyện tình duy nhất ngài từng viết ra.

- Cô trông tôi đang yên tâm về chuyện ấy đây này.

- Tôi đặt lại câu hỏi cho ngài nhé, ngài thân mến: tại sao lại bỏ dở cuốn tiểu thuyết này?

- Trí tưởng tượng gặp trục trặc, có lẽ vậy.

- Trí tưởng tượng ấy à? Ngài đâu cần đến trí tưởng tượng để viết ra cuốn sách đó, ngài toàn kể những sự kiện có thật kia mà.

- Cô thì biết gì về chuyện ấy? Cô đâu có ở đó để xác minh.

- Ngài đã giết Léopoldine, đúng không nào?

- Đúng vậy, nhưng điều đó không chứng minh được rằng phần còn lại là thật. Phần còn lại là văn chương, thưa quý cô.

- Sao kia, tôi thì tôi tin là trong cuốn sách này mọi sự kiện được mô tả đều có thật.

- Nếu chuyện đó làm cô thấy hài lòng.

- Vượt lên trên sự vui thích, tôi có những lý do chính đáng để nghĩ rằng cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn mang tính chất tự truyện.

- Những lý do chính đáng hả? Hãy cắt nghĩa cho tôi những lý do đó nào, để chúng ta có thể vui cười một chút.

- Những tài liệu lưu trữ đã xác nhận tòa lâu đài chính xác theo mô tả trong những trang viết của ngài. Các nhân vật cũng mang họ như ngoài đời, tất nhiên là chỉ trừ có ngài, nhưng Philémon Tractatus là một cái tên giả dễ nhận biết – chỉ cần dựa vào những chữ cái đầu là đủ. Cuối cùng, những cuốn sổ lưu bạ chứng thực cho cái chết của Léopoldine vào năm 1925.

- Tài liệu lưu trữ, sổ lưu bạ: đó là cái mà cô gọi là thực tế ư?

- Không, nhưng nếu ngài đã tôn trọng sự thực chính thức này, tôi có thể rất có lý khi suy luận rằng ngài cũng đã tôn trọng những sự thực còn sâu kín hơn.

- Luận chứng thiếu thuyết phục.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hồi Ức Kẻ Sát Nhân

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook