Hồi Ức Kẻ Sát Nhân

Chương 2

Amelie Nothomb

07/11/2016

- Tôi không đời nào tin là ngài chịu đựng vẻ bề ngoài của mình.

- Tôi đâu có chịu đựng nó. Sự chịu đựng dành cho kẻ khác, cho những ai nhìn thấy tôi kia. Còn tôi thì không tự nhìn mình. Tôi không bao giờ soi gương. Tôi sẽ đau khổ nếu chọn một cuộcsống khác; còn đối với cuộc sống tôi đang có, cơ thể này là phù hợp.

- Ngài đã muốn chọn một cuộc sống khác sao?

- Tôi không biết. Tôi vẫn nghĩ mọi cuộc đời đều có giá trị ngang nhau. Có một điều chắc chắn, đó là tôi đã không hề hối tiếc. Nếu trở lại tuổi mười tám và vẫn mang vẻ bề ngoài này, tôi sẽ làm lại từ đầu, tôi sẽ tái hiện chính xác những gì mình đã trải nghiệm -trong chừng mực mà tôi đã trải nghiệm.

- Viết văn, đó không phải là sống sao?

- Thật bất tiện cho tôi nếu phải trả lời câu hỏi này. Tôi chưa từng biết đến cái gì khác.

- Hai mươi hai tiểu thuyết của ngài đã được ra mắt công chúng và theo những gì ngài vừa nói thì đây vẫn chưa phải con số cuối cùng. Trong số đông đảo các nhân vật làm nên sự nghiệp đồ sộấy của ngài, liệu có nhân vật nào đặc biệt giống ngài không?

- Không có ai cả.

- Thật chứ? Xin thú thật, tôi thấy trong những nhân vật ấy có một người giống hệt ngài.

- Chà.

- Đúng thế đấy, tay bán sáp ong hành tung bí hiểm trong Đóng đinh câu rút không đau.

- Nhân vật đó ấy à? Ý tưởng này mới thật vô lý làm sao.

- Tôi sẽ nói ngài biết lý do: trong lời thoại dành cho nhân vật này, ngàiluôn viết "đóng đinh câu rút".

- Thế thì sao?

- Thì anh ta không dễ bị lừa chứ sao. Anh ta biết rằng đó là chuyện hư cấu.

- Độc giả cũng biết điều đó. Thế nên nhân vật ấy không giống tôi.

- Thế còn thói gàn khiến anh ta đúc ra những cái khuôn sáp ong mang nét mặt kẻ chịu khổ hình đóng đinh câu rút - đó chính là ngài, không phải thế sao?

- Tôi không bao giờ đúc khuôn những kẻ bị đóng đinh câu rút, tôi cam đoan với cậu.

- Dĩ nhiên, nhưng đó là phép ẩn dụ cho việc ngài đang tiến hành.

- Anh bạn trẻ, cậu thì biết gì về phép ẩn dụ nào?

- Nhưng... cái mà mọi người ai nấy đều biết.

- Câu trả lời xuất sắc. Mọi người chẳng biết gì về phép ẩn dụ hết. Đó là một từ ăn khách, bởi vì nó mang vẻ đĩnh đạc. "Ẩn dụ": kẻ dốt nát đến tột bậc cũng nhận thấy từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Một sự lịch thiệp quá mức,những từ nguyên giả mạo - giả mạo, thực vậy: khi biết tính chất đa nghĩa kinh khủng của giới từ meta và những tính khách quan chủ thể của động từ phero, trong thực tâm người ta hẳn phải kết luận rằng từ"ẩn dụ" nhất thiết tống đạt bất cứ thứ gì. Ngoài ra, khi nghe đến cách dùng thông dụng, người ta cũng đi đến các kết luận tương tự.

-Ý ngài là gì?

- Là điều mà tôi đã nói, hết sức nghiêm túc. Tôi thì không phát biểu ý kiến của cá nhân mình thông qua các ẩn dụ.

- Thế còn những cái khuôn sáp ong?

- Những cái khuôn sáp ong là những cái khuôn sáp ong, anh bạn.

- Đến lượt tôi thất vọng đó, thưa ngài Tach, bởi lẽ nếu loại trừ hoàn toàn diễn đạt ẩn dụ thì những tác phẩm của ngài chỉ còn là một thứ vô vị.

- Bản thân sự vô vị cũng có kiểu này kiểu khác: có kiểu vô vị lành mạnh và mang tính phục hưng ở chỗ nó tạo ra những điều xấu xa tục tằn cho những mục đích tốt đẹp, thanh lọc, linh hoạt và cương quyết như một trận nôn được kiểm soát tốt; và rồi có sự vô vị kiểu khác, sặc mùi đạo đức giả, vì bị che lấp sau trận nôn hay hớm kia nên cần một bộ đồ không thấm nước để tự khai thông một lối đi. Tay thợ lặn này, chính là phép ẩn dụ, cho phép kẻ sử dụng nó nhẹ nhõm mà thốt lên:"Mình đã xuyên thấu Tach mà không hề vấy bẩn!"

- Nhưng ngay cả điều này cũng là một ẩn dụ kia mà.

- Dĩ nhiên: tôi đang cố gắng phá vỡ phép ẩn dụ với những vũ khí riêng của nó. Nếu muốn chơi trò Chúa cứu thế,nếu phải kích động đám đông, tôi hẳn đã hét lên: "Này các lính mới, hãy tập hợp tại phòng nguyện của ta; hãy cùng ẩn dụ hòa những ẩn dụ, hãy gom những ẩn dụ lại, đánh bông chúng lên, hãy biến chúng thành một bong bóng khí và làm cho bong bóng khí này phình tướng lên, phình một cách tuyệt hảo, phình đến cực độ - và cuối cùng, nó nổ tung, lính mới ạ, nó rớt xuống, xịt dần và khiến những thựckhách thất vọng trong niềm vui khôn tả của chúng ta!"

- Một nhà văn căm ghét những phépẩn dụ, điều ấy cũng vô lý như một chủ nhà băng căm ghét tiền vậy.

- Tôi chắc chắn rằng những chủ nhà băng lớn đều ghét tiền. Chuyện này chẳng có gì là vô lý cả, trái lại thì có.

- Ấy thế mà ngài lại thích ngôn từ ư?

- Ồ, tôi tôn thờ ngôn từ, nhưng chuyện đó thì có gì liên quan. Ngôn từ, đó là những chất liệu đẹp, những nguyên liệu thiêng liêng.

- Vậy thì ẩn dụ chính là nghệ thuật chế biến món ăn - và ngài thích nghệ thuật chế biến món ăn.

- Không đâu, anh bạn, ẩn dụ không phải là nghệ thuật nấu nướng - nghệ thuật nấu nướng chính là cú pháp. Ẩn dụ, đólà sự giả dối; cũng tương tự như việc cắn một quả cà chua rồi cả quyết rằng quảcà chua ấy có vị mật ong, tiếp đó, nếm mật ong và nói chắc như đinh đóng cột rằng mật ong ấy có vị gừng, rồi nhai rau ráu củ gừng và khẳng định rằng gừng ấy có vị của cây thổ phục linh, sau rồi…

- Vâng, tôi hiểu rồi, nói thêm cũng chả ích gì nữa.

- Không, cậu đâu có hiểu: để nói cho cậu hiểu được một phép ẩn dụ thực sự là thế nào, tôi phải tiếp tục trò chơi nhỏ này hàng tiếng đồng hồ, bởi vì những kẻ sử dụng ẩn dụ, chính chúng, cũng không bao giờ ngừng lại, chúng cứ tiếp tục như thế mãi chừng nào vị cứu tinh chưa dần cho chúng một trận.

- Tôi đoán chừng vị cứu tinh ấy chính là ngài?

- Không. Trước giờ tôi luôn có xu hướng hơi quá nhu nhược và tử tế.

- Tử tế, ngài ấy à?

- Tử tế kinh khủng ấy chứ. Tôi chưa từng thấy ai tử tế như tôi. Lòng tử tế ấy kinh khủng bởi vì tôi chưa bao giờ tử tế vì bản thân điều đó, mà vì chán nản và nhất là vì sợ sẽ phải phẫn nộ. Tôi rất dễ bị phẫn nộ và không dễ chịu đựng nó, vậy nên tôi tránh nó như tránh dịch hạch.

- Ngài xem thường sự tử tế chăng?

- Cậu chẳng hiểu gì điều tôi đang nói cả. Tôi ngưỡng mộ sự tử tế bắt nguồn từ lòng tử tế hoặc tình yêu. Nhưng mấy ai có được sự tử tế đó nào? Trong phần lớn các trường hợp, khi con người tỏ ra tử tế, hành động đó nhằm để được yên thân.

- Cứ cho là thế đi. Điều ấy vẫn chưa giải thích được tại sao người bán khuôn sáp ong lại đúc ra những khuôn sáp mang hình nạn nhân bị đóng đinh câu rút.

- Tại sao lại không nhỉ? Làm gì có nghề nào ngu ngốc. Cậu đang là nhà báo đấy thôi. Tôi có nên hỏi tại sao cậu lại làm nghề đó không?

- Ngài có thể hỏi chứ. Tôi là nhà báo bởi vì có một nhu cầu, bởi vì mọi người quan tâm đến những bài báo tôi viết ra, bởi vì người ta bỏ tiền ra để mua và đọc chúng, bởi vì điều đó cho phép tôi chia sẻ một thông tin.



- Nếu ở vào vị trí của cậu, tôi sẽ không huênh hoang về chuyện đó.

- Thời nào, ngài Tach, người ta cũng phải sống chứ!

- Cậu thấy thế sao?

- Đó là điều ngài đang làm, phải không nào?

- Điều đó còn cần phải chứng minh.

- Dù sao đi nữa thì đó cũng là điều nhân vật người bán khuôn sáp ong của ngài đang làm.

- Cậu vẫn cứ khăng khăng bám vào người bán khuôn sáp ong tử tế đó à. Tại sao anh ta lại tạo ra những cái khuôn sáp ong có hình Chúa ư? Vì những lý do màtôi đoán là hoàn toàn trái ngược với những lý do của cậu: bởi vì không có nhucầu về mặt hàng đó, bởi vì nó không khiến mọi người quan tâm, bởi vì người takhông trả tiền cho anh ta để mua chúng, bởi vì điều đó không cho phép anh tachia sẻ thông tin nào cả.

- Vậy thì là một sự diễn đạt về cái phi lý chăng?

- Không phi lý hơn chuyện cậu đang làm đâu, nếu cậu muốn biết ý kiến riêngcủa tôi - nhưng cậu muốn biết nó đấy chứ?

- Tất nhiên, tôi là nhà báo mà.

- Chính thế.

- Vì đâu lại có thái độ khiêu khích này nhằm vào các nhà báo?

- Không phải nhằm vào các nhà báo mà là nhằm vào cậu.

- Tôi đã làm gì mà đáng phải chịu như vậy?

- Thật là quá lắm. Cậu không ngừng lăng nhục tôi, không ngừng đối xử với tôi như một kẻ sử dụng phép ẩn dụ, cho là tôi vô vị, nói rằng tôi không đến nỗi"quá" xấu, quấy rầy người bán khuôn sáp ong và, tệ hơn cả, là dám khoe rằng đã hiểu được tôi.

- Nhưng… tôi phải nói gì khác cơ chứ?

- Đấy là nghề của cậu, không phải của tôi. Một khi đã đần độn như cậu,người ta sẽ không đến quấy rầy Prétextat Tach.

- Ngài đã cho phép tôi đến gặp ngài đấy chứ.

- Chắc chắn là không. Lại vẫn là tay Gravelin đần độn không có lấy một chút khả năng suy xét.

- Ban đầu, ngài nói đó là một người tốt bụng.

- Chuyện ấy không loại trừ sự ngu đần.

- Thôi nào, ngài Tach, đừng tỏ ra khó chịu hơn bản chất vốn có của ngài.

- Đồ thô bỉ! Cút ngay!

- Nhưng… cuộc phỏng vấn chỉ vừa mới bắt đầu.

- Nó chỉ kéo dài quá lâu rồi, đồ mất dạy! Biến đi! Và nói với các đồngnghiệp của người là các người có bổn phận phải tôn trọng Prétextat Tach!

Tay phóng viên tiu nghỉu lỉnh mất.

Đám đồng nghiệp của gã đang tụ tập ở quán cà phê phía đối diện và không ngờlại thấy gã đi ra sớm đến thế; họ vẫy tay ra hiệu cho gã. Kẻ bất hạnh, mặt táixanh, đi đến ngã vật xuống giữa họ.

Sau khi gọi một suất gộp ba rượu porto flip của Bồ Đào Nha, gã đã có đủ sức để thuật lại cho các đồng nghiệp nghe vận rủi của mình. Vì sợ hãi, người gã toát ra một mùi kinh khủng, hẳn là mùi của Jonas (1) bốc lên sau thời gian bị giam trong bụng cá. Những người hỏi chuyện gã lấy làm khó chịu vì cái mùi đó. Gã có nhận ra mùi hấp hơi ấy không? Chính gã cũng nhắc đến Jonas:

- Cái bụng cá voi đó! Tớ cam đoan với các cậu, tất cả là ở đó mà ra! Cản hmờ mịt tối tăm, sự xấu xa, nỗi sợ hãi, chứng sợ chỗ kín…

- Mùi hôi thối? một đồng nghiệp đánh bạo hỏi.

- Đó là điều duy nhất còn thiếu. Nhưng lão ta! Lão ta! Một thứ nội tạng đích thực! Trơn nhẫy như một lá gan, căng phồng lên như dạ dày, lão ta đích thị phải thế! Phản trắc như một lá lách, đắng ngắt như túi mật! Chỉ riêng cái nhìn của lão thôi cũng đủ khiến tớ cảm thấy lão đang ăn tươi nuốt sống tớ rồi, rằng lão nghiền nhuyễn tớ trong sự chuyển hóa tổng thể của lão!

- Thôi nào, cậu cứ nói quá lên thế!

- Trái lại thì có, tớ sẽ không bao giờ tìm ra cách diễn đạt đủ chính xác.Giá mà các cậu được chứng kiến cơn giận dữ cuối cùng của lão! Đời tớ chưa bao giờ nhìn thấy một cơn giận dữ nào kinh khủng đến thế: vừa bất thình lình vừa hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Nếu ở vào vị trí của cái đống thịt to thùi lùi đó, tớ hẳn sẽ có những nốt ban đỏ, những chỗ phồng rộp, những cơn khó thở,những lần đổ mồ hôi hằn học. Vậy mà không hề, độ chớp nhoáng của cơn giận này chỉ có thể so với lúc nó nguội đi. Cái giọng lão dùng để ra lệnh cho tớ ra ngoài! Theo như tớ hình dung, các hoàng đế Trung Hoa cũng dùng cái giọng này khi ra lệnh xử trảm ngay lập tức một kẻ tôi đòi nào đó.

- Dù thế nào đi nữa, ông ta cũng cho cậu cơ hội làm người hùng.

- Các cậu nghĩ vậy à? Tớ chưa bao giờ thấy mình thảm hại đến thế.

Gã uống cạn ly rượu rồi bật khóc nức nở.

- Thôi nào, đây đâu phải lần đầu tiên người ta coi nhà báo như một lũ ngốc.

- Ôi, người ta đã tống cổ tớ trong hoàn cảnh còn tệ hơn thế. Nhưng trong trường hợp này - cái cách mà lão ta nói điều ấy, cái gương mặt trơn láng và lạnh lẽo khinh miệt ấy vô cùng thuyết phục!

- Cậu cho phép bọn tớ nghe băng ghi âm chứ?

Trong bầu không khí yên lặng trang nghiêm, chiếc máy ghi âm phơi bày sự thật, dĩ nhiên là chỉ phần nào, bởi lẽ sự thật đó đã bị lược bỏ mất nét mặt điềm tĩnh, vẻ bí hiểm, đôi bàn tay to bè đờ đẫn, sự bất động tuyệt đối, tất cả những yếu tố đã góp phần khiến cho gã nhà báo đáng thương bốc mùi vì sợ. Khi nghe xong, các vị đồng nghiệp ấy, từ loại hèn hạ cũng như loại đáng mặt làm người, không tiếc lời nhìn nhận rằng tiểu thuyết gia mới là người có lý, lấy làm khâm phục ông, và ai nấy đều đưa ra lời bình luận của mình, quở trách nạn nhân:

- Chà, anh bạn, cậu đã khiêu khích ông ta! Cậu bàn với ông ta về văn chương như một cuốn giáo khoa bậc phổ thông. Tớ có thể hiểu được phản ứng của ông ta.

- Hà cớ gì cậu lại muốn nhận dạng nhà văn qua một trong những nhân vật củaông ta kia chứ? Thật ấu trĩ.

- Lại còn những câu hỏi khai thác tiểu sử nữa chứ, chuyện đó chẳng còn thu hút được ai cả. Cậu chưa đọc Proust sao, cuốn Chống lại Sainte- Beuve ấy?

- Tầm bậy, ai lại đi nói rằng cậu đã quen phỏng vấn các nhà văn kia chứ!

- Khiếm nhã, nói với ông ta rằng ông ta không quá xấu! Cái cậu cần là một chút phép lịch sự, anh bạn đáng thương ạ!

- Rồi lại còn phép ẩn dụ! Trong trường hợp này, rõ ràng ông ta có lý hơn cậu. Tớ không định làm cậu đau lòng, nhưng cũng đáng đời cậu lắm.

- Thực lòng mà nói, ai lại bàn về điều phi lý với một thiên tài như Tach!Luận điệu mới sáo mòn làm sao!



- Dù thế nào đi nữa, cuộc phỏng vấn thất bại của cậu cũng đưa đến một kết luận không thể chối cãi: con người kỳ dị này thật tuyệt vời! Một bậc đại trí!

- Tài hùng biện sắc sảo!

- Lão già mập này thật tinh tế!

- Một sự súc tích hiếm thấy trong những lời cay nghiệt!

- Ít ra thì các cậu cũng thừa nhận là lão ta độc ác chứ? Kẻ bất hạnh kêu lên, khăng khăng bám vào lý lẽ này như người ta bấu víu vào phương sách cuối cùng trong cơn nguy khốn.

- Nếu cậu muốn biết ý kiến của tớ thì chưa chắc.

- Thậm chí tớ còn thấy ông ta nhân từ với cậu đấy chứ.

- Và kỳ cục. Lúc cậu tỏ ra - thứ lỗi cho tớ nhé - ngớ ngẩn khi nói với ông ta rằng cậu hiểu ông ta, lẽ ra ông ta đã có thể, hoàn toàn chính đáng, văng vào mặt cậu một lời rủa thật chua cay. Nhưng ông ta lại chỉ đáp trả bằng sự hóm hỉnh và trình độ diễn giải thông tuệ mà thậm chí cậu dường như cũng chẳng có khả năng hiểu nổi.

- Margaritas an te porcostt (2)

Đó là những lời chỉ trích trước thất bại của kẻ khác. Nạn nhân gọi thêm một ly gộp ba rượu porto flip.

Prétextat Tach thì lại ưa alexandra (3). Ông uống ít nhưng một khi đã muốn uống thứ gì đó, lựa chọn của ông luôn là món cocktail này. Ông nhất quyết phải tự tay pha chế, bởi lẽ ông không tin tưởng vào tỷ lệ của những người khác. Lão già mập cố chấp này có thói quen nhắc đi nhắc lại, khoái trá khi được càu nhàu, một cách ngôn tự mình nghĩ ra: "Ta có thể ước lượng dã tâm của một cá nhân dựa vào cách người này định liều lượng một ly alexandra."

Nếu áp dụng tiên đề này với bản thân Tach, người ta buộc phải kết luận rằng ông là hiện thân của thiện tâm. Một ngụm duy nhất món alexandra do tự tay Tachpha chế cũng đủ để hạ gục người giành giải thưởng trong cuộc thi hút lòng đỏ trứng sống hay sữa đặc có đường. Tiểu thuyết gia lại tu ừng ực hàng cốc đại thứ đồ uống đó mà không hề nhăn mặt. Trước thái độ kinh ngạc đầy thán phục của Gravelin, ông đã nói: "Tôi là Mithridate (4) về alexandra."

- Nhưng đó đâu còn là alexandra? Ernest cãi lại.

-

Đó là tinh hoa của alexandra, mà lũ vô lại sẽ không bao giờ biết được gì ngoài những sự pha loãng làm mất hết chất bổ dưỡng.

Đối với những châm ngôn trang trọng như thế thì chẳng còn gì để nói thêm.

- Ngài Tach, trước hết, tôi xin được chuyển tới ngài lời tạ lỗi của toàn thể báo giới về chuyện đã xảy ra ngày hôm qua.

- Hôm qua xảy ra chuyện gì ấy nhỉ?

- Cái gã phóng viên làm ô danh chúng tôi vì đã quấy rầy ngài ấy mà.

- Ra thế, tôi nhớ rồi. Một anh chàng đáng yêu. Bao giờ tôi được gặp lại cậu ta?

- Không bao giờ nữa, xin ngài cứ yên tâm. Nếu điều này có thể làm ngài vui lòng, hôm nay anh ta đã ốm liệt giường.

- Chàng trai tội nghiệp! Cậu ta gặp phải chuyện gì vậy?

- Uống quá nhiều rượu porto flip.

- Trước giờ tôi vẫn biết porto flip là một món cứt sắt. Nếu sớm biết cậu ta có sở thích đối với những thức uống có cồn, tôi đã pha cho cậu ta một ly alexandra ngon tuyệt: không món đồ uống nào lại tốt cho chuyển hóa đến thế. Anh bạn trẻ, cậu có muốn một ly không?

- Không bao giờ trong lúc tác nghiệp, cám ơn.

Phóng viên không nhận thấy ánh nhìn ngờ vực dữ dội mà anh ta phải nhận do lời từ chối này.

- Thưa ngài Tach, không nên để bụng giận anh bạn đồng nghiệp hôm qua của chúng tôi. Phải thừa nhận rằng, rất hiếm những phóng viên được đào tạo để gặp gỡ những nhân vật như ngài...

- Chỉ còn thiếu mỗi nước này nữa thôi! Đào tạo những kẻ trung hậu để gặp tôi! Một môn học sẽ mang tên "Nghệ thuật tiếp chuyện thiên tài"! Thật tởm!

- Chứ lại không à? Từ chuyện này tôi có thể suy ra rằng ngài không giận anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi. Xin cảm tạ lòng khoan dung của ngài.

- Cậu đến đây để nói với tôi về anh bạn đồng nghiệp của mình hay về tôi thế?

- Tất nhiên là về ngài, đó chỉ là lời mào đầu.

- Tiếc quá. Thực thế, viễn cảnh này đè nặng lên tôi đến mức tôi cần một lyalexandra. Xin đợi cho một lát - là lỗi của cậu đấy, chung quy, cậu chỉ cần không nhắc đến alexandra với tôi là xong, đằng này cậu lại làm tôi phát thèm món đồ uống đó với những câu chuyện của cậu.

- Nhưng tôi đâu có nhắc đến alexandra!

- Đừng có ác ý thế chứ, anh bạn trẻ. Tôi không chịu được dã tâm đâu. Cậuvẫn không muốn thử món đồ uống của tôi sao?

Anh ta không hay biết rằng Tach đang cho mình một cơ may cuối cùng, và anh ta đã bỏ qua. Nhún đôi vai to bè, tiểu thuyết gia điều khiển chiếc xe lăn về phía một đồ vật có dạng sọt, mở nắp, lật lớp vải đậy các chai rượu, những thứ đồ hộp và những cốc có nắp.

- Đó là món bia thuộc dòng Mérové (5), lão già giải thích, mà tôi đã xếp ở quầy bar.

--- ------ ------ ------ -------

1

Theo Kinh Thánh, Jonas được Chúa cử đến Ninive, một thành phố đồi bại. Nhưng vì sợ người dân thành phố này, Jonas đã rẽ sang Jaffa để lên tàu trốn sang Tarsis. Trong cuộc hành trình, tàu của Jonas phải đối mặt với bão tố giận dữ của Chúa trời và mọi người trên tàu buộc phải rút thăm xem ai là người chịu trách nhiệm về cơn cuồng nộ này. Số phận chỉ định Jonas, anh ta bị ném xuống biển, bị một con cá voi khổng lồ nuốt chửng và sau ba ngày ba đêm mới được nó nhả ra.

2

Tiếng Latin: Đừng đặt ngọc vào tay kẻ phàm phu.

3

Đồ uống cocktail làm từ sữa sôcôla pha với rượu.

4

Chỉ vua Mithridate VI (132- 63 trước Công nguyên), người đã miễn dịch thành công với các thể loại chất độc của thời kỳ đó bằng cách tập uống những liều thuốc độc nhỏ.

5

Tên một dòng vua ở Pháp.[/size]

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
Linh Vũ Thiên Hạ
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Hồi Ức Kẻ Sát Nhân

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook