Kiếm Mộng Thành Nam

Chương 13: Trong sơn cốc được truyền bí lục

Thiện Ngộ

30/04/2019

---

Rốt cục Bạch Liên Giáo và Y Tâm Giáo ẩn chứa bí mật kinh hồn gì?

---

Lữ Toàn Long nhìn Nguyễn Đăng Bảo nói:

- Tiểu đệ, Tích Kiếm Trang chúng ta nổi danh bởi kiếm pháp. Bản lĩnh ta không bằng lão đại nhưng số cao thủ trên đời có thể luận kiếm với ta cũng không vượt quá năm đầu ngón tay.

Lữ Toàn Long ngồi xếp bằng, dựa vào vách đá nói tiếp:

- Tuy nhiên, Tích Kiếm Trang chúng ta mấy đời nay chú trọng kiếm thuật quá nhiều, nội công không phát triển tương xứng.

Nguyễn Đăng Bảo kinh ngạc:

- Ra vậy! Nhưng tiểu đệ có một thắc mắc, không biết huynh có thể giải đáp được không?

Lữ Toàn Long gật đầu. Nguyễn Đăng Bảo nói tiếp:

- Theo tiểu đệ thấy ngoài kiếm thuật thì công phu của Lữ trang chủ rất cao siêu.

Lữ Toàn Long:

- Võ công của đại ca ta tất nhiên là cao siêu. Mấy năm nay kiếm pháp của huynh ấy tiến bộ rất nhiều. Đối với võ học thông thường cố nhiên là tốt. Nhưng Huyết Vỹ Kiếm Pháp nhà chúng ta vốn nằm ở chữ nhanh, lộ kiếm chiêu phát triển càng nhanh thì nội lực phải tăng tiến một mức độ tương ứng để hỗ trợ. Nếu gặp phải cao thủ chính tông thì khuyết điểm sẽ bị nắm bắt ngay.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Nội lực theo thời gian có thể tăng tiến được. Hơn nữa trên giang hồ hiện nay thì ngay đến Hắc Phiêu cũng chưa chắc thắng được lão trang chủ.

Lữ Toàn Long:

- Phải rồi. Gia khuynh cấp tốc kêu ta về cũng vì chuyện này. Võ công của Hắc Phiêu tuy ghê gớm nhưng không chắc có thể thắng gia huynh. Người người mà lão đại sợ lại là một kẻ khác.

Nguyễn Đăng Bảo nghĩ tới lời nói của hai người áo đen thần bí, liền hỏi:

- Ý huynh…là giáo chủ Y Tâm Giáo?

Lữ Toàn Long chậm rãi gật đầu.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Nhưng tới giờ vẫn chưa biết được chân tướng của hắn?

Lữ Toàn Long hơi thở chậm rãi:

- Ta đã giao thủ với hắn!

Nguyễn Đăng Bảo kinh ngạc:

- Huynh chính là bị hắn đả thương? Hắn xưng danh giáo chủ Y Tâm Giáo?

Lữ Toàn Long lắc đầu:

- Tuy hắn không xưng danh, nhưng ta chắc chắn chính là hắn.

Nguyễn Đăng Bảo sốt ruột:

- Là ai?

Lữ Toàn Long chậm rãi từng tiếng:

- Huỳnh Công Lý.

Nguyễn Đăng Bảo như không tin nổi vào tai của mình. Không phải Huỳnh Công Lý chính là Phó tổng trấn thành Gia Định sao? Lẽ nào lại là Y Tâm giáo chủ?

Lữ Toàn Long:

- Ta biết đây là một việc khó tin nhưng đường lối võ công của Huỳnh Công Lý rất giống với căn bản võ thuật của gia huynh. Tuy nhiên, trình độ còn cao hơn gấp bội.

Nguyễn Đăng Bảo cẩn thận lắng nghe.

Lữ Toàn Long nói tiếp:

- Để ta kể cho đệ nghe một câu chuyện.

“Trên giang hồ hơn trăm năm trước xuất hiện một giáo phái thần bí lấy tên Bạch Liên Giáo. Bạch Liên Giáo nghe nói do một vô danh tăng từ Thiên Trúc vượt qua Tây Vực, truyền vào Trung Hoa. Sau một thời gian phát triển thì bành trướng sang Đại Nam chúng ta. Tuy nhiên, mỗi nước lại phát triển thành một hệ phái khác nhau, mối liên hệ cũng dần dần phai nhạt.

Bạch Liên Giáo sùng bái Vô Sanh lão mẫu và Di Lặc Phật, giáo nghĩa được cải biến cho gần gũi với dân đen nên thu hút được rất nhiều tín đồ.

Trải qua mấy đời, lực lượng giáo phái ngày càng lớn mạnh, số tín đồ ở nước ta đã vượt quá con số mấy chục vạn.

Ban đầu Bạch Liên Giáo chỉ thuần là bang phái trên giang hồ nhưng khi số lượng tín đồ quá lớn thì những người lãnh đạo trở nên ham mê quyền lực. Ngươi có biết con số mấy chục vạn lớn cỡ nào không? Chỉ cần lựa ra mười vạn tráng đinh, chăm chút luyện tập binh pháp. Hơn nữa nước Đại Nam ta từ khi Trịnh – Nguyễn phân tranh, giặc Tây Sơn thừa cơ nổi lên làm loạn, khiến quốc lực càng thêm suy yếu. Sau khi tiên đế Gia Long khởi binh từ đất Gia Định này, đất nước lại thêm một lần chia cắt, giặc cướp thừa cơ nổi lên chiếm núi xưng vương, dân tình thêm phần đồ thán. Đây chính là cơ hội để giáo phái dựng cờ khởi nghĩa. Chỉ cần cắt mấy vạn tinh binh bố phòng những nơi hiểm yếu thì chuyện xưng vương xưng bá cũng không phải là quá khó.

Việc phản nghịch này vốn do một vị phó giáo chủ tên A Lạp Bá Vương đề xuất. Sau đó trở thành một đề tài bàn tán sôi nổi trong giáo phái. Phe chủ chiến do vị phó giáo chủ ấy cầm đầu, phe còn lại do tứ đại hộ pháp Phong, Vũ, Lôi, Điện đứng đầu. Bạch Liên giáo chủ vẫn trầm tĩnh quan sát sự tranh chấp trong nội bộ. Sau một thời gian tranh cãi, cuối cùng A Lạp Bá Vương cũng lôi kéo được Lôi hộ pháp về phe mình.

Tuy nhiên, cuối cùng giáo chủ lại ủng hộ phe chống đối, bác bỏ đề nghị của A Lạp Bá Vương.

Việc thương nghị này vốn là chuyện bí mật trong giáo phái, không có người ngoài biết. Không ngờ vào dịp cuối năm, đúng kỳ đại hội năm năm một lần của giáo phái, Gia Long đột nhiên phái ba vạn quân tới đánh úp.

Tuy tinh anh của giáo phái đều một thân tuyệt kỹ nhưng vẫn không cách nào dẫn giáo chúng thoát khỏi vòng vây của địa lôi và cung tên. Cuối cùng, các vị hộ pháp cùng đường chủ đành thoát thân để lại gần một vạn giáo đồ chết trong loạn trận.



Sau trận chiến ấy, Bạch Liên giáo chủ Diệp Thiên Ân đổ bệnh rồi qua đời. Phó giáo chủ A Lạp Bá Vương cũng mất tích suốt một thời gian dài.

Nhiều năm sau, lần lượt các đường chủ của giáo phái cũng chết trong ám muội, kẻ trúng độc, người bị tập kích. Võ Lâm Đệ Nhất Bảo cũng là một trong số đó.”

Nguyễn Đăng Bảo kinh ngạc:

- Huynh nói cha đệ cũng là một thành phần của Bạch Liên Giáo?

Lữ Toàn Long gật đầu:

- Cha đệ chính là Vũ hộ pháp của Bạch Liên Giáo.

Nguyễn Đăng Bảo đầu óc lúc này mới sáng tỏ phần nào. Chắc chắn thảm sát Võ Lâm Đệ Nhất Bảo năm xưa có liên quan đến câu chuyện Bạch Liên Giáo này.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Vậy vai trò của Huỳnh Công Lý là gì?

Lữ Toàn Long:

- Đây cũng chính là câu hỏi mà ta đã đi tìm suốt mười năm nay. Năm xưa, ta ly khai khỏi Tích Kiếm Trang, bề ngoài là vì chuyện tình ái, nhưng thật ra bên trong ta cũng ngầm thay đại ca ra ngoài điều tra về một tổ chức gọi là Y Tâm Giáo. Thật không ngờ người mà ta muốn tìm lại chính là hắn!

Nguyễn Đăng Bảo:

- Ý huynh là Huỳnh Công Lý?

Lữ Toàn Long trong tròng mắt hằn lên sắc máu:

- Chính hắn!

“Tiểu đệ, câu chuyện mà ta kể ra đây là một bí mật động trời của võ lâm mà ta đã phải tốn mười năm trời tâm huyết điều tra.

Kể từ sau cái chết của giáo chủ Diệp Thiên Ân, phó giáo chủ A Lạp Bá Vương cũng đột ngột mất tích. Giáo phái từ đó chịu sự đàn áp của triều đình, gặp nhiều tổn thất.

A Lạp Bá Vương là tên thường dùng của Huỳnh Công Lý. Cha của A Lạp Bá Vương vốn là một thương nhân giàu có ở một tiểu quốc thuộc bán đảo Ả Rập, theo đoàn tàu buôn đến Đại Nam buôn gia vị cho người Tây Dương. Ông lấy một phụ nữ Đại Nam rồi sinh ra hắn.

Đương thời, cha của A Lạp Bá Vương có mối quan hệ thân tình với một phú hào họ Huỳnh. Lúc Gia Long phục quốc, thuyền buôn của A Lạp Bá Vương bị nhầm tàu của giặc Tây Sơn, trúng đại bác rồi chìm. Khi ấy, A Lạp Bá Vương chỉ mới 10 tuổi.

Trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, tài sản nhiều dễ thành miếng mồi cho giặc cướp, mẹ góa con côi A Lạp Bá Vương bèn tới nương nhờ phú gia họ Huỳnh. Họ Huỳnh tuy giàu có nhưng đường con cái gặp trắc trở, người vợ cũng vừa mới mất. Sau khi hai bên bàn bạc, A Lạp phu nhân bèn tái giá cùng phú gia họ Huỳnh. Từ đó A Lạp Bá Vương cũng đổi sang họ Huỳnh, lấy tên Công Lý. Vợ chồng Huỳnh Công cũng không có thêm đứa con nào nữa nên Huỳnh Công Lý được cưng chiều hết sức.

A Lạp Bá Vương có năng khiếu võ thuật từ nhỏ. Huỳnh Công lại không tiếc tiền mời các sư gia, giáo đầu nổi tiếng khắp vùng Nam Hà để đào tạo hắn.

Chưa tới hai mươi tuổi, Huỳnh Công Lý đã theo phò Gia Long. Mới đầu chỉ là một chức võ quan nhỏ, nhưng nhờ biết quan hệ, lại tháo vát nhanh nhẹn nên nhanh chóng leo lên những vị trí cao hơn.

Đương lúc ấy, Bạch Liên Giáo hưng thịnh, Diệp Thiên Ân lại có dã tâm. Bạch Liên giáo chủ bèn tìm cách móc nối với người trong triều đình. Huỳnh Công Lý còn trẻ tuổi, văn võ đều giỏi, lại có chí cầu tiến, liền lọt vào mắt xanh của giáo chủ.

Sau khi đầu nhập giáo phái, Huỳnh Công Lý nhanh chóng trở thành tâm phúc của giáo chủ. Giáo chủ truyền một phần Duy Ngã huyền công cho hắn, cũng không tiếc tiền chi cho Huỳnh Công Lý mua chuộc hệ thống quan lại triều đình.

Huỳnh Công Lý lúc theo Gia Long phục quốc có công cứu giá nên khi Gia Long thiết lập triều đình, ổn định đất Nam Hà đã phong hắn tới tước Lý chính hầu, quyền uy rất lớn.

Võ công của Bạch Liên giáo chủ rất cao, dưới gầm trời này không có địch thủ. Nghe nói được đích thân Vô Sanh Lão Mẫu cùng Di Lặc Phật giáng phàm truyền dạy.

Các vị rường cột của giáo phái từ hàng đường chủ trở lên đều được giáo chủ chỉ điểm võ thuật, thậm chí còn truyền một phần huyền công. Trong đó, người được ưu ái nhất chính là Huỳnh Công Lý và Vũ hộ pháp Nguyễn Thái Sơn.

Bạch Liên giáo chủ vốn đã chọn Huỳnh Công Lý làm người kế thừa nên mới ban cho hắn chức phó giáo chủ. Hơn nữa từ khi được phong hầu, sức ảnh hưởng của Huỳnh Công Lý trong triều ngày càng lớn. Muốn hoàn thành đại nghiệp, giáo chủ không thể không ưu ái một cánh tay trong đắc lực như Huỳnh Công Lý.

Thế nhưng từ khi Huỳnh Công Lý được lòng Gia Long, mối quan hệ của hắn và giáo chủ cũng dần dà lạnh nhạt.

Có lẽ là do tính ngạo mạn của Huỳnh Công Lý. Giáo chủ cũng phát hiện ra sự thay đổi trên, bí mật điều tra, cuối cùng phát hiện hắn âm thầm kết bè kết cánh.

Đó cũng là dịp gần tới đại hội 5 năm của giáo phái. A Lạp Bá Vương bất ngờ đề xuất chuẩn khởi nghĩa.

Rất may, giáo chủ đã kịp phát hiện âm mưu của Huỳnh Công Lý bèn mật lệnh cho các vị đường chủ không ủng hộ. Tuy nhiên, quyền lực của A Lạp Bá Vương lúc này chỉ e đã vượt quá quyền kiểm soát của giáo chủ. Cuối cùng, hắn cũng lôi kéo thành công Lôi hộ pháp và mấy vị đường chủ về phe mình. Với áp đảo số phiếu đồng ý khởi nghĩa, giáo chủ cảm thấy quyền lực mình bị uy hiếp, bèn dùng quyền phủ quyết, lấy lý do lực lượng chuẩn bị chưa đủ, chờ thời cơ chín muồi hơn.

A Lạp Bá Vương lại không phải con cừu, hắn đã phát hiện ra mùi vị nguy hiểm. A Lạp Bá Vương lúc này quyền cao chức trọng trong triều, lại gặp phải sự nghi ngờ từ giáo chủ, nếu không sớm có quyết định, một khi sự việc lộ ra thì không tránh khỏi họa tru di cửu tộc.

Chính vì vậy, A Lạp Bá Vương một mặt định xúi giáo chủ nhanh chóng khởi nghĩa. Hắn sẽ xin Gia Long tự cầm binh đi dẹp loạn. Nếu quân khởi nghĩa chiếm ưu thế thì hắn sẽ hợp binh lật đổ lão hoàng đế cùng chia đôi thiên hạ. Nếu quân khởi nghĩa yếu thế thì hắn sẽ thừa cơ tiêu diệt lập công. Lúc ấy, quyền lực của hắn cũng không khác gì vương bá.

Hơn nữa, lực lượng trong giáo thần phục hắn khá nhiều, chỉ cần khống chế được đại cục thì từ từ sẽ thay người của mình vào. Lúc ấy xưng đế cũng được, chứ nói gì đến xưng vương.

Nhưng không ngờ kế hoạch đổ vỡ. Cuối cùng, A Lạp Bá Vương quyết chơi một canh bạc cuối cùng, âm thầm báo lên triều đình âm mưu phản nghịch của Bạch Liên Giáo.

Gia Long lúc này chưa đánh tan được Tây Sơn, quyền lực chỉ gói gọn trong đất Nam Hà nên quyết tiêu diệt bằng được Bạch Liên Giáo. Có sự cấu kết của hắn, Bạch Liên giáo mới bị ba vạn quân triều đình đánh úp, kết cục thảm hại thế nào ai cũng biết. Hắn đứng đằng sau ngư ông đắc lợi, thu thập lại lực lượng ủng hộ mình lập ra Y Tâm Giáo.

Tuy nhiên, hai vị hộ pháp Phong, Vũ cùng những vị đường chủ khác nghi ngờ hắn đứng đằng sau vụ việc. Hơn nữa còn cho rằng cái chết của giáo chủ có liên quan trực tiếp đến hắn.

Số giáo đồ Bạch Liên Giáo tập trung dưới trướng A Lạp Bá Vương ngày càng nhiều. Thấy đại thế không xong, hai vị hộ pháp Phong, Vũ bèn bàn bạc phương hướng khác. Lúc ấy, một số vị đường chủ chống đối cũng chết một cách bất minh. Đó chẳng qua là chiêu giết gà dọa khỉ!

Phong, Vũ cùng sáu vị đường chủ liền thương nghị, lệnh giáo chúng bỏ giáo về làm dân thường. Còn chính mình thì mai danh ẩn tích chờ ngày phục giáo.

Nguyễn Thái Sơn cha đệ chính là Vũ – một trong tứ đại hộ pháp, huynh trưởng ta là đường chủ một đường. Huynh chỉ biết đến đây, còn lại có lẽ cũng không khó để suy luận.”

Nguyễn Đăng Bảo:

- Vậy ra thảm án gia đình đệ là từ người mang tên A Lạp Bá Vương này?

Lữ Toàn Long gật đầu xác nhận. Ông nói đến đây thì đưa tay lận vào trong người, lôi ra một cuốn sách mỏng dính đầy máu.

Lữ Toàn Long nghiêm nghị nhìn Nguyễn Đăng Bảo:

- Tiên đế Gia Long vừa mất không lâu, nếu ta đoán không lầm thì Huỳnh Công Lý đã hết nhịn nổi, trong một sớm một chiều sẽ khởi binh tạo phản. Lúc ấy, không chỉ người trong giang hồ bị cuốn vào chết chóc mà hàng vạn bá tánh dân thường sẽ chìm trong bể khổ. Hắn âm mưu đoạt lấy binh quyền thành Gia Định rồi cùng mấy vạn giáo đồ Y Tâm Giáo khởi binh đánh thẳng về kinh đô.

Nguyễn Đăng Bảo giật mình:



- Nếu thế thì thật là đại họa cho thiên hạ. Nhưng chúng ta chỉ như bèo trên nước, có thể làm được gì chứ?

Lữ Toàn Long:

- Trong tay tiểu huynh là một cuốn bí lục mang tên Duy Ngã huyền công và bản đồ nơi cất giữ thánh vật truyền giáo của Bạch Liên Giáo: Tuyệt Long Cung. Mười ngày trước tại Nhất Sơn – tổng đàn cũ của Bạch Liên Giáo, ta được Pháp Châu hòa thượng tặng cho.

Nguyễn Đăng Bảo ồ lên kinh ngạc:

- Duy Ngã huyền công? Chẳng phải là môn võ công thượng thừa của Bạch Liên giáo chủ?

Lữ Toàn Long:

- Đúng vậy! Lúc ta tìm về núi Nhất Sơn thì gặp được một vị cao tăng tên Pháp Châu. Sau khi biết lai lịch ta, ông ấy bèn tặng ta cuốn Duy Ngã huyền công, dặn ta tìm người thiện lương mà trao truyền. Thật không ngờ một kỳ môn võ học ta lại có được dễ dàng như vậy.

Nguyễn Đăng Bảo trầm ngâm:

- Nghe nói Bạch Liên giáo chủ không truyền nó ra ngoài. Có khi nào bản trên tay huynh là giả?

Lữ Toàn Long lắc đầu:

- Ta có đọc qua, hai tầng cơ bản chính là võ công của gia huynh. Gia huynh và cha đệ vốn đều là những nhân vật quan trọng của Bạch Liên giáo, đều được cố giáo chủ truyền một phần võ công, nó chính là hai phần đầu trong bí lục này. Nhưng phần sau cùng ta không thể nào hiểu nổi. Dường như nó không có ý nghĩa gì cả.

Nguyễn Đăng Bảo:

- Vậy còn vị đại sư kia?

Lữ Toàn Long:

- Vị đại sư kia võ công không hề kém gia huynh, thân thế lại rất bí hiểm, tuy nhiên chắc chắn không phải kẻ thù.

Lữ Toàn Long nói tiếp:

- Tiểu huynh còn được mấy thành công lực, để ta tặng cho đệ. Đệ là dòng dõi của Vũ hộ pháp, có liên quan mật thiết đến Bạch Liên Giáo nên cuốn bí lục này ta giao lại cho đệ. Sau khi ta qua đời, đệ hãy chôn phu thê ta cùng một chỗ rồi hãy mang tin tức báo cho đại ca ta một tiếng, sau đó theo bản đồ tìm lấy cây Tuyệt Long Cung, đừng để nó rơi vào tay Huỳnh Công Lý. Như vậy tiểu huynh có thể an tâm nhắm mắt rồi.

Nguyễn Đăng Bảo kinh hãi xua tay:

- Không được!

Chàng biết với một người đang trọng thương như Lữ Toàn Long, nếu truyền hết chân lực cho người khác thì sẽ không còn kết cục nào khác ngoài vong mạng. Chàng không hề muốn điều đó chút nào.

Lữ Toàn Long nghiêm nghị:

- Đây là con đường cuối cùng. Ta đã đến lúc hồi quang phản chiếu, không sống được bao lâu. Trước khi từ giã cõi đời, ta muốn truyền chút lực tàn cho đệ. Hơn nữa, từ nay trọng trách nằm trong tay đệ, việc ngăn cản Y Tâm Giáo nếu không kịp thời thì thiên hạ sẽ chìm trong biển lửa. Cũng coi như là thỉnh cầu cuối cùng của ta!

Nhìn cặp mắt nghiêm nghị của Lữ Toàn Long, Nguyễn Đăng Bảo biết không thể làm gì khác.

Lữ Toàn Long ngồi xếp bằng, bày ra một tấm da dê chứa mười mấy mũi kim dài. Lữ Toàn Long hai tay rút kim đâm mạnh vào mấy đại huyệt trên người. Đây là một cách kích thích chân lực lực, cách này chỉ có thể dùng một lần.

Chưa đến một tuần trà, toàn thân Lữ Toàn Long nóng ran, một luồng đại lực lưu chuyển từ đan điền chạy hết một vòng tiểu chu thiên rồi theo đôi bàn tay truyền qua người Nguyễn Đăng Bảo.

Chàng cảm thấy một luồng chân lực ôn nhu truyền qua, bèn theo phương pháp tiên thiên dẫn động nó đi khắp cơ thể.

Luồng chân lực càng lúc càng nóng dần rồi ào ạt lưu chuyển.

Trên đầu Lữ Toàn Long lúc này bốc ra một sợi khói nhỏ, mảnh như tơ. Đây là thời khắc gã phát huy chân lực đến cực độ. Nội gia hơn bốn mươi năm tu luyện đều được kim châm kích thích đến cực độ. Hai luồng chân lực theo song chưởng truyền sang người Nguyễn Đăng Bảo.

Toàn bộ kỳ kinh bát mạch Nguyễn Đăng Bảo lúc này cũng căng đến cực độ, hai luồng chân lực được chàng khéo léo dẫn dụ xông thẳng đến huyệt Huyền quan.

Hai luồng chân khí xông mạnh tới huyệt Huyền quan giống như đập vào một bức tường thành kiên cố, lập tức bị dội ngược lại. Một cảm giác nóng ran, đau nhức bao phủ khắp toàn thân. Chàng rên lên một tiếng.

Hai luồng chân khí vẫn liên tục chảy qua, lúc này đã đạt đến cực điểm. Nguyễn Đăng Bảo tập trung tư tưởng đến cực độ, dồn hết chân lực của bản thân cùng hai luồng chân lực từ bên ngoài xông thẳng đến Huyền quan một lần nữa. Ba luồng chân khí quyện vào nhau giống như một con rồng lửa đang nhe nanh múa vuốt. Hỏa long trong phúc chốc lấy lại được phong độ, đột nhiên trở nên cuồng nộ, vùng vẫy trong không trung. Phía trước là bảo châu rực sáng, hỏa long gào lên thèm thuồng, liền nộ khí xung thiên bay tới, nhe hàm răng đỏ ngòm hung bạo ngoạm lấy.

Lúc rồng lửa ngoạm được ngọc châu, một tiếng nổ lớn chiếm lấy toàn tâm trí Nguyễn Đăng Bảo. Ba luồng chân khí hợp một đã công phá được Huyền quan, toàn bộ hệ thống dây thần kinh trong người chàng bị chấn động mạnh, giống như đại địa bỗng nhiên sụp đổ. Người chàng liền mất cảm giác, lập tức rơi vào trạng thái mê man.

Một tiếng “ong ong” cứ vọng mãi trong đầu óc. Cơ thở chàng chìm dần vào một giấc mộng mị ảo huyền.

–––

“Ta đã chết hay còn sống?” – Chừng một canh giờ trôi qua, chàng thức giấc, chống tay đứng dậy tự hỏi.

Mặt trời lúc này đã sắp khuất, dưới ánh sáng yếu ớt còn sót lại, Nguyễn Đăng Bảo thấy Lữ Toàn Long vẫn còn ngồi xếp bằng, hai tay đưa tới, nhưng người đã khô đét chỉ còn da với xương.

Chàng xúc động, quỳ xuống lạy:

- Xin cho tiểu đệ gọi một tiếng sư phụ!

Nguyễn Đăng Bảo lúc này đã nhận lấy mấy chục năm công lực Lữ Toàn Long, lại được trao truyền bí lục lẫn di nguyện, Hỏa Vân Kiếm, tự nhiên đã trở thành đệ tử của Lữ Toàn Long.

Chàng đốt một ngọn đuốc, rồi đào cái hố lúc chiều cho rộng ra, xong đâu đấy đặt hai phu thê Lữ Toàn Long bên cạnh rồi đắp thành nấm mộ.

Công lực của chàng lúc này đã khá cao, liền dùng chỉ lực khắc một tấm bài vị vào một phiến đá rồi cắm lên mộ.

“Mộ phu phụ Lữ Toàn Long – Đệ tử Nguyễn Đăng Bảo kính lập”.

Ấy chính là:

Thà chẳng biết đến thành nghiêng nước đổ

Bởi giai nhân thật khó trùng phùng

Muốn biết sau đó thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Kiếm Mộng Thành Nam

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook