Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 13: Bát bún chả Deptford và thân phận ly hương

Lý Thanh

07/06/2020

Hai tuần phép hóa ra thành thời gian Hạnh làm thêm, kiếm được gần một ngàn bảng. Sau lần đi dịch cho người xin tỵ nạn, Hạnh lại được chị Vinh báo cho việc khác. Đó là lồng tiếng Việt cho một công ty kinh doanh âm thanh. Hạnh mất hai ngày liền ngồi cùng một nhóm trẻ người Thái Lan, Indonesia dưới căn hầm là phòng thu âm, để vào vai các con thú nhỏ cho phim hoạt hình. Người chủ dịch vụ ấy giải thích rằng bộ phim Mỹ đã ăn khách ở thị trường Trung Quốc nên người ta muốn bán sang Đông Nam Á và cần giọng trẻ vào vai sư tử, voi, hươu cao cổ, ngỗng và đại bàng. Bản dịch tiếng Việt họ đã đặt bên Mỹ có khá nhiều lỗi và đầy các câu trúc trắc, không giống ngôn ngữ dùng trong nước hiện nay, chắc là vì do Việt Kiều nào đó xa quê hương đã lâu chuyển ngữ. Hạnh chỉ ra cho công ty thu âm các vấn đề đó và họ đồng ý thuê thêm cô chỉnh sửa tập lời thoại. Tiền sửa câu chữ và tiền thuê lồng tiếng cộng lại khiến chỉ sau ba ngày làm việc cô đã có khoản kha khá, cao hơn công nhật ở ngân hàng trong City. Đang vui, Hạnh nghĩ đến việc nhắn tin giúp anh chàng xin tỵ nạn.

Số máy mà Hạnh bấm reo một lúc rồi chuyển sang hộp thư...không có gì. Cô tưởng cho quên nó đi vì hoặc anh ta ghi nhầm, hoặc người giữ số máy đó đã đổi SIM. Chừng 30 phút sau có một số máy khác, hoàn toàn xa lạ gọi cho Hạnh. Cô nhìn màn hình chiếc iPhone băn khoăn, có linh cảm lo lắng nhưng vẫn nhận.

“-Alo, ai thế ạ?” - một giọng nữ trẻ rụt rè hỏi.

-”Tôi gửi lời nhắn từ Tiến là anh ấy đã sang tới UK.”

“-Chị ở đâu? Mới gặp Tiến? Khi nào thế? Có mang tiền theo không?”

Hạnh hơi bực. Chuyện này không khéo phiền toái. Cô lấy giọng lạnh lùng, thẳng băng của 'dịch vụ khách hàng' ở nhà băng ra để đáp lại, với mong muốn cắt đuôi việc này cho rảnh nợ:

“-Xin lỗi bạn nhé. Tôi không quen biết gì Tiến cả, và cũng không muốn quen biết. Tôi làm phiên dịch cho cảnh sát Anh và có gặp anh ta tuần trước. Giờ tôi chuyển lời nhắn, chỉ có vậy. Chào bạn!”

Giọng nữ kia, nghe giống người Hải Phòng, có ngọng âm L-N, tỏ ra bối rối:

“-Xin phép chị cho em hỏi thêm, là Tiến ở đâu và bọn em là người nhà muốn gặp thì gọi cho ai?”

Dân vùng khác mà xưng là người nhà của anh chàng kia? Hạnh đâu có ngốc đến mức không biết chuyện người Việt đi lậu vào Anh theo các tuyến đường gì. Chị Vinh kể là họ sang Trung Quốc, mua vé máy bay sang Nga, đã có các nhóm đón sẵn, đưa tới rừng biên giới để vào một trong các nước EU. Giao phó số phận vào đường dây mafia địa phương bọn con trai thì phải giấu tiền vào chỗ kín để khỏi bị trấn lột. Đàn bà con gái thì khổ hơn, phải nuốt cả vốc thuốc ngừa thai trước, sẵn sàng chịu cảnh bị đè ra giữa rừng mà không dám há mồm kêu. Kêu lỡ biên phòng nghe thấy thì bị bắt, tống trở lại nước Nga, coi như đầu tư của cả làng cả họ mất trắng. Thôi đành cắn răng chịu nhục mà đi sang trời Tây. Chị Vinh bảo khi họ sang tới Pháp, tới Anh, chín trên mười người đã bị tổn thương thân thể và tinh thần. Cộng với ham muốn làm giàu nhanh hoặc bị chủ nợ ở quê nhà thúc giục, đa số sẵn sàng làm đủ trò để tồn tại và kiếm tiền. Hạnh hẵng giọng:

“-Tôi không thể nói ở đâu, vì nghề nghiệp không cho phép, nhưng Tiến ở gần đây thôi, khoẻ mạnh và chắc khi nào giải quyết xong việc sẽ liên lạc với bạn.”

Nói xong Hạnh tắt máy mà bàn tay cầm chiếc iPhone ướt đẫm mồ hôi.

Ngày cuối của kỳ nghỉ Hạnh ở nhà một mình, sửa soạn quần áo cho buổi đi làm tuần tới. Steve đã bay về Úc lo một số việc còn tồn đọng trong các lần làm ăn trước. Veronika thì đang ở quê nhà lo chuẩn bị cho lễ ăn hỏi. Hạnh nằm trong phòng nghe nhạc. Lời ca du dương của Hồ Hoàng Yến đưa cô vào khung trời của mơ mộng, của yêu thương, toàn những thứ chưa thực sự đến, nên cũng chưa thực sự ra đi. Đến chiều rồi mà Hạnh vẫn chưa muốn đi shop mua đồ ăn. Nghĩ đi nghĩ lại, vừa kiếm được tiền thì việc gì phải tự nấu, cô khoác áo, xỏ chân vào đôi giày thể thao ra xe bus đến khu phố Deptford ăn bún chả. Chiều thứ Bảy, phiên chợ của người Anh, người da đen và Ấn Độ, Hồi giáo ở Deptford High Street đã vãn, chỉ còn một số̃ xe van của họ đỗ ngay ở lòng đường để dọn đi số hàng bán chưa hết. Quán Viet Rest nằm ngay ở đoạn giữa phố chợ ấy. Hạnh đã đến chỗ này vài lần và cảm thấy thích chất bình dân, phải nói là rất bình dân của nó. Chủ quán là người Hoa gốc Hải Phòng nhưng đầu bếp người Hà Nội gốc nên món ăn rất ngon. Bún, phở, mì xào, cháo quẩy, nem rán, gỏi gà, bánh cuốn...đều như ở Hà Nội. Hạnh nghĩ bún chả ở đây còn ngon hơn rất nhiều quán ăn ở Việt Nam, vì miếng thịt, lá rau, sợi bún đều sạch, đều thật và đầy đặn nằm trong chiếc bát sứ to, thò đũa vào gắp có cảm giác yên tâm, không bị ăn bớt, bị đánh tráo miếng ngon miến dở.



Vừa ăn xong bát bún, Hạnh gọi ly trà sương sa hạt lựu thì điện thoại lại reo. Liếc mắt nhìn, Hạnh thấy một số lạ. Cô giật mình như bị kéo xuống giếng sâu, không có lối lên.

“Alo, chị ơi, em đây ạ. Em là Minh, bạn của Tiến, muốn gặp chị để hỏi thăm về cậu em cho biết tình hình thế nào, rồi không làm phiền chị nữa.”

Giọng con trai trong và rõ, không phải tiếng của tỉnh xa làm Hạnh có cảm tình hơn lần nghe cuộc gọi trước.

“-Tôi đang bận, chắc phải một hai giờ nữa mới xong việc, lúc đó anh gọi lại nhé.”

Người kia nhỏ nhẹ nhưng khá kiên quyết, tuy vẫn lịch sự:

“-Chị đang ở đâu em qua luôn, chờ chị xong việc rồi hỏi mấy câu thôi ạ.”

Người thanh niên mừng rỡ khi Hạnh bảo là cô đang ở Deptford. Anh ta ở Woolwich Arsenal, cách có vài km và sẽ chạy xe tới luôn. Hạnh vừa tính tiền xong, chờ đặt một hộp bánh cuốn mang về thì ngay cửa quán có một chiếc xe Range Rover kính đen ập đến. Một thanh niên trạc ngoài hai mươi, đeo kính mát, khoác áo da, xuống xe đẩy cửa quán bước vào và nhìn thẳng luôn vào Hạnh:

“-Vừa nói chuyện với chị qua phone đây phải không?”

Hạnh lúng túng:

“-Bạn là Minh?”

“-Vâng, chị ngồi lại đây luôn không hay là đi đâu thì em chở đi luôn.”

“-Không, không, mình còn tới nhà bạn. Có gì thì ra ngoài kia nói chuyện.”

Họ đi về phía ga xe lửa, vào một quán cà phê có ghế ngoài trời. Chỗ này sau nhiều năm xuống cấp đã được thành phố̃ cho sửa sang lại, biến một góc chợ thành quảng trường nhỏ trải đá, và một dãy nhà kho gầm cầu xe lửa được cải tạo thành quán ăn, tiệm bánh, pub bia và quán cà phê. Minh nhanh nhẹn lấy ghế mời Hạnh ngồi và gọi cho mình một ly bia, còn Hạnh chỉ uống nước khoáng.

Minh rõ ràng là biết Hạnh không muốn tự nói ra nên chủ động nói:



“-Xin lỗi chị là bạn gái em kể câu chuyện không hoàn toàn đúng về Tiến. Chúng em không phải họ hàng gì với anh ấy cả, nhưng là người biết Tiến từ hồi trọ bên Đức, rồi bọn em sang Anh trước, anh ấy ở lại làm khuân vác trong chợ Đồng Xuân Masan hơn một năm bị lừa hết tiền nên phải vay nợ tìm đường sang Anh. Khổ thế, sang chưa kịp gặp vì bọn em còn ở trên Bơ (tiếng lóng chỉ Birmingham) thì đã bị bắt.”

“-Tôi không biết nhiều về Tiến...hay là An (?). Tên nào là đúng?”

“Giấy tờ là An, tên thật đấy, còn gặp bọn em thì nói là Tiến.”

“-Vâng, tên nào cũng thế thôi, mình chỉ gặp phiên dịch cho hội từ thiện và cảnh sát, họ sẽ có phiên xử ở tòa Brighton. Mình không biết là bao giờ.”

“-Cảm ơn chị, thông tin thế là nhiều lắm rồi, bọn em sẽ hỏi luật sư là ra thôi. Luật sư đang giúp em hoàn tất giấy tờ mà, nên em biết cách làm.”

Tưởng Hạnh chịu khó nghe, Minh kể về bản thân. Cậu ta người ngay Sơn Tây, làm nghề chạy xe tải ở Hà Nội, chán rồi sang Nga làm ăn với anh họ. Từ đó, có tí vốn thì muốn đi tiếp, không phải để kiếm sống vì ở Nga cũng tốt, mà để biết 'trời Tây' thật bên châu Âu nó thế nào. Minh cười bảo:

“-Chị biết không, sang đây rồi em chỉ nhớ...nước Nga. Chợ Vòm ở Moscow vui hơn chợ Đồng Xuân...cái ở Hà Nội ấy, không phải Đồng Xuân Berlin. Gì cũng có, ăn uống thì ngon hơn ở nhà, chỉ có mùa đông thì lạnh không chịu nổi, đi kéo hàng có thì đổ máu mũi vì âm độ.”

“-Sang Anh bạn thích hơn?”

Minh nhếch miệng cười, cặp mắt nhìn từ sau kính mát vẫn rõ vẻ khinh bạc:

“-Em đã bỏ Việt Nam đi, qua sống ở mấy nước liền, thấy đâu cũng phải có tiền. Không có tiền người ta dẫm đạp mình như con gián. Nước Anh đang là nơi làm ăn được chị ạ.”

Đúng ra là Hạnh hỏi bâng quơ cho qua chuyện vì đã muốn chia tay cậu thanh niên vừa quen. Bản thân cô đang phải tính chuyện lo việc làm và giấy tờ ở lại, và cách sống của các đồng hương tiếng tăm không biết, nghề nghiệp đàng hoàng không có chẳng đem lại cho cô bài học gì. Những chuyện của giới 'người rơm' (không giấy tờ) trên khắp châu Âu không còn là chuyện lạ với Hạnh. Mỗi khi tới gặp Hạnh để thu tiền – luôn là tiền mặt để trốn thuế - chị chủ nhà cứ tự kéo ghế ngồi pha cốc nước mà kể ra đủ thứ chuyện 'cộng đồng Việt' ở London, ở Birmingham, ở York. Toàn những cảnh đời cười ra nước mắt.Người mới sang thì làm đám cưới giả để ở lại. Người ở lại lâu rồi thì có những 'chiêu trò' khác, như vợ chồng giả ly hôn để nhận thêm nhà trợ cấp của 'council' (hội đồng thành phố), có cặp chia giả rồi thành thật luôn. Anh chồng đón bồ vào ở, đổi ổ khóa để vợ không vào được, rồi đánh nhau, chửi nhau om tỏi. Hạnh nghe như tiếu lâm thời đại, hay là chuyện có thể ghi luôn vào mục hình sự trên báo lá cải.

Đọc báo Hạnh biết hình ảnh người lao động nhập cư Việt không sáng choang sáng chói ở xứ sở này. Có lần tờ báo chạy tít: “Băng đảng châu Á múa kiếm giữa phố vào rạng sáng” và mô tả kỹ lưỡng vụ dùng kiếm Nhật rượt nhau tranh giành nguồn lợi cannabis ở ngoại ô Leicester. Truyền hình London cũng hay đưa tin từ các cuộc vây bắt người trốn thuế, làm lậu trong nhà hàng, tiệm nail. Người Anh thường rất tế nhị, ít khi nêu quốc tịch của người bị bắt nhưng nhìn hình ảnh ai cũng thấy là người Việt. Có khi trong căn nhà của người nhập cư lậu ống kính truyền hình không nói là “người nước nào” nhưng lướt qua “bàn ăn” phủ đầy báo An ninh Thế giới.

Chia tay Hạnh, Minh nói là bạn gái Minh đã xong giấy tờ nên sẽ xuống London mở tiệm uốn tóc, “nếu chị có nhu cầu bọn em luôn mời chị, buổi đầu miễn phí”. Hạnh cười cảm ơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook