Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 18: Đôi trẻ gốc châu Á và xa lộ thẳng tới Hamburg

Lý Thanh

14/06/2020

Lịch trình của Hạnh là thăm cô chú ở Berlin rồi đi tàu tới Paris và từ đó bay về London. Nhưng hôm còn ở Berlin, cô nhận tin nhắn của Lucio nói anh có việc sang Đức và hỏi có hẹn gặp nhau được không. Trao đổi qua lại và suy nghĩ khá lâu xong Hạnh quyết định hẹn Lucio ở Hamburg. Cô không muốn anh đến nhà cô chú ở Berlin nên nhờ Nam đưa mình xuống thành phố cảng biển nổi tiếng của Đức. Từ đó sẽ cùng Lucio đi xe về Pháp. Hạnh đã hình dung ra một tuần tuyệt vời trên các nẻo đường Tây Âu. Có bao nhiêu thành phố cô mới biết qua phim, qua ảnh bạn bè chia sẻ trên Facebook mà chưa bao giờ tới. Lucio 'ok' ngay với kế hoạch đó và nói anh sẽ chạy xe từ Amsterdam đến Hamburg đón cô.

Trước khi phóng ra xa lộ Budesautobahn 2 nối Berlin với vùng cực Tây của nước Đức, Nam mời chị Hạnh ra một quán cà phê. Cậu bảo xa lộ Đức cho chạy xe không hạn chế tốc độ nên chỉ hơn hai tiếng là tới nơi, “mình cứ đến sau giờ trưa là vừa, chị em mình đi chơi, rồi chiều tối chị hẹn bạn còn em đi về”. Hạnh đồng ý ngay. Nam dẫn cô đến một quán bên phố Ku'Damm lịch sự. Ở đó đã có một cô bé tóc đen, người nhỏ nhắn chờ Nam. Thoạt nhìn Hạnh tưởng cô bé là người Việt, nhưng không phải. Nam tự hào và hơi run run giới thiệu bằng tiếng Anh rằng Nicole là bạn gái của cậu. Nam bảo nhỏ chị:

“-Bạn em người Philippines. Em chưa muốn cho bố mẹ biết nhưng chị thì em tin là làm quen được.”

Hạnh thấy vui quá. Phải nói thật tuy ở cùng với Veronika và ít chơi với các bạn gái châu Á, Hạnh luôn thấy gặp họ vẫn có nhiều đồng cảm hơn, có thể nói ra những câu đùa không sự bị hố, bị lạc điệu như khi ngồi với người Âu. Ba bạn trẻ nói chuyện, uống cà phê. Hạnh gọi bánh nướng nhân táo, Apfelstrudel đặc trưng của Đức. Nicole và Nam ăn bánh kem. Cô bé thật dễ thương, hỏi Hạnh nhiều về cuộc sống ở Anh. Hình như giới trẻ các nước châu Âu, nhất là người châu Á, luôn ngưỡng mộ Anh Quốc, cả về phim ảnh, kịch nghệ, văn hóa vừa hiện đại vừa cổ xưa. Hạnh vui vẻ chia sẻ với cô bé mà không rõ sau này có thành em dâu không. Thôi chả sao, Nam thích bạn ấy thì mình ủng hộ, Hạnh nghĩ. Còn các bạn về sau đi xa với nhau tới đâu thì tính tới đó. Cuộc đời Nicole lại hơi khác Nam. Cô có mẹ người Philippine sau khi sinh con thì bỏ bố cô và đem con nhỏ, mới bốn tuổi sang Đức làm y tá. Ở đây bà quen ông bố dượng người Đức, nên Nicole lấy họ Đức của ông luôn. Cô kể:

“-Em gọi điện nói chuyện công việc hay gửi giấy tờ thì không ai biết mình là châu Á đâu chị ạ. Có lần vào bác sĩ họ hỏi 'Cô có nhầm tên với ai không', làm em hơi khó chịu. Vì người Đức biết châu Á có thể lấy tên là Maria, Lisa, Andrea nhưng thường có họ Chen, họ Tanaka, hay họ Nguyễn. Còn mình lại hoàn toàn họ tên như người Đức nên họ phải 'điều chỉnh' trong đầu một chút mới quen. Có người quen rồi thì hỏi em có phải là 'con nuôi cha mẹ Đức' đón từ trại mồ côi Campuchia hay không. Nghe thế thật là buồn nhưng không trách người ta được.”

“-Vì chú ý đến gốc gác của mình nên em gặp Nam là hiểu nhau ngay phải không?”

Nam và Nicole cầm tay nhau nhìn Hạnh cùng cười ngượng nghịu.

Lúc chia tay Hạnh cho Nicole số điện thoại và nick trên Facebook hẹn giữ liên lạc và nếu có sang Anh du lịch nhớ gọi. Cô nói rất tự tin như đã là người ở hẳn bên Anh. Tấm hộ chiếu trong túi cô còn hạn visa Anh chưa tới 7 tháng.

Trên chiếc xe tới Hamburg chỉ còn hai chị em và thấy Nam đã tin tưởng mình bên hỏi thêm nhiều chuyện. Càng hỏi Hạnh càng vỡ lẽ ra về cô chú, về mối quan hệ gia đình Việt Nam không dễ ở Đức. Nam kể hồi lớp cuối cấp cậu mới chỉ hẹn đi chơi với một cô bạn Thổ Nhĩ Kỳ có đôi mắt to đen, làn da trắng muốt và mái tóc dài đen mà cha mẹ đã tá hỏa. Nam bảo:



“-Người Việt mình ở Đức mới thực sự là những kẻ kỳ thị chủng tộc. Ngay trong nhà em thôi, mẹ em không thể nào chịu cho em quen với bạn Hồi giáo. Mà mới quen đã yêu và lấy làm vợ đâu cơ chứ. Bạn thì phải là “Đức xịn” mới đạt “đẳng cấp”, nhưng suốt ngày gợi ý em lấy vợ Việt Nam.”

“-Cô thế thì giống hệt chị dâu cô ở Hà Nội rồi,” Hạnh nói đùa.

“-Em tưởng bác phải thoáng hơn mẹ em chứ ạ? Ở Việt Nam các chị bị giục lấy chồng liên tục phải không?”

“-Chứ còn gì nữa. Bạn nam nào cùng học đại học đến nhà là các cụ soi như thể sắp làm con rể tương lai. Thế nên hồi đi học chị chẳng mời bạn nào đến nhà. Thế là các cụ lại lo con gái sắp ế.”

Nam nói là bố anh thì đỡ hơn trong chuyện đó còn mẹ thì hay gợi ý con cô A, cháu bác B rất xinh, học giỏi, còn biết phụ bố mẹ kinh doanh để cậu làm quen. Khổ nỗi là Nam có quen các bạn đó đâu. Mẹ nhìn các bạn đó như là các thiếu nữ Việt Nam, mà họ thực ra là người Đức chỉ có gốc gia đình Việt nên ứng xử đâu có giống các cô gái bên nhà. Có lần cậu bực quá liền nói:

“-Mẹ cho con số điện thoại nhà bác ấy để con gọi ngay, hỏi bạn con bác xinh đẹp, học giỏi có muốn tối nay đi chơi không.”

Hạnh tròn mắt:

“-Em là con trai nên dám vặc lại mẹ thế, ghê thật đấy. Còn chị thì chỉ đánh bài lờ đi, coi như không chú ý chuyện ấy. Chị ra nước ngoài rồi chị mẹ chị càng lo. Lấy Tây thì không biết sao mà nói chuyện. Chị bảo, mẹ yên tâm, con lấy chồng Cuba cho mẹ vui, người Cuba thích người Việt Nam lắm, 'đồng chí, anh em mà', và yêu ai là sẽ bắt học tiếng Việt, nói thạo rồ̀i mới cưới.”

Hai chị em cười vang trong chiếc xe phóng vun vút đến thành phố biển. Hạnh thầm chúc cho Nam và Nicole bước chân lên cuộc hành trình tình yêu thật may mắn. Vận may là thứ chính cô đang rất cần.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook