Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 21: Hội ngộ ở London

Lý Thanh

18/06/2020

London đón Hạnh trở lại với sự tự tin cố hữu. Cảnh vật đô thị vào hè không có gì thay đổi, vẫn những dòng người hối hả vào giờ đi làm sáng, vẫn những ồn ào buổi chiều tối. Căn nhà nhìn ra đường tàu hỏa ở Blackheath nay thật vắng và càng vắng hơn bởi nghe tiếng hò hét khi có trận bóng đá nào đó ngoài quán bia đầu phố. Dân Anh mùa này đã đi nghỉ, những kỳ nghỉ dài ở Địa Trung Hải phải đủ dài để họ trở về với nước da có màu nâu quý giá. Veronika và Alberto đang nghỉ tuần trăng mật ở vùng đảo Canary. Các bạn đã báo Hạnh rằng họ sẽ dọn ra. Hạnh mới gọi điện báo chị chủ nhà buổi tối thì trưa hôm sau chị đã dẫn luôn hai người Việt Nam đến xem phòng, để sẵn sàng dọn vào khi hai bạn kia dọn ra. Hạnh chỉ mở cửa phòng, ngó ra chào mà không buồn nói chuyện với hai đồng hương. Khi họ về rồi, chị chủ nhà mới nói hai người đó làm nghề bán bánh mì kẹp kiểu Việt Nam, dân Anh gọi là 'Vietnamese baguette'. Hạnh nghe vậy và biết vậy, không sức đâu mà hỏi thêm. Vết thương tinh thần của chuyến đi xuyên châu Âu bị ngắt quãng bởi sự cố với Lucio như một nhát chém chưa lành. Nhìn vào gương, Hạnh thấy mặt cô xọm đi, tóc tai trông thật khác hôm ở đám cưới Veronika một trời một vực. Hạnh gọi điện cho Minh hỏi tiệm làm đầu của bạn gái cậu ta đã mở cửa chưa. Minh vui vẻ mời Hạnh đến thử dịch vụ giảm giá cho đợt khách hàng đầu tiên.

Đi xe bus chừng 20 phút thì Hạnh tới phố Camberwell. Tiệm của Minh và Tâm, bạn gái anh, có hai phần, một bên là gian uốn tóc, trang điểm, một bên là cửa hàng làm móng tay móng chân. Minh tự hào chỉ tay vào cơ ngơi mới xây dựng được ở bên con phố đông các sắc dân đa dạng của mạn Nam sông Thames. Để tránh vấn đề thuê nhân công lậu, hết hạn visa mà nhiều tiệm nail người Việt gặp phải và bị phạt nặng, Minh thuê toàn bộ nhân viên là người Anh và công dân EU từ Đông Âu. Mất công dạy nghề cho họ hơn cho dân ta nhưng an toàn hơn.

Người uốn tóc cho Hạnh là một cô gái Romania xinh xắn, luôn miệng hỏi “Is that alright?” (Thế này có được không?). Vui chuyện, cô ta khoe luôn với Hạnh là cô sang Anh học nghề rồi sẽ về quê nhà mở tiệm riêng. À ra thế, ai mà không có một giấc mơ nho nhỏ, miễn sao giúp ta sống được tốt, hãnh diện với thay đổi ngày một khả dĩ hơn của chính mình. Hạnh không dám so bì gì mà nao nao trong lòng, nghĩ tới những gì đã qua và những điều chưa xảy đến. Hạnh đòi trả tiền nhưng Minh và Tâm không cho. Hai bạn mời Hạnh ngồi lại uống cốc trà. Tâm sang Anh trước Minh, cũng là vượt biên nhưng vì theo đạo Công giáo nên may mắn được một gia đình ông bà già người Anh nhận bảo trợ và thế là được ở lại sau hơn một năm xin quy chế tạm dung.

“-Nhà em đúng ra là một bên lương, một bên giáo. Làng em ở Thủy Nguyên là vậy cả. Hồi xưa đi đạo phiền toái với chính quyền lắm, sau này thì bình thường rồi. Hồi bé em đi nhà thờ theo đằng ngoại, còn bên nội có nhiều người làm cán bộ nhà nước, cả bộ đội cơ. Ở Anh thì người ta rất quý người có đạo nên xin ở lại phải nói là dễ hơn, hoặc là em may mắn hơn. Nhiều chị em khác tìm đủ cách để ở lại, như lấy vội một ông chồng...”

Nghe Tâm kể, Minh chen vào nói đùa:

“-Có các cô không cần quen ai mà có mang ngay, thế là được ở lại. Giỏi ghê, chẳng cần bọn đàn ông chúng tôi.”

Hai cô gái không cười trước câu nói vô duyên của anh chàng. Hạnh hỏi:

“-Hai bạn đã dọn hẳn từ Birmingham về London chưa hay vẫn đi đi lại lại?”

“-Về rồi chị à, bọn em thuê cả số nhà này luôn mà, phần dưới đây làm 'shop', trên kia có ba phòng to và một căn gác làm kho.”

Minh đột nhiên bảo:

“-Chị nhớ anh Tiến không? Đã ra tòa rồi, và được ở lại, chỉ phải ngồi nốt trong tù thêm hai tháng nữa vì tội ẩu đả trong trại tạm giam. Khi ra có khi anh ấy về đây ở với bọn em.”



Hạnh chưa kịp hỏi thêm về Tiến thì Minh lại nói:

“-Hôm ra tòa có chị Rachel ở hội từ thiện làm chứng cho Tiến, và chị ấy hỏi thăm chị đấy. Chị nhớ gọi điện nhé. Nhỡ đâu lại có thêm việc phiên dịch để chị “kéo” một vài người mình ra khỏi tù.”

“-Chị Rachel tốt ghê, đúng là người có đạo,” Tâm tấm tắc.

Hạnh đáp lời cho qua câu chuyện rồi ra về. Hai bạn trẻ nhắc đến 'trại giam', 'nhà tù' cứ thản nhiên như không ấy, mà Hạnh thì giật thót mình, nóng hết cả lưng vì vẫn bị ám ảnh bởi chuyện của Lucio. Chuyến đi châu Âu làm cô hết sạch tiền nên cần phải làm gì, không lẽ lại hỏi Minh và Tâm để kiếm mối làm thêm với người Việt. Nghĩ vậy, Hạnh nhắn tin cho Rachel, giả như chỉ hỏi thăm sức khoẻ.

Hai cô gái hẹn nhau đi ăn trưa ở một quán mì trong Chinatown. Rachel vẫn thế, quần áo đơn sơ, luôn đeo một cái balô nhỏ màu đen, sách vở gì đó thò cả ra ngoài. Lần trước gặp Hạnh không hỏi tuổi và chẳng để ý kỹ cô gái người Anh này thế nào. Lần này gặp lại, Hạnh thấy cô ấy dáng gầy nhỏ, nhanh nhẹn, mặt gầy nhưng ánh mắt to, phúc hậu. Hạnh nghe một cô bạn châu Á bình luận rằng đàn bà Âu Mỹ, bên này gọi là 'dân da trắng' có hai loại: hoặc mập mạp, đẫy đà, má hồng quả táo, mông đầy quả lê, hoặc gầy khô như trái mận đã qua một mùa đông. Rachel thuộc nhóm thứ hai, và có đôi má đầy tàn nhang như nhiều cô gái Anh khác. Hạnh ngỡ người làm từ thiện của một hội đạo phải có gì đó cuồng tín, giống các bà các cô hay lên chùa ở Việt Nam, quen rồi thành “đi chùa chuyên nghiệp”. Nhưng hỏi ra thì không phải vậy. Rachel đã học xong đại học ngành truyền thông ở trường Westminster. Đề tài đại học khiến hai cô có nhiều chuyện thời sinh viên để kể. Học xong, cô ấy từng làm nhà báo cho một tờ báo địa phương ở Cosworlds, vùng Tây Bắc của London, và mới hai năm nay chuyển hẳn sang làm nhân viên hội từ thiện.

“-Mình đi đưa tin, phỏng vấn cảnh sát, sở di trú, viết bài về người nhập cư lậu. Viết bao nhiêu cũng không đủ, hỏi lại thì tình cảnh người ta vẫn thế. Đi từ Pháp sang Anh, sang Ireland, lộn về Bỉ, Đức, cuộc sống của họ vẫn thế. Dưới đáy rồi mà, như người rớt xuống hố, nhìn quanh chỉ vẫn cái cái hố. Phải có ai kéo họ ra, giúp định cư, có việc làm thì mới thoát hẳn cái vòng luẩn quẩn của di cư lậu.”

Hạnh hỏi một câu để xem quan điểm của Rachel có khác đa số người lao động Anh ghét di dân hay không:

“-Nhưng mình nghe nhiều phản đối rằng nếu giúp thế người nhập cư lậu cứ vào Anh, giành việc làm của người Anh, có đúng không?”

“-Ở các vùng quê, nhất là nơi ít người nhập cư làm ăn, sinh sống đàng hoàng thì dân Anh chúng mình kỳ thị nặng nhất. Bởi cứ thấy khuôn mặt, màu da khác là họ thấy câu chuyện của tội phạm, của làm việc lậu. Nên đưa người xin tỵ nạn, nạn nhân tệ buôn nô lệ thời hiện đại ra ánh sáng, để họ sinh sống trong cộng đồng bình thường, là cách hay nhất xoá đi thói kỳ thị. Còn về con số người nhập cư? Dân cả thế giới nếu gom vào một chỗ thì chỉ cần bang California của Mỹ là đủ diện tích chứa hết. Nước Anh còn đầy các vùng dân cư giảm đi đều, rất cần nhân công. Hội từ thiện của bọn mình cứu giúp người nhập cư không phải là làm chỉ vì lương tâm. Đằng sau đó là lý lẽ kinh tế, xã hội nữa. Để nuôi một người tù, bất kể tội gì, mà giam người di dân thì cũng như giữ tù, một năm nhà nước Anh bỏ ra 60 ngàn bảng. Để cho người ta làm việc hợp pháp, thì nhà nước không mất số tiền đó, lại còn thu về hàng nghìn bảng tiền thuế. Logic của vấn đề là thế nhưng tất nhiên không phải ai cũng ủng hộ.”

Hạnh hiểu ra và thấy công việc của Rachel không hẳn là hão huyền. Đúng là xứ sở văn minh, họ làm gì cũng có tính toán, suy luận sắc sảo. Lúc chia tay, Rachel hẹn sẽ kiếm thêm một số̃ việc phiên dịch cho Hạnh, và rủ một weekend rảnh thì về nhà bố mẹ cô chơi. Hạnh nhận lời ngay. Cô muốn đi ra khỏi London cho khuây khỏa, chỉ không đi quá xa. Cô sợ đi xa lại gặp điều gì bất trắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook