Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 17: Những bức tường trong tâm tưởng

Lý Thanh

14/06/2020

Ngày hôm sau, chú Tấn nghỉ làm đưa Hạnh và con trai đi chơi. Đúng ra là cậu sinh viên Nam muốn dẫn chị đi chơi...để nói tiếng Anh. Sinh ra ở Đức, Nam chỉ có vốn tiếng Việt đủ dùng nói với cha mẹ, tiếng Đức thì nói tự nhiên khỏi phải bàn, nhưng tiếng Anh học ở trường dạy đọc viết nhiều nên ít có dịp nói. Trong môi trường giới trẻ Đức các bạn ít dùng tiếng Anh, trừ khi có sinh viên từ nước khác tới. Nam kể:

“-Em nói tiếng Anh nhiều nhất là...những lần về Việt Nam. Không phải ở Việt Nam vì ở nhà với ông bà thì nói tiếng Việt, ra phố cũng thế. Nhưng khi quá cảnh ở Singapore, ở Thái Lan thì em phải dùng tiếng Anh làm phiên dịch cho bố mẹ. Đi nghỉ hè ở nước ngoài cũng vậy chị ạ. Thấy mặt mình là họ hỏi bằng tiếng Anh vì tưởng mình người Tàu. Tiếng Đức chỉ về Đức mới nói thôi. Mà nhiều bọn Đức trên máy bay không nghĩ em sinh ra ở Đức nên nói tiếng Anh luôn. Tới lúc vào cửa khẩu chìa hộ chiếu Đức ra thì biên phòng họ nói chuyện với mình tiếng Đức ngay. À mà dạo này xuống sân bay em thấy cửa cho công dân Đức là cửa điện tử nên chẳng phải nói gì với ai hết. Cứ đập cái pass vào là đi ra. Biết tiếng nào tốt tiếng đấy nhưng tiếng Anh vẫn là nhất phải không chị?”

“- Ừ, chị học chuyên Anh ở Việt Nam nên sau muốn học thêm tiếng Pháp. Đã đi học ở trung tâm L'Espace rồi nhưng mà ra thế giới hiếm khi có dịp dùng nên quên hết cả. Cuối cùng lại cứ tiếng Anh thôi là đủ.”

Chú Tấn đỗ xe ở một điểm gần trung tâm để hai chị em đi dạo ra Khải hoàn môn Brandenburg Tor, dân Việt Nam gọi là 'Cổng Thành'. Giống như nhiều đàn ông Việt khác, chú ngại đi bộ nên vào một quán cà phê ngồi...xem báo. Dẫn chị họ đi chơi, Nam khoe rằng ai đến Berlin đều tới khải hoàn môn này, vì là địa điểm chia đôi Đông – Tây thời còn Đông Đức. Nam thích lịch sử và giảng giải cho Hạnh nhiều về thời kỳ chia cắt dân tộc Đức và châu Âu. Cậu bảo người Đức rất tự hào về sự kiện thống nhất hai miền của họ, và muốn lấy niềm tự hào đấy để xóa đi tội lỗi gây ra cho cả châu Âu thời Hitler. Hai chị em đi ra ngắm Nhà Quốc hội Đức, công trình nổi tiếng thế giới từng bị đốt cháy, bị dội bom, bị bỏ hoang và đã được khôi phục, sừng sững chiếm vị trí trang trọng giữa trung tâm.

Cô chú hiếm muộn mới có Nam. Là con một, lớn lên ở xứ người Nam thiếu anh chị em, họ hàng xung quanh nên rất thích đi với chị Hạnh. Cậu chàng lăng xăng chụp hình cho chị, chỉ hết chỗ này đến chỗ kia. Hạnh thấy cậu em họ vừa tự hào về nơi sinh ra, vừa giữ một khoảng cách với nó. Trong câu chuyện của Nam có một bức tranh rõ nét, bọn bạn Đức thế kia, người Việt thế này, người Thổ ra sao. Ai cũng có một hình ảnh, một vị trí đã hình thành trong cái tâm tưởng chung, giống như Steve kể về cách người Anh và người Ireland sống cùng hàng trăm năm nhưng vẫn khác nhau. Thế nhưng Đức khác Anh ở chỗ xứ sở này bị chia cắt và nay đã hợp nhất nhưng vẫn còn khoảng cách.

Nam kể rằng đã có lúc cha mẹ định dọn sang Tây Berlin để Nam học trường tốt hơn, quốc tế hơn. Đấy là cha mẹ nói ra chuyện đó khi Nam đã lớn. Còn thời gian sau khi Tường Berlin sụp đổ cô chú của Hạnh sang phía Tây chơi, và thăm các bạn bè định cư bên đó nhưng quyết định ở lại phía Đông, nơi họ đã quen từ thời chú Tấn sang Đông Đức làm nghiên cứu sinh. Ngay trong người Việt hiện vẫn có tâm lý ai sống ở Tây Berlin thì sang trọng, văn minh hơn, là “tư bản thực thụ”, còn ở phía Tây thì gần chợ búa Việt, đông đủ bà con xóm giềng nhưng còn nhiều màu sắc của Đông Đức cũ và sinh hoạt có phần lộn xộn hơn. Sang phía Tây, dân châu Á đông hơn, đa dạng hơn, người ta dễ tưởng mình là là Nhật, Hàn, Trung Hoa và thuyền nhân Việt Nam sang sau 1975. Bị nhầm lẫn là một loại dân châu Á khác, cứ cho là 'oai hơn' - Hạnh đã từng trải nghiệm cảm giác đó ở Anh - mới đầu thì thích, sau thì nghĩ nó cứ không thật với mình thế nào ấy.

Tuy vậy, Nam nói rằng trẻ con giới trẻ Đức ở phía Đông vẫn quý Nam hơn cả các bạn của chúng từ phía Tây sang, vì Nam là người Việt 'Ossi' (phía Đông) của chúng nó. Hạnh cười vì thấy sự ví von hay quá.

Nam nhắn tin cho bố hẹn chỗ đón khác rồi dẫn chị ra xem tượng đài Diệt chủng Do Thái (Holocaust Memorial). Hạnh chụp hình bên các khối bê-tông xếp hàng như mộ chí lạnh người và nhớ đến ngôi đền ở Zilina.

Ba người ăn trưa ở một quán thịt nướng Thổ Nhĩ Kỳ rồi ra bờ sông Spree xem Bức tường Berlin. Trước khi tới, Hạnh cứ tưởng bức tường...là một dãy tường mà hóa ra không hẳn như vậy. Chỉ phần còn lại của tường, các tháp canh, khu cấm địa No Man's Land đã làm cô choáng ngợp. Những mảng tường cao hai lần đầu người, chạy dài hàng trăm km, có gờ tròn phía trên để không ai công kênh nhau lên trèo qua được mới là lớp đầu của tuyến phân cách biên giới Đông – Tây hồi đó. Phía sau tường là bãi mìn, là dòng sông và nhiều chướng ngại vật khác. Du khách đi lại tấp nập, quay phim, chụp hình. Ở một tiệm bán lưu niệm Hạnh nhặt lên cục bê-tông đã đập ra từ khối tường cũ, định mua. Cô nhấc lên, đặt xuống, lại nhất lên, và quyết định không mua. Có những trải nghiệm không cần hiện vật thì mới nhớ sâu. Quá khứ nên để đúng vào chỗ của nó, cô tự bảo.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook