Lên Tàu Ở London Bridge

Chương 12: Những nàng tiên hoa và thần cây tí hon

Lý Thanh

07/06/2020

Steve là người Irish nhưng sinh ra ở Anh. Như nhiều người gốc từ hòn đảo láng giềng Ireland, Steve và gia đình ở Anh mấy đời vẫn không ưa người Anh. Trong cuộc hẹn đầu tiên, anh đã giới thiệu mình 'không phải English' cứ như là Hạnh cần phải biết sự khác biệt đầy hiềm khích giữa hai dân tộc cách nhau eo biển hơn 100 km. Trong ngân hàng chỗ Hạnh làm thực tập có một cô bạn từ Cộng hòa Ireland sang làm văn thư. Mỗi khi cô gái đó nói, Hạnh phải căng tai lên nghe, vì tiếng Anh giọng đặc sệt âm sắc Ireland không khác gì tiếng Việt của người vùng quê miền Trung, vừa nghe vừa đoán. Nhưng tiếng Anh của Steve thì như thế mà thuần một giọng chuẩn của London. Người Irish ngày nay ở phía Nam hòn đảo đã là nước độc lập khỏi Anh, nhưng tỉnh Ulster ở phía Bắc vẫn thuộc Anh nên an ninh có lúc kém đi vì xung đột sắc tộc, theo Steve. Hạnh hỏi về tiếng Irish không thì Steve lắc đầu:

“-Tiếng Irish được ghi vào hiến pháp Cộng hòa Ireland và vẫn có lớp học nhưng gần 100 dân ai cũng dùng tiếng Anh.”

Chính vì điều này nên người Irish thường xuyên bị nhận nhầm là người Anh, và có những người coi nhẹ chuyện đó, nhưng Steve bảo cha mẹ anh vẫn nhớ thời dân Irish ở Anh bị kỳ thị nên luôn nhắc con cái không được quên nguồn gốc và thứ ngôn ngữ...họ không còn sử dụng trong nhà. Sự giống nhau và khác nhau của dân châu Âu thật tế nhị, kín đáo quá, Hạnh nghĩ. Cô chia sẻ với Steve về nỗi bực bội khi bị nhận nhầm:

“-Người Việt Nam rất ghét bị nhầm là người Trung Quốc như các anh bị nhầm là người Anh ấy.”

Steve nhíu mày:

“-Hồi ở châu Á anh đã để ý chuyện đó. Nhưng ngay trong dân 'Chinese' (người Hoa) ở Úc, Singapore thì chuyện phân biệt với người từ Trung Quốc tới cũng rất mạnh. Ireland thì hơi khác, chỉ có dùng chung tiếng Anh với người Anh thôi, còn văn hóa khác nhiều lắm.”

Hai người nói thêm về những điều đang giằng xé châu Âu, mà không chỉ châu Âu, còn ở Mỹ, nữa, và vấn đề sắc tộc, chủng tộc. Màu da khác nhau đã là điều hiển nhiên- thứ mà ở Việt Nam Hạnh không hình dung nổi, vì ai cũng giống ai, du khách từ các nước láng giềng tới vẫn là màu da, màu tóc đó. Sang đến đây cô mới thấy phức tạp quá, trong câu chuyện, trong tiếp xúc, trên truyền thông luôn có vấn đề thảo luận, nào là 'căng thẳng chủng tộc', nào là 'gốc văn hóa không chia sẻ', nào là 'tính cách truyền thống'. Ngay London đã có tới trên 300 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng hàng ngày. Bề nổi thì ai cũng nói tiếng Anh, nhưng suy nghĩ trong đầu thì người ta lại dùng tiếng nhập cư, tiếng mẹ đẻ từ nơi khác tới. Cô nghĩ về bản thân, chọn cho mình cách nghĩ, cách sống, cách yêu sao cho không lạc lõng, mà vẫn không mất đi cái tôi là điều chẳng hề dễ.



Steve không nói được tiếng của tổ tiên nhưng vẫn sống với truyền thống văn hóa đặc trưng của Ireland, như ngày lễ Thánh Patrick, về các sự tích của thần thoại mà tộc Celtic từ châu Âu đem đến hòn đảo Xanh. Đó là các cô tiên (fairy) sống trong nụ hoa, dưới hòn đá nhỏ, trong thân cây, là con quái thú puca biến đổi hình dạng liên tục, là nàng tiên cá quyến rũ thủy thủ để kéo họ xuống đáy biển. Hạnh thích nhất câu chuyện về người tí hon chuyên làm nghề đóng giày (leprechauns) nay vẫn sống trong rừng, trên đồi và trên đồng cỏ.

Ở Việt Nam ngày trước Hạnh có đọc về cậu bé mũi dài Pinokio trong cổ tích Ý. Steve nghe Hạnh nói vậy thì cười, lắc đầu:

“-Pinokio láu lỉnh mà hiền lành, còn leprechaun là bộ lạc tí hon khôn ngoan, tính khí bất chợt lắm. Họ thích giúp người thì rải hạt dẻ ra lối để ai lạc trong rừng tìm được đường về. Còn họ ghét ai thì biết rung cây làm ong bay ra đốt cho sưng vù mặt mũi.”

Hạnh cười như nắc nẻ nhìn Steve làm bộ ôm cái đầu cạo trọc bóng nhoáng. Hôm ấy hai người hẹn nhau trong khuôn viên to, có mái kính che cao của Bảo tàng Anh Quốc. Steve có việc ở Holborn nên đi bộ từ phía đó tới. Tay xách cặp, mặc comlê chỉnh chện. Trời hơi trở lạnh nên Hạnh mặc áo lên dài tay màu kem, váy xanh đậm, cầm theo chiếc sắc nhỏ đựng điện thoại và ví tiền. Họ uống cà phê trong sảnh của tòa nhà có tiếng là bảo tàng cổ nhất thế giới, cổ hơn cả nước Mỹ. Nói chuyện chán hai người vào xem triển lãm. Hạnh thật nể cách trưng bày của Bảo tàng hàng đầu thế giới. Ngoài hàng vạn hiện vật từ Ai Cập, Trung Hoa, Hy Lạp, La Mã cổ đại, họ liên tục làm mới các khu trưng bày bằng việc phục chế không gian như thật của thời xưa. Steve rất thích các triển lãm đã nổi tiếng như phòng trà đạo Nhật, và phòng tranh shunga, nên rủ Hạnh xem 'sarangbang' - thư phòng Triều Tiên cổ đại. Căn phòng có cỡ như thật, gồm ghế ngồi, sách vở, nghiên án, có bút lông mực Tàu cho thầy đồ của xứ Cao Ly thời xưa làm việc. Hạnh đang chăm chú đọc dòng chữ chú thích thì Steve ghé tai vào cổ cô, thì thầm:

“-Em sắp thành con gái của ông đồ rồi đấy.”

Quay sang, Hạnh suýt nữa chạm má vào cái mũi cao của Steve. Phản xạ của cô là nghiêng đầu tránh ra. Hạnh cảm nhận một hơi thở hồi hộp nhưng cô dứt khoát tự bảo là khoảng khắc đấy chưa đến. Mọi thứ còn sớm quá. Hạnh không muốn rơi vào một lần hiểu lầm nữa như với Karl.

Xem triển lãm xong Steve rủ Hạnh ra khu phố chợ Covent Garden. Đó từng là chỗ Karl và Hạnh hay đi dạo, xem các nghệ nhân đường phố trình diễn ngay trước một nhà thờ to, đối diễn hai dãy nhà cao là chợ bán hàng tạp hóa, đồ lưu niệm, quán bia rượu có nhạc công trình diễn mỗi buổi chiều. Steve mời cô vào quán trà ngay cạnh một cửa hàng có biển khoe là họ bán cà phê và trà từ khắp thế giới. Hạnh từ chối, cảm thấy hơi mệt vì tiếng ồn ào của khu phố luôn náo nhiệt bậc nhất London. Thực ra thì cô muốn một khoảng không yên tĩnh để suy nghĩ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Lên Tàu Ở London Bridge

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook