Mẹ Thơm Một Cái

Chương 27: 24/2/2005

Cửu Bả Đao

29/01/2015

Vậy thì bắt đầu kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2005, mẹ nhập viện làm hóa trị lần thứ hai.

Lần thứ hai, thực tế chỉ làm hóa trị có năm ngày, tức là năm bịch Ara-C, bệnh viện không ai chịu đứng ra làm phẫn thuật đặt port-A (một loại mạch máu nhân tạo đặt giữa hai vai, có thể dùng hơi nửa năm), bác sĩ điều trị cũng chẳng đặt ống dẫn nhân tạo vào trong cánh tay – một phương pháp đơn giản hơn – nữa.

Mẹ đành lần lượt truyền dịch vào hai tay, cách ba ngày đổi một kim mới, nếu vừa phải truyền thuốc vừa phải truyền máu, thì hai tay đều bị chọc kim. Mẹ thì nhẹ cả người, dù sao phẫu thuật cũng luôn khiến người ta khiếp sợ, nhưng tôi và anh cả lại rất đau đầu. Bởi vì hai tay liên tục bị chọc kim như vậy, mạch máu lại rất yếu ớt, dễ gây ra các vấn đề như xơ cứng tĩnh mạnh v.v...

Trong khi mẹ còn bị lao phổi, sợ lây nhiễm cho các bệnh nhân khác, chúng tôi buộc phải lựa phòng cách ly đơn đắt đỏ, trừ đi bảo hiểm y tế, mỗi ngày phải trả 2500 tệ. Chậc chậc.

Phòng đơn dĩ nhiên khá là dễ chịu, tôi đặt laptop của mình lên bàn trà nhỏ, điên cuồng cày bản thảo. Tôi đã lần lượt chiến đấu với xê ri truyện Sát thủ, ba tập đầu Truyền kỳ về thợ săn mạng sống, tập truyện ngắn, bản thảo sửa lại Đồng nhân thứ tám của Thiếu Lâm tự trong một không khí như vậy.

Một người bạn trên mạng, nick Nguyệt Quang Mẫu Nại nhắn tin cho tôi nói rất đúng, chất lượng phòng đơn đâu chỉ gấp đôi phòng hai người.

Ở phòng đơn, nói năng không cần thì thào, đồ dùng có thể quăng thoải mái khắp nơi, mỗi anh em đều có thể có chỗ cho mình, và quan trọng nhất là, có thể tùy ý đổi kênh ti vi. Thế là mẹ đều đặn xem Chuyện tình Paris, tiếp tục theo dõi Nấc thang lên thiên đường và Ngọt đắng cuộc đời trên các kênh phim ảnh. Còn tôi say sưa với kênh Animal Planet.

Animal Planet có một kỳ chuyên về hổ Bengal, khiến tôi rất ấn tượng.

Ống kính bám theo một con hổ cái mới sinh hai con (hổ đực đi đâu không biết). Hổ mẹ dũng mãnh thiện chiến, bản lĩnh hiếm có, một mình chăm sóc hai hổ nhóc ngây ngô vụng về, dạy chúng săn mồi, làm mẫu cách nín thở theo dõi, từng bước áp sát con mồi, dạy cách điều chỉnh nhịp điệu giữa lúc rình mồi với chồm lên vồ mồi, dạy cách cướp linh dương và ngựa vằn với cá sấu bên bờ sông v.v... Tôi xem hai chú hổ con động tác hệt nhau rạp mình trườn về phía đám linh dương đang ăn cỏ, nhưng mấy lần đều bị lộ khiến đang linh dương cảnh giác lảng xa, cảm giác rất thú vị.

Nhưng quãng thời gian yên ổn chẳng được bao lâu. Lúc hổ con hai tuổi, trên lãnh địa của ba mẹ con hổ sống nương tựa vào nhau đột nhiên xuất hiện một vị khách không mời... một con hổ đực rất lực lưỡng.

Tôi cứ ngỡ hổ đến hai tuổi đã trưởng thành rồi, nhưng nhìn trên màn ảnh, con hổ đực xâm phạm kia còn to gấp đôi, to hơn cả hổ cái. Người làm phim giải thích, hổ đến bốn tuổi mới đủ sức sống độc lập, khi đó nó sẽ rời xa hổ mẹ, đi tới nơi khác mở mang vương quốc của riêng mình. (Lãnh địa của hổ đực thường rộng gấp ba, bốn lần của hổ cái). Còn trước đó, chúng hoàn toàn không phải là đối thủ của hổ trưởng thành.

Trong giọng nói đầy lo lắng của người làm phim, tôi cũng bắt đầu thấp thỏm. Kẻ xâm nhập mang lại cho ba mẹ con nhà hổ mối uy hiếp rất lớn, người làm phim nhớ lại một quang cảnh rất tàn khốc được chứng kiến nhiều năm trước... Hổ đực tàn bạo giết chết hết cả đám hổ nhỏ không phải con mình. Trong tấm hình đen trắng, xác bảy tám con hổ con nằm thành dãy khiến người xem cũng thấy cay cay mũi.

Lúc này hổ mẹ vốn có trách nhiệm bảo vệ hai hổ con cũng phải đối mặt với nguy cơ mất con, bởi vì hổ đực liên tục đến quấy rối nó, ra mặt đòi giao phối.



Hổ đực hiểu rõ rằng, phải giết chết hai hổ con thì mới giải phóng được hổ cái khỏi “trách nhiệm làm mẹ”, nên đang rình rập cơ hội. Hổ mẹ không khoan nhượng, đã quyết liệt đánh lui hổ đực một lần, còn làm bị thương móng vuốt nó. Nhưng hổ đực vẫn lảng vảng xung quanh, đúng là lom lom như hổ đói.

Hổ mẹ hiểu rõ, nó không thể tiếp tục bảo vệ hai hổ con khôn lớn nữa. Nhưng nó vẫn chưa dạy hết các kỹ năng sinh tồn cho hai đứa con. Trong tình trạng đó, dù hổ con rời mẹ đi tới nơi khác, rất có thể sẽ chết đói hoặc bị các loài mạnh hơn săn diệt.

Trong tiếng gầm gừ trầm thấp của hổ đực khi xa khi gần, hổ mẹ đã cân nhắc suốt mấy ngày.

Cuối cùng, người làm phim ghi lại một hình ảnh không ngờ.

Trên con đường rừng, hổ mẹ nằm ra đất, ra hiệu cho hai hổ con. Hai hổ con bèn sán lại bên cạnh, nũng nịu ngậm bầu vú đã hết sữa từ lâu. Hai con hổ cũng đã cai sữa từ lâu đang tỏ ra vô cùng quyến luyến quấn lấy nhau.

Ba con hổ dùng dằng rất lâu. Sau cùng, hai hổ con đứng dậy, ngẩng đầu sải bước ra đi trong tiếng gầm trầm trầm của mẹ. Rời bỏ người mẹ đã không tiếc mọi giá để bảo vệ chúng như thế.

“... Vậy là từ biệt rồi sao?” Người làm phim lẩm bẩm.

Tôi xem cảnh tượng lạ lùng đó mà ngẩn người, có khác gì trong phim hoạt hình Disney đâu.

Người làm phim vẫn kiên trì theo dõi phần tiếp theo của câu chuyện. Năm tháng sau, con hổ cái lại mang bầu. Hổ đực trước đây đe dọa nó bây giờ lại trở thành kẻ che chở cho nó và các con mới sinh. Nhưng hai hổ con ra đi thì không rõ tung tích, rất có thể đã chết đói trước quy luật đào thải vô tình của tự nhiên.

Mãi đến một ngày, người làm phim đang đi tuần tra trên xe jeep, đến một khoảnh rừng thì thấy một trong hai con hổ con (mang đặc điểm cụt đuôi). Hổ con hai tuổi rưỡi mặc dù gầy gò, nhưng cuối cùng đã kế thừa được sự tự tin của hổ mẹ, gầm vang trước con gấu lợn hung dữ, khẳng định lãnh địa của mình, sau một hồi giằng co nó đã đuổi được gấu lợn đi.

“Chúng ta có thể khẳng định, ít nhất hổ mẹ đã thành công với một hổ con sống sót.” Người làm phim nói.

Đây không phải là câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn, tôi cũng chẳng thấy rõ bài học gì từ bộ phim tài liệu này, nhưng trước màn ảnh ti vi giữa đêm khuya, tôi xúc động đến không kìm nén được.



Chuyện kể thêm

Trong quá trình chăm sóc mẹ, xảy ra rất nhiều tình trạng “cố gắng nhiều nhất chưa hẳn là tốt nhất.”

Chúng tôi lo bầu không khí im lặng quá mức khiến mẹ dễ “nghĩ nhiều”, nên hay kể những chuyện buồn cười trong cuộc sống cho mẹ, nhưng có lúc lại phản tác dụng.

Mẹ bắt đầu khó chịu với các “tiết mục” của chúng tôi, cảm thấy chúng tôi cứ chăm chắm vào việc chọc cho mẹ cười mà quên mất mẹ đang không khỏe, không có tâm trí đâu hưởng ứng chúng tôi. Vì vậy mẹ trịnh trọng cảnh cáo chúng tôi đừng chọc cười mình mọi nơi mọi lúc như thế, cũng yêu cầu tôi đừng làm những tư thế kỳ quặc gây cười nữa, mẹ nhìn thấy chỉ càng buồn. Tôi quả thật có chút bẽ bàng, nhưng đặt mình vào vị trí của mẹ, thấy mấy trò gây cười bị phản tác dụng như vậy cũng hợp logic thôi.

Đợt hóa trị thứ hai thuận lợi không ngờ.

Mẹ nói rất thiêng, cuối cùng mẹ đã đòi được ông Trời trả lại công bằng. Chỉ sốt vỏn vẹn ba ngày, tình trạng của mẹ đã bắt đầu ổn định. Sau đó kết quả xét nghiệm các chỉ số máu đều khả quan, nên chỉ nằm viện mười tám ngày, bác sĩ đã tuyên bố mẹ có thể ra viện. So với bốn chục ngày dằng dặc đợt trước quả là Trời xanh có mắt.

Tuyên bố này của bác sĩ khiến chúng tôi thở phào. Bởi vì chỉ còn cách đêm giao thừa không đầy một tuần, chúng tôi rất hy vọng mẹ có thể đón Tết Nguyên đán tại nhà.

Trong đợt điều trị được coi là thuận lợi này, mẹ và chúng tôi đều rất biết ơn chị y tá gặp từ đợt hóa trị thứ nhất, Vương Kim Ngọc. Chị Kim Ngọc chăm sóc mẹ rất cẩn thận, cũng nói chuyện nhà chuyện xóm với mẹ, khiến mẹ hết sức vững tâm tin cậy. Lần nằm viện này, mẹ rất lo sợ lại trắc trở như lần trước, tâm trạng vô cùng bất an nên anh cả bàn với tôi mặt dày đến phòng hộ lý mời chị Kim Ngọc đến phòng bệnh “củng cố tinh thần” cho mẹ.

Chị Kim Ngọc khi biết địa vị của mình trong lòng mẹ rất cao cũng cảm động, kể cả những ngày không trực kíp chăm mẹ chị cũng tranh thủ ghé thăm trước khi ra về, trò chuyện với mẹ một lúc mới đi. Chị Kim Ngọc nói, được bệnh nhân ghi nhớ và hết lòng tin tưởng mình là niềm tự hào lớn nhất của chị kể từ khi làm y tá.

Ôi, thực ra là chúng tôi vui mừng mới phải, gặp được một y tá tốt như vậy có thể giải tỏa những mệt mỏi thỉnh thoảng lại hành hạ mẹ.

Trong bệnh viện, chúng tôi gặp đủ loại y tá. Có những y tá giống chiến sĩ, mỗi động tác đều nhanh như điện xẹt, làm chúng tôi lắm lúc cũng căng thẳng theo. Có những y tá rất ghét nói chuyện với bệnh nhân, có y tá lại chủ động gợi chuyện bệnh nhân. Có y tá giọng rất lớn, lần nào vào phòng cũng hừng hực tinh thần, nhờ đó chúng tôi cũng lây được không ít sức sống.

Theo quan sát của tôi, thông thường các y tá đã có con sẽ tâm lý hơn, nhưng bất luận là loại thiên thần áo trắng nào, người coi công việc là một “nghề” hay một “chí hướng”, sẽ lộ rõ sự khác biệt qua các động tác chăm sóc bệnh nhân.

Chúng tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn, nhưng luôn cầu mong được may mắn.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mẹ Thơm Một Cái

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook