Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 3: Tống Triều

Nhất Lộ Phương Phi

21/08/2021

Lâm Dịch thật khâm phục khả năng làm việc của Tô Minh Kiệt, còn chưa đến bữa cơm chiều, người hầu đã dọn dẹp xong thư phòng nhỏ bên cạnh thư phòng của ông.

Tối hôm nay, lúc ăn cơm, mẫu thân cổ đại lần đầu tiên phá vỡ quy tắc, Thực bất ngôn, tẩm bất ngữ (1).

(1) Thực bất ngôn, tẩm bất ngữ: Ăn không nói, ngủ không nói.

"Lão gia, Tam nhi còn nhỏ, nhất định phải học sớm như vậy sao..."

"Nương!" Lâm Dịch nhanh chóng cắt ngang lời Tô phu nhân, "là hài nhi muốn đọc sách tập viết, sau này muốn giống như nam chính trong vở tuồng kia, thi đỗ Trạng nguyên mang về cho nương, nương, hài nhi làm sai sao?" Nó biết Tô Minh Kiệt là một người gia trưởng, quyết định đã làm thì không cho phép người khác chất vấn. Lời này của Tô phu nhân chỉ khiến ông không thoải mái mà thôi.

Quả nhiên sắc mặt Tô Minh Kiệt không vui.

"Phu nhân không thấy, từ xưa đến nay, từ mẫu đa bại nhân (2) sao? Bà từ nay về sau không được phép lại nuông chiều con, để khỏi nuôi dưỡng thành một kẻ hoàn khố lai (3) làm hổ thẹn thanh danh nhà họ Tô!"

(2) Từ mẫu đa bại nhân: mẹ hiền dạy nhiều con hư.

(3) Hoàn khố lai: loại quần lụa dành cho con nhà quyền quý mặc. Ý nói người được cái mã và vô dụng, thiếu đầu óc.

Từ trước đến nay, hài tử đều là báu vật trong lòng mẫu thân, Tô phu nhân vừa nghe những lời này thì không đồng ý, nắm chặt chiếc bát trên tay, trừng mắt nhìn Tô Minh Kiệt, "Tam nhi thì sao? Tam nhi của tôi không phải là hài tử mang hoàn khố gì cả, là hiếu tử (4), ông không nghe con nói muốn mang chức Trạng Nguyên về cho tôi sao?" Khóe miệng Lâm Dịch co rút. Nương ơi, nói vậy mà người cũng tin là thật sao? Trạng Nguyên cũng không phải chè trôi nước, sao có thể hò hét là tùy tiện thi đậu chứ?

(4) Hiếu tử: người con hiếu thảo.

Tô Minh Kiệt dường như không quen cãi nhau, thở gấp nói: "Ta đã ăn xong, bà nhớ phân phó hạ nhân chuẩn bị nghiên mực và giấy bút." Nói xong liền để bát xuống, đứng dậy bỏ đi.

Tô phu nhân tay nắm chặt chiếc khăn lụa, tức giận, "Lão gia đêm nay chắc lại muốn ở chỗ con hồ ly tinh..."

"Phu nhân!" Lâm ma ma la to một tiếng, Tô phu nhân lúc này mới nhớ tới đứa con bên cạnh, vội lấy khăn che miệng, một lát sau thì khôi phục thái độ bình thường, chắc là cảm thấy Lâm Dịch còn nhỏ nên không để ý lắm.

"Phùng ma ma đâu? Mang Tam công tử vào!"

Gặp tình huống như thế, Lâm Dịch cũng hiểu được là rất xấu hổ, chỉ là biểu hiện ra ngoài thì không tốt, nên đành làm bộ ngây thơ, giờ tốt nhất là nên tránh đi.

Đêm đó, Lâm Dịch nằm trằn trọc trên giường, trong đầu nghĩ đến chuyện ở thư phòng ban sáng. Rốt cuộc bây giờ là triều đại gì, sao đến giờ vẫn không xác định được!

"Công tử, cậu muốn uống nước khôn?" Nha hoàn bên ngoài đứng dậy đốt đèn, cầm nến tiến vào.

"Làm người thức giấc hả?" Lâm Dịch xoay người ngồi xuống, nhìn tiểu cô nương bảy tám tuổi trước mặt. Nếu ở hiện đại chắc vẫn là học sinh Tiểu học, ở cổ đại thế mà đã phải hầu hạ người ta. Mỗi lần nhìn cô bé, nó luôn nghĩ đến cảm giác giống như là ngược đãi trẻ nhỏ vậy.

"Khôn mô, nô tì khi mô cũng ngủ cạn, huống chi chăm sóc công tử là trách nhiệm của nô tì."

Lời nói này làm cho Lâm Dịch xấu hổ vô cùng, may là trời tối đen, nếu không có thể thấy khuôn mặt nhỏ nhắn của nó từ trắng noãn chuyển sang đỏ bừng vì xấu hổ.

"Ta không ngủ được, Nhị Nha, ngươi ngồi tâm sự với ta thì được rồi!"

"Công tử muốn tâm sự cái chi?"



"Nói về người cũng được, chẳng hạn bao nhiêu tuổi rồi, trong nhà có những ai?"

"Nô tì năm ni tám tuổi, trong nhà có tổ mẫu, cha mẹ, trên còn có tỉ tỉ hơn nô tì hai tuổi, dưới còn có đệ đệ hai tuổi..."

"Tỷ tỷ của người không phải gọi là Đại Nha chứ?" Lâm Dịch cắt ngang lời tiểu nha hoàn.

Tiểu nha hoàn trợn mắt, tỏ vẻ kinh ngạc, "Công tử làm răng mà biết?"

Khóe miệng Lâm Dịch không khỏi co giật. Vậy mà còn hỏi sao?

"Công tử thông minh dễ sợ!"

Nhị Nha vẻ mặt sùng bái giơ ngón tay cái lên, "Công tử, cậu thật dã man, rứa công tử có thể đoán được đệ đệ của nô tì tên chi khôn?"

Đây là hỏi kiểu gì vậy?

"Tam Bảo, còn không là Tam Thuận?"

"Công tử, cậu quá lợi hại, mới đoán đã đúng, đệ đệ đúng là tên Tam Thuận, lúc tê cha nô tỳ kêu đệ đệ là Tam Bảo, nhưng mà sinh ra luôn bị bệnh nên thầy bói noái phải đổi tên. Tên Tam Thuận này là do cha nô tỳ nhờ thầy bói thành Bắc đặt cho, noái là đặt tên này, đệ đệ cả đời sẽ hòa thuận. Nô tỳ cũng thấy dễ nghe hơn Tam Bảo."

Thế này mà cũng gọi là đoán sao?

"Nhị Nha, đừng nói với ta là nhà ngươi họ Kim nha!"

Nhị Nha hai tay nắm chặt, hai mắt tỏa sáng, vẻ mặt kích động, "Công tử, cậu còn giỏi hơn cả thầy bói, nhà nô tỳ đúng là họ Kim, nhưng mà thầy tướng số noái tuy rằng nhà nô tỳ họ Kim, nhưng mệnh lý (5) lại thiếu kim, cha mẹ bất đắc dĩ đành..." Tiểu nha đầu nói xong thanh âm dần thấp xuống.

(5) Mệnh lý: sinh mệnh, vận mệnh, số mệnh.

Quả nhiên không có cẩu huyết nhất, chỉ có càng ngày càng cẩu huyết thôi. Kim Tam Thuận, ha, Kim Tam Thuận, đây không phải là tên nhân vật nam chính trong vở tuồng Sơn Tây sao?

"Nhị Nha, tên của ngươi là gì?"

"Tên?" Vẻ mặt nha hoàn nhìn Lâm Dịch khó hiểu, "Tên của nô tỳ chính là Nhị Nha đó!"

"Ta hỏi đại danh của ngươi ấy," Lâm Dịch cho rằng cô bé nghe không hiểu, tốt bụng giải thích, "Giống như công tử ta đây, Phu nhân gọi là Tam nhi, nhưng người khác sẽ gọi là Tô Bác Nghệ, đó mới là đại danh, hiểu không?"

"Nhị Nha chính là đại danh của nô tỳ, hộ tịch và khế ước bán mình đều viết rứa."

Lâm Dịch ngạc nhiên, cảm giác như nó đang trong tình cảnh vẽ rắn thêm chân (6).

(6) Vẽ rắn thêm chân: ý nói làm việc vô nghĩa, không cần thiết. Câu thành ngữ dựa trên điển tích về một người nước Sở, trong một cuộc thi vẽ, vì vẽ xong trước nên mới ngồi ngứa ngáy, vẽ thêm đôi chân cho con rắn. Ai ngờ chân chưa vẽ xong mà đối thủ đã hoàn thành xong bức tranh và dành mất giải thưởng.

Tuy rằng không biết bây giờ là triều đại gì, nhưng có kẻ dở hơi như Nhị Nha điều hòa tâm trạng, Lâm Dịch đêm đó xem như là có một giấc ngủ ngon.

Sáng hôm sau, Lâm Dịch bắt đầu kiếp sống học tập theo người cổ đại. Mỗi ngày từ giờ Mùi đến giờ Thân (đại khái từ một đến năm giờ chiều), Tô Minh Kiệt sau khi từ nha môn về liền đến thư phòng dạy nó vài chữ đơn giản, sau đó bảo nó viết lại không ngừng, viết đến lúc nhìn được mới thôi. Vốn Lâm Dịch cho rằng không sao cả, vì nói thế nào nó cũng từng là sinh viên, viết vài chữ không đến mức là không thể. Cho đến khi cầm lấy cây bút lông đang nằm trên bàn lên, nó mới nhận ra, chữ viết bằng bút lông của nó chỉ mới là sơ đẳng mà thôi. Người đời sau chỉ có thói quen viết bút đầu cứng, khi viết chữ bằng bút máy đòi hỏi cách cầm bút, lực ở đầu bút và tư thế đều khác với bút lông, làm sao mà sửa đây? May mà chữ phồn thể và giản thể không khác nhau nhiều lắm, Tô Minh Kiệt chỉ cần nói một hai lần là nó có thể nhớ kỹ, cho nên lão cha Tri phủ dù không hài lòng với chữ viết của nó, cũng không nói gì nữa, lâu lâu cũng cảm khái vài câu, "Không người nào là giống người nào, đúng là nhân vô thập toàn mà!"



Đặt bút lông xuống, Lâm Dịch uốn éo cổ tay, suy nghĩ lúc ba tuổi cô đang làm gì, hình như không có ấn tượng gì, cùng lắm là đang ở nhà trẻ chơi đùa với đám tiểu quỷ mà thôi, đâu như hiện tại, ngồi ngay ngắn bốn tiếng không thể nhúc nhích, ngay cả người trưởng thành đi làm cũng dành thời gian uống nước trà, đi vệ sinh gì đó để trốn một chút nữa là.

"Công tử, cậu càng viết thì mực càng dính lên tay áo, đây đã là mấy tờ rồi?" Lâm Dịch nhìn tiểu nam hài trước mặt, chắc chưa đến mười tuổi, bộ dạng chỉ tiếc rèn sắt không thành thép của cậu bé mà có chút dở khóc dở cười, đó là con của quản gia Tô phủ, là thư đồng mới của nó, Tô Nghiễn.

Như hắn nói, tay áo này rộng như vậy, sao mà không bẩn được chứ? Nếu muốn không bẩn chỉ có thể vén lên đến đó thôi, nghĩ đến đây, Lâm Dịch nhớ ngày đó Tô Minh Kiệt nhìn thấy nó đem hai tay áo vén lên thì vô cùng nhăn nhó phê bình kiểu "Hành động thô bỉ, xỉ nhục người văn nhã" của nó, khiến Lâm Dịch oán thầm: không phải chỉ có nữ tử mới không thể để lộ tay lộ chân sao, tại sao nam nhân cũng kín đáo như vậy chứ?

Nhưng mà Lâm Dịch không biết rằng, đối với người gọi là văn nhân thanh cao như Tô Minh Kiệt thì hành vi của nó chính là hành vi thô bỉ của kẻ vũ phu, người đọc sách thánh hiền hành động phải đúng mực, ung dung mà bước, huống chi nó là con của Tô Minh Kiệt. Chả qua, thượng có chính sách, hạ có đối sách, khi không có Tô Minh Kiệt bên cạnh, nó liền dùng dây thừng cột cổ tay áo lên.

Ngày ngày, Lâm Dịch thường xuyên lui tới thư phòng, nghe Tô Minh Kiệt "dạy" như thế.

"Chu, xích tâm Mộc, Tùng Bách chúc. Tòng Mộc, nhất tại kỳ trung (7)."

(7) Chu, xích tâm mộc, tùng bách chúc. Tòng mộc, nhất tại kì trung – "朱, 赤心木, 松柏属. 从木, 一在其中": Chữ Chu, tâm là chữ Mộc, chữ Tùng và chữ Bách cũng chứa chữ Mộc bên trong. Chữ Mộc từ đó mà ra.

Nghe thế, vẻ mặt Lâm Dịch kích động, vội ngắt lời hỏi, "Cha, chữ Chu này giải thích thế nào?"

Tô Minh Kiệt tỏ vẻ không hài lòng vì bị ngắt lời, chỉ có điều cũng không quá nóng giận, "Sách Sơn Hải – Tây Hoang Kinh (8) viết cái sơn chi quốc hữu thụ, xích bỉ, danh chu mộc. Hữu chu xích, thân huân dã (9). Sách Kinh Thi – Bân Phong (10) lại viết ngã chu khổng dương (11), nghĩa là Vị chu sắc quang minh dã, kí vị vu nam phương... (12)"

(8) Sơn Hải – Tây Hoang Kinh: chính là Sơn Hải Kinh, bộ sách địa lý viễn cổ của Trung Quốc được xuất hiện dưới thời Tiền Tần. Trong đó chủ yếu mô tả các thần thoại, địa lý, động thực vật, hoáng vật, vu thuật, tông giáo, cổ sử, y dược, tập tục, dân tộc ở thời kỳ cổ đại. Tây Hoang Kinh: hay Tây Sơn Kinh là cuốn thứ hai trong bộ Sơn Kinh, thuộc Sơn Hải Kinh.

(9) Cái sơn chi quốc hữu thụ, xích bỉ, danh chu mộc. Hữu chu xích, thâm huân dã – 盖山之国有树, 赤皮, 名朱木. 又朱赤, 深纁也. : Ở núi Cái Sơn có một loại cây, thân cây vỏ màu đỏ, gọi là Chu Mộc. Vừa đỏ thắm, lại có màu hồng hoang dã. Đọc để biết thêm chi tiết.

(10) Thi – Bân Phong: là Kinh Thi, tập thơ cổ đại lớn nhất Trung Quốc, phần lớn là khuyết danh, chia làm 3 phần lớn là Phong (gồm 160 bài), Nhã, Tụng, tức là ca dao, dân ca và nhã nhạc cung đình. Bân Phong (hay Mân Phong) nằm trong nhóm Thập Ngũ Quốc Phong tức là ca dao của 15 nước chư hầu trong khu vực, tính từ bài 154 trở về sau.

(11) Ngã chu khổng dương – 我朱孔阳: là bài thứ 154 trong Kinh Thi, thuộc tập Bân Phong, chương III, câu thứ 32. "Phần nhuộm đỏ của ta thì rất tươi sáng," dịch thơ là, "Nhuộm đỏ thì trông rất tươi xinh." Chương này trong tập thơ được Chu Hy chú giải như sau, "Việc nuôi tằm đã dự bị xong, thì sau khi chim quyết kêu lên, gai già lại là lúc kéo sợi. Rồi lấy gai ấy kéo thành sợi để dệt vải. Rồi tất cả những vải lụa đã dệt xong đều phải nhuộm, hoặc màu đen ửng đỏ, hoặc màu vàng. Phần nhuộm đỏ thì tươi sáng hơn hết, đều được dâng lên vua mà may quần áo cho Công tử." Xem thêm ở .

(12) Vị chu sắc quang minh dã, kí vị vu nam phương – 谓朱色光明也, 寄位于南方: Ánh hồng quang quyền lực, xuất phát từ phía nam. Chữ Chu – 朱 trong câu mang nghĩa là tươi thắm. Chữ Chu này và chữ Chu trong chim Chu tước –朱雀 là một.

Lâm Dịch không kiên nhẫn ngồi nghe ông khoe chữ, vội nói, "Cha, trong Bách Gia Tính có họ Chu không?

"Tam nhi, không được có cử chỉ đường đột, vô lễ như vậy!" Sắc mặt Tô Minh Kiệt không vui, nhưng vẫn giảng giải cho Lâm Dịch, "... Tưởng Trầm Hàn Dương, Chu Tần Vưu Hứa (13),... Tự nhiên khắc có chữ Chu. Chữ Chu này chính là thế gia vọng tộc."

(13) Tưởng Trầm Hàn Dương, Chu Tần Vu Hứa – 蔣沈韓楊, 朱秦尤許: Là câu thứ 2 và 3 trong Bách Gia Tính, liệt kê 8 họ, trong đó có họ Chu đứng thứ 17, hàng thứ 3, nên được xem là một trong những họ danh giá đương thời. Xem để biết thêm.

Lâm Dịch cảm thấy trong sự lý giải phức tạp của ông, đáp án càng lúc càng gần, lúc này tim đập nhanh, có cảm giác như bị nhảy khỏi lồng ngực, quan sát thần sắc của Tô Minh Kiệt cẩn thận, rồi thử mở miệng, "Điều này... Đương kim Thiên tử có phải là họ Chu không?"

"Chớ nói bậy!"

Tô Minh Kiệt đột nhiên từ trên ghế nhảy dựng lên, hướng nó quát khẽ, làm Lâm Dịch sợ đến mức rùng mình, sau đó thấy ông nhìn hướng đông thở dài, "Đại Tống ta mênh mông, họ của Thiên tử là quốc tính, tất nhiên chính là họ Triệu, sao lại là họ Chu? Con về sau không nên nói năng bừa bãi, để tránh phải họa diệt môn."

Mặt Lâm Dịch trắng bệch, nó chút nữa thì quên mất, ở thời đại này không phải tự do ngôn luận, cho dù nói một câu cũng đều có thể mang tội danh bất kính, khiến cả nhà bị tịch thu tài sản, giết chết như kẻ phạm tội, còn có thể liên lụy cả cửu tộc.

Lời tác giả: Bối cảnh truyện là lịch sử giả tưởng, tác giả học khoa học tự nhiên, chỉ hiểu lịch sử nửa mùa, thích tìm tòi, nghiên cứu lịch sử mà thôi, xin độc giả đừng quá khắt khe.

_______________________

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
cô vợ thay thế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Mộng Cổ Xuyên Kim

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook