Một Khúc Tranh Sương

Chương 1

Hạch Phạn Bạch

01/10/2019

Tháng bảy mùng ba, Kinh Thành.

Bầu trời đượm màu rét mướt chưa tan, mây cao ươm một màu sương mờ buốt lạnh. Dân Kinh Thành đông đúc, nhộn nhịp, đường lớn sầm uất thênh thang mọi rẽ.

Triều Bình Quốc quanh năm bao bọc trong cái rét đông tàn nên dân chúng ít khi trải nghiệm tròn vẹn cảm giác nóng ấm của mùa hạ oi bức, ngày thì thoáng đãng chút hương nắng lành lạnh, đến tối lại đón lấy sương giá ê ẩm. Vào mùa thu se lạnh, cây cối rậm rạp chuyển màu sậm, lá già rụng rời hoa cỏ chớm nụ non. Đến đông thì trời chuyển sương bạc, quanh đường lớn đượm gió rét thoang thoảng, tuyết trắng xóa phủ nặng.

Tên gia đinh ôm một giỏ ắp đầy táo đi thẳng vào cổng lớn phủ Nam Định Vương, bước chân gã rất chậm, hai tay gầy guộc ôm giỏ không dám dùng lực, cứ vậy mà ôm nhẹ nhàng thả chậm rì rì từng bước một.

Quản gia Hồ từ phòng chính chạy ra, vội đón lấy giỏ táo từ tay gã gia đinh, hỏi:

“Cam, quýt và nho, đã hái xong chưa?”

“Xong rồi ạ. Tụi A Kiên đang đem vô.”

“Vậy thì tốt. Bây giờ ta sẽ đưa đến thư phòng, ngươi đi giúp bọn kia khiêng nốt đồ còn lại vào xe ngựa.”

Sau khi dặn dò xong, quản gia Hồ ôm giỏ táo đến thư phòng mé Tây trong Vương phủ. Cách cửa thư phòng vỏn vẹn bốn bước, quản gia Hồ khom lưng hành lễ:

“Bẩm Vương gia, đồ đã được đem đến.”

“Vào đi.”

Từ trong phòng truyền ra một giọng nam, nghe vào đặc biệt uy nghiêm.

Quản gia Hồ khum núm đẩy cửa đi vào, cẩn thận đặt giỏ táo lên bàn, không dám nói nhiều càng không dám nhìn loạn.

“Đây ạ.”

Sau tấm rèm trân châu là một bộ bàn thư án kê giữa góc, tay trái đặt kệ gỗ sách bốn tầng, tay phải đặt chiếc tủ vuông trang trí sứ gốm. Màu tường phòng lấy gỗ nâu làm chủ đạo, đơn giản lại trang nhã.

Người ngồi sau thư án, tóc đen đỗ dài trên đôi vai, một thân áo gấm đen mộc mạc giản dị, tay cầm bút lông, chấm mực nước vẽ vài nét cứng cáp lên trang giấy trắng, một chữ Sương mềm mại, tinh tế cứ vậy được viết thành. Chàng dừng bút rửa tay, vén rèm bước ra, quản gia Hồ đã biết ý lui xuống từ trước.

Trên bàn tròn, một giỏ táo đỏ mọng đang nằm im đó. Triều Quân Ngọc chậm rãi bước đến, cầm một quả lên ước lượng.

Tròn, căng mọng lại nhiều nước.

Quả nào cũng như nhau, độ to đồng cỡ, đỏ chín gần mười. Triều Quân Ngọc hài lòng để xuống, động tác đặc biệt dịu dàng.

Sương nhi rất thích hoa quả mọng nước ngọt, chàng còn nhớ Sương nhi thường lựa những quả táo chín mềm vỏ, ngọt lịm thịt quả bên trong.

Năm ấy, Sương nhi mười hai tuổi ủ ấp quả táo đỏ mọng trong lòng bàn tay, cắn một miếng, miệng nhỏ dính đầy nước táo, đôi mắt tròn xoe như trăng rằm ánh đầy ý cười khi nhìn chàng, thỏ thẻ nói:

“Táo ngọt quá, Sương thích lắm. Triều thúc thật tốt.”

Năm đó, Triều Quân Ngọc cảm thấy dáng vẻ khi ngoạm táo của nàng đặc biệt đáng yêu, vì vậy cứ mỗi năm đến mùa vụ táo chín là lại sai người hái đầy giỏ lớn tặng nàng, ngắm nàng bọc từng quả trong tay rồi cắn từng lớp vỏ thịt quả, lòng lúc ấy không hiểu sao ấm áp đến lạ, bình yên đến lạ. Đêm đến, cùng nàng thưởng thức táo ngọt, ngắm hoa đào nở và những sao đầy trời.

Nhiều năm sau, táo vẫn nở đầy một núi, đáng tiếc, người cùng chàng thưởng táo mỗi đêm đã không còn…

Triều Quân Ngọc khẽ cười một tiếng, lòng bùi ngùi đến chua xót.

Sương nhi ơi Sương nhi, đời này chỉ khẩn cầu trời cao ban cho Ngọc lang thêm cơ hội bên cạnh nàng, bao đời đày đọa cứ để mình Ngọc lang chịu thay.

Ba ngày sau.

Trước cổng phủ Nam Định Vương chuẩn bị hơn mười chiếc xe ngựa trở đầy hành trang, hộ vệ và nha hoàn xếp thành hàng dài theo sau tháp tùng, dân chúng trăm dặm bu quanh, dòm ngó chòng chọc rồi xì xầm tiếng lớn tiếng nhỏ.

“Hôm nay Nam Định Vương sẽ đến thành Vinh Châu thị sát, mới sáng sớm trong cung đã đưa đến cả trăm rương đồ quý giá, nghe đâu là do đích thân Thái hậu tự mình lựa, Hoàng thượng còn tự mình tuyển ra hộ vệ giỏi nhất trong cung để đưa đến chỗ Nam Định Vương.”

“Cơ mà, thành Vinh Châu nhỏ bé, quy mô lại hạn hẹp, Nam Định Vương đến đó thị sát cái gì mới được?”

Có người trả lời thay: “Chắc hẳn là có nguyên do, nếu không tự dưng đến cái xó xỉnh nhỏ xíu như thế làm gì.”

Lời bàn tán dần dần xôn xao hơn, chốc chốc đã nhộn nhịp nổi khắp đường, trong tiếng xì xào ồn ã đoàn xe ngựa Nam Định Vương bắt đầu khởi hành, ra khỏi phố lớn Kinh Thành, một đường qua cổng thành Đại Môn.

Thành Vinh Châu nằm gần vùng Hà Bắc thuộc tỉnh miền Tây Cương xa xôi, do hai gia tộc Nguyên gia và Đồ phụ trách cùng nhau quản lý, quanh năm Vinh Châu chịu cảnh mùa vụ khô cằn, dân tình sinh sôi mở rộng quy mô đất những năm qua mãi chỉ dừng ở mức đủ dùng, không hơn từ dư dả, không dưới từ khổ cực. Nguyên gia và Đồ gia quản lý Vinh Châu không tồi, song, bề ngoài thì yên ổn thực tế bên trong lại nổi sóng liên miên.

Triều Quân Ngọc vén màn cửa xe nhìn ra ngoài, rừng núi một màu xanh ngắt xào xạc, thổi bừng ngọn gió đông từ khe núi sông thoảng qua. Chim chóc từ phương Nam bay về núi trụ tổ, từng đàn từng đàn đáp sông băng rừng.

Nguyên gia đóng trụ nhà tổ ở hướng Nam Tây Cương, nhân khẩu trên trăm, chi hai chi ba vô cùng đông đúc. Chi nhất Nguyên gia có trưởng tử Nguyên Hằng ngoài bốn mươi giữ chức quan tỉnh Vinh Châu, tính tình cẩn trọng, làm người nghiêm túc.

Đồ gia thì ở hướng Đông Tây Cương, nhân khẩu không nhiều, có nhị nhi tử Đồ Vinh Nam thuộc chi ba giữ chức quan huyện Vinh Châu, tuy còn khá trẻ song thành tích làm việc không tồi, khá được dân nơi đó kính trọng.

Triều Quân Ngọc khẽ tựa vào nệm gấm, xoa nhẹ chiếc nhẫn ngọc trên ngón cái, mắt thăm thẳm trăm điều suy nghĩ.

Năm nay là Triều Bình Quốc Tư Thành Đế thứ mười lăm, Vinh Châu trong giai đoạn khai thác đường núi, Tây Cương bình ổn giặc Mang Liêu mới ba năm. Cuối tháng bảy năm Bính Tuất, Nguyên Tranh Sương chín tuổi từ trấn Cồ Mồ đưa về Nguyên gia ở Vinh Châu, sống cùng chi thứ hai Nguyên gia, mẫu thân Bằng thị, phụ thân Nguyên Tề Khiên.



Đầu tháng tám, trước lễ tế tổ đất Vinh Châu thị trấn Thanh Thủy bỗng xảy ra bệnh dịch giữa mùa vụ, hai nhà Nguyên gia và Đồ gia không may mắc phải bệnh dịch… Trong số người bị mắc phải có Nguyên Tranh Sương, vì tránh tình trạng lây lan, Nguyên lão gia đưa những người bệnh lên chùa hoang trên núi, cạo hết tóc tẩy sạch điềm xui.

Triều Quân Ngọc đặt tay lên ngực, khẽ khép mắt.

Tóc của Sương nhi mượt mà như tơ, óng ả như lụa, năm nay chắc hẳn đã dài qua lưng, chàng trân quý, nâng niu như ngọc bảo, hận không thể mỗi ngày tự mình chải lấy, kẽ từng đường lược âu yếm, vuốt ve từng cái sờ nắm, ắt có thể để đám dơ nhuốc ấy cắt mất.



Sương mù thức giấc sau một đêm thăm thẳm còn vương chút cái rét đâu đây, núi non, rừng xanh xa xa phủ gió rào bọc mưa sương, khi nắng vàng nhạt trồi tỉnh sau những áng mây thênh thang ngút ngàn, rọi xuống đất cằn, bao tròn một vùng hương nắng ấm áp.

Trong gian bếp nhỏ, khói trắng mịt mù dấy nặng, bay ra sân rồi thoảng bừng tận tít xa. Thím Vương chậm rãi rọt vỏ khoai tây, một giỏ nhỏ đầy lát khoai cắt mỏng, ngâm chung nước đường phèn đun sôi, tự nhiên sẽ thành chè khoai tây bột đường bổ dưỡng.

Nha hoàn Thúy Vân bưng một chậu nước ngâm bắp cải bước vào, dòm lão Trương đang loay hoay xào rau, lại ngó sang lão Hà xắt lát bầu non, hỏi một câu:

“Phần thịt tháng này chưa được gửi đến sao thím?”

“Chưa.” Thím Vương buồn bã lắc đầu: “Cũng không biết thịt có đến tay không nữa…”

“Bên chỗ phu nhân sáng nay đã nhận được hai ký thịt heo, bốn ký xương bò và năm cân đùi gà, chỉ có chỗ tiểu thư của chúng ta là chưa nhận được.”

Thúy Vân hậm hực đặt mạnh chậu lên bàn, tức mình nói:

“Bạc phân vào mỗi tháng đều bị phu nhân xén bớt ba phần, phần còn lại chỉ đủ chi tiêu cho việc mua nguyên liệu ba bữa trong hai tháng, xiêm y của tiểu thư đã cũ rồi, tróc vải sờn mòn cả chỉ, ấy vậy mà cũng không được đổi cái mới.”

“Biết sao giờ, ngoài chịu đựng còn biết làm gì nữa.”

Thím Vương rọt xong khoai thì nghỉ tay nói, giọng buồn buồn thườn thượt.

Thúy Vân quê quán gốc ở trấn Cồ Mồ, từ nhỏ theo hầu Chương lão phu nhân, mẫu thân của phu nhân Bằng thị thuộc chi thứ hai Nguyên gia, sau này thì chuyển qua hầu hạ Nguyên Tranh Sương. Năm Nguyên Tranh Sương bốn tuổi đầu thì đỗ bệnh nặng, đưa lên chùa nhờ sư thầy xem giúp thì ông đã phán rằng một câu: Mệnh rủi đen, bệnh tật quấn thân liên miên, dẫu là thuốc tiên cũng phải thua.

Bằng thị bèn gửi con gái nhỏ về quê trấn Cồ Mồ nhờ mẫu thân tức là Chương thị săn sóc hộ. Qua năm năm dài, Chương lão phu nhân sức khỏe bắt đầu gặp vấn đề, đầu tháng hai năm ngoái không may đã qua đời. Vài tháng sau đó, Nguyên gia đón Nguyên Tranh Sương về lại nhà tổ ở Vinh Châu.

Cuộc sống ở Nguyên gia đủ ấm đủ no, song mức độ chỉ dừng đó chẳng hơn. Chi thứ hai Nguyên gia lệ thuộc vào chi nhất từng mọi việc lớn đến nhỏ, là dòng gánh yếu kém, không tiếng nói nhất ở Nguyên gia.

Nguyên Tề Khiên năm nay đã ba mươi, dưới gối con cái có hai trai, ba gái, một chính thất và năm thị thiếp. Nguyên Tranh Sương xếp thứ tư, trên Nguyên Ngạn Anh, dưới Nguyên Lan Chi.

Đưa giỏ khoai cho lão Hà, thím Vương lại dặn Thúy Vân vài câu, sau đó mới đến phòng ngủ của Nguyên Tranh Sương.

Phòng không lớn, hai buồng tầm trung và một buồng nhỏ hẹp, chăn gối trên giường đã được xếp gọn gàng đặt trong góc, phần nệm vải còn được vuốt phẳng phiu. Thím Vương để khay trà lên bàn, đưa mắt nhìn xung quanh tìm bóng dáng Tranh Sương.

Phòng vắng hoe không có ai, nệm lạnh ngắt hẳn là cô bé đã thức dậy từ rất sớm. Thím Vương suy nghĩ hồi, quyết định đến buồng sách nhỏ kế phòng ngủ xem thử, quả nhiên, trông thấy bóng dáng gầy gò của Tranh Sương đang ngồi cạnh bàn.

Cô bé mặc trên người chiếc áo vải màu xanh nhạt và quần dài trắng, tóc buộc tròn, tay nhỏ cầm chiếc bút lông cũ dính mực ướt, hơi cúi đầu cặm cụi tập viết.

Thím Vương đi qua hỏi:

“Tiểu thư có muốn ăn chút gì không?”

Tranh Sương ngước nhìn thím Vương, gật gù nói nhỏ:

“Cơm… canh rau, khoai hấp…”

Đây là những món cô bé hay ăn, hầu như sáng nào cũng dùng.

“Chè khoai tây đường đang được nấu. Tiểu thư cố đợi một lát nhé.”

Lo Tranh Sương sẽ đói bụng, thím Vương bèn đi lấy ít bánh ngọt trong nhà bếp đến.

Tranh Sương gật đầu nữa, không nói gì viết chữ tiếp, con chữ nhỏ chi chít trên giấy, đường nét xiêu vẹo hết cong rồi thẳng. Lát sau, thím Vương bưng một đĩa bánh đậu xanh vào, bánh hình tròn loại nhỏ, màu vỏ bánh xanh biếc, vụn đậu dằm nhuyễn rải đều trên mặt bánh. Tranh Sương ăn hai cái là nghỉ, thấy thế thím Vương bèn dỗ dành nàng bắt ăn thêm một cái nữa mới đem đĩa về bếp cất.

Thúy Vân đang ngồi lặt rau, thấy thím Vương bưng chiếc đĩa còn xót một miếng bánh đậu xanh vào thì hậm hực trách:

“Bánh khô cứng, nhân trong dấy mùi mốc, thím còn lấy cho tiểu thư ăn ư?”

“Đâu có bị mốc nhiều, còn ăn được đó thôi. Tiểu thư đang đói nên tôi lấy tạm cho cô ấy ăn lưỡng bụng trước.”

Thím Vương tự thấy mình làm vậy không có gì sai, bánh cũng đâu mốc meo hoàn toàn, còn ăn được nên bà mới dám lấy cho tiểu thư ăn đó chứ.

Thúy Vân cười khinh một tiếng nhỏ, không cãi vã chi thêm nữa. Thím Vương không xấu chẳng qua tính tình quá chắt bóp chi li, cái gì cũng muốn tiết kiệm dành dụm thành thử từ khéo thành vụn, từ tỉ mỉ cẩn trọng thành quá quắt quá phận khiến người ta ngứa mắt.

Lối suy nghĩ đơn giản như thế sớm hay muộn cũng gặp họa trời giáng.

Sau khi ăn sáng xong, Tranh Sương được thím Vương dắt đến viện chi hai thỉnh an Bằng thị. Sáng sớm nổi gió lớn, mây dày che khuất nửa trời, chiếc áo vải trên người Tranh Sương hơi mỏng, khí lạnh dần dần luồn vào người, cô bé run run đôi chân, tay ửng đỏ rụt mạnh vào tay áo.

Thím Vương nắm chặt tay Tranh Sương, vừa đi vừa luôn miệng hối thúc:

“Tiểu thư đi nhanh lên, đến trễ sẽ bị phạt đấy.”



Tranh Sương bặm môi, tay bị nắm hơi đau, cô bé nhìn đôi chân nhỏ xìu xiu của mình rồi lại nhìn sang vẻ mặt vội vàng của thím Vương, đằng cắn răng chịu lạnh bước thật nhanh.

Đường từ đây đến viện chi hai khá xa, băng qua hai con đường hẹp lát đá sỏi và ba khu hành lang dẫn ra sau viện, lúc đến nơi, Tranh Sương mặt mày đỏ rực, trán nhễ nhại mồ hôi, thở hồng hộc đến bệch môi. Thím Vương cứ giục giã liên tục, bảo phải dành được vị trí thỉnh an đầu tiên, chứ để người khác nhanh nhảu chiếm mất thì sau này chẳng còn địa vị gì nữa.

Tranh Sương nghe tới đâu thì gật tới đó, mấy lần đứng không vững suýt té ngửa.

Mắt thấy đằng xa tiểu thư Nguyên Lan Chi bảy tuổi sắp được nhũ mẫu dắt đến, thím Vương gấp gáp gõ inh ỏi lên cổng viện, đợi khi có người mở cổng rồi mới chịu ngừng. Bà lẹ làng bắt lấy tay Tranh Sương kéo đi một mạch vào phòng khách.

Nhị phu nhân Nguyên gia – Bằng thị tựa người vào nệm vải sau lưng ghế, ngón tay thon dài xoa chiếc vòng ngọc cẩm thạch trên cổ tay, mắt kẽ màu đậm ngước nhìn thím Vương và Tranh Sương đứng đối diện, giữa chừng bà kéo Tranh Sương đến trước mặt, xắn cổ tay áo cô bé lên xem, hết sờ rồi nhìn chòng chọc rất lâu.

Tranh Sương run run tay, đầu cúi thật thấp không nói câu nào.

“Ốm quá, gầy như tre, cho ăn bao nhiêu mà chẳng tăng lên được chỗ thịt nào.”

Bằng thị kéo cổ tay áo Tranh Sương xuống, mặt nhăn nhó không vui.

Ngạn Anh mười một tuổi đã có dáng dấp thướt tha, thanh thú, Lan Chi bảy tuổi mủm mỉm lại xinh xắn, riêng mỗi Tranh Sương là gầy nhom đen đúa, quanh năm suốt tháng còn bệnh hành liên miên.

Thím Vương xen vài lời nói đỡ:

“Thể chất tiểu thư vốn yếu ớt dễ mắc bệnh, tuy có cho ăn đúng bữa đàng hoàng nhưng mà dinh dưỡng vẫn không đủ. Mấy món chính đều là rau củ, thịt cá dăm bảy ngày mới có lần, tiểu thư còn đang trong tuổi chập chững ăn nhiều thành thử…”

Bằng thị bỗng ngắt ngang:

“Chín tuổi rồi còn nhỏ gì nữa, Lan Chi mới bảy tuổi mà đã học người tu Phật ăn chay đều đặn, cả tháng không thịt cá cũng chẳng rên rẩm đòi hỏi.”

“Dạ phải.” Giọng điệu Bằng thị đầy ý so sánh, ý kiến nhiều sợ lại rước khổ nên Thím Vương ngoài gật gù ra cũng không biết làm gì hơn.

Tiểu thư Lan Chi chán chê thịt mỡ tanh tưởi nên hàng ngày chỉ dùng món chay thanh đạm dễ nuốt, nói cho cùng vẫn là đầy đủ quá rồi nên ngán ngấy không thích nữa. Cơ mà tiểu thư Tranh Sương thì đâu giống thế…

Nói xong những lời đó nét mặt Bằng thị bỗng mất tự nhiên, có lẽ chính bà cũng nhận thấy lời nói của mình có bao nhiêu vô lý và ngang ngạnh, dẫu sao sức khỏe của Tranh Sương cũng yếu ớt hơn các tỷ muội trong nhà, đáng lẽ không nên so sánh khắt khe như thế.

Bằng thị lảng sang chuyện khác, hỏi sáng nay ăn gì, tập rèn chữ nghĩa đến đâu rồi, thuốc đã uống chưa, trong bếp còn bao nhiêu thang?

Tranh Sương cúi đầu đứng im một chỗ, chẳng nói chẳng rằng. Thím Vương thay nàng trả lời từng việc một, chốc chốc lại xum xoe nói cười lấy lòng Bằng thị.

Một lát sau, nhũ mẫu dắt Nguyên Lan Chi đi vào thỉnh an Bằng thị. Cô bé mặc chiếc áo bông màu thạch lựu, quần dài đến gót chân, tóc thắt bím hai nhánh nhỏ, khuôn mặt tròn trịa trắng trẻo.

Bằng thị bế Lan Chi đặt lên đùi, dịu dàng hỏi bé về việc đọc sách mấy ngày nay, Lan Chi ngoan ngoãn trả lời cụ thể từng câu, chất giọng ngọt ngào lại thêm tiếng cười khúc khích đáng yêu, chọc Bằng thị vui vẻ cười suốt. Một hồi sau, Bằng thị gọi Tranh Sương đến bên cạnh, quan tâm hỏi than về việc ăn uống, ăn mặc hàng ngày. Tranh Sương cúi đầu nói dạ rồi vâng, môi mím suốt không hé nỗi một ánh cười.

Ý cười đọng trên môi Bằng thị thoáng tắt ngấm, bà thở dài, bảo nha hoàn đưa thím Vương một túi kẹo mạch nha rồi mới chậm rãi nói:

“Tranh Sương thân thể yếu ớt tránh để ra gió, thím mau đưa con bé về đi.”

Tranh Sương quỳ xuống lạy hai cái, sau đó được thím Vương dìu đứng dậy, ra đến cửa, Tranh Sương bỗng ngoái đầu nhìn lại, trông thấy Lan Chi được Bằng thị ôm trong lòng săn sóc vỗ về dịu dàng.

Lan Chi cũng thấy Tranh Sương, đôi mắt đen lúng liếng tràn ngập tò mò, nhưng nhiều hơn vẫn là sợ sệt, chút xa lạ mơ hồ.

“Tiểu thư, đi thôi.” Thấy Tranh Sương cứ đứng im không chịu đi, thím Vương vội nắm chặt tay nàng nhắc nhở.

Đã có tiểu thư Lan Chi, họ ở đây có khác gì làm nền cảnh cho người ta.



Thời điểm đoàn xe ngựa của Nam Định Vương đến thành Vinh Châu đã là mùng mười dưới tháng bảy, nghe theo chỉ định từ Nam Định Vương, toàn thể đoàn sẽ nghỉ tạm ở trạm xá ngoài thành trong hai ngày kế. Rương hành trang chật ních một kho xe, hòm bạc hòm vàng chất cả chồng cồng kềnh.

Sáng sớm, nhóm gia đinh khiêng hai chiếc rương vàng vào phòng riêng theo lệnh Nam Định Vương, bộ rương nặng trịch tựa bao đá trăm cân, một nhóm mười người dốc sức mới vác khiêng nỗi.

Triều Quân Ngọc thay một bộ gấm bạc, điềm nhiên ngồi bên bàn phẩm trà mới châm, đợi gia đinh lui xuống gần hết mới đứng dậy đi xem hai chiếc rương lớn đặt trong góc phòng. Rương bị khóa chặt bằng ổ khóa vàng, Triều Quân Ngọc mở bằng chìa khóa nhỏ đã chuẩn bị từ trước.

Trong rương đầy ắp một xấp gấm vóc rực rỡ, vải lụa, tơ tằm, dày mỏng vô vàn. Triều Quân Ngọc sờ nhẹ lên mặt tấm vải màu trắng, nụ cười dần hiện trong mắt.

Tà váy tinh khôi phấp phới nhè nhẹ, tóc đen óng ả lững trong gió chiều, lan trắng rụng lả tả đầu tháng chín se lạnh, nàng nắm làn váy xoay vòng rồi lại xoay vòng, hứng hương hoa đón sương ấm.

Sương nhi cầm chiếc giỏ trúc xinh xắn tung tăng trên đất thảo nguyên bao la, ngâm nga bài xướng “Chàng chèo đò đất Thiên.”

Nàng níu tay áo chàng, tủm tỉm bảo:

“Có nàng thỏ rừng tương tư chàng ngựa chiến oai phong, nguyện làm chim anh yến, bầu bạn bên chàng mỗi ngày.”

Triều Quân Ngọc đậy lại rương, tơ máu giăng trong mắt, hoài niệm ngâm một câu:

“Thỏ rừng dại khờ dâng mình, ngựa chiến lại vô tình chẳng đoái hoài, để rồi phải nát tan cõi lòng khi thấy nàng chôn mình trong tuyết rét quạnh quẽ.”

Năm ấy, bão tuyết chôn sâu một mối tình tương tư, vùi mất nỗi hận thiên thu, cũng phủ kín máu nhuộm đất trắng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
tuyết ưng lĩnh chủ
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Một Khúc Tranh Sương

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook