Những Ngôi Sao Tan Vỡ

Chương 3: Oan gia ngõ hẹp

Violet Lady

29/07/2015

Ngoài Cao Thái Sơn ra thì tôi còn hâm mộ cuồng nhiệt Trịnh Thăng Bình. Hâm mộ đến độ anh ấy hát bài nào tôi cũng thấy hay. Suốt cả học kỳ một năm nhất, tôi tua đi tua lại hết “Trễ Giờ” lại đến “Pha lê tím”, kết quả là ba năm rưỡi còn lại luôn đứng đầu top đi học muộn, yêu một anh chàng tâm hồn mỏng manh như pha lê và thích mặc quần đùi màu tím.

Đi học muộn. Đó cũng chính là lần đầu tiên tôi gặp Quang Anh.

Tối hôm trước vì ham hố uống cà phê, xem phim ma nên cả đêm tôi trằn trọc lăn lộn mãi không ngủ được. Lại thêm con mèo hoang động đực nào đó kêu gào thảm thiết trên mái nhà. Tiếng kêu như tiếng trẻ con nỉ non hờn khóc trong đêm khuya, càng khiến tôi mất ăn mất ngủ. Nằm dặt dẹo mãi đến gần bốn giờ sáng, con mèo hoang thỏa mãn xong hớn hở bỏ đi, tôi mới gục xuống ngủ được tí. Đến khi choàng tỉnh dậy thì điện thoại đã chỉ 6:50.

Chợt nhớ ra sáng nay có bài kiểm tra, tôi quăng vội điện thoại, ba chân bốn cẳng thay quần áo, phóng như bay đến trường. Răng không kịp đánh, đầu không kịp chải, miệng thối như tre ngâm. Nhớn nhác gửi xong cái xe đạp, đang định chạy vù vù vào lớp thì tự nhiên bị thầy quản sinh đứng lù lù trước cổng chặn lại. Tôi vội vã phân trần:

- Thầy ơi cho em vào nhanh đi! Em sắp có bài kiểm tra tư cách rồi!

Thầy lạnh lùng như con thạch sùng:

- Đi học mà dám lê đôi tổ ong huyền thoại đến hả? Lượn ngay cho khuất mắt tôi!

Tôi cúi xuống nhìn chân. Ối giời! Hồi nãy đi vội quá, xỏ nhầm đôi tổ ong thần chưởng mất rồi. Nhìn xung quanh, tôi thấy cả đống “nhi đồng thối tai” khác cũng đang trong tình trạng bị đuổi về như mình. Cháu thì mặc quần bò, cháu thì nhuộm tóc, cháu không mặc áo đồng phục, cháu lại đeo dép lê v.v... Đặc điểm chung là các cháu đều không tuân thủ đúng nội quy đồng phục của trường và bị đuổi thẳng cổ ra ngoài. Cháu nào cháu nấy đứng nhìn vào bên trong với ánh mắt hau háu thèm thuồng. Rất tội nghiệp.

Có thể nói quy định nghiêm ngặt về trang phục chỉ là một trong vô vàn “đặc sản” của trường bán quân sự như trường tôi. Làm gì có trường đại học nào mà sáng thứ ba và thứ năm hàng tuần đều có quản sinh đứng kiểm tra đồng phục, tóc tai, giày dép, thẻ sinh viên trước cổng trường. Những ngày còn lại thì bất cứ lúc nào cũng có thể bị quản sinh đi “săn lùng ráo riết” trong giờ học. Lại còn xuân thu nhị kỳ, mỗi tháng một lần dậy sớm đi chào cờ từ lúc sáu giờ sáng. Bởi vậy, nhờ có những năm tháng “sống trong sợ hãi” đó mà sinh viên Hàng Hải rèn luyện được kỹ năng sống chung với lũ rất cao. Kỹ năng lách luật và quay bài đã đạt tới cảnh giới siêu đẳng.

Thôi không chém gió nữa, trở về vấn đề chính.

Bị thầy quản sinh đuổi ra ngoài, dùng khổ nhục kế van xin khóc lóc mãi không được, tôi đành lê bước đến ngồi xuống cái bồn hoa cạnh nhà để xe. Mặt dài thuỗn ra như cái bơm. Viễn cảnh bị trượt tư cách đi thi cuối kỳ vì không có bài kiểm tra khiến tôi mụ mị hết cả đầu óc. Không lẽ bây giờ gọi điện nhờ Củ Hành phi dép ra ứng cứu. Đang đần mặt nghĩ cách thì tự nhiên gã hâm ngồi bên cạnh (chính là siêu anh hùng JJ sau này) lay lay tay áo.

- Này bạn ơi...

Mặt tôi nhăn như khỉ:

- Gì thế hả bạn?

Gã hâm nở nụ cười ngốc nghếch, khuân mặt búng ra sữa.

- Tớ trông bạn quen lắm, hình như mình đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải.

Ôi giời! Kiểu làm quen đấy lỗi mốt từ thời Napoleon cởi truồng rồi bạn ơi. Mấy giờ rồi mà còn lừa gái kiểu này? Tôi nhếch mép cười đểu, hùa theo hắn:

- Ôi vậy hả bạn? Đúng là có duyên ghê cơ. Thế chúng ta đã gặp nhau ở đâu thế? Trong mơ hay từ kiếp trước?

Gã hâm vẫn rất nhiệt tình:

- Thật mà, tớ với bạn đã gặp nhau rồi mà. Hôm chủ nhật tớ đi sinh nhật thằng bạn bên khoa Vỏ thì gặp bạn và người yêu nó đi cùng nhau. Hôm đó, tớ còn song ca với bạn bài Tình ca Tây Bắc. Bạn hát vừa phô vừa sai lời, bạn có nhớ không?

Đùa... Từ cái lỗ nẻ nào chui ra đứa vô duyên thế nhỉ? Dù vô duyên nhưng gã này cũng tạm coi như có chút thật thà. Tôi rất muốn tạt một xô nước lạnh vào mặt hắn, những câu kiểu như: “Trời ơi trùng hợp ghê! Thế hôm ấy bạn mặc quần đùi màu gì thế? Hồng nữ tính hay tím thủy chung?” Nhưng may là kìm lại được. Tôi nén giận, điềm đạm hết sức có thể:

- Ờ, thế thì đúng rồi. Nhưng hôm ấy nhiều người quá nên tớ không nhớ rõ. Bạn học cùng lớp với Trung à?

- À không, tớ học khoa Máy tàu biển. Lớp tớ với lớp Trung có giao lưu đá bóng vài lần nên chơi thân với nhau. À, mà sao bạn phải ngồi đây? Con gái như bạn mà cũng bị bắt lỗi trang phục à?

Nói xong gã hâm liếc nhìn đôi tổ ong huyền thoại dưới chân tôi, vẻ mặt có chút giễu cợt. Khoan nhượng với kẻ thù là độc ác với chính mình – Các cụ dạy cấm có sai tẹo nào. Ngoài Củ Hành ra thì những thứ liên quan đến tên Trung đê tiện kia đúng là không thể tiêu hóa nổi. Dạ dày trâu bò cũng không thể tiêu hóa nổi. Tôi liền cau có:

- Con nào mà chả là con. Tại sao bạn được mặc quần Jean đến trường còn tớ lại không thể đeo tổ ong đi học?

Gã hâm kia lại nở nụ cười ngốc nghếch:

- Xin lỗi, tớ không có ý gì đâu. Tại tớ ăn nói không khéo lắm...

- Ờ, không sao, tại tớ đang bị muộn bài kiểm tra nên tâm trạng không được tốt. Tớ cũng xin lỗi vì đã nổi cáu với một tên vừa ngốc vừa vô duyên như bạn.



Tôi hậm hực kéo ba lô bỏ sang chỗ khác ngồi, tránh xa cái gã vô duyên này hết sức có thể. Dù sao thì cổng trường cũng sắp đóng, bây giờ về thay dép cũng không kịp nữa. Đành ngồi đợi hết tiết rồi vào lớp cắn xôi cắn chả quỳ lạy thầy cho kiểm tra bù vậy.

- Này bạn ơi! Gã vô duyên gọi giật tôi lại – Thế nếu tớ có cách giúp bạn vào trường được thì sao?

- Thôi khỏi. Bạn tránh xa tớ ra là đã giúp tớ rất nhiều rồi.

- Tớ nói nghiêm túc đấy! Hoặc là bạn chịu để mất một bài kiểm tra, mất tư cách đi thi và rớt xuống học lại cùng khóa sau. Hoặc là bạn chấp nhận lời đề nghị của tớ.

Tôi xoay người lại:

- Ý bạn là sao?

Gã vênh mặt:

- Ý tớ là tớ có thể giúp bạn. Chỉ cần bạn đồng ý.

- Ok. Tớ đồng ý. Kế hoạch của bạn là gì?

- Chẳng có kế hoạch nào cả. Tớ sẽ đánh lạc hướng hai thầy quản sinh để bạn có thể thênh thang nhẹ bước vào trường. Thế thôi.

- Thế thì đừng đùa nữa đi bạn trẻ.

- Thật! Bây giờ tớ sẽ nhử cho hai thầy quản sinh đuổi theo tớ, bạn chỉ cần nhanh chân nhảy vào trước lúc cổng trường đóng lại là được. Bạn quyết định nhanh lên, còn hai phút nữa thôi.

- Nhưng lỡ thầy bắt được bạn thì sao?

- Không sao đâu, tớ chạy thoát nhiều rồi. Tớ sẽ chạy quanh quẩn ở khu B3 trước, rồi sẽ chạy sang B5, nấp vào WC nữ ở tầng hai. Chưa bao giờ thất bại.

- Ừm... nếu được.... thì xin nhờ bạn....

- Không vấn đề gì.

Gã hâm liền vẫy tôi đến gần cổng trường. Gã chỉnh lại đôi giày thể thao, bẻ khớp ngón tay nổ rôm rốp và nói nhỏ:

- Chuẩn bị nhé!

Rồi gã đứng dậy mon men đi mấy bước lấy đà, chuẩn bị tư thế nhảy vọt qua mặt hai vị thiên lôi gác cổng. Bất chợt, gã quay lại hỏi:

- Tớ sẽ còn gặp lại bạn chứ? Hứa với tớ?

Tôi gật đầu nói bừa:

- Chắc chắn rồi. Sẽ còn gặp lại.

- Vậy được rồi.

Nói là làm, trong tích tắc, gã hâm bất chợt lao cái vèo qua khoảng trống giữa hai thầy quản sinh, khiến hai thầy không kịp trở tay. Ngay lập tức, một thầy bỏ vị trí chạy theo truy sát kẻ tội đồ, một thầy thì vẫn hiên ngang đứng gác nốt mấy giây ngắn ngủi còn lại. Gã hâm gần như biến mất ngay vào mấy ngóc ngách trong trường. Tôi sốt ruột nhìn đồng hồ. Không được rồi, chỉ còn gần một phút nữa, nếu không nghĩ cách đuổi nốt thầy còn lại đi thì gã hâm kia có chạy thoát cũng vô ích. Trên đời này tôi ngại nhất là phụ lòng tốt của người khác. Người ta có lòng thì mình có dạ. Dại gái thì ráng chịu.

Tôi lại gần nói nhỏ vào tai thầy quản sinh:

- Thầy ơi, em thấy bạn kia chạy vào khu nhà B5 đấy thầy ạ. Thầy cứ kiểm tra hết tầng hai, nhất là khu WC nữ, thế nào cũng bắt được bạn ấy.

Thầy nheo mắt nhìn tôi nghi ngờ:

- Thật không? Sao em biết?

- Dạ thật ạ. Lúc nãy em nghe thấy bạn ấy nói một mình như thế... như thế.... Em thề em hứa em đảm bảo, những gì em nói là sự thật!



- Thôi được.

Thầy quản sinh ngoắc tay ra hiệu cho chú bảo vệ đóng cổng trường rồi quay người chạy về phía nhà B5. Tôi nhân cơ hội đó – không phụ lòng gã hâm – nhảy phóc một cái, trốn thoát êm đẹp.

Không có thời gian để ăn năn hối hận, tôi chạy hai bậc cầu thang một lên tầng ba nhà B3, lao xồng xộc vào phòng 301. Nhưng tôi chợt khựng lại: Phòng học trống không!

Ôi trời ơi! Sao phòng học lại trống không?

Chẳng lẽ chuyển phòng học mà không ai nói cho mình biết?

Tôi móc vội điện thoại ra gọi cho Củ Hành. Đầu dây bên kia giọng Củ Hành ngái ngủ:

- Cậu bị hâm à? Sáng nay có học đâu. Tuần trước thầy bảo tuần này nghỉ, tuần sau đi kiểm tra một tiết mà... Ngồi học đầu óc để đi đâu thế? Về nhà ngủ tiếp đi!

Nói xong Củ Hành tắt điện thoại cái cụp. Nó vẫn chưa hết chấn thương tâm lý sau cú đả kích quá lớn vừa rồi.

Tôi lững thững đi đến một cái bàn cạnh cửa sổ, ngồi xuống chờ hết tiết để về. Nhìn qua cửa sổ, tôi chợt thấy cảnh gã hâm bị hai vị lôi thần tóm cổ lôi xềnh xệch về phòng bảo vệ. Tôi che miệng cười. Gã anh hùng rơm này, thực ra cũng rất đáng yêu.

Một tuần sau, tôi cùng Hoa Hậu và Củ Hành lên thư viện làm bài tập môn kinh tế lượng. Đang đi thì bắt gặp gã hâm cùng mấy thanh niên nữa ngồi lúi húi nhổ cỏ dưới gốc cây Xà Cừ, rất ra dáng đi lao động cải tạo. Gã hâm đã nhìn thấy tôi từ xa nhưng có lẽ cảm thấy gặp nhau trong hoàn cảnh này không được vẻ vang cho lắm. Gã cắm mặt xuống đám đất đã trụi cỏ, tay khua khoắng mấy động tác giả, làm như không hề quen biết.

Tôi vốn định ngoảnh mặt làm ngơ nhưng lại sợ rằng bỏ qua như thế dễ dàng cho gã quá. Dù sao người ta cũng từng giúp đỡ mình một lần, nay thấy “ân nhân” sa cơ lỡ vận mà mình không đến sỉ nhục... à quên... Mình lại không đến quan tâm hỏi han được một câu, thử hỏi rằng nhân nghĩa ở đâu? Sống trên đời còn có nghĩa lý gì nữa?

Tôi bảo Củ Hành và Hoa Hậu cứ lên thư viện trước, tôi bận chút việc rồi sẽ lên sau. Hai đứa kia vặn hỏi, lườm nguýt một hồi rồi cũng chịu vẫy mông bỏ đi. Tôi liền bước đến cái bồn hoa gã hâm đang ngồi nhổ cỏ, ngồi xuống bắt chuyện:

- Chào bạn! Nhìn bạn quen quen, hình như tớ đã gặp bạn ở đâu rồi thì phải. Bạn còn nhớ tớ không?

Gã hâm không ngẩng mặt lên nhìn tôi, nhưng hai tai dần đỏ lựng lên. Gã đáp:

- Ừm, nhớ chứ, sao lại không? Thế hôm ấy bạn kịp làm bài kiểm tra không?

- Nhờ ơn bạn nên tớ cũng kịp thời vào lớp đúng giờ, nhưng vào đến nơi mới phát hiện ra tuần sau mới phải làm bài kiểm tra. Dù sao thì tớ cũng cảm ơn bạn rất nhiều!

- Không có gì đâu.

- Sao lại không có gì, để hôm nào tớ mời bạn đi ăn gì đó nhé?

- Không cần đâu.

- À mà sao bạn lại ngồi đây nhổ cỏ thế? Bạn bị phạt à?

- À.. ừ.. tớ bị phạt lao động giảm điểm.

- Sao lại thế? Tớ tưởng bạn nói chắc chắn sẽ thoát cơ mà?

Đến lúc này, gã hâm mới chịu ngẩng lên nhìn tôi:

- Tớ cũng không hiểu tại sao lại bị tóm nữa bạn ạ. Về nhà tớ nằm vắt tay lên trán suy nghĩ suốt đêm rồi mới tỉnh ngộ ra một chuyện. Chắc chắn là có đứa nào đó lấy oán báo ơn bán đứng tớ. Tớ thề sẽ tóm được đứa ấy và cho nó ra cám!

Gã hâm nhìn chằm chằm vào tôi, bẻ tay răng rắc. Hệt như cái lần gã lên tinh thần chuẩn bị tấn công hai thầy quản sinh. Tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái. Ái chà chà! Khẩu khí lớn! Tôi sẽ chống mắt lên xem bạn làm gì được tôi nào? Tôi vờ tươi tỉnh nói:

- Có chí khí lắm! Thế bạn ngồi nhổ cỏ vui vẻ nhé, tớ phải lên thư viện làm bài tập đây. Hẹn gặp bạn.... vào một ngày nào đó!

Nói xong tôi ba chân bốn cẳng xách ba lô chạy mất dép. Bên tai vẫn còn nghe văng vẳng giọng gã hâm:

- Có duyên nhất định sẽ gặp lại!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
đấu phá thương khung
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Những Ngôi Sao Tan Vỡ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook