Ông Cố Vấn

Chương 7: Bộ Não Của Chế Độ

Hữu Mai

28/10/2016

1.

Mùa mưa kéo dài suốt những tháng cuối năm ở miền Trung. Lúc nào cũng nghe tiếng mưa rơi. Khi rỉ rả, thầm thì. Khi ầm ầm, nạt nộ. Tiếng mưa rơi đều đều buồn rứt ruột. Không gian chỉ còn là một tấm màn trắng đục. Mọi vật đều như tan thành nước. Mưa đem theo cái lạnh về. Cuối năm trời càng rét.

Cái lạnh làm cho Hai Long nhiều lúc nhớ miền Bắc da diết. Miền Bắc lúc này rất gần mà cũng rất xa. Đã 6 năm anh xa quê hương, một làng quê tỉnh Thái Bình. Nhớ ngôi chùa mái ngói phủ rêu, nhớ cái vọng, cái miễu ở đầu làng, nhớ cây đa cổ thụ mọc giữa cánh đồng. Nhớ những buồi chăn trâu, thả diều ngày còn nhỏ. Dưới con mắt của những người ở quê hương, anh đã trở thành một kẻ phản bội. Mọi người chỉ sẽ hiểu anh nếu anh có ngày chiến thắng trở về. Ngày ấy có tới với anh không? Không ai dám nói chắc điều đó. Nhưng anh bao giờ cũng có một niềm tin. Niềm tin đó bắt đầu từ ngài Hà Nội đang chìm trong bóng đen của nạn đói và dịch bệnh, bỗng đỏ rực lên vì một biển cờ. Ngọn lửa của Cách mạng tháng Tám đã xua tan bóng tối, xua tan chết chóc, mở ra một cuộc đời mới, con người đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Cậu học sinh mới lớn là anh, đã hòa ngay vào với cách mạng, với kháng chiến, và đã vượt qua những thử thách trong những năm quê hương anh bị cày đi bừa lại bởi hàng chục trận càn. Anh không bao giờ hoài nghi ở ngày mai chiến thắng. Vì cuộc cách mạng này có một ngôi sao chói lọi chỉ đường, đó là Đảng với những tinh hoa kết tụ ở lãnh tụ Hồ Chí Minh. Niềm tin đó ngày một thêm vững chắc qua những chiến thắng mỗi năm càng lớn, qua sự trưởng thành nhanh chóng của quân đội, qua sự cuồng bạo trở dần thành hốt hoảng của kẻ thù. Hình ảnh Bác Hồ trở thành thiêng liêng. Đó là ánh hào quang bóc trần bộ mặt thực của những kẻ mượn màu cách mạng dân tộc ở đây. Triều đình họ Ngô cùng với bộ máy cường quyền ghê gớm của nó, không sao sánh được với Bác và cả một dân tộc đứng sau lưng Người. Người đang chỉ dạo cách mạng miền Nam. Cách mạng miền Nam có Người không thể nào không chiến thắng.

Cái nhớ về miền Bắc xua đi những nỗi lo, xua đi cái buồn của tiếng mưa rơi rả rích những đêm dài gặm nhấm tâm hồn. Ôi, ước gì lúc này lại được nghe tiếng nói từ Hà Nội, một bản tin, một bài thơ, một câu hát... Từ ngày vào đây, anh dần mất đi nguồn tiếp sức đó, đêm đêm áp chiếc máy thu thanh bán dẫn nhỏ vào tai lắng nghe những buổi phát thanh của đài Tiếng nói Việt Nam. Nhiều năm nay, đối với anh, đó là một nguồn dinh dưỡng về tinh thần. Thế hệ này do cách mạng tạo nên, với những con người đã chiến thắng quân Pháp, đã làm nên những bài hát bài thơ như vậy, không thể nào không tiếp tục chiến thắng. Những cảnh xa hoa, tráng lệ ở Paris, ở Sài Gòn, cảnh thanh bình, êm đẹp ở đây, không thể nào đánh đổi được với những gì mà anh đã có.

Từ khi mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam rõ ràng đã chuyển qua một thời kỳ mới. Mặc dù địch cố bưng bít, nhưng qua báo chí hàng ngày của chúng, vẫn thấy được điều đó. Nội bộ ngụy quyền rối ren, lục đục là thời cơ thuận lợi cho ta. Tình hình này đang thôi thúc anh tìm mọi cách đề trở về. Anh không thể cứ nằm đây trong khi tiếng súng chiến đấu đã nổi dậy khắp toàn miền.

Cẩn đã coi Hai Long là "Thánh Phê-rô" cùng đi cặp đôi với mình. Nhưng Huế và Phú Cam không phải là mục tiêu của anh. Trong tình hình chính cuộc ở miền Nam, Cẩn tuy nhiều tham vọng, nhưng chỉ giữ một vai trò hạn chế. Cẩn không có khả năng đi xa hơn. Và ở đây, Hai Long rất khó liên hệ với tổ chức. Cơ quan chỉ đạo của anh ở Sài Gòn. Chỉ về đó anh mới có thể tính đến việc bắt lại liên lạc. Cẩn rời Huế sớm. Nhưng làm cách nào êm đẹp để thoát khỏi vòng tay của Cẩn đang cố níu lấy anh? Anh đang chờ và đang tạo ra những áp lực mới từ phía Ngô Đình Nhu ở Sài Gòn. Việc anh trở về Sài Gòn sẽ rất có ý nghĩa nếu đó là yêu cầu của chính Ngô Đình Nhu.

Sau lễ Giáng sinh năm 1960 bỗng có mấy ngày tạnh ráo. Bầu trời nhẹ nhõm hơn với những khoảng xanh thẫm và những đám mây chuyển động. Thời tiết khô và lạnh.

Đột ngột có tin giám mục Lê ra Huế và muốn gặp Hai Long. Sao cha Lê lại ra đi vào dịp này? Được cha tới thăm vào những ngày này là một ân sủng đặc biệt của vị chủ chăn dành cho con chiên ngoan đạo. Hai Long cảm thấy quan hệ giữa cha với mình đã chuyển qua một thời kỳ mới. Nhưng anh cũng nghĩ chắc có chuyện gì gấp nên cha mới phải tới Huế trong lúc thời tiết đang lạnh giá.

Hai Long hôn tay giám mục, và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc cha đã dành cho mình một vinh dự hiếm có. Cha Lê nhìn anh bỗng cặp mắt lấp lánh chứa đựng những suy nghĩ thâm trầm, nụ cười bao dung, thương mến nở trên môi.

Sau vài lời hàn huyên, Hai Long báo cáo với cha Lê những diễn biến mới trong tâm tư Ngô Đình Cẩn từ ngày xảy ra cuộc đảo chính. Cha ngồi lắng nghe, nét mặt không đổi, tỏ ra đã đoán biết mọi chuyện. Chỉ tới lúc Hai Long nói Ngô Đình Cẩn muốn liên kết lực lượng giáo khu Phát Diệm với lực lượng của Cẩn ở miền Trung, cha Lê mới đưa mắt nhìn quanh, rồi nói:

- Bây giờ thuyền sắp đắm, ông Út mới nghĩ đến ta ư? Mới biết rằng ta cũng có lực lượng ư?

- Thưa Đức cha, Đức cha tiên tri mọi việc, những gì xảy ra, Đức cha đều nói trước, ông Út rất phục.

Với vẻ đắc chí, cha Lê kể lại cho Hai Long nghe vụ đảo chính ngày 11 tháng 11 từ khi nhen nhóm tới lúc nổ tung.

Hai Long hỏi:

- Thưa Đức cha, Mỹ đứng sau vụ này sao lại chịu để cho đảo chính bị dập tắt quá nhanh chóng?

- Cha chưa nói hết với anh. Tổng thống còn đứng được vì người Mỹ chưa chủ trương phế bỏ, họ chưa tìm được con bài nào ra hồn nên phải tiếp tục dùng ông Diệm. CIA được chỉ thị làm fausse manoeuvre[1], tổ chức đảo chính giả đề cảnh cáo ông Diệm, buộc ông phải mở rộng thành phần chính phủ quốc gia cho phe đối lập. Họ muốn tăng cường sức chống Cộng. Mới làm chừng ấy thôi. Người Mỹ chỉ cần trước mắt tách ông Nhu ra khỏi Phủ tổng thống. Người Pháp và những người thân Pháp căm giận cả Mỹ lẫn ông Diệm và ông Nhu, định nhân cơ hội này thúc đẩy quá trình đảo chính, lật luôn cả hai người. Các đảng phái quốc gia cũng bám theo ông Phan Quang Đán toan tính chuyện có lợi cho phe nhóm. Nhưng tất cả bọn họ đều không biết mọi việc do CIA sắp đặt hết. Khi CIA lật ngược thế cờ thì cả cánh đảo chính bị dập ngay, trừ mấy người trốn thoát sang Nam Vang, tất cả đều bị bắt. Đó là thực chất của vụ 11 tháng 11.

Vẻ mặt đắc chí của cha Lê chuyển thành đăm chiêu:

- Vụ này cũng gây những chuyện phức tạp cho giáo hội. Cha Lộc và một số cha gốc Nam đã bị bắt. Phía Phát Diệm ta, cha Hoàng và cha Lê Quang Oánh đang bị theo dõi.

- Con tin rằng, ông Nhu chưa đụng đến Phát Diệm ta. Qua ông Cẩn, con biết cả gia đình họ Ngô đều rất kính nể uy tín của Đức cha.

- Con nói đúng! - Cha Lê mỉm cười - Họ đang muốn cầu hòa. Vừa rồi họ đã cử tướng Phạm Xuân Chiểu làm sứ giả mang tặng vật quý của tổng thống đến chúc mừng cha nhân dịp lễ Giáng sinh. Trong tờ thiếp tổng thống viết, đập tan chính biến vừa rồi là "một thắng lợi của Phát Diệm ta"! Họ đã hiểu họ đang ngồi trên lửa. Ông Diệm và ông Nhu đều thực sự dao dộng vì các cơ quan an ninh của ông Nhu không biết gì về cuộc đảo chính. Cả hai người đều rất căm giận Mỹ. Các ông đang cho người chạy khắp nơi tìm sự ủng hộ. Người ta đang gõ cửa Tòa thánh Vatican ở Sài Gòn... Nguy cơ thứ năm mà con chưa trình bày trong tờ trình bữa trước, giờ đang nổi lên. Cộng sản đã hoạt động nhiều từ mấy năm rồi. Đây chỉ là thời cơ để họ đưa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam công khai xuất hiện. Biểu tình, chống đối lan tràn khắp nơi. Lực lượng vũ trang cộng sản cũng hoạt động mạnh... Khó khăn tứ bề... Không chỉ Cẩn, mà Nhu, Diệm lúc này, ông nào cũng cần đến ta. Ta có giá của ta! Không phải họ cứ chìa tay ra là ta vội vàng nắm lấy.

Hai Long băn khoăn:

- Ông Cẩn càng tin cậy, tha thiết giữ con lại Huế bao nhiêu, thì ông Nhu càng muốn lôi kéo con về Sài Gòn bấy nhiêu. Con chưa biết xử trí cách nào cho phải phép?

"Phải phép" là hai tiếng mà cha hay dùng.

Cha Lê xoa tay, nói rất ngọt:

- Phải làm đẹp lòng người ta chứ! Mà làm hài lòng cả hai mới là thủy chung như nhất chớ! Người ta ai cũng như ai, muốn điều gì thì chỉ thích được điều đấy.

Cha Lê nhìn Hai Long với cặp mắt ý nhị và nụ cười nhếch môi.

- Con định cứ ở lại Huế theo lời khuyến dụ của Đức cha lần trước? - Hai Long nói.

Cha Lê xua tay:

- Cũng tới lúc ta phải tính việc của ta chớ! Tình hình còn biến chuyển nhiều. Ông Nhu sẽ chẳng yên đâu! Cũng phải liệu mà trở về Sài Gòn sơm sớm, mới kịp tạo nên thời thế, chẳng lẽ chịu làm thầy dòng ở cố đô này sao? Cha Hoàng có ý mong anh.

Hai Long hiểu rằng cha Lê không phải chỉ công nhận mình, mà những ngày sắp tới còn ủy thác cho mình những việc quan trọng.

- Mình cứ nói là mình có về Sài Gòn thì mới phò trợ cho "người ta" được hữu hiệu, kịp thời, hàng tháng cứ cho tàu bay vào đón mình ra.

Hai Long cúi đầu tỏ ra đã hiểu ý.

- Cha ra Huế chuyến này gặp anh chỉ có bấy nhiêu lời thôi.

- Ý cha là ý Chúa Trời, con nguyện làm đẹp ý Chúa.

Bộ mặt khổ hạnh của cha Lê bỗng bừng lên rạng rỡ.

2.

Hai Long ở nhà thờ Françisco về Tòa Khâm chờ cả buổi sáng không thấy Cẩn gọi. Anh không hiểu vì sao lại có sự chậm trễ so với lần trước.

Buổi chiều, Lê Khắc Duyệt mới phóng xe đến mời Hai Long sang gặp ông cố vấn.

Tòa nhà của Cẩn ở Phú Cam được canh gác cẩn mật hơn mọi ngày. Cảnh sát mặc thường phục, súng ngắn giấu trong người, mật vụ rải khắp chung quanh. Hai Long đoán ở đây hẳn có một cuộc họp quan trọng.

Ông Cậu quần chùng áo dài nghiêm chỉnh, lại đội thêm cả chiếc khăn xếp, đang đi dạo trong sân, vẻ mặt đăm chiêu, thấy Hai Long y không vồ vập nôn nóng hỏi chuyện gặp cha như lần trước. Y cùng đi với anh vào nhà và nói nhỏ:

- Ông Nhu mới ở Sài Gòn ra. Ông đòi gặp anh ngay. Anh liệu kế hoãn binh để ở lại Huế. Ông Nhu đã gặp cha Lê ở sân bay Phú Bài. Chuyện anh gặp cha, ta sẽ nói sau.

- Dạ... Việc tôi ở lại đây như tôi đã bàn với cậu Út, cậu cũng sẽ nói như vậy.

Cẩn gật dầu nhưng mặt vẫn khó đăm đăm. Chắc hắn ngại không nói.

- Anh ngồi một lát chờ ông Nhu. Ông vô vấn an cụ cố.

Cẩn nói rồi quay ra.

Chỉ còn mình Hai Long ở lại phòng khách.

Anh chọn chiếc ghế quay mặt về phía ngôi nhà cụ cố để có thể nhìn ngay thấy Nhu khi y từ đó đi ra.

Hai Long cảm thấy bàng hoàng. Ngày Chúa hài đồng ra đời trên máng cỏ năm nay là một ngày kỳ lạ! Cùng một lúc, anh đạt tới cả hai mục tiêu. Mục tiêu sau còn bội phần quan trọng hơn mục tiêu trước. Đây là cái đích mà anh đã nhắm nhiều năm nay, nhưng chưa lần nào đến được gần. Chính Nhu chứ không phải Diệm, là người cấu trúc quyết định mọi đường lối, chính sách của chính quyền ở miền Nam. Nhu là "bộ não của chế độ". Y là cha đẻ của cái thuyết hổ lốn "cần lao - nhân vị". Nhu là lãnh tụ của đảng Cần lao - Nhân vị. Người ta chê Nhu kiêu ngạo, sợ vợ. Nhưng cũng nhiều người khen Nhu có học, thông minh, sắc sảo. Nhu còn nổi tiếng là người có bản lĩnh chiến lược, chuyên dùng những đòn hiểm độc... Chạm trán với Cẩn là đụng đầu với hung thần. Nhưng chạm trán với Nhu là đụng đầu với tử thần. Anh đã chế ngự được hung thần, nhưng với tử thần thì sao? Anh cảm thấy mình đơn thương độc mã.

Gió chiều đông từ phía sông An Cựu thổi về lùa vào ngôi nhà họ Ngô trầm lặng mênh mông như một âm cung. Hơi lạnh thấm vào da thịt, Hai Long như người đã dốc hết sức lực leo lên một đỉnh tháp cao, đến lúc dừng lại, nhìn xuống. Anh cảm thấy ngợp vì tình thế chênh vênh của mình.

Tại sao Nhu lại phải ra tận Huế gặp mình? Cha Lê đã nói chế độ Diệm đang lung lay, Diệm và Nhu đều dao động trước quá nhiều mâu thuẫn nan giải. Riêng với Nhu càng gay gắt, âm mưu của Mỹ lúc này trực tiếp nhằm vào Nhu, chúng muốn gạt Nhu để tách Nhu khỏi Diệm. Nhu muốn đi tìm ánh sáng trong đường hầm ư? Nhu muốn tìm hiểu thêm về phía đối lập mà y cho rằng anh có nhiều nguồn tin? Nhu muốn dùng Hai Long làm trung gian hòa giải với cha Lê ư? Nhu muốn sử dụng vai trò của Hai Long trong cánh đối lập ư?... Hay là vì tất cả những lẽ đó...?

Gặp y vào thời điểm này rất có lợi cho mình. Mình đã tạo cho mình một cái thế - mặc dù đây chỉ là thế mượn - để đối thoại với y. Mình hoàn toàn chủ động vì đã có đủ thời giờ chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ. Còn Nhu đang ở thế kẻ phải đi tìm mình, tâm thần y chắc vẫn còn chưa ổn định sau cuộc đảo chính, y sẽ dễ bộc lộ những sơ hở... Nghĩ như vậy, đầu óc anh trở lại bình tĩnh và còn cảm thấy phấn chấn.

Y kia rồi!... Một người từ căn nhà cụ cố đi ra. Khác hẳn với Diệm và Cẩn, y có tầm vóc cao lớn. Y mặc một bộ đồ len sẫm màu, chiếc áo len cổ lọ kéo lên tận mang tai. Nhu đi lao đầu về phía trước, hai bàn tay để giáp ngực, những ngón tay đan vào nhau. Thoạt trông y như đang chống với cái lạnh từ luồng gió ngoài sông thổi về. Nhưng anh lại thấy hai bàn tay Nhu rời nhau, bàn tay phải nắm chắc lại, đập vào lòng bàn tay trái. Anh biết Nhu đang bận tâm suy nghĩ và trong óc y vừa chợt nảy ra một điều gì.

Hai Long vội đứng lên trong khi Nhu chưa kịp nhìn thấy anh. Anh cần phải chuẩn bị cho mình một tư thế trong những giây phút tiếp xúc đầu tiên. Anh chắp hai tay sau lưng ung dung đi bách bộ về phía cuối gian nhà. Anh tính toán khi Nhu tới cửa phòng khách thì chỉ trông thấy phía lưng anh, mình đang khoan thai dạo bước như một người thân thuộc trong gia đình. Khi Nhu bước vào phòng khách thì anh vừa đi đến cuối nhà quay lại. Anh sẽ có thời giờ trực tiếp quan sát thái độ của Nhu. Mình cần phải rất tự nhiên, ứng phó một cách bình tĩnh, linh hoạt như mọt người đại diện có thẩm quyền của cha Lê.

Từ xa, Nhu đã nhìn thấy anh. Y rảo bước tiến lại như muốn nhanh chóng thu ngắn khoảng cách. Vóc dáng cao lớn, lanh lẹn. Mái tóc đen dày làm che cái đầu đã to càng to thêm. Bộ mặt vuông vức đã mang dấu nhiều nếp nhăn suy tư, hơi bị bóp lại phía dưới vì cái cằm nhỏ và nhọn. Dưới cặp lông mày nằm ngang nổi lên một cặp mắt rất sắc.

Cảm giác đầu tiên của anh, Nhu không có dáng dấp của một nhà lãnh đạo quốc gia. Y giống như một tài tử nước ngoài, xuất hiện trên phim ảnh với vai trò của một nhà quý tộc châu Âu ra đón người thân thuộc đẳng cấp của mình. Và Hai Long cảm thấy với tầm vóc bé nhỏ, bộ quần áo sờn cũ, cái áo len bạc màu, mình là một nhà quý tộc đã sa sút, đang cố làm sao để biểu lộ sự tự trọng...

3.

Hai Long vừa dừng lại định cúi chào thì Ngô Đình Nhu đã bước nhanh lại chìa tay ra, siết thật chặt, đôi mắt sáng ngời, cất tiếng chào nồng nhiệt, cởi mở:

- Bonjour camarade![2]

Hai bên cầm tay nhau trao đổi những câu thăm hỏi sức khỏe bằng tiếng Pháp. Hai Long nói:

- Xin chào ông cố vấn chính trị, rất hân hạnh gặp lại người cựu chiến hữu của Phát Diệm chúng tôi.

Nhu buông tay Hai Long, xoay mình nhẹ nhàng, quàng tay trái lên vai anh, dìu nhẹ anh cùng sánh đôi đi thêm mấy bước. Động tác của Nhu giống hệt như khi tên mật vụ của Dương Văn Hiếu đến bắt anh ở chân dốc cầu Thị Nghè. Chỉ khác là bàn tay Nhu nắm tay anh nóng hổi, cánh tay Nhu đặt trên vai anh nhẹ nhàng như không có sức nặng.

Nhu cùng anh đi suốt dọc ngôi nhà. Nhu hỏi ngay như một người đã quen biết lâu ngày.

- Đức cha Lê có nói gì thêm với anh không?



- Thưa ông cố vấn, sáng nay ông cũng đã gặp Đức cha?

- Có, tôi gặp Đức cha ít phút ở sân bay Phú Bài, chỉ trao đổi đôi lời vấn an. Cha hồng hào khỏe mạnh nhưng... hình như cha vẫn dè dặt...

Rõ ràng Nhu không hài lòng về cuộc gặp gỡ.

- Thưa ông cố vấn, tôi nghĩ rằng câu chuyện sẽ khá dài. Những điều tôi viết trong tờ trình là rất vắn tắt. Sáng nay cha có nói một đôi điều... (ngập ngừng) tôi nghĩ là hệ trọng. Có thể nói gọn hết cả trong một vài câu. Nhưng e chẳng giúp ích được gì cho ông cố vấn. Cần phải đi sâu vào từng vấn đề, từng con người, từng chi tiết mới mong tránh khỏi sự ngộ nhận. Tôi hằng mong bộc bạch với ông cố vấn nhiều điều chưa có dịp nói ra.

- Très bon![3] Vì vậy tôi mới cất công ra đây. Tôi đã nói với cậu Út, chiều và đêm nay anh ở đây. Anh và tôi sẽ trao đổi tới trước khi tôi ra máy bay. Chúng ta sẽ nói chuyện một cách thẳng thắn... Cũng cần nói trước là tôi có những điểm không đồng tình với bản nhận định của anh.

Cặp mắt đang nồng nhiệt của Nhu bỗng trở nên lạnh như băng và đầy uy quyền.

- Thưa ông cố vấn, điều đó dễ hiểu, ông cố vấn và tôi đứng ở những vị trí, hoàn cảnh rất khác nhau.

- Vì vậy mới cần trao đổi.

Bàn tay Nhu nắm chặt lại.

Hai Long chưa hiểu y coi mình là bạn hay là kẻ đối địch.

Như để tránh sớm sa vào tranh luận, Nhu vừa dẫn Hai Long đi vòng quanh gian buồng vừa ôn lại những kỷ niệm cũ hồi cuối năm 1946 từ Hà Nội trốn vào Phát Diệm, nương náu ở Nhà Chung, rồi được cha Lê cử Lê Quang Luật, Hoàng Bá Vinh, những người ở Phong trào xã hội Công giáo, bố trí đưa qua Lào.

Đối lại, Hai Long cũng thao thao kể về tình hình giáo khu Phát Diệm - Bùi Chu từ năm 1946 đến nay, rõ ràng từng giai đoạn, từng sự kiện, từng nhân vật. Với số vốn liếng đã thu thập được, anh biết mình thừa sức làm cho Nhu tin, vì y chỉ có mặt ở địa khu này một thời gian rất ngắn.

Khi hai người ngồi vào bàn, Hai Long mới bắt đầu thuật lại cuộc trao đổi sáng nay giữa anh với cha Lê.

- Cha lo ngại lắm! Ngài nói rằng Việt Nam cộng hòa chẳng được yên đâu! Mỹ còn gây tiếp khó khăn cho tổng thống. Mỹ sẽ làm áp lực cho kỳ được để đưa ông cố vấn ra khỏi Phủ tổng thống. Tôi có hỏi ngài có bằng cớ chắc chắn không, thì ngài nói rằng, ngài là người trong cuộc rồi. Ngài ca tụng Pháp khôn ngoan, vẫn bí mật nắm chắc lực lượng, đợi cơ hội đến là lật đổ chế độ như ngày 11 tháng 11 vừa rồi. Tôi tỏ vẻ hoài nghi, thì ngài bảo cứ về Sài Gòn sẽ rõ. Ngài lại khen Cộng sản đa mưu túc trí, thừa dịp đục nước thả câu, lập ra Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để phát động chiến tranh cách mạng. Ngài lo ngại cho tổng thống tìm cách nào để đương đầu với ba kẻ thù trong thời gian tới.

Nhu phảy tay, phản ứng rất nhanh:

- Tình hình đâu có đáng lo ngại, bi quan như ý cha! Khó khăn lúc này đâu bằng năm 1954, khi tổng thống mới về, chỉ có mấy chục vạn giáo dân di cư đồng lòng nhất trí đứng sau lưng, tổng thống vẫn vãn hồi được an ninh trật tự, dẹp tan thù trong giặc ngoài... Sao lúc đó chúng ta đoàn kết như vậy? Chỉ cần giáo dân, linh mục ủng hộ tổng thống như hồi đó!.. Theo tôi, Mỹ cần phải có Việt Nam cộng hòa trong chiến lược chống Cộng của họ. Có lãnh tụ chống Cộng nào ở Á châu sánh được với tổng thống? Mỹ hiểu như vậy, ta không vội lo về phía Mỹ.

Thấy Hai Long ngước mắt nhìn mình, Nhu hỏi:

- Chắc anh không đồng ý với tôi?

- Tôi vẫn lắng nghe ý kiến ông cố vấn.

- Điều ta phải quan tâm trước hết - tôi khác ý kiến cơ bản với anh về điểm này - là Cộng sản mới đổi chiến lược; họ đã phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam cộng hòa thực sự bắt đầu có chiến tranh...

Nhu nhíu mày, đôi mắt sâu lại, nhìn Hai Long chằm chằm, nhưng anh không thay đổi sắc mặt, tỏ ra vẫn chăm chú lắng nghe.

- Tôi có chiến lược dập tắt cuộc chiến tranh ngay khi nó bắt đầu!... Phải đánh bại chiến lược chiến tranh du kích bằng chiến lược chống chiến tranh du kích có kết quả ở Mã Lai, rất bảo đảm, rất thành công.

Giọng nói của Nhu trở nên say sưa. Cặp mắt Nhu nhíu lại như đang tập trung nhìn xoáy vào một mục tiêu nào ở phía xa. Rồi Nhu ngoảnh lại trỏ thẳng ngón tay vào mắt Hai Long, miệng mỉm cười:

- Toi[4] cứ nhớ lại khu tự trị Công giáo Bùi Chu - Phát Diệm của Đức cha hồi trước. Toi chịu khó, nếu óc giàu tưởng tượng của toi cho phép, hình dung ra những làng xã ở nông thôn Việt Nam cộng hòa được tổ chức theo cách như vậy... Cộng sản sẽ không có đất, không có dân, không thể nào mở rộng chiến tranh du kích được nữa. Nơi nào có du kích cộng sản, cho khoanh tròn lại (ngón tay Nhu vẽ một vòng tròn) tiêu diệt ngay! Giải quyết được vấn đề Cộng sản ở miền Nam, ta đã có đủ yếu tố căn bản đối phó dễ dàng với mọi mưu toan của Pháp cũng như mọi thử thách của Mỹ... Tôi hiện đang sử dụng một số chuyên viên Do Thái, Anh, Mã Lai có kinh nghiệm về chiến tranh chống du kích cộng sản, nhưng xét đến cùng, muốn kế hoạch có giá trị thực tế vẫn phải dựa vào những người đã từng xây dựng những khu Công giáo tự trị, khu dinh điền, vùng đạo giáo, vùng dân tộc thiểu số... Tôi đã cho nghiên cứu rút kinh nghiệm, đặc biệt về đại xã Đồng Quan và giáo khu Bùi Chu - Phát Diệm...

Mặt Nhu bỗng lạnh đi, giọng nói trở nên gay gắt:

- Thế mà các linh mục di cư cứ bới hết chuyện này đến chuyện khác! Công giáo Việt Nam thật lắm chuyện! Không hiểu Đức cha Lê với cha Hoàng nghĩ sao? Các cha chống Cộng, tổng thống và chúng tôi cũng chống Cộng. Không hiểu tại sao không gặp nhau mà tính chuyện nội bộ trong nhà, lại cứ kình địch nhau? Trách gì bên ngoài, nào Pháp dấy loạn, nào Mỹ gây áp lực, nào Cộng sản nổi lên khắp nơi! Nguyên nhân là tại các cha hết, nên mới xảy ra vụ đảo chính 11 tháng 11 vừa rồi. Còn xảy ra vụ nào khác cũng tại các cha!

Nhu trừng trừng mắt nhìn Hai Long:

- Anh cũng thế! Các anh có trách nhiệm về tình hình hiện nay. Ở gần các cha hàng chục năm, các anh cố lôi kéo các cha về phía các anh, bất chấp quyền lợi quốc gia dên tộc; các anh chẳng bàn vào mà chỉ tán ra, làm cho từ giám mục đến linh mục đều nghi kỵ tổng thống, quấy rầy tổng thống!

Hai Long chột dạ. Anh đã gặp Ngô Đình Cẩn. Cẩn cũng đôi lúc giậm dọa nhưng hắn hầu như bị anh thuyết phục, thường chịu chuyện và đồng tình với anh. Nhưng đối tượng hôm nay khác hẳn. Hắn bác bỏ mọi ý kiến, lý lẽ của anh, và còn muốn dùng sức mạnh để áp đảo anh... Hay hắn đã đánh hơi thấy điều gì sơ hở của mình trong âm mưu ly gián bọn chúng...?

Nhu hậm hực dằn từng tiếng:

- Hồi nào tới giờ, tổng thống vẫn một lòng kính mến cha Lê. Lê Quang Luật đã tách ra đi với Đại Việt. Nguyễn Văn Châu đi hàng hai hàng ba. Cha Hoàng, cha Lộc cặp kè với bọn đối lập, đòi mở rộng thành phần chính phủ. Đó toàn là người của cha Lê, của Phát Diệm, Bùi Chu... Ai mở rộng chính phủ cách mạng cho bọn xôi thịt? Bọn chính khách xa-lông?

Nhìn thấy Cẩn đi vào, Nhu chuyển sang nói bằng tiếng Pháp:

- Chính anh, tác giả của bản nhận định tình hình, anh có dụng ý gì khi trao bản đó tới tay chúng tôi? Anh định áp đảo chế độ, định gây áp lực với tổng thống chăng?

Cẩn bước lại, chắp hai tay:

- Thưa anh, em mời anh và thầy phụ tá nghỉ công việc một lát. Cơm đã dọn dưới nhà.

- Chú chờ chút nữa, chúng tôi đang dở câu chuyện.

Nhu quay lại phía Hai Long, vẫn tiếp tục nói bằng tiếng Pháp:

- Anh nghĩ ra sao về những điều tôi vừa nói?

Cẩn lui ra. Rõ ràng y cố nén sự bực dọc khi thấy ông anh không muốn cho mình nghe cuộc đàm luận bằng cách dùng tiếng ngoại quốc.

Hai Long tự chế ngự trước cặp mắt và những lời lẽ áp đảo của Nhu, trả lời bằng một giọng xúc động của người bị hàm oan:

- Thưa ông cố vấn, tôi xin nhận lĩnh hết thảy những điều ông cố vấn lên án Đức giám mục, các linh mục, những lời buộc tội anh em Công giáo di cư, trong đó có cá nhân tôi. Tôi biết phận mình là con chim lạc đàn, là một tù nhân không hiểu sao mình lại bị cầm tù, bên bờ Hương Giang. Tôi an phận cam chịu, nhưng Đức cha vì thương xót con chim lạc bầy, nên đã viết thư, nhắn lời và bỏ cả những ngày lễ trọng ra thăm tôi, chăm sóc phần hồn và phần xác cho tôi. Tình thâm nghĩa trọng hoạt động với nhau hàng chục năm ròng, Người nỡ bỏ rơi tôi sao! Tôi đã thưa với ông cố vấn, ở những cương vị khác nhau, những vị trí khác nhau, khó mà có sự nhất trí, thông cảm với nhau... Tôi là một người đang bị chế độ cầm tù, chẳng lẽ lại dại dột mưu toan gây áp lực với tổng thống, với chế độ? Tôi biết rõ nếu làm việc đó, mình sẽ lãnh những hậu quả như thế nào! Chỉ thương cho Đức cha! Ngài có chút ân tình với tổng thống, ngài lo ngại cho tổng thống, cho ông cố vấn, cho vận mệnh quốc gia, nên ngài đã dùng tôi làm một người "báo nguy" cho chế độ. Ngài đã làm theo lời dạy trong Kinh thánh: "Không có tình thương yêu nào lớn bằng thương yêu bạn mà phó mạng sống của mình!". Có lẽ ngài biết rằng làm việc này, ngài cũng như đệ tử của ngài, đã chọn con đường Thánh giá... Thưa ông cố vấn, tôi không hiểu Đức cha sẽ suy nghĩ gì khi biết ngài, cũng như cả khối Công giáo di cư, bị kết án là có trách nhiệm chính về vụ đảo chính vừa rồi, và tất cả những vụ khác xảy ra sau này; trong khi ngài lại chính là người đã qua tôi, lưu ý tổng thống và ông cố vấn cần đề phòng những hiểm họa sắp xảy ra? Và ngay lần ra thăm này, ngài cũng tiếp tục làm công việc đó... Tôi xin ông cố vấn, với quyền lực của mình, hãy ra nghiêm lệnh cho Đức cha, cũng như bất cứ ai, không được ra vào thăm viếng tôi, để những vị đó cũng như tôi đặng yên phần xác, rỗi phần hồn...

Hai Long nói một hơi dài. Nhu xua tay:

- Hãy khoan nào! Bình tĩnh lúc này là cần thiết cho đại sự. Tôi kêu gọi ở anh một thái độ trầm tĩnh; giận dữ làm cho người ta mất trí khôn.

- Thưa ông cố vấn, tôi đã nghĩ ra là nên biết an phận tù đày.

- Ai bắt anh tù? - Nhu sẵng giọng hỏi lại - Anh còn nói chuyện tù đày thì khác nào anh phá kế hoạch của tôi! Nếu anh là người bị tù đày, chắc chắn Đức cha không lui tới thăm anh, mà tôi cũng không ra đây. Một số người Phát Diệm bị chính phủ bắt bỏ tù, có cha nào đến thăm?... Tôi buồn phiền vì ông cố đạo Hoàng Lâm, nhóm Lê Quang Luật cùng phe cánh làm nhiều điều xằng bậy, tổng thống sẽ trị tội họ. Còn anh, nếu tôi cũng coi anh như họ, thì không có cuộc gặp gỡ chiều nay... Tôi gặp Đức cha sau khi ngài vừa gặp anh. Tôi ướm hỏi chuyện ngài, ngài chẳng buồn nói... Theo anh, tại sao cha lại có thái độ lạnh nhạt với tôi nếu cha vẫn nghĩ đến ân tình cũ với gia dình họ Ngô?... Thôi, bây giờ ta nghỉ đi ăn cơm. Chiều nay, tôi đã nói nhiều rồi. Buổi tối, sẽ dành cho toi...

4.

Hai Long có khoảng nửa giờ sau bữa cơm đi dạo quanh sân trước nhà từ đường của họ Ngô để suy nghĩ về cuộc trao đổi ban chiều, và chuẩn bị cho cuộc gặp buổi tối.

Cuối cùng, anh đã hiểu vì sao Nhu rất vồn vã khi mới gặp anh, nhưng sau đó đã trở thành giận dữ. Đó là do hậu quả của cuộc tiếp xúc lạnh nhạt giữa y và cha Lê sáng nay tại sân bay. Y đã trút cả sự giận dữ không riêng với cha Lê mà cả với nhiều cha cố Phát Diệm xuống đầu anh. Anh đã nhận thấy những nhược điểm của mình trong buồi đối đầu lần thứ nhất với y. Anh còn chưa chế ngự được sự xúc động trong khi tiếp xúc. Những chuyển biển quá mau lẹ trong suy nghĩ và trong thái độ của đối tượng có những lúc khiến anh bối rối. Anh chưa kịp thời phát hiện được những nhược điểm của y, tâm trạng của y, y đang cần gì?... Qua vài giờ trao đổi, có thể thấy Nhu là một con người đã quá quen với quyền lực, và quyền lực đã tăng thêm sự tự tin của y. Y có kiến thức, nhạy cảm và thông minh. Nhưng y cũng đã để lộ rõ nhược điểm về sự am hiểu tình hình thực tế chính trị ở miền Nam, tình hình thực tiễn chiến tranh ở Việt Nam (y chỉ hiểu qua sách vở và suy luận), và sự hiểu biết về con người. Đó là những cái anh có thể khai thác trong cuộc gặp gỡ tối nay. Cũng thấy rõ là y đang ở trong một trạng thái mất thăng bằng, y nổi nóng vì những chuyện không quan trọng... Mình phải cố làm cho y không thất vọng về chuyến đi, mình có thể đáp ứng một số yêu cầu hiện thời của y, y cần phải có mình. Nếu không là thất bại...

Trên bàn trà thiếu hai vật quen thuộc: hộp thuốc lá Cẩm Lệ và hộp khảm đựng trầu. Thế vào đó là một bao Camel và hai tách cà phê, nói lên cuộc chuyện trò sẽ kéo dài tới khuya.

Nhu xé bao thuốc lá thơm mời khách rồi rút trong túi ra một bao Bastos màu xanh. Nhu cười nói với Hai Long:

- Mình quen dùng thứ nặng này. Ở nhà bà Lệ Xuân chỉ cho hút một ngày đúng bốn điếu, bữa nay đã dùng hết nửa gói... Toi bật đầu đi. Thời giờ tối nay hoàn toàn thuộc về toi.

Nhu nói rất nhanh. Thái độ của y lúc nào cũng khẩn trương.

Hai Long giữ vẻ từ tốn vốn có của mình:

- Tôi xin trả lời những câu ông cố vấn đã nêu ra ban chiều. Trước hết, về thái độ của Đức cha với ông cố vấn. Thoạt nghe, tôi hơi ngỡ ngàng. Cha ra Huế với thiện chí đối với tổng thống với chế độ. Nhưng tại sao khi gặp ông cố vấn, ngài vẫn tỏ ra lạnh nhạt? Thái độ này có liên quan đến cá tính của cha. Ông cố vấn chắc hiểu cha từ ngày ở Phát Diệm, ngài đã quen được những nhà lãnh đạo quốc gia đón mời. Ngài chờ Cụ Hồ cử người mời, mới tới Phủ Chủ tịch. Ngài không bao giờ tới dinh quốc trưởng Bảo Đại cũng như cao ủy Pháp ở Đông Dương. Chi có Bảo Đại, Pignon[5], De Lattre De Tassigny[6], Henri Navarre[7] tới yết kiến cha ở Phát Diệm. Bởi vì tính ngài rất tự cao tự đại. Ngài lo cho chế độ, ngài thương tổng thống nhưng không vào Phủ tổng thống là do tính nết của ngài. Ngoài ra, còn do vị trí của ngài ở chính trường miền Nam. Ngài mới nhắc: "Dù tổng thống ra thế nào, thì ngài và giáo hội vẫn còn!". Gần đây chắc tổng thống cũng nhận thấy điều đó, nên đã có một cử chỉ rất đẹp là gửi thiệp và tặng vật quý đến chúc mừng Đức cha nhân lễ Giáng sinh. Trong thiệp, tổng thống còn viết thắng lợi vừa qua là "thắng lợi của Phát Diệm ta". Ngài rất cảm dộng, chính ngài đã nói với tôi sáng nay.

Nhu gật gù, miệng cười nụ:

- Mình biết việc đó.

Hai Long thừa hiểu việc này do Nhu đạo diễn, nhưng cũng nhân đây vạch cho y một sơ xuất:

- Kể ra tổng thống cử một người khác đi gặp Đức cha thì hơn là tướng Phạm Xuân Chiểu. Ông Chiểu dù sao cũng gợi cho cha nghĩ đến thất bại trong việc dùng người.

Tướng Chiểu trước kia là người của cha Lê, sau khi lực lượng tự vệ Phát Diệm bị đàn áp, chạy sang quy thuận Diệm - Nhu.

Nụ cười của Nhu trở thành gượng gạo. Hai Long làm như không biết, thản nhiên nói tiếp:

- Cha ra Huế ngoài mục đích thăm tôi, còn muốn qua tôi báo cho tổng thống và ông cố vấn một số vấn đề trọng đại và khẩn trương. Ở cương vị của ngài, ngài luôn luôn phải thận trọng, tế nhị mới giành được sự tín nhiệm của cả Mỹ và Pháp, nếu không thì khó biết rõ họ muốn gì, họ đang làm gì với đất nước. Đối với vụ đảo chính vừa qua, cha quy trách nhiệm về phần tổng thống, vì ngài dã thông báo trước mà không có biện pháp ngăn ngừa. Các cơ quan an ninh của ta hoàn toàn không biết về việc Mỹ, Pháp sử dựng quân dù gây biến cố. Dân chúng càng dao động khi thấy binh chủng nhảy dù, con cưng của tổng thống, đã quay mũi súng chống tổng thống, họ sẽ đặt vấn đề tin tưởng đối với tổng thống...

Hai Long ngừng nói, nhìn Nhu chờ xem phản ứng. Nhu khuyến khích:

- Anh cứ nói tiếp, chớ có điều chi phải e ngại.



- Ông cố vấn có cái nhìn toàn cục chiến lược đối với tình hình đất nước hiện nay. Tôi rất tán đồng chiến lược chống chiến tranh du kích của ông cố vấn, đặc biệt là ông cố vấn đã rất coi trọng những kinh nghiệm chiến đấu của bản thân giáo dân ta ở Phát Diệm - Bùi Chu. Nhưng hiện nay, xét cho cùng thì nguy cơ cộng sản tuy là rất lớn, lớn nhất đó, nhưng hãy còn xa. Vì Cộng sản chỉ mới làm chủ được rừng núi và vùng nông thôn hẻo lánh, có phát triển lực lượng và chiếm đất theo chiến thuật "vết dầu loang" nhanh cách nào, cũng phải vài ba năm mới đủ lực lượng tiến vào thành thị, lật đổ chế độ cộng hòa ở Sài Gòn. Biến cố ấy không thể nào là biến cố bất ngờ! (Hai Long nhấn mạnh)! Đức cha chưa bận tâm nhiều đến nguy cơ cộng sản, vì còn lâu mới xảy ra, ta còn thời gian để lo liệu. Pháp và Mỹ chính là nguy cơ trước mắt. Vụ đảo chính vừa qua đã chứng tỏ rõ, Vương Văn Đông được Pháp chuẩn bị từ lâu, đã tổ chức lực lượng sẵn sàng, chờ Mỹ có hành động áp lực với tổng thống là "mượn gió bẻ măng", thừa cơ lật đổ tổng thống. Nếu Đông không nghe lời khuyến cáo của cố vấn Mỹ ở tại chỗ, để đại tá Khiêm kịp đưa viện binh từ Mỹ Tho lên cứu nguy cho tổng thống thì cục diện hôm nay sẽ ra thế nào?...

Nhu vẫn lặng thinh ngồi nghe, mắt không nhìn Hai Long, tay mân mê bao thuốc lá.

Hai Long ung dung nói tiếp:

- Còn về Mỹ thì sao? Theo ý Đức cha: Mỹ cần mảnh đất Nam Việt Nam này hơn chế độ cộng hòa cùng với nhân vật lãnh đạo chế độ hiện nay! Mỹ đã thật sự đưa Phan Quang Đán ra uy hiếp tổng thống. Mỹ đã có âm mưu muốn thay thế tổng thống. Đán thường xuyên liên lạc với đại sứ Mỹ Durbrow ở Sài Gòn, trong khi đó, em của Đán, Phan Huy Đức luôn luôn bám giám mục Nguyễn Văn Hiền. Biến cố 11 tháng 11 chứng minh rõ ràng chỉ trong khoảnh khắc, chế độ và tổng thống có thể bị lật đổ do bàn tay của Mỹ và Pháp, với lực lượng quân sự, chính trị ở ngay thủ đô Sài Gòn, nằm sẵn trong chế độ cộng hòa. Cộng sản với lực lượng quân sự nhỏ yếu hiện nay, dù có muốn lợi dụng tình hình chính trị khó khăn của ta, cũng không thể nhanh và kịp thời bằng Pháp được!

Nhu gật gù, xoa tay như sắp buột ra một lời đánh giá, nhưng y đã kịp ghìm lại, chuyển qua chuyện khác.

- Tiện đây, moi[8] trở lại bản tham luận của toi. Toi viết theo style acdémique[9]; nó trang trọng, khúc chiết, nhưng nội dung khập khiễng vả thiếu phần thực dụng. Có nhận định, suy luận còn phải có phần tổ chức, biện pháp nữa chứ? Tại sao toi không đứng hẳn về phía cha Lê hay đứng vào vị trí những người cầm quyền mà đưa ra ý kiến này, ý kiến khác ứng phó với tình hình? Nói nguy cơ trầm trọng mà không chịu lộ biện pháp giải quyết, thì khác nào gây áp lực với tổng thống?

Nhu vung tay nói tiếp:

- Phải quét sạch bọn xôi thịt gây rối loạn, phải chặn đứng Cộng sản, đề phòng Pháp, dè chừng Mỹ.

Hai Long gật đầu. Nhu tưởng anh tán đồng, nói tiếp:

- Cha Lê có vị trí đặc biệt hiếm có ở miền Nam, Ngài đi hàng hai, hàng ba, hàng tư. Ngài biết rộng, hiểu sâu nhiều vấn đề, nhiều người, nhiều nước. Sự hiểu biết của ngài thật quý giá đối với tổng thống. Anh làm cách nào hiểu hết được những suy nghĩ nhận xét của ngài rồi anh phân tích, tổng hợp tất cả để giúp tôi hiểu được ngài như anh hiểu. Cha bàn cách giải quyết thế nào, và riêng ý kiến anh ra sao, cũng thẳng thắn cho tôi biết để tôi rộng đường nghiên cứu đối sách... Tôi công nhận anh là người có nhiều khả năng phân tích... Anh hãy vận động, hối thúc cha lui với thăm tổng thống. Về phần tôi, sẽ tạo điều kiện để tổng thống gần cha hơn. Chúng ta không thể để tình trạng lạnh nhạt kéo dài giữa hai vị lãnh tụ. Người trong nhà ly tán, kẻ ngoài dòm ngó, xen lẫn nội bộ ta, can thiệp vào công việc nội trị, ngoại giao của ta.

Cái đích của buổi gặp gỡ đã đạt được.

Hai Long muốn nhân đây khoét thêm mâu thuẫn giữa Mỹ và Diệm - Nhu, nhưng lại e vội vàng.

Đúng lúc ấy, Nhu hỏi:

- Anh xem ý kiến Đức cha đối với Pháp, Mỹ hiện thời ra sao?

- Cha cho rằng Mỹ ủng hộ hoặc gây áp lực với tổng thống đều vì đường lối, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, vì quyền lợi của Mỹ, tuyệt nhiên không vì tổng thống. Nếu khi quyền lợi của họ bị trở ngại, họ sẽ không từ điều gì không làm để phá bỏ trở ngại. Đức cha thường căn dặn tôi: Người Mỹ theo chủ thuyết thực dụng, không theo thuyết "duy linh", nên họ coi trọng quyền lợi vật chất, xem nhẹ đạo đức tình nghĩa. Cái lý của họ là lý của kẻ mạnh. Họ trở mặt ngay với bất kể bè bạn, đồng minh. Roosevelt[10] dối với De Gaulle[11] là một ví dụ. De Gaulle đến nay vẫn còn mang hận. Trái lại, Pháp trọng tình nghĩa, đạo đức hon, đối xử có thủy có chung với những người đã hợp tác với họ. Họ vẫn không ngừng liên lạc và giúp đỡ Đức cha... Gần cha từ lâu, tôi cứ đinh ninh cha thân Pháp, xử lý theo quan điểm của Pháp. Nhưng biến cố 11 tháng 11 đã làm tôi tỉnh ngộ.

- Toi sửa soạn về Sài Gòn ngay! Giữ bí mật để tránh mọi quấy phá và chuẩn bị đương đầu...

Mỗi lần cậu Út đi ngang, Nhu lại chuyển sang nói bằng tiếng Pháp. Cậu Út đáp lại bằng những bước đi nặng trịch.

Một lần cậu Út đi khỏi, Nhu nói thì thầm:

- Toi lưu ý khi trao đổi với ông Cẩn, chỉ bàn bạc những vấn đề thuộc phạm vi địa phương miền Trung. Phải nhớ điều đó, ông Cẩn đôi khi nông cạn... Về phần các cha thì cha nào cũng ham chạp áp-phe. Toi nghiên cứu cho các ông ấy trúng một vài áp-phe thì ta nhờ cậy việc gì cũng xong. Mình sẽ bàn với ới ông Cẩn đưa toi về Sài Gòn sớm. Phải chạy đua với thời gian...

Hai Long hiểu thêm một lý do hối thúc Nhu phải đưa anh về sớm Sài Gòn vì y e ngại quan hệ mật thiết giữa anh với cậu Út.

- Ông Cẩn có nói cần toi ở lại đây để hoàn tất bản dự thảo kế hoạch chống đảo chính. Việc đó không thể làm ở đây. Moi sẽ cùng bàn bạc với toi khi toi đã về Sài Gòn.

5.

Cậu Út đích thân đứng coi người nhà trải đèn chăng mùng, xếp chăn cho anh và khách. Nhu đã nói với Cẩn để hai người ngủ cùng một phòng cho tiện trao đổi vì sớm hôm sau đã phải ra máy bay.

Hai Long ngỡ ngàng trước cảnh tượng này. Đêm qua anh còn nằm ở một góc nhà giam lạnh lẽo, trên tấm phản gỗ với chiếc chăn chiên. Tối nay, anh đã ngủ trong nhà vị cố đại thần triều Nguyễn, giường cao, chiếu sạch, chăn ấm, nệm êm. Giường bên kia là người nắm trong tay vận mệnh của chế độ. Những người chiến sĩ tình báo phải giàu óc tưởng tượng. Nhưng anh không thể nào nghĩ được có một đêm anh và Nhu lại ngủ trong cùng một căn buồng! Nhu chính là kẻ đã thảo ra luật 10/59, đặt những người như anh ra ngoài vòng pháp luật, cho kéo lê máy chém khắp miền Nam để chặt đầu Cộng sản nằm vùng. Đêm nay, anh nằm cạnh tử thần. Nếu Nhu nhận ra anh qua một câu nói trong cơn mê, đầu anh chắc chắn sẽ nằm dưới gốc cam trong vườn của Ngô Đình Cẩn! Sự biệt đãi đó chứng tỏ Nhu đã coi anh như một "chiến hữu", một kẻ tâm phúc của mình. Điều này, Nhu đã kín đáo nói ra trong cuộc trao đổi buổi tối. Nhu đã trao cho anh nhiệm vụ "theo dõi" Đức cha để báo cáo với Nhu. Nhu không cần hỏi anh có ưng thuận hay không, vì Nhu tin ở quyền lực của mình, tin ở vị trí con người của mình. Giữa Nhu và cha Lê, anh sẽ phải chọn Nhu. Nhưng Nhu không biết rằng chính anh đang rất cần đến y. Anh đã phải vượt qua bao nhiêu con đường quanh co, hiểm nghèo, phải trả giá bằng những tủi nhục quá sức chịu đựng của mình và nếu cần, anh sẵn sàng hy sinh nhiều hơn thế nữa để được đến gần con người này vì lý tưởng chiến đấu của mình.

Mục tiêu đã đạt được. Người anh lâng lâng bay bổng.

Bên ngoài trăng sáng. Ánh trăng bát ngát trải trên vườn chè ướt át sương đêm. Như có những ánh mắt lúng liếng của những cô thiếu nữ đang cười. Một đêm trăng đẹp lạ lùng.

Nhu cũng đang nhìn ra vườn. Phải chăng y cũng đang ngắm ánh trăng.

- Ông cố vấn ngày xưa có đọc thơ Nguyễn Bính không?

Trước khi vào học tại trường Bác cổ[12] Paris, Nhu đã tốt nghiệp cử nhân Văn chương.

Nhu đáp:

- Mình làm chính trị không còn thời giờ đến với thi ca. Tại sao anh lại hỏi thế?

- Tôi vừa nhớ tới mấy câu thơ của ông ta:

Đêm nay mới gọi là đêm

Ai đem trăng sáng đãi trên vườn chè.

Trăng đêm nay đẹp quá!

- Anh bao nhiêu tuổi rồi?

- Tôi đã bước vào tuổi 32.

- Vẫn là tuổi thanh niên, còn nhiều mơ mộng.

Nhu lại im lặng. Anh biết y nhìn ra vườn nhưng không phải để ngắm ánh trăng. Đôi mắt y đang chìm đắm trong những suy tư. Y không còn giây phút nào thảnh thơi. Cuộc trao đổi với anh ngày hôm nay chắc đã đem lại cho y thêm nhiều lo lắng. Y đang tính toán. Lại một ý đồ, một mưu toan nào đó đang hình thành trong đầu y. Bộ mặt trầm tư, kín đáo của y nhắc nhở anh, mình vừa mất cảnh giác. Suýt nữa thì mình lột tuột bộ áo thầy dòng trước ước mắt lão ta...

Anh bỗng thấy y rất cô đơn.

Y không sung sướng gì trong cương vị hiện nay. Y ra đây với trăm ngàn nỗi lo vò xé. Y biết rõ mình đang sống giữa những họng súng vô hình... Mình còn hạnh phúc hơn y rất nhiều.

Trước khi lên giường ngủ, Nhu quay sang bảo Hai Long:

- Ménage ta monture![13]

Để xem y vội vàng đến đâu, Hai Long làm như buột miệng đọc một câu ngạn ngữ của người Ý:

- Chi va piano, va sano...[14]

Tốt nghiệp trường Bác cổ, Nhu rất giỏi liếng Latin. Nhu nghiêm mặt nói:

- Le temps presse![15]

Suốt đêm, Hai Long không ngủ. Quá lâu ngày anh mới uống một tách cà phê. Như vậy cũng hay. Anh rất sợ giấc mơ của mình đêm nay. Ở giường bên kia, thỉnh thoảng Nhu lại trở mình. Y cũng đang trằn trọc.---

[1] Động tác giả.

[2] Chào bạn! (tiếng Pháp)

[3] Rất tốt! (tiếng Pháp)

[4] Anh (tiếng Pháp)

[5] Léon Pignon: Cao ủy Pháp tại Đông Dương (1948-1950)

[6] Jean De Lattre De Tassigny: Cao ủy Pháp kiêm Tổng chỉ huy quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương (1950-1952).

[7] Henri Eugène Navarre: Tổng chỉ huy quân Viễn chinh Pháp tại Đông Dương (1953-1954)

[8] Tôi (tiếng Pháp)

[9] thể văn hàn lâm.

[10] Franklin Roosevelt: tổng thống Mỹ (1936-1945)

[11] Charles A.J.M De Gaulle: thủ lĩnh chính phủ Lâm thời cộng hòa Pháp (1945), tổng thống Pháp (1959-1969)

[12] Ecole des Chartes

[13] "Hãy chuẩn bị yên cương!". Nhu mượn cách nói trong một câu thơ của Jean Racin (1639 - 1699), nhà thơ Pháp: Qui veut voyager loin, ménage sa monture. (Ai muốn đi xa, thì phải chuẩn bị yên cương).

[14] Bước chậm, bước chắc...

[15] Thời giờ gấp rồi!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Ông Cố Vấn

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook