Quán Trọ Hoa Diên Vỹ

Chương 6

Yoko Ogawa

12/06/2014

Càng ngày tôi càng khó tìm được lý do để không phải làm việc. Không thể cứ mang “quý bà lắm tiền độc thân” ra làm bình phong mãi được. Cái từ “lắm tiền” chỉ khiến mẹ tôi vui mỗi lúc đầu thôi. Khi bà nhận ra mình chẳng được lợi lộc gì, thì với mẹ “quý bà” của tôi chỉ là một bà già xúi quẩy.

- Chơi với một bà già thì được cái quái gì? Ít nhất thì mụ ấy cũng phải thưởng tiền cho mày chứ? Chắc mụ chỉ gọi mày đến để giải sầu thôi. “Nhờ” mụ mà đây khốn đốn lúc đang kiếm lời nhất. Mụ già như thế thì vứt quách đi cho rồi! - Mẹ tôi nói.

Vốn dĩ tôi không có thời gian nghỉ cố định vì Hoa Diên Vỹ mở cửa suốt cả năm. Khi tôi đang trông quán trọ một mình thì có đi mua mỗi cái kem ở ngay hàng bên cạnh mẹ tôi cũng mắng.

- Có khi chỉ vì một cái kem mà làm mất một khoản tiền trọ đấy!

Đấy là lý lẽ của mẹ tôi. Cứ thế bà giằng lấy cái kem tôi đang ăn dở, rồi ném vào bồn rửa đánh “toẹt”.

Khi nào muốn ra ngoài tôi phải mau mắn chớp lấy thời điểm mẹ đang vui và xin phép một cách khéo léo. Quan trọng là không được làm xáo trộn lịch trình của mẹ. Bà luôn ưu tiên những dự định của mình dù đó chỉ là một cái hẹn đi nhậu nhẹt cùng bạn nhảy.

Song đến giờ tôi chẳng có việc gì bắt buộc phải ra ngoài. Cùng lắm chỉ là đi xem bóng đá, trả băng video, hay đi mua đồ con gái, chỉ thế thôi. Nhưng giờ thì khác. Tôi có một cuộc hẹn mà dù phải dối trá thế nào tôi cũng phải đi.

- Con đau răng...

Tôi quyết định bịa chuyện vào bữa trưa, lúc có bà giúp việc. Tôi cảm giác nếu có bà ta bên cạnh sẽ dễ bề nói dối hơn.

- Con đến chỗ nha sĩ nhé?

- Cái răng nào đau?

- Răng hàm bên phải.

- Mày không chịu khó chút được à?

- Thực sự con không chịu nổi.

- Nhai lá cỏ thuốc vào là khỏi ngay ấy mà!

- Chữa qua loa thế không được đâu mẹ. Con đau nhức sắp vỡ cằm đến nơi rồi!

- Hình như mai có một công viên lưu động đến đây còn gì? Thế thì thể nào người ta chả dẫn trẻ con theo, rồi sẽ kín phòng thôi, chả hiểu tại làm sao mà mày lại đau răng vào đúng lúc này hả con?

Mẹ tôi vẫn cứ lẩm bà lẩm bẩm. Tôi nhẹ nhàng cắn miếng sandwich dưa chuột bằng hàm trái.

Bà giúp việc vẫn im lặng bẻ cái sandwich ra làm đôi, nhét một nửa vào mồm rồi nốc bia vào cho nó trôi đi. Bà ta không hề xen vào một lời nào liên quan đến chuyện đi nha sĩ. Bà ta chỉ chăm chăm nhìn đống vụn bánh vương trên mặt bàn như muốn tránh ánh mắt của tôi.

- Xin lỗi, cháu làm phiền bác quá! - Tôi nói với bà giúp việc.

- À à... - Bà ta trả lời bằng giọng hơi khó chịu.

- A, phải rồi. Dạo này bác giúp việc có một cái ví đựng đồ rất đẹp nhé! Nó tết bằng hạt cườm kia đấy. Bác, cho cháu xem cái đó đi!

Tôi nói. Tôi muốn kiểm chứng lại thỏa thuận ngầm giữa hai người. Bà giúp việc tu cạn chỗ bia còn lại, rồi quăng cái lon rỗng vào thùng rác. Cái lon phát ra âm thanh chói tai.

- Hôm nay bác không mang nó theo.

- Vậy à? Tiếc nhỉ.

Tôi bẻ nhỏ cái sandwich cuối cùng, chỉ véo ăn chỗ có pho mát. Bà giúp việc phả khói thuốc. Mẹ tôi ợ lên một tiếng.

Cái bếp kín như bưng này nóng khủng khiếp. Quạt máy trên tủ lạnh quay phành phạch, song chỉ toàn phả ra hơi nóng. Khách trọ đều đã ra biển cả. Hoa Diên Vỹ giờ trống tênh. Ve trong sân vườn kêu nhức óc. Ánh nắng gay gắt rọi vào lưng cậu thiếu niên chơi đàn hạc khiến cậu trông mệt mỏi hơn mọi khi.

*

* *

Tối hôm đó, ở quầy lễ tân xảy ra một sự việc nho nhỏ. Một ông khách say rượu đã rờ trúng ngực tôi.

- Xin lỗi nhé. Tôi bị trượt tay... - Lão ta cất giọng cười hết sức bỉ ổi.

Trong phút chốc tôi không nhận ra mình bị làm gì. Đúng lúc tôi định đặt chìa khóa lên quầy lễ tân thì bàn tay ông khách vươn ra, chộp lấy một bên ngực tôi. Phải mất mấy giây tôi mới xác định được ý nghĩ động của ông khách. Một cảm giác khó chịu vương trên ngực tôi.

Tôi quăng chìa khóa và thét lên. Tôi phủi ngực mãi như thể ngón tay của người khách vẫn còn bám vào. Thấy vậy lão ta càng cười lớn.

- Em gái ơi, đâu cần phải tỏ ra khó chịu như thế. Tôi không có ý đồ gì xấu đâu. chỉ là một chút hiểu lầm, hiểu lầm thôi.

Người khách loạng choạng chống cùi chỏ vào quầy thanh toán, liếc nhìn tôi bằng hai con mắt đỏ ngầu. Hơi men nồng nặc phả vào tôi. Một lần nữa tôi lại dùng hết sức bình sinh hét thật to.

Mẹ tôi vội vàng chạy từ trong ra. Những khách trọ khác lấp ló sau cánh cứa. Trước đây cũng đã từng xảy ra chuyện ồn ào như thế này. Chính là cái đêm dịch giả trọ ở phòng 202.

- Có chuyện gì thế?

- Ồn ào cái gì đấy?

- Nhức đầu quá, không ngủ được!

Mỗi người chêm một lời. Tối nọ tôi cũng đã nghe những câu y hệt thế này.



Không biết từ bao giờ tiếng kêu thét đã hóa thành tiếng khóc. Tôi núp trong khoảng tối bé nhỏ dưới quầy thanh toán, cứ khóc mãi không thôi.

Tôi cũng biết đấy không phải là chuyện gì lớn. Chỉ là có chút men rượu vào thôi. Dù tôi có làm to chuyện đi nữa cũng chẳng ích gì.

- Hừ. Đúng là một cô bé không biết đùa. Mất hết cả hứng! - Một người khách nói, giọng hờn dỗi.

- Thành thật xin lỗi quý khách. Con bé còn trẻ con mà. Chắc quý khách bị giật mình đôi chút. Tôi sẽ nhắc nhở cháu nó. Xin quý khách bỏ quá cho. Mời quý khách đi nghỉ thong thả. Xin thứ lỗi vì đã làm ồn.

Mẹ tôi có ý nói ngọt như muốn lấp liếm chuyện này đi.

- Mày định rấm rứt đến bao giờ? Bị sờ có mỗi ngực thôi chứ gì? Có phải bị hành hạ gì đâu! Mà cũng chẳng đau chẳng ngứa gì. Giống như con ruồi nó đậu lên ngực mày thôi! Ngày mai mẹ sẽ thuyết phục lão ta trả nhiều tiền boa cho mày!

Phía dưới quầy thanh toán đầy bụi bặm, xác một con gián lăn lóc trên sàn. Mỗi lần tôi chớp mắt, nước mắt lại ứa ra. Tôi càng lúc càng không hiểu nổi tại sao mình lại khóc.

Lão say và cả những khách trọ khác đã kéo nhau về phòng, phòng ngoài lại trở nên yên tĩnh. Chỉ có mẹ tôi là đang huyên thuyên gì đó.

Tôi nghĩ chắc mình khóc muốn gặp dịch giả quá. Tôi muốn gặp, muốn cảm nhận hơi ấm trên cơ thể ông ta. Tôi muốn nhìn thấy khoảnh khắc khuôn mặt ương ngạnh và cô độc của ông ta cười e lệ khi thoạt nhìn thấy tôi. Tôi muốn đắm chìm trong nghi lễ bí mật của hai chúng tôi tại ngôi nhà trên đảo F, muốn được ông ta ra lệnh.

Nếu ngày mai đến, ngay lập tức những nguyện cầu của tôi sẽ trở thành hiện thực, nhưng viễn cảnh này không thể giúp tôi vơi đi nỗi buồn. Tôi muốn gặp dịch giả ngay bây giờ, tâm trạng ấy khiến tôi thấy buồn.

*

* *

Bà giúp việc đã phản bội tôi. Buổi sáng bà ta không đến Hoa Diên Vỹ đúng giờ như mọi khi.

- Hình như bà ta ăn nhiều quá nên đau bụng rồi hay sao ấy. Vừa nãy bà ta gọi điện xin nghỉ rồi. - Mẹ tôi nói.

- Thế còn vụ đến nha sĩ thì thế nào ạ? - Tôi rụt rè hỏi.

- Cái đấy thì ngày mai, ngày kia làm cũng được chứ sao. Hôm nay mà Mari không ở nhà giúp mẹ thì hỏng hết. Các phòng đều chật kín rồi. Tại thế quái nào mà mụ già lại đau bụng vào đúng cái ngày bận rộn thế này nhỉ?

Ngày mai, ngày kia ư? Không được. “Hôm nay, hai giờ chiều, con phải đi đến chỗ đồng hồ hoa trên quảng trường trung tâm!” - Tôi muốn hét lên như thế, nhưng rồi lại lặng thinh làm theo lời mẹ.

- Này này, đừng có lần chần ở đấy nữa! Nếu dọn dẹp nhà bếp xong rồi thì giúp mẹ sửa soạn giường chiếu cho khách đi!

Mệnh lệnh của mẹ lúc nào cũng khiến tôi chán chường. Cứ như một trận đòn đau thê thảm vậy.

Tôi rửa bát đĩa khách đã dùng trong bữa sáng. Tôi vứt mẩu giăm bông vẫn còn nguyên vết răng cắn, xát xà phòng vào những cái thìa nhoe nhoét toàn sữa chua rồi đổ tách cà phê đã nguội ngắt đi.

Có những khách thường xuống nhà vào khoảng này. Một cô gái mặc áo quây che bộ ngực đồ sộ cùng quần soóc và một anh chàng trẻ tuổi đeo kính râm. Tôi vội vàng xối xà phòng bám trên tay. Họ gọi cà phê espresso và trà chanh. Khi tôi nói là chỉ có cà phê Mỹ, cô gái bĩu môi, còn anh chàng thì hầm hừ. Tôi lấy từ trong tủ lạnh ra miếng chanh vắt dở, cắt làm đôi. Hai người họ chỉ toàn kêu ca. Nào là “không có mứt việt quất à,” “pho mát cứng quá,” “nướng lại bánh mì cho tôi,” rồi thì “dao bẩn khiếp”...

Bát đĩa bẩn chất thành núi ở chỗ bồn rửa. Trên chiếc tách cô gái đã uống vẫn còn dính vết son môi màu hồng. Tôi dùng miếng bọt biển chà mãi cũng không sạch.

Những khách trả phòng đã bắt đầu tập trung ngoài sảnh. Không biết từ đâu có tiếng mẹ tôi gọi “Mari, Mari, Mari” ba lần liền. Dù vẫn còn sớm nhưng không khí sảng khoái của buổi sáng đã biến mất, ánh nắng chói chang chiếu rọi trong sân. Khách liên tục ấn chuông ở quầy lễ tân, có vé rất sốt ruột.

Tôi ném cái tách dính son sang một bên. Nó vỡ đánh “choang” một tiếng.

Chắc chắn bà giúp việc giả bệnh. Biết hôm nay tôi sẽ đi gặp người đàn ông trong thư, nên bà ta định cản trở đây mà. Chắc bà ta tức tôi vì đã lôi chuyện cái ví ra trước mặt mẹ. Thế nên bà ta muốn dạy tôi một bài học đây. Hay có khi nào chỉ cần làm tôi khốn đốn là bà ta thoải mái rồi, giống như chuyện ăn trộm đồ vậy.

Tôi không thể hủy cuộc hẹn. Vì nhà dịch giả không có điện thoại. Dù gì đi nữa tôi cũng phải rời Hoa Diên Vỹ trước hai giờ chiều. Tôi muốn tặng ông ta tất cả những gì ông muốn.

Sau khi khách trả phòng thưa dần, nhân lúc mẹ không để ỷ, tôi gọi điện cho bà giúp việc.

- Bụng bác thế nào rồi? - Tôi hỏi.

- Cảm ơn mày đã lo lắng cho bác.

Bà giúp việc nói, giọng đắc ý như tin chắc kế hoạch của mình đã thành công.

- Không phải tại bác uống nhiều bia quá đấy chứ?

- Có lẽ vậy. Trời nóng như thế này mà lại.

- Mẹ cháu kêu bác suốt đấy.

- Người đó thì chuyện gì mà chả kêu ca.

- Sao bác lại dùng cách giả bệnh hả?

- Giả bệnh á?

Bà giúp việc cười khùng khục như có vẻ ngạc nhiên lắm.

- Mày bỏ cái kiểu ăn nói lạ lùng ấy đi cháu! Sao ta lại phải nói dối để nghỉ việc chứ? Vả lại làm thế còn bị cắt lương nữa.

- Bác thôi giả vờ đi!

Tiếng máy hút bụi của mẹ ngừng lại. Tôi ghé miệng vào sát ống nghe và lấy tay che đi.

- Cháu biết rõ âm mưu của bác rồi. Bác định trói chân cháu ở đây, không cho cháu đi nha sĩ chứ gì?



- Con bé này toàn nói chuyện ngu ngốc. Nha sĩ thì sao? Mày có đến nha say không liên quan gì đến ta nào? Nha sĩ là nha sĩ. Chỉ là NHA SĨ thôi mà.

Bên kia ống nghe có tiếng đá viên lạo xạo, hình như ai đó đang uống gì. Bà giúp việc vẫn nhai ngấu nghiến một cách thô tục như mọi lần. Và bà ta không giấu giếm điều đó.

- Sao mày nghĩ ta giả bệnh? Ta đau bụng thật mà. Đau lắm, đau đến mức không thể dọn dẹp phòng trọ được. Với lại mẹ mày cũng cho phép ta nghỉ rồi mà.

Hình như bà ta nói chuyện trong khi vẫn phùng má lên ăn, nên đôi chỗ tôi nghe không rõ. Song tôi vẫn dứt khoát.

- Tới một rưỡi bác phải có mặt ở Hoa Diên Vỹ!

- Cho ta xin lỗi nhé.

- Được chứ? Một rưỡi đấy nhé! Đấy là hạn cho bác.

- Không can hệ gì tới ta hết.

- Nếu bác không đến cháu sẽ mách mẹ. Trước đó cháu cũng đã cảnh báo bác thế rồi. Không chỉ là tiền lương một ngày, mà tiền lương cả đời bác cũng sẽ mất hết.

Tôi lại nghe thấy tiếng máy hút bụi. Thay vào đó bên kia ống nghe câm lặng.

Tôi sợ bị bà ta phản pháo rằng muốn mách thì cứ mách đi! Bà ta nắm con át chủ bài. Bà ta mà mách mẹ chuyện tôi đi gặp trai thì xong đời. Dù bà ta vẫn chưa hay người đàn ông ấy là một người kỳ quặc, bị người trong thị trấn ruồng bỏ. Không sao, không sao. Tôi tự nhủ. Mình đã đốt lá thư rồi, bà ta đâu có chứng cứ gì nữa. Nhưng những gì bà ta đang làm là phạm tội. Nếu tôi lục tung túi xách của bà ta để lấy cái ví tết hạt cườm ra thì bà ta xong. Hay mình lột trần bà ta rồi chỉ cho mẹ thấy cái váy lót cũng được.

Tôi đánh cú chót với bên kia.

- Nếu một rưỡi mà không đến thì bác tự hiểu mình sẽ thế nào rồi đấy.

Một ngày bận rộn ghê gớm. Ngay cả thời gian rảnh để ăn trưa cũng không có. Thảm trải sàn trong các phòng đầy những cát, phải dọn dẹp mất rất nhiều thời gian. Mẹ sốt ruột nên quát mắng tôi suốt.

Chúng tôi chưa dọn xong thì đã lại có khách trọ mới đến. Chuông điện thoại từ khắp nơi réo liên hồi: trung tâm y tế, công ty cho thuê cây cảnh, đại lý du lịch, thầy dạy nhảy, khách hủy hẹn, khách đặt trước, khách bị lạc đường... Thêm vào đó toàn bộ toa lét tầng ba đều bị tắc, mùi hôi thối xộc lên trong quán trọ. Ngay lập tức chúng tôi cho gọi thợ sửa chữa, song cũng phải mất khá lâu. Những khách không vào được phòng cứ nhằm mặt tôi mà kêu ca tới tấp. Họ đổ lỗi là tại tôi mà phòng của ọ toàn mùi thối, tại tôi mà họ nóng quá chóng hết cả mặt, tại tôi mà họ giẫm phải đá đứt chân, tất cả đều là lỗi của tôi.

Nguyên nhân là do một cái quần lót bị kẹt trong ống thoát nước phòng 301. Đấy là phòng của cặp trai gái xuống ăn sáng muộn nhất. Cái quần trông thật khó coi, giống hệt cái kiểu ăn mặc của cô gái kia. Nó bị kẹt sâu trong bồn cầu, nhàu nhĩ và sũng sình toàn nước thải.

Sắp đến một rưỡi. Không biết dịch giả đã rời đảo chưa? Không biết ông ta đã khoác lên mình chiếc sơ mi trắng phẳng phiu cùng cái cà vạt thít chặt, và mặc cái áo vest nóng bức như mọi khi rồi lên du thuyền chưa nhỉ? Tôi nhìn chăm chăm vào đồng hồ. Tôi xin lỗi khách, nhưng trong lòng chỉ toàn nghĩ về dịch giả.

Bà giúp việc mãi chẳng thấy đâu. Cứ mỗi khi cảm giác có người qua cửa tôi lại nhìn ra sân, song chỉ là mấy con mèo chết tiệt.

- A a, đói quá! Mẹ hoa hết cả mắt lên rồi. Mày làm cái gì cho mẹ ăn đi! - Mẹ tôi nói.

Tôi vào trong hâm lại cà ri đóng hộp. Lúc ấy vẫn còn khách đến. Tôi đứng ngoài bậu cửa ăn cà ri. Trong khi tôi cứ hết vào trong rồi lại ra chỗ quầy lễ tân, cà ri đã nguội ngắt từ bao giờ.

Kim đồng hồ sắp chỉ một rưỡi. Bà giúp việc vẫn biệt tăm. Hình như bà ta muốn trả thù tôi cho đến cùng hay sao ấy. Dù tôi có chạy đi ngay bây giờ thì cũng không kịp giờ hẹn. Vậy mà tôi lại đang ăn cà ri ở cái nơi khỉ gió này. Thật đáng xấu hổ. Tôi cố gắng nuốt trôi chỗ cà ri lạnh tanh còn lại trên đĩa.

- Khăn trải bàn vẫn còn bẩn đây này! Nếu không mang đi giặt ngay thì đến sáng mai nó không khô được đâu!

Dù đã no phễnh rồi nhưng mẹ tôi vẫn chưa hết bực dọc. Bà đóng sầm cửa lại, rồi lên xem tầng ba thế nào.

Tôi đi giặt khăn trải bàn. Tôi nhúng nó vào thuốc tẩy, gột sạch vết bơ, vết mứt và nước cam trên đó rồi mới giặt. Sau khi đã cho qua máy vắt, tôi phơi nó ở cái sân sau chật chội đầy muỗi vằn. Bốn tấm treo xà trên, ba tấm treo xà dưới. Tôi chú ý phơi sao cho chúng không bị chéo góc. Tôi gấp ngược hai đầu mép vải hai mươi centimet, rồi kẹp lại bằng hai cái kẹp. Ba mươi centimet hay mười centimet đều không được. Ba hay một cái kẹp cũng không được. Đấy là lệnh của mẹ tôi.

Tôi không hiểu tại sao mình lại phải khúm núm trước mặt mẹ như thế, tại sao mình không vứt toẹt đống khăn trải bàn đi rồi bay đến chỗ dịch giả nhỉ. Tôi không thể chịu đựng nổi nếu không gặp được ông, và cũng không thể chịu nổi nếu bị mẹ phát hiện. Tôi cảm giác không khí quanh mình cứ loãng dần ra, khiến tôi không thở được, chỉ cần bà giúp việc đến thôi là mọi việc đã diễn ra tốt đẹp rồi

Tôi thấy rất khổ tâm mỗi lần nhìn đồng hồ. Cứ thế nó nhẫn tâm đi qua hai giờ, rồi ba giờ. Kim đồng hồ càng dịch chuyển tôi càng tức bà giúp việc hơn.

Hình bóng dịch giả hiện lên trên tấm khăn trải bàn trắng xóa. Ông ta đang đứng trước cậu thiếu niên chơi phong cầm, ở một nơi không có chút bóng râm nào. Những đồng xu trong hộp đàn lấp lánh. Tiếng phong cầm buồn thảm không truyền được tới tai những người đang tận hưởng kỳ nghi, chỉ mình dịch giả là có thế chìm đắm trong giai điệu ấy mà thôi.

Thi thoảng ông ta lại nhìn đồng hồ trên tay. Rồi ông ngó nghiêng, nhấp nháy mắt vì chói nắng, và dõi xem tôi có chạy đến từ phía bờ biến hay không. Con phố đông đúc như thế, vậy mà chỉ có tôi là không thấy bóng dáng đâu. Ông ta nhìn đồng hồ trên tay mình, và nhìn đồng hồ hoa: “Có khi đồng hồ của mình hỏng rồi cũng nên.” - Có lẽ ông ta sẽ nói vậy.

Ông ta sẽ tưởng tượng ra nhiều khả năng. Mari nhầm ngày à? Cô ấy không nhận được thư à? Hay cô ấy đột nhiên bị ốm không biết chừng? Dịch giả lại chăm chú nghe phong cầm.

Tôi lấy hai tay đập mạnh tấm khăn trải bàn, rồi kéo ra cho phẳng. Giờ tôi chẳng còn dũng khí nhìn đồng hồ nữa. Chắc dịch giả đã bỏ về đảo rồi. Nhưng dẫu sao tôi cũng mong ông ta đừng hiểu lầm là tôi ghét ông ta. Tôi cầu mong như thế. Tôi ngồi thụp dưới xà phơi quần áo và cầu nguyện. Từ hôm qua đến giờ tôi toàn gặp chuyện không vui. Cứ mỗi lần mường tượng ra hình bóng dịch giả là tôi lại thấy buồn.

Tôi tự hỏi mình ngồi bất động như thế trong bao lâu. Có tiếng mẹ vọng ra từ trong bếp. Tiếng bát đĩa va vào nhau, tiếng ghế kêu cót két, tiếng người đi qua đi lại. Có tiếng cười khúc khích. Là bà giúp việc! Bà giúp việc đến rồi!

Tôi với lấy cái khăn trái bàn phía trước lau mặt đi, rồi chạy về phía bếp.

- Bụng sao rồi?

- Nhịn đói nửa ngày trời, giờ khá hơn rồi.

- Bà đừng có cố quá đấy...

- Tôi chỉ định đến xem tình hình thế nào thôi.

- Nhưng thế cũng tốt. Hôm nay bận đến chóng cả mặt.

Bà giúp việc vừa trò chuyện với mẹ tôi, vừa thắt dây tạp dề. Tôi đứng ngoài cửa ngó vào. Bốn mắt chạm nhau trong một thoáng. Bà ta nguýt tôi như muốn nhắc “Ta đã giữ lời rồi đấy nhé!”, vừa như đe dọa “Nếu mày dám hé môi thì...”

- Mẹ ơi, con giặt xong khăn trải bàn rồi. Có bác giúp việc thay ca rồi, con đi nha sĩ một lát không sao chứ? Con không chịu thêm được nữa.

Nói một hơi xong tôi lảng tránh ánh mắt của bà giúp việc, lao ra khỏi nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Quán Trọ Hoa Diên Vỹ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook