Top truyện nên đọc được đề cử tháng 9

Top truyện nên đọc tổng hợp các truyện sẽ in sâu trong tâm trí bất cứ ai khi đọc qua, dù chỉ một lần. Và sẽ là những quyển sách gối đầu giường biết bao người yêu sách. Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn top 10 truyện nên đọc, ấn tượng nhất ở cả văn học Việt Nam và thế giới. Hãy cùng khám phá nhé!

1.     Ngọc Trong Đá

 Tác giả: Nguyễn Đông Thức

Thể loại: văn học Việt Nam, cách mạng, thanh niên giai đoạn trước và sau 1975.

Số chương: 20

ngoc trong da
Ảnh bìa truyện Ngọc Trong Đá của tác giả Nguyễn Đông Thức

Đây là một tác phẩm truyện dài nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đông Thức, đã được chuyển thể thành phim truyện. Ngọc trong đá lại chứng tỏ sức hút mãnh liệt đối với các tầng lớp độc giả trong nước, bởi cả nội dung và văn phong rất đỗi bình dị, câu từ mềm mại, không quá hoa mỹ, trau chuối của tác giả, rất hợp với đề tài cách mạng.

Truyện kể về một cô gái xinh đẹp tên Giáng Hương. Gia đình Hương thuộc hạng bình thường, không quá khổ sở. Hương được đi học, được thưởng thức những thú vui của lứa trẻ thời ấy, cô sợ những thứ nhem nhuốc, dơ bẩn có thể làm tổn hại nhan sắc, cơ thể của mình. Điều kì lạ là, tác giả nói Hương rất đẹp, nhưng lại ít có những câu miêu tả về cô, chỉ dăm ba dòng “những ngón chân mũm mĩm hồng hào”, “làn da trắng trẻo”, “mái tóc mượt mà”, đúng chuẩn nàng thơ thời ấy.

Biến cố đời Hương bắt đầu khi đất nước giải phóng, Hương phải gia nhập đoàn thanh niên xung phong. Trong mắt một cô gái yếu đuối như cô, việc phải xa nhà, phải làm việc nặng nhọc, là những thứ rất đáng sợ. Oanh khuyên cô trốn đi, rời xa nơi này bằng mọi giá, tìm cách kéo gia đình Hương theo ra nước ngoài, mong cô yên ổn bên Dũng. Nhưng kế hoạch thất bại, Hương vẫn ở lại, cam tâm chấp nhận đi thanh niên xung phong.

Những tháng ngày từ lúc chập chững bước vào doanh trại, mắt còn ướt mi, những đêm không ngủ cứ dài mãi, Hương từ một cô gái yếu ớt, sợ hãi bùn dơ, lần đầu làm y tá, chữa bệnh ghẻ lở cho cả đại đội, lội bùn sình để làm việc dưới trời nắng chang chang … Cô còn trở thành “chị giáo” của đại đội, dạy chữ cho các anh em. Cái tình nghĩa, tình thân giữa những người thanh niên xa lạ đang ngày càng gắn kết, thì Hương đào ngũ. Và trong lần ấy, cô rơi vào chiếc bẫy hoàn hảo của tên công tử Dũng. Đời Hương từ ấy, chẳng còn biết sợ nắng cháy tóc, bùn làm nứt nẻ da. Cô nhuộm đen làn da mình khi đi đào kênh giữa nắng cùng anh em, chuyên cần dạy học, làm một cô y tá trách nhiệm, không còn mất ngủ vì nhớ nhà, sợ hãi.

Truyện còn khai thác về nhân vật Oanh, cũng là một cô công chúa chính hiệu, lần đầu bước vào thanh niên xung phong. Vì bị chia cắt với tình yêu đời mình, gia đình tan nát, cô lao vào con đường thanh niên xung phong, sống và cống hiến trọn đời cho Tổ quốc. Khi nhận được chiếc bọc chứa xác Oanh sau trận đánh của bọn Pôn Pốt, Hương như lịm đi, lặng nhìn dòng chữ “liệt sỹ” khắc trên mộ bạn. Oanh để lại cuốn nhật ký, cùng nhiều đồ đạc còn mới cho Hương, vì với cô, “chỉ còn Hương là người thân duy nhất trên đời”.

Ai rồi cũng sẽ trưởng thành, học cách đối mặt với cuộc sống. Giáng Hương đại diện cho một phần không nhỏ trong số chúng ta, sợ hãi hiểm nguy, điều mới lạ, ngại thay đổi, tuy vậy, cô đã dậm bùn sình đứng lên, thì cớ sao bạn lại không?

 

2.     Lời chia tay đẹp nhất thế gian

Tác giả: Noh Hee Kyung

Thể loại: văn học Hàn Quốc

Số chương: 12

loi chia tay dep nhat the gian
Ảnh bìa truyện Lời chia tay đẹp nhất thế gian của tác giả Noh Hee Kyung

Cuộc sống đôi khi thật vô thường! Ta chẳng thể nào biết trước khi nào sẽ đi đến cái dốc bên kia của cuộc sống. Sự sống và cái chết luôn gần nhau đến thế. Ta luôn biết rằng đến một lúc nào đó, người thân bên cạnh ta sẽ rời xa ta mãi mãi nhưng bản thân ta lại chẳng dám đối mặt, chẳng thể nào chịu đựng nỗi đau, sự mất mát lớn đến vậy. Từng trang văn, từng câu chữ trong “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” đẹp mà xót xa, đượm buồn.

Kim In Hee, người phụ nữ nội trợ, bà dành cả cuộc đời để chăm lo cho gia đình, vun vén hạnh phúc cho những đứa con, chẳng bao giờ than vãn đến một lời. Nhưng người phụ nữ ấy chẳng bao giờ nhận được sự quan tâm từ chồng, con, dù những hành động bé nhỏ nhất. Họ bận bịu với cuộc sống ngoài kia, với những điều lớn lao mà quên mất đi người phụ nữ tần tảo ở nhà, chăm lo cho họ từng bữa ăn, giấc ngủ. Người mẹ ấy, một mình lo liệu tất cả từ bếp núc, dọn dẹp đến chăm sóc người mẹ chồng già lú lẫn, dễ nổi nóng và la hét rồi chịu đựng người em trai chỉ biết cờ bạc, bòn rút tiền mình. Đằng sau bữa cơm thơm ngon nóng hổi, đằng sau mỗi bộ quần áo sạch sẽ, thẳng thớm là biết bao công sức của người mẹ ấy nhưng có ai hiểu điều đó. Họ cứ thế đón nhận tình yêu thương, sự chăm sóc như một lẽ dĩ nhiên. Có những giây phút người mẹ, người vợ ấy cảm thấy tủi thân nhưng lại chẳng dám nói ra vì sợ phiền đến các thành viên trong gia đình. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, người mẹ ấy ôm hết mọi vất vả, phiền ưu vào mình, chẳng thể san sẻ cùng ai.
Và rồi, đến một ngày, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đến giây phút ấy, giây phút chia xa, chẳng bao giờ gặp lại nữa, các thành viên trong gia đình mới nhận ra ý nghĩa to lớn trong sự tồn tại của người vợ, người mẹ ấy, thấm sâu nỗi đau đớn, dằn vặt vì sự vô tâm của chính mình. Đôi khi, chúng ta chỉ mất một giây để biểu thị sự quan tâm với người thân của mình nhưng dường như điều đó lại rất khó khăn. Một bữa cơm gia đình, một nụ cười, một lời hỏi thăm cũng có thể khiến người bên cạnh chúng ta cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Cái chết đến lấy đi người mẹ và để lại trong mỗi thành viên nỗi đau và xót xa. Cuối cùng, họ cũng đã có thể làm cho người mẹ ấy hạnh phúc lần đầu tiên, duy nhất và cuối cùng.
Có phải mỗi chúng ta đều như thế, lao vào vòng xoáy hối hả, bận rộn của cuộc sống hay niềm vui riêng tư để rồi quên đi người thân bên cạnh mình. Khi mất đi rồi, ta nhận ra người ấy quan trọng đến chừng nào, ta mới biết trân trọng. Lời văn của tác giả người Hàn Quốc nhẹ nhàng, bình dị mà khiến ta không khỏi xót xa, chạnh lòng: “Jeong Soo à… dù con quên hết tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được quên con được sinh ra từ bụng mẹ”.

3.     Tôi Là Bêtô

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại: văn học Việt Nam

Số chương: 50

toi la beto
Ảnh bìa truyện Tôi Là Bêtô của tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Tác phẩm gồm những truyện ngắn về cuộc đời của chú chó Bêtô. Bêtô là cún cưng của chị Ni - được đặt theo tên một cầu thủ Brazil, đội bóng mà Ni yêu thích. Một chú cún có bộ lông đen tuyền sống cùng người bạn thân là nhà hiền triết Bi nô với bộ lông trắng như một cục bông.

Nguyễn Nhật Ánh đã chứng minh khả năng sáng tạo không giới hạn của ông, khi ông để nhân vật dẫn truyện là một chú chó tự kể về cuộc đời của mình. Người đọc được chứng kiến những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày qua lăng kính của một chú chó, với sự ngộ nghĩnh và đáng yêu. Không quá ồn ào, dồn dập, không có những tình tiết gay cấn, chỉ đơn giản là từng mẩu truyện nhỏ được kể bằng ngôn ngữ của loài vật mà cuốn hút từ đầu tới cuối. Cái tài của Nguyễn Nhật Ánh là ông có thể kể những chuyện của đời thường không những không tẻ nhạt mà còn lồng trong đó những ý tưởng mới lạ và những thông điệp cao đẹp.

Nếu không đọc tác phẩm này, ít ai có thể ngờ rằng cuộc sống thường nhật của những chú cún lại có vô vàn điều lý thú đến vậy. Từ việc cắn xé quần áo, tập leo cầu thang đến việc kết thân với nhau. Người đọc bất ngờ trước sự am hiểu một cách sâu sắc về động vật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Là nhân vật chính đóng vai trò kể truyện như một con người, Bêtô vẫn có ngôn ngữ, hành động đúng với bản chất của mình. Thích cắn xé đồ đạc, thích chơi trò cắn đuôi, thích gặm xương,... Nhưng người đọc kinh ngạc hơn cả với những triết lý “rất người” và dường như dành cho con người của chú cún này.

Những dòng văn của Nguyễn Nhật Ánh luôn thấm đượm tình cảm gia đình. Với “Tôi là Bêtô”, tình cảm gia đình được khắc họa thật đẹp, thật đáng quý. Tình cảm yêu thương và bao bọc những người trong gia đình chị Ni dành cho nhau qua những sự việc rất đời thường. Tất cả đều được tác giả miêu tả một cách nhẹ nhàng và thân thương, gieo vào lòng người đọc một dòng cảm xúc bồi hồi, tha thiết.

 

4.     Cánh đồng bất tận

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư

Thể loại: văn học Việt Nam

Số chương: 50

canh dong bat tan
Ảnh bìa truyện Cánh đồng bất tận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư

Truyện ngắn này đã được xuất bản khá lâu (2005) trước khi nó trở nên nổi tiếng nhờ được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 2010, đưa tên tuổi nhà văn sinh năm 1976 này trở nên quen thuộc với độc giả.

Tạm bỏ qua nỗi buồn của người đàn ông có đứa con tên Cải bỏ nhà ra đi khiến ông phải tất tả mọi nơi đi tìm, và cuối cùng, ông chọn cách ăn trộm trâu của người ta để rồi cố tình bị bắt, được lên tivi chỉ để phát biểu một câu “Cải ơi, ba nè, về đi con!”.

Tạm quên đi nỗi đìu hiu cô quạnh của một Mút Cà Tha, vùng cù lao cô quạnh với người dân xứ bản địa, nơi mà những đứa trẻ lớn lên không chịu tìm về. Là miền xa xôi hẻo lánh, đến mức một bác sĩ trẻ như Văn được mọi người săn đón vì sợ anh sẽ bỏ của chạy lấy người. Thế rồi cũng như bao con người khác, Văn cũng đã rời bỏ vùng xa xôi này để trở về với khói bụi của thành phố.

Và câu chuyện thứ ba “ở miền quê này người ta nhắc tới anh Hết còn nhiều hơn cả nhắc tên chủ tịch tỉnh đi họp” sẽ làm dậy lòng những người trẻ với một mối tình không thể buồn hơn.

“Họ thương nhau từ lúc hai người mới hai ba, hai bốn tuổi. Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rào cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông.” Chuyện tình của anh Hết với chị Hoài giản dị và đẹp lạ lùng như vậy đấy. Cớ sao có chuyện anh Hết vì mê cờ mà bỏ người yêu đi lấy chồng, để rồi anh phải khóc chỉ vì trên bàn cờ con Tốt phải qua sông, qua sông là không quay đầu lại được nữa đó…

Quá tam ba bận, với văn phong buồn buồn ấy, Nguyễn Ngọc Tư đưa người đọc vào một khung cảnh u sầu của những mảnh đời héo hon với những tình cảm kiềm chế hết sức. Với những ai đang buồn, đọc những tập truyện ngắn của nữ nhà văn này sẽ cảm thấy yêu đời hơn. Bởi ít ra, dù không thể vơi đi nỗi buồn bằng một nỗi buồn u sầu hơn, nhưng ít ra sự đồng cảm và sẻ chia là điều không thể bàn cãi.

 

5.     Em là nhà

Tác giả: Lan Rùa

Thể loại: ngôn tình, HE, văn học Việt Nam

Số chương: 120

em la nha
Ảnh bìa truyện . của tác giả Lan Rùa

“Em là nhà” kể về câu chuyện tình yêu ngọt ngào giữa Kiều Như Nguyệt và Hà Quốc Trung, không xuyên suốt từ đầu nhưng vẫn đủ làm bao người ao ước. Sau mối tình kéo dài suốt 7 năm của  Như Nguyệt và Việt An, dành cả thời thanh xuân cho nhau, và tất cả đổi lại chỉ được một lời chia tay và hắn chạy đi lấy cô bạn thân của người con gái mình từng yêu. Nguyệt đau khổ sau mất mát, khi đó Quốc Trung - người yêu thầm Nguyệt từ khi còn bé - trở về từ nước ngoài, cùng Nguyệt vượt qua những tháng ngày đen tối nhất, rồi cùng trở thành gia đình của nhau, sau này sinh đôi hai cô công chúa đáng yêu trong “Lẽ nào em không biết”. Cốt truyện thì rõ ràng không có gì nổi trội, nhưng đọc vẫn có sự cuốn hút riêng.

Rốt cục là truyện mang tính giải trí cao, có những đoạn rất thật, có những đoạn hơi ngôn tình. Nhưng vì là một tác giả Việt nên mình nghĩ mọi người cũng nên cân nhắc ủng hộ tác giả.  Khá thú vị nên các bạn thử đọc nhé.

Xem ngay: Em là nhà

6.   Mắt biếc

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Thể loại: văn học Việt Nam

Số chương: 50

mat biec
Ảnh bìa truyện Mắt biếc của tác giả Nguyễn Nhật Ánh

“Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh thực sự đã chạm vào tâm hồn của những kẻ đang yêu, đã và đang dành cả thanh xuân, tuổi trẻ của mình để yêu đơn phương một người nào đó. Vẫn với những ngôn từ giản đơn, gần gũi, "Mắt biếc" sẽ gieo lại trong lòng độc giả một nỗi niềm nuối tiếc, chơi vơi, vừa yêu vừa giận.

Tiêu đề chỉ vỏn vẹn hai chữ “Mắt biếc” nhưng đã mở ra rất nhiều cung bậc cảm xúc cho độc giả bởi ai cũng biết mắt biếc là một đôi mắt đẹp nhưng lại mang nét buồn. Phần nào cũng gợi nên một cốt truyện có nội dung phảng phất những nỗi buồn.

Ngạn là một kẻ nhút nhát, rụt rè, sống nội tâm và không có gì nổi bật

Trái lại, “mắt biếc” Hà Lan mang danh cô gái miền quê, nhưng lại đặc biệt mến thương chốn xa hoa thị thành. Cô dường như được sinh ra để dành trọn tình yêu cho những gì đẹp đẽ ở thành phố. Ngạn thích những gì cổ điển, những gì rụt rè, những gì âm thầm, những mối tình câm, ý tại ngôn ngoại. Lan phá cách, lớn trước tuổi. Cô yêu Dũng ở độ tuổi trăng tròn, và sống chết với mối tình ấy một cách hết sức ngây thơ, nhàm chán. Và dĩ nhiên là 2 con người ấy, vốn ngay từ đầu định mệnh đã an bài rằng họ chỉ có thể làm bạn.

Khi nào Ngạn biết được Hà Lan không yêu mình? Đó là thời điểm mà cô nghe tiếng đàn của anh. Hà Lan biết Ngạn yêu mình, và vô cùng thất vọng khi hơn 1 năm trời mà anh chàng lù đù cục mịch kia chỉ dám “gảy đàn”. Một lời thốt ra cũng tuyệt nhiên không có. Nếu Ngạn tỏ tình luôn, thì mối tình ấy đã kết thúc ngay từ lúc ấy, chứ nó không đau đớn thành một câu chuyện day dứt nhiều năm liền.

Có thể một anh chàng rụt rè như trường hợp này, vẫn còn có thể cứu vãn. Nhưng rồi khi Lan lên thành phố, khi bắt gặp Dũng, mọi cơ hội đã chính thức khép lại với chàng Ngạn tội nghiệp ngày nào! Bởi ngay lúc đó, Dũng hơn hẳn Ngạn về mọi mặt.

Nhiều năm sau, khi mà con gái của Hà Lan đã lên lớp 9, khi mà Ngạn lẫn Hà Lan đều đã ngoài 30, Ngạn một lần nữa lại không thể lọt vào mắt xanh của cô gái năm ấy, một kết cục không thể thảm hại hơn!

Cái hay của Nguyễn Nhật Ánh là gợi mở từ từ số phận của từng người, đối với Hà Lan thì ngay từ đầu truyện đã tiết lộ theo cái phong cách Định mệnh an bài, y như người bà nội của Ngạn đã nói “Số con bé nó khổ, nó có đôi mắt biếc, nên đời nó vậy, vất vả long đong”.

 

7.   Nếu chỉ còn một ngày để sống

Tác giả: Nicola Yoon

Thể loại: văn học nước ngoài

Số chương: 20

neu chi con mot ngay de song
Ảnh bìa truyện Nếu chỉ còn một ngày để sống của tác giả Nicola Yoon

“Nếu chỉ còn một ngày để sống” có tên gốc Everything,  được chuyển thể thành phim điện ảnh với sự góp mặt của hai diễn viên nổi tiếng. Một chuyện tình cảm động được kể dưới ngòi bút tràn đầy những xúc cảm khác biệt đem đến cho người đọc những rung cảm chân thật chạm đến từng ngóc ngách trong trái tim.

Chuyện kể về một cô gái Madeline 18 tuổi  mắc phải một chứng bệnh hiếm gặp, một căn bệnh bị mất khả năng miễn dịch, đại loại như tiếp xúc với cái gì cũng có thể dị ứng, gây khó thở, tim đập nhanh, nặng sẽ dẫn đến tử vong. Đó là lý do mà từ lúc sinh ra, Madeline chỉ sống trong căn nhà của mình, với sự chăm sóc chu đáo của mẹ và cô y tá. Madeline rất thích đọc sách và có rất nhiều sách. Có lẽ đó là cách để cô hình dung, khám phá về những điều đẹp đẽ, tuyệt vời ở thế giới bên ngoài kia – nơi mà cô chưa từng một lần chạm đến.

Cứ mãi quanh quẩn trong bốn bức tường, có lẽ cô sẽ phát điên và mất hết cảm xúc với cuộc sống này. Vì cô đã chịu cảnh ngộ này trong suốt mười bảy năm trời! Cuộc đời của cô cứ như một cuốn sách phẳng phiu.Thế nhưng cuộc sống êm đềm đến độ nhàm chán trong ngôi nhà bong bóng của Maddy đột ngột thay đổi khi có hàng xóm mới chuyển đến. Từng cuộc trò chuyện qua email trở thành sợi dây gắn kết những rung động đầu đời giữa Maddy và cậu chàng hàng xóm Olly.

Chuyện gì tới rồi cũng đến, những rung cảm đầu đời đưa 2 linh hồn lại gần nhau hơn. Madeline một cô gái có thể phát bệnh bất kỳ lúc nào và Olly một chàng trai trong một gia đình luôn xào xáo. Một câu chuyện cảm động và cái kết mãn nguyện của Maddy. Nhân vật đưa ta đến một thế giới tưởng chừng như kỳ lạ nhưng lại chân thật. Ở đó, tôi cảm nhận rõ ràng niềm vui, nỗi đau, tất thảy mọi cảm xúc của cô đều được bản thân thấu rõ. Rồi cho đến cuối cùng, Maddy phát hiện ra tất cả những gì đang diễn ra xung quanh cô là một trò đùa – mà nằm mơ cô cũng không nghĩ ra được!

 

8.     Người đua diều

Tác giả: Khaled Hosseini

Thể loại: văn học nước ngoài

Số chương: 10

nguoi dua dieu
Ảnh bìa truyện Người đua diều của tác giả Khaled Hosseini

Ở Afghanistan người ta không gọi là thả diều, mà là đấu diều. Các cuộc đấu diều diễn ra mỗi năm trên đất nước nhỏ bé bị bom đạn chiến tranh bao phủ này. Trên bầu trời hàng trăm chiếc diều, mỗi cánh diều như một người chiến binh chiến đấu với nhau cho đến khi chỉ còn một kẻ sống sót, kẻ đó là nhà vô địch. Lấy cảm hứng từ lễ hội độc đáo nơi quê nhà của mình, Khaled Hosseini đã cho ra đời tác phẩm đầu tay làm lay động trái tim người đọc trên khắp thế giới – Người đua diều.

Khaled Hosseini dẫn dắt người đọc vào câu chuyện về sự tàn bạo khủng khiếp và một tình yêu mãnh liệt chưa bao giờ được đền đáp. Tất cả điều đó đã thay đổi cuộc đời của Amir – một chàng trai quý tộc lớn lên trong những tháng ngày yên bình cuối cùng của nền quân chủ, trước khi đất nước cậu rơi vào tay những tên lính Nga. Yếu tố cốt lõi mà tác giả thể hiện xuất sắc nhất là khả năng khai thác giá trị bên trong mỗi nhân vật.

Amir thuật lại câu chuyện của mình như sau: tại huyện Kabul, Afghanistan, có một căn dinh thự của một người đàn ông vĩ đại. Nơi đó đã là chốn sinh thành của hai sinh linh bé nhỏ, một người bập bẹ tiếng nói đầu tiên là “Baba”, người con lại là “Amir”. Amir là con của Baba và người mẹ đã chết sau khi sinh ra cậu. Baba lớn lên với một người bạn thân nhất của mình tên là Ali, và con trai của ông ta, Hassan lại là người bạn thân nhất của Amir. Mọi chuyện rất đẹp đẽ cho đến khi bi kịch ập đến ngay sau chiến thắng huy hoàng của họ trong một trận đấu diều ở địa phương. Tiếp theo đó là bom đạn chiến tranh đã khiến Amir và cha của cậu phải sang Mỹ tị nạn, bỏ lại tất cả phía sau mình, trong đó có cả Hassan. Trên hành lý của họ mang theo chỉ có duy nhất hai món: sự phản bội và dối lừa. Amir cố gắng quên đi những lỗi lầm mà mình đã gây ra, thế nhưng nó đã hằn sâu vào trong tâm trí của cậu

454 trang sách là một câu chuyện diễn ra nhanh, hầu như không có chi tiết dư thừa. Một sự thể hiện kịch tính các sự kiện lịch sử. Khả năng miêu tả sâu sắc nội tâm nhân vật, tuy viết ở góc nhìn của Amir nhưng người đọc hoàn toàn có thể hiểu được tấm lòng của cậu bạn thân Hassan, suy nghĩ của người cha vĩ đại Baba. Điều đó mang đến cho tác phẩm đầu tay của Khaled Hosseini những lời khen ngợi và đánh giá khá cao về quyển sách nhỏ chứa đựng bên trong một tâm hồn lớn này.

 

9.     Đội gạo lên chùa

Tác giả: Nguyễn Xuân Khánh

Thể loại: văn học Việt Nam

Số chương: 25

doi gao len chua
Ảnh bìa truyện Đội gạo lên chùa của tác giả Nguyễn Xuân Khánh

Sau Mẫu Thượng Ngàn, Đội Gạo Lên Chùa là một tác phẩm khác của Nguyễn Xuân Khánh về đề tài tôn giáo. Đội Gạo Lên Chùa phân tích ảnh hưởng sâu đậm lâu đời của Phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân quê đồng bằng Bắc Bộ.

Điều này được tác giả khắc họa rõ nhất qua hình tượng sư cụ Vô Úy (tức là không sợ), trụ trì chùa Sọ, người luôn giữ được lòng bình thản, tâm từ bi, không hề dao động hay sợ hãi trước mọi biến cố đến từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ cũng như biến động của cuộc cải cách ruộng đất.

Không rõ ràng như sư cụ Vô Úy, nhưng cuộc đời và đời sống tinh thần nội tâm của các nhân vật khác trong truyện đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi triết lý từ bi độ lượng nhân quả của nhà Phật. Bởi vì như tác giả phân tích: Đạo Phật tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời, nước Việt Nam từng là đất nước Phật giáo dưới thời Lý, Trần.

Đạo có lúc thịnh lúc suy nhưng mọi sinh hoạt làng xã đều gắn liền với ngôi chùa và Phật giáo luôn được duy trì bởi những người phụ nữ là các bà vãi giúp đỡ việc chùa, đồng thời cũng là những người mẹ duy trì, truyền lại truyền thống và niềm tin Phật giáo cho các con. Bởi vì người tu hành có thể tu đạo, thực hành Phật giáo trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ điều kiện nào, không cuồng tín, không chấp trước, thuận theo thời thế, vạn sự tùy duyên. Chỉ có tâm bình thản từ bi độ lượng là không thay đổi.

10.  Chiếc lược ngà

Tác giả: Nguyễn Quang Sáng

Thể loại: văn học Việt Nam

Số chương: 5

chiec luoc nga
Ảnh bìa truyện Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng

“Chiếc lược ngà” được kể qua lời ông Ba – người đồng chí già, cũng người đồng hành  đã quan sát và chứng kiến, giọng văn bởi vậy mà khách quan và chân thành.

Cách dẫn truyện “Các bạn ạ” của người lính già chia không gian tác phẩm ra làm hai lát cắt với khoảng cách 12 năm, khi nhân vật ông Ba gặp cô bé Thu 8 tuổi và tái ngộ cô giao liên Thu 20 tuổi. Kỷ vật kết nối cho khoảng cách 12 năm là chiếc lược làm từ ngà voi của ông Sáu dành riêng tặng con gái mình. Giữa hai lần Thu xuất hiện, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng nên hai câu chuyện gây xúc động mạnh mẽ.

Phần thứ nhất: Lúc Thu 8 tuổi, ông Sáu về thăm nhà sau 7 năm xa cách.

Cô bé không chịu gọi “ba” vì trên mặt ông Sáu có vết thẹo bị thương khi đánh Tây, không giống người ba trong ảnh chụp cùng má. Suốt ba ngày ông Sáu nghỉ phép bên gia đình, con bé bướng bỉnh không nhận cha. Nhưng sau đêm được ngoại giảng giải thì bé Thu đã hiểu. Ngày ông Sáu lên đường, một câu “Thôi, ba đi nghe con!” khe khẽ, nhận lại một tiếng thét gọi “ba” trong nghẹn ngào, tiếng “ba” như vỡ tung, xé gió. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi, cô bé Thu gửi lời mong mỏi “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”.

Phần thứ hai: Lúc Thu 20 tuổi, làm giao liên đưa cán bộ qua sông.

Trước lúc hy sinh, ông Sáu giao chiếc lược ngà tự tay hoàn thành cho người bạn chiến đấu của mình, đặng sau này gửi lại cho con gái ông. Người đồng chí già trao chiếc lược cho Thu với lời nói dối thiện chí rằng ông Sáu vẫn còn, nhưng không ngờ Thu đã biết sự thật.

 “Chiếc lược ngà” có độ dài gần 7 nghìn chữ, không chỉ chia theo khoảng cách 12 năm mà còn chia thành hai câu chuyện: câu chuyện về tình cha con của ông Sáu với Thu và câu chuyện tài trí của giao liên Thu. Một câu chuyện văn học và một câu chuyện điện ảnh. Chính những trang miêu tả tỉ mỉ sự thông minh và kiên gan của giao liên Thu với nhiều hình ảnh ấn tượng đã hé lộ khả năng một nhà biên kịch ở Nguyễn Quang Sáng, người sau này thăng hoa tên tuổi qua các kịch bản phim “Mùa gió chướng” và “Cánh đồng hoang”.

Vang vọng suốt áng văn, suốt những quãng đời và những cuộc đời ấy, chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất trong cõi đời này. Đó là tiếng “ba”. Một thanh âm hữu hình như sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm bật lên chủ đề của tác phẩm, về tình cha con trong chiến tranh, cũng là tình cha con muôn thuở muôn đời.

Cô bé Thu chỉ có một lần được gọi ông Sáu là “ba” trong đời, cũng là tiếng “ba” cuối cùng mà ông Sáu được nghe. Thương con quá mà không thể ở nhà thêm được khi Tổ quốc đang gọi và đồng đội đang chờ. Tình yêu con đã biến người chiến sĩ thành nghệ nhân, người nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời, một cây lược ngà kết tinh tình phụ tử, khắc lên dòng chữ nắn nót “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”. Nhưng rồi vẫn không thể đưa chiếc lược tận tay cho con, người cha ấy đã hy sinh sau một trận càn của Mỹ, chỉ kịp để lại sự ủy thác không lời.

 

Ngày ông Ba gặp lại Thu, cô bé bướng bỉnh ngày nào đã trở thành cô giao liên giỏi giang, xinh đẹp. Có lẽ trong những ngày giữ gìn chiếc lược, sự cẩn trọng nâng niu đã thực sự khiến người đồng chí già trở thành một người cha, nên khi nhìn Thu cầm chiếc lược, tình cha con đang dâng lên làm tim ông đau nhói.

Kết

Trên đây là top truyện nên đọc được đề cử, liệu bạn đã sa vào lưới tình với tác phẩm nào chưa? Hãy cùng đọc và chia sẻ cảm nhận riêng của bạn với mình nhé!