Sao Đen

Quyển 2 - Chương 7: TỪ MẬT CỨ BÉTA ĐẾN NGÔI NHÀ SỐ 18 PHỐ LISOW

Triệu Huấn

22/04/2014

Báo nguyệt san Chim Việt đã ra được số thứ năm. Số người cộng tác ngày càng đông, nhưng lựa bài để đăng cũng là một công việc chẳng dễ dàng. Ông chủ bút, luật sư Bùi Hạnh thường giao cả cho tôi. Đành rằng ở vị trí đó tôi có thể lái cho tư tưởng của tờ báo đì theo một xu hướng đúng đắn hơn, bớt độc hại hơn. Nhưng rõ ràng nó sẽ buộc chặt chân tôi vào cái chức thư ký tòa soạn mà tôi không hề mong đợi, tôi cần phải đến nhưng mục tiêu cần thiết cho công việc của tôi. Khi tôi đề đạt nguyện vọng đi Viễn Đông thì ông chủ bút do dự.

- Ông Hoài Việt ạ (ông gọi theo bút danh), ông muốn đi tiền tuyến để tìm hiểu sự thật thì có gì quý bằng. Nhưng công việc ở nhà sẽ ra sao. Không có ông thì mình tôi không thể đảm nhiệm nổi.

- Thưa ông chủ bút, ông có thể tìm một thư ký tòa soạn.

- Tôi dự kiến người đó là ông đấy.

- Xin cảm ơn ông. Tôi chỉ là một phóng viên mới vào nghề. Tôi cần được viết nhiều hơn nữa. Lúc đó tôi mới có hy vọng trở thành thư ký tòa soạn vững vàng dược.

- Ông khiêm tốn đó thôi. Những bài viết mà ông coi là mới bước vào nghề đó đã gây được dư luận sôi nổi trong độc giả. Chính tiến sĩ Phan Quang Ân cũng phải ngạc nhiên trước giọng văn giàu hình ảnh của ông. Tôi tin là ông có đủ năng lực làm thư ký tòa soạn cho báo Chim Việt.

- Dù sao thì tôi cũng muốn được viết. Nếu ông cứ nhất định giao cho tôi trọng trách đó thì tôi xin ông một đặc ân: Cho tôi đi viết ở những nơi tôi muốn. Tất cả cũng chỉ nhằm nâng cao chất lượng tờ báo của chúng ta thôi. Trước khi đi tôi sẽ chuẩn bị những bài chính cho ba số liền. Như vậy cũng đỡ cho tòa soạn những công việc thuộc về cấu trúc chủ yếu. Nhưng bài vở tin tức có tính thời sự ông sẽ xử lý linh hoạt sau. Như vậy là vừa có lợi cho tôi cũng vừa đảm bảo công việc chung của chúng ta.

- Vấn dề tài chính làm cho tôi lo lắng. Tờ báo non trẻ của chúng ta chưa đủ sức tài trợ cho nhũng chuyến đi xa của phóng viên. Như ông biết đấy ngân quỹ của Liên minh chỉ trông vào quyên góp, còn tiền bán báo thì lờ lài chưa đáng là bao...

- Tôi sẽ tự lo liệu lấy. Trong khi đi viết tôi sẽ không nhận lương của tòa soạn. Tuỳ theo giá trị của bài viết mà ông trả nhuận bút để bù lại một phần chi phí hành trình cho tôi sau.

Ông Bùi Hạnh đành phải chấp thuận đề nghị của tôi. Ông giúp tôi mọi thủ tục để xin xuất cảnh. Tôi có thể tới các nước Đông Nam Á với cái thẻ nhà báo. Bạch Kim phải lo mua sắm cho tôi mọi thứ phương tiện lỉnh kỉnh: Máy ảnh, máy quay phim, ghi âm, phương tiện chiếu sáng... kèm theo đó một khoản chi phí dọc đường khá lớn.

Tôi gọi điện cho John Antonio hẹn ngày lên đường.

...

Tôi và Antonio lần dầu tiên đến Voca City. Chúng tôi tìm đến khách sạn Pyramid, một khách sạn sang trọng cho khách du lịch ngoại quốc với giá thuê buồng cắt cổ. Hai trăm năm mươi đô-la một ngày.

Đến đây tôi mới hỏi John.

- Đề tài trọng tâm anh định viết trong chuyến đi này là vấn đề gì?

- Đó là điền bí mật, nhưng tôi có thể nói riêng với anh được. Tôi muốn viết về những con đường buôn lậu ma túy vào Mỹ. Bọn ganster chẳng thuốn ai tò mò vào công việc của chúng, nhất là lại định phanh phui tội ác của chúng ra trước công luận. Vì vậy công việc này sẽ bất lợi nếu mình ba hoa về mục đích chuyến đi quá sớm, chúng sẽ bao vây, che mắt mình. Nếu chúng biết mình nắm được những chứng cớ bất lợi cho chúng, chúng có thể đánh cắp phá hủy hoặc tệ hại hơn nữa là thủ tiêu mình luôn.

- Trong trường lợp này nghề phóng viên cũng có cái gì mạo hiểm giống như nghề thám từ!

- Đúng vậy. Viết một bài điều tra loại này là một văn kiện cảnh giác các giới hữu trách và giúp họ hiểu biết để chống lại bọn tội phạm. Nhà báo có vai trò như một người cộng tác tự nhiên của pháp luật. Tôi đến đây với tư cách một người khách du lịch. Tôi đã chọn một khách sạn đắt tiền chứ không muốn đến nhà bạn bè. Edmond Boss tùy viên thương mại, Albert Schleyer đại diện cho hãng Dupont cũng là bạn bè cũ, nhưng tôi chỉ có thể đến thăm xã giao thôi chứ không thể làm việc ở nhà họ được.

- Ngay như ở đây anh cũng không thể để tài liệu ly thân được. Những tủ két trong khách sạn chỉ đủ an toàn cho hành lý. Còn tài liệu thì rất dễ bị thất thoát.

- Anh yên tâm. Tôi sẽ cảnh giác... Còn chủ đề chuyến đi của anh?

- Tôi sẽ viết về dân tị nạn Đông Dương trên đất này. Một đề tài về nạn hải tặc trên vịnh Sima. Nếu có những tin tức gì về đường dây ma túy, tôi sẽ cung cấp cho anh.

- Cảm ơn. Về phần mình tôi cũng sẽ chia sẻ với anh những thông tin về các chủ đề trên nếu tình cờ tôi nhận được.

Hôm sau tôi quyết định đi bắt liên lạc với một cơ sở của ta. Tôi đi taxi đến hoa viên Méno. Công chúng đến đây giải trí bằng những trò chơi ít tiền. Nơi tập trung những trò chơi tôm-bô-la, trò chơi "một đồng xứ' kiểu Mỹ, trò bắn bia, ném cổ chai... Một vài đồng cũng có thể mua nổi một hy vọng to lớn nhưng... mong manh. Nơi tập trung những tay chụp ảnh để in lên vải, lên khăn, lên đĩa sứ mà vành ngoài đã vẽ sẵn những mô-tip mỹ nghệ dân gian rất vui mắt của xứ này. Cũng có chỗ tập trung những người làm xiếc như ném dao, phun lửa, ảo thuật và những chú khỉ nghịch ngợm, tinh khôn ăn mặc lòe loẹt. Tôi chú ý đến một người đàn ông ngoài sáu mươi tuổi... tóc bạc trắng mắt trũng sâu người gày gò nhưng bắp thịt lằn lên rắn chắc như cuộn thừng. Ông ngồi bên con cá sấu to lớn hàm răng nhọn nhe ra trông dễ sợ. Ông làm trò ôm con cá sấu dữ tợn đó để nó trườn hẳn nủa người lên ngực ông, nép cái đầu bên cổ ông như một đôi bạn thân thiết. Người xem tặng ông một số tiền nhỏ tuỳ theo khả năng của mình. Ông lặp đi lặp lại trò này chỉ để kiếm tiền khách lạ thôi chứ dân ở đây quen mắt quá rồi nên họ chẳng thèm xem nữa. Vì vậy nhiều lúc ông ngồi chơi để đợi, tôi đề nghị ông biểu diễn mấy pha cho tôi chụp ảnh. Khi chi tiền tôi để lẫn tấm ảnh đặc biệt vào tờ đô-la. Người làm xiếc nhận ra mật hiệu. Ông trả lại tấm ảnh và nói nhỏ với tôi bằng tiếng Việt:

- Hai mươi giờ hôm nay ở quán cà phê "Bacchus" đường Sathit, bạn anh sẽ đón anh. Anh nhớ mặc như hiện nay.

Tôi cảm ơn ông.

Đúng giờ hẹn tôi có mặt trong tiệm cà phê. Một người đàn ông độ bốn mười tuổi đến ngồi trước mặt tôi. Anh hỏi tôi bằng tiếng địa phương. Tôi lắc đầu ra hiệu không hiểu. Anh nói nhỏ bằng tiếng Việt:

- Tôi định bay đi Hồng Kông vào thứ ba tới.

- Nếu tôi không lầm thì không có lịch bay vào thứ ba. Chỉ có các chuyến bay thứ hai, thứ tư và thứ sáu thôi.

- Chắc mới có thay đổi. Tôi đã ghi rồi mà - Anh rút trong ví ra mảnh giấy có kẹp tấm ảnh có chữ ký của tôi đằng sau cho tôi nhìn thấy.

Chúng tôi tin và làm quen nhau.

- Tôi là N5.

- Xin anh gọi tôi là Tám. Tôi sẽ chấp hành mệnh lệnh của anh.

- Trước mắt, anh truyền giúp tôi bức điện về nhà.

- Tôi sẵn sàng. Một ngày có một phiên trực. Ngày chẵn báo cáo. Ngày lẻ nhận chỉ thị. Nếu không hết việc có thể xin buổi bổ sung nhưng phải được trung tâm chấp thuận.

Chúng tôi quy định phương thức trao đổi tài liệu. Địa điểm và thời gian, và cả hộp thư mật, đề phòng trường hợp không thể gặp nhau được. Có cả tín hiệu báo động khi bị theo dõi...

Việc bắt liên lạc thuận lợi. Tôi đã báo cáo tất cả tình hình và công việc trước mắt của tôi với đại tá Nguyễn Hữu Đức. Hai hôm sau tôi nhận được điện trả lòi. Trong khuôn khổ chật hẹp của bức mật điện, cậu tôi vẫn biểu lộ sự vui mừng khi chắp nối được liên lạc. Cậu cũng dành vài dòng thông báo tình hình sức khỏe của mẹ tôi cho tôi yên tâm. Cậu hiểu được những cố gắng của chúng tôi trong điều kiện "độc lập tác chiến" mà vẫn chủ động sáng tạo trong mọi phương thức hoạt động để thu lượm được những tin tức rất cần thiết. Cậu cũng báo cho tôi: Tin Hoàng Quý Nhân còn sống đã được khẳng định. Nhưng dấu vết của con ma này, đều đẫm máu. Nhưng tiếc là vẫn chưa nhìn thấy chính nó. Cậu cũng nhắc tôi là có khó khăn gì về tài chính thì cứ bảo cáo. Cậu sẽ chỉ thị cho Tám lo giúp. Ngân sách còn nghèo nhưng cậu vẫn cố chi viện cho những mũi chủ yếu để đỡ cho anh em được phần nào hay phần đó.

Tôi đã điện cảm ơn và báo cáo với cấp trên biết tôi sẽ đi Pandon để thăm mật cứ Béta.

Tạm biệt Antonio, tôi rời Voca City đi thị trấn Pandon. Phong cảnh miền Đông Westland gợi cho tôi nỗi nhớ quê hương. Những cánh đồng lúa, vườn cây, đặc biệt những rặng dừa nằm sát bên bờ biển. Vịnh Sima hiền lành, hầu như phẳng lặng. Những con sóng lăn tăn rì rào êm dịu vỗ vào bờ đá, tràn nhẹ lên mặt cát phẳng lì. Thyền lưới đỗ san sát bên những làng chài. Những ngôi nhà sàn gỗ đóng cọc xuống lòng kinh rạch. Thị trấn Pandon cũng có dáng vẻ quen thuộc của cái tỉnh lị ven sông Tiền sông Hậu của ta. Du khách cũng có đến đây nhưng rất ít. Tôi thuê căn buồng nhỏ trong một khách sạn tiện nghi tồi tàn của một người Hoa, giá rẻ hơn rất nhiều so với Hotel Pyramid. Tôi không hy vọng nói chuyện với Tùng Lâm qua điện thoại vì tôi không biết số máy 'của anh. Tôi dò hỏi đường đến mật cứ Béta, nhưng không ai hiểu nó là gì. Người chủ khách sạn tỏ ra nghi ngờ tôi nên y đã đi báo cho viên cảnh sát địa phương biết chuyện này. Viên chánh cẩm đã đến gặp tôi xét hỏi giấy tờ. Tôi đưa hộ chiếu và tấm thẻ nhà báo Hoa Kỳ với cái tên Mc Gill. Tôi trình bày luôn với y là tôi có người bạn Việt Nam là tướng Tùng Lâm. Hiện nay ông là chỉ huy mật cứ Béta cách Pandon bốn kilômét về phía Đông. Tướng Tùng Lâm lời tôi đến chơi nhưng tiếc là khách sạn không có danh bạ điện thoại. Liệu ông chánh cẩm có thể chỉ đường giúp tôi không? Viên chức này tỏ ra kính trọng tôi. Ông hứa sẽ gọi điện thoại giúp và khuyên tôi không nên hỏi thăm dân địa phương. Một là họ không biết. Hai nữa, chính phủ cũng giữ kín những tin tức về trại lính đặc biệt này. Tôi cảm ơn viên chánh cẩm và tiện thể mời ông ta dùng bữa trưa luôn. Ông ta vui vẻ nhận lời.

Chiều hôm đó Tùng Lâm nhận được tin tôi đến Pandon. Anh vội vàng phóng xe lên đón tôi. Chúng tôi vui vẻ ôm nhau.

- Về chỗ mình nghẹn! Dưới đó không được vui vẻ như ở đây nhưng dễ chuyện trò hơn.

- Tôi đến quân doanh như vậy liệu có tiện không?

- Trời ơi, hiền đệ cũng là nhà binh. Mình là chỉ huy căn cứ, chi mà không tiện.

Nói xong anh thu xếp đồ đạc cho tôi. Tôi trao thìa khoá cho chủ khách sạn nhưng vẫn giữ buồng. Tôi dự định còn ở lại đây ít lâu nữa.

Mật cứ Béta nằm trong một khu rừng thưa. Một diện tích chìm mười hec-ta được chăng kín dây kẽm gai. Giữa khu đất là một cụm nhà mái tôn thấp được bao quanh bởi một bức tường chắc chắn. Một chiếc cổng sắt kín mít không thấy bóng lính gác. Tùng Lâm bấm còi xe, hai cánh cửa từ từ mở ra. Bên trong hiện ra một cái sân rộng. Bốn nếp nhà quây thành hình vuông. Xe chúng tôi lao qua cổng đến thẳng ngôi nhà đối diện. Có mấy người cả nam lẫn nữ chạy ra cúi đầu chào. Tùng Lâm bảo một cô gái ra xách đồ đạc của tôi vào một căn phòng khá rộng rãi.

- Toa là thượng khách, toa nghỉ đây. Buồng tư lịnh liền bên thôi. Bảy Dĩ thỉnh thoảng cũng đến nghỉ ở đây vài bữa. Có một lần Warrens đến kiểm tra rồi đi ngay. Thằng Mẽo chê bẩn không chịu ở căn phòng kém tiện nghi này. Hắn về Voca City đã hơn. Ở đây không có gì để giải trí.

Tùng Lâm bấm chuông. Một cô gái mặc mini Jupe môi son má phấn bước vào. Cô ta gật đầu chào tôi rất lễ phép rồi quay sang Tùng Lâm:

- Thưa tướng quân cần gì ạ?

- Cho mấy chai la-ve và ít trái cây, nghe.

- Dạ.

Khi cô gái mang đồ uống vào, Tùng Lâm nói nửa như ra lệnh nửa như đùa vui:

- Đây là nhà báo Mc Gill (Đúng không hiền đệ anh hỏi lại tôi) - Mc Gill, nghe tường chưa? Quý khách của trại Béta đó. Diệu Lan phải tiếp đãi anh bạn của chúng ta thiệt chu đáo nghe!

- Dạ.

- Không được từ chối bất cứ yêu cầu gì nghe!

Tùng Lâm nháy mắt nhìn tôi vui vẻ. Còn Diệu Lan thì tỏ ra e lệ khép nép làm duyên.

- Bây giờ cho lui nghẹn. Khi cần, qua sẽ gọi.

- Ở đây cũng có cả nữ?

- Có chứ? Không có thứ này thì sống sao nổi, lấy chi mà giữ vững tinh thần. Binh sĩ ở đây coi như cảm tử quân. Sống ngày nào biết ngày đó. Khi cần ra trận là đi ngay. Bảo chết phải chết. Do đó khi chưa chết cần được cung phụng đầy đủ. Ngoài số bồi bếp, thầy thuốc ra, Warrens cho phép tuyển mười cavalières1 (Vũ nữ). Vừa là giúp vui cho binh sĩ, vừa phục vụ cho chủ tướng.

- Họ sẽ dùng những binh sĩ ở đây vào việc gì?

- Việc giết người. Đơn giản như thế thôi, giết thế nào cho nhiều, cho lẹ, cho gọn. Duyệt binh đâu cần loại này!

- Họ định đưa về nước sao?

- Có ai nói với mình điều đó đâu. Nhưng mình đoán là như vậy.

- Thế binh lính cũng không hay họ sẽ được đưa đi đâu?

- Họ cũng không nói gì trước với binh lính. Điều kiện tuyển lựa của họ là dùng vào bất cứ mục tiên nào và người lính chỉ có chấp hành mệnh lệnh. Họ gọi bọn này là những chiến sĩ tự do chuyên nghiệp. Lương cao. Gia đình được trợ cấp và định cư tập trung vào một vùng. Thực chất những thân nhân của binh sĩ là otages1 (Con tin). Họ phải chịu trách nhiệm về sự trung thành của con em họ.

Tùng Lâm tỏ ra rất hiếu khách. Anh coi tôi như ân nhân. Anh mở tiệc chiêu đãi tôi. Ba hạ sĩ quan và năm vũ nữ được gọi lên hầu tiệc. Nhân tối thứ bảy Tùng Lâm cho phép mở vũ hội ngoài trời. Âm nhạc vang lên, binh lính được phép vui đùa thoải mái. Những cô gái nhảy cũng tận dụng những đêm xả láng như thế để tăng thu nhập. Họ nhận được những khoản "puốc-boa" nho nhỏ tùy theo sắc đẹp của từng người.

Tôi ngỏ ý với Tùng Lâm sẽ viết một bài báo ca ngợi các chiến sĩ tự do của mật cứ Béta để đăng trên báo "Chim Việt", cơ quan tuyên truyền ngôn luận của Liên minh Việt kiều Hải ngoại. Tùng Lâm rất hoan nghênh. Nhưng chợt nhớ ra điều gì anh vội bảo tôi nên hỏi qua Bảy Dĩ xem sao. Lỡ Warrens không cho phép công bố những tin tức này thì anh sẽ bị khiển trách. Nhưng đã cất công đến đây thì cứ quan sát, chuẩn bị tài liệu đi. Nếu Bảy Dĩ bằng lòng cho đăng thì hãy đăng.

- Đã mời được các chuyên gia chiến tranh du kích của Trung Cộng đến giúp đỡ lần nào chưa?

- Chưa. Mình nghe nói Liên minh còn cử bà Mộng Vân làm thuyết khách đi Thượng Hải hay Bắc Kinh để đàm phán với người Tàu nhưng chưa rõ kết quả ra sao. Đấy là chuyện của mấy ông bà chính trị gia, mình đâu có quan tâm tới.

- Hồi này anh có hay gặp đại úy Huỳnh Tấn Hào không?

- Không gặp, nhưng cha cũng ở gần đây thôi. Mai chúa nhựt ta có thể đến thăm người bạn cùng hội cùng thuyền chốc lát.

- Dạ.

Trò chuyện tới khuya. Tùng Lâm trở về phòng mình.

- Có việc gì toa cử bấm chuông. Diệu Lan sẽ phục vụ chu đáo nghe.

- Cảm ơn anh Tư.

Tùng Lâm đi được vài phút, tôi đang ghi nhật ký thì Diệu Lan, trong bộ đồ lụa trắng mỏng như sương đẩy cửa vào. Cô ta mỉm cười trước vẻ ngạc nhiên của tôi.

- Dạ, cho phép em buông màn - Vừa nói cô vừa leo lên giường xếp đặt chăn gối.

- Cảm ơn Diệu Lan.

- Thưa ông Mc Gill, thiếu tướng lịnh cho em phải hầu ông đêm nay.

Tôi mỉm cười thân mật vỗ lên vai cô gái:

- Rất hân hạnh.

- Em làm Massage cho ông là dễ chịu ngay.

- Cảm ơn. Được người đẹp xoa bóp cho thì làm sao ngủ nổi! Thôi, em cứ về nghỉ. Khi cần tôi sẽ bấm chuông.

Tôi thơm nhẹ lên má cô gái, giúi cho cô một chút tiền lót tay để cô ta không coi tôi là người keo kiệt.

- Em cảm ơn ông!

Diệu Lan mỉm cười cúi đầu chào rồi nhẹ nhàng mở cửa đi ra.



...

Sáng hôm sau, điểm tâm xong Tùng Lâm lái xe đưa tôi đi thăm Hào. Chiếc xe Gíp phóng như bay trên con đường vắng vẻ buổi sớm. Xa xa đã thấp thoáng nhìn thấy biển. Mặt sóng óng ánh nhạt thiếc lỏng. Gió thổi mát rượi. Màn sương mỏng tan dần để lộ ra vừng mặt trời vàng nhạt. Ba mươi phút sau chúng tôi rẽ theo con đường nhỏ chạy men bờ sông Sipa. Cửa sồng mở rộng dần ra trước biển. Vượt qua vài cây số đường xấu, Tùng Lâm đỗ xe lại trước một cái cổng sắt của khu nhà. mái tôn nho nhỏ.

- Đến nơi rồi!

Tùng Lâm đến trước cổng bấm chuông. Anh hỏi một người nào đó bên trong bằng thứ tiếng "giả cầy" Chúng tôi chờ dăm phút thì có một người Việt ra tiếp. Sau khi hiểu được ý định của chúng tôi người này mới mở cửa cho xe vào.

Trương Tấn Hào nhận ngay ra Tùng Lâm. Hào chào viên tướng theo kiểu nhà binh rồi ôm chầm lấy Tùng Lâm. Nhưng Lâm đẩy Hào ra và chỉ sang tôi:

- Bộ không nhận ra ai đây sao?

- A! Anh... anh Nghĩa. Trời ơi lâu quá mới gặp lại, trông anh khác trước nhiều quá.

- Bây giờ là ký giả Mc Gill, người Mỹ gốc Việt nên nhìn có khác đi đôi chút - Tùng Lâm giới thiệu thêm.

Tôi bắt chặt tay Hào và nhìn thẳng vào mắt anh. Anh cũng đã già đi so với cái ngày vượt biển.

- Thôi cho xe vô trong kia rồi ta nói chuyện tiếp.

Tùng Lâm đưa xe vào sân sau. Trước mặt chúng tôi biển hiện ra lồng lộng. Hào kéo tôi và Tùng Lâm vào phòng khách. Anh mở tủ lạnh lấy mấy hộp Coca-cola đặt lên bàn.

- Các anh có thể ở chơi với tụi tôi bao lâu?

Tùng Lâm liếc mắt thìn tôi. Tôi nhìn lại anh tỏ ra là tất cả đều tùy thuộc vào anh.

- Mc Gill hoàn toàn tự do, còn tôi chỉ ở chơi đến chiều.

- Xin các anh cứ gọi tôi là Hoài Việt. Các bài báo tôi đều ký là Hoài Việt. Nhập quốc tịch Mỹ nên trong hộ chiếu xuất cảnh phải ghi cái tên rắc rối đó. Tôi trở về Dông Nam Á để viết một số bài về dân di tản và nạn hải tặc. Tôi có thể ở đây ít ngày. Hiện tôi đã thuê phòng ở khách sạn Yankin trên Pandon. Mời các anh lại chơi với tôi. Tôi ở với các anh cũng được nhưng các anh đâu có tư thất. Trong quân doanh vào ra chẳng tiện.

- Trên biệt cứ Béta thì đúng là không tiện, còn ở chỗ bọn tôi thì chẳng có chuyện gì bí mật cả! - Hào cườl - Anh có thể ở đây vại tháng với tôi cũng được!

Tùng Lâm cười lớn:

- Tôi là biệt cứ Béta, còn anh là hải cứ Gamma! Chà có khác nhau là bao.

Huỳnh Tấn Hào thết chúng tôi bữa nhậu gồm các thứ bánh tráng, bánh gỏi, mắm cá, thịt vịt, tái nhúng... đặc Nam Bộ. Tùng Lâm uống rất nhiều rượu. Tôi lo cho anh lái xe về một mình mà say thì nguy hiểm lắln. Nhưng Tùng Lâm gạt đi.

- Mình đâu có say vì ba xị đế. Bà già huấn luyện luống rượu cho mình từ hồi bả mang bầu! Ha ha. Xin quý anh em cạn ly.

Ăn uống xong Tùng Lâm lăn ra ngủ, ngáy như sấm. Hai giờ tỉnh dậy, anh lại hoạt bát nhanh nhẹn nhu không có chuyện gì. Anh về biệt cứ Béta trước và hẹn bữa mai đưa xe xuống đón tôi. Nhưng Hào bảo anh không phải đón. Khi nào về Hào sẽ đưa tôi đi.

Đêm hôm đó Hào đưa tôi xuống thuyền. Chúng tôi ngồi trên boong ngắm trời ngàm biển. Trăng sáng, mặt biển mênh mông rợn sóng lấp lánh như ngân nhũ. Con thuyền dập dềnh nhè nhẹ theo nhịp sóng. Hào thích những nơi vắng vẻ êm ả để sống với thế giới nội tâm, tái hiện quá khứ. Anh say sưa kể chuyện mình:

- Sau khi chúng ta chia tay nhau, tôi theo Bảy Dĩ đi Wesland. Ở đây chúng tôi được gặp Albert Schleyer người đại diện của Warrens. Người Mỹ này khuyên tôi nên ở lại Đông Nam Á. Anh ta sẽ giúp tôi một công việc làm ăn với số thương kha khá. Chưa biết là việc gì nhưng tôi rất mừng vì có một thân một mình, nghề nghiệp chẳng có, dựa vào anh Bảy mãi cũng không tiện. Anh Hai tôi ở Pháp nhưng tôi chẳng muốn sang vì giữa tôi và chị dâu, đôi lần có chuyện bất hòa. Hơn nữa tôi còn muốn đón vợ con ra nên việc cư trú quanh vùng này có nhiều thuận lợi. Tôi ngỏ ý muốn biết rõ công việc. Albert nói với tôi:

- Anh giúp chúng tôi thành lập một hải đội vận tải nhỏ. Bắt đầu từ việc đóng tàu, lập căn cử, tuyển mộ và huấn huyện thủy thủ. Sau đó sẽ làm công việc vận chuyển người hoặc hàng hóa cho hãng Albert S.T.C.

Công việc này thích hợp với tôi. Tôi lại được biết Bảy Dĩ cũng xin làm việc với hãng này nên tôi nhận lời. Tôi ký một hợp đồng ba năm với hương năm trăm đô-la một tháng. Dĩ có vai trò như một xử lý thường vụ của hãng, trông nom toàn bộ công việc xây dựng hải đội của chúng tôi. Như vậy càng tốt. Tôi chẳng cần biết tiếng Albert đặt trụ sở ở đâu, ai là giám đốc, hình thức kinh doanh của nó ra sao. Tôi chỉ biết là thực thi chương trình và xin lãnh tiền qua anh Bảy.

Tôi cùng Bảy đi thuê đóng năm chiếc tàu nhỏ theo thiết kế đặc biệt của hãng. Mỗi chiếc một kiểu có trọng tải khác nhau. Cái ta đang ngồi là chiếc lớn nhất tải trọng tám mươi tấn lắp máy đẩy Kobé 100 cv của Nhật. Những chiếc khác nhỏ hơn, cỡ sáu mươi, năm mươi, bốn mươi tấn thôi. Chúng tôi đến các trại tị nạn tuyển mộ thủy thủ. Chúng tôi chọn người Việt để dễ huấn luyện và chỉ huy sau này. Phần lớn là những anh em binh lính, sĩ quan cũ nhưng còn trẻ và khỏe. Mỗi thuyền lựa đủ hai kíp hoa tiêu và thợ máy. May mà trong số anh em, phân nửa là lính của Hải lực Việt Nam Cộng hòa cũ nên việc huấn luyện cũng nhẹ nhàng và nhanh chóng. Chỉ nửa năm là anh em đã làm chủ được hải thuyền, quen thuộc biển khơi sông nước vùng Đông Nam Á.

- Các anh đã bước vào công việc kinh doanh rồi chứ?

- Chưa. Thực ra Bảy Dĩ cũng đã giao cho chúng tôi đi đánh cá vài vụ để bán cho vài hãng đồ hộp, nhưng sản lượng chẳng đáng là bao. Vịnh Sima bị đánh bắt đến kiệt quệ nên chúng tôi phải đến những vùng biển gần Việt Nam , gần Cam-bốt, vùng hạ lưu của các nhánh sông Mékông tìm dòng cá. Chúng tôi tính toán thì thấy tiền cá chẳng đủ chi phí cho thuyền máy. Nhưng hãng Albert hình như chẳng chú ý đến lỗ lãi. Gần đây chúng tôi còn ra khơi vào ban đêm đem theo cả vũ khí và các phương tiện truyền tin với nhiệm vụ chống hải tặc, giúp đỡ những con thuyền di tản bất hạnh ngoài khơi. Công cuộc cứu trợ nhân đạo này do các tổ chức từ thiện thông qua HCR1 (Cao ủy Liên hiệp quốc về những người tị nạn) thuê hãng Albert S.T.C. Chúng tôi có cứu giúp được một số thuyền nhưng xem ra chưa phải là mục đích chính của công vụ. Năm nay bọn tôi luyện tập xa hơn. Tầm hoạt động vượt quá một ngàn kilômét. Có lần tôi đưa chiếc D.182 và chiếc C.5801 đến sát bờ biển Kiên Giang. Có bữa được sự hướng dẫn bằng vô tuyến điện của một tàu lớn của hãng chúng tôi đã ra đến vùng biển quốc tế cách Nha Trang ba mươi hải lý rồi mới quay về.

- Chỉ đi không chứ không chuyên chở gì?

- Dạ trong khoang chỉ có nhiên liệu, nước ngọt và phao lưới thôi. Chúng tôi đi lẫn vào các ngư thuyền khác. Chỉ có điều đi qua gần nhà mà không được rẽ vào - Hào mỉm cười rồi lại buồn buồn kể tiếp - Tháng tới bọn tôi sẽ tập chở người. Trại Béta của anh Tùng Lâm sẽ phối hợp luyện tập với bọn tôi. Chúng tôi ngày càng đi xa các mục đích kinh doanh. Chưa biết họ sẽ dẫn dắt bọn tôi đi đến đâu!

- Bảy Dĩ không nói gì về chuyện đó với anh à?

- Không, nhưng vừa rồi anh Tùng Lâm đi Mỹ về nói chuyện riêng với tôi. Nghe nói tình hình trong nước hồi này rối loạn lắm. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba đã bắt đầu. Khơ-me đỏ tiến công Việt Nam ở phía Nam. Trung cộng gây sức ép ở phía Bắc. Hàng triệu Hoa kiều phá hoại bên trong... Không hiểu sự thực ra sao, tôi lo lắng quá.

- Thế anh có nhận được tin tức gì của chị và các cháu không?

- Dạ có. Tôi vẫn viết thư về luôn đó. Tôi cũng tiết kiệm chi tiêu thỉnh thoảng mua ít quà gửi về đỡ cho quấy má con. Hồi tôi mới đi má xắp nhỏ vì lo lắng mà đau liệt giường. Anh ba tôi về thấy vậy, giận tôi lắm. Anh cũng nghèo không giúp đỡ được nhiều. Ông cố cậy cục xin cho má nó vô bịnh viện của đơn vị điều trị. Vài tháng sau má nó lành bịnh trở về, xin được việc làm. Con cháu lớn vừa đi học vừa làm thêm đỡ má. Thế mà cháu vẫn thi vô được đại học sư phạm. Nhờ có con ngoan mà bà sống nổi. Tôi viết thư kêu bà đưa con vượt biển nhưng má con nó không chịu. Má nó bảo giờ kiếm đâu ra tám lượng vàng mà thuê thuyền. Hơn nữa biết ai đáng tin mà giao tiền cho họ. Đến như chồng lái thuyền mà còn bị lỡ chuyến nữa là người ngoài? Nếu có tám lượng vàng bà cũng chẳng đi, bà để nuôi con cho nên người. Con cháu lớn nhất định không đi. Cháu đang học hành thuận lợi, bỏ đến nước khác, ngôn ngữ bất đồng sức đâu học lại từ đầu để vô đại học.

- Đó là tấn bi kịch lớn anh Hào ạ. Tạm thời thì vẫn phải chấp nhận sự chia li. Tôi tin tình hình sau này sẽ tốt đẹp hơn.

Hào không nói gì. Dưới ánh trăng, tôi thấy cặp mắt anh long lanh những giọt nước.

Hôm san Hào lấy Honđa đưa tôi về chỗ Tùng Lâm. Tôi mời hai anh lên Pandon để có dịp thù tiếp hai anh trong khách sạn Yankin...

Nhờ Hào cho địa chỉ, tôi đã tìm đến một số trong những người di tản sống sót qua những vụ hải tặc khủng khiếp trên mặt biển, những vụ trôi giạt vì dông bão, những vụ lừa lọc, trả thù... mà tôi có được một bài phóng sự chân xác. Tôi còn chụp ảnh các nhân chứng của sự kiện để minh họa cho bài báo của mình.

Tôi mò đến trại tị nạn Chumanthan điều tra tại chỗ cuộc sống cơ cực của những người lưu vong bị các quan chức của chính quyền, của tổ chức cứu trợ ở đấy ăn chặn. Họ đứng ra độc quyền bao thầu các khoản cứu trợ của HCR, của các tổ chức từ thiện quốc tế rồi cấp phát thức ăn đồ dùng cho những người di tản với giá cắt cổ. Một mặt chính quyền sở tại than phiền về sự gánh chịu của họ với làn sóng người di tản nhưng mặt khác họ lại lợi dụng những trại này như những con gà đẻ trứng vàng.

Trong khi tôi đi Pandon thì Antonio bay sang Bangkok rồi đi lên vùng núi phía bắc Thái Lan. Anh ở thị trấn Chiang Rai, một đỉnh của "triangle-d'or". Anh muốn tìm hiểu về "tam giác vàng" này, nhưng rất ít kết quả. Phương tiện giao thông khó khăn. Các băng cướp và các tổ chức buôn lậu tiến công những người da trắng không có phân biệt. Anh không biết tiếng Thái, tiếng Trung Quốc nên rất khó tiếp xúc với dân địa phương. John trở lại Voca City với cái túi rỗng. Anh cố gắng săn lùng nhưng chỉ được một số chuyện ít quan trọng. Gặp lại tôi anh tỏ ra thất vọng. Tôi thông cảm và an ủi anh.

- Trước khi viết được bài báo "Tôi đã nhìn thấy Vi xi. Tôi đã nhìn rõ kẻ thù" anh đã phải tốn bao công sức. Nhưng bài báo có sức mạnh bão tố. Đề tài anh lựa chọn hiện nay cũng rất khó khăn. Có thể anh còn phải lăn lộn với đất này hơn nữa.

- Tôi sẽ không nản lòng đâu. Sớm muộn tôi cũng phải tìm ra một cái gì đó. Nhưng bây giờ thì không thể vui vẻ được.

- Anh có biết hoạt động của hãng ALBERT - S.T.C. không? Tôi nghe người ta nói đến những hoạt động mờ ám của nó. Nhưng sự thực nó là gì thì không ai biết.

- Tôi chưa nghe đến nó lần nào. Tôi sẽ cố tìm xem.

- Tiện chuyến đi này anh có thể viết về các trại tị nạn của người Việt ở đây. Có hàng tá chuyện mờ ám, bê bối, tàn ác nhưng lại được che đậy bằng những mỹ từ nhân đạo.

Tôi cung cấp cho anh nhiều tư liệu. Antonio rất hoan nghênh nhưng anh ngạc nhiên vì sự chia sẻ này.

- Tại sao anh không viết?

- Anh là người Mỹ, anh viết chuyện này khách quan hơn và dễ gây ấn tượng. Tôi đang theo đuổi một đề tài khác rồi.

Ngay hôm sau Antonio đi lấy tin sâu hơn ở những địa điểm tôi chỉ dẫn. Anh còn đến gặp cả các quan chức HCR để xin những số liệu cụ thể. Thế là hai chúng tôi đều có bài để bay về Mỹ.

Bạch Kim cùng đi Hồng Kông với Mộng Vân. Hai người đàn bà đi tìm hiểu thị trường kinh doanh. Bạch Kim tỏ ra dè dặt, nhưng cũng hào hứng một cách ngây thơ về những món lợi nhuận hấp dẫn mà Mlle Eugénie Mộng Vân đã khéo vẽ trong tưởng tượng của cô. Dù sao thì cũng là một chuyến đi thú vị, một cuộc thực tập vào nghề, xét cả về mọi phương diện. Lần thứ hai Bạch Kim đến Hồng Kông kể từ chuyến Voyage de noce với Vĩnh Quốc. Lần này cô cũng tìm thẳng đến khách sạn - Auriga, nơi cô đã ở đó một tuần. Hai chị em thuê một buồng mãi trên lầu thứ mười hai.

Bạch Kim bỗng ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên cô nằm chung giường với phụ nữ? Cô cảm thấy ngượng ngùng. Cô để ý thấy trước khi đi nằm Mộng Vân chích một ống thuốc vào cánh tay.

- Chị ốm hay sao mà phải chích thuốc?

- C'est drogue1 (Chất ma tuý đấy)

- Chị cũng dùng ma túy?

- Em ngạc nhiên làm à? Đến thế kỷ sau cả nhân loại sẽ dùng ma túy. Tại các bữa tiệc chiêu đãi các vị nguyên thủ quốc gia, người ta sẽ bày những xi-lanh chất héroine, cocaine bên cạnh những chai champagne! Người ta sẽ không chạm ly nữa mà sẽ nâng những chiếc xi-lanh để chúc tụng nhau!

Bạch Kim bật cười trước sự tưởng tượng kỳ quặc của người bạn đồng hành:

- Em thật không sao hình dung nổi. Ngay từ bây giờ, tất cả các nước đều coi ma tuý là thứ hàng bất hợp pháp. Mua bán ma túy là một trọng tội đối với nhân loại.

- Em nên nhớ là trước năm 1933 hiến pháp nước Mỹ coi uống rượu là bất hợp pháp. Buôn bán rượu là trọng tội, giống hệt như ngày nay họ cấm bạch phiến. Khi họ cấm thứ gì là các vị tai to mặt lớn, những vị duy trì luật pháp lại được dịp làm giàu về thứ đó. Bọn buôn lậu bao giờ cũng biết bước qua luật pháp bằng cách giúi cho nhà chức trách một khoản béo bở. Kết quả là thuốc lá, rượu mạnh và ma túy vẫn tồn tại và song song phát triển với lịch sử nhân loại! Em dùng một chút mà xem, thật tuyệt vời? Tinh thần lâng lâng phấn khích, thể xác cường tráng cuồng si, đôi mắt sẽ sáng ra như kẻ cạn thị tìm thấy kính!

- Em sợ lắm. Nghiện ngập còn đáng sợ hơn bệnh tật.

- Em ngốc lắm. "Cái chết trắng" chỉ là trò hù họa của bọn nhát gan chứ đâu có đáng sợ. Thử một chút thôi đâu có nghiện. Đưa tay chị chích cho một mũi!

- Không đâu. Em xin chị!

Bạch Kim giãy nẩy còn Mlle Mộng Vân thì cười ngặt nghẹo. Đôi mắt dâm đãng của chị nhìn Bạch Kim trừng trừng làm cô phát khiếp. Mộng Vân ôm chầm lấy Bạch Kim. Cánh tay trần to béo nhẽo mỡ vuốt ve cô một cách thô bạo. Bạch Kim thấy ghê tởm và hổ thẹn nhưng cô cũng tò mò để mặc, cô không muốn làm mất lòng chị ta.

- Chị âu yếm em kiểu này thì đến chồng em cũng phát ghen.

- Ở bên kia thế giới thiếu gì đàn bà thà nó phải ghen với em. Hãy mặc xác bọn đàn ông cho chết. Chị cầu mong cho sáng mai tỉnh dậy trên trái đất chẳng còn tên đàn ông nào nữa. Hành tinh này chỉ còn do phái đẹp ngự trị. Chỉ yêu em hơn bất cứ ai. Đừng lấy chồng nữa Bạch Kim ạ. Hãy sống với chỉ.

- Vẫn có những người đàn ông tốt chứ.

- Không có đâu em ạ. Nhân danh một người đàn bà đã sống qua tuổi thanh xuân chị đoan chắc với em như vậy. Tướng Jean Cartier nghị sĩ Champlin, tên đồ tể Rossino đến đức giám mục Antone de Guignot đáng kính, từ nhà thơ Vercheres, huân tước Michel Hubert đến thằng hề Andrés Fouques... tất cả đều là bọn khốn nạn, bọn đê tiện những tên đạo đức giả trơ tráo, láu cá...

- Một phép quy nạp không hoàn toàn chưa cho ta kết luận chính xác được.

- Đây không phải là lô gích hình thức mà là kinh nghiệm cuộc sống. Em mới biết một phần năm thằng đàn ông (nó chết quá sớm, đúng không?). Còn chị thì vàng, trắng, đỏ, đen, nâu, xám, hung hung đều đã trải qua... Bây giờ chị thù ghét bọn chúng... Mlle Mộng Vân nói hùng hồn, say sưa cho đến lúc mệt lả. Cặp môi son nhòe đi, nước miếng nhểu ra hai bên mép hồng hồng như giọt máu loãng... Liều bạch phiến tan dần. Chị ngủ thiếp đi và cất lên tiếng ngáy như sấm... Bạch Kim nằm xoay lưng lại hai tay bịt lấy tai không sao ngủ được. Thỉnh thoảng chị lại nói mê lảm nhảm không rõ câu gì. Đúng là một cuộc tra tấn!

Sáng hôm sau, điểm tâm, trang điểm xong, Mộng Vân rủ Bạch Kim đi chơi. Họ thuê xe taxi đến Fuk Wah street. Xe đỗ trước một building cao ngất. Mộng Vân dẫn Bạch Kim lên tầng tám, căn hộ 812. Họ bấm chuông, cánh cửa hé mở, Kim nhận ngay ra người bên trong là Hứa Quế Lan.

- Chị Lan!

- Bạch Kim!

Hai người ôm chặt lấy nhau trước sự ngạc nhiên của Mộng Vân.

- Hai người quen nhau từ lâu rồi sao? - Mộng Vân hỏi.

Bây giờ đến lượt Hứa Quế Lan ngạc nhiên. Bạch Kim phải giới thiệu.

- Đây là chị Mộng Vân, bạn cũ của gia đình em. Chính chị Vân đưa em đến đây làm cho em bất ngờ.

- Mình chưa bao giờ quen Hứa Quế Lan. Mình được tiến sĩ Price giới thiệu đến gặp Lan có chút việc.

- Trời! Tưởng ai xa lạ. Em cũng biết ông Price. Té ra Price cũng là bạn của chị Vân nữa.

Má Quế Lan đỏ ửng, chị ta vội mời hai người ngồi xuống ghế rồi sẽ nói chuyện sau. Chủ nhân pha trà Long Tỉnh mời khách. Mộng Vân mở ví rút lá thư của Price trao cho Quế Lan.

- Xin cô đọc ngay cho. Tôi nghĩ là trong đó có những việc mà tôi cần được Quế Lan trả lời sớm.

- Dạ, thế xin lỗi chị cho em vài phút.

Quế Lan mang lá thư vào buồng trong. Mươi phút sau cô ta đi ra dáng điệu vui vẻ. Cô gọi Mlle Mộng Vân ra một chỗ rồi nói nhỏ:

- Việc này em còn phải bàn với ba em thêm. Chắc là ba em sẽ cố thu xếp được thôi. Em sẽ gọi điện thoại báo cho chị chương trình làm việc chị nhé!

- Cảm ơn Quế Lan.



Hai người ghi số điện thoại cho nhau rồi quay ra ngồi xuống bên Bạch Kim.

- Thế nào Bạch Kim lấy chồng chưa hay vẫn sống một mình?

- Cũng sắp chị ạ! - Bạch Kim cười và nháy mắt với Mộng Vân - Thế hiện nay anh ở đâu chị?

- Vẫn ở lại với Cộng sản! - Quế Lan cười vui vẻ.

- Chị có nhận được tin của anh không?

- Có, nhưng từ lâu làm rồi.

- Thế Quế Lan sống một mình ở đây thôi à? - Mộng Vân hỏi.

- Dạ có hai mẹ con. Cháu Jimi (quay lại với Kim), cháu lớn lắm rồi cô Kim ạ. Cháu đi học và nói thạo tiếng Anh rồi!

Quế Lan lấy tay che đôi má ửng hồng và nụ cười ý nhị của mình.

- Chị Vân có biết anh Nhân chồng chị Lan không ạ?

- Nhân nào nhỉ?

- Đại tá cảnh sát Hoàng Quý Nhân!

- À... chị nhớ ra rồi, Cái cậu đẹp trai có vết sẹo nhỏ ở thái dương bên trái chứ gì. Bọn mình cùng học Sarrut nhưng khác Promotion1 (Khóa học). Mình học trên cật ta hai lớp, sau lại cùng làm ở 2B với nhau. Tên chính của cậu ấy là Lê Trọng Đạo. Hoàng Quý Nhân chỉ là cái lốt giả.

- Chị Vân biết về anh Nhân có khi còn kỹ hơn chúng mình. Chưa chừng anh Nhân có lúc đã là amant1 (Người tình) của chị! - Bạch Kim nói đùa.

- Bậy nào. Nó thuộc loại đàn em? - Mộng Vân cười - Thú thật có lúc mình đã là người tình của bố hắn, M. Lê Trọng Trình.

Cả ba cùng cười vui vẻ. Nửa giờ sau họ chia tay nhau.

...

Chiều hôm đó lợi dụng lúc Mlle Mộng Vân bận chờ tin bên máy điện thoại, Bạch Kim đi dạo phố một mình. Cô đến khu Kow - Loon tìm một cửa hàng sách cũ. Sau một hồi quan sát cái giá sách, cô hỏi người bán hàng:

- Thưa ông tôi muốn tìm một cuốn thơ Đỗ Phủ xuất bản từ xưa nhất mà ông có.

Người bán hàng già nhìn cô từ đầu đến chân rồi hỏi lại:

- Bà có vừa lòng với cuốn xuất bản vào triều Thanh, năm 1792 không? Chỉ có hai bài bị mất. Tôi phải chép tay dán vào.

Bạch Kim cầm cuốn sách ông già đưa cho. Cô xem qua rồi nói:

- Phần chép tay của ông hình như sai mất ba chữ.

- Dạ có nhiều dị bản. Tôi ghi theo cưốn của Nam Hải Tùng Thư xuất bản năm 1846. Nếu bà ưng xin mời vào trong phòng ta thỏa thuận giá cả.

- Dạ.

Bạch Kim theo ông già vào phía trong. Một căn buồng nhỏ chất đầy những sách báo cũ. Chờ ông già khép cửa lại cô mới rút ra tấm ảnh đưa ông xem. Ông già cẩn thận lấy chiếc ảnh thứ hai đặt sát lại bên nhau rồi lấy kính lúp soi. Thấy mép cắt trùng khít ông mới cười vui vẻ bảo Kim cất ảnh đi và bắt đầu nói chuyện:

- Đồng chí gặp tôi có việc gì?

- Cháu muốn nhờ bác chuyển giúp bức mật điện về nhà có được không ạ.

- Được chứ nhưng không quá một ngàn chữ. Đồng chí có ở đây chưa?

- Dạ chưa. Cháu phải chờ tình hình ngày mai đã.

- Có cần tôi giúp thêm việc gì nữa không?

- Bác có biết Vương Phúc Đạt là người thế nào không ạ.

- Ai chẳng nghe tên ông ta. Vương sinh năm 1920 ở Quảng Đông. Cao một mét sáu bảy đầu hói, mắt cận thị, mũi gồ, vành tai hẹp. Một nốt ruồi ở giữa nhân trung. Tốt nghiệp trung học Quế Lâm. Tham gia cách mạng 1 939. Chính ủy trung đoàn trong chiến tranh Triều Tiên sau là chính ủy sư 42 Giải phóng quân nhân dân. Năm 1965 vụ phó vụ tổ chức Bộ Ngoại giao, rồi vụ trưởng An ninh đối ngoại. Thất sủng với Mao bị Hồng vệ binh cho đi cải tạo khổ sai. Mới được phục hồi và hiện là cố vấn cho tổng bộ Hoa kiều Hải ngoại. Ông ta thường có mặt ở Hồng Kông.

- Có thể ngày mai có cuộc họp mặt giữa Vương Phúc Đạt với Mộng Vân, ủy viên thường vụ của Liên minh Việt Kiều Hải ngoại, một tổ chức phục thù mới được đẻ ra ở Mỹ. Họ đang đi tìm kiếm sự ủng hộ của các giới phản động quốc tế thù địch với Việt Nam, để thực hiện chủ trương làm chảy máu liên tục Tổ Quốc ta. Tiến sĩ Price, một yếu nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ, người chủ trương đến cùng tăng cường mối quan hệ Trung-Mỹ, phụ tá của cựu Tổng thống Nixon và Kissinger về các vấn để Trung Quốc đã có mật thư giới thiệu Mộng Vân với Vương Phúc Đạt thông qua một nhân vật thứ hai. Ông này là Hứa Vĩnh Thanh, tư bản Hoa kiều Chợ Lớn có vị trí quan trọng trong các cuộc môi giới chính trị. Có lẽ Hứa cũng tham gia cuộc họp với tư cách trợ tá cho Mộng Vân hoặc là phiên dịch gì đó. Không rõ nội dung cuộc họp đề cập đến những vấn đề gì và sự thỏa thuận của họ đến đâu. Cháu mới đến đây, đơn thương độc mã, không biết làm sao tiếp cận được họ.

Ông già chủ hiệu sách cũ không trả lời ngay, vẻ mặt trầm tư, ít phút sau ông mới nói:

- Địa điểm gặp mặt có thể dự đoán được. Họ thường hay tiếp khách tại cơ quan xử lý thường vụ của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa ở 8 Li-sow Street. Nhưng tiếp cận họ rất khó vì nó được canh phòng cẩn mật. Có hệ thống báo động chống ngoại nhập, có tường cách âm chống nghe trộm. Nhân viên phục vụ cũng không được phép ra vào tự nhiên mà phải theo những quy tắc chặt chẽ. Ở đây về mặt công khai chỉ là nơi tiếp xúc với những cá nhân hoặc tổ chức Hoa kiều Hải ngoại, nhưng thực ra là đầu mối thu lượm tin tức tình báo, truyền mật lệnh cho thuộc hạ, nơi ký kết những mật ước chính thức và bán chính thức. Về phần tôi, tôi sẽ cố gắng theo dõi. Nhưng chị cũng cứ chủ động theo kế hoạch của mình.

- Dạ, cháu đi Hồng Kông cùng với Mộng Vân. Hai người ở chung buồng 120 Khách sạn Auriga. Nhưng Mộtng Vân là một gián điệp già đời rất khó moi nổi những tin tức mà chị ta cần giữ.

- Hay là thế này vậy... - ông già thì thầm vào tai Bạch Kim một kế hoạch tuy không có độ tin cậy cao nhưng còn hơn là bó tay.

Bạch Kim đồng ý với ông. Ông gọi cô con gái trong nhà ra để hai bên gặp mặt nhau.

- Đây là con gái tôi. Chị em làm quen đi để tôi phân công nhiệm vụ...

- Mười phút sau Bạch Kim ra khỏi hiệu sách, trở về khách sạn.

Mộng Vân vẫn ngồi hút thuốc lá dáng điệu nôn nóng:

- Em đi đến những đâu?

- Dạ, cũng quanh quẩn mấy siêu thị gần đây là đủ hết giờ rồi. Không có người quen hướng dẫn nên em cứ lang thang gặp chỗ nào hay hay lại đứng ngắm. Nhưng cuối cùng cũng chẳng mua thứ gì.

Hai chị em đang trò chuyện thì chuông điện thoại réo vào Mộng Vân chộp lấy ống nghe. Chị ta đã nhận ra tiếng Hứa Quế Lan ở đầu dây bên kia.

- Chị Mộng Vân ạ, ba em đã chuẩn bị tiếp chị. Sáng mai đúng tám giờ mời chị qua chỗ em, chị nhé. Em sẽ đưa chị đi.

- Xin cảm ơn. Em nói lại với ba là chị Mộng Vân sẽ đến đúng giờ! Goodbye!

Mộng Vân bỏ máy xuống quay lại vui vẻ nói với Bạch Kim:

- Mai chị sẽ đến công ty xuất nhập khẩu Greed Wall để tìm hiểu thị trường. Có chuyện gì chị sẽ kể cho em nghe. Công ty này doanh số xuất khẩu mỹ phẩm, hàng dệt hàng năm sang Mỹ tới trên một trăm triệt đô-la đấy.

- Em chẳng biết sau này buôn bán ra sao, nhưng trong chuyến du lịch này ta phải mua vài thứ lặt vặt làm kỷ niệm chứ ạ.

- Em thích gì thì mua ngay đi kẻo về Mỹ rồi lại tiếc. Tối nay chị em mình đi chơi nhé!

- OK!

Tối hôm đó Mộng Vân và Bạch Kim đến siêu thị Asiatic. Họ dừng trước quầy mỹ phẩm. Bạch Vân muốn mua hộp son môi loại đắt tiền. Cô gái bán hàng vui vẻ đưa cho họ xem hai loại Super quality. Bạch Kim mua mỗi thứ một hộp.

- Em mua làm gì làm thế?

- Em biếu chị một hộp. Chị dùng quen những siêu phẩm của Pháp, nay thử dùng của Hồng Kông xem sao!

- Cám ơn em.

Hai người dắt nhau đi. Thấy Kim không mang túi cứ phải cầm hai hộp sáp Mộng Vân khẽ nhắc:

- Đưa chị bỏ vào túi cho. Em cứ khư khư hai cái hộp trông "nhà quê" quá.

- Em quên mang cái "xắc" chị cất giúp em.

Bạch Kim nhét mấy thứ vào túi phụ bên ngoài của cái xắc Mộng Vân đang đeo. Họ mua thêm vài thứ lặt vặt rồi trở về khách sạn.

Trước khi đi ngủ thấy Mộng Vân chích ma túy, bỗng nhiên Bạch Kim xin chị chích thử cho một mũi. Nhưng khi Mộng Vân lấy tiếp ống thuốc để tiêm cho cô thì Bạch Kim lại rụt tay lại, thay đổi ý kiến. Có lẽ vì tiếc ống thuốc nên Mộng Vân không ngần ngại chích tiếp cho mình liều thứ hai. Cơn phấn khích tăng lên gấp bội. Mộng Vân ôm lấy Bạch Kim như cuồng dại. Mười một giờ đêm chị ta mệt mỏi ngủ thiếp đi... Tám giờ kém mười lăm phút sáng hôm sau Bạch Kim mới đánh thức. Chị ta vội vàng trang điểm qua loa, xách cái túi đến nhà Quế Lan. Hứa Vĩnh Thanh đã đợi Mộng Vân ở đây. Họ đi xe đến Li-sow street. Vĩnh Thanh trao cho chị tấm giấy giới thiệu giả với cái tên Xuy Kin Ling Hoa kiều ở Pháp về thăm Tổ Quốc để che mắt người gác cổng.

Vương Phúc Đạt ra tận tiền sảnh đón Mộng Vân. Ông ta giơ cả hai bàn tay ra bắt tay người khách lạ với dáng điệu vồn vã đặc biệt. Ba người vào trong nhà và cánh cửa đóng kín lại...

Chiều hôm đó Mộng Vân mới trở về, mặt đỏ bừng sặc mùi rượu Mai Quế Lộ. Chị ta lăn ra ngủ. Bạch Kim nhẹ nhàng đánh tráo hộp son thứ ba vào vị trí hộp son đặc biệt nằm trong túi phụ chiếc xắc của Mộng Vân. Cô con gái ông chủ hiệu sách đã nhận lại hộp son đặc biệt này ở cầu thang máy.

Hôm sau nhân lúc Mộng Vân tiếp một bạn hàng của mình, Bạch Kim lịch sự tạm lánh mặt. Cô đến chỗ người bán sách cũ. Chiếc máy ghi âm đặt trong hộp son đã phát lại toàn bộ cuộc mật đàm giữa Vương Phúc Đạt với Eugénie Mộng Vân. Bạch Kim tóm tắt những vấn đề lớn để điện về cho Trung tâm nghiên cứu, khi mà cuốn băng chưa kịp chuyển.

Thứ nhất. Phía Trung Quốc nhận định rằng Việt Nam đã ngả về phía Liên Xô, phản bội lợi ích của Trung quốc. Việc Mỹ rút khỏi Đông Dương tạo ra sự chênh lệch cán cân chiến lược ở vùng Đông Nam Á có lợi cho Liên Xô. Trung Quốc chưa đủ hải lực để lấp nói cái lỗ hổng này vì vậy chính sách của Trung Quốc là: Mỹ một siêu cường ở Thái Bình Dương thì việc duy trì sự có mặt của họ ở Tây Thái Bình Dương lúc này là tuyệt đối cần thiết.

Thứ hai. Vì lợi ích chiến lược song song nên hai bên có chăng một mục tiêu là: Kiềm chế làm suy yếu Việt Nam, buộc Việt Nam phải tách khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Vì vậy Trung Quốc sẽ cắt mọi khoản viện trợ, xóa bỏ mọi hiệp định thương mại, sẽ bao vây phong tỏa kinh tế bàng cách cắt đường xe lửa quá cảnh. Dùng đạo quân thứ năm gây mất ổn định bên trong, giúp đỡ cam-pu-chia dân chủ chống lại tiểu bá Việt Nam.

Thứ ba. Trung Quốc sẽ ủng hộ mọi lực lượng, mọi xu thế nào đang hoạt động chống lại tiểu bá Việt Nam dù họ không cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa với Trung Quốc. Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt sự ra đời của Mặt trận Tự do và Liên minh Việt kiều Hải ngoại. Ngay trong điều kiện chưa có sự công nhận lẫn nhau chính thức phía Trung Quốc sẽ cố gắng giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho cái tổ chức trên. Những phương án viện trợ sẽ được phía Trung Quốc cứu xét khẩn cấp.

Thứ tư. Cuộc hội kiến giữa ủy viên thường vụ cơ quan An ninh đối ngoại Trung Quốc Vương Phúc Đạt với bà Mộng Vân đại diện cho lực lượng cách mạng chân chính của Việt Nam là bước khởi đầu cho những kế hoạch hợp tác cụ thể to lớn và lâu dài trong tương lai. Hai bên mong muốn phát triển quan hệ láng giềng thân thiết giữa hai quốc gia có nhiều điểm chung về lịch sử và văn hóa. Bà Mộng Vân cũng thay mặt cho những người yêu nước Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với sự nghiệp đấu tranh chống tiểu bá của mình. Bà đánh giá cao sự hợp tác chiến lược Trung Mỹ ở vùng Tây Thái Bình Dương...

Hà Nội đã nhận được bức điện trên. Nó chỉ khẳng định thêm những dự báo của cơ quan tham mưu chiến lược. Về những hành động cụ thể của sự câu kết còn phải được tìm hiểu sâu hơn nữa. Đại tá Nguyễn Hữu Đức chí thị cho Bạch Kim chuyển ngay cuốn băng từ về nước càng sớm càng tốt. Đồng thời ông cũng ra lệnh cho cô cháu phải tìm được đường dây liên hệ cụ thể giữa các tổ chức bên ngoài và bọn phản động nội địa. Mệnh lệnh đó buộc Bạch Kim phải nghĩ đến chuyện cần có một cơ sở lâu dài ở Hồng Kông dưới một hình thức kinh doanh nào đó.

Mộng Vân đã thông báo cho Bạch Kim biết có những khả năng đầu tư ở thị trường Hồng Kông. Có thể tham gia cổ phần với công ty xuất khẩu hàng dệt. Lãi xuất ổn định và có lợi hơn nhiều so với gửi ở ngân hàng Pháp.

Một công ty lắp ráp hàng điện tử Nhật Bản cũng đang phát triển nhanh, có khả năng cạnh tranh với nhiều nước châu Âu... Nhưng tất cả những cách làm giàu đó không thể đạt tốc độ một lãi một như món bạch phiến.

- Thằng Tomado-le Loup hôm qua đến thăm chị đó. Nó có thể làm được mọi việc nếu chúng ta muốn!

- Trông ông ta đến phát sợ lên được?

- Hình hài nó thoạt nhìn dễ sợ, nhưng đối với chị nó là con thú được thuần dưỡng rất đáng yêu. Nó chỉ cắn xé người khác thôi, nhưng biết vâng lời chủ?

- Ông ta già rồi! - Bạch Kim cười - Lông mày dài như lá cỏ rủ xuống hai hố mắt sâu như lang chồn. Mũi gồ, râu ria hoang dã. Cái đầu hói đến tận gáy. Cái trán dô, nhẵn bóng như sừng. Còn răng hình như đã rụng nhiều...

- Tất nhiên là về chuyện làm tình hắn không còn hấp dẫn như con trai, Nhưng em không nên coi thương sức mạnh của hắn. Sức mạnh con người đặt trong bộ óc của nó. Cơ bắp yếu có thể nhờ vào công cụ. Một con dao sắc vượt xa sức mạnh của quả dấm. Không một cơ thể nào chịu nổi sức xuyên của viên đạn. Hai kẻ có vũ khí tương đương thì sự thắng bại thuộc về kẻ tinh ranh. Ngoài vòng pháp luật Tomado khôn ngoan gấp chục lần kẻ khác. Sinh ra ở đảo Malta trong một gia đình nghèo Tomado đến Rome làm nghề chào hàng lang thang. Chiến tranh thứ hai Tomado là lính thuộc trung đoàn xung kích số 7 của Mussolini. Cuộc chiến gần kết thúc y lẩn trốn vào vùng du kích, sau đó y gia nhập một băng cướp ở Naples nhiều lần can tội giết người. Năm 1960 Tomado bị bắt và lãnh án khổ sai chung thân. Đồng đảng của y đã bắt cóc một du khách, con một nhà tỷ phú người xứ Ecosse. Cuộc trao đổi bí mật diễn ra. Tomado được cứu khỏi nhà tù. Y chuyển địa bàn làm ăn sang Pháp với cái căn cước giả do cảnh sát Naples cấp. Chị đã quen hắn trong một vũ hội ở Cannes. Hắn mê chị. Hắn đã chuyển cho chị mấy chuyến hàng sang Chicago thật hoàn hảo. Năm 1965 Tomado rủ chị sang Brésil, chị không theo vì lúc đó chị đã chuyển sang bắt bồ với Alain Rossino một tay Mafia đồng thời là võ sĩ quyền Anh loại lông, một tên đẹp trai và giàu có, một kẻ ăn chơi có tiếng ở Paris. Chiến tranh Việt Nam giúp cho bọn buôn ma tuý có nhiều cơ hội làm ăn ở Viễn Đông. Tomado sang Thái Lan sống rất tài tử. Y làm cho các connections không phải để làm giàu mà có thể vì muốn được mạo hiểm, được chiến thắng, được hiến dâng cho một người đàn bà nào đó. Biết bao lần chị tưởng hắn đã chết vì những hành động liều lĩnh nhưng không biết có quý nhân phù trợ hay sao mà Tomado-le Loup luôn luôn kịp rụt đầu trước lưỡi hái của tử thần. Hôm qua y đến đây ngỏ ý muốn giúp chị, nhưng chị chẳng còn vốn nữa. Nếu em trao cho hắn mười nghìn... tháng sau em sẽ có gấp rưỡi số đó ở ngân hàng Manhattan !

- Em đâu có quen ông ta. Một sự cộng tác như thế bao giờ cũng phải kèm theo điều kiện.

- Dĩ nhiên. Chị sẽ giới thiệu. Chị già rồi, chị khánh kiệt rồi, nay "đem duyên chị buộc vào duyên em". Hắn sẽ coi em như Nữ thần bảo mệnh cho hắn. Hắn chỉ cần một đặc ân được quì dưới chân em để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã, cái vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên không che đậy của em thôi. Sau đó em bảo hắn nhảy vào lửa hắn cũng nhảy.

- Nhẹ nhàng thế thôi hả chị? - Bạch Kim cười vui ve.

- Thế thôi. Nếu em bằng lòng, chị gọi điện thoại ngay cho hắn.

- Vội vàng quá chị ạ. Em phải về Los Angeles để thu xếp tiền nong đã chứ. Ít ra thì cũng phải làm quen nhau vài lần... Mà đã chắc gì ông ta coi em như thần Vệ nữ ở Milan mà thèm ngắm?

- Em đẹp lắm. Đến chị còn muốn ngắm nữa là Tomado-le Loup!

Bạch Kim đỏ mặt vì xấu hổ.

- Trước mắt em phải lo chuyện kinh doanh hợp pháp đã. Hàng dệt có thể là một mục tiêu hấp dẫn..

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Sao Đen

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook