Sương Khói Đông Kinh

Chương 30: Sứ thần đại Minh

alsdn96

15/07/2019

Từ lúc trời còn tinh mơ, các quan đại thần đã mặc áo mũ chỉnh tề đi vào sân chầu trước cửa Điện Phụng Thiên để nghênh đón sứ thần. Ngai vàng vốn được đặt ở cửa Phụng Tiên nay được che đi bằng tấm bình phong “ Thiên lý giang sơn đồ” được nhà Minh ban tặng trong chuyến đi sứ thần năm ngoái. Tấm bình phong này được thêu sao chép lại từ “ Thiên lý giang sơn đồ” của hoạ sư Vương Hy Mạnh thời Bắc Tống. Hoàng đế muốn để bức bình phong này ở cửa Phụng Tiên để tỏ lòng biết ơn, thần phục đến Thiên Triều.

Hoàng đế mặc hoàng bào như những ngày thường triều khác, đứng đầu đám quan thần chờ đợi đoàn sứ thần đến. Chàng ung dung đứng ngưới nhìn sắc trời, thần khí thập phần uy nghiêm, cười nhẹ cảm thán: “ Chà. Quả là một ngày đẹp trời.”

Mạnh An đứng nấp sau bức bình phong phía sau Hoàng đế, nói khẽ : “ Thánh thượng còn tâm trạng nói đùa nữa ư?”

Hoàng đế thản nhiên nói : “ Sao ta không được nói đùa chứ? Ngươi cũng thả lỏng người đi, trông ngươi lo lắng mồ hôi ướt hết trán rồi kìa.”

Chưa bao giờ cảnh tiếp đón sứ thần của Đại Việt lại có uy thế như lúc này. Hoàng đế mặc hoàng bào mà không mặc aó Bì Biền mà Đại Minh ban cho, cũng không trải chiếu qùy để nghe chỉ dụ của Thiên tử Phương Bắc. Khí thế quan lại, binh lính cũng vì thế mà tăng lên ngùn ngụt.

Các đại nhân Nguyễn Xí, Đinh Liệt tuy vẫn còn nhiều bất mãn nhưng đến nước này không thể làm gì khác. Chỉ còn hy vọng sứ thần Đại Minh sẽ không tức giận trước hành động này. Càng trông đợi xem Hoàng đế sẽ đối đáp với sứ thần Đại Minh như thế nào.

Bình Nguyên Vương đứng một bên, không tin được Hoàng đế mặc hoàng bào để tiếp sứ thần là thật, chàng nhìn sang Mạnh An đang đứng nép sau bức bình phong phía sau Hoàng đế, biểu cảm dường như đã biết chuyện này. Mọi việc Hoàng đế đều có dự tính, người đi người đi đón sứ thần là Tân Bình Vương mà không phải là chàng. Bình Nguyên Vương động tâm, gợn lên chút bất bình, những tưởng rằng Hoàng đế sẽ giao cho trọng trách quan trọng nhưng trong chuyện này lại hoàn toàn không hay biết.

Tân Bình Vương Khắc Xương lên địa giới trấn Thái Nguyên. Cùng đi có đại nhân Bình chương sự Lê Ê, Thẩm hình viện sứ Trình Trân đến đón tiếp đoàn sứ thần. Vào ngày hai mươi sáu tháng 9, đoàn sứ thần nhà Minh tiến vào Đông Kinh. Chính sứ Thượng Bảo tự khanh Hoàng Gián cùng phó sứ Thái bộc tự thừa Trâu Doãn ngồi trên kiệu, tiến thẳng vào Hoàng thành. Người dân khắp Đông Kinh haó hức tò mò đổ ra hai bên đường xem đoàn rước của sứ thần. Ngoài thành thuyền bè qua lại tấp nập, cảnh trong thành cũng là một màu trù phú , sầm uất lại thấy cây cối đất trời đầy sinh khí, đúng thật là thời thịnh thế, thái bình.

Sứ Thần ngồi trên kiệu vào tận sân chầu, trống kèn đồng loạt nổi lên, cờ lọng ngũ sắc tung bay phấp phới giữa trời. Kiệu sứ thần vừa hạ đặt xuống, Hoàng đế nghiêm trang nói : “ Tham kiến sứ thần đại nhân.”

Hoàng Gián vừa bước bước xuống kiệu, đã cả kinh biến sắc : “ Quốc Vương An Nam to gan, gặp sứ thần của Thiên Triều lại dám ngang nhiên mặc hoàng bào , không coi Thiên tử ra gì . Ngày xưa Ngũ bá Xuân Thu lấn át Thiên Tử nhà Chu, thế mà chưa dám sử dụng lễ này để tiếp sứ thần. Hành động này của Ngài đáng Thiên tử phái thiên binh chinh phạt An Nam nhỏ bé này rồi.”

Hoàng đế cười ôn hòa : “ Đức độ của Thiên tử lớn như trời biển, đối đãi đức độ với chư hầu. Ta nào dám chọc giận Thiên tử, càng không muốn làm mất đi hoà khí giữa hai nước. Đại Việt dưới chân Thiên tử mới là phúc ấm, thái bình.”

Hoàng Gián khí nộ xung thiên, nghiến răng nói : “ Cớ sao ngài lại mặc hoàng bào , y phục dành cho đấng Thiên tử. Ngài tự cho mình ngang hàng với Thiên tử của Thiên triều ư? Thật là ngông cuồng. Ta sẽ trở về bẩm báo với Thiên tử nước ta, đến lúc Thánh Thiên tử nổi giận phát đại thiên binh sang, lúc đó tông miếu của ngài tan hoang, trăm dân của ngài điêu đứng. Để xem An Nam sẽ bị dẫm nát bởi vó ngựa Đại Minh như thế nào.”

Đám triều thần phía sau Hoàng đế, đứng khom người run lên như cầy sấy, tiết mùa thu mát lạnh nhưng áo mũ chúng lại thấm ướt đầy mồ hôi.

Hoàng Gián toan trở vào trong kiệu để rời đi nhưng bị Hoàng đế ngăn cản lại : “ Sứ thần xin ngưng bước. Trước khi rời Đại Việt mong ngài nán lại nghe ta nói đôi lời.”

Hoàng Gián cay nghiến nói : “ Hẳn là các ngươi nghĩ Thiên Triều mới có biến, nội thần đang bất ổn nên mới nảy sinh lòng chống đối. Ta phải xin Thiên Tử phái thiên binh sang dẹp loạn bọn di địch các ngươi mà phô trương thanh thế với lũ chư hầu.”



Hoàng đế khiêm nhu nói : “Minh Thái Tổ là người không thích xen vào nội bộ của các phiên hầu, phản đối dùng vũ lực với các nước di lân cận. Vậy mà Vĩnh Lạc đế không nghe lời tiên phụ lại đem quân đánh Đại Ngu, đến Tuyên Đức đế phải rút thiên binh bại trận về nước, còn phong nội tổ của ta làm An Nam Quốc Vương. Mới đây thôi, Chính Thống vì nghe lời hoạn quan mà thất bại ở Thổ Mộc Bảo, may mắn có trung thần như các ngài mới có thể trở lại ngai vàng. Hậu quả nhãn tiền còn ở đó, các ngài còn muốn khởi binh đao ư?”

Trâu Doãn Long nhớ lại những lời di huấn trong “Hoàng Minh Tổ Huấn”, Thái Tổ viết rõ rằng các vua kế vị Đại Minh không nên cậy giàu mạnh mà tham chiến công, dấy binh tấn công các quốc gia láng giềng. Cả Vĩnh Lạc và Chính Thống đều làm trái lời dặn của Thái Tổ mà chuốc thất bại ê chề, nhục nhã.

“ … Những nước Di bốn phương đều núi ngăn biển cách, lánh tại một góc, lấy được đất họ không đủ để cung cấp, thu được dân họ không đủ để sai khiến. Nếu họ không tự biết suy xét mà đến gây nhiễu biên giới nước ta thì đấy là điều không may. Nhưng bên ấy không làm hại Trung Quốc mà ta lại dấy binh đi đánh họ thì cũng là điều không may vậy. Trẫm sợ con cháu đời sau cậy vào sự giàu mạnh mà tham chiến công một thời, vô cớ dấy binh dẫn đến tổn hại mạng người, hãy nhớ kĩ là không được làm như vậy!”- Hoàng Minh Tổ Huấn ( 1395)

Thấy An Nam quốc vương thông hiểu sử sách Thiên Triều, còn nhắc đến điển cũ của Thái Tổ căn dặn hậu thế, khiến Trâu Doãn Long đôi phần thay đổi cách nhìn. Hoàng Gián đang nổi khí nộ, mặt đỏ phừng phừng như tôm luộc, tính rút kiếm ra khỏi bao nhưng phó sứ Trâu Doãn Long kịp thời kiềm chế lại, Trâu Doãn Long cẩn thận nói : “ Ngài nói đi, nếu không có câu trả lời thoả đáng, thì máu của người dân An Nam sẽ là cái giá phải trả cho hành động bất kính này.”

Hoàng đế chậm rãi nói : “ Tháng mười năm ngoái bồi thần Đại Việt có sang nộp cống cho Thiên Triều, theo di nguyện của tiên vương thờ phụng Thiên triều không chỉ là giữ đạo trung mà còn là đạo hiếu. May mắn được ban áo Bì Biền, ta rất hết lòng cảm tạ, vui mừng khôn xiết .”

Hoàng Gián liền cắt ngang : “ Có Bì Biền do Thiên Tử ban cho, sao không lấy ra mà mặc.”

Hoàng đế liếc nhìn Hoàng Gián,tiếp tục chậm rãi nói : “ Trời xanh nào có thấu, niềm ân đức đó chẳng kéo dài được dài lâu. Năm nay cuồng phong ập đến bất thường, làm cung điện đổ nát, áo được Thiên Tử ban vì thế cũng hư hỏng nặng, lòng ta vô cùng đau đớn. Nghĩ đến việc tiếp sứ thần mà không có bộ y phục cho đường hoàng tử tế, nên căn dặn phường thêu may áo mũ gấp để mặc trong ngày trọng đại này. Tuyệt nhiên không có ý khác, xin sứ thần thấu hiểu.”

Ngữ khí Hoàng Gián không đổi, thanh âm đầy sắc giận : “ Năm xưa tổ tiên ngài là Lê Lợi ngỗ ngược chống phá nhưng được Thiên Tử thương xót, ban cho tước An Nam Quốc Vương. Kinh thư kho tàng đồ sộ không thể thiếu ghi chép điển chế phiên vương, sao không dựa theo đó mà làm.”

Hoàng đế thở dài : “ Khoảng năm Vĩnh Lạc, thiên binh sang thảo phạt, đánh hai cha con họ Hồ tan tác, liền đốt phá kinh thành, mất hết kinh thư sử sách. Suốt hơn hai mươi năm bắt dân Đại Việt để tóc dài, mặc y phục theo Thiên Triều. Nay có muốn dựa vào điển cũ để may lễ phục phiên vương thật sự không biết dựa vào đâu. Sứ thần sang triều cống, vô tình liếc nhìn, may mắn nhìn thấy áo của Thiên tử . Ta một lòng ngưỡng mộ ân đức của Thiên Tử nên nói hắn kể lại chi tiết, tiếc thay hắn cũng chỉ dựa theo trí nhớ mà dặn phường thêu may lại mà thôi.”

Hoàng Gián nhếch môi cười, đầy khinh miệt : “ Ngài quên rằng mình chỉ là một phiên vương của An Nam rồi ư? Vậy mà trước sau đều nhất mực xưng Đại Việt, lũ tôi mọi An Nam các ngươi, lại dám tự cho mình ngang hàng với con dân của Thiên triều cơ đấy.”

Hoàng đế nhẹ giọng nói : “Thiên Triều ban cho ta tước An Nam Quốc Vương nhưng lại chưa từng ban cho aó mũ phiên vương, ta chẳng biết xưng thế nào cho phải lẽ mới xưng như vậy. Cả việc mặc lễ phục cũng phải tự tìm tòi theo điển Chu Lễ mà chế ra áo này để mặc. Nếu sứ thần Thiên Triều thấy chướng mắt khi Quốc vương An Nam mặc y phục này, ta khẩn thiết xin Thiên Tử ban cho áo mũ phiên vương , đồng hàng với Triều Tiên. Có được áo mũ thiên tử ban, ta mới danh chính ngôn thuận là An Nam quốc vương thần phục dưới Thiên Tử, sau này tuyệt đối không nhắc đến hai từ Đại Việt nữa.”

Hoàng Gián liếc nhìn Trâu Doãn Long, sắc giận trên khuôn mặt đã tiêu tan, chưa biết phải trả lời như thế nào thì Hoàng đế liền cung kính nói : “Nhờ hai vị sứ thần về chuyển lời đến Thiên Tử. Mong Thiên Tử nhớ đến An Nam hằng năm cống triều đầy đủ, kính phục Thiên uy Thiên triều mà ban cho áo mũ phiên vương. Ta cũng biết lễ mà xưng cho phải đạo, thần phục Thiên Triều như một phiên vương chư hầu trung thành. Được như thế Thiên Tử thương xót, toàn cõi An Nam trên dưới nhất mực cảm tạ.”

Thấy Hoàng đế đã xuống giọng, cử chỉ lại đĩnh đạc cung kính, Hoàng Gián trấn tĩnh trở lại, chỉnh trang lại y phục, tỏ ra phong thái của sứ thần Thiên Triều trước phiên chư hầu , cao giọng nói : “ Tấm lòng trung thành của An Nam quốc vương với Thiên Triều ta đã tỏ, còn chuyện ban áo mũ phải chờ khi ta trở về lại Thiên triều sẽ hồi bẩm lên Thiên Tử.”

Hoàng đế nhẹ giọng nói : “Phận bề tôi không dám sai chức phận, tháng mười năm nay An Nam lại theo lệ sang Thiên Triều cống hằng năm. Vậy phải nhờ sứ thần đại nhân nói giúp ta trước mặt Thiên Tử rồi.”



Thiên Triều gọi vua Đại Việt là phiên vương nhưng trước sau đều chưa từng bao áo mũ phiên vương, chỉ coi vua Đại Việt là bề tôi, coi ngang hàng quan nhất phẩm, nhị phẩm của Thiên triều. Cách đối đãi như vậy khác hẳn với tình cảm đặc biệt dành cho Triều Tiên.

Hoàng Gián thừa biết việc lâu nay Hoàng đế Đại Việt trong nước tự xưng là thiên tử nhưng đối với Thiên Triều chỉ dám xưng là phiên vương, một lòng thần phục uy thế Thiên Triều. Đại Việt hằng năm cống nạp đầy đủ, có năm rất bội hậu còn vượt mức cả số yêu cầu lại không được đối xử như Triều Tiên, quả thực có chút thiệt thòi rồi.

Hoàng Gián và Trâu Doãn Long chỉ nhẹ gật đầu, trong lòng có chút khâm phục tài ứng biến của Hoàng đế Đại Việt. Vị vua này tuổi còn trẻ tuy hành động có chút ngông cuồng nhưng không lỗ mãng. Hành xử đĩnh đạc hợp phép tắc, trong lời nói có nhu có cương, lựa lời khôn khéo, biết nhún nhường chiụ thiệt nhưng vẫn thể hiện được cái uy của mình.

Hoàng đế đứng nhìn Hoàng Gián đọc chỉ dụ của Thiên Tử, báo tin Chính Thống trở lại ngôi, đổi niên hiệu thành Thiên Thuận cùng tin sắc lập Hoàng tử Chu Kiến Thâm thành Hoàng Thái Tử.

Hoàng đế nghe xong, hơi cúi thấp người : “ Thiên triều uy trấn bốn bể, khoan nhân đại lượng, hay thương nước nhỏ, nay Thiên Triều sắc lập quốc bổn, lòng dân yên ổn, phiên chư hầu kính phục. Ta ngày sau sẽ như đời trước, một lòng thần phục, phụng sự Thiên Triều. Không quên chức phận mà cống đầy đủ để hưởng sự thái bình dưới chân Thiên Triều. Ơn đức tựa đất trời của Thiên Tử, ta thịt nát xương tan cũng không đủ để báo đáp.”

Hoàng Gián hắng giọng nói : “ Thiên tử có lời khen An Nam quốc vương một lòng trung thành, trước sau thần phục dưới chân Thiên Triều. Hằng năm vượt đường vạn dặm, trèo non vượt bể tới dâng các đồ qúy hiếm độc đáo, không thiếu thứ gì. Thiên Tử suy lòng phụ mẫu, mở lòng độ lượng ban cho An Nam Quốc vương hai nghìn vóc vải lụa tốt, một nghìn vóc gấm cùng 2 rương da cừu, da báo các loại.”

Hoàng đế mỉm cười, nhẹ giọng nói : “Tạ ơn đức độ của lòng rộng lượng của Thiên tử, cảm tạ Thiên sứ lặn lội đường xá xa xôi tới đây để cho An Nam biết Thiên tử thương xót An Nam nhiều như vậy.”

Hoàng đế liếc nhìn Tân Bình Vương, ý bảo bắt đầu lễ nhạc nhập tiệc. Tân Bình Vương cùng Lê Thụ từ ngày rời khỏi Điện Phụng Tiên, cật lực sắp xếp đám người đông đúc ngoài thành tạo cảnh trù phú để phô trương thanh thế trước mặt sứ thần, nay sắp xếp cho đội múa nhạc khí thế hùng hồn muốn tạo cho sứ thần Đại Minh thấy Đại Việt Đương thời thịnh thế, tuyệt không phải là nước yếu với các nước lân bang.

Hoàng đế ngồi vào bàn tiệc , tiếp đó mời Hoàng Gián cùng Trâu Doãn Long an toạ, cuối cùng mới đến văn võ bá quan phía dưới. Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ khai tiệc, toàn bộ Cấm Thành trần ngập những viếng vang vọng rung động tâm can. Đội múa nhạc tuốt gươm trần sáng loáng, sắc thần đầy vẻ uy nghiêm. Ánh nắng chói chang làm chiếu rọi khí thế khiến người khác không dám nhìn đối diện.

Những dải lụa trắng được xoã tung bay để dần lộ ra vũ nữ uyển chuyển theo điệu nhạc, những mỹ nhân này mặc y phục vải sa mỏng mềm mại, nhẹ nhàng di chuyển như lướt đi trong gió. Làn gió thổi đến khiến tà váy tung bay càng khiến thân hình thập phần thanh thoát, tựa như tiên nữ giáng trần. Ánh mắt liếc nhìn, đưa đẩy như cuốn hút các vị sứ thần vào cõi tiên cảnh, thần trí cảm thấy mê muội.

Hoàng Gián uống cạn rượu trong chén, tâm trạng muôn phần thoải mái, ánh mắt không rời khỏi được những vũ nữ trước mặt. Lần tiếp đãi sứ thần Thiên Triều này, An Nam thể hiện không tệ. Hoàng Gián cao hứng nói với Hoàng đế : “ Nữ nhân An Nam quả thật xinh đẹp, ta tò mò không biết liệu ở dịch quán có những mỹ nhân như thế này hầu hạ không?”

Hoàng đế cười nhẹ : “ Sứ thần không chê người An Nam tôi mọi khiến ta quả thực vui mừng. Mọi việc ta đã sai kẻ dưới an bàn, tuyệt đối không làm sứ thần thất vọng.”

Mạnh An đứng sau bức bình phong, thở phào nhẹ nhõm, lúc này mới chợt nhận ra mồ hôi đã chảy ra ướt đẫm y phục. Rốt cuộc mọi chuyện đã ổn thoả, Mạnh An mới lui xuống để kiểm tra lại dịch quán của sứ thần thêm một lần nữa.

Đến đêm khuya, đèn đuốc trong cấm thành vẫn còn sáng trưng, ba ngày liên tục âm thanh lễ nhạc vui sướng ầm ĩ còn vang vọng trong tai. Hoàng đế chiụ dụng tâm, đón tiếp sứ thần Đại Minh không bạc, vừa tỏ được sự thần phục dưới Thiên Triều nhưng vẫn giữ được thể diện của một đất nước. Văn võ bá quan cũng vì thế mà mát lòng khi chủ nhân của họ tỏ ra được uy thế không thua kém gì các bậc tiên tổ.

Mùa đông, ngày hai mươi tư tháng mười, Hoàng đế sai chính sứ là Nam đạo hành khiển tả nạp ngôn tri quân dân bạ tịch Lê Hy Cát, các phó sứ Hàn lâm viện thị giảng Trịnh Thiết Trường, Trung thư khởi cư xá nhân Nguyễn Thiên Tích, Giám sát ngự sử Trần Xác sang Đại Minh, dâng lễ mừng việc Chính Thống lên ngôi trở lại và lập Hoàng thái tử. Đoàn sứ thần mang theo 10 rương lễ vật tạ ơn việc Thiên Tử ban vóc luạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Sương Khói Đông Kinh

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook