Tập Truyện Ngắn: Hoa Nở Rồi

Chương 7: Đi qua Quảng trường Phỉ Thúy

Minh Khai Dạ Hợp

30/06/2022

Người dịch: Hoa Linh Linh 

Có một số căn bệnh đã được chữa khỏi, có một vài căn bệnh vẫn cắm rễ, ăn sâu vào trong tim.

1

Sinh nhật hai mươi lăm tuổi hôm đó, Vạn Sâm La phát hiện trên bàn làm việc trong studio của mình có một gói hàng. Bên trong đựng một chiếc vòng cổ ngọc bích, bề mặt nhẵn bóng gợn sóng như thể chứa đựng cả một đại dương.

Nó xuất hiện không rõ lai lịch, Sâm La hỏi những người trong studio, không ai biết khi nào, như thế nào và ai đã đặt nó ở đó.

Vài ngày sau, buổi diễn tấu violin của Sâm La kết thúc, các phóng viên tràn vào như thủy triều. Phía sau ánh đèn flash nhấp nháy, đám đông ào ào ra ngoài. Trong góc tối đó, một người đàn ông đứng dậy. Anh kéo thấp vành mũ che mặt lại, để bó hoa trên tay mình xuống ghế.

Sâm La cho rằng đó chỉ là ảo giác của bản thân, cho đến khi buổi phỏng vấn kết thúc, cô đặc biệt chạy tới chỗ ghế ngồi của khán giả để xem thử. Một bó hoa thanh cúc xanh lặng lẽ lam nằm đó, lúc cầm lên, cánh hoa lay động tựa như vừa được hái trong gió.

Là Trần Lạc, anh đã đến đây.

Sâm La ôm chặt bó hoa lao ra ngoài, bên ngoài phòng hòa nhạc là ánh đèn rực rỡ của quảng trường Phỉ Thúy. Cô đi ngang qua vô số người, vội vàng hoảng loạn mà lảo đảo muốn nhận ra khuôn mặt của Trần Lạc từ những khuôn mặt đang đi ngang qua đó nhưng không thu hoạch được gì cả.

Cô đứng giữa đám đông bấm gọi cho cha, nghẹn ngào, chỉ kịp thốt lên: “Cha, anh ấy không lừa con”.          

2

Sâm La mười tám tuổi sống trong một căn biệt thự cách Quảng trường Phỉ Thuý không xa. Lúc đó Quảng trường Phỉ Thuý chưa phồn hoa như bây giờ, diện tích chưa đầy 300m2, ban đêm thắp vài ngọn đèn dầu, những đôi tình nhân mặc áo gió ngồi trên ghế gỗ dài ôm hôn nhau, nhà thờ nhỏ đối diện vang lên tiếng chuông. Cha nói, tất cả những điều này giống như khung cảnh thời Victoria được viết trong sách vậy. 

Nhưng Sâm La chưa từng thấy qua mà chỉ nghe cha miêu tả mà thôi. Cô ở trong nhà cả ngày làm bạn với sách, đàn violin và Niccolò Paganini(1). Khái niệm về “bên ngoài” đã ngừng được cập nhật kể từ khi cô tám tuổi. Sâm La cảm thấy mình giống như một loại thực vật, chỉ cần chút ánh sáng mặt trời, nước và không khí là có thể sống được. 

(1)Niccolò Paganini là một nghệ sĩ chơi violin, viola, guitar và nhà soạn nhạc người Ý.

Trần Lạc đột ngột bước vào năm cô mười tám tuổi, mang theo sự nhiệt tình như một vùng đất hoang dại.  

Đó là một buổi chiều, Sâm La đang ngồi đọc sách trong sân, đột nhiên, cây mây leo trên hàng rào chợt rung lên, một đôi tay gạt cây mây sang một bên, sau đó một khuôn mặt lộ ra: “Này…”

Sâm La bị doạ cho sợ hãi hét lên, cô ném sách xuống chạy vào nhà. Sự quấy rối đột ngột này khiến cô cả tuần không dám ra ngoài, cho đến khi cha cô liên tục bảo đảm tuyệt đối không có bất kỳ người nào có thể vượt qua hàng rào sắt cao đột nhập vào được.

Vào một buổi chiều đầy nắng, Sâm La cuối cùng cũng lấy hết can đảm ra sân một lần nữa. Vừa ngồi xuống được mười phút, cô nghe thấy tiếng thứ gì đó gõ vào lan can sắt, cô bị doạ tới dựng đứng tóc gáy, đứng bật dậy như một con chim sợ hãi.

Phía sau đám dây leo truyền tới một giọng nam trong trẻo: “Em đừng sợ, anh sẽ không làm hại em đâu. Anh chỉ muốn xin lỗi em. Lần trước anh không có ý làm em sợ, bọn anh đang chơi cầu lông, quả cầu bay vào sân nhà em…”

Hai tay Sâm La nắm chặt vào tay vịn của ghế mây, trên lưng và trán cô mồ hôi lạnh tuôn ra, một bàn tay vô hình siết chặt lấy cổ họng cô khiến cô không thể nói ra được.

Chàng trai không rời đi, có lẽ là vì không nghe thấy Sâm La lên tiếng, anh hơi xấu hổ, giọng nói cũng nhỏ xuống: “Thật đấy… Chính là ở dưới giàn dây leo trong sân nhà em.”   

Sau khi chàng trai rời đi, Sâm La cẩn thận đi tới dưới đám dây leo, quả nhiên phát hiện ra một quả cầu lông ở đó, giống như một con chim bồ câu lông trắng trên bụi cỏ.

Cô kẹp quả cầu lông vào khe hở của hàng rào, hai ngày sau thì không thấy nữa, có lẽ chàng trai đã lấy đi, cô cũng không dám khẳng định.

Gặp lại chàng trai ấy là vào một ngày mưa, cô đang đứng dưới mái hiên kéo đàn violin thì nghe bên ngoài có tiếng bước chân. Cô cảnh giác lùi lại một bước, tựa lưng vào cửa. Tiếng bước chân đó dừng lại, trong chốc lát, bên ngoài hàng rào vang lên giọng nói của chàng trai: “Rất hay, là bản nhạc nào vậy?”

Sâm La không biết tại sao mình lại lựa chọn mở miệng, cô nói nhỏ: “Paganini’s Caprice in A Minor…”.

“Em nói gì? Anh không nghe thấy.”

Sâm La mấp máy môi, không lên tiếng nữa.  

Nam sinh lại hỏi: “Chỗ anh có bánh trứng, em ăn không?” Anh không đợi Sâm La trả lời, liền cười nói: “Đặt ở đây cho em rồi, em tự đến lấy nhé!” Tiếng bước chân xa dần rồi biến mất trong màn mưa.

Bánh trứng vẫn còn nóng, ​​được bọc kín bằng túi ni lông, không bị dính chút nước mưa nào. Là vị matcha, mềm mại thơm ngon, mùa hè buồn phiền tẻ nhạt ấy ngay sau đó liền có một ý nghĩa đặc biệt.

Sau đó chàng trai thường xuyên đến, có lẽ là biết cô dễ sợ hãi nên anh không bao giờ lộ mặt, chỉ ngồi bên ngoài hàng rào có dây leo bám quanh, vừa dùng cỏ đan một số đồ chơi, vừa kể cho cô nghe về thế giới bên ngoài.

“Em tên là gì?”

Sâm La nhỏ giọng nói: “Sâm La… Vạn Sâm La.”  

“Rất hay, sâm la vạn tượng(2). Anh tên là Trần Lạc, nhĩ đông trần, lạc trong con lạc đà. Em đã cưỡi lạc đà bao giờ chưa?” Anh chuyển chủ đề, Sâm La bình thường không thể theo kịp nổi. Anh cũng không để ý, cứ như vậy kể cho cô nghe về chuyện mình đã từng cưỡi lạc đà trên sa mạc.

(2)Sâm la vạn tượng/森罗万象: Nghĩa là vạn vật trong tự nhiên

Đạo gia nói “sâm la vạn tượng” là trời đất, là mặt trời và mặt trăng, là các vì sao, là cát vàng mênh mông trong miệng Trần Lạc, là sông hồ lớn. Cô chỉ có cái tên, chỉ có một tấc vuông này là cả thế giới của cô.

Mùa hè qua đi, mùa thu đã tới. Trần Lạc hầu như đến đây hàng tuần, mỗi lần đều ở lại cả buổi chiều. Cuối cùng, anh không nhịn được hỏi cô: “Anh chưa từng thấy em đi ra ngoài, tại sao vậy?”

Giọng Sâm La không lưu loát: “Là một căn bệnh, có tên là chứng rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống(3).” Căn bệnh này khiến cô sợ những nơi đông người, những nơi rộng lớn và trống trải, cũng sợ người lạ. Cô không thể kiểm soát nó, nỗi sợ hãi này xuất phát từ sâu trong nội tâm cô, trên phương diện sinh lý cũng sẽ có phản ứng.

(3)Agoraphobia, hay rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống (theo một cách dịch chưa đầy đủ), là một rối loạn lo âu đặc trưng bởi sự hoảng sợ hoặc lo âu mãnh liệt khi ở một địa điểm hoặc tình huống khó tìm ra lối thoát, khiến người bệnh né tránh những nơi gây ra nỗi sợ này như việc ra khỏi nhà một mình, đi du lịch bằng ô tô, xe buýt hoặc máy bay, và ở những khu vực đông đúc.

“Vậy em có sợ anh không?”  

Sâm La không nói gì, cô nhìn thấy những dây leo bắt đầu chuyển sang màu vàng khẽ đung đưa, Trần Lạc đưa tay vào, như thể muốn gạt chúng ra.

Anh hỏi: “Anh có thể gặp em một chút không?”      

3

Lúc ba tuổi, cha phát hiện ra thiên phú âm nhạc của Sâm La, ông không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn để mời thầy giỏi nhất về dạy violin cho Sâm La. Quỹ đạo cuộc sống của cô vốn dĩ đã được tưởng tượng như thế này, đi thi đấu, giành giải, thi vào Học viện Âm nhạc Curtis. Nhưng vào năm tám tuổi ấy, con đường huy hoàng này đột ngột dừng lại.

May là gia cảnh của cô giàu có sung túc, cho dù quảng đời còn lại cô chỉ có thể thu mình trong căn biệt thự này thì cha cô vẫn có thể nuôi được.

Trong thế giới của Sâm La chỉ có hai người: Cha và giáo viên dạy violin. Bây giờ đã có thêm một người đi vào.

Người ấy hỏi cô: “Anh có thể gặp em một chút không?”

Sâm La mạnh mẽ kìm nén sự sợ hãi nhìn dây leo bị đẩy ra, gương mặt vụt qua trong buổi chiều hôm ấy hiện ra phía sau hàng rào. Anh mặc một chiếc áo phông rộng thùng thình, đội một chiếc mũ bóng chày màu đen. Nước da anh rất trắng, đường nét rõ ràng. Đẹp trai hơn cô tưởng tượng nhiều, cũng mạnh mẽ cứng rắn hơn, là một kiểu đẹp trai rất hung dữ ngang ngược. 

Tay Sâm La đổ đầy mồ hôi nhưng cô không chạy trốn. Cô chưa bao giờ nhìn thấy nụ cười rạng rỡ như vậy, giống như những chùm nho trong sân sau khi được phơi nắng vậy, ngọt ngào căng mọng.

Sau đó Trần Lạc đến thường xuyên hơn, cách nhau một hàng rào, họ ngồi trên bãi cỏ. Anh thường mang cho cô những thứ thú vị, nước có ga, chuông gió thủy tinh, còi trúc, những tấm áp phích phim cũ, những cuốn sách cấm đã không xuất bản nữa… Cô để trống một chiếc hộp để đựng những thứ này. Sâm La hỏi anh làm nghề gì, anh nói anh là một nhà thơ, viết một số bài thơ tình đăng trên các tạp chí ít được biết đến kiếm chút phí viết bản thảo, miễn cưỡng có thể duy trì cuộc sống.

Chẳng mấy chốc mùa thu đã qua đi, mùa đông cũng dần đến. Trời càng ngày càng lạnh, Trần Lạc ngồi xổm trong gió run rẩy. Anh bảo Sâm La đừng ra ngoài, cứ ngồi dưới mái hiên, bên ngoài rất lạnh, anh sợ cô bị cảm lạnh.

Ngày hôm đó, sau khi Trần Lạc trở về, lần đầu tiên Sâm La chủ động tìm cha nói chuyện. Cô nói mình mới kết giao với một người bạn, muốn mời anh vào nhà. Cha cô quả thực muốn tìm còn tìm không được, Sâm La biết ông lại nổi lên hy vọng cô sẽ khỏi bệnh. Sâm La không nhịn được nói với cha, cô không thể khỏi được, sự xuất hiện của Trần Lạc chỉ là một sự việc ngoài ý muốn thôi. 

Trần Lạc bắt đầu thường xuyên đến nhà cô, lãng phí thời gian trong căn phòng đầy sách, đĩa CD và bản nhạc của Sâm La. Họ sẽ chơi một số trò chơi ấu trĩ chẳng hạn như chơi cờ trên sách, hoặc là thi kể chuyện cười, ai cười trước sẽ thua. Sâm La chơi bản nhạc Paganini cho anh nghe, tráng lệ, trang nghiêm, hoặc là thanh nhã. Những lúc này, Trần Lạc vẫn luôn vô cùng im lặng, ánh mắt cũng vì vậy mà trở nên sâu hơn. Anh đẹp trai như bức tượng cẩm thạch mà cô từng thấy trên Quảng trường Phỉ Thúy lúc trước khi cô lên tám vậy, cũng rất thu hút người khác nhưng lại không dám tới gần.

Mười tám tuổi, trong sự hỗn loạn và chẳng đi đến đâu, cô đã biết thế nào là “thích”.    

Khi trời đổ tuyết, Sâm La đột nhiên có một ý nghĩ kỳ quái, cô lên kế hoạch thay đổi cách bài trí của phòng ngủ. Phòng của cô giống như một kho báu, chứa đầy những thứ mới lạ và thú vị từ thế giới bên ngoài mà cha cô đã tặng, chúng chất thành đống khắp phòng nên rất khó thu dọn lại. Cả quá trình diễn ra rất chậm ngay cả khi có Trần Lạc giúp đỡ. Bởi vì một khi tìm thấy thứ gì thú vị là cả hai sẽ quên đi việc chính.

Ở trong góc phía bắc, Trần Lạc phát hiện ra một chiếc hòm gỗ long não lớn: “Bên trong có gì vậy?”

“Quên rồi, anh mở ra xem xem.” 

Đó là một hộp cúp vàng rực rỡ, toàn là giải quán quân các cuộc thi khác nhau. Trong đó, Trần Lạc tìm thấy một phần tài liệu, là sổ hướng dẫn đăng ký cuộc thi Violin Quốc tế Paganini. Anh mở bản tóm tắt nhìn lướt qua, hiểu được phân lượng của cuộc thi này.

“Sâm La…” Trần Lạc đóng sổ lại, nhìn cô: “Em đã từng nghĩ đến việc đi ra ngoài chưa?”  



Anh cân nhắc chọn lọc câu từ thật kỹ, giọng điệu nhẹ nhàng, nhưng Sâm La vẫn bị một loại phẫn nộ và sợ hãi sâu sắc đánh trúng. Cô nặng nề đậy chiếc hộp gỗ lại, bảo Trần Lạc ra ngoài.

Ba ngày sau, Sâm La liên lạc lại với Trần Lạc, xin lỗi anh vì hành vi của mình ngày hôm đó.

Trần Lạc cười nói: “Anh hiểu, anh không tức giận đâu.” 

Khi mùa xuân đến, tần suất Trần Lạc đến nhà Sâm La giảm dần. Lúc đầu ngày nào anh cũng đến, nhưng sau đó thành ba ngày, năm ngày, một tuần, hai tuần… Vào một buổi chiều cuối tháng ba, anh đến từ biệt Sâm La.

“Anh phải lên phía bắc, có người bạn ở đó đã giới thiệu cho anh một công việc.”    

“Nhất định phải đi sao?” Trong lòng Sâm La vô cùng lo lắng, cô không thể tưởng tượng nổi nếu Trần Lạc đi rồi cuộc sống của mình sẽ trở nên buồn phiền tẻ nhạt đến nhường nào.

Trần Lạc dựa vào tủ cạnh cửa, đút hai tay vào vào túi quần bò, hơi cong lưng, tránh ánh mắt của Sâm La: “Sâm La, anh xin lỗi, anh không thể ở trong căn phòng này với em cả đời được.”

Sâm La chớp chớp mắt, ​​những lời nói níu kéo giữ lại không thể thốt ra. Cô là một người bệnh, đã sống với bệnh mười năm, cô không thể yêu cầu Trần Lạc cũng sống trong bóng tối không nhìn thấy thế giới như vậy.

Sâm La nghẹn ngào nói: “Vâng.”   

Người thanh niên bước ra khỏi cửa lớn, đi dọc theo con đường lát đá trong vườn. Sâm La nhìn anh theo cho đến khi bóng người hoàn toàn biến mất mới quay lại. Cô trở về phòng kéo một bản nhạc thành cuồng phong bão táp.

Đúng lúc này, cô nghe thấy tiếng hét vang dội từ sân bên ngoài.

“Sâm La!”

Sâm La bỏ đàn violin xuống chạy ra ngoài, cách hàng rào, Trần Lạc đứng ở bên ngoài. Anh nắm lấy những ngón tay thò ra từ khe hở của cô, đưa trán lại gần, đôi mắt bí ẩn sâu thẳm nhìn chằm chằm vào cô: “Sâm La, anh thích em. Bên ngoài có một thế giới rộng lớn như vậy, anh muốn dẫn em đi xem.” 

4

Quá trình điều trị của Sâm La không hề thuận lợi, mỗi bước đi đều phải chiến đấu với sự sợ hãi hoảng loạn vô cùng lớn. May mà Trần Lạc rất kiên nhẫn, Sâm La cảm thấy tác dụng của anh còn tốt hơn bác sĩ tâm lý nhiều.

Với sự giúp đỡ của Trần Lạc, cô bắt đầu dần dần mở rộng phạm vi hoạt động của mình, từ căn phòng và sân nhỏ đến phòng khách rộng rãi và khu vườn phía trước của biệt thự. Một tháng sau, cô vượt qua được nỗi sợ hãi xé nát bản thân, lần đầu tiên bước ra khỏi nhà sau mười năm.

Cô đứng ở cửa năm phút, nhìn nhà thờ có đỉnh nhọn màu trắng phía xa ẩn hiện sau những tán cây và dòng sông phía xa nữa. Khi ánh mặt trời chiếu vào cô, cô có một sự kích động mãnh liệt muốn chạy trốn về thế giới chật hẹp của mình, nhưng một ý chí khác mạnh mẽ hơn đã ngăn cản cô lại. Nếu muốn sống với Trần Lạc, cô nhất định phải chữa khỏi trước.

Sâm La vô cùng áy náy vì làm lỡ kế hoạch đi lên phía bắc của Trần Lạc, nhưng Trần Lạc lại nói với cô: “Nếu em có thể chữa khỏi thì không có chuyện gì tốt hơn thế.”

Sau đó, được sự đồng ý của bác sĩ tâm lý, Trần Lạc đề nghị đưa Sâm La đến quảng trường Phỉ Thúy để nhìn ngắm.

Những bức tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch đó đã bị tháo dỡ, bây giờ xây dựng một bồn hoa bằng thạch, ban ngày những chú chim bồ câu đậu trên ghế, buổi tối sẽ có những con mèo hoang qua lại. Đôi khi anh sẽ vò bánh mì thừa thành những miếng vụn rồi rắc dưới ghế nhà thờ, khi dàn hợp xướng đang hát, một vài con kiến ​​sẽ bò ra từ các khe nứt trong góc tường ra để vận chuyển những đồ vật khổng lồ này.

Anh từng gắn máy nghe lén dưới băng ghế, thử cố gắng nghe một số bí mật “làm cho mọi người trở nên giàu có chỉ sau một đêm”, nhưng cuối cùng chỉ nghe thấy nghìn bài như một của những cặp đôi yêu thương sâu đậm nhưng không được như ý. “Anh cũng từng thấy sóc trong bụi cỏ linh lăng của quảng trường, nhưng chỉ có một lần.” Trần Lạc nói với cô như thế. Những điều này khác với những gì cha cô kể, nhưng đối với Sâm La mà nói thì chắc chắn càng hấp dẫn hơn.   

Vào một buổi chiều tối, cuối cùng cô cũng rời khỏi nhà với đầy đủ vũ trang. Cô dường như đã trở thành một đứa trẻ sáu tuổi, nắm chặt tay Trần Lạc trong một tư thế không bình thường, nhắm mắt theo đuôi anh. Trần Lạc an ủi cô: “Không sao, có anh ở đây.”  

Trên Quảng trường Phỉ Thúy không có nhiều người như cô tưởng tượng, từng nhóm hai, ba người, phụ nữ, trẻ em, người già… Những khuôn mặt xa lạ, những tiếng cười hoặc buồn lo sầu khổ… Ngực Sâm La ngột ngạt, nhưng không hề nghiêm trọng như dự liệu, có lẽ là vì năm ngón tay của cô và Trần Lạc vẫn luôn đan vào nhau. Đối với cô mà nói, sự ấm áp đó chân thực tới nỗi khó có thể lơ đi ở nơi có chút trống trải này.

Trần Lạc dẫn cô đến chỗ chiếc ghế dài anh từng đặt máy nghe lén ngồi xuống, kể cho cô nghe những câu chuyện tình yêu của các đôi nam nữ si tình mình từng nghe trộm. Sâm La dần dần thả lỏng, Trần Lạc dừng lại, cúi đầu dịu dàng nhìn cô: “Em muốn uống sữa chua không?” Anh chỉ vào một cửa hàng nhỏ đối diện quảng trường: “Em ngồi đây đợi anh nhé, anh mua cho em.”

Sâm La vô thức nói “không”, Trần Lạc đặt tay lên mu bàn tay cô: “Đừng sợ, nhiều nhất là ba phút thôi, anh rất nhanh liền trở lại. Nếu em sợ thì hãy gọi tên anh thật to, anh sẽ lập tức trở lại bên cạnh em.”

Sâm La kháng cự nhưng cuối cùng cô vẫn gật đầu. Khoảnh khắc Trần Lạc buông tay ra, trong đầu Sâm La vang lên một tiếng thét chói tai. Cô hít thật sâu, thầm chịu đựng, nhìn bóng dáng của Trần Lạc hòa vào màn đêm, băng qua quảng trường, đến phía đối diện.

Cô không dám di chuyển ánh mắt, thế giới rộng lớn như biển cả, cô là một con tàu lạc lối, mà Trần Lạc là ngọn hải đăng duy nhất.  

Đột nhiên, có một nhóm thanh niên ăn mặc kỳ quái đến quảng trường, đặt hai chiếc loa xuống, nhảy hiphop giữa tiếng trống vang dội. Bọn họ đã chặn mất tầm nhìn của Sâm La.

Thế giới đảo lộn, người người không ngừng chen chúc, vừa va vào nhau thì đột ngột lùi ra… Sâm La không ngừng gọi tên Trần Lạc, nhưng quảng trường quá rộng lớn, giọng cô vừa phát ra liền nhanh chóng bị chôn vùi trong một khoảng cách dài đằng đẵng.

Mồ hôi của Sâm La tuôn ra như mưa, cô dựa sát vào lưng ghế, ngón tay run rẩy, không khí trong lồng ngực càng ngày càng mỏng manh, tầm mắt mờ mịt, chỉ có tia sáng chói lọi ấy xuyên qua hai tròng mắt như kim châm.

Trần Lạc, Trần Lạc, Trần Lạc.

Một lúc sau, Sâm La mới nhận ra bản thân chưa từng gọi anh, bởi vì cô không thể thốt ra tiếng.

Thế giới sụp đổ.  

Một số âm thanh văng vẳng bên tai, đó là tiếng đàn accordion của đoàn xiếc. Là giọng nữ gấp gáp hét lên từng tiếng, từng tiếng “Sâm La”. Là bảng quảng cáo khổng lồ trên xe của lễ hội Carnival đổ sập xuống, là tiếng gào rú kéo còi, tiếng khóc, tiếng báo cảnh sát…

“Sâm La, em vẫn ổn chứ? Sâm La.” Một đôi tay vòng qua lưng cô, nhẹ nhàng vỗ về. Đôi mắt cô dần dần có tiêu cự, bắt gặp một đôi mắt lo lắng.

Cô mở miệng: “Trần Lạc.”  

Đêm hôm đó, sau khi bác sĩ tâm lý rời đi, Trần Lạc ngồi xuống tấm thảm bên cạnh giường của Sâm La. Anh nắm lấy tay cô không chịu buông.

Sâm La nhẹ nhàng nói: “Năm em tám tuổi, gia đình em đã đi du lịch nước ngoài…”  

Gặp đúng mùa lễ hội, lễ hội hóa trang rất lớn, người đông nườm nượp. Sâm La và mẹ bị tách ra, đám đông không ngừng đẩy cô ra xa hơn. Sau đó biển quảng cáo trên xe bị đổ xuống do không đóng chắc, trong khi mọi người cố gắng né tránh đã xảy ra sự cố chạy tán loạn(4) nghiêm trọng. Mẹ của Sâm La đã chết trong sự cố này.

(4)Sự cố chạy tán loạn/踩踏事故: Từ dùng trên báo chí cho người trong thảm họa là vụ giẫm đạp là một hành động thúc đẩy các động vật bầy đàn hoặc một đám đông người bắt đầu chạy hàng loạt vô trật tự, một cách hỗn loạn, thường là để cố gắng thoát khỏi một mối đe dọa. 

Kể từ đó, cô niêm phong đoạn ký ức này lại, sâu trong nội tâm trở nên sợ hãi tất cả mọi thứ chen chúc và trống rỗng.

Sau khi gian nan kể xong, cổ họng của Sâm La đau đớn. Trần Lạc đặt một nụ hôn xuống mu bàn tay cô: “Sâm La, em sẽ khỏi thôi.”

Anh nói: “Khi còn nhỏ cuộc sống của anh rất khó khăn, để có thể kiên trì tiếp tục sống, anh thường tưởng tượng về tương lai. Sâm La, em nghĩ thử xem, sau này em muốn làm gì, đợi em khỏi rồi, anh sẽ đưa em đi.”

Cô muốn ngắm biển hoa thanh cúc, muốn ở trên tàu du lịch bảy ngày đêm, muốn đến một buổi hòa nhạc khác, muốn diễn tấu Paganini trước mặt mọi người.

“Còn muốn… Ở bên anh mãi mãi.” Cô nói.  

5

Sau khi nguyên nhân sinh bệnh được vạch trần, Sâm La hồi phục càng nhanh hơn. Mặc dù cô vẫn không dám ra khỏi nhà quá xa nhưng khi có người đi cùng, cô vẫn có thể tự do ra vào Quảng trường Phỉ Thuý.

Cô nghĩ, thêm một thời gian nữa, cô nhất định có thể cùng Trần Lạc đến một nơi rộng lớn hơn.

Nhưng mà gần đây Trần Lạc dường như trở nên rất bận rộn, họ chỉ gặp nhau một lần hai tuần. Lúc gặp tâm trạng của Trần Lạc rất bất ổn, tựa như có điều gì đó đang quấy nhiễu anh vậy.

Đầu tháng năm là sinh nhật của Sâm La, cha cô chuẩn bị một bữa tiệc, không mời nhiều người lắm, chỉ có giáo viên dạy violin và bác sĩ tâm lý học của Sâm La. Tất nhiên còn có Trần Lạc. Nhưng mà đến giờ hẹn rồi, Trần Lạc vẫn chưa tới.

Sâm La không muốn khiến cha thất vọng, cô miễn cưỡng nở một nụ cười vui vẻ. Sau khi tiễn khách, Sâm La gọi điện cho Trần Lạc.

Trần Lạc vô cùng tự trách: “Xin lỗi em, anh thật sự đã quên.”

“Nếu như có khó khăn gì, anh có thể nói với em.”

Sau một hồi im lặng, Trần Lạc thấp giọng nói: “Anh qua tìm em.”

Nửa giờ sau, Trần Lạc đến biệt thự. Anh không vào nhà mà chỉ đứng ở bên ngoài hàng rào ngoài sân nhỏ của Sâm La. Anh ngồi xổm trên mặt đất, hạ mũ bóng chày xuống thấp che mắt đi.

“Sâm La, anh đã nói dối em, anh không phải nhà thơ gì cả. Anh làm việc trong quán bar, trực ca đêm. Anh có một người em gái bị bệnh tim bẩm sinh, hôm nay con bé bị tái phát được đưa vào bệnh viện. Con bé sắp phải phẫu thuật, anh đang bận xoay sở tiền… Không phải anh cố ý quên sinh nhật em đâu.”

“Tại sao anh không nói với em sớm hơn? Em có thể giúp anh mà.”  

Nếu không có Trần Lạc, cô sẽ không thể lần nữa quay lại con đường theo đuổi âm nhạc. Thực ra sau khi tiếp xúc với Trần Lạc một thời gian, trong lòng Sâm La đã biết rõ có lẽ cuộc sống anh không quá dư dả, trên người anh có một khí chất ngông cuồng, hoang dã như cỏ dại. Anh chưa từng chủ động nhắc tới, nhưng Sâm La hiểu lòng tự trọng và tính kiên trì của anh. 

Im lặng hồi lâu, Trần Lạc đột nhiên hỏi: “Em có muốn đến xem nhà anh không?”  



Nửa đêm lẻn ra ngoài, đây là việc mà Sâm La lớn như vậy rồi lần đầu tiên làm. Dưới sự dẫn dắt của Trần Lạc, cô đi đến nơi xa nhất kể từ khi điều trị. Đó là một khu dân cư cũ nát ở ngoại ô thành phố.

Cái Trần Lạc gọi là nhà ấy chỉ là một căn phòng rộng chưa đầy ba mươi mét vuông. Hai phòng ngủ được ngăn bằng một tấm rèm, bên ngoài là của anh, bên trong là của em gái anh. Đồ đạc trong phòng rất ít, chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhưng lại được thu dọn rất sạch sẽ. Một mặt tường được dán đầy ắp những tấm bưu thiếp, Trần Lạc chỉ vào một tấm ảnh chuông lạc đà trên sa mạc nói với Sâm La: “Anh cũng chưa bao giờ cưỡi lạc đà, từ trước tới giờ anh chưa từng bước ra khỏi thành phố này một bước, những điều anh nói với em đều là nghe thấy từ khách đến quán bar.”

Nói xong anh lại im lặng. Anh đã mang hết những sự thật về sự quê mùa nông cạn nói cho cô rồi chờ đợi cô phán quyết.

“Anh cảm thấy em sẽ coi thường anh sao?” Sâm La bước tới, đối diện với ánh mắt của anh.

Đêm đầu hè mát mẻ, ánh trăng lọt qua cửa sổ chiếu vào.

Cô hôn anh dưới ánh trăng.       

6

Sâm La từng đến thăm em gái của Trần Lạc, một cô bé mười ba tuổi nằm trên chiếc giường trắng, thân thể gầy gò yếu ớt vô lực. Cô ấy trông rất giống Trần Lạc nhưng đường nét mềm mại hơn.

Trần Lạc nói với Sâm La rằng anh không biết cha mình là ai, chỉ biết mẹ trước khi sinh anh ra đã làm một công việc không quá đàng hoàng. Năm anh mười bốn tuổi mẹ anh qua đời, lúc ấy em gái anh mới ba tuổi. Sống như bụi cỏ thì chỉ có thể tồn tại bằng cách đâm rễ thật sâu vào lòng đất. Khi nói những lời này, ánh mắt anh sáng quắc chứa đựng một sự quyết tâm sắc bén.

Sâm La không có cách nào có thể khoanh tay đứng nhìn, khi rời khỏi bệnh viện, cô nói với Trần Lạc: “Ba giờ chiều ngày mai anh đến tìm em nhé.”

Về tới nhà Sâm La lục tung tủ, tìm thấy một hộp trang sức từ hộp gỗ long não dưới gầm giường. Cô đã kiểm tra kỹ, nó còn nguyên vẹn.

“Con định cho Trần Lạc sao?”

Một giọng nói đột ngột từ cửa truyền tới doạ Sâm La suýt nữa buông tay ra. Cô ôm hộp chặt trang sức đứng dậy, xoay người nhìn ra cửa.

Vẻ mặt cha cô nghiêm nghị, Sâm La hiếm khi thấy ông lộ ra biểu cảm như vậy. Ông vẫy vẫy tay với cô: “Sâm La, con qua đây với cha.”

Đến thư phòng, cha cô lấy một xấp tài liệu từ trong ngăn kéo ra, ném cho Sâm La: “Con tự xem đi.”    

Sâm La vội vàng lật xem, bên tai như có một âm thanh nổ vang, cảm giác ngột ngạt bao vây khiến cô cảm thấy không khí thật mỏng manh, khó có thể thở được. 

Đó là một phần báo cáo điều tra kèm theo một bức ảnh cũ có điểm ảnh pixel cực thấp: Trần Lạc khoác vai một cô gái xinh đẹp, nhìn vào ống kính cười rạng rỡ. Báo cáo điều tra kể về một câu chuyện nhàm chán cũ kỹ: Một thanh niên đẹp trai đẹp trai ngụy trang, dùng lời ngon tiếng ngọt lừa lấy lòng tin của thiên kim nhà giàu, sau khi nhận được món quà khổng lồ liền không xuất đầu lộ diện nữa, trong báo cáo gọi người thanh niên này là “Vương Vũ Sâm.”

Cha cô cười lạnh: “Cậu ta đến cái tên cũng đều là giả.”

Sâm La nghiến răng: “Con không tin.”

Chiều hôm sau, Trần Lạc đến trước biệt thự. Sâm La không để anh vào nhà, qua hàng rào sắt, cô lặng lẽ nhìn chằm chằm người đàn ông trẻ tuổi đẹp trai ngoài sân.

Trần Lạc có lẽ bị cô nhìn hồi lâu hơi không thoải mái, anh cười cười, hỏi: “Gọi anh qua làm gì vậy?”    

Sâm La nhắm mắt lại, tựa như ngửi thấy mùi cơn mưa ngày hôm ấy, anh đặt một chiếc bánh trứng ấm áp ở đây. Vị matcha, mềm mại và ngọt ngào, hoá ra là hương vị bắt đầu một câu chuyện tình yêu.

Sâm La duỗi tay ra, nhét hộp trang sức vào tay anh, không nhìn anh nữa: “Cái này cho anh.”

Không đợi Trần Lạc kịp phản ứng, Sâm La đã quay người chạy như bay về phòng.

Cô vấp phải hộp gỗ long não, theo tiếng bản nhạc rơi xuống, nước mắt cũng lặng lẽ rơi.         

7

Sau đó Sâm La chuyển nhà. Cô dần thích ứng với đám đông, tham gia một vài cuộc thi, nộp đơn vào nhạc viện của nước ngoài và được đặc cách nhận vào.

Thế giới ôm lấy cô bằng sự hùng vĩ và phức tạp của nó, cô vẫn có chút sợ hãi nhưng cũng không còn sợ phải thử nữa.

Cuộc sống xa biệt thự, xa Quảng trường Phỉ Thúy, cô vẫn làm bạn với sách, đàn violin và Paganini, chỉ là giờ đây cô đã có thêm nhiều bạn bè.

Cô không bao giờ nhắc tới chuyện cũ đó với cha, bởi vì trong lòng cha cô vẫn chắc chắn Trần Lạc là một kẻ lừa gạt. Mà sự biến mất của anh sau đó cũng vừa hay chứng thực phỏng đoán của ông.

Lúc học ở Áo Sâm La từng hẹn hò một người. Đối phương là một người gốc Hoa cao lớn, lúc không cười có chút xa cách người khác. Anh ấy chơi piano, ra mắt lần đầu tiên trong buổi diễn tấu của giáo viên hướng dẫn hai năm trước, hiện tại anh ấy đã nổi danh ở Châu Âu.

Lúc yêu nhau được hai năm, Sâm La cùng bạn trai sang Đài Loan tổ chức buổi hoà nhạc, sau khi kết thúc cả hai đi dạo chợ đêm, giữa những quầy hàng san sát nhau đó, Sâm La phát hiện ra một người bán bánh trứng.

Bạn trai cô dừng lại, hỏi cô: “Em muốn ăn cái này à?”

Sâm La cười cười, lắc đầu. 

Sau đó quay trở về khách sạn, chúc ngủ ngon nhau, nửa tiếng sau lại có tiếng gõ cửa. Bạn trai cô đứng ngoài cửa thở hổn hển, nhét vào tay cô một cái bánh trứng, nói: “Muốn ăn thì mua thôi, em không cần phải sợ béo đâu.”

Bánh trứng hơi nguội rồi nhưng ăn vẫn rất ngọt và thơm. Cô nhai hai miếng, sau bốn năm trôi qua, cô đột nhiên bật khóc nức nở nơi xứ người.

Sâm La chưa từng ngừng suy nghĩ về một vấn đề, cho dù Trần Lạc lừa cô thì có một số thứ vẫn là thật. Năm đó, sau khi tình trạng của cô có chuyển biến tốt, cô thường đến Quảng trường Phỉ Thúy với Trần Lạc để tìm những con sóc trong bụi cỏ linh lăng, tất nhiên, cuối cùng vẫn không tìm thấy gì.

Trên đường về, anh ghé vào quán ven đường mua cho cô một cái bánh trứng, sau khi trả tiền lại nắm tay cô một cách tự nhiên. Đó là một con phố yên tĩnh, hai bên đường trồng đầy những cây ngô đồng. Trong bóng tối khuất sau ánh đèn đường, anh dừng lại hôn cô, gọi tên cô.

Hơi thở, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể lúc ấy đều là thật.

Cuối cùng Sâm La vẫn chia tay người bạn trai Hoa Kiều, sống cuộc sống một mình, đơn độc lại tự do tự tại.      

8

Sau khi buổi hòa nhạc kết thúc không lâu, Sâm La lại nhận được một bức thư không có địa chỉ người gửi, do Trần Lạc tự tay viết. Nét chữ tuy ngây ngô nhưng rất nắn nót cẩn thận.

Bức thư kể một câu chuyện như thế này… 

Có một gia đình đơn thân, chàng trai mất mẹ từ thời niên thiếu phải trăn trở vật lộn vì em gái mắc bệnh tim bẩm sinh. Lương làm thêm không đủ chi phí chữa bệnh đắt đỏ nên anh không thể không từ bỏ lương tâm đi tìm đường tắt. Anh có một ngoại hình đẹp, cuộc sống khó khăn dưới đáy vực đã tôi luyện cho anh cái nhìn sâu sắc và sự nhạy bén, chỉ cần anh muốn là có thể dễ dàng lấy được lòng người. Dựa vào những bản lĩnh và khả năng này, anh đã thành công nhiều lần.

Có một khoảng thời gian anh quanh quẩn rất lâu ở Quảng trường Phỉ Thúy, một ngày nọ, anh đột nhiên nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ, anh gắn máy nghe lén vào chiếc ghế dài ở quảng trường. Lúc đầu anh ấy chỉ muốn đùa dai, muốn nghe xem cuộc sống của người khác có phải cũng khó khăn như mình hay không. Sau đó, anh tình cờ nghe lén được cuộc trò chuyện giữa ông Vạn nổi tiếng ở địa phương và một bác sĩ tâm lý. Là một người thành đạt với khối tài sản kếch xù nhưng lại có một cô con gái mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ khoảng trống không thể gặp người khác. Đây gần như là một con mồi hoàn hảo.

Thế là anh đã lên kế hoạch cẩn thận, tiếp cận cô gái tội nghiệp mắc bệnh tâm lý này. Chỉ là càng tìm hiểu sâu, anh càng bị lương tâm hành hạ, nhưng bệnh tình của em gái đã thúc đẩy anh phải thực hiện theo kế hoạch.

Quen cô, tham gia vào việc điều trị của cô, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cô, lấy được sự tín nhiệm hết mức của cô sau đó ném con át chủ bài là cuộc sống thê thảm này ra. Mọi thứ diễn ra theo đúng trình tự, anh không hề mắc bất kỳ sai lầm nào.

“Cho đến ngày hôm đó, anh nghe thấy cuộc nói chuyện giữa em và cha em trong máy nghe lén. Đúng vậy Sâm La, để theo dõi tình hình của em, anh cũng đặt một thiết bị nghe lén trong nhà em. Chiều hôm đó vốn dĩ anh không định đi gặp em, nếu em đã biết sự thật rồi thì cảnh tượng của buổi gặp mặt sẽ bi thảm tới mức nào không cần nói cũng biết. Nhưng anh ngàn vạn lần không ngờ tới là, sau khi biết được sự thật, em vẫn lựa chọn tặng anh chiếc vòng cổ sapphire có giá trị liên thành. Anh kinh ngạc không thôi, tiếp đó liền cảm nhận được sâu sắc sự ngu dốt nông cạn trong tâm hồn mình.

“Anh đã cầm sợi dây chuyền đó đi thế chấp lấy tiền trả viện phí cho em gái. Ca phẫu thuật rất thành công, em gái đã khỏi bệnh nhưng anh lại rơi vào tình trạng bị dằn vặt tâm lý kéo dài. Sau đó anh nỗ lực làm việc, chuộc thành công sợi dây chuyền, cũng đã đi tìm những người từng bị lừa gạt để xin lỗi vì chuyện cũ. Quá trình này không dễ dàng, nhưng anh đã có được sự bình yên đã mất từ ​​lâu.

“Buổi chiều ngày em gái phẫu thuật thành công đó, anh đã đến nhà thờ ở Quảng trường Phỉ Thuý. Anh không phải là người tin tôn giáo nhưng đó là một nơi tốt để tự xem xét lại mình. Anh không thể nào hiểu được, một tâm hồn quý giá đến nhường nào mới có thể sau khi biết được sự xấu xa ghê tởm vẫn không chút do dự tin tưởng vào sự lương thiện.

“Sâm La, cho đến nay anh vẫn không thể nào đối mặt với em, có lẽ nói cho em biết tất cả những điều này sẽ khiến em cảm thấy dễ chịu hơn chút. Ngoại trừ kế hoạch ban đầu, tất cả tình cảm anh dành cho em sau này đều là thật, cái tên Trần Lạc này cũng là thật. Anh hi vọng em có thể bước ra khỏi căn phòng đóng kín đó, biểu diễn những bản nhạc violin đã từng khiến anh xúc động không thôi ấy trước ánh mắt tán thưởng của hàng vạn người hơn ai hết. 

“Em nên giống như cái tên của mình, có nhật nguyệt tinh tú, vạn vật trong tự nhiên.

9

Sâm La ở nhà vài ngày, cô không chỉ một lần đi ngang qua Quảng trường Phỉ Thúy vốn đã hoàn toàn thay đổi.

Sau đó, cô liên tục tổ chức các chuyến lưu diễn, đi qua rất nhiều quốc gia, các quảng trường đông đúc chen chúc, lướt qua hàng ngàn vạn người.

Cô đã nhìn thấy biển hoa thanh cúc xanh, nhìn thấy mực nước biển vô tận trên con tàu du lịch, nghe rất nhiều buổi hòa nhạc của các bậc thầy, cũng biểu diễn qua Paganini cho nhiều người. 

Cô có vạn vật trong tự nhiên, chỉ là sẽ không bao giờ gặp được chàng trai đã từng dẫn mình đi qua Quảng trường Phỉ Thúy ấy, thực hiện việc quan trọng nhất của tất cả những thứ “sau này” nữa.

Có một số căn bệnh đã được chữa khỏi, có một vài căn bệnh vẫn cắm rễ, ăn sâu vào trong tim.   

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Tập Truyện Ngắn: Hoa Nở Rồi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook