Thời Đại Kết Hôn Mới

Chương 2

Vương Hải Linh

21/05/2014

Chiếc giường bạt ở ngoài ban công cũng được đưa vào phòng, những đồ bày biện dễ vỡ, quý giá đều được cất đi, Quốc đã thu xếp mọi thứ. Sắp xếp rồi mới tìm đến Tiểu Tây để “thương lượng”, tiền trảm hậu tấu, thật giống với bố Quốc.

Quốc tới bệnh viện nhưng chẳng dám vào bèn gọi điện cho Tây ra ngoài bàn bạc xem bố mình sẽ ăn nghỉ ở đâu. Thấy bộ dạng Quốc bỏ cả công trình để tới đây là Tây biết thực tế trong lòng Quốc đã có dự định rồi, Quốc tới đây chẳng qua chỉ để thuyết phục Tây mà thôi. Quả nhiên, Quốc định bố trí cho bố về nhà ở. Bốn người đàn ông, thêm Quốc nữa là năm, cùng ở một mái nhà. Trời đất ơi! “Ra ở khách sạn. Em chịu nửa tiền!”.

“Đâu phải mình không có chỗ, sao mà phải tiêu tiền! Tiền của ai mà chẳng là tiền!”.

“Thế em ở đâu?”

“Thì ở cùng đấy…”

“Cùng? Ở cùng năm người đàn ông hả?”

“Nếu không, em về tạm nhà mẹ vậy.”

Tiểu Tây giận tím mặt. Thế nghĩa là sao? Tây kết hôn với Quốc chứ có kết hôn với cả gia đình Quốc đâu. Thế nên vì sao khi gia đình Quốc có việc lại đòi cả nhà Tây phải bận rộn theo. Vấn đề là ở chỗ đó, nói cách khác việc cãi nhau là không thể tránh, cứ cho là lần này Tây có cãi thắng được, thì cái sự thắng này cũng sẽ tạo ra chiến tranh kịch liệt.

Tiểu Tây về nhà. Trở về căn nhà được bố trí theo đúng sở thích của Tây. Cả căn nhà chỉ có một phòng, một phòng rất to, khoảng chừng bốn mươi mét vuông. Ban đầu, Quốc định chia ra thành nhiều phòng nhỏ, nhưng Tây kiên quyết phản đối. Ngụ ý sâu xa là không muốn để người lạ vào nhà ở. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, không những không ngăn cản được khách đến nhà mình mà chính mình lại gặp rắc rối. Cả nhà một phòng, nên khách đến Tây đành dọn đi vì chẳng có chỗ trống nào mà ở. Về đến nhà, Tây thấy ghế sô-pha đôi cũng đã được hạ xuống làm thành chiếc gường đôi, chiếc giường bạt ở ngoài ban công cũng được đưa vào phòng, những đồ bày biện dễ vỡ, quý giá đều được cất đi, Quốc đã thu xếp mọi thứ. Sắp xếp rồi mới tìm đến Tiểu Tây để “thương lượng”, tiền trảm hậu tấu, thật giống với bố Quốc. Đúng là cha nào con nấy!

Tiểu Tây khoác chiếc ba lô ra đi, trong ba lô là tập bản thảo phải đọc và mấy bộ quần áo tắm thay. Đói, Tây mua một suất cơm cà ri ở cửa hàng “7-Eleven” ven đường, như vậy coi như xong bữa tối. Tây không muốn quay về nhà sớm mà muốn đợi cho mọi người trong nhà ngủ đã. Trừ phi có ca phẫu thuật hoặc có bệnh nhân, nếu không chỉ mười giờ hơn là mẹ lên giường đi ngủ, mỗi năm chỉ một lần thức khuya còn đâu cứ đều đều như vậy. Đi bộ mệt, Tây ngồi bệt bên vệ đường mà trong lòng trống rỗng lạ kỳ: những ngày tiếp theo phải sống thế nào đây? Cứ dăm ngày lại có người đến, hết cô bảy lại đến dì tám, lúc thì khám bệnh, khi lại lên xin việc, họ mà đến thì đương nhiên ở nhà rồi, và người phải ra đi vẫn chỉ có mình Tây. Cứ kéo dài thế này, nhà mình có còn gọi là nhà nữa không chứ?… Đợi mãi mới tới mười một giờ kém, vừa bước vào nhà, không như Tây nghĩ bố mẹ chưa ngủ, họ đang ngồi chờ Tây.

“Đi về bàn bạc với chồng, nhanh!” Mẹ ngồi trên ghế sô pha lạnh lùng tuyên bố: “Có hai điều tôi muốn nói với cô, thứ nhất, nếu người nhà chồng cô ốm, tôi sẽ lo cho, con gái tôi là con dâu nhà họ, tôi là thông gia, đây cũng có thể coi là trách nhiệm của tôi, nhưng những người trong thôn nhà chồng cô, tôi không lo, không lo xuể.”

“Nhưng người đó là bác của anh Quốc mà”, Tiểu Tây vừa cởi giày vừa lẩm bẩm nói.

“Được, nói vậy tôi hỏi cô, hai họ tính ra khoảng mười tám đời, cứ bố và bác gọi là anh em! Cả cái thôn đó trước nay sinh sống ở đó bao đời, nếu cứ nghĩ như vậy thì cả thôn đó đều là người thân hả! Đi về nói với thằng Quốc, bảo bố nó đừng bao giờ đem người nhà tới gặp tôi nữa, nếu có bệnh thì cứ theo thủ tục xếp hàng vào khám. Thứ hai, về nói cho nhau rõ, nông thôn và thành thị có nhiều khác biệt.” Mẹ quay sang nhìn bố tiếp lời: “Cái ông bố thằng Quốc ấy, cứ nói oang oang trong phòng của tôi, sau đó còn lên lớp cả con bé y tá trưởng nữa.”

Tiểu Tây nghe hơi quá nên cãi lại: “Mẹ, mẹ nói quá rồi, như thế sao gọi là “lên lớp” chứ!”

“Như thế chẳng phải lên lớp thì là gì? Tôi nói cho cô biết, đến tôi đây này, cũng không bao giờ nói cái giọng như thế với y tá, à mà không với bất kỳ nhân viên nào của bệnh viện. Ông ta giỏi quá mà…”

“Thôi được rồi! Mẹ đừng nói nữa!”

Tiểu Tây đã phạm sai lầm lớn, lẽ ra lúc này Tây không nên nói điều gì, mà có nói cũng không nên nói như vậy, nói thế chẳng khác nào đổ dầu vào lửa khiến cho cơn giận của mẹ càng thêm bốc cao. “Từ đầu tôi đã hết nhẽ với cô, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người. Cô chẳng nói rằng kết hôn là chuyện giữa cô với thằng Quốc, rằng lấy thằng Quốc chứ có lấy cả gia đình nhà nó đâu. Đấy là về lý thuyết, còn thực tế thì khác, thực tế là dù cô nghĩ thế gia đình họ cũng không nghĩ thế! Trong suy nghĩ của họ, khi cô cậu lấy nhau nghĩa là cô sẽ phải lấy tổng thể các mối quan hệ xã hội của họ. Sự kết hợp giữa hai cô cậu chính là sự kết hợp giữa hai gia tộc. Quốc lấy cô tức là lấy cả những mối quan hệ xã hội của bố mẹ cô. Mọi người đều là người thân, là người một nhà, một nhà mà, nên không nên phân rõ trong ngoài lạ thân. Tiểu Tây, tốt nhất cô nên để tôi nằm ngoài cái quan hệ phức tạp này ra, nếu không…”

Nếu không thế nào chẳng cần nói ra, nhưng mọi thứ đều rõ. Nói xong, mẹ Tây đi thẳng vào phòng ngủ, bố cũng đi theo luôn mặc cho Tây bước vào. Chỉ còn lại mỗi mình trong phòng khách, Tây lại thấy lòng mình thật trống rỗng.

Sắp mười hai giờ đêm, Tiểu Tây trốn trong phòng mình gọi điện cho Giản Giai. Khi mà không thể tâm sự nỗi buồn phiền cùng cha mẹ thì chỉ còn biết trông chờ vào cô bạn thân thiết mà thôi.

Trong điện thoại nghe thấy phía bên đầu dây kia rất tĩnh lặng, có vẻ Giản Giai không ở nơi công cộng nào. Giai khoe rằng vừa cùng đi ăn tối với người yêu, hôm nay là Valentine mà.

Bạn trai của Giai tên là Lưu Khải Đoạn, một doanh nhân thành đạt, giám đốc một công ty phát đạt đứng thứ năm trong thành phố. Mỗi một dự án đều lên tới hàng chục tỷ Nhân dân tệ, hàng năm đều nằm trong bảng xếp hạng do Forbes bình chọn. Giản Giai yêu anh ta khi mới hai mấy tuổi còn anh ta đã là người đàn ông chững chạc đứng trên đỉnh cao của thành đạt. Giai kể với Tây cả về nơi hai người hẹn hò, đó là câu lạc bộ Bắc Mỹ, một câu lạc bộ thành viên, nơi đây nếu không có thật nhiều tiền thì đừng nghĩ tới việc đặt chân đến. Thế mà Khải Đoạn có hẳn một bàn cố định đặt trước ở đó. Nơi đó Tiểu Tây chưa từng đến, thậm chí cũng chẳng dám mơ được đến. Nhưng trong đầu dám chắc nơi đó không giống như cái chốn ồn ào mà Tây và Quốc vẫn thường đến, tuy nhiên nhạc nền thì tất nhiên phải có, nếu không nhạc mạnh thì cũng là giai điệu du dương, ví dụ một bản nhạc rất êm đềm chẳng hạn. Ấy thế mà không hề nghe thấy bất kỳ âm thanh nào. Liệu có phải họ đã ăn xong và giờ chia tay nhau rồi? Trong lòng Tây cũng thấy thoải mái hơn, chỉ sợ làm phiền Giai, đêm nay với Giai là một đêm đặc biệt mà. Buổi trưa, Khải Đoạn gọi điện thoại hẹn Giai tối nay đi ăn cơm, giọng nghe rất nghiêm trọng bảo tối nay có món quà tặng Giai, Giai bảo Tây thử đoán xem. Tây đoán rằng đó là “nhẫn cưới”, nhưng Giai khẳng định cô chẳng quan tâm đó có phải là “nhẫn” hay không? Nói cụ thể hơn, cô chỉ cần đó là “cưới”. Từ đó có thể thấy, Tiểu Tây đoán đúng, và trong lòng có chút đố kỵ. Có một nhà văn đã nói rất đúng rằng: con gái lỡ bước, một ngày thì gây ra thị phi, ba năm thì thành tai họa, ba mươi năm mới hóa thành tình yêu. Như Trương Học Nương và tiểu thư Triệu Tứ là một ví dụ. Ở đây, cái quyết định tới vấn đề tình cảm chính là thời gian.

Giản Giai và Khải Đoạn đi lại với nhau đã sáu năm nay, nếu so với “bảy năm đầu kết hôn” thì cũng chỉ còn kém một năm nữa, chẳng hiểu Giai định như thế nào. Theo như Tây biết, trong sáu năm đó, Giai đã ba lần phải đi phá thai, lúc nào cũng mang theo bên mình que thử thai chính là muốn giảm ảnh hưởng không tốt với cơ thể sau mỗi lần phá thai. Của đáng tội, Khải Đoạn là một người đàn ông rất hấp dẫn, nếu như chưa có vợ con thì rõ ràng là một người đàn ông hoàn hảo. Đương nhiên có vợ con không phải là nhược điểm, nhưng đối với một cô gái yêu anh đến say đắm thì điều này cũng cần phải cân nhắc. Khi mới quen nhau, Giai vẫn nghĩ rằng Đoạn chưa có vợ, bởi khi đó anh vẫn còn khá trẻ, một người đàn ông mới ngoài ba mươi mà chưa có vợ cũng là chuyện bình thường. Sau này, khi biết anh đã có vợ con, Đoạn luôn hứa với Giai rằng anh sẽ bỏ vợ để lấy Giai. Lời hứa này chẳng khác nào miếng mồi nhử cứ kéo Giai lẽo đẽo theo anh, từng bước từng bước, năm này qua năm khác, thấm thoắt đã sáu năm trôi qua. Cho đến hôm nay, tối nay, cuối cùng Giản Giai cũng đã hóa khổ thành trái ngọt, Tây vừa thấy mừng cho bạn lại vừa thấy tủi cho mình. Bởi ai chẳng mong bạn mình tốt, đồng thời càng mong mình hơn bạn.

Vì không muốn làm phiền bạn nên Tây cứ âm thầm chịu đựng, mãi đến lúc này mới gọi điện cho Giai. Nhưng sự tĩnh lặng bên kia đầu dây khiến Tây vừa thở phào nhẹ nhõm nay lại thấy lo âu, phải chăng cùng nhau ăn tối xong giờ họ về nhà Giai và đang tận hưởng “đêm xuân” bên nhau? Dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa thì đó vẫn là “đêm xuân” - một đêm mùa xuân, hai kẻ yêu nhau cuối cùng cũng đến được với nhau đang quấn quít bên nhau - nếu thực là vậy, lẽ ra Tây nên gọi điện sớm hơn, vì quấy nhiễu người ta tụ họp với nhau còn chẳng tệ bằng quấy nhiễu hai người đang ân ái bên nhau. Thế nhưng, lát sau, Tây lại cảm thấy không khí bên đầu dây kia không hoàn toàn là vậy, bởi trong cái tĩnh lặng ấy, Tây thấy giọng Giai vẫn bình thản và nhẹ nhàng, chẳng giống như đang “đêm xuân” hay “tụ họp”. Hỏi Giai cái gì Giai cũng hỏi lại: “Nếu bạn không muốn ngủ hay mình lái xe qua đón bạn rồi tới chỗ mình nhé!” Giai có một chiếc xe BMW. Chẳng cần nói cũng biết đó là quà Khải Đoạn tặng. Nơi Giai ở là căn hộ trong tòa nhà Town house rộng khoảng hơn hai trăm mét vuông, đương nhiên đó cũng là quà của Khải Đoạn. Không hỏi nhiều nữa, Tây nói cho Giai nơi mình đang ở rồi cúp máy, để lại mấy chữ nhắn lại và đi khỏi nhà. Hai mươi phút sau, Giai tới đón và hai người cùng về căn hộ ở Town house.

Trên đường đi, Giai kể cho Tây nghe về đêm tình nhân của mình.

Món quà mà Khải Đoạn nói tới trong điện thoại là kim cương, nhưng không phải nhẫn kim cương mà là hoa tai kim cương. Món quà này Đoạn mua cho Giai trong chuyến đi công tác tới Amsterdam Sauer. Đôi hoa tai được gắn hai viên kim cương hình tròn khoảng hai ca-ra có phiếu bảo hành chất lượng sản phẩm kèm theo. Trước khi mở hộp quà, Giai vẫn nghĩ đó là chiếc nhẫn, vì thế, khi nhìn thấy đôi hoa tai bên trong chiếc hộp được thắt nơ xanh bên ngoài, Giai chợt lặng im chẳng nói lời nào. Khải Đoạn như đoán được tâm trạng của Giai nên cũng không hỏi thêm gì. Với giọng nghẹn ngào cùng nụ cười miễn cưỡng trên môi, Giai nhỏ nhẹ nói rằng Giai vẫn nghĩ tối nay Đoạn sẽ tặng mình nhẫn cưới cơ. Thế là Khải Đoạn lại bắt đầu những lời hứa muôn thuở của mình: “Anh và vợ bỏ nhau chỉ là chuyện sớm muộn thôi mà”.

Điều này càng khiến cho Giai thêm phần thất vọng truy vấn anh đến cùng: “Sớm là khi nào mà muộn là bao lâu?”

Đoạn cố tìm cách an ủi Giai nhưng Giai tuyệt đối không để anh nói, chỉ yêu cầu anh trả lời câu hỏi ấy. Đoạn đành đáp rằng: “Ly hôn không phải chuyện một sớm một chiều.“

“Không đơn giản nhưng sáu năm là quá đủ rồi!”

“Giản Giai, em phải hiểu anh yêu em đến thế nào chứ.”



“Nhưng tình yêu của anh dành cho em không bao giờ bằng tình yêu anh dành cho tài sản của mình.”

“Không phải tài sản, mà là sự nghiệp.” Đoạn vội phân bua cho mình. “Mà anh làm việc cũng là vì em. Anh vừa mới mở thêm bảy công ty con nữa em có biết không? Mà chỗ nào cũng phải dùng đến tiền. Nếu ly hôn bây giờ, xét về lý tài sản sẽ bị chia đôi, mà đó là toàn bộ số vốn lưu động của anh, nếu làm thế chẳng khác nào đưa công ty đến chỗ phá sản.”

Giản Giai chẳng buồn nói gì thêm, nhìn chằm chằm người yêu không chớp mắt, sau đó chộp lấy chiếc hộp đựng hoa tai ném thẳng vào người tình rồi quay đầu đi thẳng.

Nghe vậy, Tây đang ngồi trên ghế sô pha bỗng nhảy dựng lên, lúc đó Tây đã ở trong căn hộ ở Town House. Khắp trong phòng khách này đều có “dấu tích” của Khải Đoạn. Dải buộc sau sô pha là của Giorgio Armani, trên bàn nước là chiếc bút máy hãng Mont-Blanc, chiếc đồng hồ nam của hãng Jaeger - LeCoultre, chẳng phải nói cũng biết toàn những hãng nổi tiếng, nếu nói ra giá trị của nó chắc ối người lắc đầu lè lưỡi. Nếu không có người bạn như Giản Giai đây, chắc Tây cũng chẳng có cơ hội được nhìn tận mắt những đồ vật này. Mà có thấy rồi có khi cũng chẳng biết, mà không biết thì khác gì là chưa thấy đâu. Ví như chiếc đồng hồ của Thụy Sỹ, nếu là người ngoài không biết thì thấy có gì khác so với chiếc đồng hồ Quốc vẫn đeo đâu chứ. Mà chiếc đồng hồ của Quốc thì đáng bao nhiêu tiền nhỉ? Một trăm bốn mươi tệ. Còn đồng hồ của Khải Đoạn? Bốn triệu không trăm tám mươi ngàn tệ! Tây nhảy dựng lên thét thành tiếng trước mặt Giản Giai:

“Cáiiiiii gì? Bạn không phải là đang giả vờ giận dỗi ném trả lại đôi hoa tai kim cương đó chứ hả!… Giai ơi là Giai, bạn nghĩ bạn là ai chứ? Là diễn viên đang diễn chắc, cái vật bạn ném đi là đạo cụ làm từ thủy tinh chắc?!”

Giản Giai định nói điều gì đó nhưng đã bị Tây chặn lại nói tiếp: “Mình biết trong lòng bạn không vui - đi tới cuộc hẹn với đầy hy vọng nhưng kết quả ngược lại thất vọng hoàn toàn. Cảm giác như mình vừa bị lừa. Nếu là mình mình cũng bực mình: qua lại với bạn đã sáu năm, từ khi bạn hai bốn tuổi, giờ đã ba mươi rồi, đời người con gái có mấy lần sáu năm như vậy chứ?… Mình nói đúng không? Mình hiểu bạn mà. Nhưng cái mình thực sự không hiểu là sao bạn lại có thể trả lại anh ta viên kim cương đã nằm trong tay thế? Giản Giai à, bạn giận anh ta chứ có giận tiền đâu. Khi mình và Quốc cãi nhau, cãi nhau kịch liệt tới mức nói cả tới chuyện ly hôn, mình cũng chỉ dám ném những thứ giống như chiếc gối thôi, còn bạn quá được luôn, nguyên cả đồ quý thế, bảo ném là ném luôn.”

Càng nói Tây càng tỏ ra tức giận, luyến tiếc. “Bạn nói xem, khi tức giận bạn ném cái gì chẳng được, những đồ trên bàn đấy, dao, dĩa, cốc, chén! Như thế không đủ hả giận à? Hay cho cả đĩa sa lát úp lên đầu anh ta, cho mặt anh ta bê bết cũng được - đây lại đi ném hoa tai. Trời ơi, ném hoa tai chứ lại! Kim cương nữa chứ! Lại là kim cương cao cấp mua từ Amsterdam Sauer." Càng nói Tiểu Tây càng tiếc, tiếc rằng không thể quay ngược thời gian, tiếc không thể thay Giản Giai tới câu lạc bộ Bắc Mỹ đó, tới bên bàn ăn đó, đứng trước mặt Khải Đoạn và nhặt lại đôi hoa tai đã bị Giai ném trả ấy!

Giai nói tiếp với đôi mắt ngấn lệ: “Ừ thì bạn cứ cho rằng đó là vì tình yêu, nhưng trong con mắt của người ngoài, bạn có khác gì với mấy cô gái bao đâu. Đúng không?” Nói tới đó, Giai quay lại nhìn Tiểu Tây và mỉm cười. Cuốn sách đó hay cứ lấy tên theo trưởng phòng phát hành bảo đi “Ba năm tôi được trai bao”. Nói xong, Giai lại cười, những giọt nước mắt lưng mi càng trào ra dữ dội…

Hôm đó, hai người nói chuyện với nhau tới tận khuya mới chợp mắt. Tiểu Tây cũng không kể về chuyện của mình nữa, đúng hơn là không có cơ hội để kể. Đối diện với một người đã có cả bồ tâm sự, liệu bạn có nỡ mở miệng than khổ về chuyện gia đình mình không?

Trong những ngày đợi bác Quốc có kết quả xét nghiệm, Tiểu Tây hàng ngày vẫn sáng đi làm, tối lại về ở nhà mẹ đẻ. Việc Tiểu Tây phải về nhà mẹ ở khiến mọi người ở quê lên cũng cảm thấy ái ngại, dù chẳng ai nói ra hay tỏ ra quan tâm đến nhưng trong lòng đều hiểu rất rõ. Mấy ngày này, Quốc cũng không dám gọi điện tới quấy rầy Tây có lẽ vì ngại. Nếu nghĩ cho Quốc một chút thì thấy, tự nhiên trong nhà thêm bốn người nữa ở, ăn ở, tắm giặt, Quốc đều phải lo hết. Nhưng Tây cũng chẳng lo cho Quốc được vì mấy ngày này Tây cũng bận vô cùng. Ở nhà xuất bản đang chuẩn bị cho hội chợ sách mùa xuân, mà cuốn sách do Tây và Giai làm “Ba năm tôi được trai bao” lại nằm trong số sách trọng điểm lần này. Tác giả của cuốn sách là Trần Lãm, một nữ nhà văn trung niên, văn chị viết sắc sảo mà hài hước, rất có độ phiêu, thu hút được nhiều bạn đọc yêu mến. Cuốn sách này mang đậm phong cách của chị, nội dung rất hay, tên sách cũng rất hấp dẫn, có thể nói đó là cuốn sách thập toàn thập mỹ, vấn đề chỉ là ở chỗ làm thế nào để thuyết phục tác giả đồng ý đổi tên sách. Từ trước, Giản Giai đã không có thiện cảm với cái tên này, vì thế việc thuyết phục tác giả được giao lại cho Tiểu Tây.

“Không phải chị không có tinh thần hợp tác với các em, đã hàng trăm hàng vạn lần chị tự thuyết phục mình rằng bây giờ kinh tế thị trường nó đòi hỏi thế!” Trần Lãm cứ giải thích còn Tiểu Tây cứ gật đầu lia lịa như thể những gì Trần Lãm nói là có lý lắm. Tây muốn ngừng nữ nhà văn này lại, nhưng chị ấy cũng không muốn Tây chen lời nên vẫn tiếp tục nói: “Nhưng chị không thể tự thuyết phục mình được, suốt đêm cứ nghĩ đến cái tên “Ba năm tôi được trai bao” là chị lại không thể nào ngủ được. Dù đã uống hai viên thuốc an thần cũng vô dụng. Chị đã ngần này tuổi rồi, cũng không phải cái tuổi dùng thân mình để viết nữa…”

“Chị Lãm à, chị…!” Tiểu Tây ngắt lời “Chúng em có sửa chữa chút nào về nội dung đâu! Chị nói dùng thân mình để viết là sao?”

Trần Lãm càng khăng khăng: “Thế càng không được, như thế khác nào lừa độc giả” rồi Lãm nói tiếp một cách dứt khoát “cứ đặt tên là “Nhân tỉ hoàng hoa”, không đổi gì hết!… Thế nhé, chị còn có chút việc.” Rồi chẳng đợi Tây nói thêm gì nữa, chị đứng lên đi thẳng.

Sau khi Trần Lãm đi, Giản Giai vốn đang giả vờ bận bịu cắm mặt vào vi tính ngước nhìn lên hỏi Tây giờ tính sao; Tiểu Tây chỉ biết cười trừ: chỉ biết báo lại cho trưởng phòng phát hành là tác giả không đồng ý với ba năm chị ấy được trai bao. Nói xong lại phải sang phòng phát hành, đúng lúc ấy, Quốc gọi điện tới. Nhìn thấy tên Quốc hiện lên, Tây đoán lại có chuyện gì vừa xảy ra, hơn nữa chắc là việc rất gấp nếu không Quốc sẽ không gọi điện trực tiếp vào máy Tây như vậy. Và quả thực sự việc rất gấp, vô cùng khẩn cấp: Như Quốc thông báo thì ở nhà nước đang chảy tràn ra! Mà lúc này Quốc lại đang ở tận Thiên An Môn nên đành gọi cho Tây quay về nhà xem. Mọi người cũng sẽ quay về ngay. Tây kể cho Giai nghe chuyện rồi nhờ Giai lái xe đưa về nhà nhưng Giai nói cô không có xe. Cũng chẳng có thời gian để hỏi xem vì sao Giai không có xe, Tây vội vội vàng vàng chạy ra ngoài, vội tới mức chẳng nghe nổi Giai đang với gọi theo dặn Tây phải cẩn thận đừng quá vội kẻo ảnh hưởng tới cái thai.

Tràn nước là vì quên không khóa vòi ở bồn rửa mặt, thêm nữa lỗ thoát nước lại bị tắc thế là nước chảy từ bồn xuống khắp mặt đất, từ nhà vệ sinh chảy ra phòng khách, rồi lại từ phòng khách chảy ra ngoài. Mở cửa ra đi theo tiếng nước róc rách chảy vào tận buồng tắm, Tây lao tới khóa vội vòi nước và bị ngã oạch một cái khiến cho Giản Giai đứng phía sau lưng liên tục hét lên sợ hãi. Sau khi thông chỗ tắc nước, từ lỗ thoát nước Tây vớt lên một nắm lông tóc và dãi dớt bện lại thành túm. Phía bên kia, Giản Giai còn phát hiện ra mùi thối bốc lên từ bồn cầu vẫn còn nguyên đống phân chưa dập nước, bèn bịt mũi tiến lại dập nước trôi đi. Bên này Tiểu Tây cố gắng moi vứt đống lông tóc làm tắc cống rồi lấy chổi quét nước quét cho khô. Giản Giai lại vội mở cửa sổ cho bay đi những mùi còn ứ đọng trong này… Cứ thế hết việc này đến việc khác, hai người mệt đứt hơi, ngồi bịch xuống chẳng buồn động đậy gì nữa. Lúc ấy, Giản Giai mới biết nhà Quốc lại có khách, và mới hiểu thì ra vào ngày Valentine Tây gọi cho mình chính vì chuyện này. Giai đành an ủi bạn rằng chỉ cần Quốc đối xử tốt với bạn là được rồi. Tây chỉ biết lắc đầu cười gượng mà chẳng nói lời nào. Đó là những gì người chưa kết hôn nói, trước đây Tây cũng từng nghĩ vậy, thật là ngây ngô.

Sàn nhà được làm từ gỗ tự nhiên, bây giờ đều ngập nước, nếu biết thế này trước đây lát gạch cho xong. Lúc đầu là do Tiểu Tây nằng nặc đòi lát sàn gỗ, vì sàn gỗ có thể thoải mái ngồi, nằm hay vứt đồ linh tinh, có thể tha hồ đi đất, đó chính là giấc mơ về căn nhà của Tiểu Tây.

Quốc không đấu tranh được với Tây đành đề nghị hay lát sàn gỗ tấm, loại này vẫn đáp ứng được nhu cầu của Tây mà giá cả lại rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên, nhưng Tây không đồng ý. Phải chăng những yêu cầu của con người đối với vật chất không chỉ đơn thuần là sự thỏa mãn về cảm giác da thịt mà còn là sự thỏa mãn về khía cạnh tinh thần nào đó? Cái cảm giác ấm áp, thiên nhiên và hoa lệ ấy thì gỗ tấm làm sao đem lại được chứ? Và thế là với sự quả quyết của mình, sàn gỗ tự nhiên được lát. Gỗ được mua từ “nơi sản xuất”, ở đó giá rẻ hơn. Cho dù là rẻ thì cũng đã tiêu hết một phần ba số tiền dùng để sửa nhà. Nhưng Tây cũng chẳng hề hối tiếc vì đều này, dù là đi tới đâu, ngồi đâu, nằm đâu, cảm giác đem lại thật thoải mái. Đêm đầu tiên về nhà mới, chính hai vợ chồng đã cùng ân ái trên mặt sàn đó. Sau đó, họ không ân ái như vậy thêm lần nào nữa, đó là đêm đầu tiên, lần đó, cả hai vợ chồng không bận tâm tới điều gì, cảm xúc tự nhiên, hòa với thiên nhiên, cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng sau lần ngập nước này em rằng sàn sẽ bị hư hại không thể khắc phục như xưa được nữa. Nếu vậy, họ thực sự không đủ dũng cảm, mà cái chính là không đủ năng lực để làm lại lần nữa. Tiền mua nhà là đi vay ngân hàng, mỗi tháng trả lãi cũng đến năm ngàn. Nói như vậy, với số lương của Quốc hàng tháng trả lãi ngân hàng, cộng với số tiền gửi về quê hàng năm thì chỉ còn lại khoảng bốn mươi ngàn tệ, con số này cũng tương đương với số tiền lương của Tây. Có đôi lúc làm được cuốn sách hay, tiền lương cuối năm cộng thêm tiền thưởng của Tây cũng được đến năm mươi, sáu mươi ngàn tệ, còn nhiều hơn số tiền Quốc kiếm được. Vì Quốc còn lo trả tiền lãi ngân hàng, nên tiền tiêu hàng ngày do Tiểu Tây chi trả, nếu phải chi việc lớn thì cả hai cùng đóng góp. Bây giờ làm lại sàn gỗ, một khoản chi lớn thế, Quốc chắc chắn không chi rồi. Mà nếu không phải vì tiền thì cũng vì sợ những sự cố như việc ngập nước này xảy ra. Tiểu Tây nghĩ kỹ rồi, nếu người nhà Quốc còn tới đây ở nhờ, những việc như thế này chắc chắn còn xảy ra; mà người nhà của Quốc thì khẳng định sẽ còn tới đây ở nhiều!

Về đến văn phòng, trưởng phòng phát hành đang chờ sẵn hai người. Vì đi vội quá nên cả hai quên không mang theo điện thoại. Không đợi anh nói, Tây liền thông báo luôn việc tác giả không đồng ý đổi tên sách, Tây đoán rằng anh cũng tới đây vì vấn đề này. Bởi con người này thường ngày không có việc gì lớn thì cũng chẳng tới đây bao giờ, mà trước mắt thì việc lớn duy nhất chính là cuốn sách của Trần Lãm. Mọi người đều cho rằng đây sẽ là cuốn sách bán chạy, mà sách bán chạy vào thời điểm này chính là nguồn sống của các nhà xuất bản. Quả nhiên, Tây đoán không sai, trưởng phòng phát hành đến chính là vì việc này. Khi biết tác giả không đồng ý, anh ta trợn trừng mắt nói: “Bảo với cô ta là cùng nội dung nhưng nếu lấy tên là “Ba năm tôi được trai bao” thì bán được bảy mươi nghìn bản, nếu là “Nhân tỉ hoàng hoa” chỉ được năm nghìn bản thôi!” Nghe đến đó, hai mắt Tây cũng trợn tròn lên, thậm chí còn tròn to hơn cả mắt của trưởng phòng. Bảy mươi nghìn và năm nghìn, sao lại có sự khác biệt đến thế chứ? Trưởng phòng bồi thêm: “Thử nghĩ xem, bảy mươi nghìn bản - thậm chí còn hơn thế - và năm nghìn bản, tiền thưởng cuối năm của hai em sẽ được bao nhiêu. Thuyết phục chị ta chẳng phải cũng vì hai em sao!” Câu nói hết sức thuyết phục và hấp dẫn ấy vừa thốt ra, anh ta liền đi khỏi, để mặc Tây và Giai hai người cùng gặm nhấm dư âm còn lại.

Trưởng phòng phát hành đi khỏi, Giai liền ngồi trước máy tính tiếp tục làm việc như người chẳng liên quan khiến cho Tây thấy không bằng lòng. “Cho dù bạn không để ý tới những gì trưởng phòng nói thì cũng không thể thờ ơ với tiền thế chứ, đằng sau bạn là cả một ngân hàng tài trợ hả.” Bỏ qua các vấn đề khác, cứ cho là lần này Giai và Đoạn thực sự chấm hết thì Giai vẫn còn có nhà, có xe, có bao nhiêu vàng bạc mà Đoạn tặng Giai suốt sáu năm yêu nhau, so với một người có tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành đang “hot”, mỗi năm số tiền kiếm được cũng chỉ mua đủ cái vô lăng chiếc xe Giai lái. Lúc này, Tây vẫn chưa biết rằng, Giai đã trả hết nhà cửa và xe cho Đoạn, trả ngay trong ngày Valentine ấy. Khi biết Đoạn không hề có ý định kết hôn với mình, Giai đã trả hết.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác Quốc dắt hai đứa con về quê. Bệnh xơ gan, nói chung không cần chữa trị gì, cứ về nhà điều dưỡng dần. Bố Quốc không về cùng với họ. Mà cũng đúng, khó khăn lắm mới tới đây được, muốn ở lại với con trai thêm mấy ngày cũng có gì là sai. Nhưng điều khiến cả Quốc và Tây bất ngờ là, lần này bố lên không chỉ vì việc bác trai đi khám bệnh mà còn vì muốn bàn bạc với con trai một việc quan trọng hơn thế. Đại khái là bố Quốc thấy việc này cũng hơi quá đáng, khi có mặt bác trai ở đó không tiện nói với con trai, vì sợ nhỡ may bố con có gì đó bất đồng mà lỡ họ nhìn được thì không hay, bố Quốc là người rất trọng sĩ diện.

Chuyện cụ thể là, ở nhà muốn xây nhà. Tổng số tiền hết khoảng tám mươi nghìn tệ, bố bảo Quốc chi ra sáu mươi nghìn. Trước tiên bố nói rằng: “Quốc à, sau này con cũng có con, bố muốn xây thêm một gian nữa, để sau con có dắt vợ con về cũng có chỗ ăn chỗ ngủ.” Sau đó đề nghị cụ thể. Lần này, Quốc không dám lập tức nói “vâng”. Sáu mươi ngàn, trừ khoản tiền trả nợ ngân hàng và số tiền gửi về quê hàng tháng, phải nửa năm làm việc Quốc mới có được số tiền đó. Thực ra, lâu nay Quốc rất muốn mua một chiếc ô tô nhưng vẫn chưa mua được, vì sao ư? Không có tiền. Nhìn người khác xem, làm gì có ai lương một năm khoảng hai mươi nghìn tệ mà không mua nổi chiếc ô tô chứ? Đương nhiên những lời này làm sao mà nói với bố được. Đạo lý này giống như người không ăn được nói chuyện với người ăn không biết no vậy. Nếu Quốc nói mình không có tiền, chắc chắn bố sẽ hỏi không có tiền mà sống ở nơi tốt thế này ư? Không có tiền mà sao tủ quần áo treo đầy đồ thế? Không có tiền thế tủ lạnh, ti vi, đàn piano không phải là tiền chắc? Quốc biết rất rõ những suy lý trong đầu bố, và càng hiểu rằng bố không thể hiểu nổi nỗi lòng của Quốc. Thực tế thì đây chính là khó khăn lớn nhất của Quốc.

Quốc không trả lời, mà bố cũng chẳng giục, chỉ từ từ hút thuốc và đợi. Sáu mươi nghìn tệ đâu phải số tiền nhỏ, thế nên Quốc phải suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên bất luận Quốc nghĩ như thế nào thì số tiền này nhất định phải chi ra. Trên danh nghĩa là xây nhà cho cả gia đình, nhưng qua lời của bố thì chính là xây nhà cho anh cả. Năm đó cả Quốc và anh cả cùng thi đỗ đại học, nhưng bố mẹ chỉ đủ tiền để nuôi một đứa ăn học, và Quốc được đi học. Ai đi học ai ở nhà được lựa chọn qua bốc thăm, anh cả bốc phải thăm đề “không đi học”, nên đành bỏ dở học hành, cùng cả nhà kiếm tiền cho Quốc ăn học. Khi kết hôn cũng chẳng được ở phòng mới, chỉ sống trong căn nhà cũ cùng vợ con, hai đứa con gái cũng được sinh ra ở đó, thấm thoắt đã gần mười năm. Từ trước tới giờ anh cả chưa một lần than phiền về điều đó, nhưng càng không than phiền thì lòng bố càng nặng trĩu, mu bàn tay hay lòng bàn tay cũng đều là ruột thịt mà!

“Bố - cuối cùng Quốc cũng trả lời một cách chậm rãi - hai năm nữa mới xây nhà có được không?”

“Không được. Đất xây nhà đã lấy rồi, năm nay không xây người ta thu lại đất. Sau này, liệu có xây được không cũng không rõ.”

“Bố, chúng con không cần phòng, chúng con cũng không thể về đó sống.”

“Về hay không là chuyện của cậu, còn xây nhà hay không là chuyện của chúng tôi. Cậu về hỏi mọi người ở thôn xem, có nhà nào không xây nhà cho con trai không?” Sau đó, bố ra lệnh cho Quốc tối nay phải về nói chuyện với vợ và phải quyết định ngay trong đêm nay. Con dâu cũng nói tối nay sẽ về nhà ngủ.

Quốc đợi tới đêm khuya vắng lặng, khi tiếng ngáy của bố đã vang lên mới dám nói chuyện với Tiểu Tây. Quốc sợ rằng sau khi nói, nhỡ may, à không phải nói là chắc chắn chứ, hai vợ chồng sẽ cãi nhau, lúc đó lại phải đứng giữa bố và vợ, Thực sự Quốc còn chẳng dám nghĩ đến tình huống đó. Quốc bắt đầu nói: “Anh có chuyện muốn bàn với em.” Quốc cảm thấy Tây co người lại ra điều không muốn nghe, nhưng vẫn cố tình nói tiếp: “Bố nói, bố muốn xây nhà cho chúng ta.”

“Xây nhà? Cho chúng ta?” Tây không tin nổi vào tai mình nữa, Quốc ôm bờ vai Tây và nói đó là sự thật.

“Xây ở đâu?”

“Còn ở đâu được nữa.”



Quốc trả lời vu vơ nhưng Tây thì lại nghe rất rõ: “Ở quê hả?… Quá tốt! Như vậy thì từ giờ trở đi, chúng ta sẽ có hai căn nhà, khi nào làm việc thì ở thành phố, lúc rỗi rãi lại về quê…”

“Nhưng nhà xây xong không phải cho mình hết, chỉ cho chúng ta một gian thôi, ở chung với bố, mẹ, anh trai và chị dâu.” Quốc không nỡ để Tây mơ tưởng thêm nữa.

“Một gian cũng tốt, còn hơn là không. Đến mùa hè, chúng ta có thể dẫn các con về quê, ở đó chẳng phải rất mát mẻ sao? Cho bọn trẻ được tiếp xúc với nông thôn, tiếp xúc với thiên nhiên, đừng có giống em, đến củ cải đường cũng không biết là gì.”

Quốc không muốn Tây cứ mơ mộng như vậy nữa vì em rằng “trèo cao thì ngã đau”, nên đành nghiến răng nói thẳng, không vòng vo nữa: “Tiểu Tây, nhưng chúng ta phải bỏ tiền xây nhà.”

Lúc này, Tiểu Tây mới giật mình nhận ra thế nào gọi là nằm mơ giữa ban ngày. Đặc biệt khi biết được tổng số tiền xây nhà hết tám mươi nghìn tệ và hai vợ chồng phải chi sáu mươi nghìn tệ, Tây cảm thấy vô cùng tức giận. “Anh về nói với bố, chúng ta không cần nhà!” Quốc chỉ im lặng bởi sự thực là cần phải nói những gì anh đều đã nói cả nhưng có ích gì đâu. “Không cần cũng không thể! Bố mẹ dựa vào đâu mà yêu cầu thế chứ! Ở Bắc Kinh chúng ta có nhà cửa có công việc, chúng ta có thừa hơi đâu mà về quê xây nhà gì đó chứ? Ăn no dửng mỡ chắc! Hay nhiều tiền quá chẳng biết tiêu đâu cho hết! Xây cái nhà to vật cho cả nhà, hết tám mươi nghìn, bắt chúng ta bỏ ra những sáu mươi nghìn, như thế khác nào bóc lột!”

“Thì bố mẹ cũng có ý tốt thôi mà, muốn con cháu tụ tập đông vui…” Quốc cố biện minh cho bố mình, nhưng bản thân cũng thấy lời nói không có hiệu lực.

“Đâu chỉ có bố mẹ muốn là được. Cũng cần có ý kiến của chúng ta nữa chứ.”

Quốc cố dùng lại chính lời của Tiểu Tây để thuyết phục “Chúng ta chẳng vừa bàn đấy thôi, đến mùa hè, dẫn các con về đó ở…”

“Anh Quốc!” Tây dằn họng nói “Anh nói mà không nghĩ hả? Tặng với mua khác hẳn nhau đấy! Cái gì được tặng thì dù tốt dù xấu cũng chẳng sao, không tốt vứt quách đi là xong, chẳng tiếc rẻ gì! Còn đồ đi mua thì, xin lỗi, đều phải chính tay mình lựa chọn đến vừa ý mới thôi!”

“Nhưng cả nhà đã tiêu rất nhiều tiền để nuôi anh học đại học. Khi anh học đại học phải xa nhà, mọi việc trong nhà đều do anh trai chị dâu quán xuyến…” Quốc cố năn nỉ.

Những câu như vậy Tây không chỉ nghe một lần. Đúng thế, năm ấy nhận vào, bây giờ phải trả. Được thôi, nếu muốn tính toán, vậy phải tính cho rõ ràng. “Quốc, anh nghe em nói đây, tiền anh cung cấp cho mọi người giờ đã vượt quá số tiền mọi người chu cấp cho anh ăn học. Ngay khi anh mới xin được việc, tháng nào cũng phải gửi tiền về, phải mua đồ về cho mọi người. Anh thử xem lại xem, trong gia đình anh, có đồ điện tử nào mà không phải do anh mua không? Điện thoại cũng do chúng ta lắp!”

Quốc vẫn nằm im nghe Tây nói, còn Tây cứ tiếp tục nói trong ấm ức: “Bình thường cũng biết nói khoác lắm cơ, kiếm được một đồng thì nói thành mười. Đau đúng không? Cũng sĩ diện phải không? Anh đúng là đứa con làm rạng rỡ mẹ cha mà. Anh cho rằng nói khoác không bị đánh thuế chắc. Thưa ngài, bây giờ thì sáng mắt ra chưa, trên đời này cái gì cũng có cái giá của nó, nói khoác cũng thế thôi! Đi! Anh đi ra nói với bố anh, nói hết sự thật, nói rằng anh kiếm cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nói rằng anh cũng cần tiền để tiêu, anh cũng đang rất khó khăn! Hiện giờ anh vẫn đang nợ ngân hàng mấy trăm nghìn tệ chưa trả được đấy!”

Quốc chỉ biết nằm im, còn Tây trong lòng sục sôi ấm ức. Quả nhiên, Tây chẳng thể trông mong gì vào Quốc, mọi chuyện Tây phải tự ra mặt giải quyết. Thế là, Tây ngồi dậy, bước xuống giường. Quốc cứ tưởng rằng Tây muốn vào toilet hoặc đi uống nước nên chẳng để ý; đến khi thấy Tây mặc thêm áo khoác ngoài mới chợt nhận ra Tây đang định làm gì, hoảng quá bèn nhảy phắt khỏi giường giữ Tây lại. Tiểu Tây cố đẩy anh ra: “Nếu anh không nói với bố thì em nói! Em thà làm người ác còn hơn làm kẻ nghèo!”

“Tây! Tây!” Quốc vội ôm chặt Tây vào lòng “Cẩn thận cái thai!” Lúc này Tây mới đứng yên lại, sau đó òa khóc. Tiếng khóc làm Quốc cũng đau lòng, luống cuống khẽ an ủi trên mái tóc rối bời của vợ: “Để anh nói với bố, em đừng quá lo. Thôi được rồi, đừng quá lo mà…”

Khẽ ngước nhìn lên với khuôn mặt đẫm lệ, Tây khẽ xoa xoa khuôn mặt Quốc hằn rõ sự thống khổ, thổn thức buông lời: “Anh, anh bây giờ như cây cải chưa lớn, họ đã vội hái ăn, vậy còn gì là cải nữa chứ…”

Trưa hôm sau, Tiểu Tây hẹn nhà văn Trần Lãm tới quán trà “Great choice” tại khu Văn Liêu phía tây thành phố Bắc Kinh.

“Great choice” là một quán trà cao cấp, bước vào cửa là một khe nước nhỏ. Hai bên là hai phòng trà, một bên có cửa một bên không. Bên phòng không có cửa treo một tấm rèm bằng những hạt pha lê tạo cảm giác mờ ảo. Những ai tới nơi này đều mong có sự yên tĩnh vì thế đều chọn bên phòng có khóa, mỗi gian một khóa riêng; còn những ai muốn có quang cảnh sẽ chọn bên không cửa, từ bên trong có thể ngắm nhìn khe nước qua tấm rèm pha lê kỳ ảo, có gì đó thật giống câu thơ “Mỹ nhân quyên quyên cách thu thủy”. Trước đây, Tây đã từng tới nơi này với Giai và Khải Đoạn, vừa tới đã cảm thấy rất thích, lúc đó Tây thầm nghĩ sau này nếu có cơ hội hoặc khi cần thiết sẽ dẫn mọi người tới đây. Bởi thế nên Tây thầm để ý, tất nhiên cái mà để ý chính là giá cả ở đây. Nhưng đúng là không để ý thì thôi, chứ nếu để ý thì không thể không giật mình vì giá ở đây, ba người ngồi đây một giờ hết năm trăm tệ! Chỉ vậy thôi đã đủ để xóa tan cái ý đồ lúc nãy, chính xác hơn là xóa tan cái ý định đãi ai đó ở đây vốn có trong đầu Tây lúc nãy. Thế nhưng lần này Tây quyết tâm sẽ đãi nhà văn Trần ở đây. Bởi Tây nhất định phải cố gắng thuyết phục nhà văn về cái tên “Ba năm tôi được trai bao” hay “Nhân tỉ hoàng hoa”, đó là vấn đề giữa bảy mươi nghìn tệ hay năm nghìn tệ. Nhà văn Trần là một người giàu có độc thân, là một nữ văn sĩ, nên chị yêu cầu khá cao với giá trị của cuộc sống, vì thế không thể mời chị ấy tới nơi nào tầm thường để đàm phán được bởi như thể không thể hiện hết được sự tôn trọng và thành ý với chị. Chi tiền thì đương nhiên rồi, nhưng đúng như cái tên của quán cà phê này, Great choice, muốn có được “Choice” - cơ hội lựa chọn lớn thì phải đành lòng chi lớn - “Great”. Hôm đó, Tây phải tiêu hết năm trăm tệ, như thế mới có hy vọng thu lại năm nghìn hoặc năm mươi nghìn tệ. Cũng như người nông dân vậy, nếu không trồng cây sao có ngày hái quả? Lúc này Tây phải chi tiền là chính đáng nhất.

Tối hôm qua, Quốc đã đồng ý với Tây là sẽ nói chuyện với bố. Nhưng liệu có kết quả gì không? Nếu chẳng đem lại kết quả gì thì làm thế nào bây giờ? Chẳng nhẽ vì sáu mươi nghìn tệ này mà Tây phải ly hôn với Quốc sao? Không được, sao thế được chứ? Cho rằng quan hệ về tiền bạc giữa hai vợ chồng hết sức sòng phẳng, nhưng sự sòng phẳng ấy cũng không thể tính toán chi ly từng ly từng tí được… Đúng là một loạt vấn đề. Vấn đề thì nhiều thế đấy, nhưng tựu chung lại cũng chỉ một chữ TIỀN mà ra, à không chính xác là ba chữ KHÔNG CÓ TIỀN. Nếu có tiền thì có còn vấn đề gì đâu. Mà Quốc lúc nào cũng muốn chiều mọi ý muốn của người nhà, phải giải quyết như thế nào đây? Thôi thì đành phải “lấy thân châu chấu mà đá xe” vậy. Tuy nhiên nếu chỉ mình “châu chấu” Quốc ”đá xe” thì chẳng nói làm gì, nhưng đây, có đôi lúc, à không, mà là thường xuyên là cả “châu chấu” Tây cũng phải “đá xe” mới làm cho xe di chuyển được một chút. Có thể nói là, trước khi kết hôn, Tiểu Tây chính là một người thuộc tầng lớp trung lưu độc thân, bao nhiêu tiền kiếm được giữ hết, bố mẹ chẳng cần xu nào, vô tư vô lo, còn giờ sau khi kết hôn thì, đúng là một người nghèo. Tiền của, cuộc sống không chỉ còn là của riêng Tây nữa, sau khi lấy chồng thì đó là cuộc sống chung. Bây giờ lại sắp có con, cứ nghĩ đến tương lai ấy là Tây lạnh cả sống lưng. Tối qua, Tây đã khóc rất nhiều mới ngủ được, sáng hôm sau, Quốc hứa lại một lần nữa sẽ nói chuyện với bố, chỉ qua một đêm mà Quốc như già đi mấy tuổi, thế nên Tây cũng chẳng nỡ giục anh. Trên đường đi làm, Tây hạ quyết tâm hôm nay sẽ phải đi thuyết phục nhà văn Trần, thậm chí là phải thuyết phục cho bằng được.

Tây đặt một khoang bên phòng không có cửa vì Tây nghĩ nhà văn Trần chắc chắn sẽ thích “cảnh trí hữu tình”. Hướng đối mắt nhìn khe nước bên ngoài qua tấm rèm pha lê lấp lánh, Tiểu Tây từ từ kể cho nhà văn Trần về nỗi khổ của mình, về chồng về con - với người như nhà văn Trần thì phải dùng khổ nhục kế như thế này… Nhà văn Trần nghe chuyện lòng cũng trĩu xuống, bèn thở dài quyết định:

“Thôi được rồi, lấy tên “Ba năm tôi được trai bao” đi.”

“Cảm ơn chị!” Lúc ấy, đôi mắt Tây bỗng sáng rực lên.

Nhà văn Trần tự than thở: “Đúng là: Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình.”

“Chị à, đợi đến khi nào cuốn sách này bán được một triệu bản chị sẽ thấy rồng vàng của chị tuyệt thế nào!… Mọi thứ trên thế gian này đều có thể thay đổi, chỉ cần có một cái giá hợp lý mà thôi.”

“Tôi hiểu rồi, cần tiền chẳng cần đến thể diện, mà giữ thể diện thì sẽ chẳng có tiền.” Nhà văn Trần gật đầu than thở “Có điều, nếu đổi tên sách thì tác giả cũng phải đổi tên, cuốn sách này đừng dùng tên tôi.”

“Chị à!” Tiểu Tây thốt lên van nài.

“Đây là quyết định cuối cùng của tôi!” Nhà văn Trần kiên định nói.

“Hay để em thương lượng thêm với bên phòng phát hành”

“Không cần!”

Nước vẫn chảy trong khe bên ngoài tấm rèm đẹp tựa pha lê.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
tuyết ưng lĩnh chủ
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Thời Đại Kết Hôn Mới

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook