Trâm Iii: Tình Lang Hờ

Chương 20: TỬ HÀ Ở ĐÂU?

Châu Văn Văn

01/08/2016

Phố Tùng Hoa, nhà họ Phó.

Phó Tân Nguyễn từ mười hai tuổi đã nổi tiếng Giang Nam, các phường ca múa đua nhau mời soạn nhạc soạn vở, lại không bị má mì ăn chặn, nên cũng dành dụm được một khoản kha khá, sau khi đến Thục bèn mua một gian nhà nhỏ ở phố Tùng Hoa, sống một mình.

Chu Tử Tần xé giấy niêm phong trên cửa rồi lấy chìa khóa ra toan mở khóa.

Hoàng Tử Hà trông thấy một mẩu giấy khác dán trên cửa, viết rằng, “Ở quán trọ Vân Lai phố Tử Trúc. Nhớ tới.”

Bên dưới không ký tên, chỉ vẽ một con diều giấy.

Hoàng Tử Hà đang quan sát thì thấy một bà thím ở bên cạnh đó bước ra, trông thấy bọn họ, bèn ngăn Chu Tử Tần lại: “Này cậu kia, đấy là niêm phong của quan phủ, bóc ra là bị bắt đấy.”

Họ Chu chìa vạc áo quan mặc trên người ra, cười đáp: “Thím à, ta là người của quan phủ đây chứ ai.”

Bà thím vội hỏi: “Vậy là vụ án đó đã có kết luận rồi ư?”

“Chưa chưa, chẳng phải bọn ta đang tra đây?”

“Ai dà, các vị tra mau mau cho! Nhà này tự dưng xảy ra án mạng, còn chết đến hai người, khiến láng giềng chúng tôi lo lắng không yên, đêm cũng chẳng được ngon giấc!”

“Được được, thím cứ để ta lo! À, có chuyện này phải hỏi thím, người tên Ôn Dương kia hay tới đây lắm à?”

“Tôi làm sao biết được? Phó cô nương kia tính tình rất lạ, thường ngày ru rú trong nhà, đến cái bóng cũng chẳng thấy, chỉ nuôi một u già hầu hạ. Cô ta ở đây hơn một năm mà tôi cũng chỉ gặp bốn năm lẩn, huống hồ là Ôn đại gia kia? Rõ khổ, người đẹp là thế mà mệnh mỏng, lần đầu gặp mặt tôi đã thấy số mạng cô ấy không được tốt rồi mà!” Bà thím lắc đầu than thở, rồi quay ra săm soi Chu Tử Tần từ đầu đến chân, “Chà chà, tôi bảo bổ đầu câu này nhé, tôi đã xem tướng cho nhiều người rồi, không nhìn lầm đâu, cậu với con bé cháu nhà tôi có tướng phu thê, hay là cậu để lại địa chỉ đi, mai cháu gái tôi đến tôi sẽ tới gọi cậu sang xem mặt, được không nào?”

Khó khăn lắm mới cắt đuôi được bà thím từ đâu xông ra làm mối, Chu Tử Tần mở khóa đẩy cửa, nếu bị bà hàng xóm này tóm được, chẳng phải mất toi một ngày ư?”

Hoàng Tử Hà và Lý Thư Bạch cũng đồng tình, an ủi gã mấy câu rồi kéo cả vào nhà xem xét.

Đằng trước nhà là giếng trời nhỏ, trồng mấy bụi hoa, dăm chậu lan. Trên bàn thờ giữa nhà bày lư hương và đồ thờ, thờ một nữ tử gấm mũ ngọc, đang cầm kiếm múa, vạt áo cùng dải lụa tung bay, trông chẳng khác thần tiên.

Ánh mắt Hoàng Tử Hà dừng ở tay cô gái. Cô ta cầm một thanh kiếm sẫm màu, thân kiếm ngắn mà nhỏ, không giống đạo cụ dùng để múa kiếm, mà giống một thanh đoản kiếm gỉ sét hơn.

Lý Thư Bạch cũng chú ý đến thanh đoản kiếm nọ, hỏi khẽ: “Ngươi thấy thanh kiếm kia không?”

“Dạ, gia biết lai lịch nó ư?”

“Đây chính là thanh kiếm Thái Tông hoàng đến ban cho Võ Hậu năm xưa, dùng để hàng phục con Sư Tử Thông, về sau lại ban cho Công Tôn đại nương*, rồi truyền đến tay đệ tử của bà ta là Lý thập nhị nương. Mười bảy năm trước, khi Vân Thiều Lục Nữ vào kinh, Công Tôn Diên từng dung chính thanh kiếm này để múa,” Nói đoạn, Lý Thư Bạch lại trầm tư nhìn cô, “Thanh kiếm đó vốn là vật tùy thân của Thái Tông, rèn từ hàn thiết hải ngoại tiến cống, đúc thành hai mươi tư thanh, Thái Tông chỉ chọn lấy một thanh này, luôn đem theo người. Tương truyền hàn thiết hải ngoại không bao giờ han gỉ, nào ngờ rời khỏi cũng đình lại gỉ ngoèn thế này.”



(*Lưu ý: Công Tôn đại nương này khác với Công Tôn Diên, Công Tôn đại nương này là người được ca ngợi trong bài “Xem đệ tử của Công Tôn đại nương múa kiếm” của Đỗ Phủ thời Đường)

Hoàng Tử Hà nhận xét: “Đủ thấy truyền thuyết không thể tin được.”

Lý Thư Bạch gật đầu: “Bởi vậy năm xưa trông thấy thanh kiếm này trong tay Công Tôn Diên, tiên hoàng cứ thương cảm mãi, nói rằng vật Thái Tông yêu nhất năm xưa, nay lại thành ra thế này, thời gian thấm thoát thoi đưa đúng là chẳng tha một ai.”

Hoàng Tử Hà nhớ tiên hoàng từng được xưng tụng là Tiểu Thái Tông, rất ngượng mộ phong thái của Thái Tông, lại nhìn thanh kiếm trên tay cô gái, nghĩ đến tâm tình tiên hoàng năm xưa, cũng không khỏi thương cảm.

Chu Tử Tần gài then cẩn thận rồi chạy lại hỏi họ: “Bắt đầu tra xét được chưa?”

“Cứ ra đằng sau xem đã.” Ba người vòng ra phía sau, thấy hoa tử vi đang nở rộ trong đình, từng chùm hoa tím biếc nở thành tầng thành lớp, diễm lệ vô cùng, thấp thoáng phía sau là gác đánh đàn và thư phòng.

Họ vào thư phòng xem thử, thấy bên trong bày ra mấy giá sách đặt xuống nền, trên xếp đầy những cuốn trục. Hoàng Tử Hà mở mấy cuốn ra xem, đều là những ký tự ngoằn ngoèo khó hiểu.

Lý Thư Bạch cầm lên xem, rồi nhận xét: “‘Tứ huyền tứ tướng yến nhạc bán tự phổ’, đây là một bản nhạc dành cho đàn tỳ bà, hẳn là Phó Tân Nguyên dùng khi dựng vở hoặc viết nhạc. Những cuốn khác chắc cũng đều là nhạc phổ.”

Hoàng Tử Hà lục thêm mấy cuốn ra xem, bản nhạc còn hiểu láng máng, song bản múa thì mù tịt, đành đặt xuống.

Chu Tử Tần lôi trong ngắn kéo ra một xấp giấy, sáng mắt lên gọi: “Hai vị xem cái này này.” Cả ba châu đầu vào xem, ra là bản ghi chép kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, nét chữ giống nửa bộ ở nhà Ôn Dương.

Chu Tử Tần vội lật đến trang cuối, phát hiện câu cuối cùng là: “Tu Bồ Đề, cái gọi là Phật pháp, tức là phi Phật pháp. Tu Bồ”, hoàn toàn khớp với đoạn dở dang kia. Gã bèn vỗ xấp giấy trong tay, nhận xét: “Hai người thân thiết như thế, Ôn Dương tất sẽ để lại đồ vật ở nhà Phó Tân Nguyễn.”

Hoàng Tử Hà gật đầu: “Tập kinh này chắc chắn là của Ôn Dương.”

“Có điều nó chẳng có ích gì trong việc phá án cả.” Chu Tử Tần tiu nghỉu ném xấp giấy trong tay xuống mặt bàn đầy bụi: “Phải tìm các chứng cứ khác, mới biết tại sao họ tự vẫn.” Lý Thư Bạch liếc xấp giấy rồi hỏi Hoàng Tử Hà: “Ngươi có nhìn ra điểm bất thường trong đó không?”

Hoàng Tử Hà biết y sợ bẩn không muốn chạm vào mặt bàn bụi bặm, bèn tự mình lật lật mấy trang rồi gật đầu: “Thưa có, xem ra bản chép tay này có ích đấy.”

Chu Tử Tần nghe thế thì giật ngay lấy xấp giấy hỏi liến thoắng: “Đâu đâu? Chỗ nào bất thường?”

Hoàng Tử Hà giải thích: “Mấy trang giấy này viết cách lề rất xa, cả lề ngang lẫn lề dọc, chúng tôi đoán rằng có lẽ để đóng kiểm bướm*.”

(*Đóng sách kiểu bướm tương tự cách đóng sách ở phương tây hiện nay, gấp dôi tờ giấy gióng nhau như hai cánh bướm và khâu lại ở chỗ nếp gấp. Một tờ giấy như thế có bốn mặt chữ. Nhưng cách đóng kiểu bướm của Trung Quốc ngày xưa thường dán dính ở chỗ mở tờ giấy, làm thành một tờ giấy hai mặt chữ.)

Chu Tử Tần ngơ ngác hỏi: “Đóng kiểu bướm thì sao? Đẹp mà.”

Hoàng Tử Hà bó tay, đứng dậy mở tủ quần áo ra xem xét. Bên trong có hai bộ đồ lót đàn ông, cô đưa cho Chu Tử Tần đem về so sánh với quần áo của Ôn Dương, rồi giở đến quần áo của Phó Tân Nguyễn. Giờ đang mùa hè, y phục của Phó Tân Nguyễn chủ yếu là áo lụa màu tươi, mỏng nhẹ, vàng ngà, xanh nhạt, trắng tinh, hồng đậm, sinh động bắt mắt khôn xiết.

Đứng trước cả tủ quần áo nữ, Hoàng Tử Hà không khỏi xúc động, bất giác sờ nhẹ lên những tấm áo the, áo lụa, nhìn những màu sắc nhẹ nhàng mà tươi tắn ấy nhòa đi, thành một màu duy nhất của mùa hè.



Chu Tử Tần đang lục lọi đống áo nam quay sang bắt gặp thì phì cười: “Sùng Cổ giống con gái đã đành, còn thích cả quần áo con gái nữa à?”

Hoàng Tử Hà chẳng thèm đáp, thản nhiên đóng cửa tủ lại rồi lục sang hộp trang sức của Phó Tân Nguyễn, buông một câu: “Thoạt nhìn là biết công tử chẳng hay biết gì về đàn bà con gái.”

Chu Tử Tần trêu lại: “Hừm, nói cứ như Sùng Cổ hiểu lắm ấy.”

Hoàng Tử Hà chẳng buồn đếm xỉa đến gã, mở toang hộp trang sức ra. Bên trong có rất nhiều hoa tai và trang sức, ngoài những thứ chạm hình hoa lá chim chóc, con mấy chiếc trâm khắc hình chuồn chuồn hay dễ, rất đặc biệt, cũng rất xinh xắn. Vòng ngọc xuyến vàng nhan nhản, đều nằm dưới đống trâm cài.

Ở đáy hộp, dưới tất cả đống trang sức là một chiếc hộp nhỏ bằng gỗ tử đàn.

Hoàng Tử Hà mở ra, thấy bên trong cất một chiếc vàng ngọc dương chi óng ánh tỏa sáng dưới ánh ngày từ cửa sổ hắt vào, như được phủ một làn khói mỏng.

Cô giơ vòng lên ngang mắt săm soi hồi lâu, thấy màu ngọc hình như có thể thay đổi theo ánh sáng bên ngoài, hiện ra vô số đường vân đủ hình dạng.

Báu vật hiếm có thế này, hèn chi Phó Tân Nguyễn phải cất riêng, giữ gìn thật kỹ.

Hoàng Tử Hà đặt lại nó vào hộp rồi hỏi: “Công Tôn Diên đã đến đây rồi ư?”

Chu Tử Tần tỏ vẻ ngạc nhiên: “Không thể nào? Lúc Công Tôn Diên đến thì Phó Tân Nguyễn đã qua đời, nơi này sau khi khám nghiệm tử thi xong cũng được niêm phong, dấu niêm phong dán trên cửa không có dấu hiệu bị bóc. Huống hồ tường bao rất cao, lẽ nào Công Tôn Diễn biết trèo tường?”

“Ừm… Bởi thế sau khi Phó Tân Nguyễn qua đời, Công Tôn Diên mới hối lộ lão Khương quản trang để vào nhìn mặt cô ta lần cuối?”

“Chắc là vậy?” Chu Tử Tần đáp.

Hoàng Tử Hà trầm tư nhìn sang Lý Thư Bạch, hai người tâm ý tương thông, y hiểu ngay ý cô: “Cái vòng đó hả?”

Sau khi Phó Tân Nguyễn qua đời, lúc Công Tôn Diên chưa đến nghĩa trang, đã cầm chiếc vòng của Phó Tân Nguyễn rồi.

Nó lọt vào tay Công Tôn Diên bằng cách nào, là một vấn đề đáng phải truy cứu.

Lý Thư Bach cầm cái hộp từ tay cô, lấy chiếc vòng ra giơ lên ngắm nghía.

Thấy y thoáng nhíu mày, cô bèn hỏi nhỏ: “Vương gia nhận ra lai lịch nó ư?”

Lý Thư Bạch quay sang nhìn cô, ánh mặt trời rọi lên chiếc vòng trong vắt, hắt sáng lên mặt y, khiến khóe môi y lộ ra vẻ kinh ngạc pha lẫn âu lo.

Y khẽ đáp: “Đây là đồ vật trong cung.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Trâm Iii: Tình Lang Hờ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook