Trọng Sinh Không Làm Hoàng Hậu

Chương 9: Năm xưa

Tuyết Vũ Băng Ngưng

03/12/2013

Sáng sớm ngày thứ hai, Đồ Mi lại qua chỗ Kim Lân. Kim Lân thấy nàng không quan tâm cũng không tức giận, chỉ mỉm cười, đưa bài viết mẫu cho nàng. Thực ra lần trước nhìn dáng vẻ cầm bút viết chữ rất quy củ của Đồ Mi, ông thấy không giống như mới học, nên hôm nay gọi nàng tới viết chữ. Đồ Mi đành ngồi ra một góc, từ từ mở bảng chữ mẫu rồi tập tô. Chữ nàng vốn rất đẹp, dù giờ đây tay vẫn còn yếu nhưng không hề ảnh hưởng tới nét chữ. Mấy hôm vừa rồi, vì phải giả bộ nên nàng thấy hơi phiền chán. Nhưng viết một lúc, cuối cùng vẫn phải cố ý lệch vài nét. Xong xuôi, nàng ngẩng đầu nói: “Tiên sinh, con viết xong rồi.”

Kim Lân gật đầu, từ từ đi tới cúi đầu xem. Mặc dù lực bút chưa đủ mạnh nhưng nét chữ quả thật không tồi. Hơn hẳn so với những đứa trẻ khác, song cuối cùng vẫn chưa được như ý ông, bèn khen: “Viết chữ không tồi, là do mẫu thân con dạy ư!”

Nàng ngoan ngoãn gật đầu: “Mẹ con rất giỏi, cái gì cũng biết!” Đoạn phu nhân trước khi xuất giá nổi tiếng là một tài nữ, tinh thông cầm kỳ thi họa. Lấy bà làm lý do cũng không có gì sai.

Kim Lân gật đầu hỏi tiếp: “Nói vậy, cầm kỳ thi họa con cũng biết so qua chứ!”

Đồ Mi ngẫm nghĩ, không nên quá khoe khoang mà dẫn đến nghi ngờ, chỉ đáp: “Mẹ con chỉ dạy chữ, còn những thứ khác thì chưa dạy.” Thực ra Đoạn phu nhân đã từng dạy chữ cho nàng, chỉ vì hồi bé bướng bình, hay làm nũng, học một lúc nàng đã kêu mệt, khiến Đoạn phu nhân không nỡ, vì thế chỉ học được một ít mà thôi.

Kim Lân cũng không hỏi nhiều, chỉ vào bài viết trước mặt Đồ Mi, dặn dò: “Đây là kiểu chữ Trâm Hoa Tiểu Giai của Vệ phu nhân tiền triều, rất hợp với con gái. Sau này con không đến đây ta cũng không trách, đây là bảng chữ mẫu, mỗi ngày ít nhất con phải viết ba trang, sau mười ngày nộp lại cho ta, nếu thiếu sẽ bị phạt chép thêm mười trang!”.

Đồ mi đồng ý ngay tức khắc, đối với nàng, mỗi ngày chép ba trang là chuyện đơn giản, trước giờ nàng vẫn luôn mong Kim Lân nói như vậy.

Kim Lân kêu nàng tới chỗ để đàn cầm, tự mình rửa tay đốt hương, từ từ lướt trên dây đàn, cung – thương – giác - trưng – vũ[1], gồm cả mười hai âm luật, giảng giải tỉ mỉ từng thứ cho nàng. Nàng ưng thuận, ánh mắt dừng trên đôi bàn tay trắng trẻo thon dài của Kim Lân. Khi ngón tay nhẹ nhàng lướt trên dây đàn, cây đàn rung lên, vang lên những âm thanh thật êm dịu.

Nhẹ như hoa rơi, lặng như nước chảy, từ từ trôi về miền kí ức xưa kia. Chuyện cũ đã không thể quay lại, nhưng giờ đây, nàng vẫn còn cơ hội sửa chữa thêm một lần nữa. Nghĩ đến đây, tim nàng đập mạnh, vừa vui lại vừa buồn. Khi thấy hoảng hốt, nước mắt đã rơi đầy.

Một lúc lâu sau, nàng mới hồi phục tinh thần, thấy Kim Lân nhìn mình, nàng hơi kinh ngạc quay đầu ra chỗ khác, lấy khăn lau nước mắt, từ từ nói: “Kĩ thuật đánh đàn của tiên sinh so với mẫu thân con còn tốt hơn nhiều!”.

Kim Lân điềm đạm nói: “Khúc này tên là ‘Lạc hoa lưu thủy’ (hoa rơi nước chảy), năm đó khi vợ ta mất, trong lúc đau buồn mà sáng tác nên, không ngờ con còn nhỏ tuổi mà có thể thấu hiểu nỗi đau thương trong khúc nhạc này, hiếm có hiếm có!”

Nàng hơi mím miệng, chẳng hề tin tưởng lời nói của ông ta. Kiếp trước, nàng đã trải qua nhiều gian khổ, rèn được cái tâm vững vàng cứng cỏi, cho dù có đau lòng, thì vẫn điềm nhiên mỉm cười, không thể vì một khúc nhạc mà cảm động như vậy. Nhìn Kim Lân một lúc, nàng nhận ra Kim Lân không phải người bình thường, không biết ông ta đến đây vì mục đích gì.

Vì lý do đó, buổi chiều nàng đến chỗ Bạch Tố Vân, ngầm quan sát đánh giá bà ta vài lần.

Thấy bà mặc một chiếc áo thêu hoa màu xanh nhạt, phối với một chiếc váy cùng màu, thân hình yểu điệu, khuôn mặt phúc hậu, cử chỉ nhẹ nhàng, gấu váy khẽ tung bay càng lộ vẻ thanh nhã duyên dáng. Mặc dù không phải là trang quốc sắc thiên hương, nhưng phong thái thướt tha động lòng người.

Nàng thầm nghĩ, vị Bạch tiên sinh này có thể coi là một nhân tài ở trong cung, từ trước tới nay, bậc đế vương luôn háo sắc, theo hầu hoàng đế bao năm, vừa được ban ơn sao đã lại bị đưa ra ngoài.



Tục ngữ nói rất đúng, “Nghi tâm sinh ám quỷ” (trong bụng nghi có ma, thế là ma ám luôn). Một khi nàng đã nghi ngờ Kim Lân, thì đến cả Bạch Tố Vân cũng không ngoại lệ.

Tuy trong lòng nghi hoặc, nhưng nàng vẫn chăm chỉ đến học, từ sáng sớm đến tận hoàng hôn mới nghỉ. Nhìn nàng ra vẻ nghiêm túc, khiến Đoạn phu nhân vừa vui lại vừa buồn.

Cả đời bà sinh được ba nam một nữ, cả ba đều hiếu thuận có tiền đồ. Con gái dù hơi bướng bỉnh nhưng luôn quấn quít làm nũng, càng ngày càng thông minh khiến người khác yêu thích. Không ngờ mấy hôm vừa rồi, đứa con thứ hai trước giờ vốn rất hiếu thảo rời đi, ngay cả con gái cũng bận rộn học hành, không rảnh rỗi theo bà nữa, khiến lòng bà phiền chán.

Hôm nay thấy con gái học về, bà liền hỏi: “Đồ Mi, hai vị tiên sinh này con có thích không?”

Đồ Mi chớp mắt, nghi hoặc liếc nhìn mẫu thân, gật đầu nói: “Tiên sinh dạy rất hay!” Quả thật là tốt hơn hai vị tiên sinh của nàng kiếp trước. Hiện giờ, chuyện học hành rất nhàn nhã.

Đoạn phu nhân thấy hơi mất mát, im lặng không lên tiếng. Trước đây chưa mời thầy về dạy, Quý Huyên sợ bà một mình buồn bã, bèn khuyên bà dạy con học hành, không ngờ con gái lại kêu khổ, học hai, ba năm mà vẫn chưa nhận hết mặt chữ. Quý Huyên chẳng còn cách nào khác, vì không muốn con gái thiệt thòi nên đành mời thầy giáo bên ngoài.

Đồ Mi nhìn mẫu thân, lờ mờ đoán được ý của bà, bèn ôm tay nhào vào lòng làm nũng: “Dù sao cũng không thể bằng mẹ được, nhưng giờ Kim tiên sinh đang dạy cho con ‘Xuân huy khúc’, tháng bảy sắp tới là sinh nhật mẹ, con phải luyện tập thật nhiều để sau này còn đàn cho mẹ nghe nữa!”

Nghĩ mãi mà chưa tìm được lí do, nên nàng thuận miệng nói ra để mẫu thân vui lòng.

“Từ mẫu thủ trung tuyến, du tử thân thượng y. Lâm hành mật mật phùng, ý khủng trì trì quy. Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy.”[2]

(Sợi chỉ trong tay mẹ. Tấm áo trên mình con. Kịp đi khâu nhặt mũi. Sợ về còn chậm chân. Ai bảo lòng tấc cỏ. Báo được ánh ba xuân?)

Đó là ý nghĩa của “Xuân huy khúc”.

Đoạn phu nhân nghe xong trong lòng rất vui vẻ, thấy con gái yêu nhớ rõ sinh nhật mình, phiền muộn mấy ngày vừa rồi lập tức biến mất, cười rạng rỡ ôm con gái nói: “Ôi, Đồ Mi của mẹ lớn thật rồi! Được, mẹ sẽ đợi khi nào Đồ Mi học xong, rồi đàn cho mẹ nghe nhé”.

An ủi mẫu thân xong, Đồ Mi ăn cơm rồi về phòng suy nghĩ, cuối cùng lấy cây cầm bình thường chỉ làm đồ trang trí trong phòng xuống. Khẽ gẩy dây đàn, nàng nhíu mày nhìn ngón tay ngắn mũm mĩm của mình. Bàn tay này có thể đàn được “Xuân huy khúc” sao? Nàng hơi nghi ngờ.

Thực ra hiện giờ Kim Lân mới dạy nàng nhận biết bản nhạc, cùng lắm là dạy thêm một số ca khúc đơn giản, còn về loại nhạc như “Xuân huy khúc” thì hơi khó, một tháng tới, chưa chắc ông ta đã dạy tới. Nàng yên lặng nhớ lại “Xuân huy khúc”, ngón tay nhẹ nhàng lướt trên dây đàn như chuồn chuồn đạp nước.

Năm tám tuổi nàng mới học cầm, mười bốn tuổi đàn khúc “Kinh hoa tụng” lừng danh kinh thành. Người đương thời ca tụng khúc nhạc ấy chỉ có ở trên trời, nhân gian hiếm ai nghe thấy, nên vì vậy mà nàng cũng thành danh.



Mười lăm tuổi gả cho hắn, khi đó còn là Túc Vương, mẫu hậu hắn qua đời rất sớm, trong cung không có người quan tâm, tuy là con trai trưởng nhưng không được yêu mến. Trong mấy năm tranh đấu kịch liệt của các vương gia, ngôi vị Thái tử nhiều lần lập rồi phế, hắn cũng trải qua không ít thăng trầm.

Khi đó, mỗi ngày hắn xuất môn ban sai (việc bắt phu và trưng thu tài sản cho quan phủ ngày xưa) nhìn có vẻ rất thoải mái nhàn hạ, nhưng khi trở về thường hay lo lắng, làm việc thâu đêm. Nàng biết hắn nôn nóng nên thường xuyên lấy đàn để an ủi. Trong lúc nguy nan khó khăn, hai người hoạn nạn tương cứu, tình ý thâm trường.

Nàng cùng phụ thân âm thầm giúp hắn chu toàn mọi thứ. Khi ấy, nàng vì hắn dùng mọi thủ đoạn lôi kéo Chu Quý phi đang được sủng ái nhất. Vì hắn, nàng nghĩ cách đưa Tam ca ra trấn giữ biên ải. Sau bốn năm, Tam ca nàng bất ngờ tập kích địch, dùng năm ngàn quân phá mấy vạn quân của địch, chặt đầu tên thủ lĩnh, lập công lớn.

Quý gia càng ngày càng nắm quyền thế lớn trong triều, tình hình của hắn theo đó mà dần trở lên tốt đẹp hơn.

Khi cuộc tranh đấu của các hoàng tử dần đến hồi kết, kế thừa ngôi vị chỉ còn hắn và Yến vương, nàng kiên quyết bỏ đứa con trong bụng để vu oan cho Yến vương. Y vì thế mà bị thất sủng, cuối cùng bị giáng chức điều đi. Còn nàng từ đó về sau không thể mang thai.

Năm đó, hắn hai mươi lăm tuổi, đã lên làm hoàng đế, nàng nghĩ từ giờ trở đi, không phải vất vả nghĩ kế, ngày đem lo âu nữa, nhưng cuối cùng mới phát hiện ra, mọi đau khổ mới chỉ bắt đầu. Mười năm mưu kế, thế lực nhà nàng ngày càng lớn, Đại ca thống lĩnh Công bộ, Nhị ca chấp chưởng Lại bộ, Tam ca nắm giữ mười vạn quân binh trấn tại biên ải xa xôi, nghiễm nhiên biến thành “đuôi to khó vẫy” cho hắn.

Mấy năm sau đó, hắn chiêu nạp phi tần, mỹ nhân khắp thiên hạ nhập hậu cung. Nàng là một vị Hoàng hậu không thể sinh con, càng ngày càng gian nan. Từng ngày mệt mỏi trong thâm cung, đã thu hút mọi sự chú ý của nàng.

Mà hắn cứ âm thầm từng bước, ung dung cắt bỏ cái ‘đuôi’ gia tộc nàng.

Cuối cùng mâu thuẫn bùng nổ khi tin tức Tam ca nàng chết trận truyền tới. Có người báo tin, nhưng nàng khó có thể tiếp nhận. Khi tất cả sự thật phơi bày, nàng chỉ mỉm cười, đây là người đàn ông mà nàng yêu nhất, vì hắn mà nàng phải trả giá gần như tất cả, để đổi lại kết quả như hôm nay.

Nàng trở lên lãnh đạm, ra tay càng thâm độc. Các phi tần mang thai đều bị nàng trừ bỏ bằng nhiều thủ đoạn độc ác. Mãi đến khi nàng không thể chịu được giày vò mà uống “Vũ Hóa”, trong hậu cung hắn chưa bao giờ có tiếng khóc của trẻ con.

Nàng cũng không còn đánh đàn nữa, thỉnh thoảng ngắm trắng nhớ về quá khứ, nàng khẽ sờ vào cây cầm ngọc để tự an ủi, nhẹ nhàng vuốt ve, như ngày hôm nay.

“Xuân huy khúc” khiến nàng mỉm cười nhạt nhẽo, má lúm đồng tiền hiện lên trên khuôn mặt non nớt xinh đẹp nhưng lại vô cùng kì quái.

Rèm cửa bỗng nhiên được vén lên, một người bước vào vừa lúc nhìn thấy nụ cười của nàng. Nàng hoảng sợ vội ngẩng đầu, nhìn thấy Tam ca Quý Thuận Hạo, bèn lườm hắn: “Tam ca, huynh làm muội sợ muốn chết!”

Bên này nàng tố cáo kẻ xấu, cũng không ngờ được Tam ca nàng kinh hãi vô cùng. Vốn dĩ hắn đến tìm tiểu muội, định mấy ngày nữa đưa nàng ra ngoài, giảm bớt buồn bực ở nhà, không nghĩ khi mở cửa ra đã nhìn thấy vẻ mặt kỳ quái của em gái, nụ cười xinh đẹp tựa ma quỷ. Càng kinh ngạc hơn là em gái hắn rất nhanh trở lại bình thường, khiến hắn tưởng mình suýt thì nhìn lầm. Xoa xoa ngực, Quý Thuận Hạo phàn nàn:

“Đồ Mi, sao muội lại cười quái lạ như vậy!”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Trọng Sinh Không Làm Hoàng Hậu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook