Từ Bỏ Em, Kiếp Sau Nhé

Chương 15: Thay đổi sách lược: Đường xa mới biết tình người

Trang Trang

18/12/2013

Đã bao lâu rồi tôi không nhớ tới Đinh Việt? Hình bóng của anh ấy ngày càng nhạt dần, nhạt dần, tôi đau xót nghĩ, nếu như Đinh Việt biết tôi cố gắng quên anh ấy không biết anh ấy sẽ buồn thế nào.

0o0

Đứng trước làn gió trong lành của buổi sáng sớm, tôi nhắm mắt cảm nhận sự ấm áp của ánh mặt trời đầu tiên chiếu xuống. Ánh nắng và làn gió ở đây từ từ len lỏi vào mọi ngóc ngách trong người tôi.

Tôi chầm chậm dang hai cánh tay ra. Không biết đã có ai làm thế này bao giờ chưa, vươn mình trong ánh nắng sớm, trong lòng cảm nhận được sự thoải mái và thanh thản hòa nhập với trời đất. Tôi mở rộng hai lòng bàn tay để lộ những đường vân tay, người để lại dấu ấn sâu sắc trên lòng bàn tay tôi đã lên thiên đường rồi.

Nheo mắt đón chờ ánh nắng rực rỡ, tôi nghĩ, Đinh Việt, anh sẽ ở trên đó nhìn em hạnh phúc, phải không?

Không phải ai cũng trải qua những chuyện thế này, nhưng những chuyện đã xảy ra không phải là lý do khiến tôi chìm đắm trong đau khổ. Ai không bán sức làm việc, cố gắng sinh tồn dưới ánh mặt trời? Ninh Phúc Sinh tôi cũng chỉ là một người bình thường trong chúng sinh mà thôi, tôi không thể thoát tục được.

Tôi muốn tới đây vì nơi đây có thể nhìn thấy mặt trời sớm nhất. Ánh mặt trời lúc sáng sớm nhất định sẽ xua tan mọi bóng đen và những điều không vui trong lòng.

“Chị! Vào ăn sáng thôi”. Tiếng Bảo Lâm từ xa vọng tới.

Tôi mỉm cười rồi lớn tiếng đáp lại: “Đến đây”.

Cùng với tiếng trả lời, bóng dáng Phúc Sinh dịu dàng, hiền lành ngày xưa cũng dần dần trở nên nhạt đi, cách tôi càng ngày càng xa.

Thím tôi là người dân tộc Hách Triết, cần cù, chân chất, gương mặt thím bị gió bấc tạt vào ửng đỏ cả lên. Có điều bây giờ chú thím không đi săn thú, bắt cá nữa, chú tôi kinh doanh trồng rau xanh trong nhà lưới. Chú không biết đánh cá nhưng trồng rau trong nhà lưới thì tay nghề số một.

Nhưng con trai chú tôi – Bảo Lâm lại giống những người dân tộc Hách Triết khác, bắn cung rất giỏi, vào rừng săn bắn, chèo thuyền đánh cá, không gì không biết, chỉ có điều không thích đọc sách.

Lần đầu tiên tới đây tôi có cảm giác rất lạ lẫm, nhưng chơi cùng nó cực kỳ vui. Nói ra cũng thấy lạ, chú thím tôi không phàn nàn lời nào, mặc cho Bảo Lâm dẫn tôi đi chơi. Có lúc tôi và Bảo Lâm đạp xe đạp vào rừng Bạch Hoa, kiếm được mấy củ khoai lang rồi tới mảnh đất trống trong rừng vun lá đốt nướng khoai, vừa thơm vừa ngọt thậm chí ăn được cả vỏ.

Bảo Lâm thường cười trêu tôi: “Chị, miền Nam không có địa qua à?”.

Tôi ngáp một cái rồi đáp: “Chỗ chị gọi là khoai lang! Khoai lang! Hiểu chưa? Cái gì mà địa qua chứ, từng múi từng múi một mới gọi là địa qua, nở hoa như cái mông em lúc bị thím đánh đó”. Tôi vừa nói vừa vẽ. Bảo Lâm rất láu cá và nghịch ngợm, hôm trước vừa bị mẹ nó một tay tụt quần một tay cầm chổi đánh cho cu cậu khóc lóc thảm thiết xong.

Nói xong tôi phá lên cười, vẫn chưa thở bình thường được thì lại ngáp một cái nữa khiến cả người giật lên, điệu bộ thảm hại nhưng cảm giác rất dễ chịu.

Lâu lắm rồi tôi không cười thoải mái thế này, cười lớn tới mức tiếng cười còn lẫn trong gió vang đi xa. Cuộc sống nên như thế này, cười thoải mái, mở lòng, không còn bóng đen.

Bảo Lâm bĩu môi, biết thừa là tôi đang chê nó nhà quê, thấy tôi vẫn chưa thở đều nên hậm hực đưa nước cho tôi và vỗ vai tôi.

“Bảo Lâm, em “hiếu thuận” với chị thế này có âm mưu gì thế?”.

“Chị, chị nói xem cái cây mọc giống cây hành gọi là cây gì?”. Bảo Lâm ân cần hỏi. Tôi không nín được lại phì cười, cười lăn lộn trên mặt đất, lớp cỏ dày và lá rụng dưới thân đều dính đầy vào người. Có lúc Bảo Lâm ranh như khỉ con, có lúc lại ngốc nghếch như chuột. Những ngày tôi ở đây chỉ cần cuối tuần hoặc Bảo Lâm nghỉ học là cu cậu lại dẫn tôi đi khắp nơi, bên cạnh Bảo Lâm, nụ cười không lúc nào tắt trên môi tôi.

Lần đầu tiên tới nhà chú, tôi cũng học ăn bánh rán, tôi không ăn hành, bị Bảo Lâm cười choTôi liền cho Bảo Lâm xem ảnh tôi đi chơi biển, tôi chỉ cho nó xem cây dừa và nói, cây hành ở miền Nam không dùng để ăn, mà trồng ra để ngắm. Bảo Lâm luôn tin là thật, nó nói với thím tôi là sau này sẽ trồng cây hành to thế này trong rừng Bách Hoa, chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn trồng rau trong nhà lưới. Thím tôi dí tay lên trán cu cậu rồi mắng mấy câu, dặn phải chăm chỉ học hành, nếu không phải trồng rau cả đời “Chị, đọc sách có gì mà tốt chứ? Ngày nào cũng thấy chị đọc sách”.

Bảo Lâm học xong cấp một, bắt đầu học cấp hai thì như một chú ngựa hoang bị đứt cương, mặc cho chú tôi quát mắng thế nào, trước mặt thì cúi đầu tỏ vẻ nghe lời hối lỗi, ra ngoài là tinh thần lại phơi phới ngay. Tôi được chú thím tôi dặn dò phải trông chừng Bảo Lâm và giúp em nó học hành.

Tôi cười mệt quá nên ngả lưng xuống thảm cỏ và ngước nhìn bầu trời màu xanh ngọc, ai nói nhất định phải đi học chứ? Hạ Trường Ninh không phải cũng chỉ tốt nghiệp tiểu học sao, người ta biết dùng cổ văn khiến một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành Trung văn như tôi cũng phải sững người.

“Bảo Lâm, lớn lên em muốn làm gì?”.

“Em muốn mở một cửa hàng thật lớn, một viên trứng cá bán năm đô la Mỹ”.

Tôi bật cười: “Đếm trứng cá để ăn chắc? Em học kém toán liệu có đếm được không?”. “Chị, trứng cá hồi đắt lắm đấy! Em chỉ muốn kiếm tiền để sau này đi xe đẹp. Nhà mình không trồng rau nữa, ăn rau người khác trồng”.

“Kiếm tiền là việc tốt, nhưng Bảo Lâm này, có văn hóa sẽ kiếm tiền nhiều hơn người không có văn hóa đó”.

“Em biết đếm tiền là được rồi. Em thấy chị học thuộc cái mà mà “hề”, “chi”, em nghe không hiểu, làm ăn buôn bán không dựa vào những cái đó”. [Những trợ từ trong Hán văn cổ (BTV)]

Tôi trừng mặt nhìn nó: “Chí ít em cũng phải biết tiếng Nga, tiếng Anh chứ? Trứng cá bán cho nước ngoài mới kiếm được”.

“Vâng! Em sẽ biết hai thứ đó, rồi biết đếm tiền nữa”. Đôi mắt Bảo Lâm sáng lên.

Trong lòng vẫn vang lên lời dặn dò của thím, tôi nghĩ một lát rồi nói với Bảo Lâm: “Bảo Lâm này, chị quen một người làm kinh doanh, anh ấy chỉ có bằng tiểu học nhưng làm ăn khấm khá lắm”.

Bảo Lâm ngay lập tức cảm thấy thu hút, một người không học hành giống như mình làm sao có thể làm ăn kiếm tiền được chứ?

Tôi chậm rãi kể: “Ban đầu anh ấy cũng làm ăn được lắm, có điều, cứ ra ngoài là người khác lại gọi anh ấy là… A Đấu”.

“A Đấu? Có nghĩa là gì ạ?”.

Tôi nhịn cười và thong thả đáp: “Bởi vì anh ấy nhiều tiền quá nhưng không biết dùng máy đếm tiền, mà dùng đấu để đong, hiểu chưa?”.

Bảo Lâm nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi, không tin. “Anh ấy không biết dùng máy đếm tiền, thì nhờ người khác đếm hộ! Anh ấy ngốc quá, chị này, đừng có lừa em”.

Tôi lại bò lăn ra đất mà cười, Bảo Lâm hay thật, Hạ Trường Ninh đúng là tên ngốc thật! ở một nơi thế này có thể châm biếm anh ta mà không cần phải giữ kẽ, dù sao anh ta cũng đâu có nghe thấy.

“Con người anh ấy giống như lão gia Ba Y, vừa ngốc vừa yêu tiền, không tin ai cả”. Bảo Lâm lại tiếp tục thở dài: “Anh ta ngốc quá, đến em còn biết dùng máy đếm tiền”. Tôi bĩu môi: “Ngay cả cây dừa miền Nam em còn không biết, chả nhẽ em biết dùng máy đếm tiền?”. [Ba Y: Trong tiếng của dân tộc Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan có nghĩa là tài chủ, chỉ những người tiêu tiền a (ND)]

“Cây dừa là cây gì?”.

“Chính là… cây hành lớn mà em muốn trồng ở đây để bán đó”. Trời đất ơi, Bảo Lâm đúng là “quả vui vẻ” của tôi. Ha ha.

Cười xong tôi mới phát hiện ra mình thực sự khâm phục Hạ Trường NinhMột người mới tốt nghiệp tiểu học nhưng có thể thuộc văn cổ như cháo chảy, lại còn mở công ty riêng để làm ăn.

Những khúc mắc trong lòng đã tiêu tan đi nhiều, ở một nơi gần phía đông nhất này, trong rừng Bách Hoa rộng rãi cùng với Bảo Lâm ngây thơ bên cạnh, trái tim tôi dần trở lên khoáng đạt hơn nhiều.

“Chị, chị cười còn đẹp hơn Trình Trân Trân”. Bảo Lâm đột nhiên bật ra câu này. Tôi bắt đầu trêu thằng bé: “Cô ấy là bạn gái em thích à?”.

Gương mặt cậu ấy đỏ bừng, hai má cũng ửng hồng lên, nhìn như quả cà chua chín, đôi mắt đen láy ngây thơ như chú gấu Pooh.

“Nói đi, nếu không chị về bảo thím”.

Bảo Lâm bắt đầu kể, giọng trầm hẳn: “Nhà bạn ấy rất giàu. Bố bạn ấy buôn bán ở biên giới”.

Tôi buồn cười quá đi mất, Bảo Lâm mới mười lăm tuổi vậy mà đã muốn kiếm tiền vì một cô bé.

Tôi nghiêm mặt nói: “Kém cỏi quá, con gái đâu chỉ thích tiền của con trai”.

“Vậy thích gì ạ?”.

Cảm giác đau nhói lại dội lên ngực, nụ cười của Đinh Việt lại hiện lên trong đầu tôi, tôi đáp: “Phải đối tốt với cô ấy, phải rất tốt, rất tốt”.

“Thế nào mới là tốt?”.

“Chính là… nếu như cô ấy ngã xuống hố băng thì cho dù em không biết bơi, thậm chí không kịp suy nghĩ liền nhảy xuống cứu cô ấy ngay”.

“Chị, có người cứu chị như thế rồi à?”.

Có. nước mắt tôi lại lặng lẽ rơi, từ khóe mắt cho tới gò má, rồi chảy vào kẽ tai.

Trong phim “Đông tà Tây độc” có một câu thoại rất kinh điển, đại ý là: Muốn quên đi thực chất không thể nào quên được.

“Chị, sao chị lại khóc?”.

Tôi ngồi dậy rồi hung dữ nói với Bảo Lâm: “Nếu em không chịu khó học hành thì chị sẽ đánh nát mông em như củ địa qua đấy”.

Bảo Lâm sững lại một lát rồi nhảy dựng lên, sau đó chạy về phía rừng cây: “Em đi nói với bố, Phúc Sinh khóc vì đàn ông”.

Tôi tức điên lên, thấy cung của cậu nhóc còn ở đây, tôi liền cầm cung nhằm thẳng mông Bảo Lâm bắn một viên đá.

“Ninh Bảo Lâm, tối nay nếu em không học thuộc bài Túy Ông đình ký thì chị sẽ bảo với thím là em yêu sớm”. [Túy Ông đình ký: Một bài văn nổi tiếng của Âu Dương Tu (BTV)]

Bảo Lâm nấp sau gốc cây chỉ thò mỗi cái mặt ra giống như một chú thỏ con, mặc cả với tôi: “Hai chúng ta đều không nói, được không?”.

“Qua đây, ngoéo tay”.

Bảo Lâm cười hì hì rồi chạy lại phía tôi và ngoéo tay, sau đó hỏi: “Có thể không học thuộc được không?”.

“Bảo Lâm, cô bạn gái em thích thành tích học tập thế nào?”.



“Đứng đầu lớp luôn”. Bảo Lâm đắc ý không khác gì mình đứng đầu lớp.

“Nếu như sau này bạn ấy học cấp ba, thành tích vẫn tốt rồi sau đó sẽ lên thành phố học đại học, em làm thế nào?”. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra chiêu này.

Bảo Lâm vò đầu, rõ ràng thằng bé chưa hề suy nghĩ sâu xa như thế, mãi sau mới lên tiếng: “Bạn ấy thân với một bạn nam đứng thứ hai”.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thím tôi giao cho: “Bảo Lâm này, hóa ra em là loại người nhút nhát à? Em phải cố giành vị trí đầu lớp, ngay cả bạn ấy cũng phải xếp sau em, cái bạn nam đứng thứ hai đó cũng chỉ có thể đứng sau mông em mà thôi”.

Bảo Lâm nghĩ ngợi rồi gật đầu: “Em phải đứng đầu lớp”.

Tôi cố nén cười rồi nhìn nó với ánh mắt vô cùng thán phục: “Bảo Lâm như thế này mới đẹp trai”.

Ánh mắt Bảo Lâm lấp lánh và phát sáng như một viên đá quý. Mùa thu khẽ khẽ chuyển mình, từ mới chớm thu mà giờ đã sắp cuối thu, những cơn gió ngoài cửa sổ đã mang theo hơi lạnh, tôi trốn trong giường ôn bài.

“Phúc Sinh, gọi điện về nhà chưa? Hôm nay cuối tuần đấy!”. Thím đứng ngoài nhắc nhở tôi.

Tôi vội vã gọi điện về cho bố mẹ.

Đầu dây bên kia rất ồn ã, mẹ tôi nghe điện, giọng nói tràn đầy niềm vui: “Phúc Sinh, con nên về đi thi chứ”.

“Mấy ngày nữa con về. Bố mẹ vẫn khỏe chứ ạ? Con béo lên rồi, thích ăn nhất là món cá tươi trộn rau của thím đó mẹ! Mẹ, nhà mình có khách à, sao ồn thế?”. Tôi vừa cười vừa nói chuyện với mẹ, nói đến chuyện về nhà là lại nhớ những món ngon mẹ nấu. Chú thím cũng hay đổi món và làm những món ngon cho tôi, nhưng vẫn không thay thế được những món tôi đã ăn từ nhỏ tới giờ.

Mẹ tôi ngập ngừng một lát rồi nói: “Phúc Sinh à, học sinh của bố con tới nhà thăm bố”. Tôi hỏi dò: “Hạ Trường Ninh à?”.

Trong tiếng ồn ào ở đầu dây bên kia tôi nghe thấy tiếng cười của Hạ Trường Ninh, giọng nói không rõ nên tôi không nghe được họ đang nói cười chuyện gì. Tuy vậy, đã nửa năm trôi qua rồi, tôi không nghĩ Hạ Trường Ninh vẫn si tình chờ đợi tôi. Cho dù anh ta không từ bỏ thì cũng chỉ là thứ không giành được là thứ tốt nhất mà thôi.

“Này, bố con nghe điện thoại”.

“Phúc Sinh à, béo lên rồi hả? Con phải về sớm chút đi, phải đổi xe mới đi máy bay được. Nhớ nói trước xem đi chuyến nào để bố mẹ đi đón con”.

“Con biết rồi, con cúp máy đây”.

“Đợi đã”. Bố tôi bịt ống nghe, đầu dây bên kia tĩnh lặng.

Âm thanh giống như được bịt chặt trong một chiếc chai, vô cùng khó chịu. Đến lúc mở nút ra thì tiếng cười nói trong nhà lại vọng vào điện thoại, đầu dây bên kia vang lên tiếng của Hạ Trường Ninh: “Phúc Sinh, em ôn tập tốt chứ?”.

“Cũng được”.

“Có nhớ đồ ăn ở nhà không? về đây anh mời em”.

Giọng anh ta pha lẫn nụ cười nhàn nhạt, lịch sự, nho nhã. Tôi nghĩ chắc ở nhà tôi nên anh ta mới kiềm chế cái bản mặt lưu manh của mình.

“Nhớ chứ, cứ nghĩ tới món ốc xào là tôi lại thèm nhỏ dãi. ở đây không có ớt chỉ thiên như miền Nam”. Tôi trả lời câu hỏi của anh ta rất tự nhiên.

Trước khi cúp máy, Hạ Trường Ninh đột nhiên hạ giọng hỏi một câu: “Phúc Sinh, sao em không sự anh nữa?”.

Tôi sững người, đúng thế, tại sao tôi có thể bình thản nói chuyện với Hạ Trường Ninh cơ chứ? Trước đây ghét anh ta, nhìn thấy anh ta là cảm thấy phiền não. Là tôi đã học được sự giả tạo và khôn khéo, hay trái tim tôi giống như một bầu trời trong trẻo, một chú chim bay qua sẽ không để lại dấu vết gì?

Tôi cầm sách lên tiếp tục ôn tập, mới được vài trang đã có cảm giác đọc không vào nữa. Sáng sớm tôi và Bảo Lâm vào lều hái ngồng rau. Đây là việc tôi vô cùng thích thú. Những ngồng rau mỡ màng, non dùng tay ngắt nhẹ là đứt, xếp gọn gàng lại, nhìn đã thèm rồi.

Bảo Lâm nhẹ nhàng rời xa chỗ chú tôi và lại gần tôi thì thầm: “Chị, mai là cuối tuần, em muốn đi kiếm tiền”.

“Em còn bé thế này, kiếm tiền gì chứ?”.

“ở huyện có người hỏi đường, họ muốn tới đảo Hắc Hạt Tử, muốn mời em làm hướng dẫn viên. Em biết nơi đó, em hay cùng bạn tới đó chơi lắm”.

Tôi nghi ngờ nhìn Bảo Lâm: “Bao nhiêu tiền?”.

“Bốn trăm tệ”. Hai mắt Bảo Lâm sáng lên.

“Đối phương làm gì mà mời em làm hướng dẫn viên? Không phải người xấu đấy chứ?

Em đi một mình chị không yên tâm”.

“Yên tâm đi chị, em đi với bạn mà. Đối phương có một người thôi, không có chuyện gì đâu, em nhận của họ hai trăm tệ đặt cọc rồi. Hay là chị đi cùng tụi em luôn?”.

Tôi do dự một hồi rồi quyết định không đi.

“Nhà bận rộn thế này, chị ở nhà thu hoạch rau giúp chú thím. Em chú ý an toàn đấy”. Bảo Lâm cười hì hì.

Nơi đây cách đảo Hắc Hạt Tử thuộc biên giới Trung – Nga không xa, chỉ cách mấy chục kilomet thôi, thường xuyên có khách du lịch tới đây tham quan, lúc vừa tới đây Bảo Lâm cũng đã dẫn tôi đi rồi. Tôi thực sự không nhẫn tâm đập tan ý nghĩ muốn kiếm chút tiền của Bảo Lâm, thằng bé đi với bạn bè chắc không có vấn đề gì.

“Chị nhớ giấu mẹ giúp em đấy, lúc về em sẽ mang đồ ngon về cho. Không chừng còn câu được cá mang về đấy”.

Mãi muộn hôm sau Bảo Lâm mới về, về đến nhà liền bị thím tôi mắng cho té tát. Bảo Lâm và bạn mỗi người kiếm được ba trăm tệ, nghe nói khách thấy có hai người nên đã trả thêm cho hai trăm tệ nữa. Cậu bé giao cho thím tôi hai trăm tệ, thím quở mắng mấy câu rồi không nói thêm gì nữa, Bảo Lâm giấu được một trăm tệ đi, gương mặt sáng lên niềm sung sướng.

Buổi tối nó chạy sang nằm với tôi. Bảo Lâm học điệu bộ cao ngạo của người khách và nói: “Chị, khách hôm nay cũng đến từ miền Nam đấy. Chú ấy nhiều tiền lắm, gọi mua đồ cũng rất hào phóng. Cái này, cái này, cái này nữa, mua hết”.

“Em học hành cho tử tế, sau này mới có thể hoành tráng như thế được, hiểu chưa?”.

Tôi cúi đầu đọc sách, từ nhỏ đã biết thấy tiền là sáng mắt lên không phải chuyện hay. Bảo Lâm nằm trên giường không biết đang nghĩ gì, cũng không nói thêm tiếng nào.

Một lúc lâu sau tôi quay sang nhìn thằng bé, nó vẫn mở mắt trừng trừng. Tôi cầm sách đập một cái rồi nói: “Tên hâm này, nghĩ gì thế?”.

“He he, không nói cho chị biết”.

Từ hôm đó trở đi mấy hôm liền Bảo Lâm đều về nhà muộn, trên người dính đầy lá cây và bùn đất, lúc nào cũng khiến thím tôi tức giận cầm chổi đuổi đánh. Nhìn Bảo Lâm co cẳng chạy khắp sân tôi đứng một góc cười không ngớt.

Cuộc sống chỉ cần đơn giản và tươi đẹp thế này! Chú tôi là người thật thà, thím tôi đặc biệt tốt bụng. Hai vợ chồng chú thím chăm chỉ trồng rau, kiếm tiền, nuôi con trên mảnh đất đen này. Có lúc tôi nghĩ, cuộc sống vốn như thế, khác biệt là do môi trường không giống nhau, có người ở thành phố, có người ở nông thôn, giống nhau ở chỗ đều sinh tồn dưới bầu trời xanh.

Hết tháng này là tôi về thành phố để thi cử, cuộc sống yên bình này còn vài ngày nữa là kết thúc. Mặc dù tôi thích cuộc sống ruộng vườn, gió trăng thế này, nhưng nếu bắt tôi sống cả đời ở đây tôi vẫn không quen được.

Bảo Lâm tới bên tôi và nói: “Chị, thần sắc chị tốt hơn nhiều rồi. Em nghe mẹ nói bạn trai chị không may bị chết nên chị tới nhà em cho thanh thản”.

Tôi rùng mình, sắc mặt đông cứng lại. Đã bao lâu rồi tôi không nhớ tới Đinh Việt? Hình bóng của anh ấy ngày càng nhạt dần, nhạt dần, tôi đau xót nghĩ, nếu như Đinh Việt biết tôi cố gắng quên anh ấy không biết anh ấy sẽ buồn thế nào. Tôi đau đớn cười, bố mẹ lo lắng tình tình tinh thần của tôi nên đã muốn tôi từ chức và tới vùng Đông Bắc. Chú thím cũng biết chuyện nên luôn để Bảo Lâm ở bên cạnh tôi. Tôi là người khiến mọi người phải lo lắng thế sao?

“Mẹ em bảo em đi theo chị, đi đâu cũng đi theo, sự chị nghĩ quẩn”.

“Ăn nói linh tinh”.

Bảo Lâm cười hì hì: “Hồi chị mới đến đây cứ lạ lạ, lại ít nói. Em còn đoán hay là chị học nhiều nên bị hâm rồi”.

Tôi lại thở dài, Bảo Lâm mấy tuổi cơ chứ, hiểu cái khỉ gì mà nói!

“Chị, chị đừng nghĩ em còn bé, em hiểu hết đấy. Chị vẫn nhớ anh ấy phải không?”.

Bóng chiều buông xuống, cảnh vật xung quanh được bao trùm trong một màu xám trầm mặc.

Mùa đông năm ngoái, bên cạnh tôi vẫn còn nụ cười ấm áp của Đinh Việt. Một năm rồi, anh ấy đã đi một năm rồi, còn tôi đang học cách quên anh ấy.

Tôi chống cằm nhìn về một nơi rất xa, sau đó chậm rãi nói với Bảo Lâm: “Nếu em không thể ở bên một người con gái cả đời thì đừng nên theo đuổi cô ấy, cũng không nên đối tốt với cô ấy. Em hiểu ý chị nói chứ?”.

“Hiểu. A Lan trong lớp đối xử rất tốt với em, chỉ là trên mặt có nhiều tàn nhang lắm, không xinh bằng Trình Trân Trân, em không thèm để ý tới bạn ấy”.

Tôi nghiêm mặt lườm Bảo Lâm: “Đối xử tốt với em thì có gì không đúng chứ? Bởi vì bạn ấy không xinh đẹp sao? Để chị kể cho em nghe câu chuyện Jane Eyre nhé”.

Bảo Lâm thở dài: “Cái cô gái tên Jane Eyre đó có gì tốt chứ? Cứ phải đợi tới lúc Rochester tàn phế thì mới chịu ở bên anh ấy. Em không thích kiểu con gái như thế, quá cố chấp”.

Một cô gái yêu cầu tình yêu bình đẳng điển hình như thế vậy mà dưới con mắt Bảo Lâm lại trở nên có vấn đề. Nhưng nghĩ kỹ lại cũng có lý. Jane Eyre có phần hơi cực đoan. Cái thằng nhóc này, nói chuyện với nó tôi có cảm giác tư duy của mình không theo kịp nó nữa.

Nó nhao lên trước mặt tôi thì thầm: “Chị tốt thế này, học vấn cao, chắc chắn có nhiều anh thích lắm. Chị, chị nhất định phải tìm một anh rể có nhiều tiền cho em nhé”.

Tôi phì cười: “Thằng nhóc hâm này, tiền do mình kiếm ra mới chắc chắn, đừng có mà ngày nào cũng mơ ông trời ném bánh xuống cho mà ăn. Bảo Lâm, ngày kia chị về rồi, em phải học hành chăm chỉ đấy”.

Bảo Lâm đắc ý nói: “Đương nhiên là em phải học hành chăm chỉ rồi, sau này em thi trường cảnh sát, làm một người có bản lĩnh”.

Tôi ngạc nhiên nhìn nó. Cái thằng nhóc này sao đột nhiên lại thay đổi thế, từ ý định bán trứng cá kiếm dollar lại chuyển sang thi trường cảnh sát?



Bảo Lâm lè lưỡi trêu tôi rồi nhảy xuống nói đi làm bài tập, lát sau đã vào phòng. Tôi hỏi mấy lần nó đều giả ngây giả ngô, khiến tôi càng thêm nghi ngờ.

Lúc đi chú và Bảo Lâm tiễn tôi ra xe để tới Jiamusi đi máy bay. Nhân lúc chú tôi đi cất hành lý tôi hỏi Bảo Lâm:

“Người khách em đi cùng mấy ngày có phải để đầu đinh, nhìn giống lưu manh không?”. “Đúng là đầu đinh, nhưng nhìn không giống lưu manh. Đúng rồi, chú ấy giỏi võ, lợi hại lắm, em với cẩu Tử cùng đánh thế mà ngay cả gấu áo chú ấy cũng không chạm vào được”.

“Anh ta họ gì, em biết không?”.

“Họ Hạ, ở cùng thành phố với chị đấy! Nghe nói chị của em và chú ấy từ cùng một nơi tới nên mấy hôm chú ấy ở đây đều bảo em với cẩu Tử tới học võ”. Bảo Lâm tỏ ra vô cùng đắc ý.

Tôi thực sự chỉ muốn véo tai Bảo Lâm để nói cho nó biết, nó chính là người bị người ta bán đi rồi còn giúp người ta đếm tiền! Tôi lừ mắt nhìn Bảo Lâm, bất lực khi nghĩ tới chuyện Hạ Trường Ninh đã tìm tới nhà chú tôi, đã vậy tôi còn không biết chút tin tức gì. Không thể là do bố mẹ tôi bảo anh ta được, nếu không họ cũng nên nói với tôi một tiếng chứ. Bố tôi chỉ có mình chú tôi là em trai, Hạ Trường Ninh muốn điều tra về chú ấy cũng không có gì khó. Thế nhưng anh ta tới đây làm gì? Có đúng là đi du lịch ở đảo Hắc Hạt Tử không? Nhưng sao lại trùng hợp gặp Bảo Lâm và muốn nó làm hướng dẫn viên, anh ta muốn biết gì từ Bảo Lâm chứ?

Chú tôi cất xong hành lý liền cười và bước tới: “Phúc Sinh này, đến Jiamusi nhớ gọi điện về đây, trước khi lên máy bay cũng phải gọi về”.

Tôi đáp lại một tiếng rồi quay sang nhìn Bảo Lâm, không có thời gian để hỏi nữa rồi, đành ôm một đống nghi vấn trong lòng vậy. Lúc xe chạy, Bảo Lâm đột nhiên nói: “Chị, chú Hạ nói chú ấy có quen A Đấu”.

Trời đất ạ! Cái thằng thỏ con này lại đi hỏi cái đó nữa chứ! Tôi hận một nỗi chỉ muốn gào dừng xe rồi nhảy xuống đánh cho nó một trận. Nhưng tôi lại nghĩ tới một chuyện khác, Hạ Trường Ninh đi chưa? Anh ta đâu rồi?

Chú tôi đặt chỗ cho tôi ở hàng trước, tôi lo lắng đứng dậy nhìn trước nhìn sau, sự anh ta lại ngồi ở ngay đằng sau.

“Cô gái, có chuyện gì không?”. Anh lái xe tò mò hỏi.

Tôi nhìn một lượt không thấy liền ngồi xuống rồi cười bảo: “Không có gì, xem chú tôi đi xa chưa thôi”.

Suốt dọc đường tôi liên tục nhớ lại hình ảnh của Hạ Trường Ninh trong ký ức. Ngoài bộ âu phục, đầu đinh và điệu bộ uể oải của anh ta ra, tôi không thể nhớ được mặt mũi anh ta ra sao.

Hạ Trường Ninh đã tới đây, vậy bây giờ anh ta ở đâu? Tôi không thể đoán được tâm tư của anh ta. ại sao anh ta không xuất hiện. Lòng tôi cứ thấp thỏm đoán liệu Hạ Trường Ninh có trùng hợp xuất hiện ở bến xe rồi ngồi cùng chuyến máy bay với tôi không?

Có nghĩ nữa cũng chẳng có tác dụng gì, binh tới thì tướng cản, nước tới thì đắp đất. Tôi ngủ trên xe một lát, chiều là tới thôi.

Chú thím bắt tôi mang nhiều đặc sản về quá, tôi mệt mỏi kéo hành lý đi về phía ngoài bến xe. Vé máy bay đặt ngày mai nên tôi phải tìm khách sạn ở một đêm.

“Phúc Sinh, trùng hợp quá!”. Hạ Trường Ninh rõ ràng đứng đợi tôi ra khỏi bến xe, thấy anh ta thong thả đứng đó, trong tay không có hành lý, vậy mà dám mở miệng nói trùng hợp mà không biết xấu hổ? Vừa đúng như dự tính lại vừa ngoài dự đoán. Tôi nhìn Hạ Trường Ninh và từ từ mỉm cười. Có thể nửa năm trước tôi luôn tỏ vẻ khó chịu trước mặt anh ta, nhưng bây giờ thì không. Sự xuất hiện của anh ta khiến tôi tràn đầy sức chiến đấu. “Ha ha, đúng là trùng hợp quá! Sao anh lại ở đây? Đến đón bạn à?”. Nói xong câu này tôi tự cảm thấy bản thân mình thật giả tạo.

Hạ Trường Ninh cười và lắc đầu: “Anh nói trùng hợp vì anh mới tới được mười phút thì em đã tới rồi. Anh đến đón em”.

“Thật à. Ngại quá!”. Tôi cười rất tươi và cũng rất tự nhiên.

Ánh mắt Hạ Trường Ninh nhìn tôi có mấy phần thăm dò, đôi mắt này không đẹp bằng đôi mắt Đinh Việt nhưng rất có thần thái, giống như tia X quang có thể nhìn xuyên thấu vào trong tôi. Mọi sự đều có thể đổi khác, Hạ Trường Ninh không biết tư tưởng của tôi đã có sự chuyển biến.

Tôi đưa hành lý cho anh ta một cách tự nhiên và nói: “Tốt quá, hành lý nặng, xách hộ tôi với”.

Anh ta không chỉ xách túi hành lý mà một tay còn cầm luôn ba lô nặng trịch cho tôi. Tôi thong thả nhẹ nhàng đi sau anh ta.

Xem ra là nụ cười của tôi thật sự có sức truyền cảm, gương mặt Hạ Trường Ninh cũng rạng rỡ: “Sự ảnh hưởng tới việc ôn tập của em nên anh không tìm em. Anh đặt khách sạn rồi, ngày mai mình cùng về”.

“Ơ, anh biết tôi đi chuyến bay nào sao?”.

Hạ Trường Ninh cười gian như cáo, anh ta khẽ quay đầu lại bảo: “Cái này đâu có khó, Phúc Sinh. Chuyến bay lúc mười hai giờ mười phút trưa mai phải không?”.

Chết tiệt! Đúng là không khó chút nào! Tôi nghiến răng nghĩ, được, cứ tiếp tục giả vờ đi! Tôi vui vẻ đáp: “Ồ, tôi còn lo lắng không cùng chuyến bay nữa. Tôi đặt vé máy bay trước một tuần mà”.

“Không cần lo lắng, lúc Bảo Lâm dẫn anh đi chơi ở đảo Hắc Hạt Tử anh đã biết rồi. Hình như em rất vui khi anh tới đón em?”.

“Đúng thế, đều là đồng hương gặp nhau trên đất khách, người ta ở nơi khác mà có bạn bè bên cạnh đương nhiên là tốt rồi”.

Anh ta khá hài lòng với câu trả lời này, chăm chú nghe tới mức ánh mắt cũng lấp lánh niềm vui: “Xem ra anh đến là vô cùng đúng đắn. Phúc Sinh, em cảm động vì anh rồi sao?”.

Anh ta nói chuyện rất thẳng thắn. Anh ta có thể bỏ công sức vượt ngàn dặm xa xôi tới đây để đi về một đoạn cùng tôi, tấm lòng này thực sự không phải ai cũng có.

“Thực sự cảm động quá, tối nay tôi mời anh ăn các món đặc sản bản địa”.

Hạ Trường Ninh tỏ vẻ không tin, anh ta nhìn tôi mấy giây rồi ngẫm nghĩ chắc là tôi nói thật lòng.

Tôi cũng thản nhiên nhìn lại anh ta, cho tới khi Hạ

Trường Ninh hoài nghi xách hành lý đi về phía trước.

Tôi uể oải đi theo anh ta. Dáng vẻ Hạ Trường Ninh khi đi bộ rất thẳng. Tôi cảm thấy anh ta như một cây tùng, còn tôi là cỏ đuôi chó chậm chạp. Ý chí chiến đấu của anh ta rất mạnh mẽ còn tôi ngoài mặt tỏ vẻ mạnh mẽ nhưng bên trong lại ủ rũ mất tinh thần. Nửa năm trôi qua, tôi vẫn không thể đấu lại anh ta, đừng nói đến chuyện tôi buồn bã thế nào rồi.

Tới khách sạn, anh ta giành lên trước quầy đặt phòng. Tôi muốn trả tiền nhưng anh ta từ chối: “Đừng ngại”.

Được, tôi không ngại!

Buổi tối tôi và Hạ Trường Ninh đi ăn một bữa mì thịt lợn hầm với dưa chua, ăn tới mức mặt chúng tôi cũng có cảm giác đầy dầu mỡ. Trong bữa cơm tôi và Hạ Trường Ninh cùng kể lại những chuyện mới lạ ở vùng Đông Bắc, không khí rất thoải mái.

Ăn no uống say rồi về phòng, Hạ Trường Ninh lịch sự hỏi ý kiến tôi: “Vần còn sớm, có muốn nói chuyện một lúc không?”.

Tôi lắc đầu: “Hôm nay ngồi xe mệt lắm, muốn đi tắm cái rồi đi ngủ”.

Anh ta không ý kiến gì nữa.

Tôi đợi một lúc sau không thấy có động tĩnh gì bèn nhẹ nhàng mở cửa chạy thẳng xuống trung tâm phục vụ của khách sạn. Tôi muốn đổi vé máy bay!

Cho dù anh ta khiến tôi cảm động nhưng tôi không muốn anh ta đắc ý.

Thời gian chờ đợi thật khó chịu, tôi liên tục nhìn ra bên ngoài, sự bị Hạ Trường Ninh phát hiện. Giây phút đổi được vé xong tôi sung sướng nói với nhân viên: “Cảm ơn các bạn đã mang lại cho tôi một chuyến du lịch vô cùng vui vẻ”.

Tôi sung sướng, gương mặt luôn mỉm cười trở về phòng, lúc đi qua phòng Hạ Trường Ninh thì cửa phòng đột nhiên bật mở, Hạ Trường Ninh mặc một chiếc áo len mỏng nhìn thăm dò tôi rồi nói: “Không phải kêu mệt nên muốn đi nghỉ sớm sao?”.

Tôi úp mở trả lời không chút tự nhiên: “Đi mua chút đồ thôi”.

Hạ Trường Ninh sững lại rồi dịu dàng nói: “Vậy về nghỉ sớm đi”.

Tôi về phòng thành công, phi ngay lên giường rồi ôm gối cười khúc khích. Chắc chắn anh ta nghĩ tôi ra ngoài mua đồ vệ sinh. Ha ha, Hạ Trường Ninh cũng có ngày hôm nay! Sáng sớm hôm sau, Hạ Trường Ninh gọi điện đánh thức tôi dậy, cùng nhau ăn sáng rồi đi ra sân bay.

Ánh nắng mặt trời vẫn chói chang, Hạ Trường Ninh chốc chốc lại quay sang nói cười với tôi.

“Phúc Sinh này, để anh kể em nghe một câu chuyện cười. Có người chuyển nhà mới nên mời bạn bè tới ăn cơm. Có chuông cửa, anh ta ra mở. Bạn bè được mời hầu như đều đã tới hết. Anh ta hễ vui vẻ liền nói: “Không nên tới đều tới hết rồi”. Bạn bè nghe vậy liền nghĩ, anh ta không hoan nghênh mình, thế là đã bỏ về phân nửa. Anh ta lo quá liền mở miệng nói: “Haizz, nên đi thì không đi, không nên đi sao lại đi hết thế này?”. Những người còn lại nghe vậy liền về hết”.

Tôi cười ha ha rồi nhìn anh ta bóng gió nói: “Đúng thế, không nên đến thì đến rồi”. Hạ Trường Ninh cười và đáp: “Em không nên đi cùng anh thì lại đi cùng rồi”.

Kể chuyện cười cũng phải vòng vo thế sao? Tôi chớp chớp mắt nói với anh ta: “Tôi không thèm đi cùng anh”.

Ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt anh ta, giây phút ấy tôi mới phát hiện ra nếu như anh ấy có ý cười khi nhìn người khác thì ánh mắt vô cùng dịu dàng. Da dẻ Hạ Trường Ninh sẫm màu nhưng răng thì rất trắng. Khoảnh khắc ánh mặt trời lướt qua nó lấp la lấp lánh. Đáng tiếc, tôi không muốn làm miếng thịt nhảy vào miệng anh ta.

Hạ Trường Ninh quay mặt đi, tôi nhìn thấy nụ cười còn vương trên môi anh ta. Tôi bĩu môi phía sau anh ta, chờ đợi giây phút sắc mặt anh ta thay đổi.

Nhận thẻ lên máy bay, qua cửa an ninh, chúng tôi ngồi đợi máy bay trong phòng chờ. Tôi hỏi anh ta: “Sao anh đến rồi mà không tới tìm tôi? Vòng vo không phải là tính cách của anh”.

Chắc do thái độ của tôi thể hiện quá tốt, tốt tới mức Hạ Trường Ninh lơ là cảnh giác, anh ta cười và đáp: “Sự em không muốn gặp anh. Nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi, có thể đón em cùng về là được rồi”.

Anh ta tới đón tôi, không phải tôi không cảm động, chỉ là, tôi ghét sự ra vẻ của anh ta. Mười hai giờ kém mười máy bay thông báo chuẩn bị, tôi xách hành lý, trước ánh mắt ngạc nhiên của Hạ Trường Ninh tôi chậm rãi nói: “Cảm ơn anh đã tới đón tôi, tôi rất cảm động, có điều tôi đổi chuyến bay rồi. Tạm biệt”.

Khóe miệng Hạ Trường Ninh khẽ động đậy, anh ta nghiến răng kéo tôi lại: “Được đấy, nửa năm không gặp em khá lên nhiều”.

Tôi hớn hở cười: “Quá khen rồi, anh mà không bỏ tay ra là tôi báo cảnh sát tố cáo anh tội sàm sỡ đó”.

Hạ Trường Ninh buông tay tôi ra rồi dựa vào thành ghế trở lại vẻ lưu manh và cười: “Nói với cảnh sát là lão gia Ba Y trêu ghẹo dân nữ à?”.

Tôi đỏ bừng mặt, dù sao nói xấu anh ta sau lưng rồi lại bị anh ta vạch mặt cũng vô cùng xấu hổ.

Trong lòng vừa hận Bảo Lâm mau mồm mau miệng, lại vừa hận Hạ Trường Ninh lắm mưu nhiều kế. Tôi nghiêng đầu nói với anh ta một câu: “Effendi lần nào cũng thắng”. Nói xong tôi đi tới xếp hàng lên máy bay. [Effendi: Một nhân vật nổi tiếng thông minh, tài trí trong truyền thuyết của dân tộc Đột Quyết ở Tân Cương (BTV)]

Kiểm tra xong tôi quay lại nhìn anh ta, Hạ Trường Ninh nhìn tôi không chớp mắt, khóe miệng khẽ nhếch lên, không biết anh ta đang tức giận hay đang nghĩ gì nữa.

Trong lòng tôi rất vui bèn nhìn anh ta và kêu lớn: “A Đấu, tạm biệt”.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Từ Bỏ Em, Kiếp Sau Nhé

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook