Vệ Gia Nữ

Chương 6: Thánh chỉ

Tam Thủy Tiểu Thảo

03/09/2022

Lại là sáng sớm, vẫn là sương mù chưa tan, xe gỗ với hai con la và một con lừa đang đứng trước cửa Trần phủ.

Định Viễn công trấn quốc Vệ Tường mặc chiếc áo choàng đen khi nàng đến, chậm rãi xoay người.

"Gối chăn ở Trần gia quả thật thơm ngây ngất! Đáng tiếp ta có số lao lực, lại phải lên xe bôn ba!"

Sau quá trình "hòa giải" với Thôi thị, cuối cùng Trần gia phải cho Bắc Cương một ngàn lượng vàng, năm ngàn lượng bạc, một vạn quan tiền đồng lúc đầu đổi thành một ngàn quan thảo dược và một ngàn quan lương thảo trong năm năm tiếp theo, bởi vì "kinh hãi" mà phần "lễ vật an ủi" cũng được lược bỏ. Nếu chỉ nhìn vào kết quả số lượng, Trần Trọng Kiều lẽ ra phải hài lòng, nhưng vừa nghĩ đến những bức thư bị Định Viễn công nhét vào ngực kia, liền cảm thấy từ cổ họng trở xuống đều đắng nghét.

Đắng thì đắng nhưng vẫn phải khách sáo.

"Có thể được Định Viễn công khen ngợi một câu là vinh hạnh của trên dưới Trần gia. Nếu trên đường về, Định Viễn công có thời gian rảnh rỗi, chi bằng đến đây ở lại vài ngày."

Vệ Tường mỉm cười, nhìn ông đáp lời: "Trần Thứ sử, ta chỉ lịch sự với ông một chút, ông đâu cần phải giả vờ thân thiết như vậy!"

Trần Trọng Kiều: "..."

Không đợi ông nói thêm gì nữa, Vệ Tường lại hỏi: "Tiền bạc, dược liệu, lương thảo đã chuẩn bị xong hết chưa?"

"Tiền bạc, dược liệu đã chuẩn bị xong. Lương thực số lượng vạn thạch trị giá ngàn quan tiền, hiện tại Trần gia chỉ mua được hai ngàn thạch, hôm nay hạ quan sẽ sắp xếp cho người đi mua phần còn thiếu."

Vệ Tường gật gù, nói: "Ừm, Thanh Châu, Tề Châu và những nơi khác năm ngoái mưa thuận gió hòa, nên thế gia tích trữ không ít lương thực. Lúc trước, ông lại là Thứ sử Thanh Châu, dù sao toàn thể Thanh Châu cũng cho ông chút thể thể diện chứ. Ông để thuộc hạ đến đó, mua lương thực và gửi trực tiếp cho Thứ sử Vu thành tại Kế Châu, tuyệt đối không được đến Định Châu và Thái Nguyên mua lương thực."

Thanh Châu, Tề Châu cách xa Sơn Đông, mặc dù giá lương thực thấp, nhưng phải đi qua vài châu nữa mới đến Kỳ Châu, đương nhiên trên đường đi hao hụt không ít. Tốt hơn là mua lương thực ở Thái Nguyên và Định Châu, nơi gần Bắc Cương, rồi gửi về Bắc Cương cho gần, tiết kiệm xe kéo và ngựa.

Trần Trọng Kiều cũng từng làm Thứ sử một châu, nhưng cũng không hiểu nổi vì sao Định Viễn công lại yêu cầu như vậy.

Chẳng lẽ nàng nảy ra ý đồ bẩn thiểu muốn chiếm giữ Bắc Cương và Thái Nguyên, Hằng Châu?

Cách mười thước, Trần Trọng Viễn cầm hành lý của mình nghiêm chỉnh đứng đó. Hắn thì thầm hỏi nữ hài tử bên cạnh: "Tại sao A Tường tỷ tỷ không đồng ý mua lương thực ở Thái Nguyên, Định Châu? Chẳng phải gần hơn sao?"

Bên hông Vệ Thanh Ca treo vài túi vải bố được may thâu đêm, trên lưng còn có một bao quần áo. Nếu Trần Trọng Viễn để ý thì sẽ phát hiện những cái bao kia đều được sửa từ khăn trải bàn nhà hắn.

Đồ dùng trong khách viện Trần gia, ngoài đồ trang trí cũng không có gì đáng giá. Vậy mà cây cối trong sân vườn suýt chút nữa bị Vệ Thanh Ca chặt làm củi mang đi.

Chạm lên kiếm của mình, Vệ Thanh Ca nói: "Chính vì gần nên giá lương thực ở Thái Nguyên và Định Châu không thể tăng lên, nếu vậy thì dân chúng Bắc Cương khổ sở lắm! Sao đến việc này ngươi cũng không hiểu!"

Trần Trọng Viễn gật đầu nhẹ, chuyện hắn không hiểu ngày càng nhiều rồi.

Trần Trọng Kiều không quen người khác ở cửa nhà mình sai khiến người này người kia. Nhưng đêm hôm qua, sau khi phu nhân ông xách đèn trở về thì không cho ông đi quấy rầy Định Viễn công, rất nhiều chuyện chỉ có thể hỏi rõ từng việc vào thời điểm này.

Vệ Tường hơi thiếu kiên nhẫn, sắp ngáp thêm một cái: "Còn lại ông không cần lo lắng! Chuẩn bị đồ đạc xong tự khắc có người đến lấy!"

Đưa mắt nhìn bầu trời dần sáng, nàng nói: "Cũng nên đến rồi!"

Ai nên đến? Cái gì nên đến rồi?

Trên con đường đá, từ xa vọng lại tiếng vó ngựa, tựa như lưỡi dao sắc bén xuyên qua buổi sáng yên tĩnh tại Hà Trung phủ.

Ngựa hí vang, vó sắt như muốn đạp vỡ đá xanh. Trần Trọng Kiều chau mày, vội vã sai người đi gọi bộ khúc nhà mình.

Vệ Tường đứng im không động đậy, chỉ là vừa thả lỏng đôi vai thẳng tắp, khuôn mặt dần nở nụ cười.

"Lọc cọc!"

Phi nước đại đến gần, mọi người mới nhìn rõ đây là đội kỵ binh hơn trăm người, người dẫn đầu mặc trang phục màu xanh, đeo trên vai đấu kiếm bản lớn. Dáng người nàng không cao, cũng tương tự như những nữ tử tầm thường khác ở Hà Trung phủ, lại còn mảnh khảnh, nhìn thanh kiếm nặng nề đó dường như có thể nghiền nát nàng bất cứ lúc nào.

Thế nhưng nử tử kia xuống ngựa nhẹ nhàng, ung dung đến mức tựa như sau lưng chẳng có gì.

Hơn trăm người xuống ngựa quỳ một chân trên đất, vỏ kiếm rắn chắc sau lưng nữ tử kia đập mạnh xuống nền.

"Định Viễn quân dưới quyền Thái A tướng quân Vệ Oanh Ca, nhận lệnh dẫn hai trăm quân Thái A từ Lân Châu đến Hà Trung phủ trong năm ngày. Nay toàn quân đến đúng hạn, xin Quốc công cho chỉ thị!"

Định Viễn quân!

Trần Trọng Viễn trợn tròn mắt, vì lồng ngực xao động nên nhịp thở của hắn cũng trở nên dồn dập.



Hơn bảy mươi năm trước, thế hệ đầu của Định Viễn công dẫn Định Viễn quân càn quét Trung Nguyên, dẹp yên loạn lạc từ khi nhà Tiền Đường sụp đổ đến nay. Khi thành lập nước Đại Lương, Định Viễn quân được ban danh hiệu "Định Viễn trấn quốc", là quân đội hùng mạnh bậc nhất trong lòng thế gia và vô số dân chúng.

Nhưng hơn mười năm trước, gia đình Định Viễn công chết sạch, Man tộc nhân cơ hội đột ngột vào Nam trong lúc không ai nắm quyền Định Viễn quân. Trong vài ngày ngắn ngủi, hai chữ "Định Viễn" chôn vùi trong cát vàng.

Đối với Đại Lương, thứ biến mất không chỉ là một quân đội, không chỉ là vài vạn anh hùng, mà là một ngọn núi sừng sững không thể xuyên qua, một dòng sông không thể vượt, một rào chắn quốc gia luôn luôn giúp người dân yên lòng.

Sau này, Bắc Cương chịu nỗi khổ bị tàn sát, cướp bóc, trở thành mảnh đất khô cằn dưới kỵ binh của Man tộc. Thành Thái Nguyên bị thiêu rụi, thành Trường An bị tiêu diệt, hoàng tộc Đại Lương đưa theo thế gia trốn đến Đông Đô. Rất nhiều, rất nhiều lần trong những năm đó, Trần Trọng Viễn khi chưa trưởng thành đều nghĩ...

Nếu Định Viễn quân vẫn còn thì tốt biết mấy!

Nếu Định Viễn công vẫn còn thì tốt biết mấy!

Nếu Vệ gia vẫn còn thì tốt biết mấy!

Cho đến bảy năm trước, Định Viễn công hiện tại, Vệ Trăn xây dựng lại Định Viễn quân. Trong vài năm, Định Viễn quân giành lại mười một châu Bắc Cương, còn cứu toàn bộ Đông Đô vào thời điểm Tân đế đăng cơ, quần vương tạo phản.

Định Viễn quân... Trần Trọng Viễn cảm nhận rõ tay mình đang run lên.

Rất nhiều khát vọng, chỉ thấy nó gần ngay trước mắt, nhân tài biết rõ đó là tim đau, đổ máu nhưng vẫn không ngừng khao khát hướng tới.

Vệ Tường đứng ở phía trước lúc này đã quét sạch sự mệt mỏi và khí chất ngang ngạnh trên người nàng, Trần Trọng Viễn đứng phía sau có thể trông thấy sống lưng nàng thẳng tắp.

"Người cần bắt sao rồi?"

"Bẩm Quốc công, ba trại thổ phỉ từ Tuy Châu đến Lân Châu được dẹp tan, hơn bảy trăm bốn mươi tên cướp đã bị bắt."

"Người cần giết thì sao?"

"Bẩm Quốc công, bảy tên thổ phỉ cầm đầu, ba mươi sáu người tội ác chồng chất đều đã chém đầu."

"Người cần đuổi theo đã đuổi tới đâu rồi?"

"Bẩm Quốc công, hai ổ gián điệp Nam Ngô bị phát hiện tại Đồng Châu, đã phái người tra khảo. Hôm qua đã tìm thấy nơi ẩn náu của gián điệp Nam Ngô ở Hà Trung phủ, giờ dần một khắc hôm nay bắt được toàn bộ, chết mười bảy, sống ba, đã áp giải ra ngoài thành."

"Kẻ chết giao cho Trần gia."

"Vâng!"

Ngôn từ cụt lủn, từng lời rơi xuống đất phát tiếng động như thể nhắn nhủ được vô số việc. Trần Trọng Kiều bên cạnh nghe được tỏ vẻ sợ hãi và mù mờ, cuối cùng nghe thấy giao cho "Trần gia", ông vô thức gồng cứng cơ thể.

Vệ Tường nhìn ông, nói: "Trần Thứ sử, mười bảy thi thể những thích khách hôm trước... giao hết cho ông. Đừng quên xin công trạng diệt trừ cho bản thân!"

"Vâng, vâng..." Trần Trọng Kiều thận trọng giống như đây không phải cửa nhà mình, mà đang ở trường diễn võ tại Bắc Cương vậy.

"Nếu mọi việc đều xử lý xong, các ngươi đưa tình sâu nghĩa nặng thắm nồng của Trần gia dành cho Bắc Cương chúng ta về Lân Châu trước! Đứng lên đi!" Những lời này, Vệ Tường nói với Vệ Oanh Ca.

Nữ tử nhỏ bé, xinh xắn cúi đầu, đáp "Vâng" liền bị Vệ Thanh Ca vui mừng chạy tới kéo dậy.

"Oanh Ca tỷ tỷ! Tỷ giúp muội mang hết mấy thứ này về đi!" Dứt lời, Vệ Thanh Ca bắt đầu tháo túi vải bố trên người xuống.

Vệ Oanh Ca không chỉ vóc dáng thấp mà con người còn có nét trẻ con. Trút bỏ vẻ lạnh lẽo trông còn trẻ hơn Vệ Thanh Ca hai tuổi.

Đưa tay chụp lấy bao quần áo lớn nhất, Vệ Oanh Ca nói: "Đến chăn bông nhà người ta muội cũng mang đi?"

Nghe các nàng nói chuyện, Trần Trọng Kiều hắng giọng. Ngay cả chăn bông cũng lấy, đây là tác phong vơ vét của cải mà ông quen thuộc nhất ở Bắc Cương.

Nhìn về phía con trai của mình, ông vốn định nhắn nhủ vài câu. Nhưng thấy cặp mắt rực lửa mà con trai nhìn quân đội Bắc Cương, ông đành thôi.

Định Viễn quân di chuyển rất nhanh, đã nhận quân lệnh mới bọn họ không dám qua loa chút nào. Vệ Oanh Ca kéo Vệ Thanh Ca đến, đích thân kiểm kê từng xe ngựa, từng món đồ, ghi rõ vào sổ sách, rồi bắt Vệ Thanh Ca ký tên vào danh sách, cuối cùng, cúi đầu hành lễ với Vệ Tường một cái mới thu dọn đồ đạc rời đi.

Bấy giờ, sương sớm vẫn chưa tan hết.

Nhìn trên dưới Trần gia giương mắt không nói thành lời.

Khi binh lính của mình đi khuất, đôi vai Vệ Tường lại rũ xuống, ống tay áo thô cứng vung lên, nàng nói: "Đã nhận được thành ý, ta cũng nên đi rồi!"



Đi đi, đi đi! Đi nhanh lên!

Trần Trọng Kiều cúi đầu hành lễ thật sâu: "Quốc công đại nhân, khuyển tử (1) còn non nớt, chưa trải qua gió sương! Trên đường đi nếu lỡ mạo phạm..."

(1) Mình muốn giữ nguyên chữ khuyển tử ở đây để nhấn mạnh cách nói khiêm tốn của người Trung Quốc thời xưa khi gọi con trai mình.

"Yên tâm! Nếu mạo phạm ta lập tức viết thư đòi tiền ông, hoặc đòi tiền đại ca kia của ông ở Đông Đô!"

Vệ Tường nói năng thô lỗ, vậy mà Trần Trọng Kiều cảm thấy nhẹ nhõm một cách khó hiểu.

Đòi tiền là tốt rồi!

Dù sao đòi tiền còn hơn đòi mạng!

Nhận ra suy nghĩ của mình, trong lòng Nhị lão gia Trần gia nghẹn lại. Tiêu rồi, mình làm sao vậy? Tự dưng cảm thấy Định Viễn công cần tiền không cần mạng trước mặt là người tốt rồi hả?

Vệ Tường vừa ngồi lên xe ngựa lại có một loạt tiếng vó ngựa phi nước đại trỗi dậy, nhưng lần này nó đến từ hướng khác.

Hướng Đông Đô.

"Truyền khẩu dụ Thánh nhân, Thái tử Thái Bảo, Định Viễn công trấn quốc kiêm Ngự lưu thủ Tây Kinh đô, cai quản năm vùng đất Bắc Cương, trụ cột quốc gia, Quận chúa Vệ Trăn vô chung (2), có tài thao lược, cố gắng bảo vệ đất nước, dốc lòng đánh bại kẻ thù, khôi phục uy danh đất nước. Khí thế ngang với mặt biển, thành tựu ngang với trời cao..."

(2) Vô chung: nguyên câu thành ngữ là tức là vô thủy vô chung, nhưng tác giả chỉ dùng 无终 (giản thể), là vô chung, nghĩa không có điểm cuối.

Trở lại trong sân nhà mình, chân Trần Trọng Kiều vẫn mềm nhũn. Ở trước cửa phòng, Thôi thị đang đứng đợi.

"Nghe nói có thánh chỉ cho A Tường."

"Đúng rồi, nghe tin Định Viễn công về triều, sức khỏe Thánh nhân đã tốt hơn, còn viết thành chỉ khen ngợi Định Viễn công, ban cho nàng ta nghi trượng (3) thân vương, đồng thời để bá quan văn võ cả triều ở trước cửa nghênh đón nàng ta về Đông Đô. Đúng là Thánh nhân còn coi trọng nàng ta hơn cả suy nghĩ của đại huynh!"

(3) Nghi trượng: đồ trần thiết, trang nghiêm trong chỗ vua, quan ngồi hay khi đi đường.

Khuôn mặt của Thôi thị điềm tĩnh, chỉ có nụ cười xuất hiện trên khóe môi.

"Đây chẳng phải chuyện tốt à? Tại sao Nhị lang lại rầu rĩ không vui?

Trần Trọng Kiều thở dài, từ Định Viễn quân đến Bắc Cương, bóng lưng kia đứng trong gió, những gì con trai ông nhìn thấy ông đều thấy, lúc này ông vẫn không thể quên được. Uống hớp trà, ông nói một câu mà ông sẽ không bao giờ nói ra với đại huynh của mình: "Ta chỉ cảm thấy khá thất vọng, nghi trượng thân vương thì sao? Không có nửa phần phong thái của Định Viễn quân, đao bén cũng cuốn theo cát bụi. Tắm máu kẻ địch, chặt đứt quốc kỳ Man tộc, khôi phục vạn dặm non sông, cầu xin nàng ta về triều quả thực quá bẽ mặt rồi!"

Than thở xong, ông lắc đầu nói: "Đao sắc cũng được, lang phỉ cũng được, tốt xấu gì thì đã đi rồi! Ngũ lang theo nàng ta học võ, thật ra ta yên tâm hơn lúc trước một chút. Tứ nương, nàng nói đúng! Trần gia không thể chỉ nhìn về phía triều đình, Ngũ lang muốn tìm lối thoát cho chính mình, nếu ta ngăn cản, nó lại hận người làm cha như ta. Chi bằng ra ngoài rèn luyện một phen!"

Dứt lời, ông vuốt ria mép vài cái. Trần nhị lão gia nổi hứng làm thơ, muốn viết một bài thơ dành cho con trai đi học võ, vài ngày nữa sẽ gửi cho nó.

Liếc nhìn án thư, ông nói:

"Tứ nương, sao nàng lại muốn xem 'Mạnh Tử'? Chẳng phải mọi khi nàng ghét nhất những loại văn chương này sao?"

Thôi thị vẫn đang cười, khép quyển sách lại, bà nhẹ nói: "Hôm qua bỗng dưng muốn xem thôi!"

Bà liền nghĩ tới những gì hôm qua mình nghe, dáng vẻ ngoan ngoãn cụp mắt xuống.

"Ở Bắc Cương có mười một châu, năm đến bảy phần quan lại là nữ tử. Dì Thôi, để con vào Đông Đô, quan viên Bắc Cương đều ghi danh vào sổ sách Lại bộ, con muốn phổ biến rộng rãi việc nữ tử làm quan cho toàn thiên hạ. Bước đầu tiên, nữ tử có thể làm tiểu lại (4), sao chép công văn, sổ sách hoàng gia. Bước thứ hai, chính là mở khoa cử cho nữ tử. Dì vô cùng giỏi giang, chỉ sống trong nhà nhưng biết cả thế giới, trên đời hiếm ai sánh bằng người... Trong vòng ba năm, Vân Châu và Lân Châu sẽ mở lớp cho nữ tử các châu học, con cũng dự định thiết lập bài học chính trị. Dì Thôi trần gian hiếm có của con ơi, người có muốn trở thành người phụ nữ đầu tiên học chính trị trong mùa thu tới không?"

(4) Tiểu lại: thư ký, nhân viên

Đây chính là chuyện thứ ba A Tường muốn hoàn thành.

Nực cười biết bao?! Vô lý biết bao?! Ngông cuồng biết bao?!

Lã thị, Võ thị (5) (6) còn không thành công, sao Vệ Tường dám đưa ra lời hẹn ước này đây? Để người khác nghe thấy sẽ nghĩ rằng nàng nằm mộng chưa tỉnh.

(5), (6) Lã hậu, Võ Tắc Thiên.

Ngón tay chạm vào "Mạnh Tử", Thôi Dao năm nay đã bốn mươi tuổi không thể phủ nhận, ảo mộng đẹp vô cùng, bà động lòng rồi.

Thế là bà muốn cùng đến giấc mộng to lớn này.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Vệ Gia Nữ

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook