Việt Ma Tân Lục

Chương 71: Người đàn ông và chiếc tay móc

Nhóm 4.0

11/07/2020

Thanh Nhài đêm hôm ấy lên cơn sốt cao, cả người giật đùng đùng. Ông Thanh Tùng lo lắng nên gọi cấp cứu đưa cô đi bệnh viện, và Khải nhận trông vợ chưa cưới đêm đầu tiên. Bà nội muốn đi nhưng ông Thanh Tùng và chú út khuyên bà nên ở nhà vì sức khỏe của bà không đủ để thức trắng cả đêm.

Ông Thanh Tùng xuống phụ vợ trông con gái trong lúc bà Thu Hiền nấu bữa tối, để dành một cặp lồng lát chú út mang vào viện. Bà nội thẫn thờ ngồi trên giường, tay ôm một cái mề đay vàng, miệng lẩm nhẩm mấy câu khó hiểu. Chú út mang cháo nóng vào cho mẹ, động viên mẹ chịu khó ăn uống. Bà nội già cả rồi, nay chứng kiến chuyện kinh hoàng trước mắt, tâm trí không yên nổi.

– Mẹ, mẹ ăn chút đi! Lát con vô viện coi chị tư thế nào rồi con báo mẹ ha!

– Út, con đỡ mẹ việc này nha?

Bà nội đặt vào tay chú út chiếc vòng cổ mề đay. Trước giờ, chú út chưa từng thấy chiếc vòng cổ này, càng chưa từng thấy mẹ đeo.

– Chi đây mẹ?

– Lâu lắm rồi, đợt mẹ ra ngoài Bắc tìm thầy hỏi về nó mà ổng không giải nghĩa được mấy, chỉ kêu để trong nhà thôi. Con cất lên gác xép giùm mẹ! Lát xuống nhà dặn anh ba khóa cửa gác xép cẩn thận, sau này không được vứt đồ chi của mẹ nghe con!

Chú út vẫn ngẩn người, chưa hiểu sao đột nhiên mẹ lại muốn cất chiếc vòng cổ. Nhưng vốn ngoan ngoãn, chú út nghe lời bà nội răm rắp mà không hỏi gì thêm.

Thực hiện xong xuôi các lời dặn của bà nội, chú út quay lại, thở phào khi thấy mẹ đã chịu húp hết bát cháo. Chú ngồi xuống cạnh mẹ, lấy khăn ăn giúp mẹ lau miệng và uống nước súc miệng.

– Út à, nghe mẹ nói nè…

Chú út đang định dọn bát đĩa thì nghe tiếng mẹ gọi, liền dừng tay. Bà nội nắm lấy tay chú út bằng đôi tay đã nhăn nheo của mình, ngước đôi mắt hiền hậu nhìn cậu con trai trẻ.

– Sau này, Út muốn lấy vợ, chịu khó xuống nhà hai của ba mẹ nha con. Hoặc như anh ba, cưới vợ ngoài Hà Nội rồi mới vô đây chung sống. Đừng rước dâu hay đem người yêu về ra mắt ở chỗ biệt thự này… kẻo lỡ làng gặp chuyện như cái Tư…



– Mẹ… mẹ nói thế là sao ạ? – Chú út cau mày.

Bà nội kể, bà từng nghe được giai thoại về người đàn ông tay móc trong khu rừng thông. Người ta không biết tên ông ta, chỉ biết ông ta phải sống cách đây cả một thế kỷ hoặc hơn. Thuở đó, người đàn ông tự dựng cho mình một căn nhà xập xệ, chắp vá từ nhiều khúc gỗ, ẩn sâu trong rừng. Ông ta sống tách biệt, không người thân hay bạn bè.

Quanh khu vực này mới chỉ có khu biệt thự lẻ loi của nhà họ Phạm, chưa có thêm người sinh sống, và người nhà họ Phạm gần như chưa bao giờ gặp gỡ trực tiếp người đàn ông đó. Cứ mỗi lần thử đi vào khu vực ấy, họ lại đi vòng tròn và trở về đúng điểm xuất phát, không tài nào đi xa hơn được.

Hồi chưa có biển cấm ra vào, nhiều cặp tình nhân thích đến đó tâm sự hoặc làm tình. Đôi khi, vài vị khách từ nơi khác tới tham quan và bị lạc. Họ kể lại, một người đàn ông dị hợm nhưng tốt bụng đã tận tình chỉ cho họ đường ra; khổ nỗi, họ chưa kịp nói lời cảm ơn đàng hoàng thì ông ta đã biến mất trong chớp mắt.

Có một năm, gia đình họ Phạm đi vắng hai tháng; nhân lúc này các cặp tình nhân đến khu rừng nhiều hơn. Đặc biệt, trong số những người đến chơi, có một cậu ấm, nhà giàu nứt đố đổ vách. Cậu ta cưa cẩm được một cô gái ở xóm bên, bèn rủ tới rừng thông tâm tình. Mỗi tội, trước lúc đến chỗ hẹn, cậu ấm đã uống rượu say ngoắc cần câu, đầu óc lâng lâng không tỉnh táo. Cậu ta vác theo một con dao bầu, khệnh khạng bước đi, đuổi tất cả những ai dám có mặt phá hỏng bầu không khí tĩnh lặng của cậu ta với cô người yêu.

Cậu ấm và cô người yêu tìm được căn nhà của người đàn ông sau mấy lần lòng vòng, khoái chí muốn rủ người yêu vào làm tình. Cô gái ngại ngùng, đòi đi về nhưng cậu ấm dỗ ngon dỗ ngọt, rằng cậu ta sẽ cưới cô về và cho làm vợ cả. Sợ cậu ấm nổi xung, cô gái đành bẽn lẽn đồng ý. Tuy nhiên, người đàn ông kia lại có mặt ở nhà; nghe tiếng người rôm rả, ông liền đi ra ngoài.

Cậu ấm kia vốn chẳng sợ trời sợ đất, chĩa con dao đòi đuổi người đàn ông đi, nhưng ông ta kiên quyết không rời khỏi nhà của mình. Cậu ấm nghiến răng ken két, điệu bộ loạng choạng chém dao loạn xạ, miệng la lối om sòm. Lưỡi dao của cậu ta đã chặt đứt tay của người đàn ông tội nghiệp. Ông ta gắng chống cự, tay vơ vội chiếc móc câu quờ quạng trong đau đớn, song sức lực giờ đây không thể bằng người kia.

Cậu ấm sợ chuyện này đồn ra ngoài, gia đình cậu ta không bảo vệ được danh tiếng đang có nên giết luôn ông ta rồi kéo xác, quẳng xuống hồ nước. Dẫu sao, người vô danh sống ở nơi hoang vu, chết cũng không ai khóc thương, mà người chết chẳng thể kêu oan.

Cô người yêu của cậu ấm hoảng sợ, vội chạy trước, nên cậu ta đành bỏ lại người đàn ông để đuổi theo. Không ai biết số phận cụ thể của họ ra sao, chỉ nghe đồn là kết thúc khá thê thảm. Cô người yêu hóa điên sau một thời gian, liên tục nói chuyện một mình với một người đàn ông tự tưởng tượng ra. Cậu ấm kia không dám lấy cô này, liền chia tay và qua lại với người khác. Cậu ta uống rượu mỗi lúc một nhiều, ngày nào cũng say xỉn. Đêm nọ, đi nhậu về, trên con đường làng vắng vẻ, cậu ta hoảng sợ chạy thở không ra hơi, kêu có người đàn ông cầm cái tay móc đuổi theo đòi moi ruột. Người làng tưởng cậu say nên bỏ qua, không để tâm lời nói. Ít lâu sau, người ta lại thấy cậu ấm tự cầm dao moi ruột mình giữa đường, rồi khoét gương mặt thành từng mảng bong tróc, máu chảy nhoe nhoét. Giọng nói của cậu ấm lúc đó ồm ồm như một ông già, không còn là giọng ngày xưa. Cậu ta kéo lê khúc ruột, tìm đến khu đất năm xưa ấy, vắt ruột lên một cành cây rồi bỏ mạng tại đó.

Tuy nhiên, những người sau này vào rừng đều không trực tiếp gặp người đàn ông chỉ đường, càng không thấy ngôi nhà hay thi thể đáng lý phải xuất hiện theo như câu chuyện. Người ta chỉ biết, các cặp đôi lưu lạc đến khu vực ấy những năm tiếp theo đều không toàn mạng trở về; thậm chí, xác của họ biến mất không một vết tích. Lời đồn đại mỗi lúc một biến chuyển; những người đi lạc thoát ra được khỏi khu vực cấm truyền tai nhau rằng họ bắt gặp người đàn ông mặc áo đen ướt đẫm nước, một bên tay gắn chiếc móc kéo thay cho bàn tay bị mất.

Bà nội sợ, các con bà dẫn người yêu về khu biệt thự sẽ gặp chuyện chẳng lành. Khu đất ấy luôn chứa những luồng khí lạnh lẽo, âm u đến độ bà nội chỉ nhìn thoáng thôi đã không muốn bước vào.

– Hay mẹ khuyên anh ba bán căn biệt thự với khu đất kia đi? Xong nhà mình mua thêm đất gần nhà thứ hai, cùng chung sống? – Chú út đề xuất.

– Không được! Căn biệt thự có từ bao đời nay, đến đời sau các con phải có trách nhiệm gìn giữ truyền thống gia đình. – Bà nội gạt phăng đi.



– Nhưng nghe mẹ kể chuyện… con hơi lo…

– Giờ con nghe mẹ, về nhà thứ hai của ba mẹ đi. Lập gia đình dưới đó cho an tâm! Trên này anh ba và chị dâu lo liệu… Mà, đừng có nói mẹ kể chuyện lung tung, thằng ba nó lại kêu mẹ lẩm cẩm, nói toàn thứ mê tín dị đoan. Con nghe con biết thôi, cấm kể lại đó!

Về sau, chú út làm theo đúng lời mẹ dặn. Chú chăm sóc chị gái, đồng thời khi cưới vợ thì chuyển về nhà số hai của ba mẹ. Chú út tất bật cuộc sống cho đến khi nghe anh ba đổ bệnh, liền nhớ lại chuyện năm xưa…

*

Trở về hiện tại, Vân Vân và Hoàng Anh đã xuống sân bay, bắt một chuyến taxi đến khu biệt thự. Chuyến đi quay ngược quá khứ trong mơ của Vân Vân trên chuyến xe khách đã phần nào giúp cô hiểu hơn về lời nguyền gia tộc mình đang vướng mắc.

Hơn ba tháng trước, ông Thanh Tùng không cầm cự được thêm, đã nhắm mắt qua đời yên bình trên giường. Chú út xin phép chị dâu thu xếp cho vợ con được lên ở cùng sau khi giỗ một trăm ngày anh trai. Đúng dịp ấy, chú út đón sinh nhật lần thứ bốn mươi…

Một tuần trước khi Vân Vân quyết định đi lên vùng Tây Bắc xa xôi, có một đêm cô bỗng trằn trọc. Nằm mãi trên giường không yên nên định xuống nhà kiếm đồ ăn bỏ bụng. Vừa mở cửa, đã thấy chú út trợn ngược mắt đứng ngay trước phòng Vân Vân, họng phát ra âm thanh “hừ hừ” khản đặc, người đung đưa. Vân Vật thót tim, thì thầm gọi “chú út” nhưng chú chẳng phản ứng lại. Vân Vân ôm miệng, chạy ngược vào phòng bật điện thoại kiểm tra ngày tháng, ngỡ ngàng nhận ra chú út đã chạm mốc thời hạn. Bao nhiêu năm bình yên, cả nhà vốn đã quên khuấy vấn đề tuổi tác của chú.

Rồi, chú út xoay người, bật tràng cười man rợ, tay chân múa may và bước xuống cầu thang. Có lẽ, chú út vẫn nhớ, nhưng không muốn phá tan cuộc sống êm đềm của hai mẹ con Vân Vân nên âm thầm chịu đựng. Chú chuyển vợ con lên đây sống cũng bởi lý do tương tự.

Thương ba, thương chú út, thương cả mẹ và chính mình, Vân Vân quyết tâm tìm cách giải thoát gia đình khỏi lời nguyền hai thế kỷ, dù cô cảm nhận được con đường phía trước sẽ chông gai vô cùng.

Đầu tiên, Vân Vân tìm cách liên lạc với thầy Hòa Quy, song y hệt hồi đó, thầy vẫn giữ quan điểm về việc “không thể giúp đỡ Vân Vân đi xa hơn”. Tuy nhiên, thầy Hòa Quy lại vẽ đường cho Vân Vân đến một bản làng trên vùng Tây Bắc. Thầy gợi ý Vân Vân chịu khó đi xa một chuyến, lên vùng đất Hòa Bình tìm thầy Lang Trượng. Năm xưa, thầy Hòa Quy từng có thời gian theo học thầy Lang Trượng nên pháp lực của người này chắc chắn cao siêu hơn. Thấy Vân Vân quyết tâm cao, thầy Hòa Quy liền cảnh báo, rằng việc Vân Vân rời xa ngôi nhà của mình dễ dẫn đến việc các linh hồn chạy theo cô, dù cho vật dẫn là đốt ngón cái bên tay trái đã cắt bỏ. Chúng không thể trực tiếp làm hại đến Vân Vân, nhưng sự thu hút, dẫn dụ các linh hồn sẽ gây ra phiền toái ít nhiều với những người yếu bóng vía.

Tình huống tệ hơn, người đàn ông và chiếc tay móc năm nào ám ảnh trong mỗi giấc ngủ của Vân Vân sẽ có khả năng tìm được đường quay về quấy nhiễu cô thêm. Lời nguyền gia tộc ứng lên người Vân Vân, xem ra mới chỉ giải được một, hai phần.

Giờ, khi nhìn Hoàng Anh, Vân Vân chợt hiểu tại sao người đàn ông đó lại đuổi bám cô trong khi mục tiêu của ông ta là những cặp tình nhân trẻ chưa cưới – do Hoàng Anh là duyên âm yêu cô từ kiếp trước, và ở kiếp này, họ không phải vợ chồng.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Việt Ma Tân Lục

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook