Vườn Cúc Mùa Thu

Chương 16: Biển

Nhiều tác giả

07/06/2014

Dazai Osamu

Thời nhà tôi còn ở khu Mitaka của thành phố Tokyo, bom dội xuống gần nhà hầu như mỗi ngày, cứ nghĩ tôi có chết cũng chả sao cả, nhưng rủi bom rơi trên đầu con bé này khiến nó chết đi mà chưa được thấy biển một lần nào thì thật là khổ tâm quá. Tôi sinh ra ngay giữa bình nguyên Tsugaru nên thấy biển rất trễ, đến khoảng mười tuổi mới thấy được biển lần đầu tiên. Nỗi phấn khích tràn ngập lòng tôi lần ấy mãi mãi là một trong những kỷ niệm yêu quý nhất đời tôi. Tôi muốn thế nào cũng cho con bé này được thấy biển một lần trong đời.

Con tôi là một bé gái năm tuổi. Cuối cùng, nhà tôi ở Mitaka bị bom dội sập nát, nhưng người trong nhà may mắn không ai bị thương cả. Chúng tôi chạy nạn về quê vợ tôi ở thành phố Kofu. Nhưng rồi Kofu cũng bị máy bay địch dội bom, căn nhà chúng tôi ở cũng cháy tan cả. Mà cuộc chiến vẫn còn kéo dài. Chẳng làm sao hơn, tôi đành dắt díu vợ con trở về nơi tôi đã sinh ra. Ðó là chốn cuối cùng để chết. Chúng tôi lên đường từ Kofu hướng về quê tôi ở Tsugaru. Mất ba ngày đêm mới lê lết được đến vùng Higashi-Noshiro của huyện Akita, từ đó đổi tàu sang tuyến Gono, đã an tâm được phần nào.

_“Biển đâu nhỉ? Phía nào thì thấy biển, hả ông?”

Tôi hỏi người soát vé. Tuyến xe lửa nầy chạy sát bờ biển.

Hoá ra chúng tôi ngồi phía trông thấy biển.

_“Sắp thấy biển đấy nhé. Ngay đây thôi. Sắp thấy biển của anh chàng Urashimataro đấy”.

Chỉ có mình tôi nôn nao phấn khích như thế.

_“Ðấy! biển đấy! Xem kìa! thấy biển rồi. Ồ, biển đấy. Biển lớn thế đấy, thấy chưa! Ðấy, biển đấy!”

Thế là cuối cùng, tôi đã có thể cho con tôi nhìn thấy biển được rồi.

_“Mẹ ơi, sông đấy chứ nhỉ, mẹ nhỉ?”. Con bé thản nhiên.

_“Sông gì?”. Tôi thất vọng.

_“À, sông đấy con”. Vợ tôi đáp, nửa còn ngái ngủ.

_“Có phải sông đâu! Biển đấy chứ! Nói gì lạ thế! Ngược ngạo quá đi mất! Thế mà bảo là sông! Sao mà tai quái thế được chứ!”.

Lòng bực bội chán ngán, tôi lặng ngắm biển trong hoàng hôn, một mình.

Mùa hè năm ngoái, sau mười năm xa cách tôi đã trở về thăm lại cố hương. Sau đó tôi tóm tắt những sự việc đã xảy ra vào một truyện ngắn dài bốn mươi mốt trang, đặt tựa đề “Về, đi rồi lại đến” (Kikyorai) xong gửi đến ban biên tập của một tam nguyệt san. Câu chuyện dưới đây xảy ra ngay sau đó. Hai người tôi thường gặp, bác Kita và bác Nakabatake, cùng đến gặp tôi ở một căn nhà nhỏ hẹp, phố Mitaka. Họ báo cho tôi biết rằng ở quê nhà mẹ tôi đang đau nặng. Trong thâm tâm, tôi đã dự đoán rằng thế nào mình sẽ phải nghe tin này trong vòng năm hoặc sáu năm tới, nhưng nay không ngờ nó xảy ra sớm như vậy. Mùa hè năm ngoái, sau gần mười năm và được bác Kita dẫn đi, tôi đã về quê thăm lại căn nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên. Khi đó người anh cả vắng mặt nhưng tôi được gặp tất cả mọi người, người anh thứ tên Eiji, người chị dâu, các đứa cháu trai và gái, bà ngoại và mẹ tôi. Mẹ tôi sáu mươi chín tuổi, rất suy yếu vì tuổi già, đi đứng không vững, nhưng tuyệt nhiên không có vẻ gì là mang bệnh. Tôi đinh ninh rằng mẹ tôi sẽ được sống thêm năm, hoặc sáu năm và mơ ước có thể được mười năm. Tôi dự định sẽ viết rất chính xác về lần gặp gỡ đó trong tiểu thuyết mang tựa đề “Về, đi rồi lại đến”, nhưng vì những tình huống đặc biệt, tôi chỉ có thể ở quê chừng ba bốn tiếng đồng hồ mà thôi. Ở khúc cuối câu chuyện, tôi muốn nhìn thêm, và thêm nữa những cảnh sắc ở quê nhà, chỗ này, chốn kia, thật nhiều và thật nhiều. Tuy nhiên tôi chỉ có thể ngó sơ qua thôi. Biết khi nào tôi có thể nhìn lại con sông, ngọn núi ở quê tôi một lần nữa. Có thể khi có một chuyện gì xảy ra đối với mẹ tôi, hoặc do một cơ hội nào khác mà tôi có thì giờ thong thả nhìn hình ảnh ở quê nhà. Nhưng đó là điều mà tôi cảm thấy xót xa và tôi nghĩ tôi đã viết về nỗi niềm và tâm sự đó trong câu chuyện trên. Thật không ngờ! Mới vừa gửi xong bản thảo thì “cơ hội về quê một lần nữa” đã đến.

“Lần này tôi sẽ chịu trách nhiệm.” Bác Kita nói vẻ khẩn trương. “Cậu dẫn vợ con đi.”

Mùa hè năm ngoái, Bác Kita chỉ dẫn một mình tôi thôi. Kỳ này tôi, vợ và Sonoko (đứa con gái 16 tháng), tất cả sẽ đi theo bác. Bác Kita và bác Nakabatake thì tôi đã viết khá chi tiết trong chuyện “Về, đi rồi lại đến”. Bác Kita là chủ tiệm may âu phục ở Tokyo còn bác Natabatake là chủ tiệm vải ở dưới quê và cả hai từ xưa đều là chỗ qua lại thân thiết với gia đình tôi. Từ ngày tôi làm những chuyện bê bối đến nay năm hay sáu lần, à không phải vậy đâu, thật ra những chuyện bê bối đó đã xảy ra rất nhiều lần đếm không hết, tôi đã không thể gặp mặt những người quyến thuộc trong gia đình. Tuy nhiên, hai người này luôn luôn giúp đỡ tôi rất tận tình, không bao giờ tỏ vẻ gì khó chịu. Như là mùa hè năm ngoái, mặc dù biết trước anh cả ở quê nhà sẽ tức giận, bác Kita và bác Nakabatake đã bàn tán và lập kế hoạch cho tôi về thăm sau mười năm.

“Nhưng mà, có sao không? Nếu cả nhà chúng tôi bị đuổi khỏi cửa không cho vào thì thật là xấu hổ, không thể ngẩng đầu lên được với ai.” Tôi bao giờ cũng dự tưởng tình huống tệ nhất.

“Làm gì có chuyện đó.” Hai người nghiêm nghị bác lời.

“Mùa hè năm ngoái, hai bác thấy thế nào?” Có lẽ tính tôi cẩn thận quá mức như phải gõ xuống mặt cầu khi đi qua cây cầu đá kiên cố. “Rồi sau đó hai bác có bị anh Monji (tên người anh cả) nói điều gì không? Bác Kita, bác nghĩ thế nào?”.

“Chuyện đó thì cái thế của anh cậu là…” Bác Kita suy nghĩ một hồi rồi nói tiếp: “Cũng vì có sự hiện diện của bà con quyến thuộc, tôi không thể nói là anh cậu hoan nghênh chuyện cậu về. Tuy nhiên vì tôi dẫn cậu đi, tôi nghĩ sẽ không sao đâu. Mùa hè năm ngoái khi tôi gặp anh cậu ở Tokyo, anh ấy chỉ hờn mát với tôi một chút thôi, nói tôi là người xấu, chớ không phải là giận hờn gì tôi cả.”

“Vậy à? Còn bác Nakabatake, bác có bị anh tôi xài xễ điều gì không?”

“Không.” Bác Nakabatake ngước mặt lên nói: “Anh cậu không nói với tôi một câu nào. Từ trước đến nay hễ mỗi khi tôi giúp cậu một điều gì thì sau đó, chắc chắn là anh cậu nói mỉa tôi, nhưng chỉ có chuyện mùa hè năm ngoái thôi thì anh cậu không nói một điều gì với tôi cả.”

“Thế à?” Tôi hơi an tâm một chút. “Nếu không phiền thì xin hai bác dẫn đi vậy. Không thể nào mà tôi lại không muốn gặp mẹ tôi. Và mùa hè năm ngoái vì không gặp được anh Monji nên lần này tôi rất muốn gặp anh ấy. Được hai bác dẫn đi, tôi rất đội ơn nhưng tôi không biết vợ tôi sẽ nghĩ như thế nào. Đây là lần đầu tiên vợ tôi gặp gia đình bên chồng nên cô ấy sẽ phải lo lắng nhiều thứ như là ăn mặc như thế nào, và các thứ khác. Xin phiền bác Kita làm ơn nói giùm vợ tôi một tiếng chớ tôi mà nói thì chắc chắn cô ta sẽ cằn nhằn cho mà coi.” Xong tôi gọi vợ tôi vào phòng.

Kết quả ngoài dự đoán. Sau khi bác Kita báo cho vợ tôi biết mẹ tôi đang bệnh nặng và đề nghị nên để mẹ tôi xem mặt Sonoko một lần cuối, vợ tôi liền chấp hai tay xuống chiếu rồi cúi đầu nói:

“ Trăm sự xin nhờ bác.”

Bác Kita quay sang hỏi tôi:



“ Cậu tính lúc nào thì đi?”

Tôi trả lời ngày hai mươi bảy. Hôm đó là ngày hai mươi tháng chạp.

Trong vòng một tuần sau, vợ tôi tất bật chuẩn bị. Đứa em gái bên vợ từ quê lên phụ giúp. Có nhiều thứ mới phải mua. Tôi gần như phá sản. Chỉ có Sonoko là không biết chuyện gì xảy ra, đi chập chững loanh quanh trong nhà.

Chín giờ sáng ngày hai mươi bảy, con tàu tốc hành xuất phát từ ga Ueno. Tàu chật ních. Không một chỗ ngồi, chúng tôi đứng gần năm tiếng đồng hồ cho đến ga Haranomachi.

Bác Kita cho tôi xem bức điện tín:

“Mẹ càng ngày càng yếu. Dazai hãy về gấp. Nakabatake.” Đây là điện tín mà bác Nakabatake, về quê sớm hơn chúng tôi một chút, gửi lên bác Kita sáng hôm nay.

Tám giờ sáng ngày hôm sau, đến Aomori, chúng tôi liền đổi tàu sang đường Ou-u, rồi đến ga Kawabe lại đổi sang tàu đi Goshogawara. Từ nơi đây, hai bên đường tàu sắt là những vườn táo. Năm nay có vẻ táo được mùa.

“Ồ! Đẹp quá.” Với đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, vợ tôi chăm chú nhìn phong cảnh chung quanh: “Em từng mong ước được thấy những cây táo đang kết trái như thế này.”

Những trái táo gần sát con tàu, với tay là có thể hái được, ửng đỏ trong ánh sáng ban mai.

Khoảng mười một giờ, chúng tôi đến ga Goshogawara. Con gái bác Nakabatake đã đứng sẵn chờ chúng tôi. Nhà bác nằm ngay trong khu phố Goshogawara. Chúng tôi bàn tính xin tạm nghỉ ở nhà bác một chút, để vợ con thay quần áo rồi từ đó về quê ở làng Kanagi. Quê tôi, làng Kanagi, nằm ở phía bắc nhà ga Goshogawara, đi chuyến tàu đường Tsugaru thì phải mất thêm bốn mươi phút nữa.

Chúng tôi vừa dùng cơm trưa tại nhà bác Nakabatake, vừa nghe bác kể chi tiết về sức khỏe của mẹ tôi. Bệnh tình có vẻ rất nguy ngập.

“Thật là quý hóa!” Bác Nakabatake ngược lại cám ơn chúng tôi. “Tôi lúc nào đứng ngồi cũng không yên, không biết lúc nào hai ông đến. Thôi, bây giờ tôi đã yên tâm rồi. Mẹ anh không nói ra nhưng có lẽ cụ mong chờ anh lắm đấy.”

Tôi chạnh nhớ câu chuyện kinh thánh “Đứa con phóng đãng trở về nhà”.

Dùng cơm xong, khi bắt đầu khởi hành, bác Kita nói, giọng khá mạnh:

“Cậu không cần mang hành lý. Anh cậu chưa chắc đã dung tha cho cậu mà cậu định mang hành lý đến. Cậu có nghĩ như vậy không?”

“Dạ vâng.”

Tôi gửi tất cả hành lý tại nhà bác Nakabatake vì bác Kita đã cảnh cáo rằng chưa biết tôi có được phép gặp người bệnh hay không.

Chúng tôi chỉ mang theo tã cho bé Sonoko rồi bước lên tàu hỏa đi Kanagi. Bác Nakabatake cũng đi theo.

Dần dần, một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn tôi. Chung quanh tôi, ai ai cũng là người tốt bụng, không một ai là kẻ đê tiện. Chỉ một mình tôi, khi xưa làm những chuyện bê bối mà bây giờ cũng không đủ khôn ngoan, mang tiếng xấu với đời, là một nhà văn nghèo, sống bữa đói bữa no. Vì tôi cho nên mới có bầu không khí ngột ngạt như thế này.

Vợ tôi ngắm nhìn cánh đồng Tsugara trải lướt qua ngoài khung cửa:

“Nơi đây phong cảnh đẹp nhỉ. Cũng sáng sủa đấy chứ.”

“Thật vậy à?” Những cánh đồng sau cơn gặt, trơ trụi không còn một cọng lúa, nhạt màu trong ánh nắng sáng mùa đông.

“Anh không thấy đẹp lắm.”

Lúc đó tôi không cảm thấy tự hào về quê mình. Chỉ thấy đớn đau vô cùng. Mùa hè năm ngoái tôi không có cảm giác như thế. Tôi vui mừng ngắm nhìn cảnh vật sau mười năm xa cách.

“Đó là núi Iwaki. Giống núi Phú Sĩ nên người ta gọi là núi Tsugaru Fuji.” Vừa cười gượng, tôi vừa giải thích cho vợ tôi một cách thiếu nhiệt tình. “Rặng núi thấp nơi đây gọi là núi Bonju, còn núi ở đằng kia là núi Mahage”. Đúng là những giải thích lấy lệ nửa vời cốt làm để cho xong chuyện.

Tôi nhớ lại một vở kịch rất hay trong đó người tài tử tự hào nói: “Đây là nơi ta sinh thành, đi ba bốn khu phố nữa là…”. Phía bên kia bờ ruộng, có một căn nhà mái đỏ.

“Đây là…” Tôi định nói là nhà tôi nhưng phải sửa lại “nhà của người anh”.

Tuy nhiên, đó là mái nhà của một ngôi chùa. Nhà tôi ở phía bên mặt.

“Sai rồi, không phải vậy, nhà mình ở bên mặt, hơi to một chút.” Tôi sai nhiều quá.



Đến ga Kanagi thì thấy đứa cháu gái và một thiếu nữ trẻ đẹp đang chờ. Vợ tôi hỏi nhỏ:

“Cô ấy là ai vậy?”

“Cô ta là người giúp việc chớ gì. Mình không cần chào hỏi.” Mùa hè năm ngoái khi tôi gặp người thiếu nữ cùng lứa tuổi với cô này, dáng thanh lịch, tôi tưởng cô ta là trưởng nữ của người anh nên cúi đầu chào hỏi rất trịnh trọng. Dè đâu cô là người giúp việc nên khi ấy rất sượng. Kỳ này tôi cẩn thận hơn nên mới nói như vậy.

Đứa bé gái là con thứ của người anh mà tôi đã gặp năm ngoái, năm nay được tám tuổi. Tôi gọi:

“Shigechan.” Thì bé Shige nhoẻn miệng cười. Tôi cảm thấy hơi yên tâm và nhẹ người vì chỉ có đứa bé này là không biết quá khứ của tôi.

Tôi bước vô nhà. Bác Nakabatake và bác Kita liền lên gác gặp anh tôi. Tôi dẫn vợ con đến Phật đàn, chắp tay khấn vái rồi sau đó vào ngồi một góc trong một căn phòng gọi là phòng “Thường Cư”, chỉ dành cho những người trong gia tộc, bà con hoặc khách rất thân. Hai đứa cháu gái, con của người anh cả và anh thứ, mỉm cười chào chúng tôi. Được người giúp việc dìu đi, bà ngoại tôi cũng đến thăm. Bà đã tám mươi sáu tuổi, hoàn toàn lãng tai nhưng khỏe. Vợ tôi ép Sonoko cúi đầu chào bà nhưng nó chẳng nghe lời, đi lẩn quẩn trong phòng làm bà con sợ nó té bất tử.

Tôi thấy anh tôi từ trên gác đi xuống. Rồi đi thẳng vào phòng bên cạnh. Nước da xanh xao, người ốm, dáng lo âu. Ở phòng kế bên có khách đến thăm mẹ tôi bệnh. Sau khi nói chuyện với người khách một chập, đợi khách về, anh tôi đi vào phòng “Thường Cư”. Tôi cúi đầu chào, hai tay để trên sàn chiếu:

“À”. Rồi nghiêm trang hơn, tôi chào: “Xin lỗi đã làm phiền anh nhiều chuyện”. Tôi bảo vợ tôi: ”Anh Moji đây.”

Không chờ, anh tôi liền hướng về phía vợ tôi cúi đầu chào trước. Tôi hết sức lo lắng. Chào xong, anh tôi đi thẳng lên gác.

Như vậy là như thế nào? Chuyện gì đã xảy ra? Tôi cảm thấy như mình bị xử tệ. Ông anh này chỉ khi nào không vui trong bụng mới làm mặt lạnh lùng, trịnh trọng cúi đầu chào mà thôi. Bác Kita và bác Nakabatake cho đến bây giờ vẫn ở trên gác chưa xuống. Bác Kita đã thất bại chăng? Đột nhiên tôi cảm thấy bồn chồn lo lắng, tim đập mạnh. Từ phòng kế bên, đứa cháu gái bước ra, vừa cười vừa nói:

“Dạ xin mời.” Tôi thở phào nhẹ nhõm, đứng dậy. Tôi có thể gặp mẹ tôi đây. Tôi được phép gặp mẹ tôi, không một điều gì đặc biệt khó khăn. Chỉ có vậy thôi. Tôi đã hơi lo âu thái quá. Vừa đi trên hành lang, cháu vừa nói cho chúng tôi biết:

“Từ hai ba bữa nay bà mong chờ gia đình chú. Bà mong chú về lắm đấy.”

Mẹ tôi nằm nghỉ ở góc một căn phòng rộng mười chiếu. Trông ốm yếu như cọng cỏ khô héo trên chiếc giường lớn. Tuy nhiên mẹ tôi rất tỉnh táo.

“Con về đây mẹ rất mừng.” Mẹ tôi nói. Đang cúi đầu chào mẹ tôi trong lần gặp gỡ đầu tiên, vợ tôi ngẩng đầu lên rồi gật đầu cho mẹ tôi thấy. Tôi ẵm bé Sonoko lên, dụi bàn tay nhỏ bé của nó vào bàn tay khẳng khiu của mẹ tôi thì mẹ tôi run rẩy nắm chặt lấy tay nó. Ngoại tôi đang đứng ở đầu giường, mỉm cười lau nước mắt.

Trong phòng bệnh, ngoài bà ngoại tôi còn có nhiều người khác như hai cô y tá, người chị cả, đứa cháu gái, con người anh thứ và các dì mợ tôi. Sau đó, chúng tôi vào phòng chờ đợi, rộng chừng sáu chiếu, để chào hỏi mọi người. Nhiều người nói Shuji (tên thật của tôi) trông không thay đổi chút nào. Hơi mập một chút nhưng ngược lại trông trẻ hơn. Quay quần quanh lò sưởi, mọi người bắt đầu trò chuyện nho nhỏ, làm bầu không khí từ từ bớt căng thẳng.

“Kỳ này gia đình chú thong thả ở lại đây chứ?”

“À… tôi không biết sẽ như thế nào. Chừng hai ba tiếng đồng hồ có lẽ tôi phải xin kiếu như hè năm ngoái. Bác Kita nói như vậy cũng được. Tôi định bụng sẽ làm theo tất cả những lời chỉ bảo của bác.”

“Mẹ chú bệnh nặng thế mà chú có thể bỏ về sao?”

“Thì… để tôi bàn tính với bác Kita vậy.”

“Chuyện gì chú cũng phải hỏi bác Kita sao?”

“Không phải vậy nhưng vì bác Kita đã cưu mang tôi từ xưa đến nay rất nhiều.”

“Thế à. Tôi hiểu. Nhưng mà, chẳng lẽ bác Kita lại…”

“Không, không phải vậy đâu. Tôi định bàn tính với bác Kita thôi. Nếu tôi vâng lời bác Kita thì sẽ không có chuyện gì trục trặc đâu. Bác Kita đang nói chuyện với anh tôi trên gác, nên tôi không biết có chuyện gì khó xử hay không. Tôi ngại vì chúng tôi đã đến đây mà không có phép…”

“Hơi đâu mà chú lo những chuyện phép với tắc. Anh Eiji (tên người anh thứ) gửi thư tốc đạt bảo chú về gấp kia mà, có phải không?”

“Bác nhận lúc nào vậy? Chúng tôi chưa nhận được.”

“Vừa nhận được thư thì chúng tôi đi liền và mới đến đây thôi…”

“Xui thật. Có lẽ thư đến sau khi chúng tôi đã đi. Bậy thật, làm như là bác Kita bày vẽ, đạo diễn.” Tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu đầu đuôi mọi câu chuyện. Số xui xẻo.

“Gì mà xui với xẻo. Mẹ chú bệnh thì chú đến sớm ngày nào hay ngày nấy phải không?”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Vườn Cúc Mùa Thu

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook