Xuyên Về Chiến Tranh Năm 1938

Chương 4: Thư

Phong Đâu Tử

07/07/2017

“Em gái Tần Điềm:

Em vẫn khỏe chứ?

Anh mãi luôn hy vọng em được khỏe mạnh.

Xin hãy tha thứ cho anh chưa đợi em đến mà đã bỏ đi, chiếc thuyền về nước sắp sửa khởi hành, e rằng khi em nhìn thấy lá thư, anh đã ở đầu kia của đại dương, hoặc là, đã ở trên chiến trường rồi.

Em có biết không? Chiến tranh lại bắt đầu rồi, chính vào lúc chúng ta đang ở đấy ăn bánh mì bơ sữa thì tổ quốc của chúng ta đang phải chịu sự tàn phá của ngọn lửa chiến tranh, nước Nhật đã xâm lược lãnh thổ của chúng ta, thế mà người cai trị đất nước mình lại làm thinh mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Anh Nghĩa Thường và Hàn Xuân của em đã lên chuyến bay trở về nước trước chuyến của anh, mà chuyến bay anh sắp lên, sẽ là chuyến bay cuối cùng.

Không sai, chúng ta sinh ra ở Pháp, lớn lên ở Pháp, cha của chúng ta là người không gốc rễ, là thợ thuyền sót lại sau chiến tranh, đời cha của chúng ta không có đường quay về nước, nhưng khi cha ông mang theo chúng ta ở nơi đó gian nan tìm đường sinh tồn, ở nơi đó thành gia lập nghiệp, chẳng phút giây nào quên đi việc nhắc chúng ta ghi nhớ gốc rễ của mình là chốn nào, mặc cho ăn cái gì, dùng cái gì, ở tại đâu, thì đó cũng không thể thay đổi huyết thống của chúng ta, không thể thay đổi được tóc đen da vàng của chúng ta, chúng ta là ai? Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta phải đi đâu? Lúc soi gương, khi cất tiếng, khi đi ngang qua cửa kính bên đường, chẳng giây phút nào anh quên được.

Điềm, em từng oán trách cha, tại sao lúc nhỏ lại dạy chúng ta tiếng Hán mà không chỗ để dùng, tại sao ở nhà nói tiếng Pháp lại bị đánh, em có còn nhớ câu trả lời của cha không? Anh sẽ mãi mãi không quên được năm đó, lúc em mới năm tuổi, bởi vì nói tiếng Pháp trong nhà mà bị cha phạt đứng ngoài trời đông tuyết phủ, ở trong nhà, cha rống lớn, “Hãy nhớ lấy con là ai, nhớ lấy trong người con đang chảy là dòng máu gì!” Em đã không nhìn thấy, lúc đó cha đang khóc, cha nhớ nhà, mãi luôn nhớ nhà, không phải ngôi nhà ở nước Pháp, mà là ngôi nhà ở dưới quê hương miền Nam Trung Quốc, còn có mảnh ruộng đó nữa.

Anh phải trở về, Điềm, tha thứ cho anh không thể ở đây chăm sóc cho em, nhớ đến quê hương xa lạ đó, nhớ đến cha đã vô số lần nói rằng ruộng lúa vườn cây đang bị giày xéo thì anh chẳng thể ngồi yên thêm giây nào nữa.

Đúng rồi, không phải em cứ gọi anh là A Thụy sao? Tại sao tên anh lại là Tần Cửu ư. Tại vì lúc anh mới sinh ra đời, ba đặt tên anh là Tần Thụy, thế nhưng không lâu sau đó, Hội nghị hòa bình Paris lại biến tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc thành chiến lợi phẩm của Nhật, cùng là nước chiến thắng mà lại nhận được sự đối đãi bất công như thế, trong nước đã bùng nổ phong trào kháng nghị với giai cấp học sinh sinh viên và công thương đứng đầu. Học sinh bãi khóa, thương nhân bỏ chợ, công nhân đình công. Cơn sóng của phong trào lan rộng khắp toàn quốc, Trung Quốc cuối cùng cũng để lộ ra tính cách trung nghĩa của nó... Ngày đầu tiên diễn ra phong trào là ngày 4 tháng 5 năm 1919 [1], chính là năm anh chào đời, mà “chín”, lại là hợp bởi “năm” và “bốn”. Nghe chú Hàn Xuân nói, ngày hôm tin tức truyền đến nước Pháp, cha đã lập tức đổi tên cho anh, A Thụy thì trở thành nhũ danh của anh.

Những chuyện này đã trôi qua nhiều năm như thế, gia đình chưa hề nhắc với em có lẽ em cũng không hề hay biết, anh nói cho em biết là vì muốn em hiểu, nếu như cha chúng ta vẫn còn trẻ, ông sẽ chẳng chút do dự đưa cả nhà chúng ta bước chân lên con thuyền trở về đất nước, mà hiện tại, chuyện đánh trận thì hãy để anh lo, còn việc em phải làm, chính là học tập cho tốt, cố gắng đào sâu nghiên cứu, đợi khi bọn anh đánh đuổi giặc ngoại xâm rồi, em hãy trở về chấn hưng tổ quốc chúng ta.

Anh sẽ luôn luôn đợi em, thời gian: sau cuộc chiến, địa điểm, đợi thư của anh...

Anh trai: Tần Cửu.

Ngày 1 tháng 11 năm 1938.”

Tần Điềm đặt thư xuống, lau mặt, nước muối đầy trên tay.

Cô nhìn xung quanh, căn gác xép chật hẹp, giường lò xo, tủ sách nhỏ, bàn học nhỏ, giá rửa mặt đơn giản, khăn lông trắng vắt trên chậu rửa mặt, ánh trăng lọt vào qua cửa sổ áp mái, cảm giác ánh đèn lờ mờ này còn sáng tỏ hơn.

Nơi chốn đơn giản không thể đơn giản hơn này, chịu tải cuộc sống của một thanh niên. Anh dậy sớm, rửa ráy, đọc sách, đi học, đi làm, trở về, đọc sách, rửa ráy, chìm vào giấc ngủ.

Anh dậy sớm, rửa ráy, đọc sách, đi học, trở về, đọc thư, thu dọn hành lý, lên đường.

Từ sau khi xuyên không, đây là con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tâm hồn cô, cô vì anh bôn ba mấy trăm km, cô coi anh như một trụ cột của linh hồn, cô không tiếc đi đến đất nước Ba Lan nơi khói lửa chiến tranh sắp lan khắp, cô dùng ngôn ngữ tay chân khoa chân múa tay khắp nơi cả ngày trời mới tìm đến được căn gác xép này, sau đó cô ngồi ở nơi anh viết thư đọc bức thư từ biệt của anh.

Lúc này mà nói đi Trung Quốc, trên lý trí thì hoàn toàn có thể coi người này đã không còn tồn tại. Thời đại hỗn loạn đó, cực độ hỗn loạn, người sống hôm nay xác chết ngày mai, người thân hôm nay kẻ địch ngày mai, năm 1938, Đảng cộng sản đã kết thúc cuộc trường chinh, biến sự Tây An [2] cũng đã qua, Quốc – Cộng hợp tác [3] đã bắt đầu, tranh giành cấu xé lẫn nhau cũng bắt đầu, các cuộc giao chiến lớn nhỏ liên miên không dứt, sơn tặc thổ phỉ nghĩa quân các đường, có trời mới biết anh trai yêu dấu đó của cô đã tham gia vào dòng chảy nào.

Nếu người anh em này còn ở lại đây thêm một tháng, cô còn có thể chỉ vẽ một chút, lúc này thì chỉ còn có thể câm nín lặng thinh với bức thư và một giường trăng sáng thôi.

Phong trào Ngũ Tứ gì đó, trong trí nhớ của cô, là một thuật ngữ khiến người ta vừa yêu lại vừa hận.



Học sinh sinh viên bấy giờ đều rất đoàn kết, nói đến việc tuần hành thị uy gì đó, đều nói rằng chính phủ xem học sinh sinh viên như khẩu súng cây giáo để dùng, lợi dụng một bầu nhiệt huyết cùng cái đầu dễ nóng của học sinh sinh viên, còn dễ tổ chức nữa, khi dấy lên thì thanh thế cực lớn mà khi xua tan thì cũng thật tiện, đoàn diễu hành chuyên nghiệp ấy, đến lúc còn có thể tuyên bố với bên ngoài là do học sinh sinh viên tự phát tổ chức, chẳng liên quan gì đến chuyện của chính phủ cả.

Thế nhưng khi học sinh sinh viên nói đến Ngũ Tứ, vẫn là máu nóng bừng bừng, gặp phải quốc nạn, vẫn là đầu óc nóng rẫy không thể suy nghĩ sáng suốt, tham gia vào diễu hành, vẫn là không thể chối từ… Đọc được thư của Tần Cửu, cô đột nhiên phát hiện, ở Trung Quốc năm bè bảy mảng, ở thời đại loạn lạc lắm tai nạn, mặc dù cách cả một đại dương rộng lớn, nhiệt huyết của những học sinh sinh viên nãy vẫn nóng rực vô cùng, cái mà thời hiện tại gọi là “nhiệt huyết”, so ra thì chẳng bằng một phần vạn.

Có Tần Cửu, có Phong trào Ngũ Tứ trong thư, có Ba Lan, có một Trung Quốc ở nơi xa xôi, thời đại này, những thuật ngữ xa lạ này, dường như nháy mắt đã kéo gần khoảng cách của bọn họ.

Đây không phải là những thứ trên sách vở, chúng vẫn chưa được ghi chép vào lịch sử, Ngũ Tứ lúc này nói không chừng mới chỉ là một sự kiện trọng đại mọi người truyền miệng nhau, chứ còn chưa phải là “Phong trào Ngũ Tứ” mà hậu thế định nghĩa, người ta còn chưa biết được ý nghĩa của nó, người ta chỉ dùng một bầu nhiệt huyết tham gia vào trong đó, Biến sự Tây An còn chưa được gọi là Biến sự Tây An, Quốc – Cộng hợp tác còn chưa được định nghĩa rõ ràng, thế chiến thứ nhất còn chưa được gọi là thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai vẫn chưa bắt đầu, tất cả vẫn còn đang nhen nhóm, tất cả đều có dấu hiệu báo trước, tất thảy vẫn chưa phải là điều mà dân thường được biết…

Đây chính là lịch sử, cô đang ở trong lịch sử, bàn tay vàng biết lịch sử gì đó đều là mây bay, chỉ cần sinh tồn mới là đạo lý thực tế nhất!

“Điềm, Điềm?” Bên ngoài có người nhỏ giọng gọi, tiếng được sử dụng là tiếng Đức.

“Gì ạ?” Tần Điềm nhỏ giọng trả lời.

“Bốn giờ rưỡi rồi, phải dậy thôi, nếu cô đã làm việc của anh trai mình thì bây giờ cô nên đến nhà ăn quét dọn rồi.”

“Vâng.” Tần Điềm vội đáp lời, liếc nhìn chiếc đồng hồ nhỏ trên tường, quả nhiên đã bốn giờ rưỡi, không ngờ được cô đã trằn trọc cả một đêm, càng không ngờ rằng sau này mỗi ngày cô đều phải dậy vào lúc bốn giờ rưỡi sáng.

Tha cho cô đi, trong lòng cô khóc như mưa, ngày trước 4:30 còn chưa chắc là đã ngủ cơ, không ngờ hiện nay 4:30 đã phải dậy!

Tần Điềm đến Warsaw vào lúc rạng sáng, cô hỏi một người đi đường dậy sớm chỗ ở của chú của Lina trước, được người phụ nữ tốt bụng đó đưa thẳng đến khách sạn Cindia, sau khi đưa thư xong, cô quay đầu lại, vô cùng khổ sở hoa chân múa tay với người đi đường cả ngày trời mới tìm được chỗ tạm trú của anh trai, nơi đó lại là khách sạn năm sao duy nhất hiện nay của Warsaw, khách sạn Eisenhower.

Quản lý trực ban của khách sạn vừa khéo là người được Tần Cửu nhờ vả, tuy rằng rất đau đầu vì Tần Điềm chẳng thể nói một chữ Ba Lan nào, nhưng may là tiếng Đức của cô cũng khá, người lại xinh đẹp giỏi giang, học vấn lại cao, bèn để cô ở lại, đồng thời đưa cô đến căn gác ký túc nhân viên lúc trước Tần Cửu từng ở.

Chỉ là trước khi cô biết được tiếng Ba Lan cơ bản thì cô không thể làm công việc bồi bàn ở nhà ăn mà trước kia Tần Cửu làm được.

Tần Điềm thay một bộ đồng phục nhân viên tạp công màu trắng viền đỏ, xuống lầu vào nhà bếp, lãnh một thùng nhựa và một cây lau nhà, xem ra là muốn cô làm nhân viên vệ sinh rồi.

Sau khi lau dọn hành lang khách sạn sáng bóng đến có thể soi gương, Tần Điềm tạm thời chưa thích ứng được, nhưng cũng không có cảm giác đặc biệt gì.

So với rất nhiều sinh viên đại học khác, cô thật sự có loại cảm giác mình được nuông chiều từ bé, lúc học đại học cũng chưa từng đi làm thêm, cũng không có chí hướng lớn gì, cha mẹ đã nói rõ nếu cô không tìm được công việc thì sẽ nuôi cô đến già, đối với việc đó cô cũng chẳng có gánh nặng tâm lý gì. Lúc này làm một nhân viên dọn dẹp, nghĩ đến các bậc đi trước phải bán thịt heo dọn hố xí [4], bản thân cô thật chẳng có gì để phàn nàn cả, ngôn ngữ không thông người thân không có, thế này mà cũng có người chịu giữ lại, đây đã là vận may to lớn lắm rồi.

Cô không biết khả năng chịu khổ chịu nhọc của mình thế nào, tuy rằng quản lý đã căn dặn cô chỉ cần dọn dẹp đoạn đường từ nhà vệ sinh tầng một đến nhà ăn thôi, nhưng có lúc cô lại mở rộng “lãnh địa” của mình ra một chút… Ví dụ như chỗ người ta ra vào và lối đi đến nhà bếp chẳng hạn, công việc này quả thật là tương đối nhẹ nhàng.

Sau khi lau dọn xong vệt nước của một người khách khi đi ra ngoài để lại, Tần Điềm học theo dáng vẻ những người khác cầm lấy cây lau im lặng đứng một bên, đang chán đến gần chết thì một nam thanh niên mặc đồng phục bồi bàn đi đến, hỏi bằng tiếng Đức, “Cô là Điềm mới đến đấy à?”

Tần Điềm thật câm nín với năng lực tỉnh lược của người nước ngoài, nhưng lại không thể phản bác điều chi, chỉ có thể vạch đen đầy đầu mà gật gật đầu.

“Ồ, xem ra cô có thể đảm nhiệm công việc này được đấy, đừng coi thường nó nhé, đến lúc khách đông thì cô sẽ vô cùng căm giận cái người giao công việc này cho mình đấy.” Giọng điệu của anh chàng thoải mái, nói xong còn dí dỏm nháy nháy mắt, liếc liếc về phía người quản lý béo mập đứng cạnh bên cửa.

Tần Điềm không phải người dễ cười, nhưng sau khi căng thẳng và mỏi mệt lâu như thế, gặp được một người thoải mái như vậy thật khiến cô kềm không được hé miệng ra cười.



“Cứ thế này nè, cô cười lên xinh lắm, nên tiếp tục duy trì, như thế không chỉ bản thân mình vui mà còn có thể khiến cho khách đến khách đi cũng thoải mái không ít.” Cậu thanh niên đưa tay ra, “Quên mất tự giới thiệu, Kellen Bitterman, là tổ trưởng tiểu tổ dọn vệ sinh của cô, chuyên môn phụ trách lấy roi da đánh mấy cô và đốc thúc mấy cô làm việc.”

Tần Điềm không chút nghĩ ngợi đưa tay phải ra nắm lấy tay anh chàng, không lưu ý đến góc độ bàn tay của anh ta, còn vui vẻ lắc lắc, tiện thể nói, “Chào anh Kellen, anh thú vị thật.”

Vẻ mặt của Kellen có chút kỳ quái, anh ta cười cười, “Điềm thân mến à, hình như cô không mấy hiểu về lễ nghi phương Tây nhỉ, tôi nhớ anh trai cô từng nói, hai người đều sinh ra tại Pháp mà.”

Tần Điềm khựng lại, chợt nhớ ra, động tác đó của Kellen, rõ ràng là muốn hôn tay… Mà mình thì lại hào phóng nắm lấy tay người ta…

Cô mất tự nhiên ho một tiếng, “Xin lỗi, nhà chúng tôi, ờm, vẫn không mấy quen với lễ nghi của phương Tây.”

Kellen nhún nhún vai, “Tôi khâm phục sự kiên trì giữ vững lễ nghi của các cô, nhưng mà dù sao cũng là ở nơi chốn công cộng, có thể nhập gia tùy tục thì tất nhiên là tốt nhất.”

“Vâng vâng, tôi nhớ rồi, xin lỗi, à, cám ơn.”

“Không cần áy náy, tôi tin là cô sẽ làm tốt.” Kellen dừng một chút, mò mẫm túi quần, móc ra một quyển sổ nhỏ, đưa cho Tần Điềm, “Đây là trước đây rất lâu một người bạn của tôi đã chỉnh lý, anh cô cũng từng sử dụng, trong này hình như còn có một số chú thích bằng tiếng Trung, hy vọng nó giúp ích đôi chút cho việc học tiếng Ba Lan của cô.”

Tần Điềm nhận lấy liền lật ra xem một chút, đó là một quyển từ điển tiếng Ba Lan loại nhỏ, lớn cỡ bàn tay, chế tác không phải là khéo léo, chất giấy của kinh thánh, vừa nhìn liền biết đã qua tay rất nhiều người, bên trong dùng tiếng Đức để chú giải, có rất nhiều trang còn dùng những loại ngôn ngữ khác để ghi chú, có mấy trang thậm chí là dùng tiếng Trung, hiển nhiên là bút tích của anh trai cô.

Cảm động tất nhiên khỏi cần phải nói, mặc dù vẫn chưa học, nhưng có quyển từ điển này trên tay, cảm giác hoảng hốt khi ngôn ngữ không thông dường như cứ thế tiêu tan không ít, Tần Điềm nắm chặt quyển từ điển, hỏi, “Anh thật sự là không dùng nữa ư?”

Kellen lắc lắc đầu, “Tôi thật sự không dùng nữa, cô có thể cứ cầm lấy nó, đến lúc cô xác định là mình không cần dùng nữa, nếu như cô không muốn giữ thì có thể trả cho tôi, tôi giữa làm vật kỷ niệm.”

“Sao có thể thế được,” Tần Điềm lật lật từ điển, bỏ vào trong chiếc túi rộng rãi của tạp dề, “Tôi sẽ lấy việc sớm trả cho anh làm mục tiêu, như thế tôi có thể học nhanh chóng một chút.”

“Woah Điềm,” Kellen làm vẻ mặt kinh ngạc, “Cô và Alexander đúng là anh em, lúc đầu cậu ta cũng nói như thế.”

“Cũng phải cảm ơn sự giúp đỡ của anh đối với anh trai tôi.” Mặc dù chưa từng gặp mặt, là lấy mình đo người, Tần Điềm cũng muốn thay Tần Cửu cảm ơn anh ta.

Kellen khẽ gật gật đầu, xoay người bỏ đi, còn phất phất tay, nói bằng thứ tiếng Trung cổ quái, “Mang ơn không khói tạ.” [5]

“Phụt.” Tần Điềm phun nước.

[1] Đây được gọi là Phong trào Ngũ Tứ, hoặc Vận động Ngũ Tứ. Đọc thêm ở đây.

[2] Biến sự Tây An: đọc thêm ở đây.

[3] Quốc – Cộng hợp tác: đọc thêm ở đây.

[4] “Bán thịt heo và dọn hố xí” là cụm để chỉ thời kỳ sau khi chiến tranh kết thúc, người ta phải bươm chải làm đủ mọi việc để sinh tồn. “Dọn hố xí” thì khỏi phải giải thích hen, còn “bán thịt heo” thì tại sao lại cực khổ ư? Tại vì lúc đó đa phần heo là dân tự nuôi, nuôi nhỏ lẻ vài con, không chuyên nên nuôi vừa chậm lớn vừa tốn thức ăn; mổ heo cũng tự làm, nếu biết cách mổ thì thịt heo sẽ trắng đẹp dễ bán, còn nếu không biết cách mổ, ví dụ như làm heo chết ngạt khiến máu chưa chảy ra hết thì thịt heo sẽ đỏ bầm, người mua tưởng heo chết do bệnh lại chẳng ai thèm mua, coi như vừa tốn sức đi xa một chuyến vừa công toi cả ngày rao bán ngoài chợ.

[5] Câu đúng là “Đại ân không lời nào cảm tạ hết được.” – Do Kellen phát âm không chuẩn nên câu chữ kỳ quái thế đấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện sắc
cô vợ thay thế
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Xuyên Về Chiến Tranh Năm 1938

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook