Bay Về Miền Tinh Khôi

Chương 5: Những cơn mưa

Anh Vũ

12/03/2014



Mùa mưa ở miền Trung bắt đầu từ khoảng tháng mười với những cơn mưa lớn và cả lụt lội. Tôi và cả bọn bạn trong lớp rất thích mùa này, vì những cơn mưa lớn sẽ làm những dãy hành lang trước tầng ba ngập nước mà không kịp thoát xuống vì lượng nước quá nhiều hay tắc cống sao đó, nước chảy cả vào phòng học, ngập đến đầu gối.

Lúc đó cả trường đều được nghỉ học, nhưng không một ai trong lớp tôi muốn về, đơn giản mọi người đều thích thú với trò tắm mưa. Cặp táp vất bừa bãi lên bàn học miễn sao không bị ướt nước là được. Tụi tôi sẽ lôi nhau ra hành lang hứng mưa và dội nước quấy phá nhau cho đến khi ướt hết, cả lớp chia ra làm hai phe và xối nhau tơi tả, rựợt nhau hết hành lang tầng ba đến hành lang tầng hai xuống cả tầng một và sân trường, đến mức phải vào phòng lấy thêm áo mưa ra mặc và lại bị tạt nước, có khi còn bị tụi kia vật ngửa ra xối nước vào trong cổ áo, cấu xé cho đến khi áo mưa cũng tơi tả và bay phất phới trong gió.

Khi đó rất vui vẻ, cũng không có áp lực, những khuôn mặt luôn tươi cười như thiên sứ trong màn mưa trắng xóa

Lý do tôi thích đi học vào những trời mưa, đặc biệt là những hôm trời mưa lớn, chung quy lại cũng là vì tôi ham chơi.

Cảm giác bị cả chậu nước hắt lên đầu rất vui mặc dù đó chẳng phải nước máy có khử trùng bằng clor sạch sẽ như ở nhà. Nước chảy ngoài hành lang, khúc hành lang cả nửa tháng không lau dọn của lớp chúng tôi. Mỗi lần mưa ngập nước là lại giống như nước lau nhà, hơn nữa là loại nước lau nhà còn không pha sunlight khử mùi nữa kìa.

Những ngày trời mưa lớn tháng mười như thế, học sinh trong trường sẽ bắt gặp tôi xách theo một cái chậu nước hỏ đi học. Thế nên lớp tôi mới quen thói cứ trời nắng lại vết hộ tôi giấy xin phép còn trời mưa thì dù muôn đến mấy cũng chờ tôi đủng đỉnh tha cái cặp rỗng tuếch chỉ có mỗi cuốn vở nháp với một cây bút bi đến lớp, mà cái cặp đó chắc đến nửa năm rồi tôi cũng chẳng mở. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ đống giấy xin phép mà phụ huynh nhà tôi chỉ có một người có thể kí, nhưng mỗi tờ là một chữ kí khác nhau.

Nếu tụi trong lớp mà biết giáo viên chủ nhiệm mà tụi nó yêu quý là me tôi thì chắc có chồng vàng khối từ ngoài đường quốc lộ 1A vào nhà cũng không dám mạo danh chữ kí.

Năm nay cũng không ngoại lệ, những ngày giữa tháng mười là những ngày mưa lớn nhất, mưa rất lớn và những lúc mưa lớn như thế này lớp tôi trong đó có cả tôi đi học chăm chỉ hơn bất cứ ai, còn sỉ số của các lớp bên canh thì hoàn toàn ngược lại.

Ngoài trời, mưa vẫn rơi không ngớt, dường như cơn mưa này lớn hơn cả những ngày vừa qua. Ngồi trong lớp, nhìn ra chỉ thấy cả khoảng trời trắng xóa. Trên cửa sổ từng hạt mưa lớn như nhảy múa trên thủy tinh trong suốt.

Đầu tiết hai, trên loa trường thông báo tất cả các lớp được nghỉ sau khi dọn vệ sinh. Bác Hòa bảo vệ cùng anh Phát là cháu bác Hòa đi phát cho mỗi lớp một bọc nilon đầy đủ các cỡ nhỏ và lớn để bọc lại các đồ điện tránh ẩm ướt.

Dù được cho về vì sân trường và lớp đã ngập lụt thế nhưng chúng tôi vẫn nấn ná ở lại trong trường la cà. Trong khi người ta lật đật kéo nhau ra về thì lớp tôi lại đè nhau ra dội nước và cấu xé.

Sân trường té nước tứ tung, một góc sân ồn ào vì tiếng la hét. Tiếng cười giòn tan trong tiếng rào rào của mưa.

Tôi cầm chậu nước và đuổi A Tô chạy một vòng xung quanh sân để trả thù nó với Mậu Hào vật tôi ngã quay đơ ra và xối nước vào trong áo mưa của tôi. Chiếc áo mưa màu tím trong chốc lát ướt như chuột cả mặt trong lẫn mặt ngoài, còn tôi thì rét run lên vì lạnh.

Tôi cởi phứt luôn cái áo mưa đã xơ xác đuổi theo A Tô đang vừa chạy vừa ngoái lại xin tôi tha cho nó.

Nào có dễ thế.

Tôi đuổi A Tô cho đến khi nó vào tận cửa lớp, ở đầu hành lang bắt gặp Kiều Trinh cùng với Mậu Hào cũng đang tạt nước nhau. Tôi tạt cho Mậu Hào một chậu sau đó đi kiếm A Tô, nó đang té nước với tụi Minh Thư, Mỹ Tâm, Lê Na, Trung Kiên, Tuấn Anh với Vân Anh trong lớp. Phía cuối lớp là Minh Dương cùng Khánh Nam và Minh Hiếu đang hí hoáy trèo lên trên cao đê bọc lại cái loa phát thanh.

Đang ngẩn người nhìn thì nước lại đổ ào ào từ trên đầu tôi xuống.

“A Tô, lần này cậu chết chắc rồi.” Tôi gào lên, nhưng A Tô đã kịp chạy qua tôi lên nhập bọn với tụi Minh Thư gần cuối lớp.

Tôi hất chậu nước vào A Tô, nhưng nó lại kịp tránh ra, lượng nước nhắm đến mục tiêu là A Tô trong nháy mắt ập thẳng vào mặt Khánh Nam. Tôi đoán Khánh Nam còn nuôt phải nước nữa vì nước từ chỗ tôi lao đến khi miệng Khánh Nam còn đang cười chưa kịp ngậm lại.

Từ đầu tới chân vốn đang khô ráo sạch sẽ của Khánh Nam chốc lát đã ướt hết từ chân cho đến đầu.

Khánh Nam đưa tay vuốt nước trên mặt xuống trong lúc A Tô ôm bụng lăn ra giữa sàn nhà ngập nước cười như điên.

“Hải Yến, cậu cũng chết chắc rồi…” Khánh Nam rít lên.

Thế rồi thay vì tới bến cùng A Tô, tôi với Khánh Nam lại trực chiến với nhau. Cái chậu nước, lợi thế chiến lược của tôi bị Khánh Nam cướp mất sau đó nhằm vào mặt tôi mà dội, tôi lại dùng chân khoát nước sang.

“Này, trả chậu lại cho tôi…” Tôi nói với Khánh Nam

“Cậu không định nghĩa được động từ “cướp” là gì à?” Sau đó Khánh Nam dùng chính cái chậu cướp được dội tôi tơi tả, khi Khánh nam cúi người múc nước, tôi lại chui lẹ đến chỗ Minh Dương với Minh Hiếu và túm lấy Minh Dương làm lá chắn.

Một chậu nước nhanh chóng ập đến chỗ tôi cùng Minh Dương. Cậu ta đứng chắn trước tôi nên ướt hết trơn. Tôi đứng phía sau cười ha hả.

“Hải Yến, cậu không được chơi bẩn.” Khánh Nam kêu thì kêu thế nhưng nước vẫn dội tới tấp.

Tôi đứng phía sau túm chặt lấy áo Minh Dương không cho cậu ta tránh ra.

“Này Khánh Nam...” Minh Dương chưa nói hết câu một ụ nước lại đổ vào nguyên cái mặt của cậu ta.

“Ha ha ha…” Khánh Nam cười sặc sụa khi Minh Dương vuốt vuốt nước từ trên mặt xuống.

Tôi chắc chắn là Khánh Nam cũng cố ý.

“Này, cái chậu của tôi .” Khánh Nam đơ ra nhìn chậu nước trống không mới nãy còn trên tay mình bị Minh Dương lấy mất. Cậu ta đã cướp được chậu nước từ Khánh nam.

Nước từ chỗ Minh Dương hất thẳng lên mặt Khánh Nam

“Ha ha ha, lần này cậu cũng toi rồi.” Tôi hất nước tới tấp lên người Khánh Nam.

Trong khi tôi với Minh Dương mải vùi dập thì ATô xông vào cứu cánh Khánh Nam.

“Này, Hải Yến, cậu ác quá.” A Tô vừa tránh nước vừa cự nự. Tôi cười nhưng vẫn liên tục hất…

Trong lúc cúi lên cúi xuống, tôi đạp vào đôi tông lào dị hợm đang bơi của Kiều Trinh hay dùng để đi thay thế cái đôi giày cao gót vĩ đại của nó.

Tôi trượt chân, toàn bộ người ngã ra phía sau mà không kịp bám vào thứ gì, chiếc chậu trên tay bay lên và đi xuống từ trần nhà…

Trời đất như chao đảo.

Và có lẽ chuyện sẽ chỉ dừng ở việc “tôi bị ngã” nếu như Minh Dương không đứng ngay phía sau và cả hai cùng đáp sàn nhà với nhau. Tôi ngã lên người Minh Dương. Ngoài làn nước ập vào người, tôi còn cảm nhận được thứ gì đó chạm mạnh vào má…

Tôi biết nó là thứ gì.

Minh Dương đã chạm vào má tôi… chính xác là đôi môi cậu ta.

Tôi lồm cồm bò dậy. Tụi kia xúm lại kéo chúng tôi đứng dây.

Sự cố thôi, tôi cố gắng trấn an mình,thế nhưng vẫn không dám nhìn Minh Dương.

Ào!!!

Mậu Hào từ ngoài cửa nhảy xổ vào dội vào cả đám. Rồi lại xối tới tấp vào tôi.

Tôi vừa lấy tay che mặt vừa nạt: “Mậu Hào, cậu có dừng lại ngay không.”

Nó vẫn không chịu dừng mà trưng ra cái điệu cười đu đủ của mình rồi lại tấn công tôi tiếp.

Mọi người lại cười ha hả tiếp tục quay ra cấu xé nhau, quẳng lại tôi với Minh Dương ngồi đơ ra.

_____o0o______

Mấy hôm sau, khi nước mưa trên những con đường rút hết, bầu trời được trả lại những tia nắng tươi đẹp. Tôi vác cái xác lờ đờ, ho khù khụ vì cảm lạnh đến trường. Hôm qua tôi đã phải uống hết hai liều thuốc cảm, không biết anh tôi có chơi đểu tôi không nữa, lão ta lấy cho tôi một mớ thuốc đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng làm tôi hoa cả mắt. Người xưa thường hay nói nấm càng nhiều màu sức rực rỡ thì càng độc, không biết có ứng nghiệm với thuốc tây không nữa, đặc biệt kẻ lấy thuốc lại là ông anh kiếp trước có mối thù diệt tộc ba đời ba kiếp với tôi.

Tôi vẫn uống, liều mạng uống, nhưng mà chỉ cần anh tôi ngó lơ là liền thảy vài nửa viên to to xuống gầm giường phi tang, bởi thế mà sau hai ngày tôi vẫn không khỏi cho dù Thanh Hải đã to họng cam đoan, chỉ cần hai liều này là tôi lại trở về với bầy đàn được rồi.

Lần này bị tôi chơi xỏ, hẳn phải sốc vì bỗng dưng tay nghề mình bị xuống lắm.

Tôi kệ, dù không khỏi thì tôi vẫn đi học, đó là điều có thể coi là sự kiện kinh dị nhất của năm với một đứa lười bẩm sinh từ trong từng AND- một tuần đi học sáu ngày, thì nghỉ tới bốn ngày như tôi. Tôi đi quyết tâm đi học thế này là để nhìn coi có đứa nào thê thảm như tôi không, và còn một chuyện khác nữa…

Nhưng cuối cùng chỉ có mỗi tôi là khù khụ với Vân Anh chỉ bị sổ mũi nhẹ, bọn kia thì khỏe như bò điên, ra chơi còn tụm nhau lại cười tôi. Nhìn nét mặt phởn đời như địa chủ được mùa của tụi nó với cái mặt chắc chắn là bơ phờ thảm hại của tôi đúng là một trời một vực.



Nhưng mà tôi biết, bọn nó cười thì cười thế thôi, nhưng mà vẫn rất quan tâm đến tôi, bằng cách này hay cách khác… rất đặc biệt.

Kể như Quang Tuy mon men đến gần tôi: “Cậu có cần về nhà không tớ đưa về.” Giọng điệu rõ ràng quan tâm. Chở tôi về, tất nhiên là chắc chắn sẽ chở ra khỏi trường và 200% là cậu ta sẽ vứt tôi đầu ngã ba và quay xe lạnh lùng chui vào quán net nào đó.

Tôi còn lạ gì cái kiểu chiếu cố đặc biệt của tụi nó, tiện tay ném một cuốn sách vào mặt Quang Tuy và đuổi cổ nó về chỗ. Cứ đứng một bên lải nhải lại thêm đau đầu.

Chuông báo vào tiết vang lên từ lâu mà lớp tôi vẫn đang còn đi lêu bêu ngoài hành lang, tất nhiên ngày thường tôi cũng thế, nhưng mà hôm nay đầu tôi đang trong trạng thái bay bay… bay cao… bay xa… bay mãi, còn tâm trí đâu mà chơi đùa, mà dù có muốn cũng chẳng lết nổi.

Và lớp “xổ lồng” thế này là vì không có ai cấm đoán nữa. Minh Dương gần đây… lạ, cậu ta không còn gò ép lớp theo những khuôn khổ nguyên tắc cũ rích hồi đầu năm, mà chính xác là từ trận bóng với 12 a1.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, lớp tôi lại càng được nước lấn tới.

Giờ ra chơi tiết hai, Phương Thúy phố biến kế hoạch văn nghệ mừng ngày kết hợp thành lập trường 16-11 và ngày nhà giáo 20-11. Tôi nhìn danh sách đang lần lượt được viết dưới nét phấn của con bé đó mà lòng thấp thỏm.

Giờ ra chơi tiết hai, Phương Thúy phố biến kế hoạch văn nghệ mừng ngày kết hợp thành lập trường 16-11 và ngày nhà giáo 20-11. Tôi nhìn danh sách đang lần lượt được viết dưới nét phấn của con bé đó mà lòng thấp thỏm.

Không có tên tôi.

Thề với cái danh sách trên bảng, bụng tôi đang lùng bùng nổ pháo ăn mừng mặc cho cái đầu còn lắc lư vì bị cảm.

Thế nhưng mặc cho tâm trạng vui mừng và cái đầu đang bay lơ lửng, tôi đứng dậy bày ra cái mặt buồn xo, có trời mới biết lúc đứng lên tôi chóng mặt đến mức nào, đầu cứ có cảm giác lâng lâng như đang bay. Giọng nói của tôi khàn khàn cộng với khuôn mặt đỏ bừng ngơ ngác vì ốm càng làm tăng thêm 15 % tính bi thương cho hoàn cảnh.

Tôi nói với Phương Thúy: “ Sao cậu lại lọai tớ ra.” Dù tôi đã biết tỏng lí do và vui mừng còn không kịp. Tính tôi hay đùa dai, ngay cả khi ốm đến mức đầu óc lơ lửng nó cũng giống như một loại bản năng. Tôi mơ màng thấy mặt Phương Thúy tái xám mặt đến tội. Tôi cũng không ý định đùa quá dai.

Nhưng ngay sau đó… tôi ngất. Ngất vì sốt quá cao. Tôi làm cả lớp được một phen hoảng hồn.

Sau đó nghe nói Minh Dương với mấy đứa khác cõng tôi đi phòng y tế. Sau đó nữa thì ông anh trời đánh nhà tôi đến rước tôi về và giờ thì tôi đang nằm chết dí ở nhà truyền dịch. Mấy chai điện giải đúng là truyền lâu muốn đổ thêm bệnh. Lâu lâu Thanh Hải ngó lơ là tôi lại dùng cánh tay trái vẫn còn rảnh rỗi của mình lăn lăn cái khóa truyền điều chỉnh lưu lượng dịch chạy lên nhanh thêm một chút cho chảy nhanh hơn nhưng cuối cùng vẫn bị Thanh Hải phát hiện ra và lăn nó về chỗ cũ.

Cứ như mắt cú vọ.

Tôi nằm yên trên giường, tay để ngửa đến muốn liệt luôn cả người nhìn tụi bạn đang loi nhoi trong phòng mình giả bộ thều thào.

“Còn chưa tan trường sao mấy người lại đến đây.”

”…”

“Thăm bệnh.”

“…Thăm bệnh” Tôi lặp lại lời A Tô với vẻ mặt không thể nào tin nổi.

"Ừ." A Tô gật lấy gật để cái đầu của nó.

“Đã là học sinh cá biệt thì thăm bệnh cũng phải cá biệt.” Mậu Hào tự chỉ vào mặt mình tự tin phán xanh rờn.

“Thế cho nên mấy người mới cúp tiết hai đến thăm bệnh tôi chứ gì.” Tôi hết còn tâm trạng giả bộ cái giọng thều thào như người sắp chết nữa.

Đúng là phúc phận ba đời của nhà tôi, được dành ra thời gian quý hiếm do tụi nó cướp giật được bằng việc cúp tiết nhằm mục đích duy nhất là viếng thăm quán net để thăm tôi. Có lẽ nào là phúc hưởng ké vì tuần nào mẹ tôi cũng lên chùa cúng vái.

Được vài giây cảm thán, Quang Tuy từ đâu nhảy vào: “Không, lúc nãy nó nói đến coi cậu đã chết chưa.”

“…”

Thanh Hải sau khi truyền điện giải thì rút kinh nghiệm không đưa thuốc viên cho tôi uống nữa mà dùng bơm tiêm, lại còn phải hù tôi bằng cái bơm tiêm bự thòi lòi 20cc mà thuốc chỉ có một tí tẹo teo phía dưới. Tôi nhìn cái bơm tiêm lấy thuốc mà phát hoảng, lão ấy nói đây là hình phạt dành cho tôi, ai bảo tôi không uống thuốc cho tử tế.

Tôi nhắm tịt mắt không dám nhìn cái bơm tiêm khủng bố đó.

Bọn bạn đều cười ra tiếng, đứa hay to mồm tuyên bố, không sợ trời cũng không sợ đất như tôi lại đi sợ cái kim tiêm. Cái bơm tiêm đó có nhỏ đâu.

A Tô còn ra vẻ an ủi: “Đừng sợ, không đau đâu tao từng thử rồi.” Sau đó lánh ra góc nhà che mặt cười.

Không đau con khỉ.

Tôi nghiến răng nhắm mắt, sau khi mở mắt ra thì tôi lại thấy Thanh Hải nhìn mình cười hết sức đểu. Tôi cảnh giác nhìn cái bơm tiêm để trên cái khay nhỏ phủ khăn trắng trên bàn học.

Cứ lần nào lão cười thế này là tôi cũng được dịp lên bờ xuống ruộng.

Lúc tôi rút kim truyền ra khỏi cánh tay thì tụi kia đã kéo nhau về hết, tôi cũng chẳng mời tụi nó ở laị mà có mời cũng chẳng đứa nào dám ở lại. Trong nhà ngoài tôi và ba tôi với anh tôi thì chỉ còn tôi là con gái mà trình độ nấu ăn của tôi thì đã được Thanh Hải kiểm nghiệm bằng chính dạ dày của mình. Qua lời đe dọa của lão ấy ai cũng biết nếu không muốn chết đói hay ngộ độc thì nên mở cửa tiếp đó rẽ phải và xuống cầu thang cuối cùng nhanh chóng xỏ dép ra về là tốt nhất. Nghe nói vậy đứa nào đứa nấy tự giác ra về mà không cần đuổi.

“Để thuốc đó, tí nữa về anh chích cho cô.” Nói rồi Thanh Hải đi ra theo bọn A Tô, rồi như nghĩ ra gì đó lão lại nhìn tôi cảnh báo “Đừng có mà phun ra bớt đấy, anh đánh dấu rồi.”

Tụi Mậu Hào nghe thế thì cười hẳn vào mặt tôi.

Mọi người ra về hết, chỉ còn Mỹ Tâm ở lại để nấu ăn cho tôi, anh tôi nhờ nó mới ở lại đấy, còn bình thường thì tôi có chết đói nó cũng mặc.

Nó ở lại tiện thể tuồn thêm vào tai tôi một đống chuyện nghe cứ như chuyện cổ tích. Nó kể là tôi ngất làm lớp một phen hỗn loạn, mấy đứa kia cúp học luôn tiết toán, Cô Mai Phượng chắc phải sung sướng lắm khi tôi không có mặt trong lớp.

Nghe nói lúc tôi ngất bổ nhào xuống, suýt tí nữa thì ôm ấp sàn nhà, may có Minh Dương kịp thời đỡ tôi rồi cõng tôi lên phòng y tế. Nó còn bảo, nghĩ sao chứ nếu phản xạ của Minh Dương không nhanh thì tôi đã ngã bêu đầu rồi.

Vậy là lúc tôi đứng lên tay đã vô tình quệt vào da Minh Dương nên cậu ta mới biết tôi sốt, còn da ở đâu thì tôi chịu. Thảo nào lúc đó tôi thấy man mát.

Nó bảo tôi phải cảm ơn Minh Dương. Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Nó lại nói tôi đang đánh trống lảng, tôi lảng cái gì chứ!!!!

Tiếng chuông cửa vang lên ba lần nhẹ nhàng.

Tôi nói với nó như vớ được cứu tinh: “Chắc anh tao về rồi đấy.” Mỹ Tâm mừng ra mặt từ trên ghế đứng bật dậy chạy xuống lầu mở cửa.

Khi bóng nó mất hút sau cánh cửa, tôi lại có cảm giác không phải là anh tôi. Con nhỏ đó thể nào chút nữa cũng lên xị mặt với tôi cho coi.

Mỹ Tâm xị mặt đi vào phòng, tôi biết mà, Thanh Hải chẳng bao giờ có thói quen bấm chuông lịch sự, nhẹ nhàng thế đâu. Mỗi lần đến cổng cũng không thèm xuống xe, cứ nhè còi xe mà bấm inh ỏi, chỉ khi nào không đi xe thì mới dùng đến chuông cửa, nhưng mà mỗi lần bấm chuông cửa là hàng xóm lại được dịp bịt tai chửi thề vì Thanh Hải cứ bấm liên tục, bấm liên hoàn, bấm tới tấp cho đến khi tôi điếc tai quá chịu xuống nhà mở cửa mới thôi. Cứ như trêu ngươi tôi vậy.

Thế nhưng người đi theo sau nó đi vào phòng tôi lại là Minh Dương.

Năm giây đứng hình vì bất ngờ.

Chắc là đến đây sau khi hết giờ, cơ mà tôi và cậu ta có khi nào thân thiết để đi thăm bệnh lần nhau chưa.

“Cậu nhầm nhà rồi?”. Sau khi nói câu này xong tôi lại có cảm tưởng như mình là trẻ con đang giận dỗi vậy.

Xuân Mai : “…”

Tôi thấy con bé nhổm lên định nói gì đó sau lại thôi.

“Chừng nào cậu còn nằm đây thì tôi còn chưa đi nhầm nhà.” Cậu ta đủng đỉnh nói với tôi.

“Thăm bệnh à?” Tôi hỏi cộc lốc.

Cậu ta không nói gì, chắc đang nghĩ tôi ngớ ngẩn. Đến nhà tôi lúc này không thăm bệnh thì còn làm gì.

“Vậy không đem gì đến à? Hoa, trái cây, kẹo bánh…” Tôi lại tiếp tục đòi hỏi. Tôi cũng chẳng hiểu sao mình lại ngớ ngẩn như trẻ con vậy.



“Cậu còn đòi hỏi được vậy thì chắc hết sốt rồi? Tôi xem nào!!” Minh Dương dí tay vào trán tôi một cách rất tự nhiên.

Tôi né đầu ra, cảm giác nơi cậu ta chạm vào vẫn tê rần. Mặt cũng nóng lên như lại phát sốt.

Chắc là tôi lại sốt tiếp rồi.

“Nhóc con, còn dám ăn lung tung à. Trưa nay ăn cháo đi.” Anh tôi từ ngoài cửa đi vào phòng vứt một đống thuốc trên bàn.

“…” Tôi nhìn đống thuốc đó còn hơn cả thấy thạch tín. Không phải là nói chỉ tiêm thôi sao, giờ lại thêm cả một bịch thuốc mới nữa, nghĩ sao mà nhét thuốc vào người tôi như nhét kẹo vậy nè.

“Ơ… ơ sao anh lại vào được đấy.” Mỹ Tâm nhìn Thanh Hải như nhìn ăn trộm.

“Cửa nhà mở mà.” Anh tôi bảo.

“Ôi thôi chết.” Con bé này chắc thất vọng vì không thấy người trong tưởng tượng nên quên đóng cửa. Tâm vội vàng chạy xuống nhà trước khi anh tôi kịp nói, anh đã đóng cửa rồi.

Lão ta kéo ghế mời Minh Dương ngồi rồi nhìn tôi kiểu, đón khách kiểu đó à.

Đón khách kiểu nào kệ tôi chứ, với lại có phải tôi mời cậu ta đến đâu. Tôi dùng chân đạp Thanh Hải đang ngồi xếp bằng trên giường mình một cái làm lão suýt lăn xuống giường.

“Dùng sức nhiều thì thuốc sẽ càng nhiều đấy.” Lão ấy đe dọa tôi.

Tôi ngậm bồ hòn với Thanh Hải và quắc mắt lườm Minh Dương đang cười tôi.

Mỹ Tâm từ dưới nhà bưng lên một cái khay khói bốc nghi ngút, nhưng tôi chẳng ngửi thấy mùi gì cả chỉ vì cái mũi đang nghẹt cứng.

Đến khi nó đặt khay trước mặt tôi, thì ra là một bát cháo. Tôi ghét nhất là ăn cháo.

Nhớ cái hồi bảy tuổi tôi ăn cháo cá bị hóc xương, mẹ cuống quýt đem tôi đến bệnh viện, hết bác sĩ này đến bác sĩ khác khám mà cái xương đó vẫn không ra, hồi đó mẹ cũng chẳng dư giả gì, nên bệnh viện cũng chẳng được ở tử tế, từ đó tôi cũng ám ảnh bệnh viện với bác sĩ. Sau đó phải tìm đến y học cổ truyền mới khỏi. Mẹ tôi cũng được mẻ hú hồn.

Sau này, lớn thêm một chút, khi đó tôi đã có đầy đủ một gia đình, nghe Thanh Hải nói muốn làm bác sĩ, tôi mừng ra mặt. Nhà có một bác sĩ, có bị ốm cũng không cần đến bệnh viện. Và cháo cũng bị tôi cho vào danh sách đen.

Tôi ngó bát cháo một cái chán chường rồi trệu trạo cầm cái muỗng múc vài cái, nhai nhai. Không hiểu vì bị ốm neen đắng miệng hay sao đó mà tôi thấy cháo đắng.

“Mày nhai cai gì đó.” Mỹ Tâm hằm hằm nhìn tôi. Khói đen từ sau đầu nó đã bốc thành cột.

“Cháo.” Tôi đáp. Cái mặt nó đã nén giận đến méo mó.

“…”

“Ha ha ha…”Anh tôi bò lăn ra giường, Minh Dương cũng nắm chặt lấy tay ghế xoay yêu quý của tôi cười.

“Anh tưởng cô đang nhai gạo sống chứ.” Lại đổ thêm dầu vào lửa.

Mỹ Tâm hầm hầm đi ra, trước khi ra còn đóng cửa rõ là mạnh.

“Con bé giận rồi, cháo đó đã hầm kĩ lắm rồi cô còn nhai cái nỗi gì?” Sau đó lão cũng phủi quần đi xuống nhà.

Minh Dương vẫn bám rễ ngồi tại chỗ “thăm” tôi.

Một lúc sau, khi đã ăn gần xong bát cháo mà Minh Dương vẫn chưa có ý định buông tha cái ghế thì tôi nhướn nhướn mày.

“Sao thế?” Minh Dương tỏ ra không hiểu ý tôi.

Tôi cáu: “Cậu thăm bệnh xong rồi thì về đi, không thấy tôi là con gái ở một mình trong phòng à.”

“Cô mà là con gái à, chẳng phải cô bị lệch một NST giới tính sao?” Thanh Hải dựa vào cửa xỉa xói.

Tôi vớ cái gối ném ra ngoài.

Anh tôi chụp lấy cái gối đáng thương rồi nói với Minh Dương: “Ở lại ăn cơm đi.”

“Vâng” Cậu ta gật đầu đồng ý.

Ăn cơm.

Tôi chen vào: “Ba đâu?”

“Anh bảo hôm nay có bạn cô đến nên đuổi ba sang nhà mẹ rồi.”

Mặt tôi há hốc ra nhìn Thanh Hải kéo Minh Dương xuống nhà ăn cơm không quên giới thiệu thêm một câu: “Mỹ Tâm nấu ăn ngon lắm.”

“Em cũng muốn ăn cơm.”

“Để tối nhé.” Thanh Hải nói oang oang.

“…”

Chắc chắn là đang cố ý chơi tôi, cả bàn thức ăn không cho tôi ăn mà kêu Minh Dương. Rõ ràng là kì thị ra mặt người bệnh tật như tôi.

Hai hôm sau tôi khỏe, và tất nhiên bị cưỡng chế đi học. Ba tôi bảo sắp thi học kì, chăm chỉ một chút thì hơn, kẻo mẹ lại có cớ mắng ba. Mắng gì chứ, ba muốn lấy lòng mẹ thì có.

Giờ tôi mới biết cảm giác gậy ông đập lưng ông là thế nào, tự dưng lại tự tay lấy cái quạt xanh đỏ lòe loẹt của đội múa đập vào mặt mình. Tôi méo cả mặt vì Phương Thúy có tinh thần tương thân tương ái vô biên, sau khi thấy tôi ngất lên ngất xuống như vậy thì tưởng tôi quá xúc động vì bị loại ra khỏi đội văn nghệ chào mừng thành lập trường nên đặc cách viết thêm tên tôi vào.

Minh Dương ngồi bên cạnh thấy vẻ mặt “không biết làm gì hơn” Phương Thúy và điệu bộ như nuốt nhầm phải kem đánh răng của tôi lại còn phe phẩy: “Thế cũng tốt, thêm một người đội hình sẽ đông hơn.”

Cơ mặt Phương Thúy giật giật, cơ mép tôi cũng giật liên hoàn, cho dù cho cậu ta cố ý chơi xỏ hay vì quá chí công vô tư như thế này là vì còn chưa thấy tôi… múa.

Tôi vặn óc nhớ ra cái tên bài hát năm ngoái mà đội múa tập. Hình như là Việt Nam quê hương tôi.

Ai tập múa với tôi lúc đó mới thấy sợ, đến tôi còn cảm thấy ám ảnh, huống chi lớp phó văn nghệ cầm lái như Phương Thúy.

Tôi nhớ, khi bọn kia tập được ba buổi tôi mới mò mặt đến, Phương Thúy đưa cho tôi một cái dải màu hồng hường mộng mơ bảo tôi đứng cuối nhìn theo mà tập. Đoạn đầu không sao, dù có bị tự ti khi đem so sánh những cánh tay dẻo như kẹo kéo của bọn kia và hai cánh tay cứ như hai cái kìm kẹp chặt lấy dây lụa vung tới vung lui thì vẫn ổn cho đến đoạn xoay xoay.

Bọn kia lần lượt xoay tròn theo vị trí, đến lượt mình, tôi cũng túm dải và xoay.

Xoay đến nỗi trời đất mịt mù.

Xoay đến mức di chuyển từ nơi này qua nơi kia, dải này quấn vào dải kia rồi kéo nhau ngã, đứa này đè lên đứa kia. Xui thay hôm đó Kiều Trinh lại có sáng kiến dung giá vẽ làm đạo cụ. Người đè người, người đè gỗ, gỗ đè người lộn nhào cả ra.

Nói chung phải nhìn thấy mới thấy sợ, sau khi chui ra được từ cái mớ dải rối tung thì đứa nào đứa nấy mặt xanh lè.

Sau đó con bé Kiều Trinh tuyên bố, nếu có tôi thì không có nó. Thú thực tôi chỉ đợi có vậy. Giả khóc một hồi, bỏ của chạy lấy người. Mà thực ra thì tôi đã thông đồng trước với Kiều Trinh rồi.

Bây giờ tôi giở bài cũ, đắm đuối nhìn Phương Thúy và xua xua tay: “Thôi, tớ không muốn làm khó Kiều Trinh đâu.”

Con bé Kiều Trinh lúc này đang trợn mắt với tôi, tôi nhìn nó bằng ánh mắt đáng thương biết lỗi, nó mới thôi nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống.

Cũng may nhờ áp lưc từ Kiều Trinh tôi lại một lần nữa bị loại ra khỏi đội văn nghệ.

Tôi lại nợ nó một chầu kem.

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện Đam Mỹ
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bay Về Miền Tinh Khôi

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook