Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 106: Trận Vườn Chuối

Nam Ngủ Yên

28/07/2021

Phải nói thật rằng tôi chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, ông nào cũng tự xưng mình là Xã Thần với Thổ Địa mà Thổ Địa thì nhà nào cũng có chẳng biết đâu mà lần, đêm hôm qua chị Ma có dặn không được sợ hãi, cứ phải tỏ ra bình tĩnh thì tôi cũng làm theo vậy thôi. Khi tôi trưởng thành, tôi học cách giữ bình tĩnh bằng cách lui lại phía sau và nghĩ chậm lại hơn một chút, tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng hãy suy nghĩ bằng cái đầu lạnh và hành động với một trái tim nóng, tuy đọc và nhớ rồi nhưng thi thoảng tôi vẫn hành động với một trái tim lạnh cùng một cái đầu nóng, dĩ nhiên là không phải làm với con người rồi.

Tôi không ghét người Trung Quốc hay người Mỹ, tôi chỉ ghét những người Trung Quốc, người Mỹ, người Pháp, người Hàn, người Nhật... nào đã đặt chân lên đất nước tôi với súng trên tay và lựu đạn giắt lưng. Khi tôi học cấp II tôi rất thích đọc các đoạn cha ông ta chống lại giặc ngoại xâm và buồn bã khi cha ông thất trận, tắm máu, giống như bao đứa con trai khác ở vào tuổi ấy thì những phim có bắn nhau có vẻ thu hút hơn rất nhiều so với phim tình cảm xã hội. Lúc tôi có nhiều hiểu biết hơn thì tôi lại ít đọc về những trận chiến mà đi tìm hiểu xem tại sao người ta lại phải làm như thế rồi tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều người đã cố gắng hết sức để ngăn cản chiến tranh xảy ra nhưng lại không thể tránh được, đôi khi họ phải trả giá bằng chính tính mạng của mình. Chiến tranh chẳng có gì tốt đẹp vì sau cùng thì người nông dân vẫn chịu hậu quả thê thảm nhất: Nghèo đói, gia đình ly tán, mất vợ con hoặc mất chồng... Cho nên tôi cũng có một chân lý cùn như này: "Chỉ có kẻ yếu mới dùng nắm đấm để nói chuyện". Theo chân lý này thì tôi dĩ nhiên là một người rất mạnh, nhưng là mạnh mồm thôi chứ nắm đấm của tôi chưa tung ra với ai bao giờ, bàn tay của tôi thì duy nhất mới dùng một lần để tát người khác, tôi không cảm thấy có lỗi vì đã tát người ấy vì bản thân tôi nghĩ mình đã làm đúng chừng mực.

Tại sao tôi gọi người Tàu mà không gọi là người Trung Quốc thì cũng xuất phát từ việc những người lớn trong làng gọi như vậy, đặc biệt là những câu chuyện bà Già hay kể thậm chí như chị Ngọc Hoa cũng nói nên thành ra tôi quen. Sau này tôi hay gọi đích danh là nhà Minh, nhà Thanh hoặc quân Tống chứ không gọi là người Tàu nữa, hiểu biết nhiều thì cách gọi cũng thay đổi là vậy. Anh cột chèo với tôi là người gốc Quảng Đông, bố mẹ anh ấy thì giữ lại rất nhiều “chất” của Tổ tiên và năm nào hai bác ấy cũng mừng tuổi cho cả nhà tôi, có năm đến cả Triệu đồng một người. Tôi không thay đổi quan niệm về người Trung Quốc vì được cho tiền nhiều mà là vì trong quá trình đi ngang đi dọc làm ăn buôn bán thì tôi hiểu rằng tại sao họ lại trở thành một đất nước lớn mạnh nhanh như vậy.

Tôi cũng từng hỏi bà Già là tại sao lại gọi họ là người Tàu thì bà tôi bảo nghe các cụ nói họ đi tàu từ hướng biển vào thì gọi như vậy, tôi chẳng biết đúng hay sai cũng giống như bây giờ tôi kê khai mình là dân tộc Kinh nhưng tôi chẳng thấy lịch sử Việt Nam mình có dân tộc Kinh từ khi nào, có thể đó là từ gọi tắt để chỉ những người sinh sống ở Kinh Đô nhằm phân biệt với những người Thượng sống ở miền núi mà thôi.

---

Tôi đi học vừa về qua cửa nhà thì thấy trong sân nhà có một cái xe Cub đang dựng, tôi đoán là có khách, vừa đạp xe vào đến sân thì thấy bà Già đi ra mắt đã đỏ hoe, quần áo chỉnh tề và xách theo cái túi cước màu xanh.

- Cháu chào... bác ạ!

Tôi chào người đàn ông đang đứng cạnh bà vì trông lớn tuổi hơn bố tôi, mặt vuông chữ điền, tóc húi cua và mặc cái áo bộ đội đã cũ.

- Đây là thằng lớn nhà anh Tr. hả bà?

- Đúng rồi, thằng lớn đấy, nó ở nhà với tao.

- Gọi là chú, chú tên là chú Quỳnh nhé!

- Dạ, cháu chào chú Quỳnh! – tôi quay sang nhìn bà – Bà định đi đâu hay sao?

Bà tôi chưa kịp trả lời thì chú Quỳnh bước xuống sân vỗ vai tôi và nói.

- Chú lên đón bà về dưới nhà, em trai bà vừa mất sáng nay...

- Ơ!... – Tôi không biết phải nói gì cả.

- Cháu có ở nhà một mình được không? Có khi bà phải ở dưới đấy ba ngày.

- Dạ, được ạ! - tôi nhìn bà Già và gật đầu – Cháu từng ở nhà gần nửa tháng rồi nên không sao đâu chú, nếu chuyện gấp thế thì chú chở bà cháu đi luôn cho sớm ạ!

- Ừ, chú cũng hối bà mày mãi nhưng bà cứ nhất định bảo phải nấu cơm xong rồi chờ mày về xong mới đi! – chú Quỳnh giải thích – Bà mày là chú gọi bằng cô nhá, bố chú là em ruột, mấy lần chú ghé chơi vào buổi sáng mày đi học nên chú không gặp lần nào.

- Vâng ạ!

Chú Quỳnh quay xe máy ra và chờ bà tôi leo lên, tôi vội xuống xe đỡ cho bà và nói vài câu cho bà yên tâm.

- Bà không phải lo, bà đi xong việc rồi về không cần bận tâm đâu, cháu tự lo được mà!

- Tao cũng có dặn cô Thu là thi thoảng qua nhà ngó nghiêng rồi, chìa khóa tao cũng gửi bên đấy để có gì cô ấy còn nấu cơm cho mà ăn!

- Thôi bà cứ đi đi, cơm cháu tự nấu được sao lại phiền cô ấy làm gì, có mấy ngày thôi mà!

- Tiền tao để dưới chiếu đầu giường lấy mà mua thức ăn, đừng có mà ăn linh tinh!

- Cháu đầy tiền!

Tôi cúi đầu chào chú Quỳnh để chú ấy chở bà đi chứ để bà dặn dò chắc lại thêm vài phút nữa, tôi biết thừa vì tôi và gia đình mà bà cũng đã hy sinh nhiều thứ cá nhân, đến em trai mình mất mà cũng phải cố nán lại dặn dò tôi vài điều thì mới yên tâm đi cho được.

Tôi có hai bà nội, như mọi người đã biết, và trong gia đình ai cũng biết tôi dành tình cảm nhiều hơn cho bà Già giống như bù đắp lại bao nhiêu tình cảm bà đã lo lắng, nuôi nấng tôi khi còn nhỏ. Hàng tuần, mỗi khi tôi về quê đều mua quà bánh, cũng chẳng có gì đặc biệt, đôi khi là mấy cái bánh đa hoặc hộp kẹo, bánh bích-quy... để hai bà ăn trong lúc xem Tivi còn trước khi đi lúc nào cũng biếu hai bà tiền, lúc nghèo khó thì mỗi bà dăm chục, lúc khấm khá hơn thì mỗi bà Một triệu... nhưng kiểu gì lúc bà Trẻ không chú ý tôi sẽ dúi thêm cho bà Già một ít, chả nhiều gì, đôi khi chỉ là tờ Hai chục nghìn hoặc Năm chục nghìn và dặn đừng nói với bà Trẻ. Hai bà sống cùng nhau khoảng 15 năm, trong khoảng thời gian đó bà Trẻ quản lý tiền bạc và lo ăn uống, nấu nướng, bà Già không phải làm gì nhiều nữa nên tiền con cháu cho bà cứ tích cóp lại rồi gửi con gái, đến khi bà Trẻ biết được thì tị nạnh, cả nhà ai cũng cười, cứ con cháu về là hai bà kể tội lẫn nhau.

Mấy năm trước có một dạo bà Già ốm nặng nằm một chỗ cả năm trời thì các cô phải tìm người giúp việc chăm cho hai bà. Chị giúp việc đầu tiên thì trẻ, tính tình hơi tưng tửng sớm nắng chiều mưa trưa sương mù rải rác nên không khéo chăm. Có một lần vợ tôi tranh thủ đi công tác ghé về thăm hai bà và ngủ lại một đêm, cô ấy cũng ngủ cạnh bà Già còn chị giúp việc ngủ cùng bà Trẻ. Người ốm nằm lâu ngày nên giường chiếu cũng có mùi ngai ngái của nước tiểu nên vợ tôi thay chiếu, tắm rửa cho bà sau đó ngồi tỉ tê hỏi chuyện thì mới biết chị giúp việc chăm không đến nơi đến chốn. Vợ tôi gọi điện cho tôi mà khóc nức nở, cô ấy kể rằng trên đầu bà Già còn có chấy nên bà hay gãi, bà cũng không muốn phiền đến người giúp việc nên chị ấy cũng lơ là. Tôi hiểu tính bà Già nhưng khi nghe vợ tôi nói mà tức lộn hết cả ruột bởi vì ngoài tiền lương bố và các cô trả hàng tháng thì tôi vẫn cho thêm chút ít gọi là bồi dưỡng. Lần nào gọi về hỏi bà thì bà cũng nói tao khỏe, nghĩ đến cảnh bà mình có chấy trên đầu thì tôi muốn phát điên. Vợ tôi sau đó đã dùng cái kéo sắt trước tôi hay dùng cắt giấy để cắt mái tóc bạc như cước của bà thành ba phân rồi tắm rửa cho bà Già sạch sẽ. Tôi nhớ vợ tôi kể rằng bà vui lắm, nét mặt rạng rỡ hẳn, sau đận ấy thì cô tôi tìm một bác giúp việc khác khoảng gần 60 tuổi, hoàn cảnh cũng neo đơn. Lúc tôi gặp bác ấy lần đầu thì bác ấy hơi dè dặt, kiểu người phụ nữ đã trải qua nhiều khổ cực thăng trầm dễ mặc cảm nên chẳng dám nhìn người khác thẳng mặt khi nói chuyện mà cứ cúi xuống đất. Bác này thì chăm hai bà rất cẩn thận vì thế bà Già mau khỏe, tôi ít nhiều cũng cảm thấy biết ơn.

Sau này gặp nhiều lần thì tôi bảo bác cứ coi tôi như con cháu là được chứ đừng có ngại, bây giờ bác ấy vẫn chăm sóc cho bà Trẻ của tôi, bác ấy là một người phụ nữ có hoàn cảnh tội nghiệp khi người con trai duy nhất đang học trường Hải quân ở Nha Trang thì chết đuối, mỗi lần nghĩ đến việc đấy tôi chỉ biết thở dài.

Nói gì thì nói tôi cũng là đàn ông nên một số việc tôi không thể tinh ý bằng phụ nữ được cho nên sau này mấy việc liên quan đến chăm sóc gia đình thì ý kiến của vợ tôi là quyết định cuối cùng, tôi biết cô ấy luôn muốn tốt cho tôi giống như người phụ nữ đã dành ¼ quãng đời sau cùng của mình để quan tâm, chăm sóc cho tôi từ lúc lọt lòng cho đến khi lấy vợ. Cuộc đời của tôi thật may mắn vì nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhiều người phụ nữ, nhưng mẹ tôi thì luôn quan tâm đến tôi một cách khác biệt nhất, chả giống những người còn lại.

---

Buổi chiều của tôi trôi qua cũng chậm chạp, tôi cứ hết nằm lại ngồi và chỉ có con Mực là bạn, cũng có một lúc đám thằng Lâm hàng xóm qua ngồi chơi tán dóc rồi rủ tôi đi đá bóng nhưng tôi không đi, nếu có bà ở nhà thì tôi sẽ không từ chối. Cái tính kỳ lạ của tôi cũng di truyền sang thằng con, nếu tôi ở nhà thì nó đi chơi đâu cũng được, nhưng nếu tôi vắng nhà dài ngày thì mẹ nó – tình yêu của nó – có muốn đi siêu thị hay ăn ngoài cũng khó khăn. Nó sẽ đòi ăn cơm ở nhà và chơi ở nhà không đi đâu hết, cứ mỗi lần vợ tôi kể như thế tôi lại cười và nhớ lại chính mình trước đây mỗi khi bà Già vắng nhà.

Màn đêm buông xuống, tiếng côn trùng kêu từ những ao chuôm xung quanh nhà vọng lại, tối cuối tháng chỉ có sao trên trời. Thú thật là tôi cũng hay nhìn trăng nhìn sao khi còn nhỏ nhưng tôi không hiểu gì. Vào những đêm trời quang thì tôi hay nhìn thấy một chòm sao mà sau này người ta gọi là chòm Bạch Dương, sau này thì tôi lại hay nhìn thấy chòm Xử Nữ, cũng có một đợt tôi có tìm hiểu về các chòm sao nhưng càng đọc càng đau đầu nên tôi bỏ qua và cũng quên đi.

Tôi ngồi ngoài thềm nhà, lưng dựa vào cái cột xi măng đã tróc lở nhiều phần bên ngoài, hướng mắt nhìn ra cửa, trong nhà thì điện tôi đã tắt và chỉ còn ánh đèn dầu hắt ra, con Mực nằm cuộn tròn bên cạnh từ nãy bỗng nhiên đứng dậy rồi đi vào trong nhà nằm, tôi vừa ngoái nhìn theo thì đã nghe tiếng gió thổi vi vu qua tai kèm giọng nói quen thuộc.

- Ở nhà một mình buồn quá hả?

Chị Ma xuất hiện gần ụ rơm và tiến lại gần chỗ tôi đang ngồi, tôi liền đứng dậy.

- Em trai bà em mất nên lúc trưa có một chú đến đón.

- Ừ, chị cũng mới tạt qua đám ma ấy rồi về đây, ông cụ bệnh tuổi già, mới có 72 tuổi.



- Em ruột của bà em, em chưa gặp ông ấy bao giờ! – Tôi bổ sung thêm.

- Bà em tính cũng cố chấp lắm đấy! Thấy mấy lần con cháu lên đón xuống chơi có chịu đâu, cỗ bàn thì sáng xuống sớm thì chiều đã đòi về rồi!

- Tại bà không yên tâm khi em ở một mình... Chị ngồi đi!

Chị Ma nhẹ nhàng ngồi xuống bên bậc tứ cấp, tôi chưa bao giờ thấy chị ấy ngồi trên hiên nhà, có lẽ còn nhiều kiêng kỵ, vì thế nên tôi cũng ngồi xuống bậc thềm để nói chuyện, tôi không biết người khác có nhìn thấy chị ấy rõ như tôi không nhưng tôi lại thấy rất rõ dù trời không được sáng trăng.

- Sáng hôm nay ở lớp em có ngủ gật nên mơ rất lạ... – tôi bắt đầu câu chuyện – Em mơ thấy mình gặp hai người, một già một trẻ mà ai cũng xưng là Xã Thần cả, chẳng biết như nào.

- Chị cũng chẳng rõ lắm, có hỏi lão Xã Thần của làng này nhưng lão ấy cũng chả đi đâu mà biết, đất của làng đến đâu thì lão trông coi đến đó, rất chăm chỉ và an phận. Trong hai người đấy chị tin Xã Thần là người già vì chị chưa gặp Xã Thần trẻ bao giờ, chị đi đến đâu cũng phải báo với người ta chứ không phải thích là vào nên gặp nhiều thì chị biết!

- Người trẻ ấy có nói rằng về nhà nhắn gia đình lo hậu sự, nội trong ba ngày sẽ có người đến bắt đưa em đi.

- Chị thách cả nhà nó! Sai nha đêm hôm đi làm việc bắt người thì em cứ ở nhà, sau giờ gà lên chuồng thì đừng có ra khỏi cổng là được, để chị xem đứa nào dám bước chân vào đây. Cứ cho là chúng nó có trình giấy với Xã Thần thậm chí cả Thành Hoàng làng thì cũng phải xem đất này là của ai chứ! Đất này được mua đứt cho chị rồi, thích thì chị tự phong làm Thành Hoàng đất này luôn, muốn quấy thì cứ mang thiên binh vạn mã đến mà quấy!

- Nhưng có sao không chị? Chị là con gái nhỡ đâu họ đông người làm bậy thì sao? Em cũng hơi lo việc sẽ bị bắt đi giống như bà Th. hôm nọ ấy!

- Bắt người còn sống đi hỏi tội em tưởng là dễ à? Kể cả nó có tiền đút lót để ép em thì chị đây cũng có nhiều tiền hơn, còn nếu phải đánh nhau thì chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng... Ở đất này chị không sợ ai! Nếu số em đã tận thì chị chẳng làm gì được nhưng số em chưa tận, làm bậy là có đứa mất mũ như chơi chứ đùa à? Làm sai nha hay quan cũng phải có tiền đấy, đức độ chưa đủ đâu!

- Mà chị, sao cái ông già trong mơ, tự xưng là Tô Phúc Nguyên em thấy giống ông ăn mày hơn, có khi ông ấy là giả cũng nên...

- Chị bảo rồi!– chị Ma lắc đầu – Mấy lão ấy rảnh thì chỉ có chơi cờ với uống rượu chứ làm gì, cứ lơ là công việc bảo sao người sống người ta hay đào trộm cái này, cuốc trộm cái kia.

- Thế cái miếu đất chị tính như nào?

- Phá! – chị Ma kiên quyết – Sắp tới chị biết mấy làng bên sẽ có hội hè linh đình, những ngày đó thì các vong, các Xã Thần lớn bé, Thành Hoàng ... ông nào cũng no say vì mâm cao cỗ đầy, họ sẽ mất cảnh giác. Em tìm hiểu thử thời gian người ta tế lễ ở đình như thế nào rồi lựa thời gian đó đổ nước tiểu rồi đập vỡ bát hương là xong, nếu tiện chân thì đạp cho đổ vài chỗ hoặc làm vỡ mái ngói, bát hương vỡ thì cái miếu đó vô dụng.

- Sao thế ạ?

- Miếu không có tượng thì bát hương có thể xem là nơi trú ngụ, bát hương thì chắc chắn phải cất bốc từ chùa chiền và có lễ giống như hô thần nhập tượng chứ không phải thích là có, em hiểu không?

Tôi gật đầu, cái này thì tôi hiểu phần nào bởi vì bát hương trên ban thờ nhà tôi tuyệt nhiên không được phép di chuyển hay đụng chạm đến, bố tôi đã dặn rất nhiều lần và bà Già cũng từng nói với tôi như vậy, chỉ đến buổi chiều 30 Tết thì bố tôi mới rút chân hương để lại vài cái rồi đem đốt những chân hương đã rút ra còn ban thờ thì lau dọn sạch nhưng bố tôi cũng dặn là nếu đang làm ăn thuận lợi thì cũng không nên dịch chuyển bát hương vì dễ bị động, điều này tôi luôn ghi nhớ.

Tôi chú ý rằng bát hương thường vẽ hình hai con rồng cùng chầu vào viên ngọc nên tôi luôn căn chỉnh cho viên ngọc đó ở vị trí chính giữa, từ nhỏ thì những bát hương tôi thấy đều là màu trắng hoa văn xanh nhưng sau này ở nhà tôi thì tôi đổi thành màu trắng hoa văn vàng cho hợp mệnh với bản thân mình và nhìn ban thờ Thần Tài – Thổ Địa trông sáng hơn.

- Sao chị không đến đình bên đó xem người ta tính toán ra sao?

- Đình là chị không được đến gần, chỉ đứng từ xa xem được thôi vì chị là nữ, chùa chị cũng không vào được, trừ khi chị có được tên tự ở chùa.

- Nhưng chị là Công chúa cơ mà?!

- Công chúa cũng không phải thích làm gì thì làm, thế thì loạn hả? Nếu chùa đó có thờ Công chúa thì đấy là một câu chuyện khác, còn chị là Công chúa gốc dân gian, chả phải dòng dõi hoàng tộc, lúc chết cũng chẳng ai biết thì chỉ có ra đường mới mạnh mồm được thôi! – chị Ma vừa nói vừa cười khúc khích – Với những Công chúa nhà hoàng tộc chị không là gì nhưng với những người không là gì thì chị lại rất cao sang.

- Em chả hiểu chị nói gì... – Tôi nhăn mặt cười.

- Chuyện con gái, không cần hiểu!

Câu chuyện giữa tôi và chị Ma bị cắt ngang vì cổng tre nhà tôi bất chợt bung ra đánh soạt một tiếng, tôi ngẩn người chưa hiểu chuyện gì thì từ ngoài cổng gió mạnh thổi ào vào như có bão, con Mực trong nhà tự nhiên rên ư ử như đang lạnh.

- Không việc gì phải sợ, em cứ ra xem là ai, tuyệt đối không được bước chân ra khỏi cổng!

Tôi hít một hơi thật sâu để lấy bình tĩnh rồi bước xuống sân, hai chân tôi cũng hơi run còn hai bàn tay thì nắm chặt lại như nắm đấm, gió thổi rát cả mặt như bão cấp 6 đang tràn qua nhà khiến tôi phải nheo mắt và khom người chạy ra cổng, trước mắt tôi cánh cổng tre đã bị gió thổi dạt hẳn sang một bên giống như có người mở rộng cổng vậy nhưng sau đó gió giảm dần rồi chỉ còn thổi những cơn thật nhẹ.

- Lão Thổ Địa nhà này dám chống đối? – Văng vẳng đâu đó có tiếng quát vọng đến.

- Thật lòng tôi không có chống đối, mong cái ngài lượng thứ!

- Lão già, lão dám cả gan chống lệnh quan trên, có muốn thành ma đói đầu đường xó chợ hay không? – Một giọng khác hằn học, tôi nhìn quanh nhưng không thấy ai.

- Thưa đại nhân, tôi chỉ làm trách nhiệm của mình là trông coi điền địa cho gia chủ, nếu các ngài có việc công mà đến thì phải có giấy của làng ạ!

- Giấy của làng có to bằng bọn ta không? Ngươi muốn bao che cho người ở đây có đúng không? Bọn ta đây là sai nha trên phủ cử xuống, bọn ta chính là giấy tờ ngươi hiểu chưa? – một giọng khác nữa có vẻ rất lớn lối nghe chừng là tai to mặt lớn – Xã Thần của làng này gặp bọn ta còn phải kính nể ba phần thì nhà ngươi là cái thá gì?

- Không phải nói nhiều! Chỉ là một lão Thổ Địa trông coi đất nhà, xông vào đập cho lão ấy một trận rồi bắt người! - Một giọng khác hùa vào.

Gió mạnh lại rít lên từng cơn, nhiều cây chuối trong vườn gần cổng ngả nghiêng, lúc này giọng chị Ma từ phía sau vọng đến bên tai tôi.

- Đứa nào cả gan đặt chân vào đất này thì ta sẽ đánh gãy chân, nếu vào được đất này mà còn hồn phách trở về, ấy chính là chuyện lạ!

- Đứa nào dám hỗn láo? Bước ra đây! – Giọng nói như quát lên, tôi nghe chói tai.

Chị Ma hiện hình ở phía trước tôi chừng hai sải tay chếch về bên phải, hai tay chị ấy để ra phía sau và hình như tôi thấy thấp thoáng có cái gì đó giống như một thanh gươm, nhưng chắc không phải vì tôi chưa thấy bao giờ, có thể là tôi nhìn nhầm.

- Ta đây! Các người là ai mà dám đến đất của ta làm loạn?

- Chỉ là một con ranh vắt mũi chưa sạch!



Ngay sau giọng nói có phần khinh miệt ấy thì tôi thấy trước cổng nhà mình hiện ra cái bóng của ba người mờ mờ ảo ảo, nhân ảnh không rõ ràng nhưng xem chừng là bóng ba người đàn ông, cao chừng hơn Một mét rưỡi và trên tay mỗi cái bóng đen ấy đều cầm một thứ giống như ngọn lao cao, đầu họ có đội cái nón nhỏ nhỏ nhưng tôi không nhìn ra là cái gì, tranh tối tranh sáng thật là khó phân biệt.

- Mấy đứa mày gọi ai là ranh con? Nhìn quần áo chúng mày mặc thì cũng chỉ là hạng tép riu, có râu chưa?

- Con ranh bố láo! Mày dám...

- Dám cái gì mà dám? Ta chẳng thấy đứa nào có râu thì chúng mày đúng là dạng vắt mũi chưa sạch!

- Con ranh này từ đâu ra đây? Đánh cho nó một trận luôn đi anh! – một bóng đen đứng bên phía trái, tôi đoán như vậy vì âm thanh bên tai trái tôi nghe rõ hơn tai phải – Để lần sau nghe danh anh em mình là nó cụp đuôi như một con chó cái.

- Đánh nhau thì cũng được thôi nhưng ta khuyên chúng mày nên gọi thêm người. Có ông Thổ Địa ở đây ta nhờ làm chứng, Thổ Địa thì không nói dối bao giờ!

- Cô muốn tôi làm chứng điều gì? – Giọng ông Thổ Địa lẩn khuất đâu đó tôi không thấy.

- Nhờ ông làm chứng cho, nếu ta có chặt chân hoặc đánh tan hồn vía đám nhãi này mà quan trên có hỏi thì nhờ ông nói đúng giúp, không thêm không bớt nửa lời!

- Vâng, điều này không có gì khó! – Ông Thổ Địa đáp lời chị Ma.

- Ô, xem kìa, con ranh con ở đâu xía vào chuyện của chúng ta, đừng nói mày là bà cô Tổ nhà này nhé con kia!

- Ta không có diễm phúc làm bà cô Tổ của nhà này, nếu mấy đứa mày động vào con cháu của bà ấy thì hẳn là giờ này phải đốt đuốc tìm răng rồi chứ không đứng ở đây mà nói chuyện được đâu nhãi con!

Sau khi chị Ma nói thì tôi nghe thấy nhiều tiếng cười khoái trá liên hồi, những điệu cười đầy ý chế giễu.

- Trước khi đánh nhau, ta muốn biết các ngươi đến đây làm gì? Thổ Địa nhà này chưa nhận được tin tới bắt người như các ngươi nói, có khi nào nhầm nhà không?

- Không đời nào! Chúng ta đến đây để bắt người nam đích tôn tên N., con cháu nhiều đời của nhà họ Lý, sinh vào giờ X, ngày Y , tháng Z, năm Giáp Tý. Có nhầm không?

- Đúng là nhà này có một thằng bé như thế! – Chị Ma khẳng định.

- Vậy là không nhầm, có phải chính là thằng bé đang đứng sau lưng nhà ngươi ?

- Đúng nó, thì làm sao?

- Ngươi thân nữ nhi ta không chấp! – bóng đen, tôi tạm gọi là đại ca, đứng giữa lên tiếng – Tránh ra để quan sai làm việc khỏi phiền phức bản thân!

- Mấy cái thằng lùn này! Mở mồm ra là quan sai, quan thì giấy tờ của chúng mày đâu?

- Aaaa...., con này bố láo bố toét! Ông mày không chấp thứ đàn bà to mồm, mau cút ra!

- Ê, mấy thằng lùn, nếu chúng mày không trưng giấy tờ ra nghĩa là quỷ giả dạng quan binh làm điều càn quấy! Chúng mày có giỏi thì vào đây mà bắt thằng bé, nó chính là đứa chúng mày muốn bắt đi đấy!

Tôi nghe chị Ma nói giọng thách thức gợi đòn như thế thì lạnh toát cả người, tôi thở gấp và mở to mắt căng tai ra, nếu đám kia mà vào thì tôi phải nhanh chóng kêu người tới cứu thôi, chị Ma là con gái sẽ bị chúng đánh cho hồn siêu phách lạc. Con gái một đánh một với con trai đã khó huống chi đây là ba người, tôi thì vô tích sự ở khoản này rồi, trong giây phút ấy tôi loay hoay chưa biết nên làm gì trước: "Đọc khẩu quyết - Ở lại giúp đỡ chị Ma" hay là "Bỏ chạy – Đọc khẩu quyết – Quay lại giúp đỡ chị Ma".

- Nào mấy con quỷ lùn, lại đây chị dạy cho chúng mày một bài học!

Chị Ma lên giọng khích tướng, quả nhiên ba bóng đen kia nhào qua cổng nhà tôi rất nhanh, tôi thấy chị Ma lùi lại phía sau mấy bước, nhìn thấy như vậy tôi đã quyết định rằng mình sẽ co giò bỏ chạy vào nhà, vừa chạy vừa đọc khẩu quyết là thoát. Khi tôi chuẩn bị quay lưng chạy thì hơi sững người lại vì chị Ma không phải lùi bỏ chạy mà dường như cố ý dụ mấy cái bóng đen kia vào trong đất nhà, ngay khi những bóng đen ấy nhào tới phía tôi thì tôi thấy loáng lên một vệt sáng cùng tiếng gió rít mạnh đến buốt tai, tôi không kịp hiểu chuyện gì chỉ nghe thấy sau đó là những tiếng thét rống ghê rợn khiến tôi phải nhăn mặt, mấy cái bóng đen đang lao về phía tôi cùng những cơn gió thì khựng lại.

- Con điên... Con ranh con nó đã chặt đứt chân em rồi!!!

Tôi nghe thấy lời đó là khắp mình mẩy lông tơ dựng đứng hết, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến tôi không thể nhúc nhích, cái gì mà chặt đứt chân... Ai chặt? Chị Ma làm thế thật ư?! Tôi tưởng chị dọa.

- A! Con ranh con này có nghề, để tao! – Giọng nói của đại ca nghe là khác hẳn, gió vần vũ xung quanh khiến tôi nhìn cảnh vật mờ ảo.

- Chúng mày đã phạm sai lầm chết người khi nghe lời người khác xúi giục vì vài đồng bạc lẻ, như ta đã nói trước, chúng mày đã vào đất này rồi, nếu còn con cháu thì ngay ngày mai thôi chúng nó sẽ quên ngày giỗ, quên cả tên chúng mày. Đám ngu ngốc!

- Xông lên!

Tôi nghe tiếng gió rít mạnh, nghe lẫn cả tiếng binh khí va chạm vào nhau, đôi lúc thấy lóe lên một tia sáng rồi tắt, gió không còn thổi mạnh ở cổng nữa mà đã xoay tròn như lốc xoáy ở vườn chuối trước nhà. Tôi nghe có tiếng kêu thét kinh hãi, cả người tôi run bần bật vì khiếp đảm, mũi tôi lại ngửi thấy mùi máu tanh lợm giọng, tôi chưa được chứng kiến cái cảnh nào quỷ dị như vậy kể cả lần ở Cầu Khoai hay lần ở cánh đồng sau chùa. Tôi không biết là chị Ma có bị làm sao không vì những tiếng thét lẫn trong gió gào không thể phân biệt nổi.

Một lát sau gió giảm đi và mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên, tôi phải thở mạnh ra mấy lần vì không muốn ngửi mùi ấy, bỗng nhiên tôi cảm thấy một luồng gió mạnh thổi hất ngã mình xuống đất, tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã nghe thấy tiếng nói từ xa vọng lại.

- Con điên, mày đợi đấy!

Tôi nằm ngửa trên đất, thật chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra nên ngơ ngác nhìn quanh, không có bóng người nào sau đó chợt nghe tiếng chị Ma vọng đến từ vườn nhà.

- Dựng cổng tre lên mà buộc lại đi, một đứa bỏ chạy hai đứa đã tiêu tán. Em vào nhà lấy rượu rải ra khu vườn chuối ngay, nhanh lên!

Ngay sau đó mọi thứ yên ắng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, tôi lồm cồm bò dậy và nghe đâu như có tiếng bước chân người nên giật mình nhìn ra cổng.

- Gió to quá, tí thì bếp nhà tao tốc mái!

Thằng Lâm đang đứng trước cổng nhà tôi, tôi thở phào phủi tay đầy đất.

- Công nhận, như có lốc ấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook