Cuộc Đời Thật Hạnh Phúc

Chương 34: Thở dài 1

Giảo Giảo

25/03/2017

Khi rời khỏi công viên trò chơi đã là chiều muộn, mặt trời ngả về Tây, chút nắng cuối chiều như dán lên mặt đất phản xạ tới, kéo bóng dáng và cả niềm vui của hai người ra thật dài. Triệu Sơ Niên liếc nhìn đồng hồ rồi nói: “Cảm ơn em đã mời tôi đi chơi hôm nay. Về nhà tôi được không? Tôi nấu cơm, thế nào? Ăn xong tôi đưa em về!”

Mạnh Đề nhớ đến lần đầu tiên tới nhà anh mình đã không nói gì mà chuồn mất, sự áy náy lập tức trào dâng đành cười gật đầu: “Được ăn cơm miễn phí dĩ nhiên em không có ý kiến gì. Thầy Triệu, cảm ơn thầy đã dẫn em tới đây, hôm nay em chơi vui lắm ạ!”

“Thế là tốt rồi!” Trên mặt Triệu Sơ Niên hoàn toàn là sự vui vẻ khó kìm nén, “Chúng ta đi siêu thị trước đã nhé?”

Dọc đường đi ra cổng công viên, hai người trò chuyện rất hào hứng, Triệu Sơ Niên hỏi cô thích gì, không thích gì một cách rất cẩn thận và kỹ lưỡng, bên cạnh đó, Mạnh Đề lại không phải người kỹ tính, cô nói: “Gì cũng được, không cần lo cho em đâu!” Triệu Sơ Niên đang định lên tiếng thì điện thoại di động lại đổ chuông.

Trên màn hình là một số điện thoại lạ nhưng anh vẫn nghe máy.

Mạnh Đề đứng cạnh chờ anh nghe điện thoại, trong điện thoại truyền ra âm thanh không rõ lắm nhưng rất ồn ào.

Tâm trạng phấn khởi ban nãy của Triệu Sơ Niên bị cú điện thoại này phá hủy, lông mày khẽ nhíu lại, nói một câu “Tôi sẽ tới ngay!” rồi cúp máy, đánh mắt sang Mạnh Đề, trên mặt là bất đắc dĩ, áy náy và đủ loại biểu cảm khác: “A Đề, lần nào cũng gặp chuyện. Bạn tôi hồi học nghiên cứu sinh tới đây công tác nhưng lại bị người ta ăn cắp tiền và điện thoại ở ga tàu hỏa, không đi đến đâu được. Đúng là dễ sống khó về!”

“Nhân hữu thất túc, mã hữu thất đề [1] mà.” Mạnh Đề rất thông cảm, “Nhưng bị trộm tiền và điện thoại đúng là rất phiền toái, nghĩ tới đã thấy nhức đầu, thầy đến ga tàu hỏa trước đi!”

[1]: ý là con người có lúc sảy chân, ngựa có lúc gãy vó.

“Không, không cần vội vàng như vậy. Tôi đưa em về trường trước.”

“Chẳng phải thuận đường, thầy đưa em về làm gì?” Mạnh Đề ngạc nhiên rồi lắc đầu: “Ga tàu vốn là nơi đông người, bạn thầy chắc đã sốt ruột lắm rồi, đừng để người ta chờ lâu quá. Em tự đi xe bus về cũng được.”

Trạm chờ xe bus chỉ cách cổng công viên trò chơi khoảng mười mét về phía bên trái, không xa lắm, Triệu Sơ Niên ngó về phía đó, trái tim cũng thả lỏng hơn, đưa tay chỉnh lại quần áo cô: “A Đề, trên đường đi cẩn thận nhé?”

“Hình như xe tới rồi, em không nói nhiều nữa, tạm biệt thầy ạ!”

Mạnh Đề tạm biệt Triệu Sơ Niên rồi chạy thẳng về phía đó, nhanh nhẹn nhảy lên xe bus. Xe bus đi một vòng quanh thành phố, đúng lúc nó đi qua một trạm chờ nào đó tại khu vực trung tâm cô chợt nhớ ra địa chỉ mà hôm qua Trịnh Nhược Thanh đưa cho, nhà anh mua nằm trong một tiểu khu, dưới cơn xúc động nhất thời cô đã xuống xe, dò dẫm đi tìm nhà.

Cô hiểu rất rõ nếu không chủ động đến nói rõ ràng với Trịnh Hiến Văn, chắc chắn quan hệ của hai người sẽ càng lúc càng căng thẳng.

Thật ra, cô không ôm bất kỳ hy vọng nào, không ngờ mọi việc lại rất thuận lợi. Không có bảo vệ ngăn cô lại, cửa ra vào khu cao ốc cũng rộng mở. Tự cổ vũ để có dũng khí tiến vào đứng trước cửa nhà. Lúc ấn chuông cũng chỉ định thử qua mà thôi, không ngờ cánh cửa được mở ra một cách nhanh chóng, hơi ấm từ máy sưởi và ánh sáng trắng chói lòa đánh thẳng vào thị giác, nhà rất sáng, trong giây lát Mạnh Đề đã cảm thấy hoa mắt, lát sau mới nhìn rõ Trịnh Hiến Văn. Hai người đều không ngờ lại gặp đối phương ở nơi này nên đều ngẩn ra.

Trịnh Hiến Văn khá ngạc nhiên với sự xuất hiện tại đây của cô, sau khi định thần lại mới nói: “A Đề, sao em lại tới đây?”

Trong giọng nói không hề thấy sự vui vẻ nào. Mạnh Đề đứng ở cửa xấu hổ vô cùng, kiên nhẫn nói: “Anh Hiến Văn, chị Tiểu Thanh nói anh dọn ra ngoài ở. Em đến thăm anh và xin lỗi anh!”

Trịnh Hiến Văn lờ câu xin lỗi của cô đi, anh cau mày: “Sao trước khi tới không gọi điện?”

“Điện thoại em hết pin…”



Trịnh Hiến Văn ừ một tiếng, vẫn đứng sững trước cửa và không hề có ý định mời cô vào nhà.

Sự không hài lòng hiện rõ trên mặt anh, còn có dáng vẻ như không chào đón. Trịnh Hiến Văn xưa nay luôn không thích người khác động chạm vào đồ đạc trong phòng mình, Mạnh Đề cắn môi chào tạm biệt: “Anh Hiến Văn, anh cứ làm việc của mình đi, em về đây!”

Trịnh Hiến Văn gật nhẹ đầu: “Ừ, lúc nào rảnh anh sẽ liên lạc với em!”

Mạnh Đề cười gượng gạo, cơn giận lần này của Trịnh Hiến Văn lớn thật, đã nhiều ngày trôi qua mà vẫn có giữ vẻ xa cách với cô. Cô buồn rầu gập người xuống, đúng lúc định đi thì lại bị gọi lại bởi một giọng nữ trong trẻo từ trong nhà truyền ra.

“Cô bé, khoan đã. Hiến văn, sao không mời người ta vào nhà ngồi?”

Mạnh Đề ngẩng đầu với vẻ ngỡ ngàng, lập tức nhìn thấy một cô gái trẻ tuổi xinh đẹp đang đứng sau Trịnh Hiến Văn, đi ra từ luồng sáng trắng kia. Nhìn thoáng qua, chị tầm tuổi Trịnh Nhược Thanh, ngũ quan long lanh, quần áo đẹp đẽ, diện chiếc áo len cao cổ màu trắng và quần jean sẫm màu.

Trịnh Hiến Văn có vẻ không vui, hỏi nhỏ: “Sao em lại ra đây?”

Cô gái được hỏi dịu dàng mỉm cười, trông rất tinh ý: “Em nghe thấy có tiếng nói chuyện nên mới ra. Không ngờ anh lại không mời người ta vào nhà, em thấy thật không vừa mắt!”

Nói xong liền nhìn sang Mạnh Đề, vẫy tay với cô, trên mặt là nụ cười tươi tắn: “Chị đoán em chính là em gái Mạnh Đề mà Hiến văn thường nhắc tới, phải không? Mau vào nhà đi!”

Mạnh Đề lắc đầu quầy quậy: “Không, không cần đâu ạ, anh chị cứ nói chuyện đi.”

“Vào đây, đừng khách sáo!”

Đứng trước hoàn cảnh đó, Trịnh Hiến Văn không tiện nói gì nữa, anh nghiêng người lôi từ tủ giày ra một đôi dép đặt lên thảm lau chân rồi quay người đi vào. Cô gái trẻ tuổi không đi theo mà khoanh tay mỉm cười đứng ở huyền quan [2], chờ Mạnh Đề thay dép rồi cười tươi kéo tay cô cùng vào trong.

[2] là khu vực tính từ cửa chính vào phòng khách.

Một người nhiệt tình và dễ quen như thế này xưa nay Mạnh Đề chưa gặp bao giờ, sau khi ngồi xuống sofa, câu hỏi đầu tiên của cô là: “Chị là…”

Chị tự giới thiệu: “Chị là Tống Trầm Nhã, là bạn của Trịnh Hiến Văn.”

Mạnh Đề vội nói: “Ồ, chào chị ạ.”

Lúc này cô mới có thời gian quan sát căn nhà của Trịnh Hiến Văn, không biết diện tích toàn bộ là bao nhiêu nhưng phòng khách rất rộng, đồ đạc rất đẹp, chiếc đàn piano hôm qua Trịnh Nhược Thanh dọn đi đang được đặt trên bậc tam cấp ở chỗ rẽ của phòng khách, có thể là do Trịnh Hiến Văn chưa kịp quét dọn nên nó vẫn được bọc kín. Mạnh Đề rất muốn giữ đúng phép tắc không được nhìn xung quanh nhưng đôi mắt thật vô dụng, trên tủ là đồ sứ Thanh Hoa[3], hoa văn và màu sắc giấy dán tường ngay cả màu sắc của chiếc bàn đều rất phù hợp với phong cách ngôi nhà, vô cùng ấm áp dưới ánh trời chiều.

[3] : Đồ sứ thanh hoa nhà Nguyên lấy đời Cảnh Đức Trấn làm đại diện, được chế tác tinh xảo đẹp mắt mà truyền thế rất ít, vì thế nên đặc biệt quý hiếm

“Căn nhà đẹp thật nhỉ?” Tống Trầm Nhã mỉm cười, “Quả nhiên là nhà của kiến trúc sư!”

Mạnh Đề ngạc nhiên nghiêng đầu sang nhìn chị: “Ơ? Sao chị biết em đang nghĩ gì?”

“Chị là bác sĩ tâm lý, đoán suy nghĩ của người khác là kỹ năng sở trường của chị!” Trên mặt Tống Trầm Nhã luôn hiển hiện nụ cười, rót nước cho cô rất có dáng vẻ của chủ nhà. Động tác thành thạo như vậy chắc chắn quan hệ giữa chị và Trịnh Hiến Văn không đơn giản. Mạnh Đề vội nói cảm ơn, uống vài ngụm nước che giấu tâm trạng rồi đặt chén lên bàn.



Sau đó mới phát hiện trên bàn có mấy chồng sách và tạp chí khá dày, đề mục là “Tâm lý học về trẻ em”, “Ký ức của trẻ em”, “Gợi mở những ký ức bị mất”, v.v, nhìn qua đã biết đều là những bộ sách chuyên ngành. Cô nghĩ mình chắc chắn không thể hiểu được nên cũng không quan tâm đến nữa, khi đôi mắt quét đến một trang sách đang mở mới phát hiện thật ra không quá khó hiểu như vậy.

Đó là những dòng chữ được khoanh tròn bằng bút đỏ.

“Có ý kiến cho rằng trẻ em không bao giờ nói dối, chúng có thể hồi tưởng một cách chính xác phần lớn quá khứ mà chúng đã trải qua và mức độ ảnh hưởng của ám thị [4] mà chúng tiếp nhận được nhất định không thể cao hơn người trưởng thành.

[4] là một loại ảnh hưởng tâm lí, điều khiển người khác hành động, suy nghĩ theo ý mình bằng các thuật tâm lý

Nhưng có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu tâm lý học cho rằng, trẻ em nhỏ tuổi thường không có khả năng phân biệt ảo giác và hiện thực, chúng dễ bị ám thị hơn, hơn nữa, trên thực tế chúng không thể đưa ra chứng cứ đáng tin cậy về những câu chuyện trong quá khứ. So sánh với những đứa trẻ lớn tuổi hơn và người trưởng thành, những đứa trẻ nhỏ tuổi dễ bị ám thị ảnh hưởng hơn và càng có khuynh hướng sinh ra bóp méo kí ức.

Những bệnh nhân là trẻ em nhỏ tuổi bị thương ở thùy trán thường có ký ức hư cấu, những bằng chứng khiến mọi người sợ hãi mà chúng tôi cung cấp đã chứng minh một kinh nghiệm chủ quan đối với một đoạn hồi ức nào đó trong quá khứ có thể vừa thuyết phục người khác nhưng vừa là sai lệch hoàn toàn…”

Quyển sách bỗng nhiên bị bàn tay ngồi bên trái cô khép lại, thổi ra một luồng gió.

Mạnh Đề ngẩng lên thấy Trịnh Hiến Văn đang ngồi trên một chiếc ghế đơn khác rướn người lên, cầm quyển sách đặt gọn lên chồng sách kia. Tầm mắt hai người không hẹn mà cùng chạm nhau.

Nhớ tới sự bận rộn của anh, Mạnh Đề ngạc nhiên hỏi: “Anh Hiến văn, hóa ra anh còn hứng thú với cả tâm lý học nữa!”

Cánh tay Trịnh Hiến Văn khoác lên tay vịn sofa, vẻ mặt nhẹ nhàng vừa phải: “Sách là của Tống Trầm Nhã, anh chỉ lật ra xem linh tinh thôi.”

“Ồ, vậy sao?”

Tống Trầm Nhã vỗ nhẹ bìa cuốn sách, thoải mái giở mấy trang: “Ừ, là sách của chị. Hôm nay đến thăm Hiến Văn nhân tiện mang sách đi luôn. Hướng nghiên cứu của chị chủ yếu là tâm lý học trẻ em.”

“Ồ!” Mạnh Đề dài giọng: “Nhất định là rất thú vị!”

“Không, tâm lý học không hề thú vị, thậm chí là bi ai!” Tống Trầm Nhã lắc đầu, đặt sách vào tay, thở dài: “Nhất là đối với trẻ con!”

Mạnh Đề không hiểu vấn đề này: “Dạ?”

“Tuổi thơ ấu là một trong những giai đoạn quan trọng nhất của đời người, tâm lý của trẻ con cũng là kỳ diệu và ngây thơ, đơn thuần nhất. Chỉ cần một chuyện nho nhỏ cũng đủ để thay đổi cả một người. Tư tưởng của trẻ con phát triển như sự sinh sôi của mầm non vậy, chỉ cần một cơn gió thổi đã có thể ảnh hưởng đến, thậm chí ngay cả ký ức cũng không chân thật nữa…”

Chuyện này càng đi càng xa xôi, Mạnh Đề nghe xong chẳng hiểu gì; Trịnh Hiến Văn im lặng nhìn hai cô gái một hồi, thở dài và lắc đầu cười nói: “Lại bắt đầu thể hiện đấy. Những kiến thức chuyên môn như thế em ấy không hiểu đâu.”

Mặt Mạnh Đề nóng ran: “Vâng, bác sĩ Tống, xin lỗi chị, làm chị đàn gảy tai trâu mất một lúc rồi, em thật chẳng hiểu gì.”

Tống Trầm Nhã kéo cô ngồi xuống cạnh mình, nụ cười chậm rãi cứng lại: “Vậy chúng ta hãy nói đến một vụ án có thật, vừa nãy chị và anh Hiến Văn của em đang thảo luận về vụ án này. Thế nào, em có muốn nghe không?”

Mạnh Đề gật đầu liên tục: “Dĩ nhiên rồi ạ.”

Bạn đang đọc truyện trên: Dtruyen.com

truyện bách hợp
truyện sắc
truyện full

Nhận xét của độc giả về truyện Cuộc Đời Thật Hạnh Phúc

Số ký tự: 0

    Bình luận Facebook